Lưu trữ Blog

27 tháng 1, 2010

Bà chúa của Sơn Nam




HOCMOINGAY. Việt Linh có bài viết cảm động "Bà chúa của Sơn Nam" tưởng nhớ trên một năm ngày mất của ông (13.8.2008) đăng trên SGTT - Đưa tang ông, với lý do không có nhiều hiểu biết về con người đáng kính, lạ thường này, tôi hầu như từ chối mọi phỏng vấn nghi thức. Nhưng từ thẳm sâu, tôi biết mình sẽ viết về ông – người đã gọi tôi là... “quỷ cái”! (Sơn Nam và Việt Linh ở Kiên Giang năm 1992. Ảnh tư liệu của tác giả )

Đó là năm 1988, khi phim Gánh xiếc rong của tôi không được phép phát hành. Trong một buổi cà kê ở phòng kế hoạch hãng phim Giải Phóng, Sơn Nam nhìn tôi, cười mim mím: “Đường Lý Chính Thắng giờ có thêm con quỷ cái, vị chi ba con”. Thì ra ông cộng tôi với hai “con quỷ” trước là K.H ở báo Tuổi Trẻ, T.T của báo Phụ Nữ TP.HCM – cùng có trụ sở trên đường Lý Chính Thắng. Hôm đó, không chỉ phong tôi là “quỷ” – từ mặc định của ông cho những nàng “có vấn đề” – Sơn Nam còn nghiêng ngó mấy vân tay quỷ, phán một câu rất vui: “Người này, nếu ở ngoài đời (ông làm như tôi đang đi tu hay ở trong tù) thì dù giựt hụi người ta, nhưng rủ chơi lại, người ta cũng chơi”. Tôi hỏi ý bác sao. Ông chỉ cười mim mím. Sơn Nam  là vậy, luôn lấp lơ, bí ẩn…

Tôi gọi ông bằng “bác” vì ông thuộc thế hệ đàn anh của ba tôi. Và thật ra, ngoài một số tác phẩm của ông mà tôi đã đọc, một số lần gặp nhau ở phân viện Tư liệu phim (7 Phan Kế Bính, quận 1) mà ba tôi phụ trách, tôi không thân thiết với ông, cho đến khi được ông gọi là “quỷ cái”. Và rồi một cơ duyên nữa khiến chúng tôi gần nhau hơn: thời đó, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các truyền thuyết hương xa bỗng dưng ăn khách khi chuyển thành điện ảnh. Giám đốc hãng phim bảo tôi kiếm một đề tài tương tự. Sau nhiều cân nhắc, tôi chọn tiểu thuyết Bà chúa Hòn của Sơn Nam. Vì nhan sắc tuyệt trần – theo Sơn Nam tả – của cô bé tên Huôi mà số phận sắp đặt lớn lên thành bà chúa. Vì vẻ đẹp tuyệt mỹ – cũng theo Sơn Nam tả – của đất trời Nam bộ. Vì nỗi thống khổ của dân đen trước một vương triều thâm thối… Tóm lại, Bà chúa Hòn đủ chất liệu cho bộ phim lôi cuốn.


Đọc kịch bản xong, Sơn Nam cười mim mím: Hấp dẫn a… Nhưng khác quá. Tôi mừng húm, chỉ sợ ông nói “ngộ”, bởi tôi biết ông hay dùng chữ “ngộ” để đưa đẩy xã giao những chuyện không thích. Cái sự khác đó như vầy: từ câu chuyện của Sơn Nam, tôi phóng tác thành câu chuyện khác. Tôi chọn cái lâm ly tình yêu, tội ác thay cho cái ly kỳ điển tích, tập quán… khó tái hiện với kinh phí thấp. Tôi chọn cho nhân vật cái gia phả thuần Việt thay cho lý lịch Triều Châu nguyên bản mà tôi không am hiểu. Cô gái của tôi vì vậy tên Lam chứ không phải Huôi. Quan trọng hơn, từ nỗi hứng được ông gọi là “quỷ cái”, tôi cũng biến Lam thành quỷ – những con quỷ chịu mang tiếng quỷ để làm được cái gì không – quỷ cho đời. Con quỷ Lam của tôi đã hy sinh tình riêng, thí chúa, cứu dân.
Cái khác nữa, hình như lớn nhất, là nhân vật Bá Vạn: Bá Vạn trong sách mưu mô, liên minh thí chúa với Huôi vì tư lợi. Bá Vạn trong phim nghĩa tình, đa cảm, mang tiếng bạo quan để chờ dịp giúp dân.
Kịch bản được duyệt, bản quyền được ký. Chúng tôi tổ chức đi chọn cảnh và mời ông hướng đạo. Một tuần lang thang từ thành phố tới Hà Tiên, “pho từ điển sống miền Nam” không ngó ngàng kịch bản, chỉ say sưa cổ tích, ẩm thực... của vùng đất ông tin là phước địa – niềm tin đã khiến ông suốt đời mê đắm làm người kể chuyện và nghiên cứu. Cứ vậy chúng tôi đi cùng những câu chuyện của ông, kịch bản tưởng như bị quên béng. Nhưng một ngày, bỗng dưng ông hỏi tôi có biết tại sao ông thích kịch bản này không, dù nó khác xa tiểu thuyết. Tôi nửa đùa nửa thật chắc tại bác thích viên quan già Bá Vạn (trong phim Bá Vạn… yêu bà chúa trẻ). Sơn Nam cười mim mím, nói thích nhứt đoạn Lam mới lên ngôi, sau khi truất được chúa Hòn. Đoạn đó như vầy:
Đêm hoa viên tĩnh lặng. Lam ngồi úp mặt bên hồ sen, người co dúm như hứng chịu sức nặng gì ghê gớm. Bá Vạn đứng không xa, nhẹ nhàng an ủi:
- Bà hãy khóc đi… Ít ra cũng có lúc bà được sống cho chính mình.
Lam bật khóc thành tiếng. Bá Vạn nhìn Lam, mắt đỏ hoe:
- Bà thật bất hạnh…
Lam tức tưởi chụp tay vị quan già:
- Ông Bá Vạn! Bao giờ? Bao giờ tôi mới được làm cô gái bình thường, được cởi cái danh vị nữ vương này?
Bá Vạn nhìn Lam, xa vắng:
- Tôi còn mong điều đó hơn bà…
Lam ngạc nhiên, gay gắt:
- Ông nói sao? Chính ông bắt tôi làm bà chúa kia mà!
Bá Vạn tránh mắt Lam, buồn bã:
- Bà hiểu vì sao tôi phải làm như vậy. Nếu chỉ sống cho mình, bà đã không làm chúa. Tôi cũng vậy. Nếu được sống cho mình, tôi đã không phải dằn nén một câu nói, mà đáng lẽ từ lâu, tôi phải nói với bà…
Lam nhìn viên quan, bối rối:
- Ông… muốn nói gì?
Bá Vạn bất đồ nắm tay Lam, thổn thức:
- Lam… Tôi yêu bà…

Cũng trong chuyến đi, thấy ông tiện tặn còn hơn đám làm phim tiện tặn, tôi trêu nghe đồn bác có “lương tháng” to bự lắm. Ông cười mim mím, nói tổng biên tập một tờ báo lớn quyết định bồi dưỡng các nhân vật anh yêu quý. Sơn Nam là một và duy nhất không quyền thế trong số đó. Ông khoe tiền khá lắm. Nói khá có lẽ do ông không biết những con số đồ sộ khác, hoặc do ông quen đạm bạc. Ông than “mắc cỡ lắm” khi tháng tháng phải ren rén vô gặp cô tài vụ, ren rén bước ra mau để không ai nhìn thấy… Biết ông túng thiếu mà tự trọng, nhiều người, trong đó có tôi, hay tặng tiền ông bằng cách khẽ đưa vào túi áo để ông khỏi chạm tay cầm. Thường thì ông ngó lơ, lí nhí nói “Cảm ơn”, hoặc “Tử tế ha” rồi lảng qua chuyện khác. Bà con Việt kiều ở Pháp rất ái mộ ông, đặc biệt gia đình bác sĩ H. Lâu lâu, họ nhờ tôi chuyển tặng ông món tiền đáng kể. Rất khó gặp Sơn Nam nên tôi phải nhờ tiếp qua anh N. Tôi ngại nói anh N. ghi mấy chữ, cũng như anh N. không thể bắt người bạn vong niên khả kính của anh ghi mấy chữ. Chúng tôi đành áy náy: Anh N. áy náy với tôi, tôi áy náy với gia đình bác sĩ H. Mãi gần đây, tình cờ đọc chuyện kể của ông Nam Sơn – một người quen của Sơn Nam – tôi mới bớt nặng lòng: “Mấy năm trước, có lần hay tin nhà văn Nguyễn Văn Sâm về nước, tôi có nhờ anh gởi ít tiền làm quà cho Sơn Nam. “Chả (Sơn Nam) nhận quà, lơ đãng nói chuyện khác, tuồng như không quan tâm”, Nguyễn Văn Sâm nói như vậy. “Ðó là cái kiểu Sơn Nam”, tôi trả lời Nguyễn Văn Sâm”.
Rất tiếc vì lý do kinh phí, kịch bản Bà chúa Hòn không được thực hiện. Nhưng nhờ nó tôi khám phá ra ở con người hắt hiu kia một tâm hồn đa cảm. Với tôi đó là một khám phá tinh khôi, dịu ngọt. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi có cơ hội gần ông, ngộ ra con người làm bộ, làm như không để ý gì, không biết gì này hiểu hết mọi chuyện, rưng rưng hết mọi chuyện. Có lẽ vì vậy chăng mà cái kho kiến thức Nam bộ uyên bác, có vẻ như chỉ muốn lôi cuốn độc giả bằng chất quái lạ của ông luôn để lại những dư vang nhân bản. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi hiểu Sơn Nam sôi động phù du chỉ là phần nổi của tảng băng, như hiểu đàng sau tiếng cười ha hả, xác nhận bị vợ đăng tivi tìm kiếm là nỗi cô đơn vô bờ bến. Nỗi cô đơn Sơn Nam.
Có chút duyên gì chăng khi mỗi năm tôi chỉ ở Việt Nam chừng hai tháng, nhưng trong hai tháng choi loi đó tôi đã có dịp tiễn ông lên cõi niết bàn. Mới đó mà đã hơn một năm. Mới đó mà đã 18 năm kể từ ngày hai bác cháu cùng đi chọn cảnh, mà dấu vết duy nhất còn lại là tấm ảnh này. Máy xấu, ảnh lem nhem nhưng vẫn thấy ba “nhân vật”: Hòn Phụ Tử đã rơi, Sơn Nam đã đi, chỉ còn lại con quỷ với tương tư bà Chúa...

Việt Linh
Nguồn: SGTT HOCMOINGAY


HOCMOINGAY. 13 tháng 8 năm 2008 là ngày mất của Sơn Nam, nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Nam Bộ, con người được mệnh danh là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Ông đã để lại nhiều tác phẩm mà tôi ấn tượng nhất là "Bà Chúa Hòn" và "Hương rừng Cà Mau". Nhớ lời điếu của ông khóc cụ Bùi Giáng: "Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!. Ông để ý cụ Trương Vĩnh Ký đã dành thời gian sau cùng để viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe” chứ không chỉ là những công trình bác học đồ sộ. Nhớ Sơn Nam là nhớ những trang văn, những mẫu chuyện đời tinh tế thấm đẫm tính nhân văn.

NHỚ SƠN NAM

Đoàn Nam Sinh

Hồi còn nhỏ, thập kỷ sáu mươi về trước, trong làng ấp xa xăm tôi đã được đọc những bài viết của chú trên tờ Hương Quê, giấy báo trắng láng với màu mè, hình vẽ minh họa rất đẹp. Mẩu chuyện mà tôi nhớ đời là bà con xứ Nam kỳ đã lập thế nhử vịt câu sấu như thế nào, với giọng văn giản dị, tưng tửng. Ba tôi, người cũng từng dầu dãi sông nước giải thích chuyện trẻ nhỏ nghịch ý với cha mẹ thì thường bị quở là “đem câu sấu cho rồi”, tụi nhỏ tôi sợ lắm.

Ông cậu vợ tôi sau này, ngày còn nhỏ nhà ngoại khá giả cho đi học trên Nam Vang, chắc có Pri-me rồi về Rạch Giá đi dạy học. Đổi vùng khắp chốn đến sau khởi nghĩa mới biết là đi theo cộng sản từ thời ông Giàu gây dựng đâu bên Xiêm bên Lèo. Cậu làm chủ tịch một xã ở Gò Quao, mà cái bằng “đẹp trai” không giấu được. Ở đâu chị em cũng bu theo. Cậu có lần kể “tao đi công tác với hai cô, mùa nước nổi chun nóp ngủ trên chòi gò, lần quần rồi tao quất cả hai”. Không biết có phải vì đào hoa, lăng nhăng hay sao đó cậu ở lại, không tập kết. Rồi tù tội liên miên. Có lần cậu nói “thằng cha này là Minh Tài, nó viết văn hay lắm, ham đi xuống thực tế, rồi ham viết, chẳng kể gì giờ giấc, chưng dọn. Người hổng biết nói chả ở dơ, lúc 9 năm chả hay về đây, tiếng Tây chỉ có mấy người biết, đủ để nói thầm, chả thân cậu lắm!”. Sau này tôi kể lại với chú cậu Trần Kỳ Ứng dưới Gò Quao hỏi thăm, chú nói chuyện “hồi đó ai cũng yêu nước, đánh Tây đặng giành độc lập. Có mấy người biết chữ đâu. Lớp đó là người theo đạo Thiên chúa cũng vào Đảng, làm lãnh đạo Việt Minh. Khi định biên lại khoảng năm 53, làm theo kiểu mấy anh Tàu nên nhiều người chán nãn…”.

Lớn lên trong thời chiến, lại lo chuyện học hành, chuyện kiếm hiệp/võ hiệp kỳ tình tràn lan rồi phong trào hip-pi, phản chiến đến triết lý hiện sinh hiện tồn,…Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng, đảo chính, tăng quân, leo thang đánh phá,…Làng quê ứng phó bằng tích trữ khô muối, dầu đèn, trảng-sê hầm hào trước bom sai đạn lạc; phố chợ lung lay trước bao cuộc biểu tình, đình công bãi thị, học sinh bãi khóa, chống đàn áp Phật giáo rồi chống hiến chương Vũng Tàu, đả đảo Nguyễn Khánh bán nước, đả đảo Thiệu-Kỳ-Có,…khiến tụi nhỏ tôi chẳng còn thời gian và lòng dạ nào dòm đến văn học miền Nam nữa.

Sau 68, anh em tan tác người một ngã. Ngọn lửa tàn độc tràn qua thôn ấp ngày một hung tợn, ác liệt. Làn sóng tỵ nạn chiến tranh lan ra, người dân tản cư chạy vào khu dồn, lớp trẻ chúng tôi về Sài Gòn. Mấy năm sau tôi thấy chú trong phong trào chống chế độ kiểm duyệt báo chí của Sở Phối hợp Nghệ thuật, tổ chức biểu tình với khẩu hiệu “Ký giả đi ăn mày”, nhưng mỗi người một việc.

Bẵng đi có chục năm liền, cũng vì mưu sinh chen chúc, tuy không xa nhưng khó dịp hàn huyên. Có lần gặp nhau tôi hỏi nghe chuyện vợ con chú sao đó, chú Sơn Nam buồn buồn
̶ “mình viết văn mà không hay thì ai đọc, làm sao sống? Mà lo chuyện viết lách thì bỏ bê, vợ con mấy người thông cảm”…Tới 97, đợt 300 năm Sài Gòn chú nhờ tôi tiếp mấy chuyện vặt. Lúc này chú thuê nhà ở Phan Văn Trị, một cái buồng dài và hẹp, bốn bề nước đái khai um. Cũng chỉ cái máy Olivetti gõ cọc cạch và bộn bề sách vở xếp chung quanh lan cả lên chiếc giường tám tấc. Gần đến ngày trả tiền nhà chú lúng túng, xốn xang cùng nổi lo trễ nãi bà chủ phiền.

Chú Sơn Nam lúc này đã thấy già, nói chuyện vẫn bông lơn nhưng có phần cam chịu. Có bữa được ít tiền nhuận bút, “chú em chở dùm qua đi gửi cho thằng con, nó khổ lắm”. Lần khác thì “thằng con dưới Mỹ Tho hẹn lên xin mấy trăm về lo chuyện nhà”.

Mấy lần chú xuất hiện trên phim, và khi đi ra quê Bắc tế cụ Nguyễn Hữu Cảnh, với bộ nam phục lụa màu xanh thấy ngồ ngộ, khác xa với “ông già đi bộ” thường ngày, lưng chú đã hơi còng rồi.

Vài năm sau nữa, tôi nhớ bữa đưa tang Bùi Giáng ở Gò Dưa, sau bài ai điếu của Cung Văn là điếu văn của Hội Nhà Văn thành phố. Chú moi ra bài viết sẵn trên túi áo vét xanh nhầu nhỉ, sửa lại đôi kính cũng rầu rĩ như ông chủ và chú run run nói: “Anh Giáng ơi! Sáng nay anh NQS nói với tui anh là lớp trước, lại ở trong này, cũng ít dịp gần gũi. Anh đại diện cho Hội đọc dùm điếu văn này. Dậy đây là phần của Hội nghe anh Giáng…Tui đọc dậy là xong rồi, còn đây là của tui. Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài,…nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của Thành ủy - Ủy Ban, có Hội Nhà văn, dậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!…”.

Có lần hội thảo khoa học về cụ Trương Vĩnh Ký, như những lần hội thảo danh nhân Nam bộ khác, chú đã đọc tham luận. Không phải về những công trình bác học, đồ sộ hoặc luận về công/tội, chú nói đến chuyện sau cùng cụ TVK đã dành thời gian viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe”.

Lúc Bé Tư mới ra cuốn Cánh đồng bất tận, một ông lão nghe chuyện hỏi tôi NQS ủng hộ lắm hả, cháu có không? Tui nghe chú Sơn Nam có bản photo. Mà lúc này ổng về ở dưới Lăng Ông rồi. Chở chú lại thăm giả chút. Hai người lớn nói chuyện văn chương, tôi mãi mê đọc báo. Chỉ nghe thoáng khúc cuối chú Sơn Nam nói “nó muốn đặt tên cho đứa nhỏ là Hiền, Lành gì đó chứ không Thù, Hận,…nghĩ lại không biết tụi mình là con hoang của vụ hiếp dâm nào?” Tôi xin phép hai ông chú ra về trước.

Tự nhiên mấy năm gần cuối đời hai dái tai của chú dày ra, rộng hơn phát đỏ hồng, anh em mừng. Thì cũng có chuyện hợp đồng bán được tác quyền, sách được in lại đẹp đẽ, chú cũng mừng. Nhưng thường bữa, trừ đợt bịnh nặng, chú vẫn đến thư viện Gò Vấp cạnh cầu Hang tìm sách đọc, viết và nhờ mấy cháu đánh máy lại. Rủng rỉnh thì mời mấy cô bé đi ăn trưa, cơm dĩa. Sáng sáng lại ngồi cà phê đen xéo phía kia đường.

Khúc cuối cùng cuộc đời, do có chuyện bình chọn để lãnh giải thưởng gì đó ngoài trung ương mới có chuyện “…Sơn Nam không được, vì nhờ biết tiếng Tây, đọc các bài viết cũ rồi viết lại chứ không có công trình gì…”. Từ hồi chữ quốc ngữ thịnh lên tới giờ, có biết bao nhà văn đọc rồi phóng tác; có bao người đọc để biết mà tránh viết giống người trước? Tôi thì biết rõ là chú Sơn Nam không đạo văn như cái án oan kiểu gây dư luận đó.

Lại rủi cho chú khi đi đường bị xe của bọn trẻ chạy vong mạng làm gãy chân, chú chỉ nói buồn “tụi nhỏ chúc thọ ông già kiểu này ngặt quá!”.

Mới đó mà chú đã đi xa một năm rồi, ngày đưa tang chú tôi từ Gia Lai về, mệt quá ngủ quên, khi anh em nhắc thì đã xong mọi việc. Tiếc và buồn! Thôi, đêm nay tôi nhớ chú, ngồi viết gọn mấy dòng dâu bể.

Bình Dương, 10/08/09
Nguồn : http://www.viet-studies.info/DoanNamSinh_NhoSonNam.htm

SƠN NAM
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Sơn Nam[1] có tên thật là Phạm Minh Tài (nhân viên hộ tịch viết sai thành Phạm Minh Tày) (11 tháng 12 năm 1926 - 13 tháng 08 năm 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Việt Nam.

Tiểu sử
Sơn Nam sinh tại làng Đông Thái, huyện Gò Guao, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà Gò Guao, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá. Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống... Năm 1960-1961, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương)[2]. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học".

Những tác phẩm chính
Chuyện xưa tình cũ (1958)
Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)
Hương rừng Cà Mau (1962)
Chim quyên xuống đất (1963)
Hình bóng cũ (1964)
Vạch một chân trời (1968)
Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao (1969)
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam
Danh thắng Miền Nam
Theo chân người tình & một mảnh tình riêng
Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An
Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang
Xóm Bàu Láng
Bà chúa Hòn

Ghi nhận công lao

Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ...”

“Không chỉ cống hiến trong văn chương, ông (Sơn Nam) còn được xem là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, không phải hiển nhiên mà người ta trân trọng gọi ông là "nhà Nam Bộ học" hay ông già Ba Tri...”

“Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc...”

Tham khảo
^ Bút danh Sơn Nam của ông là để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Theo [1]
^ Theo Hỏi đáp về Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb trẻ, 2006, tr. 63.
^ Tạp văn Gốc cây, Cục đá & Ngôi sao. Nhà văn Sơn Nam qua đời, VnExpress.
^ Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam, Lê Phương, Dân Trí.
^ Sơn Nam - Người của nhiều thời, Vannghesongcuulong.org.vn.

Liên kết ngoài
Hồi ký Sơn Nam
Sơn Nam trên web Văn nghệ sông Cửu Long.
Sơn Nam - nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa trên web báo Nhân dân.
Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam trên web báo Thanh Niên.
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê trên web báo Tuổi trẻ.
[2] Blogspot của nhà văn Sơn Nam.


Được đăng bởi Hoang Kim

Việt Nam mở cửa giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới

HOCMOINGAY. Trang tin http://niemtin.free.fr/vnthegioi.htm  đã điểm tin tổng hợp "Việt Nam mở cửa giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới ", tập hợp những bản đồ thế giới và châu lục, các bản tin về những tổ chức quốc tế và các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Canada, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển,  Đài Loan, Na Uy, Thụy Sỹ, Ai Len, Đan Mạch, Phần Lan, Mã Lai, Singapo, Do Thái, Tân Tây Lan. Nhiều tin là bổ ích và lý thú (xem tiếp)

13 tháng 1, 2010

Năm nhược điểm khi tạo website giáo dục Việt Nam



HOCMOINGAY. Làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin để tạo website giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ mạnh mẽ, đắc lực cho dạy và học đang bùng phát mạnh mẽ tại khối giáo dục phổ thông, ở các thầy cô giáo độ tuổi  27- 45,  tâm huyết với nghề, năng lực chuyên môn tốt, muốn nâng cao kỹ năng dạy học qua việc tạo website cá nhân để chia sẻ kinh nghiệm và tư liệu giáo dục. Năm nhược điểm của họ khi tạo website là: Chưa nhận định rõ trình độ và chưa xác định đúng đối tượng; chưa chuẩn bị tốt các tài liệu phục vụ công tác giảng dạy; website mắc nhiều lỗi thiết kế; thiếu tương tác; thiếu cập nhật. Thạc sỹ Trương Tinh Hà, giám đốc điều hành website giaovien.net đã nhận định như vậy. 


Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục tại VN đã có nhiều tiến bộ trong vài năm qua. Các giáo viên phổ thông đã dần quen với “làn sóng thứ nhất”: trào lưu sử dụng chương trình PowerPoint để tạo các bài thuyết trình để giảng dạy, thực hiện tiết dạy mẫu, thi giáo viên giỏi…


TTO - Giờ đây, cộng đồng giáo viên đang bắt đầu tham gia vào “làn sóng thứ hai”: tạo website hoặc blog để phục vụ cho công tác giảng dạy của mình. Từ đây, nhiều bất cập của các website, blog do các giáo viên tạo ra dần thể hiện rõ.

1 - Chưa nhận định rõ trình độ và chưa xác định đúng đối tượng

Qua kinh nghiệm làm việc, chúng tôi nhận thấy nhiều giáo viên rất tâm huyết với nghề và rất mong muốn có một website để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, các tư liệu giáo dục và cả… thể hiện bản thân mình. Chính vì sự hăng hái đó, họ thường ngộ nhận hay bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng về bản thân mình và về đối tượng thăm viếng website.

Có giáo viên mới lần đầu thực hiện được một website cho mình (nhờ vào các công cụ có sẵn) và chưa có hiểu biết nhất định về ngôn ngữ web, nhưng đã mạnh dạn đứng ra nhận làm… dịch vụ thiết kế website, quảng cáo các khóa dạy thêm, dạy học trực tuyến và yêu cầu người xem đóng phí. Bất kỳ người nào từng làm việc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thiết kế website hoặc các khóa học trực tuyến đều hiểu rõ các vấn đề về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng mà mình cần đáp ứng, và không dễ gì một cá nhân với trình độ sơ khởi ban đầu có thể thực hiện thành công.

Và cũng chính vì chưa xác định rõ đối tượng viếng thăm website, nên một số giáo viên thường xây dựng các website với mọi chủ đề: môn học mình giảng dạy, tin tức trên các báo, các video clip dạy nấu ăn, dạy thắt cravat, các đoạn video clip bóng đá, các bài viết tâm sự về tình cảm, giới tính… Những website này làm người viếng thăm thật sự bối rối vì họ không rõ nội dung website và người thực hiện muốn hướng đến điều gì. Anh ta đang dạy môn học X, Y dành cho học sinh của mình hay anh ta đang làm một blog để bàn mọi chuyện trên trời dưới đất?

2. Chưa chuẩn bị tốt các tài liệu phục vụ công tác giảng dạy

Để xây dựng một website giáo dục hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy, giáo viên cần nắm rõ môn học mình giảng dạy, hiểu được những vấn đề nào thường gây khó khăn cho người học. Tập trung đưa thêm nhiều tài liệu học tập giải thích cho vấn đề, hiện tượng mà mình không có thời gian giảng nhiều trên lớp.

Đồng thời cũng nên xây dựng các bài giảng, tài nguyên giáo dục theo sát chương trình mình đang dạy và có thêm các liên kết dẫn đến các trang web bên ngoài có cung cấp thêm thông tin về đề tài đó.

Làm được những công việc trên, giáo viên sẽ thể hiện được sự am hiểu chuyên môn của mình, đem lại những cơ hội học tập thêm cho các em học sinh và là nguồn tham khảo thêm cho các đồng nghiệp.

Chúng tôi từng thấy những trang web và blog do giáo viên xây dựng mà nội dung thì phần “vui chơi giải trí” nhiều hơn phần “học hành nghiêm túc”.

3 - Website mắc nhiều lỗi thiết kế

Do mong muốn website của mình độc đáo và đẹp, nhiều giáo viên sẵn sàng làm một banner có dung lượng vài trăm KB, hình nền của web quá nhiều chi tiết và hoa văn làm nội dung bên trên không thể đọc được một cách rõ ràng. Một chuyên viên thiết kế web biết rõ một banner nên có dung lượng tối đa khoảng 50KB hoặc phải cắt nhỏ đối tượng đồ họa khi có dung lượng lớn hơn.

Cách tốt nhất để trang bị cho mình vài kiến thức căn bản về web là hãy dạo một vòng quanh các website chuyên về thiết kế.

Khi dung lượng hình quá lớn, chúng ta đang bắt người học trả tiền truy cập web cho “xu hướng thẩm mỹ” của chúng ta.

4 - Thiếu tương tác

Quá trình học là một quá trình tương tác, dù đó là học trực tiếp mặt đối mặt hay học thông qua mạng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã quên điều này. Website thiết kế ra thường chỉ chú ý chiều từ người dạy đến người học, mà thiếu chiều ngược lại. Do đó, thầy cô cần thêm các mục liên hệ, viết lời bình, chat trực tiếp… cho website của mình.

5 - Thiếu cập nhật

Khi sự háo hức ban đầu vơi đi, nhiều giáo viên cũng không còn thiết tha gì chuyện cập nhật cho website của mình. Mặc dù trên website của họ, tài liệu học tập vẫn còn chưa đủ phục vụ cho công việc và người học. Sự trì trệ này xuất phát từ tâm lý: “Mình dạy học sinh trên lớp mà, có cần gì cái website đâu!”.

Quả thật, chúng ta vẫn dạy học sinh chủ yếu qua những giờ trên lớp, nhưng chính website giáo dục do mình xây dựng sẽ là cánh tay nối dài cho việc dạy và học. Dạy học không còn bị bó gọn trong bốn bức tường khô cứng. Và nhiều học sinh, nhiều đối tượng ở nhiều vùng miền khác sẽ có cơ hội tiếp cận những bài giảng của mình. Đó chính là cánh cửa để việc học trở thành “học tập suốt đời” đúng theo tiêu chí của UNESCO và yêu cầu của thời đại thông tin ngày nay.

Vượt qua được nhược điểm trên, các website do các giáo viên xây dựng chắc chắn trở thành các “trung tâm học tập”, các “trợ tá giảng dạy” cho việc dạy của người thầy và việc học của học trò. Hơn nữa, rào cản địa lý sẽ không còn là trở ngại cho nhiều em học sinh nghèo nhưng hiếu học trên đất nước ta.

ThS TRƯƠNG TINH HÀ
(Giám đốc điều hành website giaovien.net)

Nguồn: http://nhipsongso.tuoitre.com.vn/Index.aspx?ArticleID=319474&ChannelID=16

1 tháng 1, 2010

Mùa xuân đến với những tấm lòng



HOCMOINGAY. Thầy Nguyễn Văn Luật và bạn CapheNet chuyển cho tôi bài viết về GS Chu Hảo và GS Tôn Thất Trình. Tôi thật cảm phục trước tâm nguyện của những người Thầy lớn tuổi vẫn đau đáu chăm lo cho GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ. GS. Tôn Thất Trình thường lưu ý những thông tin mới khoa học công nghệ. GS. Chu Hảo nói : "Trong ba loại người tài giỏi mà xã hội ta cần hiện nay là: 1) Những người lãnh đạo ở các cấp Đảng và chính quyền. Thiếu những nhà lãnh đạo tài ba thì mọi hoạt động khác của xã hội sẽ kém hiệu quả. Ước mong sao ở tất cả các cấp này phải là những người có tầm, có tâm và hết sức chuyên nghiệp. 2) Các nhà doanh nghiệp tầm cỡ. 3) Các nhà khoa học giỏi. Tôi đã cố tình xếp các nhà doanh nghiệp lên trước các bạn đồng nghiệp khoa học và công nghệ ... Đơn giản là bởi vì ngày nay "sức kéo" của thị trường vẫn mạnh hơn "sức đẩy" của khoa học - công nghệ. Ước mong sao cho đất nước ta sớm có một tầng lớp doanh nhân tài ba và giàu lòng yêu nước như các nhà tư sản dân tộc trước Cách mạng tháng 8 năm 1945."



BẮNG CẤP KHÔNG PHẢI LÀ THƯỚC ĐO NGƯỜI TRÍ THỨC

Chu Hảo

TuanVietnam.Net: Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức Chu Hảo học phổ thông ở Trung Quốc, học đại học và làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở Pháp. Con đường quan chức của ông cũng dài không kém con đường học tập nghiên cứu: từng đảm nhiệm các vị trí Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử (Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia), Chánh văn phòng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ thông tin, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến lúc đã có thể nghỉ ngơi, ông lại tiếp tục chọn cho mình con đường mới nhiều thử thách: thành lập NXB Tri Thức với tôn chỉ là góp phần phổ biến những kiến thức tinh hoa của thế giới tại nước nhà. Người từng dành nhiều công sức để đưa Internet vào Việt Nam này lại một lần nữa mong mỏi nguồn tri thức mới mà mình góp phần mang về sẽ đúc nên những viên gạch đầu tiên cho nền kinh tế tri thức của đất nước. Tháng 9/2009 cũng là kỷ niệm bốn năm ngày thành lập NXB và nhân dịp họp mặt cộng tác viên tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở.



- Được biết thời gian gần đây và sắp tới, NXB Tri Thức có nhiều hoạt động văn hóa như tổ chức kỷ niệm và in kỷ yếu về các danh nhân thế giới; phối hợp tổ chức những hoạt động tọa đàm; thảo luận các chủ đề về thói quen đọc sách, giáo dục, kinh tế; nói chuyện với sinh viên các trường đại học... Xem ra hoạt động của NXB Tri Thức không chỉ là tổ chức dịch và xuất bản sách?

Trong số những việc bạn vừa kể, có nhiều việc lẽ ra thuộc trách nhiệm tổ chức của Nhà nước, nhưng do không thấy ai làm nên chúng tôi xin tự nguyện làm thôi. Năm 2009 đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là "Năm Vũ trụ học", kỷ niệm 400 năm nhà bác học Galileo Galilei người Ý phát minh ra kính viễn vọng, cũng là kỷ niệm 200 năm sinh nhà khoa học Charles Darwin người Anh. Các nước trên thế giới có nhiều hoạt động để tưởng nhớ hai danh nhân đã có đóng góp rất lớn cho loài người này, còn tại Việt Nam cho đến nay các cơ quan hữu quan hầu như chưa hề nhắc tới.

Chúng tôi cũng đã từng làm như vậy đối với 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (2007), 100 năm Khai sáng Thuyết Lượng tử (2008); và đang chuẩn bị làm cuốn Lev Tolstoi nhà Văn hóa và Tư tưởng để cùng thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông (2010). Cho đến nay, các cơ quan chức năng của Nhà nước vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của những hoạt động văn hóa như thế. Tổ chức kỷ niệm, in kỷ yếu về các danh nhân là việc làm thiết thực để truyền bá tri thức và nuôi dưỡng tình yêu đối với nghiên cứu khoa học và tôn vinh các giá trị văn hóa.

Đối với chúng tôi, ngay cả dịch sách cũng không đơn thuần là công việc kỹ thuật mà đó là hoạt động văn hóa. Dịch thuật góp phần rất lớn trong việc làm nên tính đa dạng văn hóa của xã hội tri thức. Đặc biệt, việc dịch những sách có hàm lượng tri thức cao sẽ tạo ra những thuật ngữ mới, mang về nhiều khái niệm mới. Nhờ đó, ngôn ngữ và vốn văn hóa nước nhà được làm giàu thêm đáng kể. Dịch giả ngoài việc nắm vững ngoại ngữ phải tinh thông ngôn ngữ Việt, phải có kiến thức văn hóa sâu rộng.

- Nhưng cũng vì mang về những khái niệm quá mới đó mà thời gian gần đây, một số sách của NXB Tri Thức bị xem là "có vấn đề"?

Bất cứ nhà xuất bản nào xuất bản những sách giới thiệu tri thức cổ kim nước ngoài đều dễ bị xem là "có vấn đề" chứ không riêng NXB Tri Thức. Sách của NXB Tri Thức (kể cả sách liên kết) phần lớn là dịch từ tác phẩm nước ngoài nên có những chỗ quan điểm của các tác giả không phù hợp với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, tôi tin là trong quá trình phát huy dân chủ theo đường lối của Đảng, cùng với quá trình đổi mới thì phạm vi của "vùng nhạy cảm" đã và sẽ ngày càng được thu hẹp.

Trước đây, cũng nhờ những nguồn tham khảo kiến thức và lắng nghe, mà Đảng đã đi đầu trong việc thay đổi tư duy, quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hay cho đảng viên làm kinh tế tư nhân... Ngoài ra, muốn hội nhập quốc tế thì phải biết thế giới quanh ta nghĩ gì và phải chấp nhận sự đa dạng văn hóa. Hơn nữa, những sách chúng tôi chọn đều là những kiến thức tinh hoa nhân loại, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước trong tương lai. Chừng nào xã hội còn tồn tại, những sách này sẽ vẫn còn hữu ích.

- Ông thường dẫn lời của Karl Marx rằng trí thức là người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến về những vấn đề trong xã hội. Vậy theo ông, thế nào gọi là đủ tri thức và làm thế nào có đủ tri thức để có chính kiến về những vấn đề trong xã hội?

Tùy từng giai đoạn lịch sử, xã hội càng phát triển, càng phức tạp thì đòi hỏi trình độ của trí thức càng phải cao hơn. Trước 1945, một thầy giáo tiểu học trường làng đã có thể được coi là trí thức vì đã đủ trình độ để hiểu biết và có thể thảo luận về những vấn đề xã hội thời đó. Bây giờ một người tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ cũng chỉ là người lao động trí óc nếu không có nhận thức đúng đắn về thời cuộc. Bằng cấp không phải là thước đo người trí thức.

Trong một nền giáo dục tốt, một người học hết chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến (chứ không phải như của ta hiện nay!) cũng có thể trở thành trí thức nếu có sự quan tâm và luôn tự đặt ra những câu hỏi về các vấn đề xã hội. Rồi đi tìm câu trả lời qua sách vở kết hợp với chiêm nghiệm thực tế để có thể phản biện và phân tích một cách khoa học và trung thực những bất cập trên tinh thần xây dựng và thiện chí, có sức thuyết phục.

Cao hơn nữa là đề xuất được phương án khắc phục vấn đề. Chẳng hạn, đến năm 1945 một số trí thức nước ta như GS Nguyễn Văn Chiển (mới từ trần tháng trước) vừa học xong bậc đại học, GS Hoàng Tụy mới hết tú tài, còn nhà văn Nguyên Ngọc thì chưa hết tú tài... Sau đấy, họ hoàn toàn tự học, tự trau dồi tri thức và nhân cách của mình, với cái nền vững chắc có được từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, họ trở thành những trí thức có rất nhiều đóng góp giá trị cho đất nước.

- Vậy theo ông, đâu là tiêu chuẩn đánh giá trí thức?

Tiêu chuẩn đánh giá người trí thức không phải là trình độ chuyên môn mà là tầm nhìn của người đó có vượt lên hẳn tầm nhìn chung của quần chúng hay không. Dựa trên tiêu chí đó, theo tôi nước ta chỉ có một số cá nhân trí thức chứ chưa có tầng lớp trí thức với lý tưởng, quan niệm riêng và có sự tranh luận, thảo luận một cách công khai, thẳng thắn và dân chủ.

Những năm gần đây, một nhóm trí thức Nga đã có những nghiên cứu, thảo luận rộng rãi và nghiêm túc về thực trạng giới trí thức nước này trong gần một thế kỷ qua (xin xem quyển Về trí thức Nga NXB Tri Thức 2009). Họ đã đi đến kết luận rằng tầng lớp trí thức Xô viết thực chất chỉ là những người lao động trí óc chứ chưa phải là tầng lớp trí thức theo đúng nghĩa là có tầm nhìn và hiểu biết xã hội vượt trội. Chúng ta học hỏi Liên Xô cũ rất nhiều về các mô hình giáo dục - đào tạo và tôi cảm thấy tầng lớp "có học" của nước ta có nhiều điểm, nhiều vấn đề rất giống họ.

Tuy nhiên, để biết tầng lớp có học của Việt Nam có trình độ nhận thức, có tầm nhìn và hiểu biết xã hội ở mức nào thì phải cần những nghiên cứu cụ thể. Liên Xô đã làm việc này, Trung Quốc cũng bắt đầu làm còn ở Việt Nam thì vẫn chưa.

- Làm thế nào để hình thành tầng lớp trí thức theo tiêu chí vừa nói, thưa ông?

Trong một xã hội bình thường, tầng lớp trí thức được hình thành theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Trong xã hội, ngoài số đông học để làm giàu, học để làm quan, vẫn thường có một tỷ lệ người nhất định có sự ham học hỏi và coi việc học để nâng cao nhận thức là niềm vui tự thân. Ngoài cơ chế và tính dân chủ để trí thức có môi trường thảo luận như đã nói ở trên, điều quan trọng là cần có nền giáo dục lành mạnh để một người học hết phổ thông là đã có thể tự đọc sách, tự nghiên cứu để trau dồi kiến thức.

Nền giáo dục ở các nước tiên tiến dạy cho học sinh thói quen đọc sách và thảo luận về sách. Ở cấp phổ thông, học sinh đã biết phần nào những kiến thức nhập môn để lên đại học sẽ nghiên cứu sâu. Còn ở nước ta, nhiều học sinh giỏi khi thi đậu đại học rồi mà vẫn chưa hề nghe đến các sách nhập môn của chính ngành mình sẽ học ở đại học.

- Theo ông thì phẩm chất và trình độ của tầng lớp trí thức có vai trò thế nào trong việc tạo nên số phận của một đất nước?

Chắc chắn là có vai trò rất lớn. Có thể làm một ví dụ so sánh: cách đây hơn một trăm năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của phương Tây, nước Nhật thời Minh Trị đã thực hiện canh tân, nỗ lực tiếp nhận những kiến thức tinh hoa của thế giới tạo nên một tầng lớp trí thức có tiếng nói và có tầm nhìn bao quát được thời cuộc, đưa nước Nhật trở thành quốc gia hùng mạnh ở châu Á.

Sau năm 1945, Nhật Bản có thể vươn lên một cách thần kỳ từ đống tro tàn là nhờ xã hội vẫn giữ được tầng lớp trí thức có tầm nhìn xa và tâm huyết, đưa ra những chiến lược phục hồi để hơn 30 năm sau đất nước họ trở thành cường quốc. Tại Trung Quốc thế kỷ XIX, vì đóng cửa với thế giới nên việc truyền bá tri thức diễn ra sau Nhật 50 năm và không tạo được tầng lớp trí thức đủ mạnh để tồn tại qua những biến động thời cuộc.

Đó cũng là lý do xã hội Trung Quốc giai đoạn tiếp theo xảy ra nhiều bi kịch như cách mạng văn hóa và kinh tế kém phát triển hơn Nhật Bản nhiều. Tầng lớp trí thức là bộ phận nhận thức, là bộ não của cơ thể xã hội. Não trạng ù lỳ thì mắc sai lầm dẫn đến bi kịch là chuyện dễ xảy ra.

Đã có nhiều bài học cho thấy để đưa đất nước ra khỏi khó khăn, tầng lớp trí thức phải có tầm nhìn xa và tính quyết đoán cao. Ông Asher, Chủ tịch Degem - Tập đoàn điện tử hàng đầu của Israel đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện thực tế: Gần 60 năm trước, khi Nhà nước Israel mới được thành lập, những người Do Thái lưu lạc khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng đất nước riêng của mình.

Một hôm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Israel, sau khi tham khảo ý kiến của những người bạn trí thức đã xin được gặp ngay Thủ tướng để trình bày đề án xây dựng 10 trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Israel, với lý do: Nhà nước Do Thái lúc bấy giờ (năm l950) chỉ có người đi buôn chứ không có người làm kỹ thuật và nhà nước ấy sẽ lại tiêu vong nếu không có khoa học - kỹ thuật.

Thủ tướng Israel lúc đó là một người có tầm nhìn xa và dám quyết. Ngay trên bàn ăn sáng hôm ấy với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã quyết định xây dựng năm trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Israel (vì chỉ đủ kinh phí xây dựng năm trường). Ngày nay, Israel đã có nền khoa học kỹ thuật rất phát triển, thu nhập bình quân hơn 33 ngàn USD/đầu người.

- Từng đảm trách cương vị Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông băn khoăn điều gì nhất trong nền khoa học nước nhà?

Đó là nghiên cứu khoa học tại nước ta hiện nay chưa được chú ý đúng mức. Hẳn chúng ta còn nhớ việc ra quyết định sai lầm trong cơn bão Chanchu năm 2008, và cũng có thể là như vậy đối với cơn bão mới vừa đây đã dẫn đến tác hại nghiêm trọng như thế nào. Đây chắc chắn là hậu quả của sự thiếu được đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản về khoa học khí quyển.

Chẳng những khoa học khí quyển, mà còn nhiều bộ môn khoa học cơ bản khác của nước ta cũng không được chú trọng đúng mức. Về việc này, các nhà khoa học, có uy tín ở trong và ngoài nước đã nhiều lần cảnh báo, nhưng cũng ít được lắng nghe... Tôi e rằng đất nước sẽ còn phải trả giá đắt trong nhiều năm nữa!

Trên thực tế, chỉ những nghiên cứu ứng dụng vụn vặt, nhưng có hiệu quả tính được ra bằng tiền là đang được khuyến khích, còn những nghiên cứu cơ bản thì từ lâu đã dần dần bị bỏ rơi.

Thái độ nhấn mạnh kỹ thuật (công nghệ), coi nhẹ khoa học (đặc biệt là các nghiên cứu cơ bản) là tình trạng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển. Tâm lý sốt ruột muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, cùng với nguồn lực eo hẹp và sự thúc bách của cơ chế thị trường đã làm cho các nhà hoạch định chính sách phát triển ở những nước này dễ có khuynh hướng ưu tiên cho những đầu tư sớm có hiệu quả theo kiểu "mì ăn liền".

Đầu tư cho công nghệ dễ thấy hiệu quả hơn là đầu tư cho khoa học nhưng nếu không có một trình độ khoa học vững vàng thì không thể phát triển công nghệ một cách có hiệu quả bền vững. Nước ta còn nghèo thì phải cân nhắc thật kỹ tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và cho phát triển công nghệ để vừa dần dần xây dựng tiềm lực khoa học mạnh mẽ, vừa tiến hành đổi mới công nghệ một cách có hiệu quả. Gần đây tôi vui mừng nhận thấy Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm hơn nhiều đến khu vực nghiên cứu khoa học cơ bản.

Một điều đáng buồn khác là Việt Nam với gần 90 triệu dân mà chưa có một tạp chí phổ biến khoa học nào kiểu như La recherche (Pháp), New scientist (Mỹ) v.v... Các cơ quan nghiên cứu và các đại học của Nhà nước không quan tâm và không cấp kinh phí đã đành, khi chúng tôi đề nghị được liên doanh với Tập đoàn IDG của Mỹ để xuất bản một tạp chí như vậy thì lại không được vì luật không cho phép liên doanh với nước ngoài để xuất bản báo chí. Trong khi tại Trung Quốc, có đến 30 đầu báo khoa học liên doanh với IDG đã ra đời.

- Vậy muốn thay đổi thực trạng này chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Từ giáo dục và đào tạo! Ngày nay, không nền kinh tế nào có thể phát triển bền vững nếu không dựa vào khoa học và công nghệ của chính mình. Khi khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đúng như lời tiên đoán của Karl Marx từ giữa thế kỷ XIX thì bản thân các nhà khoa học - công nghệ, trong một số lĩnh vực, cũng đồng thời là nhà sản xuất.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tiềm năng khoa học và công nghệ bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại lịch sử nhân loại, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện và suy vong của các nền văn minh thường gắn liền với khả năng nắm bắt hoặc bỏ lỡ cơ hội đối với các kỹ thuật mới. Ở thời đại ngày nay, điều ấy càng đúng. Khi thông tin và tri thức là tài nguyên quan trọng nhất thì tài nguyên con người với tiềm năng trí tuệ cao là quý giá nhất. Đó là ai?

Trước hết, đó là các nhà khoa học - công nghệ giỏi. Muốn có các nhà khoa học - công nghệ giỏi thì ưu tiên hàng đầu là phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và hiệu quả. Không có một nền khoa học và công nghệ nào có thể phát triển được trên cơ sở một nền giáo dục như của nước ta hiện nay.

- Là người chủ trì tổ chức Hội thảo hè 2008, một hội thảo để giới trí thức trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề của đất nước, theo ông, trí thức Việt Nam trong và ngoài nước có tầm nhìn và trình độ như thế nào? Có đủ sức giúp đất nước giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay?

Số lượng trí thức trong và ngoài nước trên tổng số dân nước ta còn ít so với các nước khác, nhưng tầm nhìn và trình độ của nhiều người trong số ít ỏi đó có lẽ cũng không thua kém. Vấn đề là cơ chế dường như chưa đủ để cho người trí thức phát huy hết năng lực của họ. Tôi tin chúng ta đủ khả năng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay nếu biết tổ chức, quản lý và quan trọng hơn là cần tạo điều kiện bình đẳng cho mọi tiềm năng được giải phóng.

- Một câu hỏi cuối, ông nghĩ gì về doanh nhân Việt Nam?

Tôi ngưỡng mộ sự năng động và ý chí làm giàu một cách chân chính của đại đa số trong số họ.

Trong ba loại người tài giỏi mà xã hội ta cần hiện nay là: 1) Những người lãnh đạo ở các cấp Đảng và chính quyền. Thiếu những nhà lãnh đạo tài ba thì mọi hoạt động khác của xã hội sẽ kém hiệu quả. Ước mong sao ở tất cả các cấp này phải là những người có tầm, có tâm và hết sức chuyên nghiệp. 2) Các nhà doanh nghiệp tầm cỡ. 3) Các nhà khoa học giỏi.

Tôi đã cố tình xếp các nhà doanh nghiệp lên trước các bạn đồng nghiệp khoa học và công nghệ của mình mà không lo không được sự đồng tình của họ. Đơn giản là bởi vì ngày nay "sức kéo" của thị trường vẫn mạnh hơn "sức đẩy" của khoa học - công nghệ. Ước mong sao cho đất nước ta sớm có một tầng lớp doanh nhân tài ba và giàu lòng yêu nước như các nhà tư sản dân tộc trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này.

Theo Cẩm Tú (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)


Nguồn Tuanvietnam.net



MỘT SỐ TIẾN BỘ KỸ THUẬT ĐÁNG CHÚ Ý NĂM 2009

G S  Tôn Thất Trình 

 Sau đây là một số tiến bộ năm 2009, trích dẫn từ tạp chi Khoa học Phổ thông- Popular Science  Hoa Kỳ , số tháng giêng 2010.
           
1. VƯỜN XANH CHO NHÀ CAO TẦNG    

Chúng tôi đã đề cập đến nông nghiệp thẳng đứng ở  tạp chí bán niên san Định Hướng và tin tức Việt Nam  cho biết đã thử nghiệm ở Hà Nội vườn “rau mầm , giá “ trên nóc nhà cao ốc  , sau khi cũng trình bay vĩa hè , khoảng giữa xa lộ vườn rau đô thị, theo khái niệm chúng tôi đề cập ở bài phát triễn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tháng 4 năm 2009 cũng đà đăng ở Định Hướng 2009.  Sau đây là dự án của kiến trúc sư John B. Carnett,  dự liệu một mái nhà xanh ở thị trấn Greenwich, bang New York, sử dụng những kỷ thuật xanh mới nhất thủ hiện một gia cư  bốn phòng ngủ, rộng 3500 bộ vuông ( chừng 325m2 ) , một bộ vuông xây cất gíá 15.50 đô la Mỹ , thời gian  xây dựng nhà chỉ cần sáu ngày là xong. Hậu tạo nên một sinh thái đời sống hoang dã, hút dẫn CO2 , cô lập mái nhà.  Thực vật trồng ở trên mái nhà này theo tác giả  không những ngoạn mục  mà còn bảo vệ gia cư  chống lại những nhiệt độ thái cực, hấp thu carbon dioxiode  và giúp  cho mái nhà  tồn tại ba lần lâu hơn. 

Trước tiên phải biết đất đổ trên mái  rất nặng và  cân nặng hơn nữa khi thấm nước. Trước khi đổ đất, ông phải hỏi một kỷ sư  hình dung sức nặng tối đa mái có thể  chịu đựng. Tiêu chuẩn mái xanh là  bề dày chừng  4 ngón Anh đất ( 11cm ), cân nặng 38- 51 cân Anh  ( 18- 25 kg ) cho một bộ Anh  vuông vức ( 929 cm2  ). Đất càng sâu càng có nhiều lựa chọn loại cây trồng; nhưng 10cm đất là đủ sâu cho nhiều loài hoa  và rau cỏ.

Bước kế tiếp  là sửa soạn cho mái  thoát thủy tốt đẹp  và không thấm nước. Trước tiên, đặt một lớp mỏng vót nhọn vật cách ly để dẫn  nước quá thừa thải  vào một thùng chứa dưới đất. Trên đó  trải một lớp trang trí pan nen dính vào mái, bằng chất dính nổi bọt. Những pan nen này cụng cấp một bề mặt cứng cho  mái vườn và không cho rễ cây  đúng đến mái. Lớp cuối cùng là cao su đặc biệt, không hư hỏng vì thời tiết.

Một khi mái đã hoàn toàn được bảo vệ thì mới thêm đất vào . Vài người đổ đất đầy  cả mái, nhưng Carnett thì đổ đất vào một hàng khay. Khay công tên nơ rất dễ xếp đặt và dễ lấy đi khi cần sửa chửa mái nhà. Rất nhiều công ty cung cấp khay đã chúa đầy đất  nhẹ cân, đặc biệt  làm ra cho  mái nhà xanh và cây cối đã trưởng thành. tuy chúng rất tiện lợi nhưng giá  đắt, đến 20 đô la Mỹ một bộ Anh vuông. Nhờ mua khay và đất bán theo đống và tự đổ đất vào khay, Carnett  đã hạ phí tốn xuống chỉ còn 5.50 đô la Mỹ một bộ Anh vuông.

Từ trên xuống dưới, bên trong mái nhà xanh  có những gì ?  :
Đất:  10 cm đất nhẹ là đủ để trồng nhiều loại cỏ và hoa hoang dại rồi .
Cao Su:  những tấm polymer nhiệt, tên gọi là TPO , bảo vệ  chống lại nhiệt độ thái cực  và UV phá hại .
Các bảng  mái - roof board:  những thảm sợi gương - fiber glass  tạo ra một  bề mặt  cứng  trang trị. Chúng cũng giữ cho mái khỏi bị mốc meo - mold  và rễ đâm lũng.      
 Chất dính:  bọt nổi làm dính bảo đảm từ các bảng  mái  đến  các pannen cách ly dưới bảng
Cách ly vót nhọn: để vườn cao ốc là một  pan nen mái nhà, dày 28 cm,  đặt thành một lớp  độ dốc nhẹ giúp thoát tháo nước thặng dư.
Pan nen mái nhà: nền vườn cao ốc là một pan nen mái nhà, dày 28cm, làm bắng polystyrene  nới rộng tái sinh, có thể chịu đựng đến 32 kg cho một bộ Anh vuông.

2. THUỐC TÂY TƯƠNG THÍCH GIÁ RẼ HƠN

Chúng tôi đã đề cập đến việc chế tạo thuốc tây tương thích chung - generics ở bài tháng tư năm 2008 . Việc chấm dứt  thời hạn môn bài - patents trên vài loại thuốc tây lớn nhất có nghĩa là  ngày nay sẽ có thuốc thay thế tương đương  tương thích chung rẽ tiền hơn nhiều , nhưng đồng thời cũng có thể có nghĩa là  Sau này ít thuốc tây mới hơn xưa

Quá lâu rồi Lipitor ơi !  Sẽ  gặp nhau lại Advair!  Năm 2009  đánh dấu khởi sự cái gọi là ghềnh đá môn bài, khi các đại công ty Dược phẩm  sẽ mất đặc quyền  môn bài  trên nhiều lại thuốc nhản hiệu  chánh- brand- name bán chạy nhất .  Các công ty có thể nhượng lại mức bán trị giá 140 tỉ đô la Mỹ  vào năm 2016 , khi các dịch bản  rẽ tiền thuốc tương thích chung di chuyển đến thị trường

Theo Dan Carpenter , đồng giám đốc Sáng kiến Thuốc men và Xã hội Viện Đại học Harvard, Tin tốt đẹp  là ít nhất  trong 10 năm tới, tiền mua thuốc cần có toa bác sĩ sẽ giảm nhiều hay  sẽ rất khiêm tốn cho người tiêu thụ. Thế nhưng tiết kiệm này có thể làm cho các phòng mạch bác sĩ  trống không ngày mai. Tháng 11 năm 2011, công ty Pfizer  sẽ mất môn bài  đặc quyền thuốc chữa cao mỡ  cholesterol  Lipitor, mà mức bán năm 2008 lên  đến 12.4 tỉ đôlà . Lipitor là một trong các thuốc tây  bán chạy và lời nhất ở lịch sử dược phẩm. Và lại không có thuốc tây  nào mới nổi bật khả dĩ thay thế Lipitor. Tổng số thuốc tây được FDA chấp thuận mỗi năm đã trụt xuống,  từ trung bình 35 loại thuốc  từ năm 1996 đến năm 2001, chỉ còn 22 thuốc  từ năm 2002 đến năm 2007. Vài trụt dốc là do  thể lệ điều hòa  an toàn khắt khe hơn; một phần  là phản ứng với các vấn đề do thuốc Vioxx gây ra. Vioxx là một thuốc chữa đau nhức được FDA chấp thuận cho dùng , nhưng lại được  hãng tình nguyền lấy ra khỏi các kệ bán,  năm 2004,  khi nhiều nghiên cứu cho biết  là 139 000 ngườii dùng Vioxx  đã bi  tim  ngưng đập

Thiếu mất 12 tỉ đô la từ Lipitor và những thuốc tây chánh hiệu khác , tài khoản dành cho Khảo cứu và Phát triễn R&D  sẽ  bớt đi nhiều . Vụ này sẽ làm dân Hoa Kỳ đau đớn , Khảo cứu của Giáo sư  Doanh nghiệp Frank Lichtenberg , viện đại học Columbia , trình bày  là số  thuốc  tây mới dùng được  liên hệ. đến tuổi thọ lớn hơn.  Giáo sư Xử lý Chiến lược   Stuart Graham , Viện Đại học  Kỹ thuật Georgia , các lựa chọn phát triển thuốc  có những hậu quả lâu dài.  Chúng ta đang làm quyết định đầu tư hôm nay về các ảnh hưởng  các loại thuốc tây mới chúng ta sẽ có trong mười năm tới

Dự liệu trước những thay đổi này, năm 2011, Công ty Eli Lilly nhắm giảm phí tổn đến 1 tỉ đô la Mỹ bằng cách cho nghỉ việc 5000  nhân viên. Các công ty khác đang cố chạy lẹ  để thâu lời nhờ vài loại thuốc hứa hẹn  đã có  sẵn ở đường ống tổ chức. Mới đây Pfizer  kết thúc mua hãng Wyeth  và công ty Roche  nhập chung với Genentec

Cuối cùng, thời đại  thuốc tây bom tấn, có thể có nghĩa là những thay đổi căn bản  cách nào các đại công ty dược phẩm hoạt động. Cho đến nay, các công ty đã tụ điểm  phát triễn những thuốc  tương đối đơn giản , lời nhiều như các  statins hay chống trầm kha- antidepressants . Muốn có lời, các công ty  có lẽ phải  tập trung vào  các thuốc  phức tạp hơn,  chửa trị mập phì, ung thư  hay các bệnh miễn nhiễm và dây thần kinh.  Tỉ dụ ,  mới đây Pfizer  tuyên bố một thuốc  mới cho phong thấp xương - osteoarthritis.  Tuy nhiên đối với hàng triệu người  khổ sở mắc những bệnh  khó chữa, thay đỗi vẫn còn chậm như rùa bò

Bốn loại  thuốc tây mới cho y khoa thế kỷ 21
Một viên thuốc chữa mọi chứng đau tim : Polypil
La Bô Ferrer  trưng bày một viên thuốc  gồm 3 loại thuốc  chống tim ngưng đập - heart attacks và mua rẻ hơn  là các viên thuốc cá nhân, Phối hợp aspirin với  các thuốc hạ  cao huyết áp  và cholesterol, viên thuốc này  có thể khiến các bệnh nhân  chịu uống thuốc tây


Loãng máu an toàn hơn: Pradaxa 
Hãng Boehringer Ingelheim Pradaxa  giảm bớt  hiểm nguy đứt mạch máu não - stroke  hửu hiệu  như là thuốc Coumadin  - warfarin ,đã dùng hơn 50 năm nay , nhưng lại khỏi cần  theo dõi thường xuyên chảy máu nội tạng và ít bị đau gan hơn


Mất cân mau hơn : Qnexa
 Một thuốc bác sĩ cho toa nhiều, tên gọi là phentermine, phối hợp với một thuốc nguyên dùng  trị động kinh - epilepsy , là thuốc Qnexa ,  là một viên  thuốc bọc - capsule,   đưa tới   mất cân gần hai lần hơn   là phentermine  đơn độc : mất  đến 15%   cân lượng một thân thể  trong vòng 52 tuần lễ


Bớt tiểu đường : chỉ cần uống  Exenatide  một lần mỗi tuần lễ .
Eli Lilly//Amylin  hoạt động  với Alkermes để gói  thuốc  tiêm được  exanetide  thành những viên cầu vi tiểu - microspheres ,  giải tỏa chậm - slow release  vào máu. Đây là thuốc  chữa tiểu đường loại hai, lần đầu tiên chỉ cần uống một lần mỗi tuần.
 
3. THỐNG KÊ ĐỜI SỐNG BIỂN    

Các nhà khoa học, đến ngày nay , đã xác dịnh gần 250 000 loài biển. và mỗi năm lại dịnh danh thêm được 1400 loài nữa Cách đây 10 năm , những nhà ngư học -ichthyo gists  lảnh đạo,  do cơ quan  Alfred P. Sloan Foundation tài trợ, đang cố tâm thực hiện một nhiệm vụ  dường như không có thể làm được:  tạo ra một  bảng liệt kê  mọi loài - species biết được ở đại dương, trình bày nơi nào chúng sinh sống  va hiện có bao nhiêu loài cả thảy. Thống kê đời sống biển - the Census of Marine Life ( CoML ) ra đời . Dự án này đáng được Việt Nam theo dõi vì diện tích biển Đông và biển Tây Việt Nam rộng  ba lần hơn diện tích lãnh địa , đất lục địa,  vài nơi đang bi Trung Quốc ỷ thế mạnh xâm lấn,  chiếm đóng   hay vi đánh bắt ngư sản lậu  của nhiều ngoại quốc .  Hiểu biết toàn diện dữ liệu còn giúp bảo tồn đại dương, phần hải  phận đặc thù kinh tế Việt Nam.

 Dự án bừng lên  thành một cộng tác liên quan đến 2000 nhà khoa học của hơn 80  quốc gia  đã làm khảo sát  các cư dân biển trong quá khứ, hiện tại và tương lai, xét xem  có bao nhiêu loài  hiện hữu, nơi nào chúng sinh sống và da đạng sinh học  tổng thể của đại dương.  CoML  sẽ thành hình  ngày 4 tháng 10 năm 2009 . Thành quả CoML sẽ phổ biến  công cộng tại  Cơ quan Hoàng Gia Anh  tại Luân Đôn.

Các nhà khoa học CoML đã xây dựng những mô hình computer tiên đoán  tương lai  hệ thống sinh thái - ecosystems, xét xem đa dạng sinh học  giảm đi bao nhiêu mỗi năm;  khi  một số loài sẽ tuyệt tích vì lạm thác đánh bắt ngư sản tiếp tục và khi các rặng san hô có cơ chết đi vì thành quả của acid hóa đại dương  và đổi thay khí hậu.  Rất nhiều khảo cứu  sử dụng những kỷ thuật mới mẽ hơn. gồm cả  sonar uy vũ . có thể tìm ra tôm sinh sống  gần 4 km dưới biển , các đánh dấu bằng vệ tinh  cho thấy cá ngừ   vượt ngang Thái bình Dương 3 lần chưa đầy một năm  và phân tích DNA      theo dõi   thay đổi mau chóng  đa dạng sinh học đại dương

Các nhà khoa học sẽ dùng những khám phá này để hướng dẫn chánh sách bảo tồn và giúp xử lý ngư nghiệp hải sản. Dù cho CoML chưa khởi động  một dự luật nào ở Hoa Kỳ, dự án CoML  đã ảnh hưởng đến  Qui Ước  Luật Biển  của Liên Hiệp Quốc , một khung  luật lệ duy nhất, nhắm bảo vệ đại dương mở toang và biển sâu . Trước CoML,  những luật này bị kềm giữ vì thiếu dữ liệu chắc rắn ( cứng ) . Nhưng nay, nhờ  thông tin di chuyễn xuất phát từ dự án đã thông báo cho lịch trình pháp luật quốc tế toàn cầu . Và điều này đã hoạt động mạnh mẽ . Thành quả trực tiếp của thống (  tổng  kiểm ) kê  là những vùng đại dương rộng lớn trên thế giới  dễ bị tan vỡ, đã bị cấm đánh bắt cá . 

4. NHỮNG DỰ ÁN XANH TẠI TRUNG QUỐC

   
a-    Những đập thủy điện không làm hại 
12 dự án thủy điện mới trên sông Dương Tử - Yangtze River sẽ làm gián đọan sinh thái  188 loài cá.  Nhóm tổ hợp. Bảo Tồn Thiên nhiên và Dự án Tam Điệp -Three Gorges Project  sẽ phát triễn một chương trình phục hồi cho các  đầm lầy,  đồng bằng ngập nước  liên lụy,  hầu duy trì  những sinh thái cá, nhưng có thể  vấp ngã, cản trở vì Chánh quyền Trung Quốc chưa chấp thuận  và vùng sông  phía trên đập  có thể bị lũ lụt nặng nề

b- Xây cất xanh
1. 80 tỉ m2  xây cất ở Trung Quốc  tiêu thụ 25 %  tổng năng lượng quốc gia . Cảnh quan công viên xanh Bắc Bình - Beijing Parkview Green    Trung tâm Venker là hai  thí sinh đầu tiên  của Trung Quốc  mong đoạt  giấy ủy nhiệm xanh ( môi sinh ) và hữu hiệu năng lượng. Ủy Ban Bảo vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên  giúp phát triễn  các tiêu chuẩn  dán nhãn  và xác suất năng lượng  đầu tiên ở Trung Quốc cho các xây cất. Nhung có thể vấp ngã  vì chánh phủ Trung Quốc  e ngại sử dụng  một  nhóm  thứ ba định xác suất  năng lượng đi  thanh tra các xây cất, và thích dựa trên  các chức quyền chánh phủ hơn, thường hay thiếu nhân viên  và đôi khi thiếu khả năng nữa.

c- Gỗ bền vững
 Trung Quốc là nhà chế tạo  đồ mộc , tủ giường bàn ghế - furniture số một thế giới . Trung Quốc mua  một trong hai  súc gỗ nhiệt đới hạ rừng  ở các quốc gia khác. Liên Minh Rừng Mưa - Rainforest Alliance đang cùng Ikea  qui định  gỗ làm đồ mộc Trung Quốc nguồn gốc nơi nào và có đốn gỗ tại  các rừng hợp pháp và vững bền không . Vấp  ngã tiềm năng là vì hệ thống theo dõi gỗ súc (gỗ đẳn ) rất lỏng lẽo ở Trung Quốc. Một hệ thống theo dõi hữu hiệu hơn  phải làm lại từ đầu. Nhắc lại là Việt Nam cũng xuất khẩu đồ mộc, tre mây … mỗi năm đến máy tỉ đô la Mỹ , có khi trên hẳn giá trị xuất khẩu gạo ! 

Kỳ tới:   
4 - Ba cuộc chơi  làm xanh  đáng ghi ; 
5- Những gì còn tiếp diễn và những gì mất đi ở công nghệ không gian Tây Phương năm 2010 ?             

Người theo dõi