Lưu trữ Blog

27 tháng 1, 2010

Bà chúa của Sơn Nam




HOCMOINGAY. Việt Linh có bài viết cảm động "Bà chúa của Sơn Nam" tưởng nhớ trên một năm ngày mất của ông (13.8.2008) đăng trên SGTT - Đưa tang ông, với lý do không có nhiều hiểu biết về con người đáng kính, lạ thường này, tôi hầu như từ chối mọi phỏng vấn nghi thức. Nhưng từ thẳm sâu, tôi biết mình sẽ viết về ông – người đã gọi tôi là... “quỷ cái”! (Sơn Nam và Việt Linh ở Kiên Giang năm 1992. Ảnh tư liệu của tác giả )

Đó là năm 1988, khi phim Gánh xiếc rong của tôi không được phép phát hành. Trong một buổi cà kê ở phòng kế hoạch hãng phim Giải Phóng, Sơn Nam nhìn tôi, cười mim mím: “Đường Lý Chính Thắng giờ có thêm con quỷ cái, vị chi ba con”. Thì ra ông cộng tôi với hai “con quỷ” trước là K.H ở báo Tuổi Trẻ, T.T của báo Phụ Nữ TP.HCM – cùng có trụ sở trên đường Lý Chính Thắng. Hôm đó, không chỉ phong tôi là “quỷ” – từ mặc định của ông cho những nàng “có vấn đề” – Sơn Nam còn nghiêng ngó mấy vân tay quỷ, phán một câu rất vui: “Người này, nếu ở ngoài đời (ông làm như tôi đang đi tu hay ở trong tù) thì dù giựt hụi người ta, nhưng rủ chơi lại, người ta cũng chơi”. Tôi hỏi ý bác sao. Ông chỉ cười mim mím. Sơn Nam  là vậy, luôn lấp lơ, bí ẩn…

Tôi gọi ông bằng “bác” vì ông thuộc thế hệ đàn anh của ba tôi. Và thật ra, ngoài một số tác phẩm của ông mà tôi đã đọc, một số lần gặp nhau ở phân viện Tư liệu phim (7 Phan Kế Bính, quận 1) mà ba tôi phụ trách, tôi không thân thiết với ông, cho đến khi được ông gọi là “quỷ cái”. Và rồi một cơ duyên nữa khiến chúng tôi gần nhau hơn: thời đó, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các truyền thuyết hương xa bỗng dưng ăn khách khi chuyển thành điện ảnh. Giám đốc hãng phim bảo tôi kiếm một đề tài tương tự. Sau nhiều cân nhắc, tôi chọn tiểu thuyết Bà chúa Hòn của Sơn Nam. Vì nhan sắc tuyệt trần – theo Sơn Nam tả – của cô bé tên Huôi mà số phận sắp đặt lớn lên thành bà chúa. Vì vẻ đẹp tuyệt mỹ – cũng theo Sơn Nam tả – của đất trời Nam bộ. Vì nỗi thống khổ của dân đen trước một vương triều thâm thối… Tóm lại, Bà chúa Hòn đủ chất liệu cho bộ phim lôi cuốn.


Đọc kịch bản xong, Sơn Nam cười mim mím: Hấp dẫn a… Nhưng khác quá. Tôi mừng húm, chỉ sợ ông nói “ngộ”, bởi tôi biết ông hay dùng chữ “ngộ” để đưa đẩy xã giao những chuyện không thích. Cái sự khác đó như vầy: từ câu chuyện của Sơn Nam, tôi phóng tác thành câu chuyện khác. Tôi chọn cái lâm ly tình yêu, tội ác thay cho cái ly kỳ điển tích, tập quán… khó tái hiện với kinh phí thấp. Tôi chọn cho nhân vật cái gia phả thuần Việt thay cho lý lịch Triều Châu nguyên bản mà tôi không am hiểu. Cô gái của tôi vì vậy tên Lam chứ không phải Huôi. Quan trọng hơn, từ nỗi hứng được ông gọi là “quỷ cái”, tôi cũng biến Lam thành quỷ – những con quỷ chịu mang tiếng quỷ để làm được cái gì không – quỷ cho đời. Con quỷ Lam của tôi đã hy sinh tình riêng, thí chúa, cứu dân.
Cái khác nữa, hình như lớn nhất, là nhân vật Bá Vạn: Bá Vạn trong sách mưu mô, liên minh thí chúa với Huôi vì tư lợi. Bá Vạn trong phim nghĩa tình, đa cảm, mang tiếng bạo quan để chờ dịp giúp dân.
Kịch bản được duyệt, bản quyền được ký. Chúng tôi tổ chức đi chọn cảnh và mời ông hướng đạo. Một tuần lang thang từ thành phố tới Hà Tiên, “pho từ điển sống miền Nam” không ngó ngàng kịch bản, chỉ say sưa cổ tích, ẩm thực... của vùng đất ông tin là phước địa – niềm tin đã khiến ông suốt đời mê đắm làm người kể chuyện và nghiên cứu. Cứ vậy chúng tôi đi cùng những câu chuyện của ông, kịch bản tưởng như bị quên béng. Nhưng một ngày, bỗng dưng ông hỏi tôi có biết tại sao ông thích kịch bản này không, dù nó khác xa tiểu thuyết. Tôi nửa đùa nửa thật chắc tại bác thích viên quan già Bá Vạn (trong phim Bá Vạn… yêu bà chúa trẻ). Sơn Nam cười mim mím, nói thích nhứt đoạn Lam mới lên ngôi, sau khi truất được chúa Hòn. Đoạn đó như vầy:
Đêm hoa viên tĩnh lặng. Lam ngồi úp mặt bên hồ sen, người co dúm như hứng chịu sức nặng gì ghê gớm. Bá Vạn đứng không xa, nhẹ nhàng an ủi:
- Bà hãy khóc đi… Ít ra cũng có lúc bà được sống cho chính mình.
Lam bật khóc thành tiếng. Bá Vạn nhìn Lam, mắt đỏ hoe:
- Bà thật bất hạnh…
Lam tức tưởi chụp tay vị quan già:
- Ông Bá Vạn! Bao giờ? Bao giờ tôi mới được làm cô gái bình thường, được cởi cái danh vị nữ vương này?
Bá Vạn nhìn Lam, xa vắng:
- Tôi còn mong điều đó hơn bà…
Lam ngạc nhiên, gay gắt:
- Ông nói sao? Chính ông bắt tôi làm bà chúa kia mà!
Bá Vạn tránh mắt Lam, buồn bã:
- Bà hiểu vì sao tôi phải làm như vậy. Nếu chỉ sống cho mình, bà đã không làm chúa. Tôi cũng vậy. Nếu được sống cho mình, tôi đã không phải dằn nén một câu nói, mà đáng lẽ từ lâu, tôi phải nói với bà…
Lam nhìn viên quan, bối rối:
- Ông… muốn nói gì?
Bá Vạn bất đồ nắm tay Lam, thổn thức:
- Lam… Tôi yêu bà…

Cũng trong chuyến đi, thấy ông tiện tặn còn hơn đám làm phim tiện tặn, tôi trêu nghe đồn bác có “lương tháng” to bự lắm. Ông cười mim mím, nói tổng biên tập một tờ báo lớn quyết định bồi dưỡng các nhân vật anh yêu quý. Sơn Nam là một và duy nhất không quyền thế trong số đó. Ông khoe tiền khá lắm. Nói khá có lẽ do ông không biết những con số đồ sộ khác, hoặc do ông quen đạm bạc. Ông than “mắc cỡ lắm” khi tháng tháng phải ren rén vô gặp cô tài vụ, ren rén bước ra mau để không ai nhìn thấy… Biết ông túng thiếu mà tự trọng, nhiều người, trong đó có tôi, hay tặng tiền ông bằng cách khẽ đưa vào túi áo để ông khỏi chạm tay cầm. Thường thì ông ngó lơ, lí nhí nói “Cảm ơn”, hoặc “Tử tế ha” rồi lảng qua chuyện khác. Bà con Việt kiều ở Pháp rất ái mộ ông, đặc biệt gia đình bác sĩ H. Lâu lâu, họ nhờ tôi chuyển tặng ông món tiền đáng kể. Rất khó gặp Sơn Nam nên tôi phải nhờ tiếp qua anh N. Tôi ngại nói anh N. ghi mấy chữ, cũng như anh N. không thể bắt người bạn vong niên khả kính của anh ghi mấy chữ. Chúng tôi đành áy náy: Anh N. áy náy với tôi, tôi áy náy với gia đình bác sĩ H. Mãi gần đây, tình cờ đọc chuyện kể của ông Nam Sơn – một người quen của Sơn Nam – tôi mới bớt nặng lòng: “Mấy năm trước, có lần hay tin nhà văn Nguyễn Văn Sâm về nước, tôi có nhờ anh gởi ít tiền làm quà cho Sơn Nam. “Chả (Sơn Nam) nhận quà, lơ đãng nói chuyện khác, tuồng như không quan tâm”, Nguyễn Văn Sâm nói như vậy. “Ðó là cái kiểu Sơn Nam”, tôi trả lời Nguyễn Văn Sâm”.
Rất tiếc vì lý do kinh phí, kịch bản Bà chúa Hòn không được thực hiện. Nhưng nhờ nó tôi khám phá ra ở con người hắt hiu kia một tâm hồn đa cảm. Với tôi đó là một khám phá tinh khôi, dịu ngọt. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi có cơ hội gần ông, ngộ ra con người làm bộ, làm như không để ý gì, không biết gì này hiểu hết mọi chuyện, rưng rưng hết mọi chuyện. Có lẽ vì vậy chăng mà cái kho kiến thức Nam bộ uyên bác, có vẻ như chỉ muốn lôi cuốn độc giả bằng chất quái lạ của ông luôn để lại những dư vang nhân bản. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi hiểu Sơn Nam sôi động phù du chỉ là phần nổi của tảng băng, như hiểu đàng sau tiếng cười ha hả, xác nhận bị vợ đăng tivi tìm kiếm là nỗi cô đơn vô bờ bến. Nỗi cô đơn Sơn Nam.
Có chút duyên gì chăng khi mỗi năm tôi chỉ ở Việt Nam chừng hai tháng, nhưng trong hai tháng choi loi đó tôi đã có dịp tiễn ông lên cõi niết bàn. Mới đó mà đã hơn một năm. Mới đó mà đã 18 năm kể từ ngày hai bác cháu cùng đi chọn cảnh, mà dấu vết duy nhất còn lại là tấm ảnh này. Máy xấu, ảnh lem nhem nhưng vẫn thấy ba “nhân vật”: Hòn Phụ Tử đã rơi, Sơn Nam đã đi, chỉ còn lại con quỷ với tương tư bà Chúa...

Việt Linh
Nguồn: SGTT HOCMOINGAY


HOCMOINGAY. 13 tháng 8 năm 2008 là ngày mất của Sơn Nam, nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Nam Bộ, con người được mệnh danh là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Ông đã để lại nhiều tác phẩm mà tôi ấn tượng nhất là "Bà Chúa Hòn" và "Hương rừng Cà Mau". Nhớ lời điếu của ông khóc cụ Bùi Giáng: "Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!. Ông để ý cụ Trương Vĩnh Ký đã dành thời gian sau cùng để viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe” chứ không chỉ là những công trình bác học đồ sộ. Nhớ Sơn Nam là nhớ những trang văn, những mẫu chuyện đời tinh tế thấm đẫm tính nhân văn.

NHỚ SƠN NAM

Đoàn Nam Sinh

Hồi còn nhỏ, thập kỷ sáu mươi về trước, trong làng ấp xa xăm tôi đã được đọc những bài viết của chú trên tờ Hương Quê, giấy báo trắng láng với màu mè, hình vẽ minh họa rất đẹp. Mẩu chuyện mà tôi nhớ đời là bà con xứ Nam kỳ đã lập thế nhử vịt câu sấu như thế nào, với giọng văn giản dị, tưng tửng. Ba tôi, người cũng từng dầu dãi sông nước giải thích chuyện trẻ nhỏ nghịch ý với cha mẹ thì thường bị quở là “đem câu sấu cho rồi”, tụi nhỏ tôi sợ lắm.

Ông cậu vợ tôi sau này, ngày còn nhỏ nhà ngoại khá giả cho đi học trên Nam Vang, chắc có Pri-me rồi về Rạch Giá đi dạy học. Đổi vùng khắp chốn đến sau khởi nghĩa mới biết là đi theo cộng sản từ thời ông Giàu gây dựng đâu bên Xiêm bên Lèo. Cậu làm chủ tịch một xã ở Gò Quao, mà cái bằng “đẹp trai” không giấu được. Ở đâu chị em cũng bu theo. Cậu có lần kể “tao đi công tác với hai cô, mùa nước nổi chun nóp ngủ trên chòi gò, lần quần rồi tao quất cả hai”. Không biết có phải vì đào hoa, lăng nhăng hay sao đó cậu ở lại, không tập kết. Rồi tù tội liên miên. Có lần cậu nói “thằng cha này là Minh Tài, nó viết văn hay lắm, ham đi xuống thực tế, rồi ham viết, chẳng kể gì giờ giấc, chưng dọn. Người hổng biết nói chả ở dơ, lúc 9 năm chả hay về đây, tiếng Tây chỉ có mấy người biết, đủ để nói thầm, chả thân cậu lắm!”. Sau này tôi kể lại với chú cậu Trần Kỳ Ứng dưới Gò Quao hỏi thăm, chú nói chuyện “hồi đó ai cũng yêu nước, đánh Tây đặng giành độc lập. Có mấy người biết chữ đâu. Lớp đó là người theo đạo Thiên chúa cũng vào Đảng, làm lãnh đạo Việt Minh. Khi định biên lại khoảng năm 53, làm theo kiểu mấy anh Tàu nên nhiều người chán nãn…”.

Lớn lên trong thời chiến, lại lo chuyện học hành, chuyện kiếm hiệp/võ hiệp kỳ tình tràn lan rồi phong trào hip-pi, phản chiến đến triết lý hiện sinh hiện tồn,…Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng, đảo chính, tăng quân, leo thang đánh phá,…Làng quê ứng phó bằng tích trữ khô muối, dầu đèn, trảng-sê hầm hào trước bom sai đạn lạc; phố chợ lung lay trước bao cuộc biểu tình, đình công bãi thị, học sinh bãi khóa, chống đàn áp Phật giáo rồi chống hiến chương Vũng Tàu, đả đảo Nguyễn Khánh bán nước, đả đảo Thiệu-Kỳ-Có,…khiến tụi nhỏ tôi chẳng còn thời gian và lòng dạ nào dòm đến văn học miền Nam nữa.

Sau 68, anh em tan tác người một ngã. Ngọn lửa tàn độc tràn qua thôn ấp ngày một hung tợn, ác liệt. Làn sóng tỵ nạn chiến tranh lan ra, người dân tản cư chạy vào khu dồn, lớp trẻ chúng tôi về Sài Gòn. Mấy năm sau tôi thấy chú trong phong trào chống chế độ kiểm duyệt báo chí của Sở Phối hợp Nghệ thuật, tổ chức biểu tình với khẩu hiệu “Ký giả đi ăn mày”, nhưng mỗi người một việc.

Bẵng đi có chục năm liền, cũng vì mưu sinh chen chúc, tuy không xa nhưng khó dịp hàn huyên. Có lần gặp nhau tôi hỏi nghe chuyện vợ con chú sao đó, chú Sơn Nam buồn buồn
̶ “mình viết văn mà không hay thì ai đọc, làm sao sống? Mà lo chuyện viết lách thì bỏ bê, vợ con mấy người thông cảm”…Tới 97, đợt 300 năm Sài Gòn chú nhờ tôi tiếp mấy chuyện vặt. Lúc này chú thuê nhà ở Phan Văn Trị, một cái buồng dài và hẹp, bốn bề nước đái khai um. Cũng chỉ cái máy Olivetti gõ cọc cạch và bộn bề sách vở xếp chung quanh lan cả lên chiếc giường tám tấc. Gần đến ngày trả tiền nhà chú lúng túng, xốn xang cùng nổi lo trễ nãi bà chủ phiền.

Chú Sơn Nam lúc này đã thấy già, nói chuyện vẫn bông lơn nhưng có phần cam chịu. Có bữa được ít tiền nhuận bút, “chú em chở dùm qua đi gửi cho thằng con, nó khổ lắm”. Lần khác thì “thằng con dưới Mỹ Tho hẹn lên xin mấy trăm về lo chuyện nhà”.

Mấy lần chú xuất hiện trên phim, và khi đi ra quê Bắc tế cụ Nguyễn Hữu Cảnh, với bộ nam phục lụa màu xanh thấy ngồ ngộ, khác xa với “ông già đi bộ” thường ngày, lưng chú đã hơi còng rồi.

Vài năm sau nữa, tôi nhớ bữa đưa tang Bùi Giáng ở Gò Dưa, sau bài ai điếu của Cung Văn là điếu văn của Hội Nhà Văn thành phố. Chú moi ra bài viết sẵn trên túi áo vét xanh nhầu nhỉ, sửa lại đôi kính cũng rầu rĩ như ông chủ và chú run run nói: “Anh Giáng ơi! Sáng nay anh NQS nói với tui anh là lớp trước, lại ở trong này, cũng ít dịp gần gũi. Anh đại diện cho Hội đọc dùm điếu văn này. Dậy đây là phần của Hội nghe anh Giáng…Tui đọc dậy là xong rồi, còn đây là của tui. Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!…”.

Có lần hội thảo khoa học về cụ Trương Vĩnh Ký, như những lần hội thảo danh nhân Nam bộ khác, chú đã đọc tham luận. Không phải về những công trình bác học, đồ sộ hoặc luận về công/tội, chú nói đến chuyện sau cùng cụ TVK đã dành thời gian viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe”.

Lúc Bé Tư mới ra cuốn Cánh đồng bất tận, một ông lão nghe chuyện hỏi tôi NQS ủng hộ lắm hả, cháu có không? Tui nghe chú Sơn Nam có bản photo. Mà lúc này ổng về ở dưới Lăng Ông rồi. Chở chú lại thăm giả chút. Hai người lớn nói chuyện văn chương, tôi mãi mê đọc báo. Chỉ nghe thoáng khúc cuối chú Sơn Nam nói “nó muốn đặt tên cho đứa nhỏ là Hiền, Lành gì đó chứ không Thù, Hận,…nghĩ lại không biết tụi mình là con hoang của vụ hiếp dâm nào?” Tôi xin phép hai ông chú ra về trước.

Tự nhiên mấy năm gần cuối đời hai dái tai của chú dày ra, rộng hơn phát đỏ hồng, anh em mừng. Thì cũng có chuyện hợp đồng bán được tác quyền, sách được in lại đẹp đẽ, chú cũng mừng. Nhưng thường bữa, trừ đợt bịnh nặng, chú vẫn đến thư viện Gò Vấp cạnh cầu Hang tìm sách đọc, viết và nhờ mấy cháu đánh máy lại. Rủng rỉnh thì mời mấy cô bé đi ăn trưa, cơm dĩa. Sáng sáng lại ngồi cà phê đen xéo phía kia đường.

Khúc cuối cùng cuộc đời, do có chuyện bình chọn để lãnh giải thưởng gì đó ngoài trung ương mới có chuyện “…Sơn Nam không được, vì nhờ biết tiếng Tây, đọc các bài viết cũ rồi viết lại chứ không có công trình gì…”. Từ hồi chữ quốc ngữ thịnh lên tới giờ, có biết bao nhà văn đọc rồi phóng tác; có bao người đọc để biết mà tránh viết giống người trước? Tôi thì biết rõ là chú Sơn Nam không đạo văn như cái án oan kiểu gây dư luận đó.

Lại rủi cho chú khi đi đường bị xe của bọn trẻ chạy vong mạng làm gãy chân, chú chỉ nói buồn “tụi nhỏ chúc thọ ông già kiểu này ngặt quá!”.

Mới đó mà chú đã đi xa một năm rồi, ngày đưa tang chú tôi từ Gia Lai về, mệt quá ngủ quên, khi anh em nhắc thì đã xong mọi việc. Tiếc và buồn! Thôi, đêm nay tôi nhớ chú, ngồi viết gọn mấy dòng dâu bể.

Bình Dương, 10/08/09
Nguồn : http://www.viet-studies.info/DoanNamSinh_NhoSonNam.htm

SƠN NAM
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Sơn Nam[1] có tên thật là Phạm Minh Tài (nhân viên hộ tịch viết sai thành Phạm Minh Tày) (11 tháng 12 năm 1926 - 13 tháng 08 năm 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Việt Nam.

Tiểu sử
Sơn Nam sinh tại làng Đông Thái, huyện Gò Guao, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà Gò Guao, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá. Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống... Năm 1960-1961, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương)[2]. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học".

Những tác phẩm chính
Chuyện xưa tình cũ (1958)
Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)
Hương rừng Cà Mau (1962)
Chim quyên xuống đất (1963)
Hình bóng cũ (1964)
Vạch một chân trời (1968)
Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao (1969)
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam
Danh thắng Miền Nam
Theo chân người tình & một mảnh tình riêng
Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An
Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang
Xóm Bàu Láng
Bà chúa Hòn

Ghi nhận công lao

Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ...”

“Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông (Sơn Nam) còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là "nhà Nam Bộ học" hay ông già Ba Tri...”

“Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc...”

Tham khảo
^ Bút danh Sơn Nam của ông là để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Theo [1]
^ Theo Hỏi đáp về Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb trẻ, 2006, tr. 63.
^ Tạp văn Gốc cây, Cục đá & Ngôi sao. Nhà văn Sơn Nam qua đời, VnExpress.
^ Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam, Lê Phương, Dân Trí.
^ Sơn Nam - Người của nhiều thời, Vannghesongcuulong.org.vn.

Liên kết ngoài
Hồi ký Sơn Nam
Sơn Nam trên web Văn nghệ sông Cửu Long.
Sơn Nam - nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa trên web báo Nhân dân.
Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam trên web báo Thanh Niên.
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê trên web báo Tuổi trẻ.
[2] Blogspot của nhà văn Sơn Nam.


Được đăng bởi Hoang Kim

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi