Lưu trữ Blog

14 tháng 8, 2010

Từ “ Bài giảng cuối cùng” đến “ Chuyển đổi lớn”

Nguyễn Lâm Cúc

HỌC MỖI NGÀY. Quyển sách " Chuyển đổi lớn" đã có mặt tại các nhà sách Việt Nam, từ tháng 8/2010. Nguyễn Lâm Cúc đã viết bài giới thiệu thật hay Từ "Bài giảng cuối cùng " đến "Chuyển đổi lớn". Tôi  tâm đắc với cô về những nhận xét tinh tế khi  đọc "Bài giảng cuối cùng" và háo hức tìm kiếm "Chuyển đổi lớn ráp lại thế giới từ Edixon đến  Google" của Nicholas Carr với  lời văn chuyển ngữ vốn kỹ lưỡng, tài hoa và sự sâu sắc chuyên môn của PGS.TS. Vũ Duy Mẫn. Google đã là câu chuyện thần kỳ của thời đại chúng ta. Sự khám phá, phân tích về kỳ tích này của những chuyên gia bậc thầy chắc chắn có nhiều gợi mở. Tôi ngộ ra từ bài viết "Chậm từng giọt chữ" của Nguyễn Ngọc Tư cái sự chậm có được là do biết thưởng thức sách hay của người viết sách kỹ và người chọn đọc sách kỹ, ví như "sách vở cũng như bạn bè không cần nhiều mà nên lựa chọn" ... 


..."Một lần, khoảng mười mấy năm về trước, khi Chris lên bảy và Laura lên chín, tôi đón chúng với chiếc xe Volkswagen Cabrio mui trần mới tinh vừa mua. "Phải cẩn thận trong xe mới của cậu Randy nhé - chị tôi nhắc các con - Chùi chân trước khi vào xe. Đừng nghịch các thứ. Đừng làm bẩn xe".


Tôi lắng nghe chị và nghĩ theo cách nghĩ của một ông cậu chưa vợ: "Đây đúng là kiểu răn bảo làm hỏng bọn trẻ. Tất nhiên chúng có thể làm bẩn xe tôi. Trẻ nhỏ làm sao có thể tránh được". Vậy nên tôi làm mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Trong khi chị tôi nhắc nhở các quy tắc, tôi chậm rãi mở một lon nước ngọt, dốc ngược và đổ xuống chiếc ghế đệm bọc vải ở phía sau xe. Thông điệp của tôi: con người quan trọng hơn đồ vật. Một chiếc xe, kể cả quý giá như chiếc xe mui trần mới của tôi, cũng chỉ là một đồ vật.


Khi đổ lon nước ngọt, tôi quan sát thấy Chris và Laura miệng há, mắt trợn tròn. Quả là cậu Randy điên khùng, hoàn toàn chối bỏ những nguyên tắc của người lớn.


Cuối cùng tôi thật mừng vì đã tưới lon nước ngọt đó bởi đến cuối tuần, Chris bé nhỏ bị cảm cúm và đã nôn tung tóe khắp ghế sau xe. Cậu bé đã không cảm thấy có lỗi. Nó được yên lòng bởi đã chứng kiến tôi rửa tội chiếc xe và biết việc nó làm cũng không có vấn đề gì"...

Tôi đã đọc mẩu chuyện trên trong quyển sách " Bài giảng cuối cùng" do dịch giả Vũ Duy Mẫn dịch, ngay từ khi những trang đầu của quyển sách được một vài báo điện tử trích đoạn đưa lên. Sau này, khi quyển sách xuất bản, tôi được dịch giả tặng 1 bản và đã đọc đi đọc lại đoạn văn trên nhiều lần. Hôm nay, lại mang ra đọc và còn nguyên vị ngọt ngào của mật ong, y hệt như tôi nếm nó lần đầu tiên. Một cử chỉ dù có chút thiệt thòi nhưng đã tránh cho Chris bé nhỏ không cảm thấy có lỗi khi nôn ói lúc bị bệnh. Việc làm đơn giản đầy nhân văn đó cũng là tư tưởng xuyên suốt của tập sách "Bài giảng cuối cùng". Có gì dễ bằng đổ lon nước ngọt xuống ghế chiếc xe mới của chính mình? Không phải thế. Không dễ chút nào. Chúng ta cũng thường tưởng rằng xuất phát từ yêu thương thì có thể làm, nhưng thực tế sẽ không như vậy. Bởi vì, biểu hiện yêu thương có sự khác nhau do văn hóa sống của mỗi cá nhân. Mà văn hóa không phải là khí trời cứ hít thì sẽ đầy phổi và thở thì sẽ thải ra. Văn hóa cần một quá trình tiếp nhận và chuyển hóa. Quá trình đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng giáo dục.

Khi tôi cao chỉ nhỉnh hơn cán một cây rìu đẽo gỗ một tí, ba tôi sai tôi đi lấy nó kèm theo câu nói: Coi chừng đứt chân. Tôi chạy vun vút và hớn hở tự hào mang cây rìu đến cho ông. Đã nói coi chừng đứt chân rồi mà! Kèm theo câu quát, ba tôi bép tôi một bép vào mông như trời giáng. Tôi loạng choạng, mắt mở muốn rách vành nhìn ba, miệng cãi: Con có làm sao đâu. Còn cãi nữa hả, máu chảy đầy đất kìa. Ba tôi quát. Nhìn lại, tôi thấy trên đường tôi chạy qua máu nhỏ từng giọt dài. Phía sau cổ chân, vết đứt in nguyên hình lưỡi rìu nhưng phía bên dưới sâu hơn phía bên trên. Máu vẫn đang chảy...

Tại sao ba tôi lại sai tôi làm một việc mà dù rất cố gắng tôi vẫn không thể làm? Tại sao trừng phạt một việc mà người phạm lỗi không thể tránh? Ba tôi có thương tôi không? Rất thương! Và "thương thì cho roi, cho vọt"...Đã một thời, câu tục ngữ trên cũng là biểu hiện một nét văn hóa trong tập quán giáo dục của chúng ta?

Chuyện xảy ra đã lâu, tôi nhớ một kỷ niệm không kèm theo dư vị nào. Với tôi như vậy đã là một may mắn, nhưng tôi sẽ hạnh phúc hơn, nếu kỷ niệm đó còn cho tôi vị ấm ngọt, như câu chuyện từ " Bài giảng cuối cùng" kia.

"Tác giả "Bài giảng Cuối cùng" là giáo sư Randy Pausch, ông dạy ở trường đại học Carnegie Mellon. Ông đã đọc "Bài giảng cuối cùng" vào ngày 18/09/2007. Video bài giảng được đưa lên Internet và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người xem khởi đầu là một video clip trên Internet, ngay lập tức nó thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Trang Web "Bài giảng Cuối cùng" và trang Web của Randy Pausch để giao lưu với cộng đồng mạng đã gây cảm hứng sống tích cực cho rất nhiều người và cũng rất nhiều người qua đó đã chia sẻ, động viên, cổ vũ và giúp ông thêm vũng vàng trong những ngày tháng khó khăn nhất."

"Video "Bài giảng Cuối cùng" được nhận giải năm 2007 của YouTube. Randy Pausch được phong là Nhân vật của thành phố Pittsburgh năm 2008. Tháng 5/2008, báo Times xếp ông là một trong 100 người có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. Hãng Disney lập học bổng Pausch tại Đại học Carnegie Mellon.

Ông nhận được rất nhiều thư từ của bạn đọc, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Bush, ca ngợi tinh thần của ông và cám ơn những đóng góp của ông cho công đồng. Randy Pausch cũng đã tường trình trước một tiểu ban của Thượng Viện Mỹ để kêu gọi tăng cường kinh phí nghiên cứu ung thư tụy.

Nhà xuất bản Hyperon của hãng Disney đã trả số tiền 6,7 triệu đô la Mỹ cho bản quyền xuất bản cuốn "Bài giảng cuối cùng". Ngay khi vừa ra đời vào tháng 4/2008, nó đã trở thành cuốn sách best-seller của New York Times rồi của toàn quốc. Cuốn sách được in 400 ngàn bản trong lần xuất bản đầu, và đã được dịch ra 46 thứ tiếng. Có tin cuốn sách sẽ được dựng thành phim"

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Mẫn từng chia sẻ với bạn đọc khi quyển sách dịch ra tiếng Việt rằng: "Nghĩ tới lớp trẻ ở trong nước, tôi nhớ đã đọc ở đâu đó một bậc cha mẹ tâm sự là bây giờ rất khó dạy dỗ con cái bởi khó thấy những tấm gương để chúng noi theo. Theo nghĩa đó, tôi thấy "Bài giảng cuối cùng" là một cuốn sách quý cho đọc giả Việt Nam và quyết định dịch nó."

Bản in tiếng Việt đầu tiên của " Bài giảng cuối cùng" chỉ 1 nghìn quyển. Nhìn thấy số lượng in như vậy, so với số lượng người Việt Nam là 87 triệu người, tôi xót xa cho cái sự đọc sách của thời đại tôi.

Sau " Bài giảng cuối cùng", dịch giả Vũ Duy Mẫn đã đem đến cho bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ Việt Nam một tác phẩm khác thuộc lãnh vực đang là thời thượng nhất của toàn cầu. Quyển sách mang tên " Chuyển đổi lớn". Dưới tiêu đề : "Một Web Nhện". Dịch giả Vũ Duy Mẫn đã trích chương Mười bốn, có đoạn: "Không thật bất ngờ khi hầu hết những tiến bộ chủ yếu về tính tóan và mạng, từ thời kỳ Hollerith cho tới nay, đều được thúc đẩy không phải bởi khát khao giải phóng số đông mà lại bởi nhu cầu kiểm sóat lớn hơn từ phía các viên chức thương mại và chính phủ, thường gắn liền với những họat động quân sự và quốc phòng. Quả thực, cấu trúc cơ bản của bộ máy quan liêu đã được phản ánh trong các chức năng của một chiếc máy tính. Máy tính thu thập thông tin qua các thiết bị đầu vào, ghi nhận thông tin như các tệp trong bộ nhớ, áp đặt những quy tắc và thủ tục hình thức lên người sử dụng thông qua các chương trình của nó, và truyền đạt thông tin qua những thiết bị đầu ra. Nó là một công cụ để phát lệnh, để thu nhận phản hồi về việc những lệnh này đã được thực hiện ra sao, và để đo lường sự tiến triển hướng tới một mục tiêu nhất định nào đó. Khi sử dụng máy tính, con người trở thành một bộ phận của cơ chế điều khiển. Anh ta trở thành một thành phần của cái mà nhà tiên phong Internet J. C. R. Licklider, trong bài báo năm 1960 "Sự cộng sinh Người-Máy," đã mô tả như một hệ thống tích hợp con người và máy thành một thực thể đơn nhất, có thể lập trình được"

Trong một trao đổi riêng với tôi tại blog, dịch giả Vũ Duy Mẫn nói thêm: "Trong cuốn sách có một đọan: Không những các chính phủ nói chung đang bắt đầu phân chia thế giới trực tuyến theo ranh giới địa chính trị cũ, mà cả những chế độ độc tài cũng đang nhận rõ Internet không là mối đe dọa lớn cho quyền lực của họ như ban đầu họ đã lo sợ. Trong khi Mạng đưa cho con người một môi trường mới để khám phá thông tin và phát biểu chính kiến, nó cũng cung cấp cho các viên chức một công cụ mới mạnh mẽ để giám sát phát ngôn, nhận diện những người phản kháng, và phân tán tuyên truyền. Trong một quốc gia như Trung Hoa, bất kỳ ai tưởng rằng có thể hành động nặc danh trên Web, đều tự đối đầu với những hiểm nguy khá lớn. Trong một phát biểu vào năm 2007, chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đã nhiệt tình nói về tiềm năng của Internet để củng cố ảnh hưởng của Đảng Cộng sản đối với tư tưởng của nhân dân nước ông. "Củng cố xây dựng và quản lý văn hóa mạng," ông nói với một nhóm viên chức đảng cao cấp, "sẽ giúp mở rộng trận tuyến tuyên truyền và công tác tư tưởng. Đó là việc làm tốt để nâng cao sức mạnh sáng chói và sự lan truyền phát triển của tinh thần xã hội chủ nghĩa. Và nxb đã bỏ đi, kể cả đó chỉ là phát biểu của một người viết Mỹ."

Quyển sách " Chuyển đổi lớn" đã có mặt tại các nhà sách Việt Nam, từ tháng 8/2010.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi