Lưu trữ Blog

30 tháng 8, 2009

Kênh "ông Kiệt" tắm mát đồng bằng



HOCMOINGAY. Báo An Giang khởi đăng loạt bài phóng sự "Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng " của tác giả Bảo Trị- Thành Chinh. Việc đặt tên công trình kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và đặt bia lưu niệm tại đầu kênh để ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng với hệ thống kênh huyết mạch, tháo chua, rửa phèn, mở mang vùng đất hoang hóa của khu vực Tứ giác Long Xuyên là Quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII.

Loạt bài liên quan trên các báo và blog:
Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng (Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường Đại học An Giang đăng tin Báo An Giang)
Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt (Quốc Việt, Báo Tuổi Trẻ)
Kỳ 5: Đào kênh T5
Kỳ 4: Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân
Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế
Kỳ 2: Trấn giữ biên giới
Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam
Kênh ông Kiệt (Võ Ngọc- Bảo Châu, Báo Đất Việt)
Kênh ông Kiệt giữa lòng dân (Hoàng Kim, Blog Thung Dung)

I. QUYẾT SÁCH MANG TẦM LỊCH SỬ

"Theo tôi, một trong những quyết sách mang tầm lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là việc mở mang vùng đất phèn mặn Tứ giác Long Xuyên và ngăn dòng, phân lũ đầu nguồn. Chính điều đó đã mở ra trang mới cho sản xuất nông nghiệp và khai phá vùng đất chết bấy lâu nay ở đó", đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tâm sự về công trình kênh thoát lũ ra biển Tây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Từ thực tiễn đồng bằng

Câu chuyện lũ tháng 7, tháng 8 hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long với cảnh nước trắng đồng. Những ngôi nhà chỉ còn thấp thoáng mái lá nhấp nhô trong biển nước. Cảnh cắt lúa chạy lũ ngụp lặn vụ hè thu. Học sinh đến lớp bằng xuồng ghe và những cái chết đuối thương tâm cứ như vết cắt đau nhói. Cảnh những chiếc quan tài gác chéo không nơi chôn cất. Những gia đình đói khát, thiếu ăn cứ ngày ngày khát khao được sự hỗ trợ… Tất cả những điều đó đã một thời khắc họa về lũ đồng bằng. An Giang là tỉnh đầu nguồn, hằng năm gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhất. Vấn đề "sống chung với lũ" và tìm biện pháp thoát lũ chính là việc làm cấp bách nhất đối với An Giang thời điểm ấy. Ngày đó, Bộ Trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Vinh trong một chuyến về thăm và làm việc tại An Giang đã nhận xét: "Chống lũ cho đồng bằng phải cần biện pháp triệt để, chúng ta không thể đợi lũ về rồi cứu đói. An Giang phải quy hoạch hệ thống kênh cấp 2, 3 đảm bảo cho việc phân dòng chảy. Song song đó, cần khắc phục nhanh chóng công tác chống lũ bằng một hệ thống kênh mương nội đồng hoàn chỉnh". Nhớ lại ngày ấy, đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: "Thời điểm trước năm 1997 (trước khi tuyến kênh T5 hoàn thành, P.V) cứ dạo lũ về là các cấp, các ngành lo ngai ngái. Lũ về là những vùng trũng, đầu nguồn lại phải lo cảnh sơ tán dân, cứu đói, cắt lúa chạy lũ. Từ khi hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hoàn thành theo Quyết định 99/TTg như: Nạo vét kênh Tám Ngàn, H7, các kênh 5, 13, 16… , phần nào lũ đã khống chế. Tuy vậy, những vùng như Tứ giác Long Xuyên, cảnh lũ trắng đồng vẫn là nỗi lo lớn, buộc những người lãnh đạo phải bàn quyết sách tháo gỡ vấn đề".

Không chỉ bức xúc về chuyện lũ lụt. Một tầm nhìn xa hơn chính là khai phá vùng đất trũng phèn có diện tích gần 500.000 ha đất nông nghiệp vẫn còn hoang hóa nhiễm phèn thuộc Tứ giác Long Xuyên. "Tứ giác Long Xuyên, trong đó, An Giang chiếm diện tích khá lớn chính là vùng đất chúng ta bỏ quên bấy lâu nay chưa khai phá. Đất không phụ người, chỉ sợ người phụ đất mà thôi", đồng chí bảy Nhị tâm sự.

Quyết sách mang tầm thời đại

Những chuyến khảo sát của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về An Giang trong những ngày mưa lũ ấy đã giúp ông có cái nhìn thấo đáo hơn chuyện chống lũ. Nhạy cảm và phản ứng kịp thời trong quyết định, ông nhanh chóng đưa giải pháp làm các "công trình khẩn cấp" xây cống đập ngăn mặn, ngay sau đó hoàn thành các kênh thoát lũ mà các công trình kênh T4, T5, T6 đã đem lại hiệu quả tốt. Thoát được lũ, dẫn được ngọt về cho công cuộc khai hoang những phần đất khó khăn nhất còn lại của Tứ giác Long Xuyên. Chuyến về thăm và làm việc tại An Giang trong hai ngày 21, 22-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thị sát cánh đồng Lạc Quới, kênh mương nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên đã chỉ rõ: "Đề án này (Đề án quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên) cần nhanh chóng thực hiện vì nó sẽ giúp khu vực sử dụng được nguồn phù sa vô giá của lũ sông Cửu Long, chính nó sẽ đảm đương việc thoát lũ, rửa phèn khai phá đất nông nghiệp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên- Môi trường) nhanh chóng phối hợp lập kế hoạch xây dựng tuyến kênh thoát lũ ra Vịnh Thái Lan".

Và công trình thoát lũ ra biển Tây bắt đầu từ việc đào xong kênh T6, đưa nước từ Vĩnh Tế qua kênh Mới về biển Hà Tiên vào năm 1996. Đầu năm 1997, thực hiện Quyết định 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số công trình chống lũ cấp bách đã được triển khai xây dựng như kênh T5 - Tuần Thống, Luỳnh Quỳnh, Tân Thành - Lò Gạch, tuyến đê bờ nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt thoát lũ ven biển... Song song với việc xây dựng các công trình chống lũ cấp bách là việc triển khai lập dự án tiền khả thi kiểm soát lũ vùng TGLX với sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, các nhà khoa học nhằm xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp kỹ thuật và tiến độ xây dựng để từng bước hoàn chỉnh các công trình phòng chống lũ ở khu vực. Nhờ thế hàng loạt công trình thủy lợi phục vụ dẫn ngọt, tiêu chua, tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn và hàng vạn cây số bờ bao bảo vệ lúa hè thu được xây dựng đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong vùng.

Trong đó, kênh T5 là có ý nghĩa chiến lược, quyết sách mang tầm thời đại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được khởi công giữa quý I đến cuối tháng 8-1997 là hoàn thành. Công trình thủy lợi hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử đào kênh ở Việt Nam.

II. KHAI HOANG VÙNG ĐẤT CHẾT

Tháng 8-1997, tuyến kênh Tuần Thống-T5 huyết mạch nối từ đoạn cua kênh Vĩnh Tế qua miệt Tri Tôn, về Hòn Đất (Kiên Giang) thẳng ra biển Tây đã mở ra trang mới cho vùng đất Tứ giác Long Xuyên. Tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn ha đất và An Giang có thêm 9.500 ha đất nông nghiệp ven tuyến kênh chính thức bước vào sản xuất.

Ngày 21-4-1997 chính là dấu mốc quan trọng nhất đối với tuyến kênh Võ Văn Kiệt khi đề án mở kênh Tuần Thống-T5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được Thủ tướng phê duyệt. Công trình mang tầm vóc lớn lao cả về ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược về mặt kinh tế. Gắn bó với tuyến kênh ấy từ những ngày đầu "thai nghén", đồng chí Nguyễn Minh Nhị còn nhớ: "Tranh thủ trước lúc Thủ tướng vào thăm và làm việc tại An Giang giữa năm 1996, với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp, tôi đã chỉ đạo anh em gấp rút hoàn thành các tuyến kênh nội đồng, kênh cấp 2 theo đề án Quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Ròng rã mấy tháng trời, từ tỉnh đến xã tranh thủ ngày đêm tiến hành đào kênh. Vậy là chuyến thăm của Thủ tướng ngay lúc lũ về năm 96 đã cho thấy tác dụng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng. Chính chỗ mình hoàn thành tốt công tác thủy lợi nên khi Thủ tướng khảo sát, anh em tranh thủ kiến nghị Thủ tướng sớm quy hoạch, đào thêm một hệ thống kênh tháo chua, rửa phèn nhằm phát triển diện tích đất hoang hóa trong vùng tứ giác". Đi cùng Thủ tướng trong các chuyến khảo sát vùng TGLX, ông Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ hỏi: "Nếu quy hoạch như vậy thì mực nước lũ sẽ dâng lên bao nhiêu? Các anh đã có biện pháp nào giải quyết?". Đáp lời, ông bảy Nhị chỉ rõ "Chúng ta đã hình thành hệ thống đê bao, cống bửng, kênh mương nội đồng khá tốt. Nếu chống lũ triệt để như thế thì với mực nước lũ trung bình hằng năm có thể tăng thêm khoảng 10cm. Nhưng nếu có tuyến kênh thoát lũ tốt, vấn đề trên sẽ giải quyết ổn thỏa". Ông Viện trưởng gật gù tâm đắc.

Công trình đi vào thi công và đầu tháng 8 năm 1997 tức chỉ sau 4 tháng, hàng ngàn công nhân, máy móc hối hả móc đắp, 48km (trong đó, An Giang chiếm gần 11km) của tuyến kênh Võ Văn Kiệt khai dòng với lưu lượng thoát lũ 800m³/giây. Vài năm sau, hàng ngàn ha đất nông nghiệp ven dòng Võ Văn Kiệt chính thức xanh đồng với màu xanh cây lúa. Và người dân vùng biển Hòn Đất (Kiên Giang) lần đầu trong đời thấy nước bạc xuất hiện khi lũ về.

Hiệu quả kinh tế-xã hội bước đầu

Từ ngày tuyến kênh Võ Văn Kiệt chính thức thông dòng, hệ thống kênh mương nội đồng vùng TGLX phát huy hiệu quả, cảnh nước lũ trắng đồng và nhà chỉ còn nóc đã không còn xuất hiện. "Lũ năm 1997,1998 anh em ở Trung ương, báo chí về với An Giang dữ lắm. Một mặt họ đi để xem lũ về ra sao, mặt khác họ coi xem tuyến kênh đào của Thủ tướng phát huy hiệu quả thế nào. Những năm ấy, cụm từ "lũ đẹp" bắt đầu xuất hiện. Và định nghĩa sống chung với lũ từ đó cũng hình thành", ông bảy Nhị trầm tư nhớ lại. Song song, tuyến đê bao hình thành từ việc múc kênh đã giúp địa phương bố trí cụm tuyến dân cư vượt lũ, ổn định chỗ ở cho dân. Từ một công trình thủy lợi vừa mở mang diện tích sản xuất, vừa đảm trách vai trò an sinh xã hội hết sức lớn lao.

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Sâm, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, mùa lũ năm 2000, trận lũ lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 84 năm qua, các công trình kiểm soát lũ TGLX (trong đó vai trò kênh Võ Văn Kiệt đứng vị trí khá then chốt) bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Các công trình kiểm soát lũ TGLX được xây dựng với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn dòng chảy lũ ít phù sa từ Campuchia tràn vào TGLX và đưa lượng lũ này theo kênh Vĩnh Tế và một số kênh khác thoát nhanh ra biển Tây để giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập do lũ đầu vụ và lũ cuối vụ gây ra đối với nội đồng. Ổn định vững chắc 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu; giảm thấp mức lũ chính vụ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giảm thiệt hại về người và của mùa lũ về. Từ đó, tạo thế đưa nước ngọt giàu phù sa từ sông Hậu vào kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường nước, vệ sinh đồng ruộng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Tất cả đã được kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đảm trách hiệu quả.

Cũng nhờ việc xây dựng tuyến công trình kiểm soát lũ tràn biên giới để ngăn lũ tràn từ Campuchia qua 7 cầu (lúc lũ nhỏ), ngăn 5 cầu (mở Tha La và Trà Sư - lúc lũ lớn) đồng thời với việc nạo vét mở rộng kênh Vĩnh Tế, xây dựng đập tràn Xuân Tô, đào tuyến kênh thoát lũ Võ Văn Kiệt đưa lũ sang Tứ giác Hà Tiên (TGHT) đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ lũ vùng TGLX. Đây là thắng lợi có tính quyết định từ chủ trương kiểm soát lũ đầu vụ ở TGLX của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

III. SỨC SỐNG MỚI TRÊN TUYẾN KÊNH THOÁT LŨ

Chỉ vài năm sau ngày chính thức thông dòng, những cánh đồng xanh bát ngát; cụm, tuyến dân cư vượt lũ được hình thành; sức sống mới đã trỗi dậy mạnh mẽ trên dòng kênh Võ Văn Kiệt.



Nông dân Vĩnh Gia sản xuất bên dòng kênh Võ Văn Kiệt thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: B.T

Sản xuất hồi sinh:

Là vùng hoang hóa, toàn cỏ năng, cỏ lác cao quá đầu người, mùa nước thì nước ngập lênh láng, mùa khô dậy phèn vàng nghệ tay chân. Đất vùng này đúng với cái tên gọi “khỉ ho cò gáy”. Nhiều lần Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ dân vào đây lập nghiệp mà chẳng ai chịu đi hết. Cực khổ trăm bề”. Chú Lê Văn Tư, một trong những cố cựu khai phá vùng đất hoang hóa Tứ giác Long Xuyên ngày nào trầm tư nhớ lại.

Thế nhưng từ hệ thống kênh Vĩnh Tế, T4, T5, T6 cùng hệ thống đê bao, đập tràn ngăn xả lũ Tha La, Trà Sư và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt ven biển hoàn chỉnh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã dần ngọt hóa, đánh thức vùng đất phèn nặng, góp phần to lớn vào quá trình thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển. Trong đó, dòng kênh T5 - Tuần Thống (kênh Võ Văn Kiệt ngày nay, P.V) đóng vai trò rất quan trọng, thật sự tắm mát vùng đất hoang vu bằng phù sa ngọt lành. Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Quới Lê Hoàng Hà tâm sự, năm 1996, do hệ thống kênh mương nội đồng còn yếu nên nước lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ về dìm ngập cả vùng Tứ giác trong biển nước. Từ khi kênh Võ Văn Kiệt được hoàn thành đưa vào sử dụng thoát lũ ra biển Tây nó đã tháo chua rửa phèn làm ngọt hóa vùng đất này.

Những ngày tháng bảy, chúng tôi đến xã Lạc Quới (Tri Tôn), một địa phương nằm đầu kênh Võ Văn Kiệt. Cánh đồng Lạc Quới chín vàng và trĩu hạt lúa hè thu. Đang cào vung đống lúa trên bờ kênh, vô bao chuẩn bi đón bạn hàng đến cân, chú Lê Văn Tư hồ hởi nói: “Mấy năm nay lúa thóc giá lúc vầy, lúc khác, nhưng lay lắt cũng sống được. Cố tích cóp xoay sở thì có dư chút đỉnh. Ai mà nghĩ cái đất toàn cỏ năng, cỏ lát, rắn rít tùm lum, rồi phèn thì khỏi nói, vậy mà giờ làm được tới lúa hai vụ một năm. Năm hẻo lắm, 30 công ruộng của tui cũng cho tròm trèm 20 tấn. Nhờ Thủ tướng đào kênh này mới giúp đất đai ở đây được hồi sinh”.

Không chỉ rửa phèn, mở mang đất sản xuất, hệ thống đê bao từ việc múc kênh Võ Văn Kiệt đã giúp huyện Tri Tôn mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn từ Vĩnh Gia đến Lạc Quới. Trên cụm tuyến dân cư Kênh T5 (ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, Tri Tôn) gặp chú Trần Văn Du hỏi chuyện đời sống bà con, chú bảo: “Đời sống bà con cũng còn khó khăn nhưng bây giờ có cái nhà cao vầy cũng đỡ lắm. Nhờ tuyến kênh “ông Kiệt”, Nhà nước đầu tư cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhà tôi hết sợ ngập lụt”. Đặc biệt, đỉnh lũ năm 2000, nước ngập luôn tuyến quốc lộ N1 nhưng riêng bờ kênh Võ Văn Kiệt là không ngập lụt, bà con nơi đây đã có được chỗ ở thật sự an toàn.

Đời sống khởi sắc

Chỉ tay về đám cánh đồng, ông Hà nói thêm, trước năm 1997, toàn xã Lạc Quới có khoảng 1.550 ha nhưng từ khi con kênh T5 được đào xong, người dân khai hoang phục hóa nâng diện tích đất canh tác nông nghiệp lên hơn 20.000 ha. Hàng trăm hộ trước khó khăn, giờ của ăn, của để con cái ra riêng đều mần ăn khấm khá. Điển hình là gia đình chú Trần Văn Du (66 tuổi). Chú kể: “Trước đây vùng này làm gì mần lúa được, phèn nổi trên mặt đất đỏ au, lúa sạ xuống vài ngày sau tất cả đều chết sạch, nhiều nông dân ở nản trí bỏ đất đi nơi khác lập nghiệp. Còn giờ, không chỉ trồng mấy giống bình thường, bà con còn canh tác cả giống lúa cao sản”. Trung bình mỗi năm, 50 công ruộng, gia đình chú Du đổ bồ hơn 15 ngàn giạ lúa, kiếm lời tròm trèm 100 triệu đồng. Và khi lúa làm ngày một trúng, đất đai cũng theo ấy tăng dần giá trị. Chú Du cho hay, “Đất nông nghiệp loại A vùng này giờ có giá cỡ hai ba chục triệu chứ chẳng chơi”.

Không chỉ phát triển cây lúa, ven dòng kênh Võ Văn Kiệt vùng Vĩnh Gia, Lạc Quới ngày nay còn phát triển nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Khoanh nuôi, khôi phục cây bàng tạo nguồn nguyên liệu cho nghề đươn đệm chính là mô hình khá độc đáo. Anh Nguyễn Văn Hiệp ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, đã tuyển chọn những lứa bàng đầu tiên từ mô hình “Trồng cây hoang dã” của mình, bắt đầu gây sự tò mò đối với nông dân vùng kênh Võ Văn Kiệt qua cách làm hơi… lạ lùng. Anh tâm sự: “Thấy bà con làm nghề khá đông, đi tìm nguồn nguyên liệu quá xa, có nhiều khó khăn. Tôi mới nảy sinh trồng cây bàng, người ta hoài nghi không đạt yêu cầu, vì chưa có tài liệu nào hướng dẫn, chẳng ai chỉ bảo gì cả”. Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng bàng đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập khoảng 20.000đ/người/ngày; bán cây bàng nguyên liệu lời không dưới 400.000đ/ngày và có khả năng kéo dài được 8 tháng trong một năm. Nhận xét mô hình “Trồng cây hoang dã” của anh Nguyễn Văn Hiệp ở kênh T5, Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tri Tôn cho rằng: “Việc thay cây lúa để trồng bàng của anh Nguyễn Văn Hiệp là một cách làm hay và phù hợp điều kiện canh tác trên đất phèn, vùng đất kém hiệu quả. Mô hình này sẽ được đúc kết kinh nghiệm và xem xét nhân rộng trong thời gian tới”.

IV. TỪ KÊNH VÕ VĂN KIỆT NHỚ KÊNH VĨNH TẾ

Kênh Vĩnh Tế dài khoảng 100km chạy dọc biên giới hai tỉnh An Giang, Kiên Giang với vương quốc Campuchia. Thượng nguồn kênh tiếp dòng sông Hậu ở thị xã Châu Đốc, hạ nguồn nhập sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Qua xói lở và nạo vét, hiện kênh Vĩnh Tế rộng khoảng 40-70m, sâu 3-4m so với mực nước biển tùy từng đoạn, cua. Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan.

Mới đây, nhân dân An Giang, nhân dân miền đất Thất Sơn long trọng tổ chức 180 ngày mất danh nhân Thoại Ngọc Hầu, một anh hùng có công lớn khai phá miền đất phương Nam. Trong đó, công trình có tính chiến lược nhất và ghi dấu ấn đậm nét của ông chính là dòng kênh Vĩnh Tế nối An Giang - Kiên Giang thành hào lũy thành đồng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mở mang vùng đất mới. Không hẹn mà gặp gần 180 năm sau từ ngày tiền nhân cuốc nhát suổng đầu tiên tạo nên dòng kênh Vĩnh Tế thì một người con khác của miền đất phương Nam, ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã tiếp nối một trang mới trên vùng đất phèn chua, cỏ cháy bằng dòng kênh Võ Văn Kiệt mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội. Hai con người ở hai thời đại nhưng đã gặp nhau trong tầm nhìn chiến lược, để lại dấu ấn muôn đời về hai dòng kênh lịch sử.

Kênh Vĩnh Tế - hào lũy đất phương Nam

Sau khi đào xong kênh Thoại Hà, vua Gia Long lại cho đào tiếp con kênh chạy dọc theo khu vực đường biên giới Việt Nam - Campuchia, nối Châu Đốc với Hà Tiên, sau được đặt tên là kênh Vĩnh Tế. Theo sách "Chánh kiên toát yếu", vua Gia Long đã phủ dụ: "Công trình đào sông này rất là khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, chúng người tuy rằng ngày nay chịu khó, nhưng mà ích lợi cho muôn đời về sau...".

Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài gần 100km do Nguyễn Văn Thoại (tức Thượng đạo Khâm sai, trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) với sự đóng góp công sức của hơn 80.000 dân binh. Khi hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu (bà Châu Thị Vĩnh Tế), đặt tên cho con kênh có tầm vóc chiến lược này là kênh Vĩnh Tế.

Dòng kênh Vĩnh Tế từ ngày đầu hình thành đã trở thành một trong những công trình chiến lược nhất ở thế kỷ 19. Theo các nhà nguyên cứu về miền đất phương Nam cho thấy, việc đào tuyến kênh thẳng tắp từ An Giang về tận Kiên Giang, gần tiếp giáp biển Tây đã mở mang tuyến thủy lộ quan trọng và mở mang vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Bên dòng Vĩnh Tế, người dân lập thôn lập ấp, an kế đời sống và ngày nay có những gia đình là hậu duệ nhiều đời của những phu đào kênh năm xưa đã bám trụ vùng đất ven kênh an cư lạc nghiệp.

Song song đó, chính tuyến kênh Vĩnh Tế đã trở thành tuyến kênh ranh giới, đường biên trên thủy hết sức đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một người con ven dòng Vĩnh Tế (quê ông thuộc xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, P.V) khi nhắc nhớ về những ngày cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu bên dòng Vĩnh Tế đã trầm tư: "Nói thật, đến giờ, tôi cũng không còn nhớ bao nhiêu lần vượt con kênh biên giới thời chống Mỹ. Nhưng có một điều tôi không thể quên, đó là hàng chục, hàng trăm đồng đội đã ngã xuống, máu đồng đội đã hòa dòng Vĩnh Tế để bảo vệ quê hương đất nước trước quân thù". Tính yết hầu của phòng tuyến này chính là yếu tố quan trọng nhất về mặt chính trị của dòng kênh Vĩnh Tế.

Kênh Võ Văn Kiệt- sang trang miền đất Tây Nam

12 năm dòng kênh Võ Văn Kiệt, con số này nếu đem so sánh với tuổi đời của kênh Vĩnh Tế chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng cũng không thua kém sự hữu ích, khi chính dòng kênh Võ Văn Kiệt đã khơi dòng cho nước phèn thoát ra biển Tây, mở đường cho phù sa Cửu Long về tắm mát đồng bằng.

Mùng 8 Tết Mậu Dần 1998 (nhằm ngày 4-2-1998), cố vấn Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng đoàn công tác cao cấp của Chính phủ, Bộ ngành, thành viên chương trình "Thoát lũ biển Tây" đã về khảo sát kênh Võ Văn Kiệt, chuyến thị sát sau gần 6 tháng công trình đưa vào khai thác đã cho thấy rõ tiềm năng: 50.000 ha đất hai tỉnh An Giang, Kiên Giang được ngọt hóa, hai cụm tuyến dân cư của hai tỉnh hình thành, đất năng và lác ngày nào đã và đang trở thành đất sản xuất nông nghiệp… Và mùng 9 Tết năm Mậu Dần ấy cũng đã chứng kiến một quyết định khác về thủy lợi mang dân ấn Sáu Dân: Khởi công nạo vét kênh Vĩnh Tế, điều tiết lũ cùng dòng Võ Văn Kiệt thoát nước ra biển Tây. Chọn bờ Nam song song tuyến kênh hình thành những tuyến dân cư vượt lũ trên toàn tuyến. Công trình thủy lợi nối tiếp dòng kênh Vĩnh Tế của tiền nhân Thoại Ngọc Hầu chính là đại công trình thủy lợi tiếp theo mở trang mới cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Tổ quốc.

Những "công trình thủy lợi cấp bách" mang dấn ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "bác Sáu Dân" của người dân Nam Bộ đã và đang thể hiện vai trò lớn lao. Hơn một năm ngày ông ra đi về cõi hiền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã tri ân ông bằng việc chính thức đổi tên tuyến kênh T5-Tuần Thống là kênh Võ Văn Kiệt. Và, trong tấm lòng đồng bào miền đất biên giới Tây Nam Tổ quốc sẽ nhớ mãi về ông "Thủ tướng của nhân dân". Chúng tôi xin kết loạt phóng sự bằng 4 câu thơ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị:

Vẫn là Thủ tướng của nhân dân
Vẫn là anh Sáu mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình đất nặng chân.


BẢO TRỊ - THÀNH CHINH

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi