Lưu trữ Blog
28 tháng 7, 2009
Giống cây ăn quả bản địa đặc sản: Giải pháp hợp lý đạt lợi thế cạnh tranh
GS.TS. Nguyễn Văn Luật
HOCMOINGAY. Khi quan sát các sạp hàng, siêu thị..., chúng ta thấy có nơi có lúc trái cây nhập nội chiếm lĩnh thị trường; và có khi lại là trái cây nội địa, nhất là ở chợ quê, chợ nổi. Nhưng khi đến các nhà vườn, nhất là đến các miệt vườn cây ăn quả Nam bộ, phần lớn người làm vườn chọn giống cây bản địa để trồng, không chỉ do dễ trồng, dễ mua cây đúng giống, mà còn dễ bán ở những chợ gần chợ xa, đối với trái cây có thương hiệu cũng như chưa có. Vì hiện nay, nhiều trái cây nhập nội thua xa bản địa về chất lượng, như bưởi, sầu riêng, xoài, vải, nhãn.. Nếu liên hệ với nhiều loài cây trồng khác, như cây lúa với giống Tám xoan, Nàng thơm chợ Đào.., chúng ta có thể có lý giải mang tính thuyết phục cao: yêu cầu chặt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các loài cây, nhất là đối với giống cây bản địa đặc sản Ảnh Hoàng Kim: Vườn ươm mận An Phước).
Trong những dịp đi nước ngoài tham quan học tập nghiên cứu sản sản xuất cây trồng hiệu quả cao, tôi cũng thấy như ở nước ta chủ yếu dùng giống cây ăn quả bản địa, mặc dầu bạn có nhập một số giống bản địa của ta, như Thái Lan trồng khá phổ biến ổi xá lị, thanh long, vú sữa Lò rèn…Chủng loại các loại giống cây ăn quả bản địa đang chiếm ưu thế về số lượng cũng như chất lượng đặc trưng. Ở các miệt vườn Nam bộ, tỷ lệ trồng giống bản địa áp đảo giống cây nhập nội, tới 70-80% và hơn, tựa như giống lúa mới tạo chọn trong nước ở ĐBSCL, hiện chiếm khoảng 80% diện tích.
Nhận xét của Gs.Vs. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam về việc chọn tạo giống mới và nhân giống cây ăn quả, các loại rau, hoa là trên cơ sở những số liệu từ cơ quan chức năng: từ năm 1977 đến 2004 chỉ có 144 giống và cây đầu dòng được chọn tạo, trong đó có 35 giống rau các loại, 22 giống cà chua, 9 giống hoa, 6 giống nhãn, 4 giống vải, 7 giống cam, 5 giống xoài, 3 giống chôm chôm, 8 giống dưa hấu, và 12 các giống khác, như sầu riêng, măng cụt, khế, mận, táo, ổi, dứa. Thành tựu trên còn ở mức khá “khiêm tốn” so với khu vực và thế giới. Như vậy, ngành rau, hoa, quả (horticulture) chưa được quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước, Nhà khoa học, và Nhà doanh nghiệp. Còn nông dân đâu có điều kiện làm được, mặc dầu họ là người lưu giữ trong vườn cây bản địa đặc sản từ nhiều năm, nhiều đời.
Khi khảo sát thống kê trong sản xuất thì thấy vấn đề có khác, vì có nhiều giống được công nhận, nhưng chưa được nông dân sử dụng. Giống rau bản địa bị “xói mòn” nhiều, có lẽ chỉ còn lại mấy cây như sả, gừng, riềng, còn đến 90 % là giống rau nhập nội cho sản xuất hàng hóa. Nhiều loài rau bản địa có dược tính cao tuy chưa thành hàng hóa phổ biến, nhưng rất phong phú, có nơi là đặc sản, như: “Thiên lý nấu với cua đồng, Lờ lờ có kẻ mất chồng như chơi “, hay “Bông chuối gỏi thịt kỳ tôm, Coi chừng bà xã chôm chồng người ta”. Cũng như vậy đối với cây ăn quả bản địa, nếu có sự đầu tư đúng mức thì có thể tuyển chọn được nhiều cây đầu dòng hơn, có nhiều vật liệu di truyền hơn.
PGS.TS. Nguyễn Bảo Vệ đã nói đúng là thời gian tạo chọn giống cây ăn quả đòi hỏi hàng chục năm, như ở Nhật Bản mà chúng tôi có tới tham quan là 15 – 17 năm, mà thời gian đề tài/ dự án như đối với cây ngắn ngày có vài ba năm là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu đã có vật liệu di truyền đầy đủ, có điều kiện tạo chọn tốt, đã bắt đầu làm từ hàng chục năm, thì rồi năm nào cũng có thể giới thiệu giống mới. Như tôi biết, có những dự án về giống lúa với vốn cấp hàng tỷ đồng, thời gian dự án có vài năm. Với thời gian này nếu bắt đầu làm chỉ có thể ra được dòng. Nhưng thời gian dự án lại là hợp lý, vì chỉ dành cho nhà khoa học đã có quá trình làm, khi có dự án sẽ mở rộng phạm vi, đẩy nhanh tiến độ theo hướng đạt mục tiêu của dự án là có vài ba giống mới được công nhận. Và cứ thế, thế hệ tạo giống sau kế thừa thế hệ trước, chứ đâu có “chụp giật” được. Nhà khoa học có trách nhiệm xuất vấn đề, đề xuất đề tài/ dự án, chứ nay đâu có thiếu vốn cho nghiên cứu, năm nào cấp Nhà nước cũng như cấp tỉnh đều dư vốn nghiên cứu, mặc dầu thủ tục còn rươm rà.
Thăm một số cơ sở nghiên cứu rau hoa quả chính, tôi đều thấy những bước cơ bản của một quá trình tạo chọn giống đang được thực hiện, và đã giới thiệu ra sản xuất được nhiều giống tốt. Tại cơ sở chính ở tỉnh Phú Thọ của Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miều núi phía Bắc, ngoài những vườn giống cây ăn quả đặc sản đầu dòng rộng lớn, còn cả những vườn rau bản địa hoang dã dược tính cao, như cây rau bò khai chữa tiểu đường, dàn cây thuốc an thần lạc tiên bước đầu mang tính sản xuất hàng hóa..
Ở Trung tâm Nghiên cứu Cây Ôn đới Sa Pa của Viện trên có nhiều loài rau hoa quả ôn đới, như đào, lê, mận. Nghiên cứu sản xuất đang hướng tới thị trường, như mùa hè trồng rau ôn đới xu xu, cà chua.., chuyển xuống đồng bằng thành trái vụ giá cao; nhiều loài hoa cao cấp ôn đới hiếm có, như gần trăm chậu hoa địa lan “Kiếm hồng hoàng” hoành tráng, có giá vài bốn chục triệu đ/ chậu.
Ở Viện Rau Hoa Quả Dâu tầm Trung ương đóng tại Châu Qùy Hà Nội, đã có nhiều tập đoàn với ba bốn trăm cây bản địa đầu dòng như chuối, đu đủ.., được quản lý tốt để tuyển lựa và tạo chọn giống mới. Hàng ngàn m2 nhà có điều khiển khí hậu đặt chậu phong lan với quy trình công nghệ cao cho hoa nở tập trung bán vào dịp Tết. Viện này đã chuẩn bị giới thiệu mạnh ra sản xuất một số giống mới do Viện tạo chọn, như cam không hạt đặc sản, giống hoa qúy.. và nhiều quy trình và kỹ năng, như quy trình sản xuất rau an toàn, kỹ năng cắt vòi hoa loa kèn cho nhị đực nhị cái dễ tiếp xúc nhau...
Viện Cây ăn quả miền Nam có trụ sở tại Long Định, Tiền Giang cũng có những vườn cây ăn quả đầu dòng đặc trưng của vùng như xoài cát Hòa Lộc, cam quýt, thanh long.., có cả một bệnh viện trái cây, có cơ sở tốt để đào tạo nông dân và khuyến nông viên. Viện này đã lai tạo thành công và đưa ra sản xuất một số giống thanh long ruột tím đỏ..
Còn khá nhiều cơ sở có nghiên cứu sản xuất quả rau hoa trong và ngoài hệ thống Nhà nước, như cơ sở của GS. Trần Quang Thạch và PGS Nguyễn Thị Trâm ở Đại học NN 1, của TS Bùi Xuân Khôi ở miền Đông Nam Bộ, của nhiều địa phương, của nghệ nhân ở Đà Lạt, ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.. Nếu có đề tài/ dự án hay nguồn kinh phí nào đó quy tụ đội ngũ “hùng hậu” trên, chắc chắn sẽ có hiệu quả kinh tế xã hội, ít nhất là có điều kiện học tập lẫn nhau.
Cây đúng giống đang là vấn đề có mức độ bức xúc nhất cho sản xuất trái cây hàng hóa, hơn loại giống. Bởi vì, đã có sẵn nhiều loài bản địa đặc sản được chuyên gia quốc tế xếp vào hàng đầu, phù hợp với nhận xét của người tiêu dùng trong nướci. Ở vùng miền nào cũng có giống trái cây đặc sản nổi tiếng, như bưởi Đoan Hùng, cam Bố Hạ, cam xã Đoài, chuối Ngự Huế, chôm chôm Đồng Nai, dừa sáp Cầu Kè, xoài cát Hòa Lộc, .. Trách nhiệm chính xây dựng hệ thống nhân giống cho sản xuất là địa phương và doanh nghiệp, để loại trừ giống dởm, và có đúng giống kịp thời bán cho người trồng.
Cần tôn vinh hơn nữa những nông dân phát hiện trong sản xuất và giữ được cây tổ đặc sản lâu năm, truyền đời, như cụ Mười Tước giữ bưởi Năm gioi ở Vĩnh Long, về sau có bưởi da xanh ngon hơn bưởi 5 gioi, do ông Ba Rô ở xã Thanh Sơn, huyện Mỏ Cày; ông Chín Hóa giữ giống sầu riêng hạt lép ở chợ Lách, Bến Tre..
Thật không công bằng nếu như bỏ qua những chuyên gia phát hiện ra những nông dân trên, giúp họ cải thiện kỹ thuật, rồi tổ chức quảng bá ra sản xuất, do đó nhiều nông dân có giống cây tổ từ diện nghèo khổ nhà lá thành tỷ phú nhà đúc khang trang do bán cây giống. Trong phạm vi bài này, xin được vinh danh 2 vị: Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu đến tuổi 80 mà hầu như mỗi năm đi hàng tháng trời đến các vùng miền gặp gỡ những nông dân như trên, kết hợp với việc củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Hội VAC. Chủ tịch có thể nói hàng buổi phổ biến kinh nghiệm sản xuất trái cây từ những kỹ thuật, kỹ năng đúc kết được. Người thứ hai là TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CAQ miền Nam.
TS Châu cùng với các chuyên gia của Viện đã đến nhiều miệt vườn phát hiện những nông dân có cây tổ, giúp nông dân hoàn chỉnh kỹ thuật, và làm nhiều việc khác mới phát huy được cây giống, làm cho nhiều nông dân giàu có, mà không nhận một chút gì cho mình. Trước đó, ngay người có trồng cây đó trong vườn nhà mình mà cũng không biết, nên vẫn nghèo khổ. Đồng thời, những chuyên gia trên cùng với nông dân hoàn thiện nhiều kỹ thuật, kỹ năng, như trồng ổi xen trong vườn cam quýt để đuổi rầy chổng cánh truyền bệnh virus vàng bạc, cách chọn cành tỉa lá cho bưởi da xanh ra trái vụ, dùng dụng cụ đơn giản chụp chùm nụ hoa bưởi cho đến khi hình thành quả non để có bưởi không hạt, nhiều kỹ thuật khác, như khi chăm bón không động đến rễ cây, “tắm rửa” cho cây bưởi.....
Nguyễn Văn Luật
(Bài viết do tác giả gửi)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét