Đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước
theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngô Trần Đức
Suy thoái kinh tế đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, sức ép về an ninh quốc gia từ Biển Đông vẫn đang rập rình, tình trạng kinh tế - văn hoá - đạo đức – an sinh xã hội của nước ta,… xuống cấp từng ngày; đang gây lo lắng cho tất cả những ai quan tâm đến hiện tình của đất nước.
Năm 1986, Việt Nam đã dũng cảm và sáng suốt tiến hành một cuộc đổi mới ngoạn mục, mang tính cách mạng, nhờ đó mở ra một cục diện mới, chẳng những đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng mà còn nhanh chóng đạt những thành tựu được cả thế giới ngưỡng mộ, có tín hiệu dường như đang xuất hiện một con rồng mới ở Đông Nam Á. Rất tiếc, từ bước khởi đầu tốt đẹp đó trong những năm đầu, chúng ta đã ngập ngừng, rồi mắc vào chủ quan, bảo thủ, chẳng những bỏ lỡ cơ hội bứt lên mà dần dần lại rơi vào trì trệ, suy thoái, nay đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng: sản xuất chậm lại, lạm phát dâng cao, nhập siêu tăng vọt, kỷ cương, phép nước bị buông lỏng, nạn tham nhũng hoành hành, cơ chế tổ chức, quản lý, tuyển chọn, đề bạt cán bộ sai quy luật, các tập đoàn kinh tế nhà nước thua lỗ nặng, quan chức hư hỏng, văn hoá - đạo đức xã hội suy thoái nghiêm trọng, sinh hoạt chính trị dân chủ bị hạn chế, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn,…Đất nước đang đứng trước những nguy cơ khó lường. Một nhà kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định: “Từ 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế - xã hội lại xấu như bây giờ”.
Mô hình tăng trưởng 25 năm qua đã được khai thác hết giới hạn của nó. Muốn khắc phục khủng hoảng, để giữ vững và tiếp tục phát triển, Việt Nam phải nhanh chóng tiến hành một cuộc đổi mới II, chuyển mạnh sang mô hình phát triển nhanh và bền vững.
Đã có nhiều phương án, kiến nghị công phu, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, được đưa ra để Đảng và Nhà nước lựa chọn. Có người đưa ra kịch bản duy tân đất nước – như là tiền đề, là điều kiện cho đổi mới, hoặc một cuộc chuyển hoá hoà bình theo bài học Trần Thủ Độ; có người đưa ra giải pháp “Thoát Á luận”, “Thoát Trung luận”, cùng nhiều đề nghị cần “thoát” ra khác nữa. Riêng tôi, tôi chú ý đến “Bản ý kiến” ngày 8 tháng 9 năm 2011 của 14 giáo sư, trí thức Việt kiều có tên tuổi, đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhan đề “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước”. Cũng như nhiều bản kiến nghị khác, bản ý kiến này, theo tôi, đã đưa ra được những kiến giải tâm huyết, sâu sắc, khả thi trong điều kiện Việt Nam hiện nay, được diễn đạt một cách cô đọng, thận trọng, sáng sủa, nên có sức thuyết phục cao. Chỉ băn khoăn rằng, không biết những ý kiến sáng giá như thế liệu có đến được những nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam hay không, có được các vị chiếu cố dành thì giờ nghiên cứu nó hay không?
Do đồng tình với nhiều điểm trong bản ý kiến này, và được kích thích bởi nó, tôi cũng mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, như là sự tiếp tục triển khai một vài ý tưởng trong bản ý kiến đó. Tôi đặc biệt tâm đắc khi thấy, không phải ai khác, mà chính các trí thức Việt kiều đã mong muốn Đảng và Nhà nước Việt Nam cần trở về sâu sắc hơn với Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong cuộc đổi mới lần này. Về vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đổi mới và phát triển đất nước, Bản ý kiến viết:
“Ta đã có một Hồ Chí Minh đặt nền móng dân chủ cho một nước Việt Nam độc lập…Ta đã lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chỉ đạo. Tư tưởng độc lập đó cần phải được vun xới sâu hơn nữa trong hoàn cảnh hiện nay…Bối cảnh hoàn toàn đổi khác, tất nhiên tư tưởng của lãnh tụ cũng phải được hiểu theo một tinh thần mới, phải được chắt lọc lại, chỗ nào thuần tuý trường kỳ, chỗ nào là chiến thuật giai đoạn, chỗ nào thích hợp cho dân chủ ngày nay, chỗ nào đã đáp ứng xong rồi những nhu cầu trong quá khứ. Toàn dân sẽ tham gia thực hiện nền móng dân chủ mà lãnh tụ đã đặt viên gạch đầu tiên thuở khai sinh nước. Ngôi nhà sẽ xây kết hợp hài hoà tư tưởng Hồ Chí Minh với những tu tưởng của thế giới, vạch ra một mô hình thích hợp với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam…”.
Viết như thế tỏ rõ các tác giả đã khẳng định những giá trị bền vững trong tư tưởng và phương pháp cách mạng uyển chuyển của Hồ Chí Minh. Nhận thức đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm học tập, kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưỏng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một cuộc cải cách về thể chế mang tính cách mạng tất yếu phải do Đảng lãnh đạo phát động, và như bản góp ý đã thừa nhận, “trên thực tế hiện nay, cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này”. Một Đảng lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tiến hành một cuộc cải cách thể chế theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, là một bước đi tự nhiên, hợp quy luật, hợp lòng dân. Tư tưởng đó là vốn quý của dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn dân mong nó được thực hiện và toả sáng trên đất nước này. Chúng ta không cần sao chép ở sách vở nào, không cần mô phỏng theo cách làm của ai cả, hơn nữa, còn phải dũng cảm “thoát” ra khỏi những điều tự trói buộc vô hình, đã bị thực tiễn bác bỏ, để trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh - của báu đã sẵn trong nhà, chỉ cần Đảng phát động, toàn dân sẽ hưởng ứng, sẽ nô nức đi theo, như thời Cách mạng Tháng Tám, như thời kỳ đổi mới năm 1986 vậy.
1. Để đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh,
cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về tư tưởng của lãnh tụ
Có điều lạ là trong mấy chục năm qua, Đảng đã liên tục phát động nhiều đợt vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà ít hoặc không thấy nhắc nhở đến phải ra sức “học tập và làm theo tư tuởng Hồ Chí Minh”? Đành rằng, trong các trường đảng và trường đại học đã có bộ môn “tư tưởng Hồ Chí minh” nhưng không phải loại cán bộ nào cũng được qua trường đảng, hơn nữa, nhân dân cũng cần nắm được nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh để học tập, làm theo, cần hơn còn là để theo rõi, giám sát cán bộ của Đảng, xem họ có làm đúng với tư tưởng của Cụ Hồ hay không. Phải chăng tư tuởng Hồ Chí Minh quá cao, quá khó để làm theo đối với chúng ta, hay còn có sự e ngại nào khác?
Từ lâu, nhân dân ta vẫn tâm niệm: đổi mới thực chất là trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tấm gương và cách làm của Hồ Chí Minh, để xã hội có nhiều dân chủ, cởi mở và thông thoáng hơn; dân giầu, nước mạnh, công bằng, văn minh hơn; nhà nước pháp quyền với đội ngũ công bộc trung thành, tận tuỵ hơn; quan hệ giữa người với người nhân ái, đoàn kết, khoan dung, hoà hợp hơn; và không quên trách nhiệm đóng góp vào tiến bộ xã hội của thế giới. Đó là những giá trị có ý nghĩa toàn nhân loại, nên rất được lòng dân. Nếu bảo đó chính là những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội theo quan niệm của Hồ Chí Minh thì cũng không sai, bởi với Cụ Hồ, “ý dân là ý trời”, cái gì hợp lòng dân, đó là chủ nghĩa xã hội, cái gì mất lòng dân, đó là chống lại chủ nghĩa xã hội, đúng như Cụ từng nói: “chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân tự xây dựng lấy”, không ai làm thay, không ai ban phát, áp đặt cho dân cả!
Như vậy, để cải cách, đổi mới theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, điều cần thiết là phải nhận thức đúng, quán triệt sâu sắc, cả phần nổi và phần chìm trong tư tưởng của Cụ - cái mà ta đang gọi là “minh triết Hồ Chí Minh”. Hiểu một cách đơn giản, minh triết là “sự khôn ngoan, sáng suốt” (sagesse) – điều mà không mấy ai nói ra thành lời cái sự khôn ngoan ấy của mình. Đó là chỗ khác nhau giữa khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” với “minh triết Hồ Chí Minh”, một cái “hiển ngôn”, một cái “vô ngôn”. Trong nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, khi cái “hiển ngôn” bất lực thì người ta phải tìm đến cái “vô ngôn”.
Điều đặc sắc ở Hồ Chí Minh là có sự thống nhất cao độ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, thường nói ít, làm nhiều, lắm khi chỉ làm mà không nói, vì sao? Vì Hồ Chí Minh phải sống và đấu tranh trong một bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, nhạy cảm, không phải lúc nào cũng có thể nói ra mọi ý nghĩ của mình, khi ý ấy không phù hợp với quan điểm của những lực lượng mà mình đang cần phải dựa vào hay cần tranh thủ. Người minh triết là người biết hành xử khôn ngoan, sáng suốt trước những hoàn cảnh éo le, phức tạp để thực hiện thành công mục tiêu của mình. Nhờ có “minh triết” mà Hồ Chí Minh có thể “bảo thân” lúc nguy nan, có thể “sự quốc” khi vận mệnh quốc gia ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nghiên cứu minh triết Hồ Chí Minh là tìm hiểu cái phần chìm này, cái phần không “hiển ngôn”, được thể hiện qua lối sống, cách ứng xử, qua việc làm và cách làm của Hồ Chí Minh, cái phần không nói ra ấy - hay nói bằng hành động - (không có trong HCM TT, tất nhiên) nhưng lại giúp ta hiểu rất sâu về thực chất tư tưởng của Cụ mà chúng ta đang cần học theo lúc này.
Hồ Chí Minh là người cộng sản, nhưng xét đến cùng, chủ yếu Cụ vẫn là người yêu nước, suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cơm áo, hạnh phúc và nhân phẩm của nhân dân. Một dân tộc thuộc địa nhỏ yếu, muốn đánh thắng một cường quốc đế quốc, không thể không đi tìm đồng minh, tranh thủ viện trợ, hợp tác, giúp đỡ của quốc tế.
Hồ Chi Minh đến với Quốc tế 3 của Lênin trong hoàn cảnh ấy, khi không một quốc gia, một tổ chức chính trị nào ở phương Tây lúc đó chìa bàn tay ra với các dân tộc thuộc địa. Có điều, mục tiêu hàng đầu của Quốc tế 3 là làm cách mạng vô sản, giải phóng giai cấp công nhân thế giới, còn mục tiêu trước hết của Hồ Chí Minh là làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa. Vì mục tiêu hai loại cách mạng khác nhau nên chiến lược, sách lược cũng khác nhau rất nhiều, đã thế, Quốc tế 3 lại đặt cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào địa vị phụ thuộc - ở vòng ngoài của cách mạng vô sản, để hỗ trợ cho cách mạng vô sản - khi nào cách mạng vô sản ở chính quốc thành công thì các dân tộc thuộc địa tự nhiên sẽ được giải phóng!
Cái khó nữa của Hồ Chí Minh là ở chỗ, theo quan điểm của Quốc tế CS, vấn đề dân tộc ở châu Âu cơ bản đã được giải quyết xong từ hai thế kỷ trước, bị coi là thuộc phạm trù cách mạng tư sản, nếu chỉ coi trọng vấn đề dân tộc, không nhấn mạnh vấn đề giai cấp, sẽ bị phê phán là trái với quan điểm mác-xít, không được coi là người cộng sản chinh thống. Điều đó cắt nghĩa vì sao Hồ Chí Minh thường bị Quốc tế cộng sản coi là một phần tử hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, không được tin cậy, trọng dụng.
Đi theo con đường cách mạng vô sản để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, muốn giành được thắng lợi, Hồ Chí Minh đã phải điều chỉnh nhiều công thức, mệnh đề của học thuyết Mác-Lênin cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, kể cả khi miền Bắc đã đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Do đó, vẫn giương cao ngọn cờ Mác-Lênin, vẫn nói phải học tập kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhưng trong thực tế hành động, Hồ Chí Minh đã làm khác, có khi phải làm ngược lại, cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi. Xin đơn cử một vài luận điểm:
1. Lênin và Quốc tế 3 đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở địa vị phụ thuộc, khi nào cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi thì cách mạng ở thuộc địa sẽ thành công. Hồ Chí Minh lại cho rằng thuộc địa là khâu yếu trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa yêu nước và khát vọng tự do, độc lập của nhân dân thuộc địa lại vô cùng mãnh liệt, nếu khéo lãnh đạo thì cách mạng thuộc địa có thể thành công trước và bằng thắng lợi đó, góp phần vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản ở phương Tây. Lịch sử đã diễn ra đúng như Cụ Hồ đã khẳng định và Cụ đã thành công.
2. Học thuyết Mác-Lênin coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa tư bản và vô sản, coi quan điểm giai cấp là tiêu chí cơ bản nhất để xem xét lập trường, quan điểm của một người cộng sản. Hồ Chí Minh lại nói; “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước,… người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống xã hội của họ”[1]. Ta hiểu vì sao Hồ Chí Minh, trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, lại không nhấn mạnh vấn đề giai cấp mà luôn chú trọng phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, luôn nhắc đến “con Lạc cháu Hồng”, đến hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc, đồng bào”, luôn coi trọng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, …chứ không đơn thuần chỉ nhắc tới công- nông, vì vậy Đảng đã tập hợp và lôi cuốn được toàn thể dân tộc vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
3. Marx quan niệm đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chinh vô sản - tức nhà nước độc quyền của giai cấp vô sản. Lênin coi chính quyền Xô viết là chính quyền của công nông. Stalin còn cực đoan hơn, không cho phép các đảng cộng sản châu Âu trong Quốc tế 3 được liên minh với các đảng dân chủ - xã hội để giành đa số trong tranh cử vào Quốc hội ở các nước tư bản trong những năm 30 của thế kỷ trước. Hồ Chí Minh sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền, lại đưa ra chủ trương: “không nên nói công nông liên hợp và lập chính quyền xô-viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”[2], tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế, Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám là Chính phủ gồm đại biểu các đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức Bắc-Trung-Nam, nhiều người trước đó từng là thượng thư, khâm sai đại thần, bộ trưởng trong Chính phủ Bảo Đại hay Trần Trọng Kim. Điều này khiến Stalin đã phải chất vấn khi gặp Hồ Chí Minh năm 1950: “Chính phủ của đồng chí là cáí chính quyền gi và của ai? ( có ý phê phán không phải chính quyền công nông).
4. Về phương thức tiến hành 2 nhiệm vụ phản đế và phản phong trong cách mạng dân tộc - dân chủ, quan điểm của Stalin và Quốc tế cộng sản yêu cầu phải coi 2 nhiệm vụ đó là ngang nhau, nương tựa vào nhau, do đó phải được tiến hành song song, đồng thời (“con cọp-đế quốc nấp trong bụi lau-phong kiến, muốn đánh cọp phải phát lau, phát lau để đánh cọp”- đó là cách diễn đạt của Trung Quốc khi chấp hành chỉ thị của Stalin). Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh lại coi nhiệm vụ giải phóng dân tộc là cấp bách nhất, nổi lên hàng đầu, muốn thế phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để giành cho được độc lập; vấn đề ruộng đất cũng sẽ thực hiện từng bước, nhưng phải phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh cũng chưa đề ra chủ trương cải cách ruộng đất, mà chỉ mới thực hiện giảm tô, giảm tức, chia ruộng của thực dân và Việt gian phản động cho nông dân nghèo, nên 1950 đã bị Stalin nhắc nhở, phê bình, đòi hỏi phải cải cách ruộng đất, như một điều kiện để được tái hòa nhập phong trào cộng sản và để được nhận viện trợ. Như ta đã thấy, Hồ Chí Minh đã chần chừ mãi, đến cuối 1953 mới thông qua luật cải cách ruộng đất, làm 1, 2 thí điểm, sang 1954 mới mở rộng ra một vài nơi ở trung du Bắc bộ.
5. Học thuyết Mác-Lênin thường nhấn mạnh vai trò quyết định của cơ sở kinh tế, xét đến cùng, điều đó đúng, nhưng trong thực tế vận dụng, không tránh khỏi có lúc rơi vào kinh tế quyết định luận, coi nhẹ vai trò tác động trực tiếp của các yếu tố trung gian khác. Hồ Chí Minh lại đánh giá rất cao vai trò của nhân tố con người. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, vật chất tất nhiên là vô cùng thiếu thốn, nhưng nếu biết phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức tác động trở lại của văn hóa, đạo đức,… thì trong những hoàn cảnh nhất định, con người vẫn có thể dùng tinh thần để vượt qua những thiếu thốn vật chất mà giành được thắng lợi. Bản thân cuộc đời cách mạng đầy gian khổ hy sinh của Cụ Hồ là một bài học lớn về vấn đề này.
6. Các nhà sáng lập và hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản thế giới đều xuất thân trí thức, nhưng khi lên cầm quyền, nhiều lãnh tụ vô sản lại coi thường trí thức, thậm chí coi khinh trí thức. Nước Nga xô-viết dưới thời Lênin và Stalin, hàng vạn trí thức đã bị đàn áp, đày đọa, giết hại, hoặc buộc phải đi sống lưu vong. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, trí thức bị coi khinh, không bằng “cục phân chó”! Trí thức vẫn là đối tượng bị đày ải, nhục hạ chủ yếu trong các cuộc vận động “chỉnh phong”, “tam phản, ngũ phản”, đặc biệt là trong cuộc “đại cách mạng văn hóa”, không ít người đã tìm đến cái chết hoặc bị giam cầm, đày đọa cho đến chết. Vì sao có hiện tượng này? - vì thiếu dân chủ, không quen nghe ý kiến phản biện, chỉ muốn độc quyền chân lý!
Hồ Chí Minh lại rất coi trọng trí thức, lắng nghe trí thức, tin dùng trí thức, vì theo Cụ, trí thức ở thuộc địa đều là những người yêu nước, có tinh thần dân tộc, vì có học vấn cao, hiểu biết rộng nên nắm được chân lý, có tinh thần dân chủ, hướng về cách mạng. Vì vậy, trí thức là lực lượng quan trọng trong việc quản trị, điều hành đất nước theo luật pháp, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chế độ mới. Người nói: Không có trí thức tham gia, công việc của cách mạng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trên đây, chỉ dẫn ra một vài ví dụ để chứng minh rằng nhiều tư tưởng của Hồ Chí Minh được thể hiện qua hành động, chỉ làm mà không nói. Đó là phần minh triết của Cụ. Nó cho thấy: vào lúc tư duy lý luận của Quốc tế CS, sau thời Lênin, đã bị “sơ cứng hóa”, họ đã xử lý rất nặng với những ai có quan điểm độc lập, khác biệt, nhưng Hồ Chí Minh vẫn không vì thế mà bị trói buộc bởi những công thức giáo điều, cứng nhắc nào, vẫn luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, luôn xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của dân tộc, từ thực tiễn cách mạng Việt Nam để tiếp thu có chọn lọc và vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp nó với tư duy chính trị - triết học dân chủ và tiến bộ của nhân loại, theo phương châm Cụ đã nói: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam,…hợp với tinh thần dân chủ”[3].
Nói như trên, vậy có phải Cụ Hồ chỉ là một người dân tộc chủ nghĩa hay chăng? – Cụ Hồ là một người cộng sản yêu nước, thương dân, luôn biết kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nhiệt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, lợi ích dân tộc với lợi ích nhân loại, tuyệt đối không có một gợn nhỏ nào của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi. Chỉ có chủ nghĩa quốc tế giả danh, chứ không có chủ nghĩa quốc tế trừu tưọng. Làm sao có thể trách Nguyễn Ái Quốc - một người cộng sản lại ít nói về cách mạng vô sản mà chỉ nói nhiều về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa? Tại sao tác phẩm đầu tay Cụ dịch ra tiếng Việt không phải “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của Marx-Engels mà lại là “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu?
Cần hỏi lại là: tại sao một người dân mất nước, ra đi làm cách mạng để giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ thực dân, đế quốc, lại không nói nhiều về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, lại không tố cáo những nỗi thống khổ của người dân bản xứ, lại không nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa? Nếu thắng lợi của cuộc cách mạng ấy làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân thế giới, sao lại không phải là đóng góp vào sự nghiệp cách mạng thế giới?
Tuy nhiên, trong người cộng sản - yêu nước ấy, vẫn phải thấy mặt chủ thể, mặt chính yếu là mặt yêu nước, nếu gọi Hồ Chí Minh là người cộng sản ái quốc, người cộng sản dân tộc, thì đó chính là một lời khen, một vinh dự, chứ không phải là một nhược điểm. Cả cuộc đời Cụ đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả ấy. “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là lo làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tháng 3 năm 1949, trả lời điện phỏng vấn của phóng viên Mỹ Walter Briggs: “Cụ có là người cộng sản nữa không?”, Cụ trả lời: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập, thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”[4].
Đổi mới, cải cách toàn diện đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ở thời kỳ hiện nay, phải trở về với tinh thần này: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, nhân dân trên hết”. Các nhà hiền triết xưa nay vốn chỉ coi “kinh sách” như là con thuyền giúp ta qua sông để cập bến bờ của “đạo”, chứ không ai đội mãi con thuyền ấy trên đầu để đi trên cạn bao giờ. Ngày nay, chúng ta cũng phải biết vượt lên những thiên kiến, những lợi ích cục bộ, những ràng buộc ý thức hệ đã bị thực tiễn bác bỏ, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, cứu nguy đất nước trước khủng hoảng kinh tế-xã hội và đe dọa xâm lược của chính “anh bạn vàng”; phải vượt lên trên những khác biệt về chính kiến hay tôn giáo, tạo nên sự đồng thuận, trên nền tảng “lấy nước làm trọng, lấy dân làm gốc”, như Cụ Hồ đã luôn nhắc nhở, từ năm 1946:
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm,
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
“Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Gia-tô tin ở Đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy[5]”. Ngày nay, thời đại các bên cùng thắng đã qua rồi, khối đồng Eurozone đang có nguy cơ tan vỡ, mỗi quốc gia trong EU đang phải lo tự cứu lấy mình. Việt Nam ta chỉ có một chỗ dựa mạnh mẽ, duy nhất để tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh này, đó là sự đồng thuận của nhân dân. “Được lòng dân thì còn, mất lòng dân là mất hết!”.
Tôi nghĩ rằng, đây cũng là nhận thức và mong muốn chung của nhân dân ta, của giới nhân sĩ, trí thức Việt Nam và trí thức Việt kiều, về vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh ở bối cảnh đất nước đang như con tầu trong cơn bão!
2. Đổi mới toàn diện đất nước
theo đúng tư tưởng và cách làm của Hồ Chí Minh
Đảng lãnh đạo chủ động đứng ra tiến hành một cuộc cảỉ cách có tính cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng - đưa cỗ xe đất nước vận hành theo lộ trình dân chủ mà Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, theo con đường mà cả nhân lọai tiến bộ đang đi, sẽ là sự lựa chọn hiện thực nhất, sáng suốt nhất, là con đường ngắn nhất mà hiệu quả nhanh nhất, để đưa đất nước vượt lên, thoát ra khỏi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, nó giản dị, thiết thực như cơm ăn, nước uống, như ánh sáng và khí trời, ai cũng có thể tiếp nhận, như những chân lý tự nhiên, đang tiềm ẩn trong mỗi người, chỉ được Cụ Hồ gợi lên là thức tỉnh. Vì vậy, không cần phải khảo cứu trong “thiên kinh, vạn quyển” nào, chỉ cần lọc ra những tư tưởng lớn chứa đựng trong những câu nói giản dị của Cụ, hóa thân nó vào Hiến pháp (đang sửa đổi) và hệ thống pháp luật, vào thể chế, chính sách, …đã và sẽ được đổi mới, khi thể chế hoàn hảo hình thành, đi vào vận hành, nó sẽ khép con người vào khuôn khổ, sẽ uốn nắn lại thái độ, cách sống, cách ứng xử của mỗi người, kéo theo sự thay đổi của toàn xã hội.
2.1. Cải cách thể chế sẽ góp phần điều chỉnh và nâng cao đạo đức con người.
Chú trọng giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức là một quan điểm lớn của Hồ Chí Minh. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ những người có chức, có quyền, kể cả ở cấp cao, rơi vào thoái hoá, biến chất nghiêm trọng về nhân cách, đạo đức, đề ra cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cần thiết. Đạo đức có khả năng rất lớn trong việc điều chỉnh hành vi của con người. Tuy nhiên, cũng phải thấy giải pháp đạo đức riêng mình nó không giải quyết được tất cả, nhất là khi đời sống đạo đức xã hội đã có sự rối loạn về giá trị, do cách tiến hành giáo dục của ta lâu nay còn hình thức, hời hợt, chưa xác định trúng đối tượng để tập trung vào, không tìm ra được những tấm gương lớn, làm cho một vấn đề vốn rất nghiêm túc như vậy trở nên nhàm chán, kém hiệu quả.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện độc quyền lãnh đạo, để xoay chuyển tình hình, tránh được khủng hoảng, đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới, có nhiều vấn đề đang đòi hỏi phải được thay đổi tận gốc, nghĩa là cần thiết phải nhanh chóng thực hiện một cuộc đổi mới, cải cách toàn diện, nhằm tạo ra một thể chế mới, với hệ thống chế tài mới, động lực mới,…tác động và ràng buộc con người, khiến mỗi người muốn tồn tại và phát triển, không thể sống khác, làm khác. Một xã hội như thế, theo cách nói của B. Brech, sẽ khiến cho “mọi lời kêu gọi về đạo đức và lòng tốt trở nên thừa”! Như xã hội Singapore hiện nay, viên chức nhà nước đã có thể nói đến “ba không”: “không cần, không dám, không thể” tham nhũng (vì lương họ đã đủ sống ở mức khá, vì sợ bị pháp luật nghiêm khắc trừng trị - sẽ tước bỏ vĩnh viễn lương hưu - và còn vì chế tài quá chặt chẽ, có muốn tham nhũng cũng không được).
Giáo dục đạo đức rất cần đến sự hỗ trợ của các yếu tố ràng buộc khác, trước hết là pháp luật. Kinh nghiệm của Singapore vào những thập kỷ đầu mới lập quốc, họ rất coi trọng vai trò trừng trị của pháp luật, những chuẩn mực về đạo đức, những thói quen xấu về nếp sống văn minh,…càng “thâm căn cố đế”, càng phải cần đến sự hỗ trợ của pháp luật. Sau một số năm cưỡng chế quyết liệt (thậm chí trừng phạt cả bằng đòn roi trước đám đông, chứ không phạt bằng tiền), nay Singapore đã được coi là một quốc đảo biểu tượng cho văn hóa - văn minh đô thị ở Đông Nam Á.
Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những tha hóa, rác rưởi bộc lộ hàng ngày ngoài xã hội và trong nhân cách của không ít người. Họ đang bon chen, ngụp lặn trong tiền tài, danh vị, tham nhũng, hối lộ, mua quan, bán chức, hà hiếp, nhũng nhiễu, lừa đảo, chặt chém, cướp giật “giữa ban ngày”. Để thanh toán chúng, không một lời kêu gọi đạo đức nào có thể giải quyết được, nếu không đi đôi với dùng pháp luật để trừng phạt, răn đe. Các nước phương Đông vốn có truyền thống kết hợp đức trị với pháp trị. Cụ Hồ là tấm gương sáng về mặt này. Cụ nhấn mạnh: pháp luật của ta “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào”[6]. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (11-1946), có đại biểu đã chất vấn Chính phủ về vụ Chu Bá Phượng (Bộ trưởng Bộ Kinh tế, đại biểu Quân Dân Đảng trong chính phủ Liên hiệp), tham gia Hội nghị Fontainebleau, mang theo vàng để buôn lậu, bị hải quan Pháp bắt giữ, báo chí Pháp lợi dụng bêu riếu, làm mất uy tín chính phủ ta. Cụ Hồ đã trả lời thẳng thắn: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết!” Nói là làm, Cụ đã cách chức Bộ trưởng Kinh tế của Chu Bá Phượng, cho chuyển sang làm việc khác, cũng như sau này đã ký lệnh tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, Thứ trưởng Trương Việt Hùng,…
Hiện nay, ở ta vẫn còn tình trạng bất công, cùng một loại tội, nhưng “quan được xử theo lễ, dân mới xử theo luật”, “thưởng cho quan thì quá rộng mà phạt lại không nghiêm”. Cụ Hồ nói: có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt, thưởng phạt phải nghiêm minh. Tại sao trong quản lý, lãnh đạo kinh tế - xã hội, có biết bao vụ sai phạm nghiêm trọng, như vụ Vinashin, mà lại có thể nói trước Quốc Hội rằng “Bộ Chính trị quyết định không kỷ luật ai”. Vậy vai trò hành pháp, tư pháp của nhà nước ở đâu, có còn nữa không? Nếu sự trừng phạt không nghiêm, thì tác dụng giáo dục, răn đe của pháp luật sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
2.2. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, mới nâng cao được khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.
Trong cuộc đổi mới được phát động năm 1986, Đảng lãnh đạo đã dũng cảm đột phá vào một luận điểm tối quan trọng của tư duy kinh tế Mác-Lênin, là từ bỏ mô hình kinh tế quan liêu-bao cấp-kế hoạch đã thất bại, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho phép phát triển kinh tế tư nhân, kêu gọi đầu tư của tư bản nước ngoài, sức sản xuất được “cởi trói”, tạo ra một sức sống mới, một không khí làm ăn mới, ai ai cũng hồ hởi dốc tiền của, sức lực, tài trí của mình ra sản xuất, kinh doanh, để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giầu, cho mình và cho đất nước.
Tiến thêm một bước, tại Hội nghị TƯ lần thứ ba, khóa VIII (6-1997), lần đầu tiên Đảng đưa ra vấn đề “xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”, ban hành nhiều đạo luật mới để Nhà nước quản lý kinh tế-xã hội….bằng pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh, hợp tác, làm ăn với nước ngoài. Những nỗ lực đó đã dọn đường cho Việt Nam được gia nhập tổ chức WTO vào đầu năm 2007, tuy đã bị chậm lại sau gần 10 năm thương thảo.
Đáng lẽ, nhân cơ hội đó phải mạnh dạn đổi mới nhanh hơn, đồng bộ hơn trên con đường đã chọn, chúng ta lại ngập ngừng, do dự, có lúc lùi lại, để rồi rơi vào trì trệ. Vì vậy, Việt Nam, sau 5 năm vào WTO, vẫn chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đúng nghĩa, vì chưa có đối xử công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sự ưu đãi đặc biệt Chính phủ dành cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã thủ tiêu mất cả hai động lực phát triển của kinh tế thị trường: sức cạnh tranh và có lợi nhuận, bởi sản phẩm họ làm ra (như tầu của Vinashin) giá thành cao, chất lượng thấp, không bán được ngay trên thị trường nội địa, bị đọng vốn, nên thua lỗ nặng, nợ nần cứ chồng chất. Cơ chế đặc biệt dành cho họ còn tạo kẽ hở cho sự lũng đoạn và tham nhũng kéo dài trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; để Nhà nước cứ phải không ngừng rót vốn – như rót vào cái thùng không đáy - với danh nghĩa là phải giúp nó phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa!
Nhưng liệu có phát huy được không, khi các tập đoàn này có quy mô rất to, tài sản rất lớn, quyền lực rất nhiều, được hạch toán độc lập,…nhưng lại thiếu một hệ thống chế tài và cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay từ trong nội bộ, còn sự giám sát từ bên trên lại lỏng lẻo, trước còn đặt dưới quyền của các Bộ chủ quản, sau lại được trực thuộc Phủ Thủ tướng, gần như nó đã trở thành một vương quốc tự trị! Vì vậy, các sai phạm nó gây ra, lỗi đâu chỉ là của riêng các quan chức quản lý, mà đã là lỗi của thể chế, chính cơ chế ấy đã tạo điều kiện cho những người nắm quyền quản lý dễ dàng biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng của tập đoàn, rồi thành tài sản của nhóm lợi ích, để họ có thể tự tung tự tác, làm giàu cho chính mình, thua lỗ kinh tế thì Nhà nước gánh chịu, còn họ coi như đã làm xong nhiệm vụ chính trị được giao!
Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và đầu tư công. Gần đây, đã có nhiều người lên tiếng về vấn đề này. Ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng CS Việt Nam, đã phát biểu nhận thức mới của mình về vai trò của kinh tế nhà nước, sau những chuyến đi khảo sát ở nước ngoài: “Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế rất quan trọng, nhưng kinh tế nhà nước thì chưa chắc”. Ông đánh giá cao vai trò của Chính phủ Hàn Quốc trong định hướng phát triển kinh tế, đề ra chủ trương, chính sách, nhưng thực thi chính sách đó, họ lại không dựa vào kinh tế quốc doanh mà dựa vào lực lượng kinh tế của tư nhân.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Gốc gác của vấn đề là nhiều tư duy không ổn mà ta ít nhắc tới. Tư duy về vị trí nhà nước trong nền kinh tế thị trường của ta còn khác nhau và chưa rõ…Ở các nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính nhà nước, không ai đi làm kinh tế cả”. Ở ta thì khác…Đầu tư công dàn trải, mỗi tỉnh là một pháo đài, một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh. Không gian kinh tế quốc gia bị chia cắt thành không gian kinh tế tỉnh, nền kinh tế bị xé lẻ (tỉnh nào cũng muốn có sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân gôn,…) mà hiệu quả kinh tế thì chưa rõ. Đó là biểu hiện của tư duy kinh tế quan liêu, bao cấp, xin-cho vẫn còn nặng. Nền kinh tế VN đang phải trả giá cho những bất cập này, nhất là tư duy về vai trò kinh doanh của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
TS Phan Thanh Hà, Bộ Kế họach Đầu tư, dẫn số liệu thống kê của Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết: khu vực kinh tế nhà nước hiện đang sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% vốn ODA. Được bảo hộ và ưu đãi nhiều như thế, nhưng khu vực này chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp[7].
Những con số đã cho thấy: mặc dù được ưu đãi quá lớn, nhưng khu vực kinh tế này lại làm ăn thất bát, hiệu quả đóng góp không tương xứng với đầu tư, đã tự thủ tiêu mất hai động lực cơ bản của kinh tế thị trường (sức cạnh tranh và làm ăn có lãi), nếu không cải cách thì sớm muộn cũng sẽ phá sản, kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế. Một tư tưởng kinh tế mà Cụ Hồ đòi hỏi là phải hết sức coi trọng nguyên tắc hạch toán kinh tế, hiệu quả kinh tế: “Quản lý một nước, cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi. Cái gì ra, cái gì vào, việc gì phải làm ngay, việc gì chờ, hoãn hay bỏ, món gì đáng tiêu, người nào đáng dùng, tất cả mọi thứ đều phải tính toán cẩn thận”[8]. Đó là nói trong hoàn cảnh chiến tranh, bao cấp vẫn là chủ yếu. Nay trong điều kiện kinh tế thị trường, phảỉ đổi mới tư duy kinh tế để có một nền kinh tế thị trường thực thụ. Nói cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế, không phải chỉ là thay đổi nhân sự, sắp xếp lại các bộ phận sản xuất, loại bỏ các hoạt động kinh doanh ngoài ngành,… mà điều cốt lõi vẫn là cấu trúc lại nó theo tư duy nào?
2.3. Cải cách hệ thống chính trị để có nhiều dân chủ hơn, để nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình trong xây dựng và phát triển đất nước.
Trên danh nghĩa, Nhà nước của ta hiện nay được gọi là “nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”, nhưng thực tế, không chỉ nhà nước mà toàn bộ hệ thống chính trị của ta đã được “nhà nước hóa”, “đảng hóa” từ trên xuống dưới, mọi chủ trương, mọi quyết định lớn nhỏ, các cấp đều phải xin ý kiến và chờ quyết định của cấp ủy. Đảng “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”đòi hỏi như vậy. Từ một anh tổ trưởng dân phố, phụ trách chuyện dân sự ở một cụm dân cư cấp ngõ xóm, cũng buộc phải là đảng viên, cho đến Ban chấp hành và bộ máy của các đoàn thể chính trị trong Mặt trận, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp,…ở TƯ lẫn địa phương, đều ăn lương và nhận kinh phí hoạt động do nhà nước cấp, đều có tổ chức đảng lãnh đạo mà bộ phận thường trực do Đảng bố trí. Cung cách hoạt động cũng được “hành chính hóa”, “quan liêu hóa” theo kiểu nhà nước. Hoàn toàn vắng bóng cái gọi là “xã hội dân sự” mang tính tự quản của các làng xã ngày xưa - điều mà Cụ Hồ đã nhiều lần nói đến, ví như việc lập “Quỹ Nghĩa thương”, Cụ cho đó là “một hình thức tương trợ đã có từ lâu đời ở nông thôn ta,…có nghĩa thương để khi gặp khó khăn, nông dân có thể giúp đỡ lẫn nhau”[9], đồng thời Cụ nhắc nhở “nghĩa thương phải độc lập, HTXNN tín dụng không có quyền can dự đến nó”, “Ban quản lý phải do những người đóng thóc cử, HTXNN và Hội đồng nhân dân không có quan hệ gì”[10]. Thế là Cụ Hồ đã nói đến một kiểu “xã hội dân sự” tự quản, không có sự can thiệp của nhà nước.
Một sự “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”, không chia sẻ quyền lực với ai, sẽ không nghe được tiếng nói đa chiều, không phản ánh được những tâm tư, suy nghĩ đa dạng của dân, nên khó mà đại diện được cho ý chí, nguyện vọng của dân, vì vậy nó tất yếu không tránh khỏi có những quyết định sai lầm, dẫn tới mâu thuẫn, xung đột với lợi ích của dân. Việc Thành ủy và chính quyền thành phố Hải Phòng, chỉ nghe theo báo cáo sai thực tế, thiếu trung thực của cấp dưới, rồi vì lợi ích, cục bộ địa phương và phe nhóm, đi tới chỉ đạo giải quyết sai đường lối của Đảng, trái pháp luật của Nhà nước trong vụ cưỡng bức thu hồi đất ở Tiên Lãng, đã gây ra những phản ứng tiêu cực, tuyệt vọng của người dân. Đó là một minh chứng cho sự tha hóa của cơ quan quyền lực – tuy được mệnh danh là của dân - nhưng đã quay lại, dùng công an, quân đội đàn áp dân, coi dân như kẻ thù!
Nhìn lại “vụ Tiên Lãng”, sự việc “sai pháp luật, trái đạo lý” ấy xảy ra đã hàng tháng trời, nhưng ngoài báo chí và một số vị lãnh đạo có tâm đã nghỉ hưu sớm lên tiếng, còn các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, Nhà nước, công an, quân đội,…các cơ quan như UB Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ, các Hội có liên quan đến tư cách cựu chiến binh, đến hình ảnh người nông dân lấp biển, mở cõi…của anh Vươn, đều im tiếng, như không hề hay biết! Thậm chí, đến các vị “đại bỉểu của dân”, từ HĐND xã, huyện, thành phố đến đại biểu Quốc hội, do nhân dân Tiên Lãng - Hải Phòng bầu ra để lắng nghe, thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân, phản ánh lên trên, cũng không thấy thể hiện được trách nhiệm của mình. Điều đó cho thấy hệ thống chính trị của ta đang có vấn đề, nếu ai cũng chỉ lo thân, giữ ghế, sẽ làm cho cả hệ thống chính trị bị tê liệt, những thông tin cấp bách, trung thực, không lên được tới cấp trên, thì làm sao có thể giúp Đảng và Nhà nước chỉ đạo kịp thời, đúng đắn được!
Đáng tiếc, vụ Tiên Lãng không phải là trường hợp hãn hữu, cá biệt. Nhiều năm qua, trong cả nước đã nóng lên các cuộc khiếu kiện, biểu tình đông ngưòi liên quan đến vấn đề đất đai cùng nhiều vấn nạn khác, quan hệ bức thiết đến đời sống của dân, làm cho người dân phẫn nộ, bất bình. Nguyên nhân không chỉ do cán bộ, viên chức thiếu năng lực, kém đạo đức, mà sâu xa nằm trong kiến trúc thượng tầng, trong sự tha hóa khó tránh của sự độc quyền.
Cụ Hồ là một nhà chính trị dân chủ, đã từng sống nhiều năm ở các nước dân chủ, nên Cụ luôn cảnh giác với hiện tượng “ngủ say” trên cái gối “độc quyền”, luôn tìm cách hạn chế, khắc phục nó. Tháng 8 năm 1945, vừa từ Việt Bắc về tới Hà Nội, xem qua danh sách Chính phủ Lâm thời do Thường vụ TƯ dự kiến, Cụ nói ngay: “Chính phủ Lâm thời của các chú “đỏ” quá” và đề nghị rút một số thành viên của UBDTGP ra khỏi danh sách, mời thêm một số vị nhân sĩ, trí thức có danh vọng, tham gia Chính phủ - không phải chỉ để khi Đồng Minh vào ta dễ làm việc, mà chính là cách mạng đang rất cần đến những kiến thức, kinh nghiệm tổ chức quản lý hành chính theo pháp luật của họ, điều mà những nhà cách mạng mới từ nhà tù đế quốc ra, khi ấy chưa thể có được. Sự tham gia của họ làm cho chính quyền cách mạng mạnh lên, chứ không phải là yếu đi.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đầu các phiên họp HĐCP hoặc Bộ Chính trị, Cụ Hồ thường dành một thời gian ngắn, làm một “tour d’horizon” – như Cụ nói, để ai nắm được điều gì thì kịp thời thông báo, giúp chính phủ có cái nhin tổng quát về tình hình các địa phương, nếu có việc gì khẩn cấp, chính phủ có ngay chủ trương giải quyết, không để kéo dài, tác động xấu đến tình hình chung, nhất là đến đời sống của nhân dân. Trong một lần như vậy , được nghe phản ánh về “Vụ Châu Phà”, xảy ra ở miền núi Liên Khu 4 năm 1950, cán bộ địa phương đã làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, dẫn đến cưỡng bức, đàn áp, bắt bớ nặng nề, oan sai. Cụ Hồ lập tức có Thư gửi đồng bào Liên Khu IV: “Tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi – là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo”. Sau đó, Cụ nhắc nhở: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm…Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy”[11].
Những lời tự phê bình, nhận lỗi trước dân như vậy của lãnh đạo chính quyền các cấp từ TƯ đến địa phương, khi để xảy ra sai lầm với dân, không hiểu sao ở thời nay, thật quá khó và cực kỳ hiếm thấy, hay là thừa nhận sai lầm sẽ làm mất “oai quyền” của người lãnh đạo, sẽ tạo lý do để đối thủ hạ bệ minh?
Như vậy, đi đôi với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách thể chế kinh tế, muốn thành công, phải đẩy mạnh cải cách cả hệ thống chính trị, khi nó đã rơi vào trì trệ, quan liêu hóa, xa dân, không còn phù hợp với trình độ dân trí và yêu cầu dân chủ của xã hội hiện nay.
Cải cách chính trị không phải là để thay đổi sự lãnh đạo của Đảng hay thay đổi chế độ, mà là để nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hơn nữa sự lãnh đạo ấy, theo hướng ngày càng dân chủ hơn, xứng với tên gọi của nó là “nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”. Đối với thế giới, cải cách chính trị không phải là cái gì xa lạ, mới mẻ, mà vốn là chuyện phải làm thường xuyên của mọi đảng cầm quyền trong một chế độ dân chủ đa đảng, nếu muốn được tiếp tục nắm chính quyền trong lần bầu cử sau. Ở các nước dân chủ thường có tổ chức thăm dò tín nhiệm đối với chính phủ của đảng cầm quyền, nếu uy tín giảm sút, họ sẽ lập tức thay đổi chính sách hay nhân sự để lấy lại lòng tin của dân. Như ở nước Nga vừa qua, sau những cuộc biểu tình phản đối Đảng Nước Nga thống nhất về tham nhũng và bầu cử gian lận, thấy khả năng thắng cử ở ngay vòng 1 của ông Pu-tin mong manh, thậm chí có thể thất cử, lập tức Đảng Nước Nga thống nhất và ông Pu-tin đã thực hiện ngay một chương trình cải cách chính trị và kinh tế để tranh thủ lòng dân, nhờ đó chỉ số tín nhiệm đang tăng dần lên. Cải cách là biểu hiện tính năng động chính trị của một chế độ dân chủ đa đảng.
Ở nước ta, từ cuộc đổi mới lần I năm 1986 đến nay đã 26 năm, đã hơn một phần tư thế kỷ. Cuộc sống đang đòi hỏi Đảng lãnh đạo phải dũng cảm và cấp bách thực hiện ngay cuộc đổi mới II, để giải quyết bài toán của Hamlet “to be or not to be”? Lịch sử sẽ ghi công cho thế hệ lãnh đạo hiện nay đã biết tựa vào lòng dân, sức dân để giành chiến thắng trong cuộc chiến “tồn tại hay không tồn tại” này.
Cải cách chính trị trước hết cần được khởi đầu bằng sửa đổi Hiến pháp, điều mà Quốc hội hiện đang bắt đầu thảo luận. Nếu chưa sửa được căn bản, thì hãy trở về với tinh thần, nội dung của Hiến pháp 1946 do Cụ Hồ là Trưởng ban soạn thảo cùng với các trí thức tân học có am hiểu nhiều nhất về luật học vào thời điểm ấy. Đó là bản Hiến pháp được coi là dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, vì nó kết tinh được những giá trị tư tưởng về một nhà nước dân chủ - pháp quyền:
- Hiến pháp 1946 được Quốc hội lập hiến thông qua. Nếu không có chiến tranh thì nó sẽ được đem ra trưng cầu dân ý, sau đó Quốc hội lập hiến sẽ giải tán để toàn dân bầu ra Nghị viện Nhân dân (tức Quốc hội) với nhiệm kỳ 3 năm. Nghị viện sẽ không được tự quyền sửa đổi Hiến pháp, mọi bổ sung, sửa đổi sau này (nếu có) phải được đưa ra toàn dân phúc quyết.
- Hiến pháp 1946 khẳng định quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, như đã viết rõ trong điều 1: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 32 của Hiến pháp 1946 còn quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”. Thực chất đó là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp được đề ra khá sớm ở nước ta.
- Hiến pháp 1946 tuy chưa đề ra nguyên tắc “tam quyền phân lập” nhưng cũng đã đề cập đến các cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan cơ quan nhà nước:
điều 36 nói về “quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ của Ban Thường vụ Nghị viện; điều 40 nói về quyền của “nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện; điều 54 quy định “Thủ tướng có quyền nêu vấn đề tín nhiệm để Nghị viện biểu quyết, v.v..
- Về vai trò xét xử độc lập của toà án cũng được Hiến pháp 1946 bảo đảm theo hai cách: một là các tòa án được thiết lập không theo cấp hành chính (điều 43); và hai là khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (điều 69).
Các bản Hiến pháp sửa đổi sau này đã có sự thay đổi rất lớn khi chuyển quyền lập hiến từ nhân dân sang Quốc hội. Hiến pháp 1959, hiến pháp 1980 và hiến pháp 1992 đều quy định: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, …là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, có quyền làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp”, nghĩa là nhân dân trao hết quyền lực của mình cho Quốc hội thông qua bầu cử. Bầu xong là dân hết quyền, vì không bản hiến pháp nào sau này đề cập đến quyền phúc quyết của nhân dân đối với hiến pháp sửa đổi cùng những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia; trong khi cơ quan hành pháp lại có quyền ban hành các văn bản dưới luật, thực chất là để hạn chế quyền của dân. Tuy các bản hiến pháp sửa đổi vẫn viết rằng “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, nhưng lại cũng viết thêm rằng: nhân dân chỉ có thể sử dụng quyền lực ấy thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện của mình, trên thực tế cũng là không có quyền gì.
Mục tiêu của việc sửa đổi Hiến pháp theo tư tưỏng Hồ Chí Minh là để nước ta có một Hiến pháp dân chủ, để nhân dân ta được hưởng các quyền tự do, dân chủ. Trên cơ sở bản Hiến pháp này, chúng ta sẽ xây dựng nên một hệ thống pháp luật có khả năng hạn chế tối đa sự lạm quyền của cán bộ, công chức nhà nước; để xây dựng thành công một “nhà nước nhỏ” (gọn nhẹ, nhưng hiệu quả, hiệu lực) trong “một xã hội lớn” (xã hội dân sự, tự quản rộng rãi) - một nhà nước phục vụ chứ không phải nhà nước cai trị, một nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, còn nhân dân có quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm
Ngoài ra, hiến pháp sửa đổi cũng phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng, phân định rõ ràng hơn chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng cầm quyền của Nhà nước, để không chồng chéo lên nhau, tránh dẫn đến “đảng hóa” nhà nước.
Đây là cả một chương trình lớn, phải vừa nghiên cứu, vừa làm từng bước. Tuy nhiên, định hướng cho nó đã có sẵn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, có điều là Đảng có quyết tâm làm, quyết tâm trở về với nền tảng tư tưởng của mình hay không?
Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông:
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền!
(nghĩa là: của báu đã có sẵn trong nhà, không phải đi tìm ở đâu nữa, nếu đứng trước cảnh -nhân dân điêu đứng - mà không động tâm, thì khỏi nói đến chuyện tu Thiền làm gì)./.
[1] Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.1 xb lần 2 1995, tr.466-467.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, tr. 127.
[3] Diễn văn khai mạc Hội nghi văn hóa toàn quốc lần thứ nhât, báo Cứu quốc, số ra ngày 25-11-1946.
[4] HCM TT, xb lần 2, t.5, tr.575.
[5] HCM TT, sđ d, t. 4, tr. 148.
[6] HCM TT, sđ d, t. 5, tr.641.
[7] Theo bài: Nhà nước có dám bỏ kinh doanh? (Nguồn: tuanvietnam.net, 29-10-2011)
[8] Phát biểu tại phiên họp HĐCP ngày 1-1-1953; biên bản lưu tại Văn phòng HĐCP.
[9] HCM TT, sđd, t. 9, tr. 267.
[10] HCM TT, sđ d, t. 5, tr. 528.
[11] HCM TT, sđ d, t..6, tr. 66.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét