Lưu trữ Blog

28 tháng 7, 2009

Giống cây ăn quả bản địa đặc sản: Giải pháp hợp lý đạt lợi thế cạnh tranh



GS.TS. Nguyễn Văn Luật

HOCMOINGAY. Khi quan sát các sạp hàng, siêu thị..., chúng ta thấy có nơi có lúc trái cây nhập nội chiếm lĩnh thị trường; và có khi lại là trái cây nội địa, nhất là ở chợ quê, chợ nổi. Nhưng khi đến các nhà vườn, nhất là đến các miệt vườn cây ăn quả Nam bộ, phần lớn người làm vườn chọn giống cây bản địa để trồng, không chỉ do dễ trồng, dễ mua cây đúng giống, mà còn dễ bán ở những chợ gần chợ xa, đối với trái cây có thương hiệu cũng như chưa có. Vì hiện nay, nhiều trái cây nhập nội thua xa bản địa về chất lượng, như bưởi, sầu riêng, xoài, vải, nhãn.. Nếu liên hệ với nhiều loài cây trồng khác, như cây lúa với giống Tám xoan, Nàng thơm chợ Đào.., chúng ta có thể có lý giải mang tính thuyết phục cao: yêu cầu chặt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các loài cây, nhất là đối với giống cây bản địa đặc sản Ảnh Hoàng Kim: Vườn ươm mận An Phước).

Trong những dịp đi nước ngoài tham quan học tập nghiên cứu sản sản xuất cây trồng hiệu quả cao, tôi cũng thấy như ở nước ta chủ yếu dùng giống cây ăn quả bản địa, mặc dầu bạn có nhập một số giống bản địa của ta, như Thái Lan trồng khá phổ biến ổi xá lị, thanh long, vú sữa Lò rèn…Chủng loại các loại giống cây ăn quả bản địa đang chiếm ưu thế về số lượng cũng như chất lượng đặc trưng. Ở các miệt vườn Nam bộ, tỷ lệ trồng giống bản địa áp đảo giống cây nhập nội, tới 70-80% và hơn, tựa như giống lúa mới tạo chọn trong nước ở ĐBSCL, hiện chiếm khoảng 80% diện tích.

Nhận xét của Gs.Vs. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam về việc chọn tạo giống mới và nhân giống cây ăn quả, các loại rau, hoa là trên cơ sở những số liệu từ cơ quan chức năng: từ năm 1977 đến 2004 chỉ có 144 giống và cây đầu dòng được chọn tạo, trong đó có 35 giống rau các loại, 22 giống cà chua, 9 giống hoa, 6 giống nhãn, 4 giống vải, 7 giống cam, 5 giống xoài, 3 giống chôm chôm, 8 giống dưa hấu, và 12 các giống khác, như sầu riêng, măng cụt, khế, mận, táo, ổi, dứa. Thành tựu trên còn ở mức khá “khiêm tốn” so với khu vực và thế giới. Như vậy, ngành rau, hoa, quả (horticulture) chưa được quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước, Nhà khoa học, và Nhà doanh nghiệp. Còn nông dân đâu có điều kiện làm được, mặc dầu họ là người lưu giữ trong vườn cây bản địa đặc sản từ nhiều năm, nhiều đời.

Khi khảo sát thống kê trong sản xuất thì thấy vấn đề có khác, vì có nhiều giống được công nhận, nhưng chưa được nông dân sử dụng. Giống rau bản địa bị “xói mòn” nhiều, có lẽ chỉ còn lại mấy cây như sả, gừng, riềng, còn đến 90 % là giống rau nhập nội cho sản xuất hàng hóa. Nhiều loài rau bản địa có dược tính cao tuy chưa thành hàng hóa phổ biến, nhưng rất phong phú, có nơi là đặc sản, như: “Thiên lý nấu với cua đồng, Lờ lờ có kẻ mất chồng như chơi “, hay “Bông chuối gỏi thịt kỳ tôm, Coi chừng bà xã chôm chồng người ta”. Cũng như vậy đối với cây ăn quả bản địa, nếu có sự đầu tư đúng mức thì có thể tuyển chọn được nhiều cây đầu dòng hơn, có nhiều vật liệu di truyền hơn.

PGS.TS. Nguyễn Bảo Vệ đã nói đúng là thời gian tạo chọn giống cây ăn quả đòi hỏi hàng chục năm, như ở Nhật Bản mà chúng tôi có tới tham quan là 15 – 17 năm, mà thời gian đề tài/ dự án như đối với cây ngắn ngày có vài ba năm là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu đã có vật liệu di truyền đầy đủ, có điều kiện tạo chọn tốt, đã bắt đầu làm từ hàng chục năm, thì rồi năm nào cũng có thể giới thiệu giống mới. Như tôi biết, có những dự án về giống lúa với vốn cấp hàng tỷ đồng, thời gian dự án có vài năm. Với thời gian này nếu bắt đầu làm chỉ có thể ra được dòng. Nhưng thời gian dự án lại là hợp lý, vì chỉ dành cho nhà khoa học đã có quá trình làm, khi có dự án sẽ mở rộng phạm vi, đẩy nhanh tiến độ theo hướng đạt mục tiêu của dự án là có vài ba giống mới được công nhận. Và cứ thế, thế hệ tạo giống sau kế thừa thế hệ trước, chứ đâu có “chụp giật” được. Nhà khoa học có trách nhiệm xuất vấn đề, đề xuất đề tài/ dự án, chứ nay đâu có thiếu vốn cho nghiên cứu, năm nào cấp Nhà nước cũng như cấp tỉnh đều dư vốn nghiên cứu, mặc dầu thủ tục còn rươm rà.

Thăm một số cơ sở nghiên cứu rau hoa quả chính, tôi đều thấy những bước cơ bản của một quá trình tạo chọn giống đang được thực hiện, và đã giới thiệu ra sản xuất được nhiều giống tốt. Tại cơ sở chính ở tỉnh Phú Thọ của Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miều núi phía Bắc, ngoài những vườn giống cây ăn quả đặc sản đầu dòng rộng lớn, còn cả những vườn rau bản địa hoang dã dược tính cao, như cây rau bò khai chữa tiểu đường, dàn cây thuốc an thần lạc tiên bước đầu mang tính sản xuất hàng hóa..

Ở Trung tâm Nghiên cứu Cây Ôn đới Sa Pa của Viện trên có nhiều loài rau hoa quả ôn đới, như đào, lê, mận. Nghiên cứu sản xuất đang hướng tới thị trường, như mùa hè trồng rau ôn đới xu xu, cà chua.., chuyển xuống đồng bằng thành trái vụ giá cao; nhiều loài hoa cao cấp ôn đới hiếm có, như gần trăm chậu hoa địa lan “Kiếm hồng hoàng” hoành tráng, có giá vài bốn chục triệu đ/ chậu.

Ở Viện Rau Hoa Quả Dâu tầm Trung ương đóng tại Châu Qùy Hà Nội, đã có nhiều tập đoàn với ba bốn trăm cây bản địa đầu dòng như chuối, đu đủ.., được quản lý tốt để tuyển lựa và tạo chọn giống mới. Hàng ngàn m2 nhà có điều khiển khí hậu đặt chậu phong lan với quy trình công nghệ cao cho hoa nở tập trung bán vào dịp Tết. Viện này đã chuẩn bị giới thiệu mạnh ra sản xuất một số giống mới do Viện tạo chọn, như cam không hạt đặc sản, giống hoa qúy.. và nhiều quy trình và kỹ năng, như quy trình sản xuất rau an toàn, kỹ năng cắt vòi hoa loa kèn cho nhị đực nhị cái dễ tiếp xúc nhau...

Viện Cây ăn quả miền Nam có trụ sở tại Long Định, Tiền Giang cũng có những vườn cây ăn quả đầu dòng đặc trưng của vùng như xoài cát Hòa Lộc, cam quýt, thanh long.., có cả một bệnh viện trái cây, có cơ sở tốt để đào tạo nông dân và khuyến nông viên. Viện này đã lai tạo thành công và đưa ra sản xuất một số giống thanh long ruột tím đỏ..

Còn khá nhiều cơ sở có nghiên cứu sản xuất quả rau hoa trong và ngoài hệ thống Nhà nước, như cơ sở của GS. Trần Quang Thạch và PGS Nguyễn Thị Trâm ở Đại học NN 1, của TS Bùi Xuân Khôi ở miền Đông Nam Bộ, của nhiều địa phương, của nghệ nhân ở Đà Lạt, ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.. Nếu có đề tài/ dự án hay nguồn kinh phí nào đó quy tụ đội ngũ “hùng hậu” trên, chắc chắn sẽ có hiệu quả kinh tế xã hội, ít nhất là có điều kiện học tập lẫn nhau.

Cây đúng giống đang là vấn đề có mức độ bức xúc nhất cho sản xuất trái cây hàng hóa, hơn loại giống. Bởi vì, đã có sẵn nhiều loài bản địa đặc sản được chuyên gia quốc tế xếp vào hàng đầu, phù hợp với nhận xét của người tiêu dùng trong nướci. Ở vùng miền nào cũng có giống trái cây đặc sản nổi tiếng, như bưởi Đoan Hùng, cam Bố Hạ, cam xã Đoài, chuối Ngự Huế, chôm chôm Đồng Nai, dừa sáp Cầu Kè, xoài cát Hòa Lộc, .. Trách nhiệm chính xây dựng hệ thống nhân giống cho sản xuất là địa phương và doanh nghiệp, để loại trừ giống dởm, và có đúng giống kịp thời bán cho người trồng.

Cần tôn vinh hơn nữa những nông dân phát hiện trong sản xuất và giữ được cây tổ đặc sản lâu năm, truyền đời, như cụ Mười Tước giữ bưởi Năm gioi ở Vĩnh Long, về sau có bưởi da xanh ngon hơn bưởi 5 gioi, do ông Ba Rô ở xã Thanh Sơn, huyện Mỏ Cày; ông Chín Hóa giữ giống sầu riêng hạt lép ở chợ Lách, Bến Tre..

Thật không công bằng nếu như bỏ qua những chuyên gia phát hiện ra những nông dân trên, giúp họ cải thiện kỹ thuật, rồi tổ chức quảng bá ra sản xuất, do đó nhiều nông dân có giống cây tổ từ diện nghèo khổ nhà lá thành tỷ phú nhà đúc khang trang do bán cây giống. Trong phạm vi bài này, xin được vinh danh 2 vị: Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu đến tuổi 80 mà hầu như mỗi năm đi hàng tháng trời đến các vùng miền gặp gỡ những nông dân như trên, kết hợp với việc củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Hội VAC. Chủ tịch có thể nói hàng buổi phổ biến kinh nghiệm sản xuất trái cây từ những kỹ thuật, kỹ năng đúc kết được. Người thứ hai là TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CAQ miền Nam.

TS Châu cùng với các chuyên gia của Viện đã đến nhiều miệt vườn phát hiện những nông dân có cây tổ, giúp nông dân hoàn chỉnh kỹ thuật, và làm nhiều việc khác mới phát huy được cây giống, làm cho nhiều nông dân giàu có, mà không nhận một chút gì cho mình. Trước đó, ngay người có trồng cây đó trong vườn nhà mình mà cũng không biết, nên vẫn nghèo khổ. Đồng thời, những chuyên gia trên cùng với nông dân hoàn thiện nhiều kỹ thuật, kỹ năng, như trồng ổi xen trong vườn cam quýt để đuổi rầy chổng cánh truyền bệnh virus vàng bạc, cách chọn cành tỉa lá cho bưởi da xanh ra trái vụ, dùng dụng cụ đơn giản chụp chùm nụ hoa bưởi cho đến khi hình thành quả non để có bưởi không hạt, nhiều kỹ thuật khác, như khi chăm bón không động đến rễ cây, “tắm rửa” cho cây bưởi.....

Nguyễn Văn Luật
(Bài viết do tác giả gửi)

23 tháng 7, 2009

Thông tin chuyên đề về chấn hưng giáo dục, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học



HOCMOINGAY. Tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền Giáo Dục nói chung và đặc biệt là nền Giáo Dục Đại Học. Từ xưa tới nay, trình độ dân trí cao được xem là một biểu hiện về sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của một quốc gia. Thực vậy, nếu coi khoa học và kỹ thuật là động lực phát triển kinh tế, xã hội thì giáo dục là chìa khóa của khoa học và kỹ thuật. Các nước đang phát triển nhìn giáo dục như là một đòn bẩy phát triển kinh tế và xã hội, nhưng các nước đã phát triển thấy giáo dục là một phương tiện chiến lược để duy trì sự thống trị của họ trên trường quốc tế . Đối với các nước này, nhất là Mỹ, sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa và sự cạnh tranh công nghiệp gay gắt tiếp theo đó, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế đã nhận ra rằng họ đang bị mất dần sự độc quyền về công nghiệp nặng và kỹ nghệ xe hơi; do đó, muốn duy trì uy thế tối cao của họ trước đây, họ cần phải nắm độc quyền những "kỹ nghệ tri thức" ( knowledge-based industries ) như kỹ nghệ máy tính, điện tử, không gian, viễn thông, và công nghệ sinh học. Những kỹ nghệ này đặt trọng tâm vào nguồn vốn trí tuệ, mà giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là nguồn cung cấp chính. Thông tin chuyên đề về chấn hưng giáo dục, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học do trang http://niemtin.free.fr/vngiaoduc.htm thu thập, chọn lọc và giới thiệu.

22 tháng 7, 2009

Con gái Đại tướng



HOCMOINGAY Yến Anh, Lương Bích Ngọc (trên Báo Người Lao Động điện tử) và Hồng Thái (trên báo Công An Nhân Dân Online) đã viết những lời cảm động trước sự ra đi về chốn vĩnh hằng của GS-TS Võ Hồng Anh con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà là nhà khoa học giản dị, biết thương người khổ, người chị chân thành, người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 1988. Bà cũng là tác giả, đồng tác giả của hơn 50 công trình về những vấn đề khác nhau của vật lý được công bố trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế và trong nước. (GS.TS. Võ Hồng Anh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ảnh T.Thanh)

CON GÁI ĐẠI TƯƠNG

Yến Anh

(NLĐ) GS-TS Võ Hồng Anh luôn luôn nhủ lòng “người ta không có quyền núp bóng cha mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình” Khi nghe tin GS-TS Võ Hồng Anh ra đi, nhiều người bạn của bà bàng hoàng, dù mọi người đều biết bệnh tim đã hành hạ bà từ nhiều năm qua.

Một nhà khoa học giản dị

Là một nhà khoa học, lại là con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng những người tiếp xúc với GS Võ Hồng Anh đều có chung ấn tượng bà là một người rất giản dị. Trong một lần tâm sự với nhà báo Lương Bích Ngọc, GS Võ Hồng Anh trải lòng rằng bà luôn cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà Đại tướng dành cho bà qua cách cư xử hằng ngày của ông, rõ nhất là sự khắt khe. Vì với Đại tướng, yêu thương không có nghĩa là cưng chiều.

Bà kể hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng Đại tướng bảo mẹ của bà "cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Lúc đó, GS phải lấy đôi ủng (cao lút cả hai chân) của Đại tướng đi ra ruộng rau với bước chân không thẳng. Rồi khi bà Anh mới học lớp ba, lớp bốn, Đại tướng đã bảo bà đọc cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi của bác Trường Chinh...

Trong một lần trò chuyện khác, GS Võ Hồng Anh tâm sự trong bà, niềm tự hào về ba không bao giờ tách rời niềm tự hào về Tổ quốc và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm của mình. Mong muốn của bà là sống xứng đáng với ba mẹ nhưng bằng sức lực tình cảm, bằng trí tuệ của riêng mình.

Hơn 50 công trình (đứng tên một mình hoặc đồng tác giả) về những vấn đề khác nhau của vật lý các môi trường (chất rắn, chất lỏng, plasma) được công bố trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế và trong nước của GS Võ Hồng Anh đã phần nào chứng minh sự nỗ lực không ngừng của bà.

Với GS Võ Hồng Anh, nếu vị trí của cha mẹ đem lại niềm cảm thông, quý mến của những người xung quanh (kể cả cách nhìn nhận khắt khe) thì đó cũng là cái lộc mà ta được hưởng. Nhưng bà luôn luôn nhủ lòng: “Nngười ta không có quyền núp bóng cha mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình”.

Biết thương người khổ

Nhiều người nhận xét nụ cười của GS Hồng Anh là nụ cười cô đơn đầy nỗi buồn. Nhà báo Hồng Hiếu, Đài Truyền hình Quảng Bình, một người bạn vong niên thân thiết với GS Hồng Anh, có lần tâm sự: GS Hồng Anh đã kể rằng khi bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, mẹ bà căn dặn người thân “làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không chỉ biết khổ mà còn biết thương người khổ”.

Có lẽ vì lời dặn ấy mà mỗi khi về Quảng Bình, GS Hồng Anh đều đến Trường Đại học Quảng Bình, Trường THPT Đào Duy Từ... nói chuyện với các em học sinh, sinh viên.

Những câu chuyện của bà, dù rất giản dị nhưng luôn để lại ấn tượng sâu sắc về học tập, tu dưỡng nhân cách. Bà luôn dặn lớp con cháu làm thế nào để đi đâu người ta cũng biết mình là người Quảng Bình.

Mỗi lần về quê, dù đã khuya, GS Hồng Anh vẫn thích đi ăn những món bánh quê, nói chuyện quê mình, về những điều được, chưa được rồi sau đó thưa chuyện lại với Đại tướng để ông báo lại với lãnh đạo tỉnh.

Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được tặng giải thưởng Kovalevskaia

GS - TS Võ Hồng Anh, sinh năm 1941 tại Quảng Bình, là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuối năm 1954, bà học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam Moscow, sau đó thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Moscow, theo học khoa vật lý (bộ môn lý thuyết lượng tử) và tốt nghiệp đại học vào năm 1965.

Năm 1969, bà Võ Hồng Anh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ toán - lý về lý thuyết plasma, sau đó, năm 1969-1971, bà làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubma, Liên Xô (cũ) - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Năm 1972, bà về nước làm việc tại Viện Vật lý Hà Nội. Năm 1979, bà trở lại công tác tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubma và năm 1982 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán- lý về đề tài “Lý thuyết tác động tham số của bức xạ điện tử mạnh lên các tinh thể...”.

Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý VN được tặng giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1988.

Yến Anh

Người chị chân thành

Lần đầu tiên tôi được phân công phỏng vấn Tướng Giáp cho số báo Tết năm 1998. Báo ra trước Tết, sau Tết, tôi gặp chị Hồng Anh tại nhà tiến sĩ toán học Đỗ Long Vân trong bữa cơm tân niên của gia đình nhà toán học.

Khi chủ nhà giới thiệu từng người, đến lượt tôi, chị Hồng Anh cười: "Tôi biết bạn, còn bạn chỉ biết ba tôi thôi". Tôi ngạc nhiên: “Ba chị là ai?”, mọi người cười ồ lên vì sự ngơ ngác của tôi, nhưng chị bảo: “Chúng ta là đồng hương...”. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Võ Hồng Anh là xinh đẹp, sinh động và hoạt khẩu.

Trong một dịp khác, tôi đề nghị phỏng vấn chị, với tư cách là một nhà khoa học nữ, là con gái Tướng Giáp. Lúc phỏng vấn, tôi có ấn tượng đặc biệt về sự kỹ lưỡng của nhà khoa học này, chị giúp tôi tiếp cận tư liệu, giúp tôi sửa từng câu, chữ, sửa rất nhiều lần đến mức có lúc tôi phát bực. Nhưng chị lại động viên: “Em viết chưa hay, đừng vội mới có bài báo hay...”.

Vì công việc làm báo, hình như đôi lần, tôi làm chị không vui. Thế nên, hôm nghe tin chị ốm, tôi cứ chần chừ mãi, sợ thấy mình, chị buồn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế mà hôm tôi đến - là ngày đầu tiên chị tỉnh - chị thoáng cười khi nhận ra tôi.

Tôi định cầm tay chị, có người ngăn lại vì bị bác sĩ không cho phép, nhưng chị ra hiệu cầm tay tôi... Thế rồi, vừa đi công tác về, nghe tin chị đã ra đi. Tôi ngồi xem lại những bức ảnh, đọc lại bài trò chuyện của hai chị em năm nào, đọng mãi vẫn là hình ảnh người chị đồng hương xinh đẹp, nồng hậu, thông minh, chân thành và gần gũi.

Lương Bích Ngọc (Trưởng Ban Điện tử Bee.net.vn)


GS.TSKH VÕ THỊ HỒNG ANH - LẶNG LẼ DÂNG HIẾN, LẶNG LẼ RA ĐI

Hồng Thái

CAND Online. Ngày 21/7/2009 giới khoa học Việt Nam vừa vĩnh biệt đưa tiễn GS.TSKH Võ Hồng Anh về cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương một tài năng và nhân cách lớn. Là người con duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, bà Võ Hồng Anh phấn đấu bền bỉ từ thiếu sinh quân trở thành một GS.TSKH Toán - Lý tài năng, được tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 1988. Bà là một người giàu nghị lực, lặng lẽ sống và dâng hiến…

Chúng tôi có may mắn được tiếp xúc, làm việc với GS. TSKH Võ Hồng Anh nhiều lần tại nhà riêng của bà tại phố Hoàng Diệu, Hà Nội cũng như ở Toà soạn Báo CAND ở 66 Thợ Nhuộm.

Nghe danh bà đã lâu, biết bà là con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh, nhưng những lần được làm việc với bà luôn để lại trong lòng chúng tôi sự khâm phục và kính trọng. Là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng khi được trò chuyện với bà, nhiều người đã đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác bởi giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát với sự diễn đạt chính xác đến từng chi tiết ẩn sâu trong tầm tư duy giàu hình ảnh, giàu ngôn ngữ như một nhà văn. Ở bà luôn toát lên sự khiêm nhường, nhưng đó là sự khiêm nhường của một con người giàu nghị lực, ý chí vượt khó, biết làm chủ tài năng của mình.

GS.TSKH Võ Hồng Anh tại nhà riêng (năm 2008). Ảnh: Minh Trí.


Đến bây giờ, nhiều người thật khó cắt nghĩa được ở vào hoàn cảnh sống thiếu thốn sự chăm sóc của người mẹ và người cha phải lo việc nước, bà Võ Hồng Anh đã tự lập sống như thế nào để vươn lên thành một nhà khoa học tài năng.

Mẹ bà, nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột của chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai) hy sinh trong nhà giam Hỏa Lò năm 1944 lúc Võ Hồng Anh mới 2 tuổi, cha lại đang ở Trung Quốc, mãi tới sau Cách mạng Tháng Tám 1945, bà mới biết mặt người cha.

Có lần tâm sự với chúng tôi, bà Võ Hồng Anh nói rằng, bà nhớ da diết những năm tháng tuổi thơ của mình là sống với bà nội ở Quảng Bình và những lần sơ tán, chạy giặc từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An… Sống trong sự đùm bọc, chở che của những người dân khu 4 thời gian khó chống thực dân Pháp, những củ sắn, củ khoai, mái tranh mái rạ của những người dân quê nghèo thủy chung đã nuôi lớn dần ý chí tự lập của bà. Chưa đầy một tuổi đã cùng mẹ tiễn cha bí mật sang Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mãi đến năm 1946, Võ Hồng Anh mới gặp lại cha mình.

Đó là lần gặp đầu tiên năm 1946, Võ Hồng Anh đã không nói một lời nào với cha, dẫu trong suốt thời gian xa cách ấy, bà đã luôn nghĩ về ba với niềm tự hào trong trẻo nhất, lòng tin yêu máu thịt nhất. Bà kể: "Năm 1946, khi tôi được gặp ba lần đầu, trong dịp ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới (Quảng Bình) trên đường đi kinh lí Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ba bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: Có nhớ, có thương ba không?"…

Và lần thứ hai vào năm 1951, sau chiến thắng của ta ở chùa Non Nước (Ninh Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương, Nghệ An thăm hai bà cháu. Lúc đó ba có hỏi gì, bà cũng lặng thinh. Kể cả lúc ba đèo con gái bằng xe đạp lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của bà, dọc đường ba lại hỏi: "Con có nhớ ba không?", bà cũng im lặng trong tiếng xích xe đạp lạo xạo đường quê…

Những chi tiết như thế báo hiệu đã hình thành ở bà một cá tính gan góc, lối tư duy tự lập phù hợp với một nhà khoa học tương lai. Có lẽ ba cũng từng xa xót do bận việc nước mà không có thời gian chăm sóc con thơ, thương con hơn ai hết nên ba rất hiểu tính khí đặc biệt của con gái, nên giữa hai cha con hình thành nên sự hiểu nhau không cần lời… Hay nói một cách khác, đó là những thông điệp không lời.

Nhiều người tiếp xúc, làm việc với bà Võ Hồng Anh đều có chung một nhận xét, dường như chưa bao giờ bà có ý coi mình là con gái của vị tướng lừng lẫy. Bà tự làm tất cả mọi việc trong sự thiếu vắng tình yêu người mẹ.

Bà từng cùng bà nội đi bộ từ Thanh Chương, Nghệ An ra chiến khu Việt Bắc những năm cuối kháng chiến chống Pháp để sống bên người cha. Hơn 10 tuổi đã nghe lời cha đọc thuộc lòng tập sách "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của bác Trường Chinh (sau này học lớp 4 ở Quế Lâm, Trung Quốc, Võ Hồng Anh đã làm một bài luận phân tích tác phẩm này đạt điểm 10). Bà cũng từng nghe lời ba đi đôi ủng cao ngập chân cùng các chú bộ đội trồng rau, tăng gia sản xuất.

Có lần bà tâm sự với chúng tôi, bà hiểu vì sao ba luôn khắc ghi vào tim lời Bác Hồ dạy ở Pác Bó vẻn vẹn có 4 chữ "Dĩ công vi thượng". Nghĩa là làm việc gì mà đặt việc công lên trên hết thì sẽ thành công, sẽ vượt qua mọi thử thách, sẽ giữ tấm lòng son trong sáng. Phải chăng với những cảm nhận sâu xa như vậy đã thôi thúc bà bền chí tự lập, phấn đấu không mệt mỏi trở thành một nhà khoa học nữ tài năng, đầy cá tính.

Sau kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng Anh được chọn cử sang Liên Xô để học tập. Năm 1965, bà tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Moskva (MGU). Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý tại Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu vật lý hạt nhân thuộc Trường Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô. Và đến năm 1982, bà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý tại Hội đồng Khoa học Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô.

Có lần chúng tôi đã từng hỏi, vì sao bà lại chọn học khoa học vật lý, một ngành khoa học hết sức trừu tượng để theo đuổi suốt cuộc đời khi mà biết chắc rằng việc áp dụng kết quả nghiên cứu đó ở Việt Nam sẽ rất khó khăn. Bà nói rằng, bà lựa chọn là do có lần ba đã gợi ý. Có thể lúc đầu bà theo học Vật lý hạt nhân nguyên tử là do yêu cầu của ba, nhưng về sau bà càng ý thức được rằng, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, thành công trong khoa học, rèn luyện nhân cách của bà cũng là một cách làm theo tâm nguyện mà bức thư của mẹ Nguyễn Thị Quang Thái đã nhắn cho con gái năm 1944 "Hồng Anh phải không biết khổ, nhưng phải biết thương người nghèo khổ"…

Phải chăng bà chọn khoa học Toán - Lý là muốn vươn tới giải phóng, giúp đỡ không chỉ cho một người phụ nữ cụ thể mà muốn cho cả một giới phụ nữ Việt Nam nói chung. Sự dâng hiến ấy luôn lặng lẽ, lặng lẽ như cá tính của bà hình thành từ tấm bé… Lặng lẽ như có lần bà bất ngờ đến Toà soạn Báo CAND để trao tặng số tiền của gia đình Đại tướng ủng hộ xây đài tưởng niệm Ka Nắk tại tỉnh Gia Lai.

Lần đó, được biết Báo CAND kêu gọi các doanh nghiệp và bạn đọc cả nước chung tay quyên góp xây Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh ở Ka Nắk, một buổi chiều bà Võ Hồng Anh đã cùng Giáo sư Đặng Bích Hà và người em gái đi taxi đến tận toà soạn gặp chúng tôi trao số tiền tình nghĩa ấy. Cầm những đồng bạc với nhiều mệnh giá khác nhau, đồng mới đồng cũ, mấy nhà báo chúng tôi thật khó cầm lòng trước tấm lòng bình dị ấy của bà và gia đình Đại tướng. Hôm nay lại càng xa xót hơn vì Báo CAND cùng tỉnh Gia Lai chuẩn bị khánh thành tượng đài tưởng niệm Ka Nắk cuối tháng 7 này thì GS. TSKH Võ Hồng Anh đã đột ngột ra đi…

Đối với những người làm báo Công an chúng tôi, sự ra đi đột ngột của GS. TSKH Võ Hồng Anh đã mang theo những ký ức và niềm tiếc nuối bởi những bài báo, những dự định dang dở. Gần hai năm nay, bà vẫn cân nhắc từng chi tiết để chỉnh sửa bản thảo bài viết của chúng tôi về tình cảm cha con - những thông điệp không lời giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà.

Bà chưa đồng ý cho công bố bài viết này vì chưa đồng tình với tít bài "Tôi đã giúp cha tôi những lúc nào", bởi theo bà chuyện con chăm sóc cha mẹ ấy là đạo hiếu thiêng liêng, không có gì phải kể. Do quá mải mê công việc, những lần bà hẹn đến làm việc để chỉnh sửa bản thảo này đã không được chúng tôi thu xếp, nay bà ra đi thật ân hận xiết bao.

Cũng với niềm ân hận ấy, nhà thơ Hồng Thanh Quang có kể rằng, bà hẹn anh nhiều lần để được tặng bản dịch bài thơ của một cô gái Nga mà Hồng Thanh Quang dịch trong lễ kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười tại Hà Nội, nhưng cứ hẹn mãi, hẹn mãi, hẹn đến lúc bà ra đi mà chưa kịp tặng được bản dịch ấy… Xin Bà hãy cho phép, bài viết nhỏ này như một nén hương cáo lỗi với GS. TSKH Võ Hồng Anh


Hồng Thái

5 tháng 7, 2009

Bạn và tôi. Hai nhà văn già và một cô gái trẻ

HOCMOINGAY Báo SGTT.COM.VN ngày 4.7.2009 có bài "Bạn và tôi" ghi lại những nhàn đàm thấm thía, sâu sắc của Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Ngọc Trân và Thạch Thảo. Đồng thời cũng có bài viết khá hay "Hai nhà văn già và cô gái trẻ" của Minh Nguyễn viết về Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư và Trang Thế Hy. Một Nguyên Ngọc với “Chất tinh tuý và sang trọng của sự thô mộc một cách tự do”. Một Nguyễn Ngọc Tư " bản lĩnh và chuyên nghiệp, coi văn chương vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng; Tư là nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một cách rất văn học, rất nghệ sĩ" Một Trang Thế Hy "người hiền của văn chương Nam Bộ"

BẠN VÀ TÔI

Phan Cẩm Thượng: Cũng như mọi người tuổi trung niên, tôi cũng trải qua thời thơ ấu gian nan và lúc nào cũng băn khoăn có việc làm, kiếm được tiền, song cuối cùng tôi mới thấy cách sống thế nào mới quan trọng. Vì thế nào ta cũng phải làm nghề gì đó, tiền cũng sẽ có ít hay nhiều. Tôi chọn nghệ thuật và nghiên cứu văn hoá cổ, làm bằng được dù cuộc sống như thế nào. Nhưng đó cũng không phải lối thoát, mặc dù sống với nghệ thuật hay vô cùng, rất tự do và toàn cái đẹp. Các triết gia Ấn Độ cho rằng từ thượng cổ đến nay, con người toàn được dạy cái bên ngoài mình, còn chính mình, bên trong mình là ai thì không bao giờ học, không hay biết gì cả. Tôi từng đi hội thảo xa với rất nhiều vị giáo sư tiến sĩ, mỗi vị mang theo một bọc thuốc, phòng không có máy điều hoà là không ngủ được, bàn rất nhiều chuyện to tát, nhưng hơi ốm một tí là cuống lên. Yoga hay thiền, khí công trước tiên là lối sống, sau đó mới là những phương pháp rèn luyện sức khoẻ. Lối sống đó đòi hỏi người ta quay về với bản thân mình, bao gồm cả việc hiểu gan thận mình đang ra sao, và từ bỏ những cái bên ngoài, những vật ngoại thân. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh của chúng ta, rất nhiều người đang loạn tâm, nên cứ điềm tĩnh nhìn xung quanh và việc gì có ích cho cộng đồng thì làm.


Nguyễn Ngọc Trân - 76/10/14 Phan Tây Hồ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM: Thưa anh Phan Cẩm Thượng, cách đây vài năm tôi tình cờ đọc được cuốn Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp của anh, tôi cứ nghĩ anh đã đi tu thật rồi. Không ngờ, mới đây được đọc bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị, mới thấy, hoá ra anh đang “tu giữa chợ đời”. Cho tôi hỏi, để có đủ bản lĩnh và ý thức nhận ra những giá trị thật, giả giữa đời thường, phải cần những yếu tố nào? Để có một tinh thần mạnh mẽ như anh, liệu có cần ăn chay, niệm Phật?


Thạch Thảo - 15 Nguyễn Công Trứ, Nha Trang: Từ nhỏ tôi đã nghe câu: "Nhà cửa vạn gian ngả lưng ba thước. Thóc lúa đầy kho cơm bữa ba thưng". Càng lớn lên tôi càng hiểu người ta không cần quá nhiều tiền hay vật chất nói chung để sống, mà cần rất nhiều những giá trị tinh thần. Cái đó hoá ra lại dễ thấy: thiên nhiên, thơ văn, tranh ảnh, đời sống tình cảm, và nếu ta ngay từ nhỏ lấp đầy tâm hồn mình bằng những giá trị văn hoá đó, càng ít chỗ nghĩ đến miếng cơm, manh áo và chuyện thị phi. Ngược lại, tinh thần phong phú thì cũng không cần nhòm ngó sang người khác, cũng như có khả năng sống tốt bằng trình độ của mình. Điều đáng tiếc là con người bây giờ ngay từ nhỏ đã đầy đầu những thứ không cần thiết. Trẻ con học nhiều quá, trong khi các kiến thức khoa học và nhân văn cơ bản hoá ra lại không phải học nhiều, cứ thế mà thông minh trong cái u mê của mình, có thể đạt được rất nhiều thứ, bằng cấp, địa vị, tiền bạc, nhưng trong lòng lại trống rỗng, khi buồn chẳng biết kêu ai, khi ốm là đến bác sĩ, uống thuốc, không biết cách tự làm cho mình khoẻ. Tôi nghĩ rằng để nhận ra điều thật giả không khó, hai mặt đó lại là một phần của cuộc sống, nhưng nhận ra rồi thì có dám sống với cái thật không mới khó. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi nghĩ không nhất thiết phải ăn chay, niệm Phật. Ăn chay hay ăn mặn là tuỳ theo thói quen và sức khoẻ của mình, không liên quan đến việc tu hay không. Còn niệm Phật để định tâm thì rất tốt, tự làm cho mình thanh tĩnh lại, nhưng chọn lấy một vài bộ kinh Phật có giá trị đọc hiểu càng tốt hơn, ví dụ như kinh Kim Cương, trong đó không có chút nào nói về thần thánh sự linh thiêng, mà chỉ nói về sự nhận thức chân thực. Tôi rất đồng tình với lời nói thật của anh “Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền, cuộc sống chất lượng kém, mà chính là không nhìn thấy tương lai”. Thế hệ 7X của chúng tôi lớn lên và cảm thấy bất an, chuệnh choạng vào những năm đầu thập niên 90 – thời đất nước mới mở cửa. Nhiều luồng văn hoá du nhập trộn lẫn với việc cổ xuý mọi người làm kinh tế để kiếm tiền, và tôi cảm thấy mình bị xay nghiền trong những “trào lưu” đó, chính vì thế, chúng tôi phải đi học yoga, thiền, khí công… để tự cân bằng, tự đứng được. Nhưng quả thật, càng sống càng thấy hụt hẫng… Rất mong anh cho tôi một lời chia sẻ.


HAI NHÀ VĂN GIÀ VÀ MỘT CÔ GÁI TRẺ

Minh Nguyễn

SGTT - Mấy năm gần đây, hai nhà văn già Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc thường hò hẹn mỗi năm có một ngày ngồi với nhau để uống ly rượu hội ngộ. Năm nay, một ngày hè, con đường đất vào nhà ông Trang Thế Hy hoa mua tím như dày hơn. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn già chỉ xoay quanh chuyện - tình - yêu - văn - chương - chữ - nghĩa. Câu chuyện của họ trở nên hào hứng khi cả hai đều “ham” một người, người đó là cô gái trẻ: Nguyễn Ngọc Tư

Người tình của văn chương

Họ quen nhau đã vài mươi năm, còn biết nhau thì lâu hơn nữa. Ở hai đầu đất nước, người này đọc của người kia một vài truyện ngắn, truyện vừa, một vài bài thơ. Dường như rất khác nhau trong cuộc sống nhưng họ lại có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều sống sâu đậm với kỷ niệm, có trí nhớ tuyệt vời, cùng thuộc làu những bài thơ, những đoạn văn bằng tiếng Pháp từ thời tiểu học ở trường Tây. Nguyên Ngọc lui cui dịch, cổ xuý cho Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Milan Kundera. Trang Thế Hy tìm đọc từ nguyên bản tiếng Pháp. Ông sửa một câu của M.Kundera: “Trí nhớ là một vũ khí của người yếu chống lại cường quyền” thành “Trí nhớ là một vũ khí của người yếu chống lại cái ác”. Khi tôi hỏi về việc này, Nguyên Ngọc nói, đó chính là sự thâm thuý và nhân hậu phương Đông mà chỉ Trang Thế Hy mới có. Cả hai cùng được tinh luyện về nhân cách và sáng tạo tại các chiến trường ác liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ. Trang Thế Hy hoạt động trong lòng địch, chịu đựng bom đạn ở vùng tam giác sắt Củ Chi. Nguyên Ngọc – người lính chiến thực thụ tại khu 5 và Tây Nguyên. Họ có cùng một tình yêu văn chương và trân trọng những tài năng trẻ. Chữ nghĩa đối với họ là điều thiêng liêng. Kỹ lưỡng từng chữ một. Có thể cách thể hiện tình yêu đó khác nhau. Trong nhiều lần nói về nghề viết văn và tâm thế của nhà văn, Trang Thế Hy tự gọi mình là “người tình thuỷ chung nhưng hờ hững của văn chương”. Ông giải thích thêm rằng ông không đủ đam mê để đắm say theo đuổi người tình ấy. Còn “hờ hững” – theo ông – “hàm chứa sự vương vấn, bịn rịn, lòng vẫn biết không thể sống trọn vẹn với nhau nhưng không đành lòng dứt bỏ. Một tình yêu không mãnh liệt nhưng đến chết vẫn còn yêu”. Và biết đâu, khi bước qua thế giới khác, tình yêu đó vẫn vậy. Tôi trộm nghĩ, với ông, hờ hững là cách giữ cho tình yêu văn chương vĩnh cửu mà thôi. “Còn Nguyên Ngọc đối với văn chương?” – tôi hỏi. Ông cười thật sảng khoái: “Là người tình thuỷ chung một cách sấn sổ. Đôi lúc bị đẩy ra nhưng cứ liều mạng nhảy vào, thành tâm, da diết và hồn nhiên”. Cứ thế, ông đang viết về những nếm trải của đời mình trong những khúc quanh lịch sử. Cùng lúc, ông dịch và hiệu đính những cuốn sách quý giá khác mà mình yêu thích: Nhẫn thạch của Atiq Rahimi, giải Goncourt 2008, đang chuẩn bị in nối bản lần hai và Nhiệt đới buồn – Claude Lévi-Strauss. Sự sấn sổ của Nguyên Ngọc là vậy đó. Ông đi nhiều hơn người trẻ, viết nhiều hơn người trẻ, cả những bức xúc xã hội mà kẻ sĩ không thể làm thinh. Thời gian đối với ông không ngừng lại. Ông bảo đó chính là cách thể dục đầu óc, làm chậm bớt sự già cỗi của tâm hồn và trí tuệ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh một lần nhận xét: “Đố ai tìm được sự già nua và sự cũ kỹ trong văn chương cũng như cách sống của Nguyên Ngọc”. Còn với Trang Thế Hy, ông hay mượn lời của nhà văn Nga Erenburg: “Học làm người già là một khoa học đầy khó khăn” để nói về cách ứng xử của mình từ ngày “đi chỗ khác chơi”. Ông vẫn đọc rất nhiều, vẫn dõi theo những người trẻ.

Có một câu hỏi chung hơi cũ dành cho hai người: “Khi ngồi trước trang giấy trắng, ông nghĩ gì?”. Vẫn thế, theo cách rất Trang Thế Hy: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến”. Mọi sự giả bộ đối với Trang Thế Hy đều lố bịch. Còn Nguyên Ngọc, bao giờ cũng vậy, “quyết liệt yêu, quyết liệt giữ lấy sự chân thành và giữ lấy tự do cho chính mình”.

Tôi bỗng nhớ lời của cựu tổng thống Pháp F. Mitterrand: Lang bang phóng túng là bản chất của sự sáng tạo.

Về hai bức hoạ chân dung

Nhà văn Trang Thế Hy đón mọi người trong căn chái bề ngang chừng ba mét, chiều dài sáu mét vừa xây xong. Mùi sơn hãy còn. Đặt tay lên tường, sơn dính trắng. Chỗ này khi trước là khoảng sân nhỏ, có cây xoài, dưới gốc lủng lẳng những giò lan rừng… Có những giò lan trổ bông nhưng cũng có nhiều giò lan lưa thưa lá. Cái chái nhà nhỏ lắm, xây theo kiểu nhà tiền chế, mái vòm lợp tôn chỉ vừa đủ để bộ bàn nước bằng ximăng cẩn sành sứ của nhóm bạn Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Chức chở từ Sài Gòn xuống tặng ông cách đây ít lâu. Tự trào về cái chái nhà mới, Trang Thế Hy nói dõng dạc: “Há chẳng phải đời sống của ta được nâng cao ngang tầm với sự phát triển kinh tế đất nước đó sao”. Nụ cười của ông khi đó thật hóm hỉnh.

Ông mang bức chân dung do Nguyễn Trung vẽ, ông bảo vừa làm xong cái khung và từ nay, có chỗ cho tấm tranh này. Ông nói với mọi người rằng Nguyễn Trung không vẽ chân dung ông mà vẽ “nỗi buồn mang gương mặt Trang Thế Hy”. Một nhận xét xác đáng và rất Trang Thế Hy. Ông thường luận giải về nỗi buồn. Tôi nghe ông nói rất nhiều lần: viết văn trước hết là để tu thân, là đương đầu với nỗi buồn, để giảm đau, vượt lên nỗi đau và tồn tại.

Giống như Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc cũng được hoạ sĩ Đinh Quang Tĩnh vẽ và post lên mạng một tấm chân dung. Hỏi về bức hoạ này, Nguyên Ngọc nói: “Hồi tôi làm báo Văn Nghệ, Đinh Quang Tĩnh có vẽ nhiều chân dung tôi. Có một số bức khá. Không hiểu vì sao anh ấy lại đưa ra bức mới này, bức kém nhất – không phải xấu hay đẹp trong bút pháp – mà vì hoàn toàn không có chút chất Nguyên Ngọc nào cả. Hôm trưng bày, anh Văn Như Cương ngồi cạnh tôi cũng bảo thế. Thôi cũng chẳng nên nhắc đến cuộc ấy làm gì”. “Thế chất Nguyên Ngọc là chất gì vậy, thưa ông?” – Tôi hỏi. “Chất tinh tuý và sang trọng của sự thô mộc một cách tự do” – ông nói.

Cả hai đều “ham” cô gái trẻ

Dông dài chuyện Đông – Tây – kim – cổ, những câu thơ tình tuyệt hảo của R. Tagore về tình yêu trong cuộc hò hẹn lần này của hai ông nhà văn già rồi cũng nhường lại cho câu chuyện văn chương của những người trẻ. Ông Trang Thế Hy kể, trước đây, ông và nhà văn Sơn Nam thường gặp nhau mỗi năm một lần vào những ngày đầu năm. Câu chào bằng tiếng Pháp thường được hiểu là: Có gì mới? Có một năm, ông Sơn Nam tự dưng trả lời ông dông dài: “Năm nay trong Nam có chuyện nông dân biểu tình, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Chột dạ, ông sửa lại câu của Sơn Nam: “…Trong Nam trúng mùa, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Thời đó, ông Nguyên Ngọc là người dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho văn chương của lớp Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Cả hai ông đọc gần như không sót và nhớ kỹ giọng điệu từng truyện của mỗi người. “Còn với Nguyễn Ngọc Tư?” – tôi hỏi. Được biết hai ông đọc khá kỹ từ tản văn, truyện ngắn đến Cánh đồng bất tận, Gió lẻ của cô. Nguyên Ngọc là người mail truyện Gió lẻ cho mọi người khi báo Sài Gòn Tiếp Thị chưa khởi đăng. Ông nói: “Gần đây, một số tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư có hơi chững lại, không còn giữ được nhiều sự thâm trầm và sắc sảo như trước. Nhưng có lẽ cũng không sao, người ta viết lên xuống là thường. Tôi vẫn tin Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy rất có bản lĩnh. Một trong những nét bản lĩnh đó là cô luôn thấy văn chương của mình có vấn đề, luôn thấy cần thay đổi, đồng thời vẫn là mình. Gần đây, trong một bài viết, Tư đã nói rằng cô sợ mình “nhạt” đi, một người viết biết được như thế là rất giỏi. Chắc Tư còn tự thay đổi, sẽ khác đi, mà vẫn là Tư. Chỗ hay thứ hai của Tư (có lẽ gần giống Trang Thế Hy) là cô ấy vừa coi văn chương là chuyện rất quan trọng, thậm chí có lẽ Tư là nhà văn có chất chuyên nghiệp nhất hiện nay ở ta. Cô biết văn chương là chuyện trọng đại. Nhưng đồng thời cô cũng biết, nói cho cùng ra, đó cũng không phải là chuyện quan trọng nhất ở đời. Vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng. Có đó, mà cũng không có gì cả. Cũng đừng quan trọng hoá nó. Cô ấy cũng có “cái chung thuỷ hờ hững” của Trang Thế Hy – người hiền của văn chương Nam bộ. Nếu thêm một đặc điểm nữa của Tư: Tư là một nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một cách rất văn học, rất nghệ sĩ. Không văn học “minh hoạ” hay “ám chỉ” như kiểu đang tầm thường, nhạt phèo bây giờ. Chính vì vậy, qua những bức xúc thời sự, Tư có cái tài biến nó thành cái nhân loại. Cánh đồng bất tận là một ví dụ đặc sắc”.

Họ có cùng một tình yêu văn chương và trân trọng những tài năng trẻ. Chữ nghĩa đối với họ là điều thiêng liêng. Kỹ lưỡng từng chữ một

Không khác với ý kiến của Nguyên Ngọc nói về Nguyễn Ngọc Tư, Trang Thế Hy hay kể những câu chuyện, những quan sát trực diện của mình về Tư. Ông bảo: “Con nhỏ đó tinh tế lắm. Nó dám nói rằng vì có một ông già trên 80 tuổi hò hẹn với nó nên nó phải ba chân bốn cẳng chạy nhanh tới gặp vì nếu trễ hẹn thì đâm ra thất thố”. Có một hôm, Tư đến thăm và ngủ lại nhà, đêm khuya, sợ Tư mệt, ông hỏi “Nhỏ buồn ngủ chưa?” – Tư trả lời gọn hơ: “Chú chưa ngủ sao con dám buồn ngủ được”. Đến hừng sáng, Tư tự quảy túi, len lén đi mà không chào từ biệt vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Ông hay dùng từ “viết thấy ghê” để chỉ những tạp bút sắc sảo và những truyện ngắn, truyện vừa có tầm khái quát cao của Nguyễn Ngọc Tư. Từ Cánh đồng bất tận đến Gió lẻ, Trang Thế Hy đã xem Tư như là người đồng thời, người chia sẻ được nỗi đau thân phận con người.

Trong câu chuyện bàn luận giữa hai nhà văn già và cô gái trẻ, tôi xen vào hỏi một câu: “Vậy Nguyễn Ngọc Tư “ham” hai nhà văn già này hay ngược lại?”. Đôi mắt sâu, tinh anh trên khuôn mặt nhăn nheo của Trang Thế Hy đang cười. Ông bảo: “Dường như cả ba người chúng tôi: Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc – Nguyễn Ngọc Tư – đang “ham” nhau!”.

Tôi chưa gặp Tư để xác tín điều này.

Minh Nguyễn

Người theo dõi