Lưu trữ Blog

25 tháng 6, 2009

Bố cũng là người Thầy dạy tôi về cách sống



HOCMOINGAY. Thu Yên đã kể chuyện về Bố thật giản dị và xúc động: "Bây giờ có người vẫn ước ao giá như có được những người làm việc như ông trước đây... Hình ảnh ông với chiếc mũ rơm xông xáo trên cánh đồng khi bom Mỹ thả xuống giết hại bà con, và những câu chuyện khi họ gặp khó khăn được ông giải quyết có tình có lý; những người con mồ côi khi người cha đi chiến đấu không trở về cũng được địa phương quan tâm giúp đỡ. Ngay chuyện trong gia đình, nhiều chuyện chỉ sau khi ông mất chúng tôi mới được biết, và tôi thật sự xúc động khi người anh họ bên ngoại kể cho chúng tôi về sự giúp đỡ cưu mang của ông... Mỗi câu chuyện về ông là một bài học qúy giá cho chúng tôi. Cuộc sống bình dị, tự tin của ông đã để lại như một bài học. Bố cũng là người thầy dạy chúng tôi về cách sống và chúng tôi luôn tự hào về người Bố của mình" (Bố T.Y mặc áo trắng đứng sau bác Trường Chinh. Trong ngày giỗ, xin thắp nén hương để tưởng nhớ Người)



Bố tôi mồ côi từ nhỏ, sau khi ông bà nội tôi qua đời, chuyện ma chay thời phong kiến không đơn giản nên nhà cửa cũng phải bán. Bố tôi đi ở cho một nhà giàu ở ngay làng ven đô đó. Một lần vô tình ông đánh đổ bát điếu của sòng bạc. Bố tôi bị đánh một trận đòn. Ngay ngày hôm sau, Bố bỏ cậu ấm con nhà giàu ở nhà một mình và trốn khỏi làng. Cậu ấm chỉ phải ở nhà một mình thôi và khóc vì sợ, thế là cả họ tìm Bố tôi ráo riết ...

Lúc đó ông xuống làng Bưởi và được một người chủ xưởng giấy quý mến vì tính nhanh nhẹn và thông minh. Ông vừa làm vừa học nghề làm giấy bản ,một nghề rất vất vả. Chỉ năm 24 tuổi, ông đã quay trở về làng mở xưởng giấy và tạo điều kiện cho bà con lối xóm có công ăn việc lám. nhất là năm 45, ông đã cưu mang rất nhiều người qua nạn đói.

Cùng với công việc kinh doanh, cũng như bao người lúc đó, Bố tôi tham gia hoạt động cách mạng. Cơ sở của Bố tôi bảo vệ Bác Trường Chinh về làng hoạt động và xưởng giấy cất giữ tài liệu. Khi bị bại lộ, xưởng giấy của ông hoàn toàn bị phá sản.

Ông chuyển sang hoạt động du kích

Chuyện tình duyên của Bố tôi cũng thật đặc biệt. Bố tôi lấy vợ tảo hôn, khi cưới Bố mới mười một tuổi và Mẹ tôi mới lên 9 tuổi. Sau khi cưới, ông bà nội lần lượt qua đời. Hai người còn quá nhỏ nhưng hoàn cảnh éo le đã gắn bó hai người. Sau này, Mẹ tôi sinh toàn con gái. Thời ấy, lấy vợ lẽ thật đơn giản, nhất là Bố tôi là chủ xưởng giấy. Ông đẹp và tài ba, người có nét hoàn hảo như ông cũng hiếm, nhưng ông không lấy ai, mặc dù Mẹ tôi đã có nhã ý để ông lấy người bạn của mình. Mẹ tôi nói thời đó phong kiến nên lấy vợ lẽ để có con trai là chuyện bình thường.

Kể cả sau này Mẹ tôi mất trước Bố tôi hơn hai mươi năm nhưng ông vẫn đứng vậy. Lúc đó ông làm bí thư đảng ủy của xã, nhiều người gán ông với mấy cô công tác cùng trong huyện nhưng ông chẳng để ý. Những ngày cuối cùng, Bố tôi không ốm đau gì cả chỉ như cây đã héo nên ông rất tỉnh táo. Sáng nào, ông cũng hỏi hôm nay là ngày bao nhiêu. Chúng tôi biết ông muốn qua một cái giỗ của Mẹ tôi, nhưng ông đi trước một ngày.

Từ đó hai ngày liền giỗ Bố và Mẹ, dù bận mấy chúng tôi cũng nghỉ và làm giỗ. Một ngày mời khách và một ngày chỉ có con cháu trong nhà. Bố Mẹ tôi không có con trai, nhưng các cháu ngoại thì cũng được dăm cậu là con tria và lúc gặp nhau vào ngày giỗ tết chúng thường tranh nhau nhận mình giống ông ngoại nhất. Và cũng vào những ngày giỗ, chúng tôi thường được nghe bạn bè của ông và bà con lối xóm nói chuyện về ông nhiều lần được cất nhắc lên thành phố làm việc nhưng ông không đi.

Chúng tôi hiểu cái làng quê nhỏ bé thân thương vùng ngoại ô,nơi ông đã có lần bỏ làng mà ra đi ... bây giờ ông muốn xây dựng bằng chính khả năng của mình.

Có một bác hàng xóm, cứ đến ngày giõ đến thắp hương và đứng bên bàn thờ kể chuyện với Bố Mẹ tôi đủ thứ chuyện, cứ như thể Bố Mẹ tôi nghe được hết...

Bây giờ có người vẫn ước ao giá như có được những người làm việc như ông trước đây...Hình ảnh ông với chiếc mũ rơm xông xáo trên cánh đồng khi bom Mỹ thả xuống giết hại bà con, và những câu chuyện khi họ gặp khó khăn được ông giải quyết có tình có lý; những người con mồ côi khi người cha đi chiến đấu không trở về cũng được địa phương quan tâm giúp đỡ.

Ngay chuyện trong gia đình, nhiều chuyện chỉ sau khi ông mất chúng tôi mới được biết, và tôi thật sự xúc động khi người anh họ bên ngoại kể cho chúng tôi về sự giúp đỡ cưu mang của ông với gia đình bên ngoại.

- Lúc bấy giò làm gì ai có mà mua đất làm nhà, chỉ có ông là có điều kiện thôi, nhưng ông không bao giờ cho ai biết và hoàn toàn lấy tên các cụ mua cho con thôi ...

Và tôi cũng hiểu tình cảm của anh con bác tôi đối với Bố tôi rất kính trọng nhất là những ngày chúng tôi mỗi người mỗi ngả và những lúc bố tôi đau yếu.

Mỗi câu chuyện về ông là một bài học qúy giá cho chúng tôi. Cuộc sống bình dị, tự tin của ông đã để lại cho chúng tôi như một bài học. Bố cũng là người thầy dạy chúng tôi về cách sống.

Và chúng tôi luôn tự hào về người Bố của mình.

Thu Yên

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi