Lưu trữ Blog

23 tháng 3, 2009

Lãnh đạo giáo dục có dám thử mô hình Đại học “tự trị”?


Nguyên Ngọc

HOCMOINGAY. Bây giờ, ở ta muốn làm đại học chất lượng cao thì nên thử nghiệm cho một số trường “tự trị” hoàn toàn. Có thể trong số 10 trường thử nghiệm thì có tới 6, 7 trường không ra gì, nhưng sẽ có một số trường làm tốt. Không nên cầu toàn phi thực tế vì lý tưởng của đại học là tạo ra con người “tự trị”, mà bản thân nó không “tự trị” được thì không thể nói tiếp điều gì (Ảnh: books.google.com). Tôi có một kinh nghiệm là khi nào nghĩ về đất nước, dân tộc thì cũng nghĩ đến lớp trẻ. Mấy năm trước, tôi thường bi quan, sợ lớp trẻ hư hỏng, song gần đây, tiếp xúc với các em, tôi thấy một thực tế là chúng cứ ra khỏi trường thì vứt hết những thứ bị nhồi nhét, mà bắt tay ngay vào cuộc sống. Tín hiệu đó khiến tôi lạc quan hơn. Tiếc rằng, ở một góc độ nào đó, giáo dục hiện nay tập cho trẻ con nói dối, trong số đó tạo ra không nhỏ những người cơ hội. Nếu biết cách giáo dục, nhà trường chúng ta sẽ tạo ra cho các em “biến thành chính nó”. Đó là ý kiến của Nhà văn Nguyên Ngọc trên TUANVIETNAM.

Nhìn từ kinh nghiệm thế giới

Lãnh đạo GD của ta, thường xuất thân từ các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, không mấy người xuất thân từ ngành khoa học xã hội. Không thể nói đó là cái dở, nhưng xét ở góc độ nào đó, đây là một trong những “thiên lệch”.

Nước Nga Xô-viết trước đây, hay nước Pháp, một số nhà lãnh đạo GD xuất thân từ các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật- công nghệ nhưng cũng đồng thời là những nhà văn hóa nổi tiếng. Ở nhiều nước khác, Bộ trưởng GD và ĐT ít khi chỉ đơn thuần là một nhà khoa học thuần túy.

Bản dự thảo Chiến lược phát triển GD 2009- 2020 mới công bố gần đây, nói như GS Hoàng Tụy, cho thấy một bước thụt lùi, thiếu tư duy cơ bản, không thay đổi được triết lý GD: Cái dở lớn nhất của GD ở ta nhiều năm nay là đào tạo những con người quen nghĩ bằng “cái đầu” của người khác, không được nói “ngược” với điều đã được coi là chân lý, con người chỉ mang tư tưởng tuân thủ, thiếu tư duy sáng tạo.

Vừa rồi, Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân có đi Phần Lan để tham khảo kinh nghiệm GD của họ. Không hiểu Bộ trưởng đã lĩnh hội như thế nào, còn theo tôi, Phần Lan có quan điểm về GD như ta quan niệm về thiền.

Tổng tư lệnh của giáo dục hiện nay phải là người nhận ra và dám nói với cấp trên: Lâu nay, ta quen đào tạo người chỉ biết tuân thủ, phương pháp GD nhồi nhét, một chiều, nay ta cần người biết tư duy độc lập, phải thay đổi hoàn toàn phương pháp, phải cho trường học và người học “tự trị".

Phần Lan quan niệm về GD cũng tương tự một triết lý: Con người đầy tiềm năng, GD là khơi gợi tiềm năng ấy. Do vậy họ để cho người học được tự do tối đa, thậm chí có một số quy định rất lạ: Cấm mặc đồng phục, cấm cho bài tập về nhà, để trẻ con chơi tối đa…

Còn GD hiện nay của mình, chủ yếu là chương trình khép kín, cách dạy truyền thụ một chiều, giáo viên chỉ dạy cho người học những cái mình có, không có khả năng dạy cái người học cần. Đây là điều bức thiết nhất, tất yếu phải cải cách.

Giống như trong quân đội, không ai đòi hỏi một vị tướng phải bò hàng rào dây thép gai, mà cần một người biết thiết kế ra chiến lược, chiến thuật cho trận đánh. Tổng tư lệnh của giáo dục cũng phải là người nhận ra và dám nói với cấp trên.

Lâu nay, ta quen đào tạo người chỉ biết tuân thủ, phương pháp GD nhồi nhét, một chiều, nay ta cần người biết tư duy độc lập, phải thay đổi hoàn toàn phương pháp, phải cho trường học và người học “tự trị”.

Từ hướng đó mới tổ chức lại bộ máy cho phù hợp xu thế GD thế giới.

Hiệu trưởng không nên làm sự vụ

Hiệu trưởng các trường ĐH hiện nay cũng phải có tư duy về con đường phát triển của ĐH, và mục tiêu của trường ĐH là gì.

Hai năm trước, diễn văn nhậm chức của bà Hiệu trưởng ĐH Harvard được xem một chuẩn mực thế hiện tầm tư duy chiến lược cho ĐH.

"Bản chất của một trường ĐH là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không chỉ đơn giản với hiện tại. Một trường ĐH hoạt động không vì những kết quả của quý sắp tới, cũng không vì việc sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành người nào. Nó hoạt động vì những kiến thức sẽ định hình một đời người, những kiến thức truyền tải di sản của nhiều thiên niên kỷ, những kiến thức quyết định tương lai".

Ở ta hiện nay, phần lớn hiệu trưởng các trường ĐH có thể tổ chức các sự vụ theo chủ trương rất giỏi, nhưng hiếm thấy người có tư duy đột phá và dám làm, tư duy “định hình một đời người” như thế nào.

Chẳng hạn, trong cơ cấu chương trình, có phần chương trình cứng của Bộ GD và ĐT quy định thì phải theo, nhưng các trường phải “tinh giản” hóa được bằng cách thuê giảng viên từ các học viện chuyên ngành. Ngoài ra, mở rộng các chương trình ngoại khóa: Âm nhạc, hội họa.. để tạo đời sống văn hóa cho các sinh viên, tạo không khí hướng nghiệp cho sinh viên bằng cách "chơi" với các doanh nghiệp...

Có nhiều cách, ăn thua là người có đầu óc làm cho các em biết chấp nhận cuộc sống, mà không bị “tha hóa”, tạo sự đồng thuận, đồng cảm với các thầy cô.

Do đó, chính đội ngũ các Hiệu trưởng phải là những người làm nên sự thay đổi. Nếu họ cùng tác động để thay đổi sự trì trệ của ngành GD, thì sẽ có chuyển biến.

Chỉ lấy một ví dụ đơn giản: Thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhưng chỉ cần qua một khóa đào tạo ngắn chừng sáu tháng do chính các doanh nghiệp đó thực hiện, các em lĩnh hội rất nhanh, thích ứng và biết cách xử lý một số vấn đề thực tiễn, biết làm việc.

Ví dụ trên cho thấy, lớp trẻ rất nhiều tiềm năng, nhưng hình như GD của ta đã không biết cách khơi dòng cho tiềm năng phát lộ.

Chính vì thế, người quản lý GD, trước tiên phải tháo bỏ được sự kìm hãm và tạo ra cơ hội. Vì thế bản thân các Hiệu trưởng cần có tư duy cơ bản, tư duy chiến lược ở cơ sở nơi họ quản lý chứ không phải đi làm sự vụ.


Không có “tự trị” thì không bao giờ có đại học

TP. HCM đã thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp trưởng phòng giáo dục. Tôi cũng không hy vọng nhiều vào sự đổi mới này, nhưng nên làm thử.

Ở Mỹ, các sinh viên được phát biểu ý kiến về các thầy, cô. Năm học sau phải có bao nhiêu sinh viên xin học thì thầy, cô đó mới được mời giảng. Trong số hơn ba nghìn trường ở đây, không ít trường trong diện "nhếch nhác", chỉ có vài trăm trường vào loại tốt và được vài chục trường thuộc diện tốt nhất thế giới. Chỉ chứng đó, bức tranh ĐH đã sáng sủa rồi.

Bây giờ, ở ta muốn làm ĐH chất lượng cao thì nên thử nghiệm cho một số trường “tự trị” hoàn toàn. Có thể trong số 10 trường thử nghiệm thì có tới 6, 7 trường không ra gì, nhưng sẽ có một số trường làm tốt. Không nên cầu toàn phi thực tế vì Lý tưởng của ĐH là tạo ra con người “tự trị”, mà bản thân nó không “tự trị” được thì không thể nói tiếp điều gì.

Tôi có một kinh nghiệm là khi nào nghĩ về đất nước, dân tộc thì cũng nghĩ đến lớp trẻ.

Mấy năm trước, tôi thường bi quan, sợ lớp trẻ hư hỏng, song gần đây, tiếp xúc với các em, tôi thấy một thực tế là chúng cứ ra khỏi trường thì vứt hết những thứ bị nhồi nhét, mà bắt tay ngay vào cuộc sống. Tín hiệu đó khiến tôi lạc quan hơn.

Tiếc rằng, ở một góc độ nào đó, GD hiện nay tập cho trẻ con nói dối, trong số đó tạo ra không nhỏ những người cơ hội.

Nếu biết cách GD, nhà trường chúng ta sẽ tạo ra cho các em “biến thành chính nó”.

Linh Thủy (ghi)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi