Lưu trữ Blog

3 tháng 4, 2013

Chuyện làng



Dong Ngan

Có một lần ngồi trò chuyện lan man về văn hóa làng, tôi được một cụ trong thôn kể cho câu chuyện Bắc Ninh tứ vật (xem địa danh Bắc Ninh, ảnh minh họa), tóm tắt lại đó là: ”Vật giao Phù Lưu hữu/ Vật thú Đình Bảng thê/ Vật ẩm Đồng Kị thủy/ Vật thực Cẩm Giang kê”, có nghĩa là: Không kết bạn với người Phù Lưu/ không lấy vợ người Đình Bảng/ Không uống nước làng Đồng Kị/ Không ăn thịt gà của người Cẩm Giang. Bốn nơi này là bốn làng cổ của đất Kinh Bắc.

Câu chuyện bốn không này đề cập những địa danh cụ thể, và nói đến mặt khuất của cuộc sống chưa thấy đề cập ở sách báo nào. Có lẽ người ta e ngại nếu thành văn tự sẽ gây nhiều phiền toái cãi vã mất lòng, mà chỉ có lưu truyền trong dân gian. Câu chuyện trên là thế này:

Câu thứ nhất, Vật giao Phù Lưu hữu ( không kết bạn với người Phù Lưu) vì người Phù Lưu bị cho rằng có cách sống đãi bôi. Khách đến chơi không được mời vào nhà, chủ nhà cứ đứng chắn trước cửa hết chuyện nọ chuyên kia như rất thân tình nhưng không mời vào nhà, khi khách quay lưng ra về thì lại chèo kéo rất thân thiết: hôm nào bác lại chơi ạ. Hoặc khách đến nhà quá trưa đói meo nhưng mặc kệ. Đến khi khách nhổm đít đứng dậy thì lại đãi bôi: hay là để em nấu cơm bác ăn.

Câu thứ hai : Vật thú Đình Bảng thê (không lấy vợ người Đình Bảng) vì hai lẽ: con gái Đình Bảng tháo vát, có nghề đi chợ buôn chuyến rất giỏi, nên thường làm chủ về kinh tế, có vị thế ở trong nhà, không dễ gì để cho ông chồng lên mặt, điều đó rất kị với thói gia trưởng của dân Kinh Bắc. Còn điều thứ hai mới quan trọng: đi buôn chuyến thì phải ăn đường nằm chợ dễ chung chạ với giai. Nên tốt nhất là tránh xa gái Đình Bảng.

Câu thứ ba : Vật ẩm Đồng Kỵ thủy ( không uống nước Đồng Kỵ) vì người Đồng Kỵ xưa có nghề đi nhặt phân tươi, gọi là Kẻ cời (cời, tiếng cổ có nghĩa là cái gắp, cái kẹp thường làm bằng tre). Họ đem về trữ làm phân bón, nên môi trường bị ô nhiễm dễ làm bẩn nước ăn (là người thiên hạ nghĩ thế), nên cứ nói để cảnh báo cho mọi người cùng biết mà tránh.

Câu thú tư : Vật thực Cẩm Giang kê ( không ăn thịt gà ở Cẩm Giang), theo giải thích thì người Cẩm Giang hay đãi khách bằng gà ăn trộm của hàng xóm, nên có khi vừa ăn lại phải vừa nghe chửi mất gà, vậy tránh đi là hơn.

Đó là những câu chuyện xưa nảo nào ai mà biết, chỉ để lại trong tục ngôn như thế. Bây giờ về bốn nơi kia chẳng thấy có dấu vết gì như câu nói dân gian. Cuộc sống đã thay đổi tất cả, mọi nếp sống văn hóa rất thân thiện, chẳng thấy dấu vết nào như trong tục ngôn để lại.

Một bạn ở Sài Gòn nghe chuyện nói với tôi :”Người trong miền Nam chỉ biết Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, là quê hương của câu ca Quan Họ. Không ngờ trong văn hóa ứng xử, người Bắc Ninh cũng chi li xét nét đến vậy à? Những thói xấu đãi bôi, lờn mặt chồng, ăn uống mất vệ sinh, hay ăn cắp vặt...thì vùng nào cũng có người vầy người khác; nhưng nâng lên ngang tầm "văn hóa địa phương" gắn liền với 1 địa danh cụ thể, thì đây là trường hợp đặc sắc Nhờ bác mà tôi mở thêm tầm mắt...” Tôi bảo với anh :”Bắc Ninh quả là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, như nhà văn Kim Lân, người Kinh Bắc, sinh thời từng nói chuyện, ông bảo “đất có lề, quê có thói, đâu cũng có cái tốt, đâu cũng có cái xấu, chỉ có điều người Bắc Ninh dám nói ra còn nơi khác thì không, đó là nét văn hóa đặc biệt Kinh Bắc, sòng phẳng và lành mạnh, chẳng giấu cái xấu cái dở của đất mình, biết sai thì sửa được, cho nên bây giờ còn có chuyện đó đâu. Đừng như con mèo giấu cứt. Có thể tự hào người kinh bắc không phải là giống mèo.

Có lẽ vì thế mà văn hóa Kinh Bắc không mai một, văn hóa vùng Kinh Bắc vẫn rạng rỡ tới ngày nay có lẽ ở tính trung thực trong cuộc sống cũng là vẻ đẹp đặc sắc của văn hóa vùng đất này.

23/1/2010

DN

Trở về trang chính

NGỌC PHƯƠNG NAM
THUNG DUNG
DẠY VÀ HỌC
CÂY LƯƠNG THỰC

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi