Lưu trữ Blog

23 tháng 3, 2011

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói gì về nông thôn bây giờ...


HỌC MỖI NGÀY. Tạp chí Hồn Việt đăng bài của Mai Xuân Nghiên phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trần Đăng Khoa tác giả "Hạt gạo làng ta" đã nói nhưng lời thật tâm huyết và ám ảnh: “Nông dân thời nào cũng rất khổ”. Điều đó cho đến nay vẫn là một vấn đề thời sự. Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực.(Một buổi cày. Tranh sơn dầu của Lưu Công Nhân).

Mươi năm về trước, Trần Đăng Khoa có những nhận định khiến tôi ám ảnh mãi. Đó là những câu đầu trong tiểu phẩm có tên là Nông dân: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ.
Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá”.
“Nông dân thời nào cũng rất khổ”, câu nói đó thực xót xa. Nhưng, có đôi lúc, tôi hy vọng đó là nhận định nhất thời của vị thần đồng một thủa. Tôi đem chuyện ấy gợi lại với tác giả Hạt gạo làng ta, ông trầm ngâm một hồi rồi tâm sự:
- Khoảng mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi ngoài 90 tuổi rồi vẫn đang sống ở quê. Các cụ không chịu ra thành phố. Cụ bà bảo, “cái dân phố xá nó không có tình cảm. Nhà bên này có tang, nhà bên cạnh lại mở nhạc xập xình. Thế thì sống chung với họ sao được hở giời!”. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà thấu hiểu được người nông dân. Tôi vẫn thấy “nông dân thời nào cũng rất khổ”. Điều đó cho đến nay vẫn là một vấn đề thời sự.
Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Ở thành phố, hiện nhiều người giàu lên, có anh là tỉ phú và cũng có cả anh là trọc phú. Nhưng người nông dân thì nói chung là vẫn không giàu. Theo tôi, hiện nay nước ta có đến 90% nông dân. Tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân cả. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có những nông dân ở những cấp cao. Có nhiều anh rất trang trọng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một anh nông dân quê mùa.
Nhìn vào các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn những người này đang bám đồng ruộng. Không thể phủ nhận là hiện nay đời sống nói chung của chúng ta là có khởi sắc, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất.
Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ người cày lại đang mất ruộng. Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái. Đã thế, người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê. Chỉ bỏ ra chừng non tỉ bạc là đã có thể có cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh nhà quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ viết về thảm cảnh này của người nông dân chỉ có bốn câu, mà lần nào nhớ đến, tôi cũng bị ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất - Táp về thành phố - Bán mình trong các chợ người - Định nói một điều - Nhưng rồi tôi im lặng”. Cái im lặng của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ. Anh nhà quê ra phố, mang cả những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả.
Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn? Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại.
Nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó. Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng, chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.
- Ây dà dà...
- Tôi xin nhấn lại rằng, nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay là mất đất. Công nghiệp hóa thì rất tốt. Tôi cho đó là chủ trương rất đúng nhưng chúng ta phải tính xem thế nào.Tại sao không lấy những vùng đồi, vùng đất cằn không phát triển được nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, mà cứ lấy khu “bờ xôi ruộng mật”? Bây giờ, cứ thử đi từ Hà Nội về Hải Phòng mà xem, những cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng đã “bay” hết rồi.

- Việc đưa các khu công nghiệp, nhà máy lên vùng đồi, tránh xa vùng “bời xôi ruộng mật”, có thể nói ai cũng nhận ra, cũng nhiều người kiến nghị rồi nhưng tại sao chúng ta vẫn không làm được. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?
- Nhiều người đều nhận ra mà rồi điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người đầu tiên đặt ra vấn đề này thẳng thắn trên báo chí là nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là đại diện báo Tiền Phong tại Quảng Ninh, trò chuyện với ông Hà Văn Hiền, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Bài đã đăng trang đầu tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ thập niên 90 của thế kỉ trước, khi đó, các Khu công nghiệp còn chưa nhiều. Nội dung bài báo đó, còn được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội dàn dựng với nhiều cảnh quay rất có sức thuyết phục, nhưng hình như những người có trách nhiệm chả mấy ai nghe.
Ông Hiền nhiều năm nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nếu ông quan tâm hơn, tiếng nói của ông sẽ có trọng lượng về vấn đề này. Còn vì sao có hiện trạng nông dân mất đất ư? Có gì đâu. Vì ở đó tiện đường, dễ làm, dễ xây dựng cơ sở hạ tầng. Mấy cái “dễ” ấy làm họ giảm được một nửa tiền đầu tư. Vì thế mà họ ép những người có trách nhiệm. Có rất nhiều cách ép. Và khi khu công nghiệp vào vận hành, lại thuận lợi về vận tải và tiện cho việc quảng bá sản phẩm mà lại giảm được đầu vào, hạ được giá thành để tăng lợi nhuận.
Đối với nhà sản xuất, đấy là vấn đề sống còn của họ, nên họ làm bằng được, và có nhiều biện pháp để làm, trong khi ta cứ nhân nhượng rồi lại nhân nhượng. Họ lại còn có nhiều sức ép và cách ép rất hiệu quả để thực hiện bằng được ý muốn. Cuối cùng ta mất đất màu cho họ, cũng là điều dễ hiểu. Mà đất trồng lúa, phải qua hàng ngàn năm canh tác mới tạo ra được.
Gần đây, trong buổi phát biểu góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã nói một ý: “Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kỳ. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người rồi hết nhiệm kỳ thì hạ cánh an toàn, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu”.
- Tức là vấn đề mấu chốt vẫn là người lãnh đạo?
- Đúng vậy! Chúng ta cần những người có tầm nhìn 20, 50 năm, thậm chí là cả trăm năm để mà giải quyết vấn đề trước mắt về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tôi đi các nước thì thấy rằng, giữa nông thôn và thành phố không khác xa bao nhiêu. Thậm chí không phát hiện được đó là làng quê, nếu không có tiếng gà gáy. Quy hoạch của họ rất tốt, họ rất quan tâm tới nông thôn, nông dân. Còn chúng ta thì thiếu cái đó.
Số phận người nông dân, có thể bị đẩy vào thảm kịch là vì vậy. Thậm chí có cả những thảm kịch nhìn bên ngoài không thể thấy được. Cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng ô tô, xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường. Làng quê đã vỡ...
- Làng vỡ? Tôi nhớ, đã lâu lắm, có lẽ chừng 15 năm trước, ông viết một tiểu phẩm ngắn có tên là Vỡ làng. Trong đó, ông chỉ kể những câu chuyện vui thôi nhưng ngẫm ra không thiếu những giọt nước mắt đau xót...
- Đúng vậy! Bây giờ chuyện ấy vẫn là vấn đề nan giải. Cũng may, nhờ kết quả của công cuộc đổi mới, nhiều vẻ đẹp của phong tục cũ đã được khôi phục. Nhưng rồi cũng có người lại lợi dụng sự thông thoáng đó để trục lợi. Ví dụ như việc xây chùa chiền, đền miếu chẳng hạn. Bên cạnh ngôi chùa lớn, thấy có nhiều khách hành hương. Thế là người ta “cấy” thêm rất nhiều ngôi chùa bên cạnh để thu công đức. Cái đó lại không ổn rồi. Nó làm băng hoại văn hóa. Đâu phải tâm linh. Ngay trong văn hóa tâm linh ở làng quê cũng đang vỡ. Nhìn ở góc độ người làm văn hóa, tôi cho rằng điều đó hiện nay cũng rất đáng quan ngại.
- Hồi bé, ông viết câu thơ: “Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến”. Gửi gạo ra tiền tuyến, là để nuôi quân đánh giặc, giành lại giang sơn. Bây giờ, không còn giặc ngoại xâm nữa thì hạt gạo làng ta “gửi” ra thế giới, nuôi cả một phần nhân loại nhưng như ông nói thì chính người làm ra hạt gạo còn nghèo quá, nhiều vùng còn đói nữa. Cái nghịch lý này sao tồn tại dai dẳng vậy, thưa nhà thơ Hạt gạo làng ta?
Hiện nay, đúng là chúng ta xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới thật. Rồi có thể chúng ta sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu mồ hôi nước mắt. Nhưng như thế không có nghĩa là đời sống người nông dân chúng ta giàu nhất nhì thế giới. Bởi làm ra hạt gạo khổ lắm. Mà giá gạo lại rất rẻ. Một tấn thóc bây giờ nếu quy ra tiền thì đáng bao nhiêu đâu.
Tôi xem ti-vi, ở khu ngoại thành Hà Nội, có một chị nông dân, cả một vụ mùa đầu tắt mặt tối, trừ chi phí tất cả chỉ còn lãi được có 500.000 đồng. Năm trăm nghìn đó thì làm được gì? Sao nuôi con ăn học được? Rồi còn việc ma chay, giỗ tết và trăm thứ ở làng nữa, chị nông dân ấy trông vào đâu?
Chúng ta xuất khẩu gạo, nhưng cũng cần nghĩ đến việc đầu tư trí tuệ vào gạo. Ví như sản xuất được một loại gạo có khả năng chống béo phì, một căn bệnh mà thế giới rất sợ hãi chẳng hạn. Chỉ có thế, hạt gạo của chúng ta mới đắt giá. Và như thế, có thể nói rằng, chỉ khi nào chúng ta xuất khẩu được trí tuệ thì Việt Nam mới thật sự cất cánh. Một sản phẩm công nghệ của trí tuệ chỉ vài lạng thôi nhưng có khi bằng cả chục tấn thóc gạo của người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được. Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên?
Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Xin trả lời ngay đó là con em nông dân. Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sướng được, làm giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình. Về vấn đề này, Lênin nói rất hay: “Hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày”. Tôi nghĩ cái đó rất đúng. Chính luống cày sẽ dạy cho họ cách sống và cách làm giàu như thế nào.
- Nói về nông dân, nông thôn như vậy, nếu ai đó nói rằng Trần Đăng Khoa bi quan quá, ông nghĩ sao?
- Tôi không phải người bi quan cũng không phải là người lạc quan. Tôi chỉ nhìn thẳng vào sự thật, điều mà Đại hội VI của Đảng đã dạy tôi.
- Nếu mượn lời của một tiến sĩ có danh phận để “nói lại” với ông rằng, một bộ phận nông dân không nhỏ của chúng ta còn lười nên dẫn đến nghèo khó, ý kiến ông ra sao?
- Tất nhiên cũng có người nghèo vì lười. Nhưng nông dân mình tuyệt đại bộ phận không lười đâu. Nếu ai đó nói người nông dân mình lười, tôi phản bác ngay. Nhưng chỉ có điều, họ đổ mồ hôi rất nhiều mà hiệu quả lại rất thấp. Vấn đề là ở đó. Và ở chỗ này, người nông dân không tự lo cho mình được, vì thế mới cần đến các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý….
- Thưa ông, giả dụ bây giờ đặt ông vào vị trí lãnh đạo một địa phương, ông sẽ làm gì để người nông dân mình bớt khổ?
- Tất nhiên điều đó không bao giờ xảy ra (cười). Chúng ta không nên bàn chuyện ở trên mây. Tuy nhiên, những đấng cứu thế có khi vẫn đang nằm ở trong dân. Chúng ta đã từng có một Kim Ngọc đó thôi. Vấn đề làm sao để cho đời lại xuất hiện những Kim Ngọc mà không bị “đứt gánh”...
- Thưa ông, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông đánh giá thế nào về những chương trình đó?
- Phải nói ngay rằng, những chính sách đó rất hay nhưng sòng phẳng mà nói, nó chỉ giải quyết được những vấn đề nhất thời. Cái chúng ta quan tâm lớn hơn thế và cái mà chúng ta cần đạt được cũng phải lớn hơn thế…
- Còn trong văn học thì sao? Thực tế chứng minh rằng, những tác phẩm hay nhất, thăng hoa nhất là những tác phẩm về nông thôn, thân phận người nông dân. Nhưng gần đây, nói theo một nhà văn có tên tuổi, thì chính các nhà văn nhà thơ cũng đang rời xa nông thôn mà đang chạy theo vuốt ve thành thị. Là một nhà thơ, ông thấy nhận xét ấy thế nào?
- Ở đây tôi, một lần nữa phải cảm ơn tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã có sáng kiến ở tầm vĩ mô về cuộc vận động sáng tác về đề tài “tam nông” vừa qua. Sau việc tôn vinh những tác phẩm âm nhạc đặc sắc về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là mảng văn học.
Theo tôi, những sáng tác hay nhất của chúng ta vừa qua vẫn là về đề tài nông thôn. Người đầu tiên viết hay về nông thôn phải nói đến các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phạm Duy Tốn, rồi đến Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính… Sau này là Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Đào Vũ, Ngô Ngọc Bội, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Hữu Nhàn… và gần đây nhất trong giới trẻ là Nguyễn Ngọc Tư…
Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, đề tài nông thôn không hề kém hấp dẫn. Đấy vẫn là mảnh đất màu mỡ. Hy vọng ở đó, chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn. Nông thôn vẫn gắn bó xương cốt với người viết, là vùng người viết thông thạo hơn cả. Trở về vùng đất màu mỡ ấy, hy vọng chúng ta mới có được những vụ mùa văn chương.
Còn có ý kiến cho rằng, văn sĩ quay lưng với nông thôn, vuốt ve thành thị thì tôi cho rằng cái đó không hẳn đâu. Tôi không tin như thế. Còn việc nhà văn sống ở đâu thì không quan trọng. Cái quan trọng là người đó có am tường nông thôn không và họ đã viết như thế nào. Tất cả những gì đã có, dù ít dù nhiều cũng cho chúng ta niềm hy vọng. Có phải thế không?

Trần Đăng Khoa








Nguồn Hồn Việt



Mai Xuân Nghiên thực hiện

HỌC MỖI NGÀY, FOODCROPS

18 tháng 3, 2011

Sự đồng cảm thầm lặng


HỌC MỖI NGÀY. Một sinh viên gửi cho tôi bức thư "...Con cũng đã đọc bài viết về đất nước Nhật Bản của thầy, và con muốn gửi Bức thư cảm động của anh Hà Minh Thành đến thầy để thầy cùng đồng cảm trong những ngày mà cả thế giới đang hướng về Nhật Bản.".(diemngocmai140490@gmail.com). Tôi lặng đi khi đọc những lời trong cuộc của anh Thành; "Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp."Nhật ký Tokio của Thái Viên Linh : "Đêm nay là những giờ phút tăm tối nhất ở các khu vực bị cô lập vì thiên tai. Nhiệt độ đêm qua tụt xuống mức đóng băng. Trời đổ tuyết buốt giá và nhiều trại tạm cư không có phương tiện sưởi ấm, thiếu hụt thực phẩm.". Bi tráng, đau thương, thảm họa dồn dập đến tột cùng! Nhưng, vượt lên lẽ sinh tử  là những phẩm chất thật cao quý của Người Nhật mà anh Phạm Ngọc Hiệp đã bình luận. Xin chia sẽ lời yêu thương và sự đồng cảm thầm lặng.

Bức thư cảm động của anh Hà Minh Thành


Tác  giả bức thư này là anh Hà Minh Thành có vợ  là  người Nhật Bản. Anh Thành đang tham gia công việc hỗ trợ an ninh ở tỉnh Fukushima, gửi thư đến tiến sỹ vật lý Nguyễn Đình Đăng đang làm việc ở Nhật Bản.

Xin chào anh Đăng

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ  mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.

Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn.

Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổimới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư  không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này.

Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không".  Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ, xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó."  Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang  cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì  bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.


Chúc anh và gia quyến an toàn.

Hà Minh Thành



Thái Viên Linh đang ở Tokyo. Ông là kỹ sư IT của tập đoàn CISCO (Mỹ) và nhiều năm nay làm việc ở ở Tokyo. Trong những ngày qua, giữa những cơn trở mình của đất, ông đã dùng blog để chia sẻ cảm nhận của mình với bạn bè về những gì đang diễn ra.
>> Xem nhật kí ngày 11-3
>> Xem nhật kí ngày 12-3
>> Xem nhật kí ngày 13-3
>> Xem nhật kí ngày 15-3

>> Xem nhật kí ngày 16-3

Thứ Năm 17.3.2011

Tôi viết lại những cảm nhận của mình trong 24 giờ qua. Buổi sáng. Ly cà phê và tin tức đầu ngày. Một lò phản ứng nữa đã nổ. Bây giờ trong 6 lò phản ứng ở Fukushima thì 3 cái đã hư hại nặng, phơi trần các thanh nhiên liệu và rò rỉ phóng xạ.

Trên TV tôi nghe rất nhiều thông tin phức tạp trong khi quan sát các phóng viên tường thuật. Hình như lúc này họ tưởng họ là các nhà vật lý hạt nhân hay kỹ sư lò phản ứng. Họ trưng ra các biểu đồ, sơ đồ về cách hoạt động của nhà máy điện hạt nhân.

Những thứ ấy trông cứ như một dự án thuyết trình khoa học của học sinh. Tôi hiểu khái quát về nguyên nhân nổ lò phản ứng nhưng không một ai cho biết thông tin nào rõ ràng về những hiểm nguy. Có lúc chúng tôi nghe rằng  phóng xạ rò rỉ ở mức độ thấp và không đáng ngại. Sau đó chúng tôi lại thấy rất nhiều cảnh báo nghiêm trọng và được hướng dẫn cách đề phòng.

Đêm kia tỉnh Shizoka ở phía nam Tokyo, gần Phú Sĩ, động đất cấp 6. Đến gần trưa hôm qua lại có một trận nữa. Hai trận động đất trong vòng chưa đầy 12 giờ. Lần này ở tỉnh Chiba phía đông bắc Tokyo.

Tôi có cảm tưởng như Tokyo là một mục tiêu mà ai đó đang nhắm bắn và càng lúc càng bắn gần tâm điểm hơn. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng tôi đã quen với chuyện động đất khi cả tuần này luôn cảm nhận thế giới đang xê dịch dưới chân mình.

Lúc trưa tôi đi mua sắm vài thứ. Trở về tay không. Đường phố vắng vẻ và các cửa hàng lại trống trơ. Không ai biết khi nào lại có hàng hóa.

Buổi tối truyền hình phát đi thông điệp video của Nhật Hoàng. Lần đầu tiên trọng lịch sử, Nhật Hoàng gửi thông điệp video đến dân chúng. Ồ, tôi vừa được chứng kiến lịch sử!

Ông đọc một bài diễn văn hùng hồn bằng một giọng buồn khe khẽ, dịu dàng. Ông bộc lộ nỗi buồn chân thành và kêu gọi Nhật Bản đừng tuyệt vọng, giữ bình tĩnh, đoàn kết lại. Thông điệp này có mục đích an ủi khi tình hình đang tồi tệ thêm.

Đêm nay là những giờ phút tăm tối nhất ở các khu vực bị cô lập vì thiên tai. Nhiệt độ đêm qua tụt xuống mức đóng băng. Trời đổ tuyết buốt giá và nhiều trại tạm cư không có phương tiện sưởi ấm, thiếu hụt thực phẩm. Những chuyện bất tiện của tôi đâu có ý nghĩa gì!

Một ngày dài đã qua với liên tiếp nhiều biến cố. Ngay lúc tôi viết những dòng này, Tokyo tăm tối hơn bình thường. Không hề nghe thấy một tiếng xe cộ nào ngoài đường phố. Ngay lúc này không có dư chấn, không có động đất, không có tiếng nói nào vẳng lên từ hè phố. Sự tĩnh mịch ám ảnh.

Thái Viên Linh


Người Nhật.



Mấy ngày hôm nay cả thế giới đổ dồn ánh mắt về nước Nhật. Thảm họa quá kinh hoàng, thế giới bây giờ đã quen với những thảm họa đến từ thiên tai, chiến tranh, mới đây là New Zealand... nhưng thảm họa động đất và sóng thần vừa qua tại Nhật, vượt quá mức tưởng tượng và sức chịu đựng của con người, người ta tìm thấy 2.000 nười chết trôi dạt vào bờ biển, trong số nhiều ngàn người đã mất tích, những vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân, với nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, núi lửa phun trào, và những cảnh báo sẽ có những đợt chấn động tiếp theo...

Nước Nhật đã bại trận trong thế chiến thứ hai, và người Nhật đã đi lên từ những đống đổ nát... Đối với người Nhật, thật sự tôi đã có những cảm phục xen lẫn những căm ghét. Sau thế chiến thứ hai, người Nhật lúc bấy giờ đã bắt đầu lại có lẽ bằng con số không, từ một quốc gia bại trận, tan nát, hứng chịu 2 quả bom nguyên tử, thế mà chỉ sau một phần tư thế kỷ, nước Nhật đã vươn lên hàng đầu thế giới  về kinh tế.
 

                                                

Và không chỉ có kinh tế, nước Nhật có một nền văn hóa đáng kính phục, những gì tinh túy nhất đều ở nơi người Nhật, tinh thần Võ sĩ đạo, tính đoàn kết, tự trọng và tôn trọng người khác, Hoa đạo, Trà đạo, Vườn đá... đều bàng bạc tinh thần Thiền, họ có một nền văn học rực rỡ với thơ Haiku và nhà văn đoạt giải Nobel, cả về thể thao họ cũng thuộc tốp hàng đầu thế giới, nửa thế kỷ trước người Nhật ngả mũ trước bóng đá Việt Nam, ngày nay bóng đá của họ đã sánh vai cùng thế giới... 

Tính tự trọng của người Nhật có lẽ là nhất, ngày xưa những Samurai sẵn sàng đổi mạng sống của họ lấy danh dự, ngày nay những Thủ tướng, Bộ trưởng của họ cúi đầu xin lỗi dân chúng và ra đi khỏi chức vụ chỉ vì những sai sót nhiều khi không phải là to lớn... Nhưng cái gì làm cho tôi trong sâu thẳm vẫn căm ghét người Nhật, đó chính là nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt, mà một trong những nguyên nhân chính là của những lính Nhật xâm chiếm Việt Nam...


Những đoạn phim, những hình ảnh về thảm họa của nước Nhật chắc chắn đã khiến cả nhân loại bàng hoàng, người ta không thể tin vào mắt mình trước những gì đang xảy ra, ngày nay với những tiến bộ vượt bậc về thông tin, tích tắc mọi chuyện trên thế giới đều phơi bày trước mắt mọi người,

những lễ hội và những tai họa...


Nhưng qua những thảm họa quá sức chịu đựng mà người dân Nhật vừa nếm trải, chúng ta mới thấy rõ con người và tinh thần của họ, những dòng người trật tự thoát khỏi nơi nguy hiểm theo hướng dẫn, không hề hoảng loạn, khắp nơi thiếu điện, nước, thực phẩm, xăng dầu... Nhưng khi hiếm hoi vài siêu thị và trạm xăng mở cửa, hoặc được nhận hàng cứu trợ, người dân vẫn nhẫn nại đứng xếp hàng chờ đến lượt, không hề có cảnh chen lấn, ma mãnh vượt lên trên người khác, và đặc biệt không thấy cướp bóc, hôi của trên đường phố...




Blog Phạm Ngọc Hiệp 


HỌC MỖI NGÀY, FOOD CROPS

15 tháng 3, 2011

Động đất sóng thần ở Nhật Bản và sự kiện ngày 19/3



FOODCROPS. Trận động đất gần 9 độ richter ở Nhật Bản (11/3) là trận động đất rất mạnh.
Nó được so với sức nổ của 6,7 nghìn tỷ khối lượng chất nổ TNT và gấp 1000 sức hủy của tất cả vũ khí hạt nhân của thế giới (theo ViệtBáo), trận động đất khiến giảm 1,6 phần triệu giây thời gian một ngày do tốc độ xoay thay đổi (NASA).  Những đợt dịch chuyển địa chất khổng lồ xung quanh “vành đai lửa” Thái Bình Dương tương lai sẽ thế nào?!. Nhật Bản do đặc điểm địa lý nằm gần nhiều mãng kiến tạo lớn nhỏ khác nhau của Thái Bình Dương, Á-Âu, Bắc Mỹ, Philippine nên luôn phải đối diện động đất và sóng thần.  Sự kiện “siêu mặt trăng” ngày 19/3,  với hiện tượng mặt trăng gần trái đất có liên quan đến hoạt động địa chấn. Thủy triều sẽ lên cao và hạ thấp hơn bình thường nhưng không đáng kể (John Vidale) ý kiến trái chiều với các nhà tôn giáo, tuy nhiên những dự đoán của họ vẫn khẳng định thiên nhiên đang thay đổi hàng ngày trên trái đất, và yếu tố thời tiết thiên nhiên cần chú ý dự phòng. Những công trình quan trọng, những lò nguyên tử, phải luôn được cân nhắc và đảm bảo.  Động đất nối tiếp động đất và sóng thần là sức mạnh thiên nhiên khó dự phòng nhưng hiểm họa từ những nhà máy thì có thể được dự phòng từ trước. Thông tin người Việt xem tại trang vysajp.org; có người an toàn, có người mất tích.

Sức mạnh tổng lực phát ra từ trận động đất mạnh gần 9 độ richter ở Nhật Bản ngày hôm qua (11/3) tương đương với sức nổ của 6,7 nghìn tỉ khối lượng chất nổ TNT và gấp khoảng 1.000 lần sức hủy diệt của tất cả vũ khí hạt nhân của thế giới cộng lại. Chỉ với những phép so sánh đơn giản như trên, người ta có thể thấy được sức mạnh kinh sợ của trận động đất vừa xảy ra ở Nhật Bản.

Và những cảnh tượng kinh hoàng để lại sau trận động đất kèm theo sóng thần mà chúng ta chứng kiến qua các phương tiện truyền thông đã nhắc nhở chúng ta về một thực tế rằng, những trận động đất xảy ra dưới biển có thể có sức mạnh hủy diệt đáng sợ hơn rất nhiều so với những trận động đất xảy ra trên mặt đất.
Giống như trận động đất mới đây ở New Zealand, hay như trận động đất mạnh 8,8 độ richter hồi năm ngoái ở Chile với hàng trăm người chết và trận sóng thần khiếp sợ năm 2004 với hơn 250.000 người thiệt mạng, thảm họa ngày hôm qua ở Nhật Bản là kết quả của những đợt dịch chuyển địa chất khổng lồ xung quanh “Vành đai Lửa” Thái Bình Dương.

“Vành đai Lửa” này là một khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương. Nó có hình dạng tương tự vành móng ngựa và dài khoảng 40.000km. Nó gắn liền với một dãy liên tục các rãnh đại dương, vòng cung quần đảo, các dãy núi lửa và/ hoặc sự chuyển động của các mảng kiến tạo. Đôi khi nó còn được gọi là vành đai địa chấn Thái Bình Dương.
Các trận động đất lớn xảy ra một cách ngẫu nhiên, khó dự đoán và dường như chẳng liên quan đến nhau. Và sự thật là khi các trận động đất xảy ra thì con người hoàn toàn chẳng thể làm gì để ngăn chặn được chúng. Sức mạnh của các trận động đất cũng kinh khủng và đáng sợ hơn bất kỳ thứ gì mà con người có thể khuất phục được. Vì thế, không phải là ngoa khi nói rằng động đất là một trong những hiện tượng tự nhiên nguy hiểm nhất đối với loài người.
Các trận động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản vì đây là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn tích cực nhất. 20% các trận động đất mạnh từ 6,0 độ richter trở lên xảy ra trên thế giới là ở Nhật Bản
Nhật Bản là nơi “gặp gỡ” của nhiều mảng kiến tạo lớn nhỏ khác nhau như mảng Thái Bình Dương, Á-Âu, Bắc Mỹ, Philippine. Đây là lý do khiến vì sao lại có quá nhiều núi lửa và suối nước nóng ở trên khắp đất nước Nhật Bản. Và với việc nằm ngay trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương nên mỗi thế kỷ, Nhật Bản đều phải hứng chịu một vài trận động đất mạnh có sức tàn phá kinh hoàng.
Trong lịch sử của mình, đất nước mặt trời mọc đã phải trải qua khoảng 200 trận động đất kèm theo sóng thần diễn ra bên dưới hoặc ngay sát Biển Thái Bình Dương. Hồi tháng 10 năm 2004, một trận động đất mạnh 6,8 đã tấn công vào khu vực Niigata ở phía bắc Nhật Bản, giết chết 65 người và làm bị thương hơn 3.000 người. Trận động đất gây nhiều người chết nhất ở Nhật Bản xảy ra ở thành phố Kobe, năm 1995 với hơn 6.400 người thiệt mạng.
 Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia

Sự kiện “siêu mặt trăng” ngày 19/3
Mấy ngày gần đây, báo chí đầy ắp những thông tin về hiện tượng “siêu mặt trăng” – ngày mặt trăng gần trái đất nhất. Ngày đó rơi vào ngày 19/3 tới. Nhiều người cho rằng, đây sẽ là ngày tận thế của thế giới. Trong khi đó, một số tôn giáo lại khẳng định ngày thế giới diệt vong sẽ là vào 21/5 hoặc 21/10 tới.
Sự kiện “siêu mặt trăng” là cách gọi của giới chiêm tinh học để chỉ về hiện tượng khi mặt trăng tiếp cận gần trái đất nhất trong vòng 18 năm trở lại đây. Khi đó, mặt trăng sẽ cách trái đất 356.577km so với khoảng cách thông thường là 384.400 km. Mặt trăng ở thời điểm này sẽ tròn nhất, to nhất và sáng nhất. Một nhà chiêm tinh học nổi tiếng tin rằng sự kiện hiếm hoi này sẽ gây ra một loạt những thảm họa phá hủy hành tinh của chúng ta.
Theo ông Richard Nolle, nhà chiêm tinh học có tiếng quản lý trang web astropro.com, khi mặt trăng tiếp cận với trái đất ở khoảng cách gần nhất thì hỗn loạn sẽ đến. Đó là những trận bão tố, cuồng phong, động đất, núi lửa và nhiều thảm họa thiên thiên khác. Những thảm họa này sẽ tàn phá trái đất. (Tuy nhiên, cần phải nhớ chiêm tinh học không phải là một ngành khoa học được công nhận. Các nhà chiêm tinh học chỉ đưa ra những suy đoán dựa trên mối liên hệ giữa các sự kiện thiên văn học và các sự kiện huyền bí.)
Nhưng liệu chúng ta có thực sự cần phải bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với hiện tượng siêu mặt trăng?
Câu hỏi này không phải quá điên rồi. Trên thực tế, các nhà chiêm tinh học cũng đưa ra được một số dẫn chứng chứng tỏ những lần mặt trăng đến gần Trái đất nhất đều dẫn đến một số thảm họa thiên nhiên. Hiện tượng siêu mặt trăng đã từng xảy ra vào các năm 1955, 1974, 1992 và 2005. Trong năm 1974 đã xảy ra một trận siêu bão càn quét thành phố Darwin , Australia . Khủng khiếp hơn là trận động đất gây sóng thần cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người tại Indonesia xảy ra 2 tuần trước thời điểm siêu mặt trăng vào tháng 1/2005. Và lần này, nhiều người tin rằng, trận động đất kèm theo sóng thần kinh hoàng xảy ra hôm 11/3 vừa rồi ở Nhật Bản chính là điềm báo hiện tượng siêu mặt trăng xuất hiện.
Mặc dù ông John Vidale, một nhà nghiên cứu địa chấn thuộc trường Đại học Washington ở Seattle và là giám đốc Mạng lưới Địa chấn Tây Bắc Thái Bình Dương, thừa nhận, hiện tượng siêu mặt trăng có liên quan đến các hoạt động địa chấn bởi khi xảy ra hiện tượng siêu mặt trăng, thủy triều sẽ lên cao và hạ thấp hơn bình thường. Tuy nhiên, theo ông Vidale, tác động đó chẳng đáng kể gì.

Ông Vidale khẳng định, khi hiện tượng siêu mặt trăng xảy ra, “bạn sẽ thấy các hoạt động của trái đất tăng lên chưa đầy 1% và tương tự, phản ứng trong các núi lửa cũng như vậy”.
Ông Vidale nhấn mạnh thêm: “Nói thẳng ra, bạn sẽ chẳng cảm thấy bất kỳ tác động hay ảnh hưởng gì từ sự kiện siêu mặt trăng. Có thể khẳng định nó chẳng có ảnh hưởng gì đến trái đất hoặc là ảnh hưởng đó quá nhỏ đến mức bạn không cảm thấy gì”.

Ngoài ông Vidale, còn có rất nhiều các nhà khoa học khác bác bỏ lập luận về ngày siêu mặt trăng sẽ là ngày tận thế của trái đất. Ông Pete Wheeler, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu sóng thiên văn quốc tế, cho rằng không có gì siêu bất thường xảy ra khi mặt trăng ở điểm gần trái đất nhất.

Nhà thiên văn học người Australia David Reneke cũng đồng ý với quan điểm của ông Pete Wheeler, nói rằng những nghi ngờ trên cuối cùng sẽ được chứng minh là vô lý.
Vậy ngày tận thế sẽ là ngày 21/5 hay 21/10?

Một nhóm tôn giáo không lo lắng về hiện tượng siêu mặt trăng vào ngày 19/3 sắp tới mà thay vào đó họ lại cho rằng, ngày tận thế của thế giới sẽ là vào một ngày muộn hơn. Theo một bản tin trên tờ Daily Mail o­nline, một nhóm từ Family Radio Worldwide dự đoán, một trận động đất kinh hoàng nhất sẽ diễn ra vào ngày 21/5. Đây sẽ là sự kiện báo hiệu sự chấm dứt của thế giới chúng ta và sự trở lại của Chúa Jesus Christ.

Nhóm trên tin rằng, trận động đất được dự đoán vào ngày 21/5 tới sẽ là một điềm báo trước cho ngày tận thế thực sự vào ngày 21/10 tới. Nhóm này tin tưởng vào tính chính xác của giả thuyết trên đến nỗi một nhóm người đang đi vòng quanh nước Mỹ trong cái gọi là “Dự án Caravan" để thông báo về ngày tận thế.

Kinh thánh nói gì?
Trong khi đó, Kinh thánh dự đoán một trận động đất lớn sẽ làm rung chuyển trái đất trong ngày tận thế. Theo Kinh thánh, trong ngày đó, mặt trời sẽ chuyển thành màu đen trong khi mặt trăng biến thành màu đỏ, các ngôi sao sẽ rơi xuống trái đất. Tất cả những ngọn núi và hòn đảo sẽ bị nhấc khỏi trái đất và hành tinh sẽ dần biến mất.
Hầu hết người theo Đạo Thiên Chúa giáo còn nhớ Kinh thánh cũng bác bỏ ngày tận thế là vào ngày 21/5 tới.
Dù ai tin thế nào và niềm tin của họ có liên quan đến dự đoán của các nhà khoa học hay là tôn giáo thì có một thực tế là thảm họa thiên nhiên đang xảy ra hàng ngày trên trái đất. Dự đoán những thảm họa này không phải lúc nào cũng có thể làm được. Vì thế, sự chuẩn bị là điều cần thiết để đảm bảo giữ an toàn tính mạng cho mọi người dù bất kỳ thảm họa nào xảy ra.
6 Lò Nguyên Tử Nhật Xì, 45,000 Dân Di Tản
SACRAMENTO/TOKYO (VB) -- Trận động đất 8.9 độ tại Nhật Bản đã làm ra trận sóng thần đánh tới bờ biển California hôm Thứ Sáu, gây một số thiệt hại và Thống Đốc Jerry Brown đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay trong ngày.

Bản văn tuyên bố tình trạng khẩn cấp áp dụng cho bốn quận Del Norte, Humboldt, San Mateo và Santa Cruz vì các điều kiện nguy hiểm cho an ninh cá nhân và tài sản vì sóng thần.

Không chỉ  tại California, cảnh sát trưởng Quận Curry, tiểu bang Oregon, cho biết có 3 đợt sóng lớn tràn vào bở, và 4 người bị quét ra biển ở Oregon nhưng may cứu được, trong đó 1 người phảỉ nhập viện vì chìm trong nước quá lạnh tới 10 phút đồng hồ.

Thê thảm là thành phố Crescent City ở cực Bắc California, vì cả hải cảng bị vùi dập và gần 40 ghe taù bị dập vỡ khi sóng tung các ghe tàu naỳ vào bờ.

Hãng tin Kyodo nói có ít nhất 116,000 người ở Tokyo không thể về nhà đêm Thứ Sáu vì giao thông trở ngại, với cả triệu nhà ở nhiều thành phố ven biển mất điện.
Thành phố đông bắc Nhật Bản Kesennuma, với dân số 74,000 người, bị hỏa hoạn lan rộng và 1/3 thành phố bị ngập nước, theo thông tấn Jiji.

Phi trường ở thành phố Sendai, nơi có 1 triệu cư dân, cũng bị hỏa hoạn.
Một đập nước ở tỉnh Fukushima đã bị vỡ, và nhiều ngôi nhà bị sóng cuốn trôi, trong khi hàng trăm xác bị dạt trở laị bờ vào sáng Thứ Bảy.

Một xưởng lọc dầu ở Iichihara gần Tokyo cũng bị cháy ngay sau trận động đất.
Một ủy ban an toàn nguyên tử Nhật Bản nói rằng mức độ phóng xạ cao tới 1,000 lần hơn mức bình thường ở một lò phản ứng nguyên tử, sau khi trận động đất là thiệt hại hệ thống làm nguội của xưởng nguyên tử này.
Lò phản ứng số 1  của xưởng điện nguyên tử Fukushima Số 1 đã dẫn tới lệnh di tản tất cả cư dân quanh vùng 3 kilômét, theo quyết định của ủy ban.
Tuy nhiên, Thủ Tướng Naoto Kan nói rằng tất cả cư dân sống trong bán kính 10 kilômét của lò nguyên tử này phải di tản. Ước tính có 45,000 cư dân phaỉ di tản.
Bản tin buổi sáng sớm Thứ Bảy cho biết Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 5 lò phản ứng nguyên tử ở 2 xưởng điện nguyên tử, sau khi 5 lò này mất khả năng làm nguội vì tác động của động đất.
Cùng báo động ở xưởng nguyên tử Fukushima là xưởng Daiichi.
Ngoại Trưởng Nhật Bản Hillary Clinton nói rằng quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển “nước làm nguội” (coolant) tới xưởng nguyên tử Fukushima và sẽ tiếp tục yểm trợ khi cần thiết.
Một tòa nhà ở xưởng nguyên tử Okinawa bị phựt chát ngay sau động đất, may mắn được dập tắt. Một lò khác nơi xưởng này bị rỉ nước.
Động đất tại Nhật khiến ngày ngắn hơn
Ngày trở nên ngắn hơn một chút do tác động của cơn địa chấn dữ dội tại Nhật Bản hôm qua.
Theo AP, Richard Gross, một nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán rằng trận động đất hôm qua khiến tốc độ xoay của trái đất tăng thêm 1,6 phần triệu giây, nghĩa là thời gian của một ngày giảm 1,6 phần triệu giây.
Sau khi trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra tại Chile vào ngày 27/2/2010, Gross cũng sử dụng một mô hình máy tính để tìm hiểu tác động của nó đối với tốc độ xoay của trái đất. Ông nhận thấy cơn địa chấn khiến trục trái đất dịch chuyển khoảng 8 cm khiến mỗi ngày mất 1,26 phần triệu giây.
Động đất lớn luôn làm dịch chuyển một lượng đá lớn và thay đổi sự phân bố vật chất trên hành tinh. Khi sự phân bố vật chất trên hành tinh thay đổi, tốc độ xoay của nó cũng thay đổi. Tốc độ xoay quyết định độ dài của ngày.
Các nhà khoa học sử dụng hình ảnh vận động viên trượt băng để minh họa. Khi vận động viên thu gọn tay vào sát cơ thể, anh ta sẽ xoay nhanh hơn. Đó là do hành động thu gọn tay làm thay đổi sự phân bố trọng lượng cơ thể và do đó cũng làm thay đổi tốc độ xoay của vận động viên.
Cơn địa chấn 9,1 độ Richter vào năm 2004 tạo nên sóng thần trên Ấn Độ Dương khiến mỗi ngày mất 6,8 phần triệu giây.
FOOD CROPS. HỌC MỖI NGÀY.

Người theo dõi