Lưu trữ Blog
7 tháng 7, 2011
Học theo những con người ưu tú
HỌC MỖI NGÀY. Trần Đăng Khoa, Hàm Châu, Tạ Bích Loan, Nguyễn Thị Ngọc Hải đều là những người ham tìm tòi viết về những người đương thời. Học những con người ưu tú, học người tốt việc tốt, đó là lối học giản dị và tiết kiệm thời gian để thành người tử tế. Xin chép lại một số trích đoạn trong bài viết “Tôi vui vì được làm người sai vặt!” của Song Phạm về nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: "Tôi mê những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian. Hơn nữa, đây là sở trường và niềm hứng thú bất tận của tôi. Tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng họ. Tôi thích nhặt nhạnh vẻ đẹp ấy. Viết chân dung thì khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ. Tôi dồn sức vào việc đó, vì nghĩ mình cũng chỉ làm được những “chớp đèn flash” mà thôi. " Mỗi ngày vẫn cằm cụi viết, mỗi năm đều đặn cho ra đời mấy trăm bài báo với các vấn đề thời sự, và chủ yếu là “đơn đặt hàng” từ các báo. Thế nhưng hỏi thành công nhất trong cuộc đời của chị là gì? Chị lại cười: “Đó là hai thằng con giỏi và tử tế!”. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất của chị còn là việc thấy học trò của mình trưởng thành.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải
“TÔI VUI VÌ ĐƯỢC LÀM NGƯỜI SAI VẶT!”
Song Phạm thực hiện
“Nghề báo là nghề thải người rất nhanh, lạc hậu rất nhanh và không đợi tuổi nếu không phấn đấu. Tôi không có tướng để làm ông nọ bà kia, nhưng sung sướng vì được làm một nhà báo “ra hồn”. Tôi vui vì từng tuổi này mà vẫn chưa bị nghề thải đi, đuổi đi, vẫn còn được làm “bà loong toong”, làm người sai vặt cho xã hội và vẫn còn… được việc!”
Người “tò mò một cách chân thành”
Với nick name và địa chỉ email “nghe qua ai cũng cười” - “bà loong toong” tâm sự: “Một hôm thằng cháu nội 10 tuổi hỏi tôi “Bà ơi! Có phải bà lạc hậu lắm rồi không?”. Tôi cười “Đúng rồi! Vì bà đã già. Mà ai già rồi cũng bị lạc hậu. Và người ta phải chiến đấu để cho cái lạc hậu nó chậm đến, bà cũng vậy. Nhưng vì sao cháu hỏi thế?”. Thằng cháu đáp: “Vì cháu thấy bà cái gì cũng sợ!”.
Thật vậy, tôi có bệnh sợ người, bệnh nay của nhà văn Nam Cao, tôi yêu người tử tế nhưng lại rất sợ những người quỷ quái. Tôi còn sợ đám đông. Trước đây đứng trước đám đông là tôi run và nói dại. Sau này ngoài nghề báo, nghề văn, tôi còn được mời đi giảng dạy, công việc đòi hỏi phải thường xuyên nói trước đám đông, nên dần tôi cũng quen đi. Nghề báo cần dạn dĩ và biết phớt lờ, chúng tôi hay nói vui đây là nghề “đeo thẻ mặt trơ”. Tôi thấy mình không thích hợp nhưng lại rất yêu nghề, chính nghề báo đã rèn giũa, mang lại nét tính cách mới cho tôi”.
Với 45 năm cầm bút, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có hơn 10 đầu sách thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự... Được cho là “nhà văn hàng đầu của thể loại ký nhân vật” bởi sở trường phỏng vấn, trò chuyện, khắc họa chân dung. Tác phẩm mới nhất của chị Tò mò một cách chân thành tập hợp 24 bài phỏng vấn những người nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Khải, giáo sư Trần Hữu Dũng, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, nhà báo Kim Hạnh, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giáo sư, nhà nghiên cứu Larry Berman, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thi sĩ Hoàng Cầm... Và quyển Sốc văn hóa tập hợp những bài báo, những câu Chuyện nhà tôi trên tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần lâu nay chị phụ trách với bút danh Quảng Yên.
Kẻ “đam mê lục lọi tâm hồn con người”…
Đặc biệt với tác phẩm xuất sắc viềt về “nhà tình báo và nhà báo của thế kỷ 20” Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, chị đã phải mất 10 năm đi lại, tìm hiểu, trao đổi, trò chuyện, sưu tầm tài liệu… quyển sách đã 2 lần đoạt giải thưởng về viết tiểu thuyết và ký, được tái bản nhiều lần và đến nay vẫn không ngừng được dư luận quan tâm. Nhà văn, giáo sư, nhà nghiên cứu Mỹ Larry Berman, người từng sang Việt Nam 25 lần, tác giả quyển Điệp viên hoàn hảo (trong đó có Phạm Xuân Ẩn) nói: “Trong tất cả những người viết về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, thì bà là người hiểu rõ về chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”.
Riêng với nghề báo, chị đã trải qua nhiều cương vị công tác, từ phóng viên, biên tập, tổng thư ký tòa soạn (báo Phụ nữ Việt Nam). Hiện ở tuổi 67, hàng ngày chị vẫn tất bật với cả ba nghề: làm báo, viết văn và giảng dạy báo chí, vẫn được cộng tác, giữ mục cho một số tờ báo lớn, chị còn là một trong các chị Hạnh Dung của báo Phụ nữ TPHCM hàng chục năm qua.
“Tôi không có nét tính cách của một nhà báo hiện đại, nên luôn phải rượt đuổi theo các đồng nghiệp vì nỗi lo mình bị bỏ lại, bị lạc hậu. Chẳng nói đâu xa, mỗi ngày tôi đều phải học hỏi ngay chính các nhà báo trong… nhà mình!”. Cả nhà chị đều làm báo, chồng chị hiện là Tổng Biên tập tạp chí Người Đô thị, hai người con thì anh cả là Trần Hà Nguyên (dịch giả quyển hồi ký Đời tôi - My life của Bill Clinton), hiện phụ trách trang tin tức Yahoo Việt Nam, anh con út Trần Hồng Nguyên là họa sĩ minh họa và trình bày báo Sài Gòn Tiếp Thị.
“Tôi thấy nhà báo hiện đại giỏi tiếng Anh, vi tính và giao tiếp, nhưng cái thiếu của họ chính là sự trải nghiệm, là góc nhìn. Một số nhà báo có phông nền yếu, thậm chí không hiểu rõ bản chất công việc, vấn đề mình đang viết… họ thừa tự tin nhưng lại thiếu kiến thức. Ngoài ra, nghề báo là nghế sáp vào lửa, giáp mặt với lửa, nhưng tôi thấy nhiều phóng viên bây giờ ít chịu đi, ít chịu phấn đấu để trở thành nhà báo giỏi, mà lại thích hoặc bị làm “quan báo”, không ít tòa soạn “quan báo” nhiều hơn cả phóng viên…”.
Nói về sự dấn thân, chị kể trong đời làm báo chị cũng từng bị nhân vật từ chối gặp, có lần còn bị giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê chê bài viết… ngắn quá, không nói hết ý của ông, và chị đã không ngần ngại lấy bài học đáng nhớ đó để giảng dạy thực tế cho sinh viên.
“Vi tính dù rất hữu ích và hỗ trợ cho các nhà báo rất nhiều, nhưng đồng thời nó cũng lấy đi của họ rất nhiều. Cụ thể nó làm họ ngại đi, lười đi, ít năng động, xông xáo cần có của một nhà báo. Có lẽ chính vì vậy mà báo chí bây giờ ít bài hay. Báo chí có thể làm rất xuất sắc chức năng phát triển kinh tế, phục vụ cho doanh nghiệp, PR, quảng cáo, quảng bá sản phẩm... Nhưng đó mới chỉ là một trong những chức năng của báo chí, theo tôi, tính chiến đấu mới chính là một phẩm chất thiêng liêng” – chị khẳng định.
“Bây giờ đi đâu cũng thấy nhà báo. Có hôm đang chui trong đống quần áo si-đa cũng bắt gặp nhà báo, một cô phóng viên - học trò: Chào cô ạ!”. Rồi chị say sưa nói về các nhà báo tương lai, rằng sinh viên báo chí dù được học lý thuyết, rằng phóng sự điều tra là “thể loại cao cấp của báo chí, là công cụ giám sát xã hội, là mục đích, là phẩm chất của nghề báo, làng báo”… các giải báo chí hàng năm cũng đánh giá và tưởng thưởng cao nhất cho thể loại này. “Thế nhưng bây giờ thật hiếm hoi, thật khó tìm ra một bài phóng sự điều tra lớn và sâu sắc. Nhà báo dấn thân cho nghề, chịu đựng thất bại, cay đắng, đau đớn vì nghề bây giờ rất ít. Một số ảo tưởng về nghề, số khác hầu như chỉ chọn công việc kiếm tiền nhanh”…
“Khi nào trời còn cho sức khỏe, các tờ báo còn sai vặt, tôi còn loong toong!”
Có người hỏi chị nhà văn gì mà không chịu hư cấu, không biết hư cấu, không viết những bộ tiểu thuyết hoành tráng, mà cứ bám người thật việc thật, viết chân dung nhân vật như một nhà báo, bằng văn phong báo chí. Chị cười: “Nếu sáng tác văn chương mà tưởng tượng của nhà văn không bằng tưởng tượng của người đọc thì viết làm gì? Tôi mê những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian. Hơn nữa, đây là sở trường và niềm hứng thú bất tận của tôi, tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng họ. Tôi thích nhặt nhạnh vẻ đẹp ấy. Viết chân dung thì khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ. Tôi dồn sức vào việc đó, vì nghĩ mình cũng chỉ làm được những “chớp đèn flash” mà thôi.
Mỗi ngày vẫn cằm cụi viết, mỗi năm đều đặn cho ra đời mấy trăm bài báo với các vấn đề thời sự, và chủ yếu là “đơn đặt hàng” từ các báo. Thế nhưng hỏi thành công nhất trong cuộc đời của chị là gì? Chị lại cười: “Đó là hai thằng con giỏi và tử tế!”. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất của chị còn là việc thấy học trò của mình trưởng thành. “Ví dụ Nam Phương - chỉ là một phóng viên tập sự của báo Tuổi Trẻ, nhưng đã xung phong một mình “tả xung hữu đột” trong vụ động đất tại Nhật Bản vừa qua. Đó là phần thưởng, là “món hời” trong cuộc đời làm báo và giảng dạy của tôi!”.
Chị nói chị không dại dột mà học theo đời sống hay lời nói của các vĩ nhân vì rất khó, nhưng chị thích suy ngẫm về câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Jack London: “Tôi muốn chết trong trạng thái kiệt sức”. “Ông không muốn mang chút năng lượng thừa nào sang thế giới bên kia. Bạn bè, đồng nghiệp hỏi sao tôi không chịu nghỉ ngơi, đi chơi cho thoải mái; họ nói tôi có thiếu thốn gì nữa đâu sao cứ làm hoài? Tôi nói vì tôi là “bà loong toong” mà! Khi nào đời không còn cần người sai vặt nữa thì tôi mới hết làm! Tôi nghĩ tôi phải “sống gấp” bằng cách làm việc nhiều. Khi nào trời còn cho sức khỏe, tôi còn làm. Khi trời hết cho, tôi sẽ về vườn đuổi gà!”
BOX:
Tác phẩm:
Tò mò một cách chân thành - NXB Phụ Nữ 2011.
Hồ sơ chiến tranh Việt Nam - Chân dung các nhà tình báo (trọn bộ 3 tập, NXB Công an Nhân dân 2010.
"Sốc" Văn hóa - NXB Phụ Nữ 2010.
Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo - NXB CAND 2004.
Đại tướng Mai Chí Thọ - NXB CAND 2005.
Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời - NXB CAND 2002, tái bản nhiều lần.
…
Nguồn: Viet-Studies
HỌC MỖI NGÀY
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét