Lưu trữ Blog

5 tháng 1, 2012

GS Lân Dũng nhặt vội mấy dòng thơ tâm đắc

HỌC MỖI NGÀY. Giáo sư Lân Dũng vừa có bài "Những người làm thơ không chuyên" . Giáo sư viết: Tôi chỉ nhặt vội mấy dòng thơ mà sao thấy tâm đắc quá. Chẳng hạn như một cảm xúc đầy nhân bản của tác giả Trần Quê (Hàng không VN): Cụ cào ngao trên bãi biển này/ Trong dãy quán trên bờ bao người đang say/ Say mực, say tôm, say cua, say ghẹ/ Say rượu, say bia. Say..! Say bao thứ nữa/ Một lần say đủ cả tháng cụ cào/ Biển có say mà tung sóng ào ào/ Bãi có say mà lao xao tiếng cười, tiếng nói/ Dọc bãi biển cụ già chân mềm tay yếu/ Lặng lẽ kéo cào cóp nhặt những con ngao… Hay một bài Thất ngôn bát cú của chị QN, một phụ nữ đang sống xa xứ, mà có đủ mỗi sắc mầu cho từng câu thơ: Mây buồn xám xịt cả trời không/ Bất chợt thèm sao giọt nắng hồng/ Đất tổ mai vàng còn thắm nhụy/ Quê người tuyết trắng vẫn đầy bông/ Nghe mùi rượu đỏ hồn cay đắng/ Nhớ vị chưng xanh dạ ấm nồng/Nuốt nỗi oan trường cam khổ nhục/ Xuân đời tím tái giữa ngàn đông. Còn đây là tâm tư thật chua xót của thầy giáo Vũ Ngọc Huyên (Thanh Hóa) : Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Ăn rồi có nhớ những ngày cháo khoai ?/Bây giờ ăn cả tương lai/Nghĩ xem con cháu ngày mai ăn gì ?.. Cũng vậy , nhà giám sát công trình Nguyễn Vĩnh Tuyền đã tự giám sát mình: Ngày xưa.../ Khi Cha còn sống vẫn răn dạy tôi:/Hãy sống cho tử tế/ Khi Mẹ còn sống vẫn nhắc nhở tôi:/Hãy sống cho hẳn hoi/ Tôi nhớ Ngoại tôi 90 tuổi những năm tụt đáy 80/Người nhặt từng hạt gạo ai rơi vãi trên đường/ Người gom từng lá khô, que củi sau vườn/ Mũi chỉ, đường kim vá bao nhiêu thiếu hụt, rách tươm../ Để lành cho sạch/ Để rách cho thơm… Còn đây, thơ tình của sĩ quan cảnh sát hưu trí Trịnh Tuyên (Thanh Hóa): Chiều nay không hẹn mà chờ/ Không mê mà đắm, không thờ mà thiêng/ Chiều nay, mây núi ngả nghiêng/ Tôi đi về phía không em... Một mình…

NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ KHÔNG CHUYÊN

Nguyễn Lân Dũng

Thơ xuất hiện trong Kinh Thi cách đây trên 3000 năm, còn văn xuôi có lẽ chỉ có sớm nhất từ thế kỷ thứ VII. Người Việt Nam mình hình như ai cũng biết làm thơ và phần lớn từ trẻ đến già đều ít nhiều thuộc lòng những vần thơ hay. Tôi đã gặp các cụ bà nhà quê không biết chữ mà thuộc như cháo cả Truyện Kiều dài dằng dặc.

Chính vì vậy hàng năm mới có hàng chục nhà thơ xếp hàng để được xét duyệt kết nạp vào Hội Nhà văn. Kể cũng lạ thật, trong khi các Hội khoa học chuyên ngành của chúng tôi thì ai muốn gia nhập đều được hoan nghênh hết, vậy mà sao gia nhập Hội Nhà văn khó khăn đến thế? Đâu phải cứ là hội viên các Hội chuyên ngành khoa học đều được coi là Nhà sinh học, Nhà toán học, Nhà hóa học…nếu không có nhiều uy tín được xã hội thừa nhận. Cũng thế thôi, một người mang danh thiếp là Nhà thơ hay Hội viên Hội Nhà văn thì đã dễ gì được mọi người thừa nhận nếu chẳng ai nhớ nổi một câu thơ hay cuốn truyện nào của người ấy. Tôi có một người bạn đã in hàng chục tập thơ và 22 cuốn tiểu thuyết từ các nhà xuất bản có uy tín nhưng nhất định không chịu viết đơn xin vào Hội Nhà văn (!). Tôi hỏi thì được trả lời anh ta chúa ghét tệ Xin-Cho và quan trọng đâu ở tấm danh thiếp, mà chính phải là ở tình cảm của độc giả dành cho mình. Điện thoại của Nhà văn ngoài Hội ấy là 0437182295.

Bước vào hiệu sách tôi thấy quá nhiều các tập thơ của biết bao nhiêu tác giả. Tôi đâu có quan tâm ai là người ở trong hay ở ngoài Hội Nhà văn. Tôi cũng chịu khó đọc và thấy các tác giả đều rất tâm huyết với thơ nhưng không hiểu vì sao mình khó cảm nhận được những rung động cùng với không ít tác giả. Các thơ đăng báo cũng nhiều nhưng tìm được những bài thơ hay, thậm chí những câu thơ hay thật không dễ. Tôi chợt nghĩ có lẽ rất ít người có đủ năng khiếu để trở thành những nhà thơ chuyên nghiệp như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính… Trong khi có những nhà thơ mà chỉ có vài bài thôi nhưng hầu như không ai không biết đến, chẳng hạn như Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Quang Dũng (Tây Tiến), Trần Hữu Thung (Thăm lúa), Nguyễn Đình Thi (Đất nước)…

Chính vì vậy tôi rất hay đặt câu hỏi vì sao có không ít những nhà thơ không chuyên mà lại có thơ hay đến thế. Có thể chỉ là tôi cảm thấy hay mà không hiểu người khác đánh giá thế nào. Tôi chỉ mới nhặt được một số các bài thơ này trên vài blogtiengviet.net và thích đọc đi đọc lại mãi những vần thơ ấy. Xin được dẫn ra vài trích đoạn mà tôi thấy thật quý giá. Chẳng hạn như một cảm xúc đầy nhân bản của tác giả Trần Quê (Hàng không VN): Cụ cào ngao trên bãi biển này/ Trong dãy quán trên bờ bao người đang say/ Say mực, say tôm, say cua, say ghẹ/ Say rượu, say bia. Say..! Say bao thứ nữa/ Một lần say đủ cả tháng cụ cào/ Biển có say mà tung sóng ào ào/ Bãi có say mà lao xao tiếng cười, tiếng nói/ Dọc bãi biển cụ già chân mềm tay yếu/ Lặng lẽ kéo cào cóp nhặt những con ngao… Hay một bài Thất ngôn bát cú của chị QN, một phụ nữ đang sống xa xứ, mà có đủ mỗi sắc mầu cho từng câu thơ: Mây buồn xám xịt cả trời không/ Bất chợt thèm sao giọt nắng hồng/ Đất tổ mai vàng còn thắm nhụy/ Quê người tuyết trắng vẫn đầy bông/ Nghe mùi rượu đỏ hồn cayđắng/ Nhớ vị chưng xanh dạ ấm nồng/Nuốt nỗi oan trường cam khổ nhục/ Xuân đời tím tái giữa ngàn đông. Còn đây là tâm tư thật chua xót của thầy giáo Vũ Ngọc Huyên (Thanh Hóa) : Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Ăn rồi có nhớ những ngày cháo khoai ?/Bây giờ ăn cả tương lai/Nghĩ xem con cháu ngày mai ăn gì ?.. Cũng vậy , nhà giám sát công trình Nguyễn Vĩnh Tuyền đã tự giám sát mình: Ngày xưa.../ Khi Cha còn sống vẫn răn dạy tôi:/Hãy sống cho tử tế/ Khi Mẹ còn sống vẫn nhắc nhở tôi:/Hãy sống cho hẳn hoi/ Tôi nhớ Ngoại tôi 90 tuổi những năm tụt đáy 80/Người nhặt từng hạt gạo ai rơi vãi trên đường/ Người gom từng lá khô, que củi sau vườn/ Mũi chỉ, đường kim vá bao nhiêu thiếu hụt, rách tươm../ Để lành cho sạch/ Để rách cho thơm… Còn đây, thơ tình của sĩ quan cảnh sát hưu trí Trịnh Tuyên (Thanh Hóa): Chiều nay không hẹn mà chờ/ Không mê mà đắm, không thờ mà thiêng/ Chiều nay, mây núi ngả nghiêng/ Tôi đi về phía không em... Một mình…Và đây nữa, tâm sự của người đã lên chức bà nội Bùi Thị Bình (Ninh Bình): Lá vàng có thưở rất xanh/ Biếc non mềm mại trên cành đung đưa/ Có sớm nắng, có chiều mưa/ Có hờn, có nhớ, có chờ, có mong/ Nghĩa tình trong trắng như bông/ Yêu cây đạm bạc nên lòng thiết tha/ Lá vàng tươi một màu hoa/ Để bên Ai mãi mặn mà có duyên…Rồi đây, những lời thơ buồn nhưng rất thật của Phan Thị Hoài Thủy: Ngu ngơ nước chảy qua cầu / Đem se kỷ niệm mà xâu nỗi niềm/ Phơi cho khô những ưu phiền.../ Sương khuya vẫn ướt cả miền chiêm bao /…Còn đây, nỗi xúc động của Vũ Nhang (Hải Phòng) khi thăm lại trường xưa: Tháng năm như sóng vỗ bờ/ Thầy tôi giờ đã mắt mờ chân run/ Ngày nào phấn trắng bảng đen/ Mà nay dáng hạc hom hem cuối chiều/ Cùng tôi mấy đứa bạn yêu/ Người xa viễn xứ những chiều tuyết rơi/ Quê người mỗi đứa một nơi/ Ấp iu kỷ niệm đầy vơi nỗi niềm/ Mối tình còn giấu trong tim/ Bạc đầu mà vẫn kiếm tìm lẫn nhau/ Bao năm giờ biết nơi đâu/ Để cho trang giấy nát nhàu tương tư/ Nay về thăm lại trường xưa/ Bâng khuâng nỗi nhớ ngẩn ngơ cõi lòng… Còn đây, Thanh Thủy, một cô giáo ở Đông Anh (Hà Nội) có tới vài chục bài thơ chưa in mà thật nhuần nhuyễn với lục bát: Ảo huyền câu lục nơi đây/ Câu bát phố núi ngọt say tình đời/ Bình minh rạng rỡ chân trời/ Nụ cười ánh mắt chơi vơi cõi lòng/ ầm ầm bằng sấp ngửa hư không/ Muà đông ấm lại trời hồng đang lên/ Một ngày mới rộn tiếng chim/ Hai đầu nỗi nhớ mình tìm đến nhau… Tình cảm rất thơ của chị cán bộ cầu đường Phạm Thu Hà thật đáng ngạc nhiên: Đông về rồi đó thật sao?/ Mùa sang chớm lạnh lùa vào tứ thơ/ Chiều giăng lãng đãng sương mờ/ Ai đem nhớ thả bên bờ sông quên ? Khóa lòng hờ hững gài then/ Cửa tương tư chợt để quên khép vờ/ Lỡ thuyền ta lạc bến mơ/ Cho xin nhé … nửa câu thơ làm chèo… Nhà thơ nữ không chuyên Chử Thu Hằng (Hà Nội) viết rất nhiều thơ và bài nào cũng chân thực đến nao lòng: Trót sinh làm kiếp con người/ Thôi đành... cam khổ, gượng vui, ngậm sầu/ Một mai bạc trắng mái đầu/ Cười khan một tiếng/ Cạn đau/ Ta về. Và đây nữa: Này ơi/ trời thẳm, đất gần/ Dành cho nhau chỉ còn ngần ấy thôi/ Phết lên màu sáng vẻ tươi/ Nhệch môi/ Ta vẽ nét cười/ Buồn tênh

Thế đấy, tôi chỉ nhặt vội mấy dòng thơ mà sao thấy tâm đắc quá. Hóa ra thơ hay đâu ở cái danh Nhà thơ, hay Hội viên này nọ. Thơ hay là tiếng nói chân thật đã được chưng cất một cách rất riêng của mỗi công dân, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, giàu nghèo.

Thật đáng tiếc thơ hay thường xuất hiện trên các trang blog, giống như kho tàng Nhật ký thơ của các tác giả không chuyên. Tôi chỉ mới đủ sức lướt qua một blogtiengviet.net , nghe đâu còn nhiều blog khác (như vnweblogs.com chẳng hạn) cũng đầy rẫy những nhân tài thi ca. Họ yên lặng sống với nghề nghiệp của mình, bằng lòng với cuộc sống vật chất còn đầy gian khổ của mình , nhưng biết tự thăng hoa trong vườn tao đàn thi ca để nâng cao chất lượng sống cho mình và chia vui cùng bè bạn. Liệu việc hái lượm, ươm ấp và vun xới cho những tài năng trong dân gian này có phải là trách nhiệm của xã hội, trước hết là của Hội nhà văn hay không?

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi