Lưu trữ Blog

28 tháng 9, 2008

Tôi viết vậy thì tôi tồn tại



Nguyễn Khải

HOCMOINGAY. “Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn”.

Vào tuổi 70 tôi đã quyết định: không viết nữa, nghỉ ngơi vài năm cho đầu óc thanh thản rồi chết là vừa đẹp. Nghỉ để chơi với các cháu, học nghệ thuật làm ông cũng là chuyện hay, chứ sao! Chẳng dè lúc cuối đời hai vợ chồng già lại sinh lắm chuyện, chuyện lẩm cẩm của những người già, trẻ con nhìn vào tấn bi kịch cuối đời của bố mẹ như một trò hề, mà người trong cuộc vẫn không nghĩ nó là trò hề để thoát ra một cách nhẹ nhàng.

Mỗi lần bị nhấn chìm trong nỗi thất vọng không lối thoát, nói theo Phùng Quán, tôi lại níu lấy văn chương mà đứng lên. Thế là cuốn tiểu thuyết cuối cùng Thượng đế thì cười được ra đời sau gần một năm miệt mài viết và sửa. Tôi biết cuốn sách sau cùng của tôi cũng chẳng hay ho gì, nhiều bạn đọc bảo tôi đã lẫn nên viết toàn chuyện vớ vẩn, thời nay ai người ta còn quan tâm những chuyện không vui của những cặp vợ chồng già. Tôi thì nghĩ, do tài mình kém nên viết không được hay, chứ với một văn tài thực sự họ chỉ viết toàn chuyện vớ vẩn mà thành kiệt tác cả. Đã gọi là nỗi buồn thì làm gì có sự phân biệt buồn nhỏ với buồn lớn, cái buồn có tầm cỡ và những cái buồn nhỏ nhoi, tầm thường. Cái buồn nào cũng làm người ta không thiết sống nữa, cuộc sống trở nên vô nghĩa, trở nên nặng nhọc, nghẹt thở. Thì ra không cứ phải đói mới có nhu cầu viết văn, viết văn còn là cách để thoát khỏi những ngày sống nhỏ nhen, để khỏi bị nghẹt thở trong một cuộc sống đã dư thừa.

Bạn bè bảo tôi là người có số may, điều đó đúng. Nhưng số phận của mỗi người lại do tính cách của người đó quyết định. Một người rất tài giỏi nhưng lại thích bày tỏ cái hơn của mình một cách công khai thường là có một số phận rất tội nghiệp, ở đâu cũng bị xua đuổi, bị đày ải, bị nhục mạ, bị nhận án oan. Tôi thì khác, tôi cũng là người có tài, nhưng là tài nhỏ tất phải biết cách bảo vệ nó. Tôi chả khoe tài bao giờ, lại biết cách che mặt, ngồi sau, nói nhỏ, chẳng làm ai phải ghen ghét vì tôi, tức giận vì tôi. Tôi viết lách hanh thông từ trẻ đến già là tôi luôn biết đứng lùi lại để khỏi đụng chạm tới người bên cạnh. Bởi vậy trong nhiều tai nạn của nghề nghiệp tôi đều thoát ra nhanh hơn nhiều người, đỡ bị xây xát hơn nhiều người, đặc biệt là không phải hao tổn nhiều sức lực và thì giờ vào những chuyện không đâu, những chuyện rất vô nghĩa. Biết bỏ qua những chuyện vô nghĩa (tức là phải biết cách đứng lùi lại một chút, đứng về thì tương lai để nhìn cái hôm nay như đã thuộc của thì quá khứ), tập trung sức lực vào những công việc ấp ủ một đời của mình, những việc thuộc về lợi ích lâu dài của cộng đồng. Khoe tài, tự đắc với cái tài của mình là việc làm của kẻ mất trí, chẳng có lợi cho ai, trước hết rất bất lợi cho bản thân. Dương danh cho thoả lòng kiêu một lúc để chịu mất đi nhiều năm tháng phải sống trong ân hận, trong thất vọng, trong những giành giật vặt vãnh để sinh tồn, đó là một chuyện rất đáng tiếc của những người nghĩ hẹp. Một đời tôi đã được chứng kiến nhiều tài năng lúc mới xuất hiện hết sức rực rỡ, độc đáo mà rồi về già phải ôm mối hận đã để trượt qua nhiều cơ hội được vắt kiệt cái tài của mình. Đừng đổ lỗi cho thời thế, cho số phận. Là do mình cả. Mình còn chưa biết cách ẩn nhẫn, nín nhịn, biết chọn cái lúc cần nói, cần viết, biết dừng lại cái lúc cần dừng, dám dẹp bỏ lòng tự ái tầm thường, bỏ qua những hiểu nhầm thiển cận của bạn bè và người thân để bảo vệ đến cùng hòn ngọc ngậm không bị phá huỷ. Nó là công lực tu luyện một đời của mình để trao lại cho những thế hệ đến sau. Có nên viết những chuyện đó ra để bạn đọc cùng thưởng lãm không nhỉ? Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn. Hãy tin vào lời nói của người sắp ra đi mãi mãi. Họ không còn thì giờ để hưởng danh, hưởng lợi nữa. Họ chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn ngủi để nói cho thật, để bộc lộ bằng hết những nỗi u uẩn trong lòng mình.

Tôi tự nhận vợ chồng tôi là những người già hạnh phúc, không phải lo lắng về con cháu lúc cuối đời, lại còn được các con nuôi. Nuôi nấng tử tế, không có điều gì phải phàn nàn. Mà vẫn không vui, vẫn buồn, buồn hơn cái thời phải gò lưng viết ngày viết đêm để kịp đưa bài cho các báo. Mãi tới đầu những năm 90, khi báo Lao Động đăng truyện vừa nhiều kỳ Sư già chùa Thắm và Ông Đại tá về hưu thì cái mộng ước mua được một cái tivi màu, một đầu máy video tối tối ngồi xem phim bộ với nồi cháo gà đang hầm liu riu trên bếp kia của mấy bố con mới thành. Hai đứa con trai ngồi trên xích lô với cái thùng tivi hiệu Samsung to tướng che gần hết mặt đỗ trước nhà, với tiếng hét to của thằng út: “Bố ra đón em về!”. Cái tivi đã là đứa em út trong gia đình, người quan trọng nhất, chỉ đem lại có niềm vui và tiếng cười thôi. Những năm vất vả kiếm sống, tôi là người quan trọng nhất của gia đình, là một giá trị để mọi người dựa vào đó mà phấn đấu, mà hy vọng.

Còn bây giờ? Các con đã trưởng thành, chúng chia nhau gánh vác cái trách nhiệm vốn là của riêng tôi trong nhiều chục năm. Tôi hoá ra người nhàn rỗi, người đã mất việc, vẫn được con cái kính trọng nhưng không còn cần thiết như xưa nữa. Tôi đã thành một biểu tượng, thành linh hồn của một chi họ, cũng rất cần trong các nghi thức lễ tết của một gia đình nhưng lại không thật cần lắm trong những công việc làm ăn của mỗi ngày. Tôi được kính trọng nhưng không được vâng lời, được con cái nghe một cách lơ đãng những lời dặn bảo và chúng cũng hay cười một cách rộng lượng nếu như tôi tỏ ra quá lo lắng, những cái lo của người già, về chuyện này việc kia. Các vị trí trong gia đình đã đổi thay, vậy chỗ đứng của tôi phải là chỗ nào thì phù hợp? Tôi không thích cầm quyền, quyền phải đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm không còn lại muốn giữ nguyên vẹn cái quyền trước đây có hoạ là điên, có thể còn bị con cái chống trả, xa lánh. Tôi chỉ muốn được các con quan tâm tới tôi tí chút thôi, coi tôi là một người đang sống, mỗi ngày hỏi han, trò chuyện đôi câu là đủ. Lại trở về lại câu hỏi, vậy tôi phải sống như thế nào nhỉ?

Tôi chợt nhớ tới gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng Giáo dục lâu năm nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, các cụ Huyên và Hưởng đều là bộ trưởng, thứ trưởng của Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Mỗi sáng trước giờ tới công sở, cả hai anh em đều đến nhà mẹ tự tay pha một ấm trà dâng mẹ rồi cả ba mẹ con vừa uống trà vừa bàn việc nước trong những tháng năm có bao nhiêu hiểm hoạ. Lúc này bà mẹ đã già, chỉ đọc sách, chăm sóc cây cảnh và chơi với các cháu nhưng vẫn là chỗ dựa cậy của các con, vì mỗi lần trò chuyện với mẹ các con đều như có thêm nghị lực, thêm niềm tin trong một thời thế đang có nhiều biến động. Cái sự ràng buộc về tinh thần ấy đã giữ nguyên vẹn cái cách sống cao sang của một vọng tộc cho tới đời con đời cháu mà tôi có vinh dự được quen biết sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm của nhiều đời người.

Vẫn biết cầm lại bút lúc này là khó lắm, là sẽ viết chẳng giống ai, vì mẫu mã, kích thước tư duy đã thay đổi, ngôn ngữ cũng thay đổi. Nhưng tôi trở lại nghề viết không nhằm tự khẳng định với mình, cũng không dám ganh đua với ai mà chỉ mong lại được sống trong tự do, trong niềm vui và hy vọng, không phải phụ thuộc vào cái yêu cái ghét của người khác, kể cả với con cái. Biết đâu nhờ vẫn làm việc miệt mài khi tuổi đã già mà tạo được một ràng buộc về tinh thần cho con cho cháu, thành một nếp nhà như người xưa.

Viết là một cách để tồn tại. Descartes có câu: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” (Je pense donc je suis), tôi muốn nói nhại câu danh ngôn ấy: “Tôi viết vậy thì tôi tồn tại” (J’écris donc je suis).

“Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn”.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

27 tháng 9, 2008

Gặp “ông chủ” Viet-studies



GS. Trần Hữu Dũng trả lời phỏng vấn

Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện

HOCMOINGAY Báo Người Đô thị 9.2006. Các “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng.

Dị ứng với “trí thức” và “Việt kiều”

Dị ứng với cách gọi “trí thức” “Việt kiều” vậy thưa phải gọi ông là gì ạ?

Gíao sư Trần Hữu Dũng: Một người sống xa tổ quốc. Tôi không nghĩ mình là Việt kiều. “Trí thức” nghe quá kênh kiệu. Người khác dùng trung hoà hơn. Tôi cũng dị ứng với các từ “toàn cầu hoá” và “hiến kế”. Nghe to tát quá.

Ông quan niệm trí thức chỉ là một thuộc tính của nhiều ngành. Toàn cầu hoá sản sinh một giai cấp mới, làm việc sinh sống khắp nơi. Nhưng vì sao tham luận của ông trong hội thảo hè Nha Trang vừa xong lại là về trí thức Trung Quốc 20 năm gần đây?

Quan niệm mới của một nhà kinh tế - triết gia (Amartya Sen) viết về “toàn cầu hoá nhân thân” cho rằng toàn cầu hoá và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương. Giúp toàn cầu hoá trọn vẹn đúng nghĩa hơn. Nhưng sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê. Bên nhà lâu lâu lại nói “thu hút Việt kiều về nước đóng góp” là cổ lỗ sĩ. Trí thức là đầu óc mở rộng, không là bằng cấp. Nhiều người bằng cấp không trí thức.

Nhưng tại sao tham luận của ông không là nghiên cứu trí thức Việt Nam mà lại là trí thức Trung Quốc?

Tôi phát hiện thấy họ có sinh hoạt rất sinh động, bộc lộ được quan điểm công khai trên báo, có những phê phán chính phủ được lắng nghe. Nhiều chính sách ra đời từ ý kiến như thế. Trí thức mình ít bộc lộ - nước mình không như Âu Mỹ (mặc dù ai mà nói chỉ có Mỹ dân chủ là tôi “xin phép” đó). Nhưng tôi hiểu ở đâu cũng có những vùng trống cho phép. Thí dụ ở Trung Quốc đó là các vấn đề môi trường, y tế giáo dục, đất đai, hành chính, lãnh chúa đỏ… Họ thử từng bước, không ngồi than. Lãnh đạo phải tự tin, phải để vùng trống cho suy nghĩ, không sợ nghe phản biện.

Có phải vì thế mà trang web của ông có tờ Thời Đại Mới, “Một tạp chí nghiên cứu thảo luận” – và một web tiếng Anh (cùng làm với một giáo sư triết người Mỹ) - web này được giải lớn tương đương Oscar trong điện ảnh và tờ New York Times gọi đó là “chỗ hẹn trí thức toàn cầu”?

Sở trường của tôi là đọc nhiều trào lưu kinh tế văn hoá. Tờ Thời Đại Mới của chúng tôi viết khoa học cho dân đọc, những vùng trống có thể làm được. Nếu không thử, sẽ không tìm ra cách. Ở ngoài nước, cứ tối ngày ngồi than Việt Nam thiếu dân chủ, nhưng có nhiều vấn đề ích lợi học thuật sao không làm. Không ai thử, chỉ ngồi than. Tiếp xúc trong nước tôi cũng thấy vậy, 2/3 câu chuyện là than phiền.

Làm Viet-studies.info


Ông vừa giảng dạy đại học, hướng dẫn sinh viên vừa viết sách giáo khoa kinh tế bằng tiếng Anh, lại làm trang web như một bộ lọc tri thức lớn, ông lấy đâu ra thời gian và có ai giúp không?

Tôi làm một mình từ A-Z kể cả đánh máy, còn bỏ tiền túi ra làm. Nhưng mỗi năm bỏ 2.000 USD không là vấn đề. Mà bỏ rất nhiều thời gian. Một ngày ngủ 4 tiếng, trừ thời gian lái xe trên đường là không làm việc. Còn thì ngồi computer. Cơm cũng dọn ăn ở bên computer.

Tôi ham nhiều thứ, luôn viết trễ. Giáo trình kinh tế lãnh nhuận bút rồi mà chưa nộp. Tôi ham chuyện này làm một nửa lại bắt chuyện khác. Tội tôi thường xuyên.

Ông làm Viet-studies như thế nào?

Tôi không coi đó là tờ báo, chỉ thu thập những bài vở có nhiều người thích như tôi để chia sẻ với bạn bè. Tôi đọc không phân biệt. Bài hay ở nguồn nào cũng đăng. Tờ Công An Nhân Dân có mục văn hoá khá.

Sao ông không cho đăng mục ý kiến ngắn như nhiều web làm?

Tôi không thích những comment, giống như “người tức giận chạy xe qua quăng lựu đạn rồi chạy mất”. Ngay cả nhiều trang hải ngoại nghiêm túc để cho độc giả phê bình, tôi thấy như có người đi ngang qua chửi, cười hà hà, bất công với tác giả.

Nhưng lời bình ngắn của ông sau các bài, tuyệt vời độc đáo đấy chứ! Nhiều câu đau. Nhiều câu hóm lắm, đọc rồi cười mãi không thôi. Ngay cả vấn đề nghiêm túc…


Vậy à?

Thí dụ: “Bộ trưởng chống lãng phí hội họp” – bình: Bộ trưởng cho biết không bao giờ ông ngủ gật lúc họp – xin lỗi bộ trưởng, tôi không tin”. Hoặc: “Cho ăn kẹo tôi cũng không dám bình luận chỉ thị này”. “Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em” - bình: Một dân tộc mà không che chở được con cháu của mình là một dân tộc gì. “Tường đổ đè trúng 3 người đang uống café sáng” – bình: tự nhủ, về Việt Nam lần sau phải cẩn thận chọn chỗ ngồi uống café, không nên để fan của viet-studies dẫn đi đâu thì đi đó, hahaha!

Tôi vẫn thường nhờ anh em khi nào có lời bình quá đáng thì nhắc nhở giùm. Tôi cố khách quan, đúng đắn, không phá đám, cũng không cuồng tín.

Ông có lý giải được vì sao độc giả miền Bắc đọc Viet-studies nhiều hơn miền Nam?

Thắc mắc của tôi đó. Hỏi nhiều anh em. Có lẽ miền Bắc văn chương chú ý nhiều. Miền Nam kinh tế làm ăn năng động hơn.

Giáo dục – khó không do tiền bạc


“Một nhóm tư nhân” – chữ dùng của Ban tổ chức – thường tổ chức những hội thảo hè ở nhiều nước (vừa rồi ở Nha Trang). Ông còn tham gia đề án cải cách giáo dục Việt Nam cùng nhóm giáo sư – nhà nghiên cứu tên tuổi trong ngoài nước. Ông thấy khó nhất của Việt Nam là gì?

Là cơ chế.

Xin ông nói rõ. Vì “cơ chế” như cái “bị bông” đấm hoài không đổi. Rất mơ hồ, xin ông nói cụ thể.

Ai cũng biết tình trạng giáo dục như thế nào. Chúng tôi làm đề án không thấy khó tiền bạc. 20 triệu USD là có thể có một trường đại học chất lượng cao. Bằng kinh phí cuộc thi hoa hậu hoàn vũ vừa rồi. Kinh nghiệm canh tân của Hàn Quốc, Nhật rất cần quyết tâm nhà lãnh đạo. Dự án nguyên tử Manhattan của Mỹ, hoặc dự án đưa người lên mặt trăng. Chọn người chỉ huy project toàn quyền, tổng thống đứng sau. Đó là cơ chế.

Còn ở Việt Nam? Làm sao chọn được người chỉ huy như vậy?

Đúng. Nếu ở Việt Nam cho tôi làm bộ trưởng, tôi cũng không biết làm được gì. Khó khăn nhất là cơ chế chồng chéo mê hồn trận. Sự cố lặt vặt hành chính giấy tờ không tưởng tượng được. Nhiều người Việt ở ngoài muốn giúp đất nước lắm, nhưng cơ chế xơ cứng ngăn cản. Thí dụ nhỏ thôi như ông Võ Tòng Xuân được mấy anh em bên Úc về An Giang thấy cơ sở của ông xài vi tính cũ quá. Anh em gửi, hải quan không cho nhập, bảo hàng second-hand, phải có lệnh bộ Tài chính. Ông chạy tới chạy lui. Mấy trăm cái vi tính nằm hải quan cả năm. Chắc hư hết rồi. Tôi cũng có mấy ngàn quyển sách quý muốn gửi về, nghe nói phải kiểm duyệt.

Là một giáo sư đại học Mỹ, ông thấy sự khác biệt nào trong giảng dạy, học hành so với Việt Nam?

Chuyện lương đủ sống để chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu thì biết rồi. Còn nạn xin điểm, dùng áp lực thì Mỹ chỗ tôi không có. Trưởng khoa tôi không có quyền nếu tôi cho học sinh rớt. Có chuyện con một giám đốc cỡ lớn, ông ta cho trường cả triệu đô. Tôi cho rớt vì điểm kém. Ban giám hiệu đứng sau giáo sư, ủng hộ. Đó cũng là cơ chế chứ gì?

Sinh viên tôi vào lớp không đọc – chép. Phải đọc sách trước đó, phải hỏi, phải thảo luận. Một cua tôi dạy mỗi người có thể chọn một SGK tham khảo, đọc các bài báo chuyên ngành để vào lớp thảo luận.

Nhớ mùi hương tuổi trẻ

Về Việt Nam lần này, ông thấy sao?

Tôi khá ngạc nhiên, tưởng lạm phát kinh tế suy thoái, mà dân thành thị vẫn ăn nhậu như điên. Giàu nghèo phân hoá sâu sắc. Kinh tế thuơng mại thiếu dữ liệu, nhiều tin đồn. Tập đoàn này của ông này, vợ ông kia, đúng sai không rõ, nhiều việc không biết địa chỉ ai làm. Về lần này tôi phát giác một điều: cuộc sống tôi may mắn. Bình ổn. Có cảm giác sống ở Việt Nam bon chen quá, ham kinh tế, quyền lực.

Biểu hiện nào làm ông nghĩ tới ham quyền lực?

Qua câu chuyện, họ tả xã hội Việt Nam ông này muốn làm cái này, muốn tranh chức kia. Bị ám ảnh quyền lực.

Cuộc sống của ông ở Mỹ thế nào?

Tương đối bình ổn, dù con người không bao giờ hết lo. Lúc trẻ lo lên, xuống, biên chế… tôi qua rồi. Làm chuyện nghiên cứu. Nhược điểm: ham nhiều việc, không có thời gian. Đời sống ở Mỹ khắc nghiệt so với châu Âu. Nhưng ít bị áp lực nhóm xã hội như ở Nhật. Chữ hạnh phúc cũng khó nói. Châu Á liên hệ gia đình nhiều. Thời kỳ tôi phỏng vấn đi làm, một người hỏi: mày li dị mấy lần rồi. Họ cho là thường nhưng ở Việt Nam đó là điều tổn thương nặng nề. Vậy mà người Việt bên đó bắt đầu như vậy.

Ông có như nhiều người lớn tuổi muốn về Việt Nam sống?

Ai cũng nhớ quê hương . Nhưng nhiều người nói để tôi ở bên ấy làm nhiều điều ích lợi hơn về đây dạy học. Mỗi năm chúng tôi cũng giúp cho các em sinh viên đi du học. Còn bây giờ bắt tôi vào lớp Việt Nam dạy cách đó tôi dạy không được.

Yêu và nhớ thương quê hương nhất là những khoảnh khắc: chiều mưa, một nụ cười cô gái, cụ thể chứ không hùng vĩ sông núi. Tôi nhớ mùi hương, khó nói lắm. Mùi sau cơn mưa. Nước, lá cây, gió lạnh mát… không diễn tả được. Sáng nay tôi nghe ở nội thành Sài Gòn có tiếng gà gáy. Tiếng bà hàng xóm quét lá. Quê hương là tố chất của con người. Không có thì thiếu thốn. Nghĩ nặng nặng, buồn buồn trong tâm hồn. Quê hương quá khứ của mình…

Buồn buồn vì nghĩ quê hương còn khổ, hay vì phải xa cách?

Vì xa cách theo hai nghĩa: địa lý và thời gian. Quê hương sinh đẻ. Đi con đường nghe mùi hương chợt nhớ mùi hương tuổi trẻ của mình. Thế mới biết công ơn nhân loại như Einstein hoặc mỗi ngày nghe nhạc Mozart đem lại cho con người niềm vui hoài hoài. Phần thưởng tạo hoá cho con người hưởng mãi.

Ông là con trai bác sĩ nổi tiếng Trần Hữu Nghiệp, yêu thích y khoa, văn học, báo chí, âm nhạc lại trở thành giáo sư kinh tế ở Mỹ?


Con người là sự tình cờ của lịch sử. Ngay việc tôi qua Mỹ, được học bổng, đổi nghề (ngày xưa tôi là kỹ sư), cũng tình cờ như tung đồng xu sấp, ngửa. Tôi thích sử. Hồi lên 7 tuổi, tết được tiền lì xì. Đang buổi tối tôi gõ cửa nhà sách xin mua cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim về đọc liền.

Ông có biết tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn?

Cũng tình cờ, mà đâu biết ông làm tình báo. Thời kỳ tôi mới học ở Mỹ về còn chờ việc làm, hay ra ngồi café với ông Ẩn và đám báo chí tán dóc. Thời kỳ ở Givral – tiệm Café.

Tôi học tiếng Việt thực sự


Qua Mỹ rất sớm, từ những năm 60, nhưng tiếng Việt của ông thật tuyệt vời – là do ông làm báo mạng?

Không dễ vậy đâu. Tôi học tiếng Việt thật sự. Câu nào hay, tôi chép lại. Hơn 10 năm về trước tôi viết tiếng Việt chưa thạo. Vì có nhu cầu viết nên tôi làm một từ điển kinh tế Anh Việt cho mình.

Ông thấy tiếng Việt trong nước có nhiều biến đổi không?

Tiếng Việt giàu có hơn. Tiếng đời thường đi vào viết lách nhiều hơn. Xưa miền Nam không đưa vào văn viết chữ “hầm bà lằng” chẳng hạn. Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều tiếng dân dã. Tôi dám viết vì thấy xài rồi. Tôi yêu tiếng Việt có những cái hồn, người hiểu tiếng Việt mới thấm được. Ngay cả khi viết mail, đối với tôi tiếng Việt không dấu thì cũng như bỏ một đoá hoa thơm vào bao giấy kiếng, không có mùi hương gì hết.

Tôi viết có dựa vào cuốn từ điển của Hoàng Phê. Mua hai cuốn. Một để ở sở làm, một ở nhà. Nhiều người muốn viết hồi ký để lại cho các con, nhưng con đâu biết tiếng Việt. Thật buồn phải không?...

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)
9-9-08

23 tháng 9, 2008

Thư từ Mỹ: Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến


Trần Hữu Dũng

Bạn quý mến,

Thế là, trừ khi có biến chuyển hoàn toàn bất ngờ, hai liên danh tranh cử tổng thống Mỹ ngày 4 tháng 11 này sẽ là Barack Obama – Joseph Biden (đảng Dân Chủ) và John McCain – Sarah Palin (đảng Cộng Hòa). Nghị sĩ Obama và McCain đã đến vị trí này bằng hai con đường khá khác nhau. McCain thì từ tháng 4/2008 đã không còn đối thủ nào đáng kể. Đúng ra, cho đến đầu năm 2008 thì dư luận đều cho là cuộc đời chính trị của McCain đã đến đoạn kết vì ông hết tiền, mà lại có vẻ lè phè, không biết tổ chức tranh cử. Nhưng rồi, nhờ những lỗi lầm nặng nề trong chiến lược tranh cử của các ứng viên khác (như cựu thống đốc Mitt Romney, cựu thị trưởng Rudy Giuliani, cựu thống đốc Mike Huckabee...), cũng như sự kém cỏi về cá tính của họ (theo nhận định của cử tri), McCain trở thành người sống sót cuối cùng và mặc nhiên là ứng viên chính thức của đảng này từ tháng 4/2008, như đã nói.

Khác hẳn con đường của McCain, con đường của Barack Obama đi đến chỗ được đảng Dân Chủ chính thức để cử là khá “trầy da tróc vảy”, mà nguyên nhân chính là bà Hillary Clinton. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, tuy bà đã bị “xiểng liểng” ngay từ đầu song thỉnh thoảng cũng thắng ở vài bang quan trọng, và ngày càng quyết liệt chỉ trích Barack Obama (tất nhiên, sau này, phe McCain khoái chí dùng lời của bà để hạ Obama). Mãi đến tháng 6 thì bà Clinton mới chịu đầu hàng, rút lui khỏi cuộc chạy đua. Dù vậy, cuộc tranh đua Obama-Clinton (dù chưa đến độ “tỉ đệ tương tàn”) vẫn để lại một dư vị không mấy ngọt ngào trong nội bộ đảng Dân Chủ, nhất là về phe bà Clinton. Tuy rằng bà đã (ngoài mặt) tuyên bố ủng hộ Obama hết mình song khó biết hậu quả của sự chia rẽ này trong cuộc bầu cử năm nay. Liệu những người ủng hộ “đến chết” của bà Clinton có sẽ bỏ phiếu cho Obama?

Thoạt nhìn, hầu như ai cũng nghĩ là năm nay Nhà Trắng sẽ lọt vào tay đảng Dân Chủ. Điểm lại “thành tích” của chính phủ Bush lẫn đảng Cộng Hòa nói chung, hay là xét về hầu hết vấn đề khác, từ kinh tế, ngoại giao, môi trường, đến chiến tranh Iraq, thì đa số dân Mỹ đều thiên về đảng Dân Chủ. Hơn nữa, về cá nhân, McCain đã khá “trọng tuổi” (72). Nếu đắc cử, ông sẽ là người nhiều tuổi nhất khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống trong lịch sử nước Mỹ (Reagan già hơn, nhưng đó là vào nhiệm kỳ thứ hai của ông ta). Song, có lẽ cái gánh “nặng” nhất của McCain chính là “thành tích” của Bush (và đảng Cộng hòa) trong gần 8 năm qua.

Nhưng... nhưng... theo những cuộc thăm dò ý kiến vào đầu tháng 9 thì McCain là ngang ngửa với Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thậm chí một số kết quả cho là McCain đang dẫn đầu. Tại sao McCain lại hấp dẫn như vậy với không ít dân Mỹ?

Thứ nhất là, trong mắt của hầu hết người Mỹ, McCain có một quá khứ “anh hùng” (hơn 5 năm là tù binh ở “Hanoi Hilton”). Thứ hai là (cho mãi đến gần đây) ông được tiếng là thẳng thắn, bộc trực, và có tính độc lập (maverick), không theo bầy đàn. Và thứ ba, ông rất “chịu chơi” với giới báo chí. Hầu hết ký giả đều thích ông, nhất là sau cuộc tranh cử năm 2000 mà ông được tiếng là người nói thẳng, nói thật (và nói chẳng ngừng!). Cũng không nên coi thường sự “khôn ngoan” của đảng Cộng Hòa (hoặc, nói khác hơn, “khả năng phán đoán” của không ít người Mỹ), nhất là khi đảng này có những quân sư cực kỳ “quỷ quyệt” như Karl Rove (mà đồ đệ, Steve Schmidt, hiện là cố vấn số một của McCain).

Song, hầu như không ai ngờ là ứng cử viên gây nhiều sóng gió nhất, đem lại nhiều ngạc nhiên nhất cho cuộc bầu cử năm nay lại là bà Sarah Palin (thống đốc bang Alaska), một người mà gần như không ai (ngoài Alaska) biết trước khi McCain chọn bà đứng chung liên danh, trong vai phó tổng thống, chỉ ba hôm trước ngày đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa khai mạc. Yếu tố quan trọng nhất là bà làm những người cực hữu (nhất là phe truyền giáo “evangelical”, trước đây không mấy “mặn mà” với McCain) vô cùng phấn chấn. Sự có mặt của bà trong liên danh cũng đánh thức sự “bất mãn” của dân Mỹ, tiềm tàng trong thái độ “phản trí thức” (“nghi kị” những người có bằng cấp cao, tốt nghiệp trường giỏi -- như Barack Obama!) của khối dân mà báo chí gần đây “tế nhị” gọi là những người “kém thông tin” (low information): cư dân ở thành phố nhỏ, nông thôn, những người không tốt nghiệp đại học, những “lao động cổ xanh”, những người cao tuổi... nói chung là những người ít theo dõi thời sự. Đáng lo hơn cho phe Obama là, theo vài cuộc thăm dò, bà Palin (có đứa con năm tháng tuổi bị hội chứng Down, và nhiều vấn đề khác trong gia đình, mà đàn bà Mỹ rất có sự “đồng cảm”) đã thu hút đông đảo phụ nữ Mỹ da trắng, khối cử tri mà trước đây Obama được đa số ủng hộ.

Nhược điểm của Obama chẳng những ông là (lai) da đen (theo một cuộc thăm dò thì có đến ít nhất 6% dân Mỹ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho người da màu), chỉ mới nổi lên trong chính trường quốc gia khoảng 5, 6 năm nay (do đó bị coi là thiếu kinh nghiệm), nhưng còn vì thời niên thiếu của ông khá “khác thường” đối với đại đa số người Mỹ (ông theo mẹ sống nhiều năm ở nước ngoài, v.v). Đó là không nói đến những “đòn hiểm” của kẻ thù chính trị của ông (kể cả phe bà Clinton, trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ), như tung tin đồn (hoàn toàn thất thiệt) rằng ông là tín đồ kín của đạo Muslim, rằng ông không thật sự “yêu nước Mỹ” v.v . Thế nên, dù được đại đa số dân trí thức, những người “phóng khoáng” nhiệt tình ủng hộ, Barack Obama vẫn rất khó khăn “bắt tay” được với đa số dân cư ở các bang như Pennsylvania, Ohio, West Virginia, Tennessee, Arkansas... là những nơi mà trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ông đã bị bà Clinton đè bẹp. Liệu những người này có sẽ bỏ phiếu vì quyền lợi kinh tế của họ (thì Obama sẽ thắng) hoặc vì những “giá trị văn hóa” (mà liên danh McCain-Palin có thể khai thác) mà Obama yếu hơn? Đó là một câu hỏi khó trả lời vào thời điểm này.

Một biến số nữa là tài tổ chức của Barack Obama, nhất là khả năng huy động các ủng hộ viên “trẻ” của ông đi bỏ phiếu. Còn nhớ, năm 2004, John Kerry cũng đã đặt niềm tin vào những cử tri này, nhưng khi đến ngày bầu cử thì, chứng nào tật nấy, họ cũng không kém ... lười đi bỏ phiếu bao nhiêu, so với quá khứ. Ngược lại, những cử tri “có tuổi”, bảo thủ, “thành phần chủ lực” của đảng Cộng Hòa thì lại là khối dân có tỷ lệ đi bầu cao nhất. Liệu tình trạng này có sẽ tái diễn năm nay?

Điều oái oăm nữa là vì Barack Obama quá hùng biện, đảng Cộng Hòa thường mỉa mai: “Chỉ nói là giỏi!”. Hơn nữa, chính vì ông nói quá hay nên diễn văn nào của ông cũng bị (báo chí) đón chờ như sắp lại được thưởng thức một “kiệt tác”, rồi mỗi lần ông nói “như người thường” thì họ lầm bầm thất vọng! Ngược lại, báo chí Mỹ đánh giá Palin quá thấp (như trước khi bà đọc diễn văn ở đại hội đảng Cộng hòa, ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ ấp úng, phơi trần trình độ kém cỏi của bà), rồi khi bà ta vượt hơn cái “sàn” này một tí thôi – ăn nói khá mạch lạc, tự tin, và cũng biết châm chọc, khôi hài – thì cũng các phương tiện truyền thông này đua nhau “xuýt xoa” về khả năng của bà, đưa uy tín của Palin lên cao hơn! Tôi e rằng việc này sẽ xảy ra khi bà “đấu khẩu” với nghị sĩ Biden tháng tới.

Khi tôi sắp viết xong thư này thì đa số các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Obama đang vượt McCain trở lại (với những con số gần giống như trước khi đại hội của hai đảng). Có hai lý do: (1) Cái “mới” của bà Sarah Palin dần dần phai nhạt, đồng thời sự “trống không” trong kiến thức của bà, cũng như những lời phát biểu rõ ràng là “không thật” của bà, khiến ngày càng nhiều cử tri “tỉnh ngộ”. (2) “Trận sóng thần” tài chính đang ào lên nước Mỹ, và có cơ lan rộng toàn cầu. Trong quá khứ, đảng Dân Chủ bao giờ cũng “mạnh” hơn đảng Cộng Hòa về mặt kinh tế, nhất là, như chính McCain thú nhận, ông “không rành về kinh tế cho lắm”. Xin hẹn bạn thư sau sẽ viết về cuộc “khủng hoảng” này – đúng là một mớ “bòng bong”.

Quý mến,

Trần Hữu Dũng
http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_ThuTuMy__Sept08.htm
(ký Tiểu Hằng Ngôn)
Dayton
21/9/2008

19 tháng 9, 2008

Diễn văn của Bill Gates tại đại học Harvard



Bill Gate Blog http://www.microsoft.com/presspass/exec/billg/default.aspx

Trường đại học Harvard là nơi năm 1975 Bill Gates đã bỏ ngang khóa học để theo đuổi ươc mơ Microsoft - một trong nhưng câu chuyện thần kỳ nhất trong thế kỷ 20 và 21. Vào lễ tốt nghiệp năm 2007 của trường đại học này, ông được trường mời quay lại để nhận bằng tiến sĩ và dành cho các sinh viên tốt nghiệp một bài diễn văn. DGMN.ORG lược dịch những đoạn ngắn, thú vị nhất của bài diễn văn.Ông bắt đầu bài diễn văn bằng một giọng hài hước, chia sẻ lại ký ức tuổi trẻ của mình.

...Tôi đã trông đợi hơn 30 năm nay để nói lên được điều này: Ba ơi, con đã luôn nói với Ba là rồi một ngày con sẽ quay lại trường đại học để nhận lấy tấm bằng (cười). Tôi muốn cảm ơn Harvard vì vinh dự này, vì tôi sẽ chuyển sang làm việc khác vào năm sau, và thật là tuyệt vời vì tôi sẽ có thêm bằng đại học trong hồ sơ xin việc của tôi (cười).

Tôi xin tán thưởng những cử nhân ngồi ở đây ngày hôm nay vì con đường của họ đến với tấm bằng đại học trực tiếp hơn nhiều. Về phần tôi cũng rất hào hứng khi ông Crimson đã gọi tôi là "Người Bỏ Học Havard thành công nhất". Tôi đoán là cái đó biến tôi thành người phát ngôn cho nhóm người đặc biệt này..., tôi là kẻ thành công nhất trong những người thất bại nhất.

Những tôi cũng muốn được công nhận là người đã lôi kéo Steve Ballmer bỏ học (lời người dịch: Steve Ballmer hiện thay thế Bill làm giám đốc điều hành của Microsoft và là một trông những doanh nhân Do Thái thành công nhất thế giới).Tôi thực sự là một ảnh hưởng xấu lên người khác. Đấy là lý do tại sao tôi lại được mời tới nói chuyện tại lễ tốt nghiệp vào cuối năm. Chứ nếu tôi mà nói chuyện ở trường này vào khai giảng đầu năm, thì chắc là ít người trong số các bạn sẽ ngồi ở đây ngày hôm nay (cười).

Harvard là một kinh nghiệm gây ảnh hưởng lớn đối với tôi, đời sống học đường đầy kỳ thú, tôi từng ngồi ở rất nhiều lớp học mà tôi không hề đăng ký. Và cuộc sống trong ký túc xá thật tuyệt diệu, tôi sống ở Radcliffe, trong Currier House. Trong phòng kí túc của tôi luôn có rất nhiều người thúc tới tận khuya nói chuyện, thảo luận, vì ai cũng biết là tôi chằng hề quan tâm tới việc buổi sáng cần phải tỉnh dậy. Đấy là con đường đã dẫn tôi trở thành người lãnh đạo của nhóm chống đối những hoạt động xã hội. chúng tôi bám vào nhau như một cách tán thành sự chống đối của lẫn nhau đối với những người tham gia nhiều vào hoạt động xã hội.

Radcliffe là một nơi tuyệt vời để sống. Ở đấy có nhiều các cô gái hơn (cười), và hấu hết mọi người là những người ngâm mình trong lĩnh vực toán-khoa học. Tổng thể của tất cả điều đó đã cho tôi những lợi thế tốt nhất, và nếu bạn hiểu tôi muốn nói gì: đây là nơi tôi đã học bài học buồn rằng tăng thêm những lợi thế của bạn không đảm bảo bạn thành công.

Một trong những hồi ức rõ ràng nhất của tôi khi ở Havard rơi vào tháng 1 năm 1975, khi tôi gọi điện thoại từ Currier House cho một công ty ở Albuquerque, công ty đã sản xuất ra những chiếc máy tính đầu tiên cho các cá nhân sử dụng. Tôi chào bán phần mềm cho những chiếc máy tính của họ. Tôi đã rất lo lắng là họ sẽ nhận ra tôi chỉ là một sinh viên trong ký túc xá và sẽ cụp máy. Thay vào đó, họ nói: " Chúng tôi chưa sẵn sàng, xin hãy quay lại găp lại chúng tôi trong khoảng một tháng". Đấy là một điều thật tuyệt vời vì khi chào bán phần mềm thì chúng tôi đã viết nó đâu (cười). Bắt đầu từ lúc đó, tôi cuống cuồng làm việc cả ngày và đêm vào cái dự án bên ngoài lề nhà trường này, và nó đánh dấu sự kết thúc thời gian học đại học của tôi, và một cuộc phiêu lưu với Microsoft bắt đầu.....

Blog Đại Gia Mầm Non
http://au.blog.360.yahoo.com/blog-EFcWb90jdLVVMTXW7Yu1gNwRwOE-?cq=1&p=2846

16 tháng 9, 2008

Không gian của Nguyễn Ngọc Tư



Nguyên Ngọc

Tôi vừa xuống Cà Mau. Và tất nhiên bây giờ Cà Mau… tức là Nguyễn Ngọc Tư. Thậm chí - tôi xin lỗi hết cả bà con Cà Mau, và xin lỗi cả Tư nữa - quả thật không biết nếu như không có Nguyễn Ngọc Tư thì Cà Mau có còn hoàn toàn là Cà Mau bây giờ không. Tất nhiên vẫn là Cà Mau, nhưng sẽ là một Cà Mau có thể nhỏ hơn một chút, thiếu hơn một chút, thiếu cụ thể điều gì thì cũng thật khó nói, nhưng rõ ràng là sẽ thiếu, thiếu một điều gì đó đang làm cho không gian Cà Mau không rộng và sâu, xa, gần và hiện đại được như bây giờ khi có cô nhà văn ấy.

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau lần đầu là cách đây đâu khoảng mươi năm (vừa rồi cô ấy xác nhận lại trí nhớ của tôi, cô bảo cô xin về làm ở hội Văn nghệ Cà Mau đến nay vừa đúng mười năm). Bữa đó ngồi với anh chủ tịch hội (anh ấy bây giờ vẫn là chủ tịch hội), tôi nói linh tinh những chuyện gì đó không thể nào nhớ được nữa. Thỉnh thoảng lại thấy có một “con nhỏ” chạy vô chạy ra rót nước, đôi lúc dừng lại một chút chừng lắng nghe chúng tôi. Và hình như hơi cười. Bây giờ nghĩ lại lo quá, không biết bữa đó mình có bốc đồng nói linh tinh những gì to tát hùng hồn về văn chương không. Bởi vì “con nhỏ rót nước” đó chẳng bao lâu sau sẽ là… Nguyễn Ngọc Tư.

Thật tình khi Tư bắt đầu được dư luận chú ý tôi cũng không nhớ rõ “con nhỏ rót nước” bữa đó lắm, chỉ loáng thoáng hình ảnh một cô gái trẻ rất quê, mặt mày cũng không lấy gì làm sáng sủa, hình như là mặc chiếc áo xanh, suốt buổi chỉ chạy lên chạy xuống châm nước, sau đó chạy đi đâu đấy hơi lâu, chắc là ra ngoài phố đặt tiệc cho anh chủ tịch hội tiếp khách thủ đô về… Những lần gặp Tư sau này, lúc ở Hội An, lúc Sài Gòn hay Hà Nội, cũng chỉ chào qua năm ba câu, ở những cuộc hội họp long trọng ồn ào ấy Tư rất ít nói, ít xuất hiện, thường lủi thủi một góc vắng, ngồi sau một cây cột to chẳng hạn, vẫn rất quê, và không như nhiều người viết trẻ thường thích làm quen đôi khi đến sấn sổ với những ông già đã nổi tiếng. Tôi để ý chưa bao giờ Tư tỏ ra muốn bắt quen với tôi, gặp nhau tôi hỏi câu gì thì cô trả lời câu ấy, rất ngắn, đại khái cũng chỉ những chuyện bâng quơ về sức khoẻ, đang viết gì, có hay ra ngoài này (Hà Nội) không, trong ấy (Cà Mau) bây giờ thế nào, anh A hay chị B có còn ở vị trí nào đó không… Vậy mà, tôi biết, hình như chúng tôi có hiểu nhau, rằng cái sự ồn ào, hào nhoáng kia chẳng có nghĩa lý gì, cả cái hội hè kia nữa, cũng là để mà chơi đấy thôi, văn chương là một cái gì đó rất khác, vừa bình thường vừa bí ẩn, riêng tư và… cô độc, cô đơn hơn rất nhiều… Rồi đến cái vụ Cánh đồng… Tôi đã có lần nói rồi, và lần này xin nói lại, và trước khi nói tất nhiên phải xin lỗi tất cả những người cầm bút: Để mà tính chuyện đi ra thế giới, tức là cái mà người ta gọi là mở rộng không gian văn học, và như thế cũng tức là không gian đất nước, ra với thế giới, với bàn dân thiên hạ, tức là cái sự bây giờ được gọi một cách nghiêm trang và hơi lo sợ là “hội nhập”, mà không phải sợ bất cứ ai hết, thì theo tôi trong văn học hiện đại ta có thể có mấy cái: Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là hai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là ba, và nay là Cánh đồng bất tận. Tôi nói thế này mà không sợ quá đáng đâu: Với Cánh đồng bất tận, văn chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu, chẳng phải nể ai hết. Nó đưa văn chương, và như thế cũng là con người của ta, ra toàn cầu, để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người chẳng hề thua gì họ.

Chuyện Cánh đồng… bị đánh tơi bời như thế nào, ai cũng biết rồi. Tôi thậm chí còn biết không chỉ ở cấp tỉnh lẻ và trong những người làm công việc gọi là văn hoá tư tưởng, mà cả một số người làm văn chương hẳn hoi nữa kia. Và tôi còn biết, rất cụ thể, một vị chức sắc cao vòi vọi, từng không hề tiếc lời chửi bới nó cực kỳ thậm tệ.

Cũng chẳng có gì lạ. Một số người, kể cả người cầm bút nữa, không hiểu gì văn chương cũng là chuyện thường. Và cũng không ai bắt một vị có chức quyền loại lớn phải hiểu thấu văn học. Có lẽ điều đáng nói, đáng kể hơn nhiều lại là ở ngay một số người… bênh vực Cánh đồng... Họ hăng hái, nhiệt tình, sôi nổi, cả hùng hổ nữa bênh vực Cánh đồng... bằng cách ra sức la to lên rằng ai kia mắng mỏ con nhỏ thì cứ chịu khó xắn quần cởi dép về đây mà coi, “cánh đồng” ở cái xứ này còn tệ gấp trăm lần “cánh đồng” của Tư… Nghĩa là rất buồn, và tôi biết Tư cũng buồn lắm về điều này. Họ yêu Tư, quý Tư, nhưng cũng chỉ đến mức hiểu Tư là một nhà văn rất hiện thực của Cà Mau, của miền Tây, là một cây bút dũng cảm dám nói lên những sự thực tăm tối và đau lòng đang còn tràn lan trên vùng đất đẹp và đáng yêu biết bao này. Họ phẫn nộ vì những kẻ “đánh” một cây bút to gan dám nói lên tất cả sự thật. Tư buồn không phải vì những người đánh cô đến té tát. Cô buồn vì những người yêu cô mà chẳng phải vì những điều cô đau đáu muốn nói về cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư nào có muốn nói về một Cà Mau, một miền đất. Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên đất đai ấy, mà cô quen cô thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này, một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không gì không bao giờ chữa nổi trong con người. Và cô làm ra cái sản phẩm đã đưa văn học ta ra khỏi tình thế cám cảnh tỉnh lẻ của cái thời kéo dài “văn học phục vụ”, “văn học đi thực tế”, “văn học bám sát đời sống thực tế”, văn học “mũi nhọn mũi tà”… Nó đưa văn học trở lại là văn học, thế thôi, chẳng của gì hết. Và vì vậy, nó khiến văn học ta, cả chúng ta nói chung nữa, cũng “toàn cầu hoá” như ai. Nó tạo không gian mới cho chúng ta hít thở kiểu mới cùng thiên hạ…

Tôi xuống Cà Mau và được Nguyễn Ngọc Tư dẫn đi chơi, xuống Mũi (để xem một cái mũi đất Cà Mau đang bị bê tông hoá!), vào rừng U Minh để được lội giữa những rừng tràm tuy đã xơ xác nhiều so với những lần tôi đến trước đây nhưng thiên nhiên vẫn mạnh lắm, con người tàn bạo thế vẫn chưa tàn phá nổi hết rừng, chưa xoá đi hết được cái hoang dã mãi mãi lạ lùng của U Minh… Đi chơi với Tư ở Cà Mau rất thú, rất khác những lần gặp cô trong các cuộc hội họp văn chương. Bây giờ là một Nguyễn Ngọc Tư rất Tư, hình như có gầy hơn đôi chút so với những lần gặp trước, trông lanh lợi và sành sõi hẳn ra, sẵn sàng hiện đại nữa, hơi “ngầu” một chút, đôi lúc cũng ồn ào rồi chợt lắng đi, rất lặng, rất riêng, thậm chí có gì đó như chừng hơi khinh khỉnh... Tôi hiểu, người viết văn nào cũng vậy, cô gái tài năng này càng vậy, tinh ý một chút có thể cảm thấy cô vẫn giữ một khoảng cách với tất cả những gì đang diễn ra quanh mình, cái khoảng cách có lẽ chỉ những người sáng tác mới biết và hiểu được, vừa nhập cuộc đến cùng, vừa vẫn tách ra cô đơn, sự cô đơn không có nó thì không bao giờ thật sự có sáng tạo nghệ thuật. Cô đơn và lúng túng mãi giữa cuộc đời. Ở gần Tư và trong không khí này, hình như “ngửi” ra được cái mùi rất người và rất đời đó, nó làm cho cô ấy quả thật sự là một nhà văn, một nhà văn đã làm cho văn học ta ngang hàng với bất cứ ai, bởi vì, vậy đó, hình như nhà văn là người được sinh ra để mãi mãi nói lên cái lúng túng mãi mãi không sao thoát nổi của kiếp người. Ông già kỳ cục và cô con gái cũng kỳ cục không kém của ông trong Cánh đồng bất tận đấy, chẳng phải là họ quá lúng túng cái lúng túng của kiếp người, rất người đó sao?

… Ngồi trên vỏ lãi chèo vào rừng U Minh, Tư nhẹ nhàng báo tin cho tôi biết chỉ mấy ngày nữa cô sẽ chính thức thôi việc ở hội Văn nghệ tỉnh, mọi thứ đã xong, chỉ còn thủ tục ra đi. Vẫn sống ở Cà Mau nhưng làm một việc gì đó khác ở Sài Gòn. Im lặng một lát rồi cô nói tiếp, có lẽ cô sẽ dừng viết tạp văn một thời gian. Cũng như một cái hũ rượu ấy mà, cô bảo, ngày nào mình cũng giở nắp ra, miết rồi nó bay hơi hết, cho đến khi nhạt thách. Cô muốn chôn sâu nó một thời gian, có lẽ sẽ là dài, để cho nó sánh đặc lại. Ôi cái con nhỏ rót nước cho anh chủ tịch trang trọng tiếp khách ngày nào, hoá ra đấy mới là người biết nén không gian lại cho đến đặc sánh, để cho nó thật sâu và rộng ra, có sâu và rộng như vậy thì rồi ta mới có được cái không gian gọi là “toàn cầu” cùng thiên hạ. Cái không gian mà ta vẫn tưởng chỉ có thể tạo nên được bằng kinh tế, hay chính trị, hay gì gì đó...

Tôi về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư, và tôi yên tâm rằng ta có thể “toàn cầu hoá” cùng thiên hạ, có thể có được không gian ao ước với đầy triển vọng và thách thức ấy, chẳng lo gì. Khi văn học, cũng là văn hoá, đã đi được một bước như vậy...

Những ngày cuối cùng của năm 2007

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, 1-2-2008

11 tháng 9, 2008

Người hiền của văn chương Nam Bộ

Nguyên Ngọc

Tôi biết anh Trang Thế Hy đã lâu, nhưng thật thân nhau là từ một chuyện như sau: lần ấy, sau một chuyến lang thang dưới đồng bằng miền Tây trở về Thành phố, tôi ghé lại thăm anh, và hồ hởi nói với anh về một cây bút trẻ tôi vừa “phát hiện” được dưới đó. Vốn là người hay bốc, tôi nói với anh theo tôi, cậu ấy là tài năng hiếm đấy, anh ạ, lâu lắm tôi mới gặp lại được một người như vậy, mừng và quý lắm. Anh Tư cười nhẹ, rót cho tôi một chén rượu đầy: “Vậy thì anh tài – anh bảo – tôi cũng chấm đúng cậu ấy. Anh ở xa tới mà nhằm trúng được như thế là rất tinh. Đúng là của hiếm. Viết đường được thì nhiều, nhưng tài thì quả chỉ mới được nó. Rất độc đáo. Rất Nam Bộ. Rất miền Tây. Tưng tửng mà chẳng hề giống ai. Cứ như chẳng có gì mà sắc, mà sâu. Rất có văn. Nhiều người cũng đã xuống dưới đó, nhưng chưa có ai nhận ra. Anh mới xuống, đã nhìn ra được, giỏi!”… Vậy đó, anh bạn viết trẻ tài năng ở tít dưới miền Tây đã khiến cho chúng tôi thật sự đến với nhau, trở thành tri kỷ. Tri kỷ, tôi nghĩ, là biết cùng nhau nhận ra những giá trị thật, những cái đẹp lẩn khuất giữa chợ trời thiên hạ, giữa cuộc đời ồn ào, láo nháo bao nhiêu bong bóng ảo. Tình bạn của chúng tôi là một tình bạn như thế đó. Từ ngày anh về Bến Tre, tôi có ít dịp gặp anh. Bến Tre là một tỉnh nằm hơi trái đường, tôi chỉ mới tìm về cái tỉnh đảo ấy thăm anh được vài lần, ngồi với anh vài tiếng trong căn vườn rất yên tĩnh của anh, uống ruợu nhâm nhi với pho mát không biết anh tìm được ở đâu giữa cái chốn bốn bề sông nước này. Và lại nói chuyện với nhau về “cậu ấy” – mà hoá ra cả hai chúng tôi vẫn âm thầm theo rõi. Và về những tài năng khác, Đông Tây, mà cả hai chúng tôi đều mến phục.

Ngồi nói chuyện với anh Trang Thế Hy rất thích. Anh giản dị, mà uyên bác và thâm trầm. Và những lúc đó tôi thường có một liên hệ bất ngờ, bất ngờ nhưng tôi không sao dứt ra được, và tôi vẫn cố tự giải thích: tôi thường nhớ đến một tác giả ở rất xa, xa cả địa lý lẫn văn hoá: … Nguyễn Tuân. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ: nếu như Nam Bộ có một Nguyễn Tuân, thì cái ông Nguyễn Tuân đó ắt sẽ là Trang Thế Hy! Hai con người đó, hai tài năng đó khác nhau biết chừng nào, thậm chí ở chừng mực nào đó có thể nói thuộc hai cực đối nhau của thẩm mỹ, vậy mà sao dường như vẫn có điều gì đấy rất chung, và cái chung đó không nhỏ chút nào. Tôi thường cố lần cho ra cái chung đó.

Như chúng ta đều biết, Nguyễn Tuân là người suốt đời đi tìm cái đẹp, mải mê đuổi theo cái đẹp, tẩn mẩn, chăm chút, rất kỹ tính, khó tính, nhiều khi đến kỳ cục, và có phần hơi nhấm nháp nữa. Trong muôn vàn ngổn ngang chợ đời, ông soi mói chắt lọc tìm cho ra cái đẹp, từng chút, ngòi bút tài hoa của ông mân mê nó, vờn lấy nó, chộp lấy rồi lại buông ra, buông ra rồi lại chộp lấy, đôi lúc cảm giác cứ như... mèo vờn chuột. Đến cực đoan. Chữ người tử tù, ông tìm cái đẹp ở đó, ừ thì còn được đi. Đến Chém treo ngành, ông cũng không dừng tìm thấy cái đẹp ở đấy. Thực đến mức thẩm mỹ chủ nghĩa, có người đã gán cho ông điều đó tôi nghĩ cũng không hoàn toàn oan đâu… Tôi có một anh bạn làm lý luận văn học, anh ấy bảo: Văn học, nói theo cách nào đó, là một cái thú chơi, các cụ ta xưa chẳng từng coi văn chương là thú chơi thanh nhã là gì! Người ta chơi văn chương, chơi cái đẹp, cho nên soi mói tìm cho ra cái đẹp trong từng ngóc ngách cuộc đời, và chăm chút, mân mê từng từ, tức là cái thứ chỉ có nó mới lột được hết cái đẹp ấy ra cho mình, và cho đời. Văn học nhân văn chính là vì vậy và như vậy đấy… Chính ở chỗ này có cái ly lai sợi tóc, chỉ cần chệch đi, quá đi một chút là rơi sang cái gọi thẩm mỹ chủ nghĩa như chơi!

Có lẽ đọc thật kỹ Trang Thế Hy, sẽ thấy anh gần Nguyễn Tuân chính ở chỗ này. Anh cũng là người chơi cái trò chơi thanh nhã ấy, (nghĩa là tiếp tục cái truyền thống của các bậc tao nhân mặc khách xưa, cho nên, nhìn kỹ mà xem, ở Trang Thế Hy vừa có cái gì đó rất hiện thực, hiện đại, vừa có cái gì đó rất xưa, thậm chí có phần cổ kính nữa). Anh cũng là con người suốt đời chăm chú lần mò đi tìm cái đẹp, trong chốn ngổn ngang nhân sinh. Anh không ồn ào tuyên bố, nhưng suốt đời anh sống vì cái đẹp. Tất nhiên hoàn cảnh của anh khác rất nhiều. Anh là một người viết văn, và là một người viết văn hoạt động bí mật – trong nhiều sáng tác của mình, anh không hề giấu giếm tư cách đó – “nằm vùng” trong thành phố địch chiếm, dựa vào những người tốt trong tầng lớp hạ lưu của xã hội, ở những xóm lao động nghèo, nơi cái nghèo lôi con người ta vào những hoàn cảnh, cả những nghề nghiệp bị khinh bỉ đến tận cùng. Chính trong cái đám bùn nhơ nhầy nhụa tưởng chừng đến tuyệt vọng ấy, anh lần tìm ra cái đẹp, và cái đặc sắc, độc đáo của Trang Thế Hy là cái đẹp anh chắt chiu tìm ra được và vô cùng trân trọng nhặt lên từ bùn nhơ, bỗng sáng lên long lanh, như ngọc, như kim cương. Trang Thế Hy là người đi tìm ngọc, tìm kim cương, không phải giữa chốn phồn hoa đô hội, cũng không phải trong tỷ mẩn trà dư tửu hậu, mà giữa cuộc đời nhọc nhằn, trần tục, ở nơi tận đáy cùng của xã hội. Không gian của anh là không gian nghèo hèn của những xóm lao động ngoại ô, trong ngôi nhà của những người đàn bà chuyên sống bằng nghề “nuôi em út”, nơi giữa đêm giao thừa vẫn nghe được “tiếng thùng khua và tiếng nước đổ vào lu ở tầng dưới nhà bên cạnh”, và nơi ấy có một cô gái “chơi bời”, một cô gái giang hồ biết nói với anh rằng “em biết thân em lắm”, và “em có tiền, nhưng tiền của em thì anh gớm lắm, em biết”, cô gái ấy một hôm đột ngột trở lại vào một ngày cuối năm sau thời gian dài biệt tăm “đi làm ăn”, và bỗng có cái khát khao sang trọng bất ngờ, bỗng thấy “thèm thơ”, bỗng đòi anh làm cho cô một bài thơ, “một cô gái chơi bời thì có nói gì được thành thơ (không anh)? – cô hỏi. Nhưng em không đòi thơ cho em đâu. Cho bất cứ cô gái chơi bời nào cũng được.” Và anh chàng thi sĩ đã lâu lắm không còn làm thơ, không còn chút cảm hứng thơ nào, bỗng “nghe trong lòng một niềm vui mong manh đang thức dậy” và bỗng thấy “thèm làm thơ một cách đáng gọi là làm thơ”… Vậy đó, Trang Thế Hy nói rằng không phải một cô gái trong trắng mà là một cô gái điếm ê chề, hoặc đúng hơn, cái chất ngọc vẫn còn trong veo trong cô gái bán hoa đã nhàu nát lắm ấy, là nguồn cảm hứng thơ chân chính của anh. Tôi nghĩ có thể coi cái truyện ngắn tuyệt diệu này, “Thèm thơ”, là tuyên ngôn nghệ thuật nghiêm túc của Trang Thế Hy.

Rất lạ, - tôi không ngần ngại nói lên điều này đâu, - hình như hình ảnh những cô gái đẹp nhất trong văn của Trang Thế Hy là hình ảnh những cô gái làm nghề ăn sương, lặn lội trong nhầy nhụa bùn nhơ của xã hội. Anh trân trọng nhặt họ lên từ đấy, trân trọng và nhẹ nhàng lau bùn cho họ, và nói với ta rằng: Thấy không, trong những con người này cũng có ngọc đấy, long lanh! Hoặc là những con người đang bị đẩy đến đứng mấp mé trên bờ vực của cái vũng bùn ghê sợ đó, chỉ một chút thiếu gượng lại nữa thôi là rơi tõm ngay xuống, và họ đã quyết cưỡng lại số phận kinh hoàng đó bằng cái chết vô cùng dữ dội, cô gái Hứa Lệ Mai trong truyện “Nguồn cảm mới” của anh, mà cái chết đã khiến bác Tư xích lô áng chừng là “Con “xẩm” con ngang bướng nó gan dạ mà liều lĩnh lắm… nó mượn ngọn lửa để kết liễu cuộc đời bệnh hoạn của cha nó rồi nó tự thiêu luôn”. “Áng chừng” ư? Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, còn có lối thoát nào khác nữa cho cô Hứa Lệ Mai trinh trắng như một nụ hoa mong manh mà mãnh liệt ấy nữa đâu! Cô “xẩm” ấy, dưới ngòi bút của Trang Thế Hy, hiện lên sáng toả như một liệt nữ. Trang Thế Hy viết về những liệt nữ ở chốn bùn đen…

Có lẽ đến đây thì đã có thể nhận rõ ra điều này rồi: Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm.

Và bây giờ, thử trở lại với so sánh ban đầu: Trang Thế Hy và Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp ở chỗ cầu kỳ, ở “Ấm trà trong sương sớm”, ở “Chữ người tử tù”… Trang Thế Hy, cũng tinh vi không kém, nhưng anh đi tìm cái đẹp trong sự giản dị của cuộc đời thường, trong “Áo lụa giồng”, trong “Mỹ Tho - Mỹ Thơ”…, ở những con người “thường”, ở “Anh Thơm râu rồng”, và ở tận đáy nữa của cuộc đời ấy… Ở hai hướng khác nhau, nhưng đều vì cái đẹp, và như vậy, họ khiến cho thế giới phong phú ra rất nhiều.

Còn một điều này khiến họ gần gũi với nhau nữa: cả hai đều là những người cầm bút vừa có Nho học vừa có Tây học uyên thâm. Gần mà cũng lại khác nhau: ở Trang Thế Hy phảng phất sự trong sáng, đôi khi hóm hỉnh nhẹ nhàng nữa, của Alphonse Daudet, Anatole France. Nguyễn Tuân thì hay cái hay rắc rối của Baudelaire hay Edgar Poe… Chỉ cần hơi tinh một chút để nhận ra chất trí thức Tây học ở Trang Thế Hy. Và có điều rất thú vị: chính sự thâm thuý văn hoá phương Tây đó khiến cho những người cầm bút thấm nhuần được nó lại tha thiết, mặn nồng quay về nâng niu những giá trị dân tộc và địa phương. Dường như chính vì họ có hiểu biết sâu rộng về văn hoá nhân loại, nên họ càng nhìn rõ hơn giá trị của văn hoá bản địa, và muốn nâng nó lên thành một phần nữa của những giá trị ấy, mà nó không hề thua kém chút nào. Ta đã biết Nguyễn Tuân độc đáo trong ngôn ngữ Việt của ông như thế nào. Ông “chơi” rất tinh, đến cầu kỳ nhiều khi, trên từng con chữ. Trang Thế Hy kỹ chẳng kém, tài hoa chẳng kém, cũng chơi trên từng con chữ, nhưng ông rất Nam Bộ, rất miền Tây, nơi có những rừng dừa bạt ngàn, “cao trật ót”, có nghề hái dừa “hụt sào” hiểm nguy, nơi những đứa trẻ con “èo uột như một trái cà đèo” đi bú nhờ người ta thì gọi là “đi bú khính”, còn những đứa bụ bẫm thì được gọi là “tốt đứa”… Và hai vị trí thức Tây học ấy cũng lại rất đậm cái khí cốt nhà Nho, đương nhiên cũng mỗi người một cách. Nguyễn Tuân là kiểu nhà Nho tài hoa mà bạt mạng Nguyễn Công Trứ. Trang Thế Hy thì nghiêm cách cái chất Nguyễn Đình Chiểu, cả cái khí tiết ấy, nhưng thoáng hơn nhiều, không chỉ dùng xà phòng Tây, mà còn biết nhâm nhi cả phó mát Tây, tinh tế trong cái ăn, cái uống chắc chắn chẳng hề thua gì ông Nguyễn Tuân, người hơi ồn ào trong sự thưởng thức cuộc sống của mình. Trang Thế Hy tinh mà kín hơn. Cả trong chữ nghĩa nữa cũng vậy, mới đọc anh thường có cảm giác anh viết rất dễ, thực ra tôi cho đó là một cảm giác đánh lừa, để viết được như vậy, anh kỹ lắm trên từng chữ, cũng nhâm nhi từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu, sở dĩ anh “đánh lừa” được chúng ta, để cho ta tưởng anh làm văn thật dễ, vì anh rất tài, viết rất chăm chút, kỹ tính lắm, tự khó tính với mình lắm đấy, mà vẫn để cho người ta tưởng là nhẹ nhàng như không! Một ông Nguyễn Tuân rất Nam Bộ, phóng khoáng cái phóng khoáng của những cánh đồng cò bay thẳng cánh miền Tây…

Làm được như vậy, chính là vì đằng sau người cầm bút đó có một cái nền rất rộng, rất sâu, rất vững chắc. Đọc Trang Thế Hy, chính vì vậy, mà thú thật, tôi vừa vui vừa cảm thấy một chút… lo và buồn: những người cầm bút có được sau lưng mình một cái nền như vậy ngày nay có còn không? Có một cái nền rộng, lớn, sâu như vậy, để mà suốt đời viết rất ít, khiêm nhường, cái khiêm nhường của người biết rất nhiều, chỉ người biết rất nhiều mới có được. Một cái nền rất sâu, rất rộng, để mà viết về những cái rất nhỏ, rất âm thầm, rất địa phương, rất bản địa. Có lẽ chỉ có như vậy thì mỗi nhà văn mới làm được cái việc mà người ta gọi là “đóng góp” vào gia tài chung của văn hoá, văn học dân tộc, và thế giới. Ngày nay hình như người ta viết mạnh mẽ hơn, bạo dạn hơn, xông xáo, ồn ào hơn, liều lĩnh hơn…, đều rất quý. Nhưng một cái nền cho tất cả những cái đó, mong sao cũng có được như thế hệ Trang Thế Hy từng có. Và để có được cái nền đó, vậy mà là cả một công cuộc lớn, và có thể cả lâu dài lắm, tôi nghĩ vậy.

Trang Thế Hy, do vậy không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp sáng tác rất quý, anh còn để lại một bài học lớn. Tôi muốn được gọi anh là một “người hiền” của văn chương Nam Bộ.

Tháng 7-2006

(Báo Tuổi Trẻ)

Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng



Phỏng vấn Nguyên Ngọc
Minh Thi thực hiện

Khi văn hoá xuống cấp, đó là trách nhiệm của cả dân tộc, tất nhiên không thể không có vai trò của nhà văn? Sau đây là cách nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc về khía cạnh này.

Vì sao ông nhấn mạnh thị hiếu con người xuống cấp chính là mảnh đất gieo cái ác, cái xấu?

Văn hoá không phải là vấn đề đúng - sai, mà là hay - dở. Mình hay canh gác "đúng - sai", mà coi thường cái dở, để cái dở tràn lan, điều đó rất nguy hiểm. Bởi chính cái dở mài mòn thị hiếu con người, làm con người thấy sự dung tục là bình thường. Đó chính là môi trường cho cái ác, cái xấu phát triển.

Theo ông, vấn đề của văn hoá Việt Nam hôm nay là gì?

Vấn đề rất lớn của văn hoá Việt Nam là chưa lúc nào có sự bàn bạc, nhìn lại cho nghiêm túc, toàn diện những vấn đề văn hoá. Ở ta có rất nhiều kiêng kỵ, nên nhiều vấn đề văn hoá chưa được nhìn đến nơi đến chốn. Phải nhìn lại một cách sòng phẳng, minh bạch lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hoá Việt Nam ít nhất vài thế kỷ qua. Nói chung theo tôi, cần một sự tự vấn của dân tộc. Thực ra, nền văn học của một dân tộc phải góp phần to lớn để làm việc đó. Bởi nếu không, xã hội sinh ra nhà văn để làm gì?

Dĩ nhiên, do điều kiện địa lý, dân tộc ta có nhiều ưu điểm, nhưng nhược điểm cũng không ít. Việt Nam đứng giữa hai nền văn hoá khổng lồ là Ấn Độ và Trung Hoa, nên người Việt có khả năng tiếp nhận giỏi, ứng dụng ngay, có hiệu quả. Chính sự tiếp nhận dễ dàng này cũng mang nét thực dụng và cũng không sâu. Một dân tộc không có triết học thì không triệt để. Người Việt làm gì phần lớn đều dở dang.

Những doanh nhân Việt Nam khi đã giàu thường dừng lại rất sớm, không có chí lớn trở thành những tỉ phú của hành tinh. Tương tự, lâu nay mình diễn đạt lịch sử bằng mục đích thực dụng, vẫn còn nhiều kiêng kỵ. Chẳng hạn, 3 thế kỷ Nam tiến vẫn chưa được nói rõ. Phần đất phương Nam trong lịch sử Việt Nam rất quan trọng, vì chiếm hết cả một nửa lịch sử và chiều dài đất nước. Lâu nay, người ta phân tích văn hoá Việt là văn hoá phía bắc, chứ chưa nói nhiều về phía nam...

Thưa ông, chính ông đã đề ra việc cần thiết khai hoá, khai trí trở lại cho dân ta. Điều đó bắt đầu từ đâu?

Ngay từ đầu thế kỷ 20, con đường cứu nước của cụ Phan Chu Trinh là không dùng bạo lực. Cụ chủ trương khai trí cho dân bằng cách mở nhiều trường học với cách đào tạo khá tân tiến theo kiểu Châu Âu ở miền Trung. Muốn nước mạnh, vững, thì trước tiên dân chúng phải sáng láng. Lẽ ra sau 1975, chúng ta cần bình tĩnh trở lại. Lịch sử bị cắt suốt 100 năm giành độc lập, ta phải nối lại đoạn bỏ dở đầu thế kỷ 20 là khai hoá dân tộc, mở mang dân trí.

Chúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện. Để thực hiện điều này, nhóm giáo sư Hoàng Tụy đã trình lên Thủ tướng dự án mở trường đại học hoa tiêu đầu tiên của Việt Nam ở Hội An. Cái hổng nhất của giáo dục nước ta là ở triết lý giáo dục. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội.

Xin cảm ơn ông

Minh Thi thực hiện
Nguồn: Báo Lao Động

8 tháng 9, 2008

Có phải người Việt thường không triệt để?



Nguyên Ngọc

Cũng rất cần suy nghĩ về cách tiếp nhận các ảnh hưởng bên ngoài của người Việt, có lẽ càng đặc biệt quan trọng trong thời hội nhập hiện nay. Người Việt tiếp nhận văn hóa Phật giáo rất sớm, thậm chí còn sớm hơn cả Trung Hoa. Phật giáo từ Chămpa và qua đường biển đã vào đất Việt ngay từ trước Công nguyên. Luy Lâu (Kinh Bắc) là trung tâm Phật giáo lớn và rất sớm của Việt Nam, từng là một trong những nguồn truyền Phật giáo sang Trung Quốc.

Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, hệ tư tưởng để tập hợp dân tộc, chống đồng hóa quyết liệt và tàn bạo của phương Bắc là hệ tư tưởng bản địa của người Việt được tăng cường bằng văn hóa Phật giáo … Đến thế kỷ thứ 10, sau khi khôi phục được nền độc lập, thì người Việt lại có một lựa chọn độc đáo: Chủ động tiếp nhận Nho giáo, chủ động rời bỏ gốc Đông Nam Á của mình, chuyển sang văn hóa Đông Á.

Lý do nằm ở chỗ, tổ chức nhà nước đông Nam Á là tổ chức theo kiểu “liên hiệp” các tiểu quốc, một hình thức tổ chức nhà nước mềm mại, “dân chủ”, nhưng lại rất lỏng lẻo, không thể nào đủ sức chống ngoại xâm phía Bắc từ nay đã trở nên thường trực.
Người Việt tiếp nhận Nho giáo chính là để học lấy cách tổ chức nhà nước trung ương tập quyền mạnh theo kiểu Trung Hoa, để chống lại chính ngoại xâm thời Trung Hoa phong kiến.Như vậy, có thể thấy cả hai lần người Việt tiếp nhận ảnh hưởng của hai nền văn hóa rất lớn ở quanh mình đều là để nhằm mục đích chống ngoại xâm.

Phật giáo, như chúng ta biết, là một hệ thống triết học hết sức uyên thâm, nhưng người Việt hầu như chưa bao giờ tiếp nhận đến nơi đến chốn, triệt để chất triết học sâu xa của Phật giáo. Ở cấp triều đình thì đưa Phật giáo vào tổ chức hệ thống nhà nước, vận những điển huấn của Phật làm thành một kiểu luật pháp cai trị đất nước, còn bên dưới thì Phật giáo lại hòa nhập với những đức tính nhân ái của người bình dân để trở thành một thứ đạo đức dân gian giản dị, hiền hòa.

Có lẽ chỉ đời Trần đã có cố gắng tương đối rõ rệt xây dựng một hệ tư tưởng riêng của Việt Nam trên cơ sở vận dụng triết học Phật giáo. Nhưng nhìn chung cũng chưa được bao nhiêu và cũng là dở dang. Vua Trần Nhân Tông từng nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, viết Khóa Hư Lục, nhưng chỉ được mấy năm thì đã lại xuống núi đánh giặc, rồi vào tận Trà Bàn, kinh đô Chiêm Thành tính chuyện gả Huyền Trân đổi đất để mưu sự Nam tiến…

Tiếp nhận văn hóa Pháp, đầu thế kỷ XX chúng ta đã xây dựng được một nền văn học hiện đại rất đáng quý. Song mặt khác nhìn kỹ mà xem, văn học Pháp có cái gì thì ta cũng có cái ấy, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa lãng mạn, đađa, siêu thực … đủ cả, nhưng đều là mỗi thứ một ít, nhỏ nhoi, và cũng dở dang…

Sự tiếp nhận văn hóa của người Việt rõ ràng mang khá đậm chất thực dụng. Học của người khác rất nhanh, rất thông minh, nhưng là học để vận dụng ngay cho những mục đích thiết thực, trước mắt của mình, do đó chẳng mấy khi đi đến được triệt để.Học để dùng ngay. Thậm chí dùng xong rồi thì nhiều khi sẵn sàng vứt đi luôn! (thôi chữ Hán khi Pháp vào, thôi tiếng Pháp khi đuổi được đô hộ Pháp đi, ít dùng chữ Nga khi không còn quan hệ khăng khít với Nga nữa…).

Người Việt cũng không có một hệ thống triết học cho riêng mình. Đó chắc chắn là những nhược điểm rất lớn của dân tộc, không thể không nói thẳng và suy nghĩ kỹ, nếu chúng ta thật sự muốn nói đến một sự phục hưng dân tộc.

Tôi luôn mong có được một sự nghiên cứu so sánh thật nghiêm túc, sâu sắc giữa ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, về lịch sử, văn hóa, xã hội …, con đường đi, những chọn lựa lịch sử lớn và số phận của từng dân tộc. Sẽ rất có ích.

Nhà triết học Francois Jullien có lần nói với tôi, Nhật không chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, bởi trước đó Nhật đã có Thần đạo rất mạnh. Và trong lịch sử văn hóa Nhật từng có một quá trình phi Hán hóa mạnh mẽ. Tiếp nhận, nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của Nho giáo là Hàn Quốc.

Còn ta thì sao? Hình như lâu nay đối với một vấn đề văn hóa quan trọng như thế này ta cũng chỉ mới có những tiếp cận qua loa, chưa bao giờ tập trung làm cho đến nơi đến chốn.

Muốn có một nền văn hóa tiên tiến, phải học thật triệt để
Tôi thường suy nghĩ về Nhật Bản và rất mong có được một nghiên cứu sâu về Nhật, đặc biệt về giai đoạn Nhật Bản duy tân, tiếp xúc với phương Tây. Trong cuộc tiếp xúc ấy, ta đã thất bại nặng nề, mất nước, còn Nhật thì không, ngược lại cường thịnh lên, đến mức trở thành cường quốc thế giới. Vì sao?

Lúc bấy giờ Nhật đã ra sức học phương Tây, học đến cùng, quyết liệt, triệt để. Rốt cuộc Nhật vừa là nước hiện đại hóa thành công nhất vừa giữ được bản sắc văn hóa Á Đông đặc sắc, độc đáo nhất...

Ta đã bao giờ suy nghĩ so sánh cách học, kết quả học của Nhật với của ta, để thật sự nghiêm túc rút ra bài học chưa, càng đặc biệt cho hôm nay khi ta đã quyết đi ra biển lớn của hội nhập.

Nền tảng văn hóa chung của xã hội còn thấp
Suy nghĩ về nền văn học nước nhà, có lần tôi đã từng có chút ít bi quan, nhưng rồi nhìn lại kỹ thì thấy trong văn học của chúng ta vẫn thường xuất hiện nhiều người có tài, lắm khi khá bất ngờ.

Nhưng chính trường hợp Nguyễn Ngọc Tư lại khiến ta không khỏi lo. Tài năng ấy sẽ phát triển như thế nào đây trên cơ sở một nền tảng văn hóa và giáo dục không chỉ thấp mà còn quá nhiều vấn đề bất cập như ta đang có?

Hình như trong văn học ta có đặc điểm này: Các tài năng thường xuất hiện rất sớm, kiểu “thần đồng”, như Nguyên Hồng 16 tuổi đã viết Bỉ vỏ , Chế Lan Viên 17 tuổi viết điêu tàn, v.v..

Nhưng rồi không ai đi được thật xa, đến tầm cỡ thế giới. Hẳn là vì cái nền của chúng ta quá thấp. Cái nền đứng của ta chỉ có 1m thôi, anh có tài nhảy được 5m, cuối cùng cũng chỉ với tới 6m. Còn nhà văn ở nơi khác, tài người ta nhảy được 3m thôi, nhưng cái nền của họ đã là 5m, nên họ nhảy một phát đã đến ngay 8m.

Gần đây trường hợp Jonathan Littell có lẽ là một ví dụ sinh động. Anh ta 38 tuổi, quốc tịch Mỹ, nay sống ở Tây Ban Nha, nhưng viết bằng tiếng Pháp, và ngay tác phẩm đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, tiểu thuyết Các bà từ tâm (Les Bienvieillantes), dày gần nghìn trang, đã đoạt một lúc cả giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và giải Goncourt uy tín nhất ở Pháp.

Có người đã so sánh Les Bienveillantes với Chiến tranh và Hòa bình, và nhắc đến Lev Tolstoi, Cholokhov … Trên một nền tảng văn hóa như ta đang có, làm sao có thể nghĩ được đến một Les Bienveillantes?

4 tháng 9, 2008

Ý tưởng quan trọng thường chợt đến vào sáng sớm



Trương Gia Bình

Làm lãnh đạo không khó. Việc gì dễ thì làm. Việc khó thì gác lại. Thời gian sẽ giải quyết. Đó là cách tôi học được từ nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Lê Huy Ngọ. Quả vậy, khi mọi người đều đồng thuận thì quyết ngay. Còn khi chưa có đồng thuận thì thời gian sẽ đưa đến đồng thuận...

Vấn đề là đôi khi không có thời gian. Ở đây, đòi hỏi tính quyết đoán. Nếu trong mười việc khó, người lãnh đạo quyết đúng 6 việc là ổn, 7 việc là khá, 8 việc là giỏi, 9 việc là hiếm, còn trúng cả mười việc thì chỉ trong… chuyện cổ tích.

Còn chuyện khó nhất của người làm lãnh đạo là Tầm nhìn và Chiến lược. Trong việc khó này, tôi là một người may mắn. Cơ thể tôi như một cỗ máy kỳ lạ. Đôi khi tôi dậy sớm hơn thường lệ khoảng một tiếng và những ý tưởng quan trọng chợt đến. Gen trong quản trị kinh doanh, Áp dụng Nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào quản trị kinh doanh, xuất khẩu phần mềm, thác số, hội tụ số, FPT 2.0… đều đến với tôi như vậy. Kể cả chuyện viết blog này.

Một trong những người xúi tôi viết blog là anh Nguyễn Thành Nam – Tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT. Nam bảo: “Anh mở blog đi”. Bọn em có Blog Chợ Dưa (buôn dưa lê) vui cực” Chiều qua tôi có dịp nói chuyện với Trang Hạ - một blogger nổi tiếng. Trang Hạ bảo: “Trước hết, Anh cần xác định rõ ràng mục tiêu của blog. Đối với Em đó là tiền. Nhờ có blog mà em có đủ tiền để đi học ở Đài Loan”. Câu trả lời cho Trang Hạ tôi đã có trong một sáng dậy sớm nói trên.

Bản tính tôi là thích giao du, gặp gỡ với những người lý thú. Tôi học được rất nhiều từ họ. Nhiều người trở thành Thầy trường đời của tôi, nhiều người trở thành Người bảo trợ, cố vấn, nhiều người thành bạn, nhiều người thành cộng sự,… thành một phần quan trọng của đời tôi.

Và thế là một sáng sớm nọ, tôi tự hỏi: “Sao mình không mở blog? Tại sao mình chối bỏ phương thức “giao du” thuận tiện và hiệu quả này? Tại sao mình không “liều” làm cuộc đời mình phong phú hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn?”.

Tôi quyết định thành blogger như vậy đó!

(Nguồn: Bình ' Blog)
http://www.truonggiabinh.vn/ViewBlog.aspx?blogId=8df9072d-1df9-4101-b91d-96bf47599fea

Jack Ma tỉ phú thế giới về kinh doanh mạng




Carrie Gracie
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2008/04/080422_intv_jackma.shtml

Từ chỗ không biết gì về internet, Jack Ma trở thành tỉ phú thế giới về kinh doanh mạng Cuộc trò chuyện của phóng viên đài BBC Carrie Gracie với tỉ phú Trung Quốc Jack Ma, người sáng lập ra công ty internet Công ty Alibaba.com gần đây khiến các thị trường tài chính kinh ngạc khi có số cổ phiếu tung ra lớn nhất sau Google.

BBC: Jack Ma, cám ơn ông đã tham gia chương trình. Trước tiên hãy nhớ lại thời gian trước khi các nhà đầu tư van nài ông nhận tiền của họ như bây giờ, quay trở lại cách đây 5 năm, giả sử tôi muốn bỏ tiền đầu tư vào công ty Alibaba.com của ông, thì ông sẽ giới thiệu công ty này như thế nào?

Jack Ma: À, chúng tôi muốn xây dựng một công ty giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới kinh doanh qua mạng, và tôi tin rằng Trung Quốc sẽ là nước sử dụng internet lớn nhất thế giới, và nếu chúng tôi may mắn thì chúng tôi sẽ là một trong ba công ty internet hàng đầu thế giới trong 10 năm nữa.

BBC: Thế mọi sự có diễn tiến đúng theo chiều hướng đó không?

Jack Ma: Có chứ, thực ra chúng tôi đang tiến đến rất gần mục tiêu đó rồi. Công ty của chúng tôi được niêm yết vào tháng 11 năm ngoái và nó đã trở thành công ty internet lớn thứ năm trên thế giới, và chúng tôi đã có 24 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng trang mạng Alibaba của chúng tôi ở TQ, và có tới 4.4 triệu doanh nghiệp sử dụng trang mạng của chúng tôi ở ngoài Trung Quốc.

BBC: Thế ông lấy ý tưởng này từ đâu?

Jack Ma: Thực ra thì tôi bắt đầu công ty trên mạng đầu tiên vào năm 1995. Trước đó, tôi học để thành giáo viên dạy tiếng Anh, bản thân tôi cũng tự học tiếng Anh ở Trung Quốc, tôi đúng là 100% ‘made in China’ đấy. Thế rồi tôi có cơ hội tới Mỹ, đại diện cho chính phủ trong một dự án xa lộ. Và khi tôi tới Seattle, thì tôi được biết về internet, tôi mới nghĩ ‘Wow, cái này rồi sẽ có tiềm năng lớn, sẽ là thứ thay đổi thế giới đây’.

Thế rồi sau hai tuần, trở về TQ, tôi nói tôi muốn thành lập cái gọi là một công ty internet, và lúc đó thực sự khó mà có thể thuyết phục người ta internet là gì. Thế là tôi mời 24 người bạn tới nhà và giải thích với họ trong hai tiếng đồng hồ về những gì tôi sẽ làm. Mọi người bảo là ‘Jack ạ, anh chẳng biết gì về internet, anh chẳng biết gì về máy tính, anh lại chẳng có tiền’, thế thì tôi làm gì đây? Thế là sau hai tiếng đồng hồ, 23 người nói ‘thôi, bỏ ý định đó đi’. Chỉ một người nói rằng ‘Jack, nếu anh muốn thử thì cứ thử xem sao’.

Số người sử dụng internet tại TQ tăng mạnh trong thời gian gần đây

Sáng hôm sau, tôi quyết định bắt tay vào làm ăn, thế là tôi thành lập công ty internet đầu tiên của TQ mang tên chinapages.com, và tôi tự ví mình là một anh mù cưỡi trên lưng một con hổ mù. Tự biết về trình độ công nghệ của mình, và cũng chẳng có tiền, nhưng tôi cứ thử dấn bước đầu tiên. Thế là từ năm 1995 đến 1997, tôi ra sức thuyết phục các công ty lớn, nhưng họ đều từ chối, nói rằng họ không muốn. Thế nhưng các công ty vừa và nhỏ thì lại muốn sử dụng dịch vụ internet này. Và ý tưởng là xuất phát từ đó, chúng tôi sẽ giúp các công ty vừa và nhỏ trước, giúp họ bán sản phẩm.

BBC: Nhưng làm sao ông dám chắc như thế được? Ông tin tưởng dựa vào đâu, vì như ông nói thì lúc đó không ai ở TQ nghe gì về internet, chắc chắn là chưa ai sử dụng internet và đa phần các công ty vừa và nhỏ thậm chí còn chưa có máy tính nữa?

Jack Ma: Đúng vậy, bất cứ nơi nào tôi đến nhằm thuyết phục mọi người, người ta đều không tin. Nói chung là rất khó. Thế rồi trang nhà đầu tiên mà chúng tôi làm cho khách hàng là khi tôi tới một khách sạn Vọng Hồ ở Hàng Châu, là khách sạn bốn sao, và tôi nói quí vị có muốn đưa các thông tin về công ty quí vị lên internet hay không, và họ nói ‘chúng tôi không muốn trả tiền để làm chuyện đó’, tôi mới nói ‘các ông không phải trả tiền cho tới khi nào các ông nhận được phản hồi’, họ lại bảo: ‘ngay cả khi nhận được phản hồi chúng tôi cũng không muốn trả tiền’. Tôi chỉ còn biết nói OK. Thế là họ đưa cho tôi cuốn sổ thông tin về khách sạn, tôi phải dịch nó ra tiếng Anh, và bạn tôi ở Seattle tạo ra trang nhà cho họ, rồi in ra và gửi về TQ bằng dịch vụ UPS.

Tôi đảm bảo với khách hàng là trang nhà này đã có ở trên mạng internet, nhưng họ không tin. Thế là tôi phải bảo ‘đây, số điện thoại đây, các ông gọi cho bạn bè ở châu Âu hay Mỹ, tìm kiếm trên internet xem, nếu họ tìm thấy thì các ông phải trả tiền, nếu không thì các ông khỏi phải trả’. Thế rồi họ gọi cho bạn bè, tìm thấy thông tin trên internet, nhưng họ vẫn không trả tiền. Tuy nhiên vào năm 1995, có một hội thảo quốc tế về phụ nữ ở Bắc Kinh, và rất nhiều đại biểu trước khi tới TQ thì họ tìm kiếm thông tin trên mạng và tìm thấy khách sạn Vọng Hồ ở Hàng Châu, và họ nói chúng tôi muốn ở khách sạn này. Nhưng khách sạn Vọng Hồ là ở Hàng Châu, trong khi hội thảo ở tận Bắc Kinh, tức là cách đó những 1500km lận…

BBC:Trung Quốc đúng là một nước rất rộng…

Jack Ma: Vâng, nhưng có bốn phụ nữ, bốn quí bà, vẫn nói là họ muốn ở khách sạn đó, ngay cả khi hội thảo của họ ở tận Bắc Kinh, họ vẫn bay tới Hàng Châu ở đó một đêm vì đó là khách sạn đầu tiên họ tìm thấy trên internet.

BBC: Vì trang nhà quá đẹp chăng?

Jack Ma: Đúng vậy đấy! Và kể từ đó, tôi biết là có hi vọng. Và nếu cứ tiếp tục làm việc, tiếp tục thuyết phục mọi người, làm mọi thứ dễ dàng hơn thì điều đó thực sự có lợi và giúp ích cho các doanh nghiệp. Vậy là chúng tôi không bao giờ thay đổi giấc mơ của mình cả.

BBC: Đúng là không chỉ có ý tưởng tốt, mà còn phải hết sức kiên nhẫn nữa, có đúng không ạ?

Jack Ma: Đúng vậy, đừng bao giờ bỏ cuộc.

BBC: Nói chung đây đúng là thành quả rất ấn tượng của một người tự học tiếng Anh như ông, bắt đầu là một hướng dẫn viên du lịch, rồi lại còn trượt đại học không chỉ một mà hai lần đúng không ạ?

BBC: Ba lần ạ?

Jack Ma: Vâng, ba lần.

BBC: Và bị từ chối khi xin vào làm việc tại một hàng ăn nhanh?

Jack Ma: Vâng, ở nhà hàng gà rán Kentucky

BBC: Từ chỗ còn chưa biết gì về internet cách đây hơn một thập kỷ, thế mà giờ đây là một tỉ phú internet, ông có tự hào về bản thân không?

Jack Ma: Không, không hẳn đâu. Tôi tự hào về đội ngũ làm việc của mình, và tôi là một người rất may mắn, may mắn sống ở thời có internet, và lại ở Trung Quốc vào lúc nhà nước cộng sản phát triển, và may mắn có những người tuyệt vời làm việc cùng tôi

BBC: Nhưng câu chuyện này không đơn thuần chỉ là một chuỗi những may mắn đúng không ạ?

Jack Ma: Tôi nghĩ chúng tôi đã có một số quyết định tốt, ngay cả khi chịu áp lực rất lớn hay trước những cám dỗ rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn đưa ra được quyết định tốt. Là một doanh nhân, anh phải luôn thật lạc quan; nếu chẳng ai làm cho tôi hạnh phúc thì tôi phải tự làm cho mình hạnh phúc.

BBC: Một lời thú nhận khá là đáng ngạc nhiên đây. Thế chuyện đó không làm ông lo ngại à, vì nó có thể khiến ông ở vào thế dễ bị tổn thương?

Jack Ma: Không hề, tôi chẳng lo lắng tí nào. Bất cứ cái gì mà các kỹ sư trong công ty của tôi sáng chế ra thì tôi thường là người thử nghiệm đầu tiên. Nếu tôi không dùng được thì chắc rằng 80% người khác cũng không dùng được và tôi sẽ quẳng nó vào sọt rác, vì tôi luôn muốn chỉ cần một cú click chuột là có được cái mà tôi cần. Tôi không thích đọc các sách hướng dẫn dài dòng.

BBC: Chúng ta hãy nói về ông một chút nữa, vì cùng với một số đại gia internet khác ở TQ, ông đã gia nhập danh sách các tỉ phú của thế giới. Ông có thấy hài lòng không? Là một người cực kỳ giàu có thì có thích không?

Jack Ma: Không hề. Tôi nghĩ thời gian mà tôi hạnh phúc nhất là khi tôi dạy ở đại học, lương tháng chỉ được 10 dollar thôi. Khi đó, tôi có ước mơ là giá làm thêm hai tuần nữa thì sẽ đủ tiền mua một chiếc xe đạp. Nói thì mọi người không tin, nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ là mình sẽ trở thành tỉ phú. Tôi nghĩ giàu có cũng là một gánh nặng lớn đấy, vì chị biết đấy, tôi không xài nhẫn, đồng hồ, không thích những thứ sang trọng…

BBC: Thời gian (lam viec trong co quan nha nuoc) đó chẳng được bao lâu đúng không ạ?

Jack Ma: Lúc đó, lãnh đạo của tôi và tôi có ý kiến rất khác nhau. Lãnh đạo của tôi lúc đó cho rằng việc làm quen qua mạng sẽ thay đổi trước thương mại điện tử. Nói chung là chúng tôi có quan điểm khác nhau, và thế là tôi bỏ. Thế nên một phương châm nữa tôi tự đưa ra cho mình là ‘Yêu chính phủ thì được, đừng cưới người ta làm gì’ - tức là có thể nói, giảng giải cho họ nhưng đừng làm ăn với họ.

Alibaba.com

1 tháng 9, 2008

Phát triển bền vững ở Tây Nguyên



Nguyên Ngọc

(HOCMOINGAY) Tiếp theo loạt bài về Tây Nguyên ở bút ký "Bằng đôi chân trần" (Nhà Xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2008, 302 trang),tác phẩm "Phát triển bền vững ở Tây Nguyên" là bản tổng kết quan trọng, cô đọng và tâm huyết của nhà văn Nguyên Ngọc về tính nghiêm trọng của các vấn đề Tây Nguyên. Làm gì để giải quyết?

1. MỘT SỐ NÉT TỔNG QUAN

1.1 Khái niệm Tây Nguyên
Theo địa lý hành chính hiện nay, Tây Nguyên gồm có năm tỉnh, kể từ bắc vào nam: Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng. Tuy nhiên cần chú ý các tỉnh ven biển miền Trung và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ đều có một vùng rừng núi khá rộng, cũng là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn tỉnh Quảng Nam, là tỉnh duyên hải, lại có đến 56 % diện tích là vùng núi và vùng dân tộc, tại đấy có dân tộc Cơ-tu là một dân tộc quan trọng ở khu vực nam Trường Sơn. Miền tây tỉnh Quảng Ngãi cũng có vùng núi và là vùng dân tộc tương tự, thì có dân tộc Hre cũng là một dân tộc quan trọng. Dân tộc Rakglei thì sống chủ yếu ở miền tây các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Một số tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng có vùng núi và là vùng dân tộc khá rộng. Vùng Cát Tiên, nơi có di tích nổi tiếng của dân tộc Mạ, nằm phần lớn trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sóc Bombo mà chúng ta đều biết qua bài hát quen thuộc cũng thuộc Bình Phước… Như vậy khái niệm Tây Nguyên xét về các về mặt dân tộc, văn hoá, xã hội, có thể cả lịch sử và địa lý, thật ra rộng hơn vùng được quy định theo địa lý hành chính. Có người đã dùng khái niệm Nam Trường Sơn để chỉ vùng này, có thể đúng hơn.

1.2 Đặc điểm địa lý
Trong tác phẩm Rú Mọi (Les jungles Mois – NXB Tri Thức dịch với tên là Rừng người Thượng), cho đến nay vẫn được coi là công trình khảo sát cơ bản nhất về Tây Nguyên, tác giả Henri Maitre cho rằng Tây Nguyên không phải là một dãy núi – như vẫn được gọi trước nay (Trường Sơn, Chaîne annamitique) – mà là một bình nguyên nằm trên cao. Trong một kỷ địa chất xa xôi nào đó, vùng đất này do chấn động của vỏ trái đất đã được nâng cao lên đột ngột so với chung quanh, tạo thành một cao nguyên lớn.

Về địa hình, Tây Nguyên có hai đặc điểm đáng chú ý:



Cao vút ở hai đầu, cực bắc là cụm núi Atouat, với đỉnh Ngok Linh 2598 mét, cao nhất toàn Tây Nguyên và toàn miền Nam ; cực nam là dãy Chư Yang Sin, 2402 mét (là đỉnh cao nguyên Lang Biang). Giữa hai cụm núi ấy là một bình nguyên mênh mông, bằng phẳng, chỉ có những nếp lượn sóng liên tục. Đứng tại thành phố Buôn Ma Thuột chẳng hạn nhìn quanh, thấy cụm núi quan trọng nhất của tỉnh Đắc Lắc là núi Đ’leya, cũng xa tương tự như từ Hà Nội nhìn lên Ba Vì hay Tam Đảo…

Đặc điểm địa hình thứ hai rất quan trọng của Tây Nguyên là dốc đứng trên sườn phía đông, đổ xuống các tỉnh duyên hải nam Trung Bộ, tạo thành một bức trường thành sừng sững. Chính điều này khiến người Việt ở các tỉnh ven biển nam Trung Bộ nhìn ngược lên hướng tây đã nhầm Tây Nguyên là một dãy núi dài. Từ đồng bằng duyên hải nam Trung Bộ đi lên Tây Nguyên chỉ có một số đường độc đạo, ngày trước là các đường 19 từ Quy Nhơn, qua đèo An Khê và đèo Mang Giang lên Pleiku, rồi có thể đi tiếp qua Stung Treng của Cămpuchia; đường 26, từ Nha Trang - Ninh Hòa qua đèo Phượng Hoàng lên Buôn Ma Thuột; đường 28 từ Phan Rang qua đèo Ngoạn Mục lên Đà Lạt. Gần đây đã sửa chữa, nâng cấp và mở thêm một số đường khác, như các đường 14 từ Đà Nẵng và Quảng Nam lên Kontum, đường 24 từ Quảng Ngãi lên Kontum, đường 25 từ Tuy Hòa, Phú Yên lên Pleiku, v.v… Đáng chú ý, chẳng hạn nếu theo đường 19 Quy Nhơn - Pleiku thì sau khi lên khỏi đèo An Khê rất cao, ta lại tiếp tục đi bằng chứ không hề xuống dốc, sau đó cách khoảng vài chục km sẽ gặp đèo Mang Giang cũng rất cao và hiểm trở, vượt qua rồi lại tiếp tục đi bằng, đến Pleiku, sau đó sẽ xuôi dần thoai thoải về hướng tây đến bờ sông Mékông. Tức trong khi sườn phía đông dốc đứng, thì sườn phía tây của Tây Nguyên khá bằng phẳng, thoải thoải đổ về Mékông. Đặc điểm địa hình này sẽ rất quan trọng trong quan hệ của Tây Nguyên với các “lân bang” trong lịch sử lâu dài: quan hệ về phía tây, với Cămpuchia và với Lào, thuận tiện hơn là với Champa (và sau đó với Đại Việt) ở phía đông. Các bộ lạc ở Tây Nguyên quan hệ với “lân bang” trên vùng duyên hải phía đông chủ yếu do nhu cầu tìm muối mà Tây Nguyên hoàn toàn không có. Ở Tây Nguyên có hai địa danh đáng chú ý: Trong tiếng Ê Đê, buôn có nghĩa là làng (Buôn Hồ, Buôn Sam, Buôn Ma Thuột…), nhưng lại có Bản Đôn ở Đắc Lắc, phía tây Buôn Ma Thuột, sâu về phía nam Tây Nguyên, gần biên giới Cămphuchia. Bản là tiếng Lào, có nghĩa là làng. Bản Đôn chính là một trạm buôn của người Lào cắm sâu vào đây từ rất xưa, đến nay kiến trúc nhà cửa trong làng vẫn còn nhiều dấu vết Lào, người dân vẫn hiểu thông thạo tiếng Lào. Đây cũng chính là vùng dân tộc Mơ Nông, rất giỏi nghề săn bắt và thuần dưỡng voi. Rất có thể chính người Lào đã truyền nghề này cho người Mơ Nông… Trong cụm núi Ngok Linh lại làng Mường Hon. Mường chắc chắn là tiếng Lào, cũng có nghĩa là làng. Đây có thể là một làng người Lào vào định cư đã lâu đời trong cụm núi lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa… Rõ ràng quan hệ của người Lào với các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đã khá sâu.

Tây Nguyên vốn là một vùng đất núi lửa, hiện nay còn rất nhiều dấu vết núi lửa. Biển Hồ khá rộng ở phía bắc thị xã Pleiku chính là một miệng núi lửa cổ. Núi Hàm Rồng ở nam thị xã Pleiku còn rất rõ dấu vết miệng núi lửa. Ở Đắc Lắc có huyện Chư Mơgar, có nghĩa là “Núi Ngược”, vì miệng núi lửa cổ lõm xuống trên đỉnh khiến ngọn núi này trông như có đỉnh lộn ngược… Chính nham thạch núi lửa đã khiến Tây Nguyên trở thành một vùng đất bazan lớn nhất nước, chiếm đến 60% kho đất bazan của cả nước. Đất bazan đặc biệt thích hợp với một số cây công nghiệp như cà phê, cao su…

Tây Nguyên cũng là vùng có hệ động vật và thực vật phong phú nhất nước.

Về khí hậu, Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến giữa tháng 5, và mùa mưa từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Đất bazan là loại đất không giữ nước, nước mưa trượt đi trên bề mặt, về mùa khô Tây Nguyên gần như hoàn toàn không có nước.

1.3 Sơ lược lịch sử
1.3.1 Tiền sử
Năm 1948, nhà dân tộc học người Pháp Goerges Condominas tìm được bộ đàn đá tiền sử ở làng Nđut Liêng Krak thuộc huyện Krông Nô tỉnh Đắc Lắc. Đây là bộ đàn đá đầu tiên tìm được trên thế giới. Về sau nhiều bộ đàn đá khác còn được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc Tây Nguyên và ven Tây Nguyên. Đáng chú ý hệ thang âm của các đàn đá này trùng hợp với thang âm các bộ chiêng của các dân tộc Tây Nguyên hiện nay (thang ngũ âm, nhưng khác với thang ngũ âm Trung Hoa, mà lại gần thang âm tìm thấy ở một số nhạc cụ trên các đảo nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương). Tức có thể có một mối quan hệ nào đó còn chưa giải thích được giữa chủ nhân các bộ đàn đá tiền sử ấy (được xác định niên đại là cách đây 3000 năm) với các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên hiện nay, và cũng có thể có một dòng chảy của con người từ những vùng xa xôi từ phía nam đến Tây Nguyên trong những thời kỳ rất xa xưa.

Cách đây vài chục năm, trong khi chuẩn bị làm Thủy điện Ya Ly (trên vùng giáp giới hai tỉnh Kontum và Gia Lai), đã tiến hành khai quật di chỉ Lung Leng, nơi sẽ là lòng hồ. Đã phát hiện được tại đây dấu vết hết sức quan trọng của một nền văn hoá cổ, từ thời Đồ đá cũ, Đồ đá mới sang đến Đồ đồng… Từ sau đó, công tác khảo cổ ở Tây Nguyên được chú ý hơn, đã liên tục phát hiện nhiều khu di tích quan trọng khác, ở hầu khắp Tây Nguyên. Đã tìm được cả trống đồng ở nhiều nơi. Công tác khảo cổ ở Tây Nguyên nói chung chỉ mới bắt đầu, chưa đủ cơ sở cho những kết luận thật đáng tin cậy. Song bước đầu đã có thể thấy một số điểm đáng chú ý: các di vật đồ đá và đồ đồng tìm thấy ở Tây Nguyên rất gần với Đông Sơn, trong khi đồ gốm lại gần với văn hoá Sa Huỳnh. Như vậy ít ra có thể thấy nền văn hoá tiền sử ở Tây Nguyên từng có giao lưu rộng rãi với cả hai nền văn hoá lớn này ở phía bắc và phía nam…

Công cuộc khảo cổ ở Tây Nguyên chắc chắn còn hứa hẹn nhiều khám phá mới quan trọng.

1.3.2 Tây Nguyên trước thời Nam tiến của người Việt. Quan hệ của các dân tộc Tây Nguyên với Cămpuchia, Lào, Champa (và sau đó với Đại Việt).
Trước khi có cuộc Nam tiến của người Việt, vương quốc Champa xem Tây Nguyên nửa như một nước chư hầu nửa như vùng đất phía tây của mình. Trong thực tế triều đình Champa không hề kiểm soát được Tây Nguyên. Suốt một thời kỳ lịch sử rất lâu dài, Tây Nguyên là vùng sinh sống của các bộ lạc độc lập và tự trị. Trong đó đông nhất, mạnh nhất, chặt chẽ nhất là người Gia Rai, sống ở vùng trung Tây Nguyên. Trong người Gia Rai có các nhân vật rất đặc biệt gọi là P’tao Pui, P’tao Ia và P’tao Nhinh, mà người Việt dịch là “Vua Lửa”, “Vua Nước”, “Vua Gió”, người Pháp cũng dịch là “Roi du Feu”, “Roi de l’Eau”, “Roi du Vent”. Cách dịch “Vua”, “Roi” là không chính xác. Thật ra đây là một kiểu thủ lĩnh tinh thần và tâm linh rất độc đáo trong xã hội Gia Rai, một kiểu “thầy cúng” có uy tín lớn, đóng vai trò là người giữ mối quan hệ giữa Thần linh và con người, giữa thế giới “bên trên” và xã hội trần thế, không có bất cứ quyền hành thế tục và quyền lợi ưu tiên nào, nhưng lại là một thứ trung tâm cố kết và “điều hành” toàn bộ xã hội này một cách hết sức chặt chẽ và hiệu lực, kể cả trong quan hệ đối ngoại với các “lân bang”. Trong tác phẩm nghiên cứu rất công phu và đặc sắc “P’tao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương” (P’tao, une théorie du pouvoir chez les indochinois Jarai), nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes đã có sự phân tích và giải thích rất sâu sắc về các nhân vật này và một kiểu quyền lực cũng hết sức độc đáo ở xã hội Gia Rai nói riêng và xã hội Tây Nguyên nói chung, còn tồn tại cho đến rất gần đây, thậm chí còn ảnh hưởng tiềm tàng đến tận ngày nay.

Các P’tao là người Gia Rai, sống ở vùng Gia Rai, nhưng tầm ảnh hưởng lan rất rộng, sâu trên nhiều vùng dân tộc khác, thậm chí sang cả Cămpuchia. Trong nhiều thời kỳ, triều đình Cămpuchia từng coi các P’tao ở Tây Nguyên như một kiểu “vua thần”, định kỳ có dâng cống vật. Người Cămpuchia gọi các P’tao là Sadet (gần với từ Samdeth). Về sau, các “Vua Nước” và “Vua Gió” giảm dần ảnh hưởng rồi mất hẳn, chỉ còn “Vua Lửa”… Chúng tôi nghĩ việc nghiên cứu hình thái tổ chức xã hội với các P’tao của người Gia Rai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm hiểu sâu sắc Tây Nguyên, con người, văn hoá, tổ chức xã hội cổ truyền… ở vùng đất đặc biệt này. Thậm chí cũng còn có thể cho phép chúng ta hình dung chừng nào về các xã hội cổ từng tồn tại trên vùng đất nay là bán đảo Đông Dương.

Tây Nguyên quan hệ với các “lân bang” chính là qua các P’tao. Quan hệ nhiều nhất là với Cămpuchia. Trong nhiều thời kỳ dài đã thường xuyên có các đoàn “sứ giả” đi lại hằng năm giữa các P’tao và triều đình Cămpuchia, trao đổi cống vật giữa hai bên. Trong quan hệ này đáng chú ý là về phía Cămpuchia đối với các P’tao Tây Nguyên là có tính chất “dâng lên”, còn từ phía các P’tao với các vua Cămpuchia là “ban xuống”. Do địa hình và cả chủng tộc, người Lào đã có quan hệ lâu đời và sâu với các dân tộc ở Tây Nguyên. Quan hệ của Tây Nguyên với Champa lại có những nét riêng khác: Trong thực tế, triều đình Champa đối xử với Tây Nguyên như với một “lân bang” phía tây của mình, cũng có quan hệ trao đổi cống vật định kỳ (với các P’tao) nhưng không chặt chẽ bằng phía Cămpuchia. Mặt khác, người Gia Rai, dân tộc lớn nhất và quan trọng nhất ở Tây Nguyên với người Chàm đều cùng thuộc một ngữ hệ Malayo-Polynésien nên rất gần gũi nhau, thậm chí có tác giả còn cho rằng người Gia Rai chính là người Chàm dạt lên Tây Nguyên trong những điều kiện và những thời gian lịch sử nào đó. Hiện còn có một số dấu vết các tháp Chàm ở vùng Gia Rai…

Trong quá trình Nam tiến, người Việt đã mất trên ba trăm năm mới giải quyết xong vùng đồng bằng ven biển Champa, sau đó đi tiếp về nam, đứng chân được trên vùng đất Thủy Chân Lạp vừa xong thì cũng là lúc người Pháp tràn vào. Do vậy triều đình Việt chưa có thời gian quan tâm nhiều đến vùng đất cao phía tây và các bộ lạc sống trên đó. Triều đình Huế cũng có phái một số quan chức lên tìm hiểu và bắt quan hệ với các bộ lạc Tây Nguyên, tất nhiên với ý đồ chinh phục. Tuy nhiên công cuộc này cũng còn rất sơ sài, các phái viên triều đình có gặp Vua Nước, Vua Lửa, mà họ gọi là Thủy Xá, Hỏa Xá, đặt quan hệ “triều cống” định kỳ của các vị này với triều đình và “ban tước” của triều đình cho các vị này, và vì hiểu rằng đây quả thực là các “Vua” nên họ yên trí như vậy là đã nắm được toàn bộ Tây Nguyên. Có hiện tượng đáng chú ý: triều Nguyễn đã từng thiết lập một hệ thống “đồn sơn phòng” suốt dọc các tỉnh trung Trung bộ trên ranh giới giữa vùng người Việt và vùng sinh sống của các dân tộc thiểu số ở phía tây, riêng ở Quảng Ngãi còn lập cả một bờ lũy dài hơn trăm km ngăn cách giữa hai vùng, chứng tỏ triều đình coi phía bên kia là một “nước” khác, có thể là một thứ “man” chư hầu…

1.3.3 Người Pháp với Tây Nguyên
Quá trình xâm nhập của người Pháp vào Tây Nguyên khá lâu dài và sâu. Đầu tiên là các nhà truyền giáo. Do chính sách “sát tả”, bài trừ Cơ đốc giáo của các vua đầu triều Nguyễn, các nhà truyền giáo Cơ đốc đã tìm đường lánh lên vùng rừng núi Tây Nguyên có thể an toàn hơn. Họ đã đi bằng nhiều đường khác nhau, sau nhiều lần thất bại cuối cùng đã lên được đến vùng người Ba Na ở Kontum và thiết lập được xứ đạo đầu tiên trên cao nguyên tại đây. Tại Đại chủng viện ở thị xã Komtum hiện nay có một bảo tàng (được gọi là “Phòng truyền thống”) minh họa khá sinh động và chính xác con đường truyền đạo Cơ-đốc lên Tây Nguyên. Nhiều nhà truyền giáo cũng là những nhà dân tộc học tận tụy và uyên bác. Chính họ đã để lại những công trình nghiên cứu đa dạng và sâu sắc về Tây Nguyên.

Đồng thời và tiếp sau các nhà truyền giáo là các “phái bộ” (mission) khảo sát, vừa là những người tiên phong đi chuẩn bị và dọn đường cho việc chinh phục, đồng thời cũng là những nhà khoa học được đào tạo rất cơ bản, ít nhất ở hai trường Dân tộc học và Trường Pháp quốc hải ngoại (École française d’Outre-mer), một số người là sĩ quan quân đội. Nhiều phái bộ như vậy đã đi hầu khắp Tây Nguyên, không bỏ sót một vùng nào, nghiên cứu hoặc một cách tổng thể về vùng đất và người này, hoặc về từng phương diện, từng tộc người, từng vùng riêng biệt. Một trong những phái bộ đó, do Henri Maitre dẫn đầu, đã để lại một tác phẩm đồ sộ đến nay vẫn là công trình khảo sát cơ bản, toàn diện và tỉ mỉ nhất về Tây Nguyên, chưa ai vượt qua được. Công trình này có tên là Les jungles Mois (Rú Mọi), gồm hai phần, phần đầu là Nhật ký hành trình của phái bộ xuyên suốt Tây Nguyên, phần hai trên cơ sở tổng kết toàn bộ các khảo sát, dựng nên bức tranh toàn diện về Tây Nguyên. Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã tổ chức dịch phần hai công trình này, dưới cái tên Rừng người Thượng, đang được in ở nhà xuất bản Tri Thức.

Tiếp sau các phái bộ khảo sát là các nhà cai trị, cũng được đào tạo rất cơ bản về nhân chủng học, dân tộc học trước khi sang Việt Nam. Rất nhiều người trong số này, như Sabatier, công sứ Pháp đầu tiên ở Đắc Lắc, là nhà khoa học uyên bác. Ông là người đầu tiên sưu tầm và dịch ra tiếng Pháp trường ca Đam San, cũng đã sưu tầm và hệ thống hoá toàn bộ luật tục Ê Đê. Ông từng cai trị tỉnh Đắc Lắc bằng một kiểu “Tòa án Luật tục”, kết hợp khôn khéo luật tục của người Ê Đê với luật chung cho toàn Đông Dương. Bên cạnh những viên quan cai trị này, còn có những nhà chuyên môn giỏi và tâm huyết trong nhiều lĩnh vực, như Antomarchi, một nhà ngôn ngữ học lão luyện, người đã đặt ra vần chữ cái La tinh đầu tiên cho tiếng Ê Đê. Thậm chí còn có những bác sĩ như Jouin, vừa là một thầy thuốc nổi tiếng, vừa là một nhà dân tộc học sâu sắc…

Sau cùng đến lượt các nhà khoa học chuyên nghiệp, như G. Condominas, A. de Hautecloque-Howe, Boulbet, Maurice…, thường đi sâu và ở lại lâu dài trong các vùng thực địa, để lại những công trình quan trọng hoặc về từng dân tộc hoặc về từng vấn đề dân tộc học lớn ở Tây Nguyên. Có người như Jacques Dournes, là một linh mục đến Tây Nguyên, ở lại suốt hai mươi lăm năm, cuối cùng bỏ đạo, sống theo phong tục Tây Nguyên, là một nhà Tây Nguyên học lớn…

Công cuộc chinh phục Tây Nguyên của người Pháp diễn ra song song với cuộc xâm chiếm Việt Nam và toàn Đông Dương. Ở Tây Nguyên họ cũng gặp phải sự kháng cự của các bộ lạc bản địa. Trước đây, giữa các bộ lạc ở đây vẫn thường diễn ra chiến tranh, chủ yếu để cướp tù binh bán sang các nước chung quanh làm nô lệ. Vốn là những dân tộc quen sống tự do, phóng khoáng, có ý thức tự trọng và tinh thần thượng võ cao, không chịu bất cứ sự áp bức, áp đặt nào, họ đã đứng lên chống lại những người mới đến mang tới một ách thống trị xa lạ. Tuy nhiên những cuộc kháng cự thường rời rạc, một vài phong trào liên kết được một số vùng tương đối rộng không tồn tại được lâu. Song cũng có những vùng cuộc đấu tranh diễn ra khá dai dẳng, thậm chí có nơi suốt gần trăm năm đô hộ người Pháp vẫn không hoàn toàn thiết lập được bộ máy cai trị.

Khi đã chiếm được toàn bộ Đông Dương, người Pháp đã chia bán đảo này ra thành năm xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao miên. Vậy nên phân Tây Nguyên về đâu? Họ có cái mà Jacques Dournes, trong tác phẩm P’tao… của ông, gọi là “logique du découpage” (lô gích của sự phân cắt), tất nhiên là lô gích phân cắt sao cho thuận tiện hơn cả đối với sự cai trị của chính quyền thực dân. Thấy trong các “lân bang” trước nay, người Lào đã xâm nhập vào Tây Nguyên sâu hơn cả, về mặt chủng tộc cũng tương đối gần gũi, nên họ cắt Tây Nguyên về Lào. Một thời gian sau, nhận thấy thủ đô Lào đặt ở Viêng Chăn quá xa, khó với tới Tây Nguyên, đến năm 1904 Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định giao Tây Nguyên về cho triều đình Huế. Như vậy về mặt pháp lý (của chính quyền thực dân), từ năm 1904 Tây Nguyên mới chính thức thuộc về Trung Kỳ, và từ đó thuộc về Việt Nam.

Chủ trương của người Pháp đối với Tây Nguyên trước sau không hoàn toàn thống nhất. Viên công sứ Pháp đầu tiên cai trị Tây Nguyên là Sabatier (lúc bấy giờ toàn bộ Tây Nguyên được coi là một tỉnh gọi là tỉnh Kontum, thủ phủ đặt ở Buôn Ma Thuột) chủ trương “bảo tồn” nguyên vẹn Tây Nguyên, ngăn không cho người Việt, người Hoa, và cả người Pháp lên sinh sống và khai thác Tây Nguyên. Ông muốn giữ không chỉ đất đai, mà cả con người, văn hoá, xã hội Tây Nguyên mà ông khá am hiểu trong trạng thái đúng như khi nó được “tìm thấy”, không để cho vùng đất, người, văn hoá và xã hội cổ truyền tốt đẹp này bị tổn thương vì sự xâm nhập của các thế lực ngoại lai. Ông kiên trì thu phục được các tù trưởng bản địa (Ama Thuột chính là một tù trưởng có ảnh hưởng lớn trong vùng Ê Đê, đã quy thuận, hợp tác với Sabatier, và làng của ông, Buôn Ma Thuột [có thể dịch sát nghĩa: Làng của Cha thằng Thuột], trở thành thủ phủ của toàn vùng. Sabatier tự biến mình thành một tù trưởng đứng đầu toàn xứ, tổ chức nhiều cuộc ăn thề kết nghĩa trung thành với các tù trưởng lớn trong vùng, thiết lập một bộ máy và một phương thức cai trị dựa trên luật tục của các dân tộc bản địa…

Chính sách “đóng cửa Tây Nguyên” của Sabatier vấp phải sự chống đối của các thế lực thực dân muốn đổ xô vào khai thác vùng đất màu mở này. Cuối cùng, do áp lực gay gắt của họ, Sabatier bị lật đổ, ông đã thất bại trong ý đồ có thể tốt đẹp nhưng ảo tưởng của ông… Từ đó các nhà thực dân Pháp mới bắt đầu khai thác Tây Nguyên, chủ yếu là lập các đồn điền cà phê, cao su, chè do người Pháp làm chủ, sử dụng một số công nhân người Việt được đưa lên đây, và dần dần có thêm ít nhiều công nhân người Tây Nguyên…

Chính trong thời gian cai trị của người Pháp, đã đào tạo được một số trí thức trong các dân tộc bản địa Tây Nguyên, chủ yếu trong hai ngành y tế và giáo dục. Hầu như tất cả các trí thức này về sau đều trở thành cán bộ nòng cốt của cách mạng ở Tây Nguyên…

Chỉ hơn một tháng sau Cách mạng Tháng Tám, quân Pháp đã trở lại đánh chiếm Nam Bộ, tiếp liền sau đó là Tây Nguyên. Đáng chú ý là suốt 9 năm chiến tranh Pháp không chiếm được vùng duyên hải Nam Trung Bộ từ nửa tỉnh Quảng Nam vào đến Phú Yên, nhưng họ lại tập trung sức quyết chiếm Tây Nguyên. Ấy là vì vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Tây Nguyên, về mặt quân sự “ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ cả miền nam Đông Dương”. Cuộc kháng chiến 9 năm ở vùng Nam Trung Bộ (lúc bấy giờ gọi là Liên khu 5) chính là cuộc giành giật quyết liệt giữa ta và địch vùng cao nguyên chiến lược này. Chính qua cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung này mà các dân tộc Tây Nguyên đã trở nên gần gũi và gắn bó ngày càng sâu sắc với cách mạng, với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trở thành một bộ phận khắng khít không thể tách rời của cộng đồng rộng lớn đó. Từ những cơ sở chính trị đầu tiên được kiên trì xây dựng, tiến lên thành những cơ sở du kích vũ trang, các làng chiến đấu kiên cường, đến cuối những năm kháng chiến chống Pháp Tây Nguyên đã có thể trở thành địa bàn thuận lợi cho các đơn vị chủ lực mở những chiến dịch ngày càng lớn, cho đến chiến dịch Đông- Xuân 1953-54, phối hợp với Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kontum và toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên…

Từ sau năm 1954 đến năm 1959-60, Tây Nguyên đã trải qua một giai đoạn rất đặc biệt. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng ở miền Nam bị đánh phá hết sức ác liệt, tổn thất nặng nề trong các chiến dịch “chống cọng, tố cọng” của chính quyền Sài Gòn. Những cán bộ cọng sản không còn trụ lại được ở đồng bằng phải lánh lên miền núi để bảo tồn lực lượng. Họ phải lặn mình trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, dựa vào dân, được dân bảo vệ, nuôi dưỡng mà tồn tại. Chính trong hoàn cảnh này công tác vận động quần chúng đã được thực hiện tốt hơn cả. Để tồn tại, và là tồn tại để rồi sẽ đến lúc bùng dậy giành lại thế tấn công, những người cọng sản không chỉ dựa vào dân để được che chở mà còn phải ra sức gây dựng và phát triển tốt nhất, sâu nhất mọi mặt đời sống xã hội ở vùng dân tộc, và để làm được điều đó lại phải hiểu biết sâu sắc hơn bao giờ hết những đặc điểm quan trọng nhất của xã hội này, tôn trọng và vận dụng những đặc điểm đó trong công tác vận động quần chúng. Kết quả là trong khi phong trào cách mạng ở đồng bằng phải trải qua một giai đoạn thoái trào nghiêm trọng, thì ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngược lại không hề có thoái trào, mà là phát triển mạnh mẽ và sâu sắc. Thậm chí ở một số vùng đã thực hiện được những điều kỳ lạ: như ở vùng người Cơ Tu và người Cà Dong thuộc miền núi Quảng Nam, một số cán bộ trụ bám ở lại tại đây đã tự mình mày mò sáng tạo ra chữ viết cho hai dân tộc này và từ năm 1954 đến năm 1959 đã thanh toán xong nạn mù chữ trong đồng bào dân tộc ở đây… Chính trên cơ sở đó mà khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ Tây Nguyên đã đạt đến một thời kỳ có thể gọi là cao trào, sự đóng góp của Tây Nguyên vào công cuộc chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn. Không thể hình dung cuộc chiến đấu vĩ đại này và chiến công giải phóng Sài Gòn nếu không có Tây Nguyên…

Tóm lại, do những điều kiện lịch sử đặc trưng, các dân tộc Tây Nguyên đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam khá muộn, nhưng quá trình gia nhập và gắn bó với cộng đồng này lại rất nhanh và sâu sắc. Cho đến năm 1975, tình hình Tây Nguyên là rất tốt về mọi mặt.

1.3.4 Về các dân tộc Tây Nguyên.
Tây Nguyên có khoảng 20 dân tộc khác nhau. Nói là “khoảng” vì có dân tộc theo bảng phân định dân tộc chính thức của nhà nước hiện nay được coi là một nhánh của một dân tộc chung lớn hơn, nhưng cho đến nay lại không chịu chấp nhận cách phân loại đó mà tự coi mình là một dân tộc riêng. Như người Cà Dong ở miền núi tây Quảng Nam, theo bảng phân loại dân tộc học của nhà nước là một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, nhưng hầu hết người Cà Dong nhất định tự coi mình là một dân tộc riêng với tất cả các đặc điểm riêng của một dân tộc độc lập…

Các dân tộc ở Tây Nguyên thuộc hai ngữ hệ khác nhau: Môn-Khơme (hay Nam Á) và Malayo-Polynésien (hay Nam Đảo). Quan sát sự phân bố các dân tộc ở Tây Nguyên theo ngữ hệ có thể thấy một điều đáng chú ý: thuộc ngữ hệ Môn-Khơme có các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên từ khoảng giữa tỉnh Gia Lai hiện nay trở ra, như các dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu, Dẻ Triêng, Rơ Mâm, Ba Na, Brâu…, và các dân tộc ở miền Nam Tây Nguyên từ nửa tỉnh Đắc Lắc trở vào như các dân tộc Mơ Nông, Kơ Ho, Mạ, Sre, Stiêng… Chen vào giữa, trên vùng đất từ giữa tỉnh Gia Lai hiện nay cho đến nửa tỉnh Đắc Lắc, là các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-Polynésien gồm người Gia Rai, người Ê Đê, người Chu Rú, người Rakglei. Người Chàm sống ở vùng duyên hải nam Trung Bộ cũng thuộc ngữ hệ này. Có tác giả đã giải thích hiện tượng này như sau: Từ xa xưa Tây Nguyên vốn là vùng đất của các dân tộc Môn-Khơme. Các dân tộc Malayo-Polynésien đã từ các đảo phía nam đến, trước tiên đổ vào dải đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ hiện nay. Các dân tộc này đã chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, trong số đó riêng người Chàm đã phát triển thành một vương quốc hùng mạnh, và ép các dân tộc ở cạnh mình ra, buộc họ phải tìm cách tràn lên vùng đất cao phía tây. Do địa hình dốc đứng trên sườn phía đông của cao nguyên này, họ chỉ có thể tràn lên theo một số đường độc đạo nhất định: người Gia Rai đã lên theo đường đèo An Khê (tức đường 19 hiện nay) và đường Bà Lá, Cà Lúi, lên Cheo Reo, Ayun Par (tức đường số 25), chiếm cao nguyên Gia Lai; Người Ê Đê lên theo đường đèo Phượng Hoàng (tức đường 26 hiện nay) chiếm cao nguyên Đắc Lắc; Người Rakglei thì tạt lên mạn tây Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, ở đây địa hình dốc đứng cản trở họ có thể lên xa hơn. Như vậy các dân tộc Malayo-Polynésien đã từ đồng bằng nam Trung Bộ tiến về phía tây, chen vào giữa như một chiếc nêm, ép các dân tộc Môn-Khơme ra hai đầu. Đương nhiên điều này diễn ra trong những thời kỳ lịch sử rất xa xưa, có thể khi Biển Đông còn cạn, miền nam bán đảo Đông Dương có thể còn gắn liền với các đảo Nam Á.

Đông, mạnh nhất ở Tây Nguyên là dân tộc Gia Rai, rồi đến người Ê Đê, người Ba Na, người Xơ Đăng… Cũng có những dân tộc rất nhỏ như người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80 người…

2. HAI VẤN ĐỀ LỚN TRONG XÃ HỘI TÂY NGUYÊN CỔ TRUYỀN

2.1 Làng
Trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, vẫn còn rất đậm nét cho đến tận ngày nay, làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Không có đơn vị xã hội cao hơn làng. Trong nhiều ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên không có từ để chỉ đơn vị cao hơn làng. Boon trong tiếng Mơ Nông, Buôn trong tiếng Ê Đê, Plei trong tiếng Gia Rai, Ba Na, Veil trong tiếng Cơ Tu… đều có nghĩa là làng. Ngày trước trong một số dân tộc có từ T’ring dùng để chỉ liên minh giữa một số làng, nhưng đấy chỉ là những liên minh tạm thời để cùng nhau đối phó với một số trở lực nào đó, khi trở lực ấy đã được giải quyết thì những liên minh đó cũng tan rã, không hề có lãnh thổ và tổ chức hành chính tương đương.

Trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên cũng không có đơn vị nhỏ hơn làng. Ở đây ý thức về cá nhân chưa phát triển, không có cá nhân độc lập đối với làng. Khi gặp một người Tây Nguyên, hỏi anh ta tên gì, thì phản xạ tự nhiên đầu tiên của anh ta là trả lời: Tôi là người của làng X hay Y nào đấy. Gạn hỏi kỹ hơn nữa : Nhưng anh tên là gì ?, lúc đó anh ta mới trả lời rõ hơn : Tôi là A hay B ở làng X hay Y. Vẫn không thể quên làng. Con người là một bộ phận nhỏ chìm trong cộng đồng làng, hoaf tan trong làng, không thể tách rời khỏi làng. Ở Tây Nguyên, hình phạt nặng nề nhất, nổi đau đớn lớn nhất, điều nhục nhã nhất đối với một người là bị đuổi khỏi làng. Thậm chí trong trường hợp đó con người mất luôn cả tính người, không làng nào khác chấp nhận anh ta nữa, anh ta sẽ trở thành như một con thú, lang thang và chết vùi trong rừng. Nếu ta thường nói người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng, thậm chí còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức về tộc người. Một người Ba Na biết mình là người Ba Na, nhưng ý thức về tộc người Ba Na không sâu đậm bằng ý thức về làng của mình. Ngày trước, trong chiến tranh bộ lạc, không phải chẳng hạn mấy làng Ba Na này liên minh lại đi đánh nhau với mấy làng Gia Rai kia, mà là hai ba làng Ba Na này liên minh với vài ba làng Gia Rai kia đi đánh hai ba làng Gia Rai khác liên minh với vài ba làng Ba Na khác.

Làng được điều hành bằng một tổ chức đặc biệt là Hội đồng già làng, gồm đại diện của các hộ trong làng. Đứng đầu Hội đồng già làng là chủ làng. Già làng là những người hiền minh nhất của làng, những người am hiểu rừng núi, đất đai, phong tục tập quán, giàu kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, giỏi giang trong đối ngoại, và là người có đức độ cao, được dân làng bầu lên, có thể bị truất phế khi có những vi phạm đối với các quy định truyền thống của làng… Những người như vậy thường là những người đã cao tuổi, nhưng cũng có những người còn khá trẻ vẫn được bầu làm già làng nếu được sự tin cậy và kính trọng của toàn làng.

Hội đồng già làng quản lý làng theo một hệ thống luật pháp đặc biệt: luật tục (droit coutumier) của làng, tức những điều được cả cộng đồng công nhận và tuân theo như là luật, song lại tồn tại dưới hình thức là những phong tục. Cũng có người dịch là tập quán pháp, tức những tập quán được cả cộng đồng tuân thủ như luật. Già làng chính là những người am hiểu tường tận luật tục. Trong Hội đồng già làng thường có một người có chức năng phân xử mọi bất đồng hay vi phạm bằng hình thức tòa án luật tục của làng.

Sức sống bền vững của làng ở Tây Nguyên quả thật rất kỳ lạ, trải qua tất cả các biến động của lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vừa qua, nhiều lúc làng bị đánh dữ dội, bị xé nát, bị di chuyển đi xa, nhưng rồi cộng đồng làng lại được khôi phục, hồi sinh. Cho đến nay, mặc dầu bị xáo trộn rất dữ trong những chuyển động xã hội suốt mấy mươi năm qua, về cơ bản cộng đồng làng vẫn còn. Một bằng chứng đáng chú ý là trong mấy cuộc bạo động vừa rồi ở Tây Nguyên, làng nào đã đi biểu tình thì bao giờ cũng đi nguyên cả một làng, không bao giờ có hiện tượng đi lẻ tẻ, và đã đi cả làng thì bao giờ cũng là do già làng dẫn đầu.

Trong công tác vận động quần chúng ở Tây Nguyên thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, kinh nghiệm thành công quan trọng nhất là phải hiểu biết sâu xa và dựa chắc vào đặc điểm xã hội này, phát huy được vai trò của làng, của già làng trong mọi việc, ở mọi tình huống. Không hiểu và nắm được làng và già làng, thì sẽ không hiểu và nắm được gì cả ở Tây Nguyên, mọi công việc ắt thất bại. Và nếu làng ở đây tan rã thì nguy cơ rối loạn xã hội sẽ rất lớn.

2.2 Sở hữu Đất và Rừng
Ở Tây Nguyên, rừng núi mênh mông vậy nhưng đều có chủ rành mạch, cụ thể. Không có đất và rừng vô chủ. Người chủ của đất và rừng chính là các làng, từng làng. Rừng núi, tất cả đã được “chia” cho từng làng từ xa xưa, “đã là như vậy từ tổ tiên muôn đời truyền lại”, đã được “Yang (tức Thần linh) giao cho từng làng”, có ranh giới rất rõ rệt. Đất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Người ta gọi đó là Quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng.

Sở hữu rừng của một làng gồm có những loại rừng sau đây:
- Rừng đã biến thành đất thổ cư;
- Rừng sản xuất, tức khu rừng dân làng khai thác để làm rẫy;
- Rừng sinh hoạt, là nơi dân làng tìm lấy những thứ cần thiết cho mọi sinh hoạt của mình : con ong, cái mật, dây mây, rau ăn, con thú để săn bẫy, gỗ để làm nhà…;
- Rừng thiêng (hay rừng ma) là nơi trú ngụ của các Yang (Thần linh), không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn. Đây thực chất là kinh nghiệm giữ rừng đầu nguồn được tích lũy lâu đời của người dân, bọc bên ngoài là một lớp vỏ tín ngưỡng.

Tất cả các loại rừng đó hợp thành không gian sinh tồn (espace vital), hay cũng có người như Condominas gọi là không gian xã hội (espace social) của làng. Một làng cần có đủ các loại rừng kể trên để có thể sinh tồn như một không gian xã hội, làm nên tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên.

Hội đồng già làng quản lý sở hữu tập thể này của cộng đồng làng bằng một hệ thống luật tục chặt chẽ và sinh động. Chính Hội đồng già làng chia khu rừng sản xuất cho các hộ trong làng để làm rẫy theo đúng những quy định trong luật tục, cũng theo đúng những quy định đó khai thác khu rừng sinh hoạt cho các nhu cầu hằng ngày của mình, giữ gìn khu rừng thiêng, và tôn trọng đúng các tập quán trong làng, tức trong khu rừng đã biến thành đất thổ cư, thành làng. Hằng năm, đất rừng làm rẫy có thể được điều chỉnh lại giữa các hộ nếu có người đông lên hay giảm đi. Về nguyên tắc, các hộ trong làng có thể chuyển đổi đất rừng canh tác cho nhau, nhưng tuyệt đối không được chuyển nhượng ra khỏi làng.

Như vậy, hai đặc điểm quan trọng của xã hội cổ truyền Tây Nguyên, Làng và Sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng gắn chặt với nhau. Chúng ta thấy rõ làng Tây Nguyên là “làng rừng” và là:
- một cộng đồng cư trú;
- một cộng đồng sở hữu và lợi ích;
- một cộng đồng tâm linh;
- một cộng đồng văn hoá.

Quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng chính là nền tảng kinh tế, vật chất của thực thể cộng đồng làng. Toàn bộ đời sống vật chất, kinh tế, văn hoá, tinh thần, tâm linh, đạo đức của làng, của con người Tây Nguyên tồn tại trên nền tảng này. Sẽ rối loạn, đổ vỡ tất cả khi nền tảng này bị tổn thương và mất đi.

3. TÂY NGUYÊN TỪ SAU NĂM 1975

3.1 Những chủ trương lớn đối với Tây Nguyên từ sau năm 1975
Từ sau năm 1975, đối với Tây Nguyên chúng ta có hai chủ trương chiến lược:
* Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng, tương xứng với vị trí chiến lược của vùng cao nguyên quan trọng này.
* Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.

Để thực hiện chủ trương chiến lược đó, đã:
- Tăng cường lực lượng lao động lớn cho Tây Nguyên bằng cách tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên. Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến sẽ đưa lên Tây Nguyên 5 triệu dân. Kế hoạch này cũng đồng thời nhằm giải toar áp lực dân số cho hai vùng đồng bằng nói trên.
- Tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành các đơn vị kinh tế lớn: trong 10 năm đầu là các Binh đoàn làm kinh tế, gồm 3 binh đoàn 331, 332, 333 bao trùm gần toàn bộ Tây Nguyên. Mười năm sau, quân đội giao lại cho dân sự, các binh đoàn làm kinh tế chuyển thành các Liên Hiệp Xí nghiệp Nông, Lâm, Công nghiệp (LHXNNLCN), cũng bao trùm gần hết Tây Nguyên. Sau 10 năm nữa, nhận thấy mô hình quản lý này không hiệu quả, đã giải tán các LHXNNLCN, tổ chức lại thành các nông trường, lâm trường thuộc tỉnh hoặc thuộc trung ương.

Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên được quốc hữu hoá, được lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các LHXNNLCN, các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ đồng bằng lên. Người bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.

3.2 Một số ngộ nhận hoặc hời hợt trong chủ trương, chính sách đối với Tây Nguyên
* Về quyền sở hữu đất và rừng.
Ngộ nhận lớn nhất, tai hại nhất khi lập chủ trương, chính sách đối với Tây Nguyên là ta hầu như hoàn toàn không biết, không hề quan tâm đến quyền sở hữu truyền thống ở Tây Nguyên đối với đất và rừng. Ta đã ngộ nhận đất, rừng Tây Nguyên là vô chủ, là đất giữa trời, chẳng của ai hết. Ta đã hành động ở Tây Nguyên như trên một vùng đất không có người, lấy đất và rừng từ ngàn đời nay đã “được Yang giao cho làng”, từng làng, đem giao cho các đơn vị làm kinh tế mới được lập lên và cho hàng triệu người nơi khác được đưa đến, một cách hết sức “vô tư”. Đây là điều chưa từng diễn ra trong suốt lịch sử lâu dài ở Tây Nguyên từ xưa đến nay.

* Về phương thức canh tác ở Tây Nguyên : người Tây Nguyên có du canh, du cư?
Để làm mọi việc ở Tây Nguyên, cũng như ở nhiều vùng miền núi khác, ta đã chủ trương trước hết phải định canh, định cư. Công tác định canh, định cư được coi là biện pháp hàng đầu, quan trọng, quyết định nhất, trước khi tiến hành mọi việc khác. Chủ trương đó dựa trên nhận định người Tây Nguyên vốn du canh, du cư, và du canh, du cư, làm rẫy thì phá rừng… Vậy người Tây Nguyên có du canh, du cư, phá rừng?

Hãy thử nhìn vào kiến trúc ở Tây Nguyên. Một số dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khơ Me ở phía Bắc Tây Nguyên có kiến trúc nhà rông rất đặc sắc. Nhà rông làng Kông Rơ Bàng của người Ba Na ở Kontum, được dựng lại đúng y nguyên mẫu, đúng nguyên kích thước tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, cao đến vài chục mét, bằng một tòa nhà 5 tầng, cột nhà rông to hai người ôm, mái cao vút sừng sững. Những dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-Polynésien không có nhà rông thì lại có kiến trúc nhà dài đặc sắc không kém. Nhà dài của ông Ama Thuột (tại thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay) ngày trước dài đến gần 200 mét, đến nổi khi người chủ nhà muốn tập họp con cháu trong nhà thì phải thổi tù và. Các làng Ê Đê hiện nay vẫn còn những nhà dài đến vài ba chục mét, cây đòn dông trên mái nhà là một cây gỗ nguyên khối, không thể tìm thấy chỗ nối… Những dân tộc có kiến trúc vững chãi, đồ sộ như vậy chắc chắn không thể là những dân tộc sống tạm bợ, lang thang nay đây mai đó. Họ không hề du cư. Người Tây Nguyên chỉ dời làng trong mấy trường hợp : khi có dịch bệnh, chết nhiều người, “đất làng độc, có ma” ; hoặc khi mất nguồn nước uống bao giờ cũng được dẫn từ trên đỉnh núi cao xuống, bảo đảm trong sạch ; và trong trường hợp chiến tranh bộ lạc ngày trước… Còn thì làng là làng định cư ở một vị trí thuận lợi cho phương thức canh tác cũng không hề du canh. Người Tây Nguyên làm rẫy bằng cách đốt một khoảnh rừng và tỉa lúa xuống đấy. Chất mùn do lá rụng lâu năm và chất tro đốt có tác dụng phân bón. Một khoảnh đất canh tác như vậy trong hai hay ba năm thì bạc màu, người ta để hưu canh (ở Tây Nguyên gọi là “rẫy dế”), chuyển sang đốt một khoảnh rừng khác. Kỹ thuật chặt và đốt rừng làm rẫy được quy định rất chặt chẽ trong luật tục, không hề lãng phí và không bao giờ để xảy ra cháy rừng… Mỗi hộ trong làng thường có từ 10 đến 20 rẫy. Khi đã khai thác đến rẫy thứ 10 hay thứ 20, quay lại rẫy đầu tiên thì đã là 40 đến 60 năm, đủ thời gian cho rừng tái sinh. Đấy là phương thức tìm lấy thức ăn từ rừng và nuôi rừng khôn ngoan đã được tích luỹ và thử thách hàng nghìn đời. Cuốn sách nổi tiếng Chúng tôi ăn rừng... của nhà dân tộc học George Condominas chính là nói về cách sinh sống này của người Mơ Nông Gar ở nam Đắc Lắc. Đây là phương thức canh tác “luân khoảnh” – cách gọi đúng hơn “luân canh”, luân canh có thể được hiểu là năm nay trồng loại cây này sang năm chuyển sang trồng loại cây khác. Kinh nghiệm được tổng kết ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy nếu mật độ dân số không quá 10 người / km² thì làm rẫy không hề phá rừng. Làng Tây Nguyên định cư ở tâm điểm của vòng luân khoảnh ấy. Trong thực tế những thời gian cần phải làm việc nhiều ở rẫy những người lao động chính thường sống ở chòi rẫy, trong làng chỉ còn người già và trẻ em. Hết mùa rẫy làng lại đông vui, đây cũng là mùa “Ninh Nông” (mùa không làm rẫy), mùa lễ hội tưng bừng của Tây Nguyên.

Không hiểu đúng phương thức sinh sống và canh tác truyền thống của người Tây Nguyên, nhận định một cách cảm tính rằng người Tây Nguyên du canh, du cư, làm rẫy phá rừng… thì tất yếu không thể hiểu làng, cơ cấu, nền tảng vật chất, không gian sinh tồn, vai trò, vị trí của làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên. Tức cũng không thể hiểu đúng xã hội này, lại vào lúc chúng ta đang muốn tạo ra những thay đổi to lớn nhất xưa nay chưa từng có trên vùng đất và người ở đây. Cuộc vận động định canh định cư, thực chất mang nhiều tính chất ép buộc, cũng đã góp phần phá vỡ các làng Tây Nguyên cổ truyền, làm xáo trộn xã hội.

* Hiểu rừng, cội nguồn của văn hoá và đời sống tâm linh ở Tây Nguyên
Đối với người Tây Nguyên, rừng không chỉ là tài nguyên, thậm chí cũng không chỉ là “môi trường”, “sinh thái” như cách hiểu thông thường của chúng ta về môi trường, sinh thái. Người Tây Nguyên có phong tục “bỏ mả”. Khi một người chết, người ta chôn trong một ngôi mộ tạm, con người ấy còn được coi như chưa đi hẳn khỏi thế giới này. Hàng ngày, người ta vẫn mang cơm nước và các vật dụng ra mộ để “nuôi” như nuôi một người còn sống. Trong thời gian đó, lâu ngắn tuỳ theo điều kiện của từng gia đình, người ta chuẩn bị một ngôi nhà mồ thật đẹp (trên chính ngôi mộ tạm), khi mọi việc đã xong thì làm lễ bỏ mả, một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất ở Tây Nguyên, diễn ra trong mùa Ninh Nông. Cả làng đều tham gia, nhiều làng lân cận cũng kéo đến, người ta làm lễ tiễn đưa người chết mãi mãi đi khỏi thế gian này. Sau lễ lớn đó, ngôi mộ sẽ bị bỏ hẳn, không ai chăm sóc, viếng thăm gì nữa. Con người ấy, theo quan niệm của người Tây Nguyên, vốn là một mẩu nhỏ của rừng vô tận và trường cữu, từ trong thăm thẳm không cùng của rừng mà đi ra, nay lại mãi mãi trở về với cội nguồn của mình là rừng, được trả về cho cội nguồn đó. Con người là một bộ phận nhỏ, và cũng có thể nói là tạm thời của thực thể to lớn và vĩnh cữu là rừng. Rừng mới là tất cả, là trường tồn, con người và cuộc sống trần thế của con người chỉ là một phần rất nhỏ, thoáng qua của thực thể bao trùm kia.

Người Tây Nguyên, tự trong sâu thẳm của họ, có một tình cảm thân thiết ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng đối với rừng, họ coi từng cây rừng đúng như một sinh vật sống chẳng hề thua kém con người, cũng có linh hồn ngang bằng con người, cũng đầy cảm xúc, vui mừng, hạnh phúc, đau đớn hệt con người. Khi buộc phải chặt hạ một cây gỗ cho nhu cầu thiết yếu của mình, bao giờ người Tây Nguyên cũng ân cần làm lễ xin lỗi cây, tạ ơn rừng. Người Tây Nguyên sống “theo đạo đức của rừng”, quan niệm con người cần phải hiền minh như rừng.

Như vậy ở Tây Nguyên, rừng là cội nguồn của đời sống tâm linh, tức phần sâu xa nhất trong con người và cộng đồng người, mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, sâu thẳm nhất của mình, trở nên bơ vơ, “tha hoá”, mất gốc, mất cội nguồn.

Rừng cũng là cội nguồn của văn hoá, văn hoá Tây Nguyên là văn hoá rừng, toàn bộ đời sống văn hoá ở đây đều là biểu hiện mối quan hệ khắng khít, máu thịt của con người, cộng đồng người với rừng. Khi không còn rừng thì tất yếu văn hoá sẽ chết. Còn lại chỉ là những cái xác của văn hoá, văn hoá dỏm, giả…

Hiểu rừng một cách hời hợt, coi chỉ là tài nguyên, thậm chí là môi trường, sinh thái, tất không thể hiểu đúng nền tảng sâu xa, cơ bản nhất của xã hội này, và mọi việc làm của chúng ta ở đây chắc chắn không thể thành công, chỉ trợt đi trên bề mặt của thực tế, không ăn được vào đời sống.

* Sức chịu đựng cây công nghiệp của Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng đất bazan lớn nhất nước và đất bazan đặc biệt thích hợp với một số cây công nghiệp như cà phê, cao su… tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu đáng kể. Chủ trương biến Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế trong cả nước chính là dựa phần lớn vào ưu thế này. Tuy nhiên sức chịu đựng cây công ngiệp của Tây Nguyên dẫu lớn nhưng cũng có hạn, phát triển quá một mức nào đó thì sẽ phá rừng. Hạn mức đó đối với cà phê là 500.000 hecta, hiện nay đã bị vượt quá. Rừng Tây Nguyên là rừng nhiệt đới, nhiều tầng, thảm thực vật rất dày. Các nhà khoa học cho biết lá cây rừng nhiệt đới có tác dụng hấp thu năng lượng mặt trời gấp 30 lần rừng trồng. Cây cà phê, cả cây cao su, và đến cả rừng trồng đều không thể thay thế rừng nhiệt đới nguyên sinh.

Ở Tây Nguyên còn có vấn đề nước. Đất bazan không giữ nước. Đến mùa khô Tây Nguyên hầu như hoàn toàn không có nước. Những người trồng cà phê phải khoan sâu đến hàng trăm mét lấy nước ngầm tưới cà phê. Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Đến năm 1997, tầng nước ngầm ở Tây Nguyên đã tụt xuống 20 mét. Nếu tiếp tục tình trạng này, sẽ dẫn đến hiện tượng latérite hoá, tức đá ong hoá. Chúng ta sẽ để lại cho con cháu một cao nguyên đá ong !

3.3 Hệ quả
Những việc làm của chúng ta ở Tây Nguyên từ sau 1975 như đã trình bày trên đã đưa đến những hệ quả:

1- Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn. Năm 1975, dân số Tây Nguyên khoảng dưới 1 triệu người, đến nay đã lên 5 triệu người, tăng gấp 5 lần, là vùng tăng dân số nhiều và nhanh nhất nước. Và ở đây là tăng cơ học, tức do đưa người nơi khác đến, chứ không phải tăng tự nhiên. Tăng tự nhiên với tỷ lệ sinh đẻ quá cao cũng gây ra nhiều khó khăn, như các dịch vụ xã hội thiết yếu (giáo dục, y tế, an sinh xã hội…) không theo kịp. Nhưng tăng cơ học thì đưa đến một tình hình nghiêm trọng hơn nhiều: nó làm đảo lộn cơ cấu dân cư, và từ đó tất yếu gây ra những đảo lộn về mọi mặt. Ngay từ sau năm 1975, đã có những cảnh báo của một số nhà khoa học và nhà văn hoá, cho rằng chủ trương đưa dân lên Tây Nguyên với tốc độ và cường độ quá cao là nguy hiểm, có thể là sai lầm chiến lược, nhưng lời cảnh báo đã không được nghe. Theo kinh nghiệm của thế giới, tăng dân số cơ học đến 3% / năm là mức báo động. Trong thực tế, suốt hơn 30 năm qua dân số Tây Nguyên đã tăng cơ học từ 7 đến 10% / năm.

Xét cơ cấu dân cư Tây Nguyên trong một thế kỷ qua, có thể thấy :
Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số.
Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%.
Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn (Ở tỉnh Dắc Lắc, người bản địa còn 15%, tỉnh Đắc Nông còn 10%, tỉnh Kontum còn khoảng 50-55%… Người Tày ở Đắc Lắc đã đông hơn người Ê Đê bản địa). Người bản địa đã trở thành thiểu số, không phải trong cộng đồng Việt Nam nói chung, mà là thiểu số với tỷ lệ rất nhỏ, ngày càng nhỏ ngay chính trên quê hương ngàn đời của mình. Có thể nói, chính ở Tây Nguyên trong hơn 30 năm qua đã diễn ra những biến động xã hội lớn và sâu sắc nhất so với cả nước, nhưng những biến động đó lại rất âm thầm, hầu như không ai biết (cho đến ngày tình hình đột ngột mất ổn định).

2 - Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên
Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ. Đây là sự đổ vỡ chưa từng có ở Tây Nguyên từ xưa đến nay, tác động đến tận gốc rễ của xã hội này. Càng đáng chú ý là làng, pháo đài bền vững của sức đề kháng xã hội ở Tây Nguyên trong suốt lịch sử lâu dài, nay lại bị phá vỡ đúng vào lúc Tây Nguyên, cũng như bất cứ vùng nào khác trong cả nước, đang phải đối mặt với những thách thức lớn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, của hội nhập, ở Tây Nguyên đương nhiên càng nặng nề, khó khăn hơn bất cứ nơi nào khác. Chúng ta đã vô tình triệt tiêu mất sức đề kháng cơ bản của Tây Nguyên bằng cách phá vỡ các “chốt” đề kháng vốn bất khả chiến thắng của nó đúng vào lúc nó phải đương đầu với biến động lớn nhất. Theo một cách nào đó có thể nói trạng thái xã hội ở Tây Nguyên vừa qua và hiện nay là trạng thái của một cơ thể bị tước mất sức đề kháng sâu tận trong từng tế bào, hết sức dễ bị tổn thương.
Tình hình đó tất yếu dẫn đến những hệ quả tiếp theo không thể tránh:

3 - Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng
Như đã nói ở trên, sau năm 1975, đất rừng ở Tây Nguyên được lấy giao cho các binh đoàn quân đội làm kinh tế, sau đó cho các LHXNNLCN, rồi đến các nông trường, lâm trường. Cho đến năm 1997, 90% đất rừng Tây Nguyên nằm trong tay các tổ chức quốc doanh. Thực tế hơn 30 năm qua đã chứng minh tất cả các chủ sơ hữu đó đều không giữ được rừng, trái lại là tác nhân phá rừng dữ dội nhất. Mỗi loại chủ sở hữu đó có cách phá rừng khác nhau, và đều nghiêm trọng như nhau.

Một phần lớn diện tích rừng còn lại được lấy giao cho dân di cư từ đồng bằng lên, lúc đầu là di cư theo kế hoạch của nhà nước, từ năm 1979 trở đi là dân di cư tự do, gồm cả đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc (kể từ sau chiến tranh biên giới năm 1979). Những người mới đến lập tức cần có ngay lương thực để sinh sống, họ liền phá rừng để làm lương thực; sau đó lại tiếp tục phá để khai thác gỗ đem bán. Những người này cũng có tập quán canh tác hoàn toàn khác người Tây Nguyên. Người Việt vốn rất sợ rừng (“rừng thiêng nước độc”, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”…). Khác với người Tây Nguyên vốn sống chìm trong rừng, tự hoà tan mình trong rừng, coi rừng thân thiết như mẹ, người Việt đến đâu thì liền thấy có nhu cầu phá rộng ra cho trống chung quanh. Người Việt không có văn hoá rừng, bao giờ cũng thấy chật chội, rất sợ chìm đắm trong rừng. Ngay những người thuộc các dân tộc thiểu số phía bắc đến cũng có tập quán canh tác khác hẳn. Người Hmông chẳng hạn (là một dân tộc đổ lên Tây Nguyên rất mạnh, rất quyết liệt) đúng là một dân tộc du cư du canh, đến đâu là họ cạo trọc ngay toàn bộ rừng nơi họ đổ ập vào, không gì ngăn cản được. Hết khu rừng này, họ tiến sang khu rừng khác, triệt phá sạch đến cùng. Cũng cần phân biệt “rẫy” với “nương”, làm rẫy và làm nương là hai phương thức canh tác hoàn toàn khác nhau. Làm rẫy, như đã nói, là cách quảng canh luân khoảnh trong điều kiên mật độ dân số không cao. Còn nương là rẫy đã được chuyển sang canh tác cố định và chăm sóc như vườn. Trên rẫy bao giờ người ta cũng giữ lại một số cây hay gốc cây lớn để chống xói mòn, còn trên nương thì phải dọn sạch, san phẳng hoàn toàn, làm cho đất tơi ra (do đó rất dễ bị xói mòn). Làm nương cũng là cạo sạch rừng, từ nay ở đấy tuyệt đối không còn có rừng nữa, rừng đã vĩnh viễn trở thành đất canh tác, chẳng khác gì ruộng. Trái lại bản chất của làm rẫy là giữ rừng, mượn tạm rừng của Mẹ Tự nhiên để xin lấy cái ăn, rồi trân trọng trả lại cho Tự nhiên. Jacques Dournes đã gọi làm rẫy là lối canh tác “sang trọng” (de luxe) trong điều kiện mật độ dân số không cao. Cũng có thể gọi là lối canh tác nhân ái, thân thiện.

Các dân tộc bản địa Tây Nguyên, với mật độ dân số trong vùng tăng lên quá cao như hiện nay, cũng không còn có thể làm rẫy luân khoảnh, vừa tìm lấy cái ăn từ rừng vừa nuôi rừng như xưa. Họ lại bị những người nơi khác đến, năng nổ và khôn ngoan hơn, chiếm lấy những vùng đất thuận lợi nhất, màu mỡ, bằng phẳng, gần sông, gần đường…, phải lùi vào rừng ngày càng sâu, và không còn đủ đất để luân khoảnh được nữa, bây giờ họ thật sự biến thành những người du canh du cư và phá rừng !...

Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong…, có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.

4 -Người bản địa bị mất đất.
Tình hình trên tất yếu đưa đến việc người bản địa bị mất đất. Rất đáng chú ý là việc mất đất này diễn ra chính là sau khi thực hiện việc giao đất giao rừng, cấp sổ đỏ cho người dân. Lúc bấy giờ, một số cơ quan chức năng như Viện Dân tộc học và một số nhà khoa học đã có kiến nghị : ở Tây Nguyên không nên giao đất cho hộ như ở đồng bằng mà là giao cho làng, để làng quản lý theo kinh nghiệm truyền thống, và cấm không được chuyển nhượng đất cho “người khác tộc” (cũng tức là không được chuyển nhượng ra khỏi làng), nhưng kiến nghị này không hề được chú ý. Đất vẫn được giao cho các hộ với đầy đủ 5 quyền. Kết quả :
Vì người bản địa nay đã trở thành thiểu số với tỷ lệ rất thấp, nên trong thực tế đất đã được giao rất nhiều cho người nơi khác đến;

Người Tây Nguyên, như đã nói, chưa phát triển ý thức về cá nhân, về sở hữu cá thể, nên cũng không có ý thức khư khư giữ đất cho cá nhân, cho hộ. Đất lại được giao hệt như ở vùng Kinh, chỉ gồm phần đất thổ cư, một ít đất làm rẫy, người bây giờ lại đã quá đông, không còn đất để thực hiện luân khoảnh, nên chỉ sau vài ba mùa, rẫy bạc màu, người ta rất dễ dàng đem bán với giá rất rẻ, thậm chí có thể đem cho không chỉ sau một bữa rượu ! Nhân cơ hội này, một số cán bộ đã dùng quyền lực chiếm rất nhiều đất.

Cuối cùng, đất từ tay người dân tộc bản địa chuyển dần hết sang tay người nơi khác đến. Người bản địa mất đất, chỉ còn hai con đường : lùi vào núi sâu, ngày càng khốn đốn, hoặc ở lại tại chỗ và đi làm thuê cho người nơi khác đến, chủ yếu là người Kinh, ngay trên mảnh đất truyền lại từ tổ tiên của mình. Chẳng khác tình cảnh làm cu li thời sau Sabatier. Điều nghịch lý của Tây Nguyên là các chỉ số phát triển ở đây đều khá cao so với nhiều vùng khác nhưng người bản địa, chủ nhân lâu đời của vùng đất này, lại bị bần cùng hoá, bị đẩy vào thế cùng. Tức phát triển lãnh thổ nhưng không phát triển được chủ thể trên lãnh thổ ấy.

Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.

(Kinh nghiệm lịch sử: Luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, khôn ngoan hơn chúng ta, đã biết chú ý và có những quy định riêng sáng suốt cho vùng dân tộc thiểu số khác với những quy định chung cho cả nước. Chẳng hạn có điều luật cấm không được cho vay mượn giữa người Kinh và người Man Liêu (tức các dân tộc thiểu số), vì hiểu rằng quan niệm về giá trị, về quyền sở hữu giữa hai bên khác nhau, sự vay mượn giữa hai bên tất dễ sinh những bất đồng, lừa đảo, lạm dụng…)

5 -Văn hoá Tây Nguyên bị mai một.
Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình… tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá. Khi nói đến văn hoá Tây Nguyên, người ta thường nói đến nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ độc đáo, các lễ hội…, không sai, nhưng đó là những biểu hiển ra bên ngoài, trên bề mặt của văn hoá, nếu tách những cái đó ra khỏi làng và rừng, mất rừng và mất làng, thì tất cả chỉ còn là những cái xác của văn hoá, những cái xác không có hồn. Mà ai cũng biết, văn hoá là hồn chứ không phải xác. Nên chú ý khi công nhận di sản văn hoá thế giới ở Tây Nguyên, UNESCO đã rất tinh, không phải công nhận cồng chiêng, cũng không phải âm nhạc cồng chiêng, mà là “không gian văn hoá cồng chiêng”, không gian ấy tức là rừng và làng.

Hiện nay trong lĩnh vực văn hoá ở Tây Nguyên, có hai điều đáng lo:
Hầu như không còn văn hoá thật của Tây Nguyên, chỉ có văn hoá giả Tây Nguyên, khai thác chất lạ (exotique) của Tây Nguyên, tạo nên một thứ văn hoá diễn, thu hút khách du lịch hám lạ, trong khi đời sống văn hoá thật của con người Tây Nguyên thì nghèo nàn, cằn cỗi. Đi dọc Tây Nguyên bây giờ chỉ còn thấy các kiến trúc của người Việt cố pha chút “độc đáo” nào đó, như làm mái cao vút lên, nhô nhọn ra… để giả chất Tây Nguyên. Nhà rông thì do nhà nước xây cho các làng, mà nhà rông là thứ “không thể đem cho”. Ở Tây Nguyên, khi lập một làng mới, việc quan trọng và thiêng liêng nhất là già làng chọn địa điểm và điều khiển việc cất nhà rông. Nhà rông là trái tim, là linh hồn của làng, chưa có nhà rông thì một làng chưa thực sự thành làng, và nhà rông bao giờ cũng phải do dân làng tự tay mình làm nên. Một nhà rông của nhà nước đem cho thì dù đẹp đến mấy cũng không thể trở thành nhà rông của làng, dân làng sẽ không bao giờ sử dụng, không thèm bước chân vào, sẽ để mốc meo, tàn tạ. Thật ra điều này cũng chẳng có gì lạ, đối với người Việt cũng hoàn toàn đúng như thế. Một cái miếu ở làng quê chẳng hạn bao giờ cũng được lập nên bắt đầu từ một sự tích nào đấy, một người có công với làng với nước, nay chết đi, nhân dân nhớ ơn mà lập miếu thờ. Hoặc thậm chí một cô gái thất tình, chết oan uổng trong một hoàn cảnh éo le nào đấy, bỗng trở nên linh thiêng, người ta cất miếu thờ. Một cái miếu do nhà nước tự dưng cất lên giữa đồng, một cái miếu “quốc doanh” thì chắc chắn chẳng ai đến hương khói làm gì!..

Ở Tây Nguyên hiện nay chúng ta đang “chơi” những cái xác văn hoá như vậy !
Mặt khác, hiện đại hoá, toàn cầu hoá và hội nhập cũng tất yếu đưa những luồng văn hoá lạ xâm nhập vào Tây Nguyên. Một sự xâm nhập như vậy là tự nhiên, không thể tránh. Điều đáng nói là nó diễn ra đúng vào lúc nền tảng và tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, do những sai lầm của chúng ta nhiều năm qua, bị phá vỡ, khiến sức đề kháng và khả năng thích nghi của nó bị triệt tiêu. Văn hoá bản địa bị lai căng. Quan sát lớp người trẻ trong các dân tộc bản địa, có thể thấy có hiện tượng “đứt gãy” về văn hoá rất đáng lo ngại. Những thanh niên người dân tộc khi đã bị hư hỏng thì lại hư hỏng nặng hơn, tha hoá, lưu manh hoá dữ hơn cả những người cùng lứa tuổi ở vùng Kinh. Họ bị đổ vỡ vì mất nền. Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định xã hội. Đi vào các làng Tây Nguyên hiện nay, rất đau lòng thấy thanh niên hầu như không còn uống rượu cần làm bằng ngũ cốc lên men được chiết từ các loại lá, vỏ, rể cây trong rừng, đậm đà, mà say tuý luý rượu đế, thậm chí khi không đủ tiền mua rượu đế thì pha cả cồn ra để uống. Thanh niên Tây Nguyên, vốn có cơ thể cường tráng và tuyệt đẹp, nay đang bị suy thoái cả về thể chất, sự suy thoái nòi giống sẽ không còn xa.

6 - Cảnh báo sớm của một nhóm nghiên cứu về tình hình Tây Nguyên.
Năm 1997, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dân tộc học Việt Nam gồm các tác giả Vũ Đình Lợi (nay đã mất), Bùi Minh Đạo và Vũ Thị Hồng đã hoàn thành một công trình có tên là Sở hữu và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, được giáo sư Đặng Nghiêm Vạn viết lời giới thiệu vào năm 1999, và ấn hành tại nhà xuất bản Khoa học Xã hội vào năm 2000. Sau khi đã trình bày các dữ liệu, phân tích toàn diện và tỉ mỉ tình hình đất và rừng ở Tây Nguyên từ sau năm 1975, các tác giả đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ như sau :
“Sẽ là không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ, với sự can thiệp vừa kín đáo, vừa trắng trợn của kẻ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường”.

Đây thật sự là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm, trung thực, dũng cảm và đã được chứng tỏ là hoàn toàn chính xác. Rất tiếc là nó đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai, thậm chí cả sau khi những điều cảnh báo đã thành hiện thực!

Như vậy, sau hơn 30 năm triển khai, hai mục tiêu chiến lược được đề ra từ đầu đối với Tây Nguyên đã không thực hiện được. Tây Nguyên đã trở thành một vùng mất ổn định nhất trong cả nước ; và việc xây dựng một vùng trọng điểm phát triển kinh tế trên một cơ sở mất ổn định như vậy chắc chắn không thể bền vững. Lãnh thổ tuy có được phát triển – cũng là một cách méo mó - nhưng chủ nhân của lãnh thổ thì bị bần cùng hoá và bế tắc. Tìm một con đường khắc phục những thực trạng đó hiện nay ở Tây Nguyên đã trở nên rất khó khăn.

4. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở TÂY NGUYÊN

4.1 Phát triển bền vững là yêu cầu sống còn đối với Tây Nguyên.
* Hơn ở bất cứ nơi nào khác, phát triển bền vững là yêu cầu sống còn đối với Tây Nguyên.
Không thể nhìn và xử trí đối với Tây Nguyên tách rời với tất cả các vùng xung quanh và với cả nước. Tây Nguyên là mái nhà của toàn bộ nam Đông Dương, chi phối có tính quyết định về nhiều mặt đối với toàn bộ khu vực rộng lớn này, ảnh hưởng nặng nề và sâu sắc đến sự an toàn về khí hậu, môi trường, sinh thái… cho đến ổn định xã hội ở toàn vùng này.

Xây dựng Tây Nguyên thành một trong những vùng trọng điểm kinh tế là đúng, nhưng không thể phát triển kinh tế ở Tây Nguyên với bất cứ giá nào. Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su và cà phê, nhưng tiềm năng đó không phải là vô tận. Cho đến nay, Tây Nguyên đã bị khai thác quá mức. Ngay bây giờ, tác hại của việc mất gần hết rừng Tây Nguyên đã khá rõ rệt. Chắc chắn trong những thiên tai lũ lụt ngày càng lớn, càng dữ, càng dày ở vùng Nam Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ có phần nguyên nhân quan trọng từ rừng Tây Nguyên bị tàn phá đến kinh hoàng. Một số dự án lớn đang tiếp tục đe dọa nghiêm trọng Tây Nguyên, như dự án khai thác bauxit ở các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Kontum từ nay đến năm 2025, chắc chắn sẽ vĩnh viễn bóc sạch và san phẳng rừng ở nhiều vùng rộng lớn thuộc các tỉnh này; chúng ta sẽ chỉ còn một vùng đất nham nhở và khô cằn ngay trên đầu nguồn nhiều con sông quan trọng của Nam Trung Bộ và Nam Bộ, kể cả sông Sài Gòn. Về lâu dài, nguy cơ Tây Nguyên bị đá ong hoá, sa mạc hoá là viễn cảnh thực tế, hầu như không thể tránh nếu cứ tiếp tục đà này, và sẽ là tai họa khó lường cho cả vùng nam Đông Dương rộng lớn.

Thật sự có một câu hỏi lớn cần trả lời: ở Tây Nguyên giữa phát triển và bảo tồn, bên nào nên trọng bên nào nên khinh? Nếu phát triển ở Tây Nguyên mà không coi trọng bảo tồn, thậm chí lấy bảo tồn làm chính, thì sẽ không xa lắm khi đến một lúc không còn gì để phát triển nữa. Tiềm năng về nhiều mặt của Tây Nguyên là lớn, nhưng tiềm năng ấy không vô tận. Lại cũng không thể tính toán các kế họach phát triển ở Tây Nguyên tách rời các mối quan hệ hữu cơ có tính quyết định của Tây Nguyên đối với các vùng chung quanh. Một ví dụ rất cụ thể : cách đây 30 năm trong chương trình hợp tác với khối SEV, đã có kế hoạch khai thác quặng bauxit có trữ lượng khá lớn và chế biến nhôm ở Tây Nguyên, nhưng sau một thời gian khảo sát chính các chuyên gia Liên Xô, Hungari, Ba Lan… đã khuyên cáo không nên làm nữa, vì sẽ gây tàn phá lớn đối với môi trường ở Tây Nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ở Nam Trung Bộ. Đến nay dự án khai thác bauxit mấy chục năm trước lại đang được vực dậy. Với kế hoạch to lớn này, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành việc phá tan môi trường Tây Nguyên và hủy hoại cả môi trường không chỉ Nam Trung Bộ mà cả một khu vực không nhỏ ở Nam Bộ. Kế hoạch gọi là hoàn thổ, trồng lại rừng trên vùng rừng đã bị phá sạch và bóc lên để khai thác quặng bauxit… của các nhà đầu tư chỉ là một thứ lý thuyết suông, nói cho qua chuyện, cho được việc, nhắm mắt lại mà làm, hết sức vô trách nhiệm, và chắc chắn sẽ để lại hậu quả đến mức thảm họa cho tận mai sau.

Giữ gìn môi trường Tây Nguyên là vì chính lợi ích của phát triển không chỉ của Tây Nguyên hôm nay, và mai sau.

* Tây Nguyên là vùng đặc biệt nhạy cảm về mặt dân tộc. Như đã thấy ở trên, những điều kiện đặc thù của Tây Nguyên về địa lý, lịch sử đã khiến Tây Nguyên có nhiều điểm khác với các vùng dân tộc khác trong cả nước. Những nghiên cứu về các đặc điểm này cho đến nay không ít, nhưng quả thật đã không hề được quan tâm trong khi hoạch định các chủ trương, chính sách từ lớn đến nhỏ đối với Tây Nguyên. Chúng ta thật sự đã hành động ở Tây Nguyên giống hệt như ở bất cứ vùng nào khác trong cả nước, chẳng hề khác chút nào với ở các vùng người Việt, và điều đó đã để lại những hậu quả nặng nề. Đến nay cách hành xử này cũng chưa có thay đổi gì đáng kể. Trong nhiều dự án lớn đang và dự tính triển khai ở Tây Nguyên, như dự án gọi là “Thiên đường cà phê”, dự án khai thác bauxit…, rất đáng kinh ngạc là hầu như không hề thấy tính đến mặt xã hội, không hề chú ý đến việc Tây Nguyên là một vùng dân tộc rất đặc thù, đặc biệt không hề quan tâm đến những chủ nhân lâu đời là các dân tộc bản địa Tây Nguyên, truyền thống lịch sử và văn hoá của họ, lợi ích của họ, việc họ chấp nhận các dự án đó như thế nào, chúng sẽ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực đến họ ra sao. Không hề thấy có dự án nào đưa người dân tộc bản địa tham gia như một chủ thể quan trọng của dự án. Họ hầu như hoàn toàn bị gạt ra ngoài, may lắm cũng chỉ có thể trở thành những người làm thuê khốn khổ cho những chủ nhân mới. Chắc chắn những dự án như vậy khó lòng thành công, nếu không nói rất có thể đến một lúc nào đó chúng sẽ bị chính những chủ nhân lâu đời của vùng đất này phản ứng, chống lại và huỷ hoại.

Như vậy không chỉ môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội, cụ thể là vấn đề dân tộc, là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
* Về lâu dài hơn, cũng không thể không tính đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu đến nay không còn là dự báo mà đã là một thực tế, với mực nước biển dâng cao và Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất, sẽ mất nhiều vùng đồng bằng quan trọng. Trong điều kiện đó, Tây Nguyên sẽ là vùng đất dự trữ cho cả nước. Đây cũng là một tham số quan trọng trong các bài toán lớn nhỏ về Tây Nguyên hiện nay và sắp đến.

4.2 Đất, Rừng và vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên.
Như đã thấy, vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên liên quan chặt chẽ với vấn đề đất đai (ở đây tức là rừng), và làng, quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Làng bị vỡ do mất đi nền tảng là quyền sở hữu ấy, tất xã hội sẽ rối loạn. Vấn đề đất và rừng, và trên nền tảng đó sự tan rã của làng, đã trở thành vấn đề dân tộc, và trên một vùng đất có nhiều đặc trưng về nhiều mặt như thế này, nếu vấn đề dân tộc không yên thì không thể có ổn định xã hội. Mầm mống mất ổn định nhất định sẽ âm ỉ lâu dài, và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, muốn khôi phục ổn định ở đây, nhất thiết phải tìm mọi cách trả lại đất và rừng cho làng, khôi phục lại làng. Xã hội chỉ có thể ổn định khi tế bào cơ bản của nó là làng ổn định. Tình hình hiện nay đã trở nên hết sức phức tạp do sự xáo trộn tự chúng ta gây ra suốt hơn 30 năm qua.

Có một hiện tượng có thể rất đáng chú ý, nhưng lại không được các cơ quan làm chính sách, kể cả Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hiện nay quan tâm : Kontum hiện là tỉnh có tỷ lệ phát triển đạo Tin lành vào loại cao nhất trên Tây Nguyên, nhưng lại là tỉnh có tình hình xã hội tương đối ổn định, trong mấy cuộc bạo loạn vừa qua không có vấn đề gì lớn. Vì sao ? Rất có thể chính vì ở Kontum người dân tộc bản địa còn đến trên 50 % trong dân số, việc người dân tộc bản địa mất đất vào tay người nơi khác đến không nghiêm trọng bằng các nơi khác, mâu thuẫn dân tộc chưa quá nặng nề. Rừng ở đây cũng vào loại còn khá nhất, một số khu rừng nguyên sinh rộng lớn còn được giữ khá tốt. Làng chưa bị tan rã hoàn toàn. Phải chăng đây là một bài học thực tế rất đáng để suy nghĩ.

Vậy nên bằng mọi cách trả lại rừng cho làng, để khôi phục lại làng, trước mắt và lâu dài, là con đường duy nhất để dần đi đến ổn định tình hình và phát triển ở đây. Có thể có những câu hỏi:

Làng có còn để được trả lại đất và rừng không? Lấy đất, rừng ở đâu để trả lại cho làng? Và bằng cách nào ? Tây Nguyên đương nhiên cũng không thể đứng ngoài sự phát triển chung trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của cả nước, vậy trong quá trình đó làng sẽ biến đổi như thế nào, xã hội này sẽ biến đổi như thế nào?

Quả thực đây là những câu hỏi rất khó, vừa do những sai lầm kéo dài của chúng ta, vừa do sự thúc đẩy của phát triển tất yếu ngày nay. Giải quyết tình hình Tây Nguyên hiện nay, theo chúng tôi, cần một sự nghiên cứu vừa cơ bản vừa cấp bách, một quyết tâm và tận tuỵ rất lớn, thậm chí còn khó hơn cả những thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất trong chiến tranh trước đây. Không thể có một giải pháp chung, đơn giản, tức thì. Tuy nhiên có thể có một số điểm chung và cơ bản cần khẳng định :

Một là, bất chấp tất cả, làng vẫn còn, thực thể làng vẫn còn. Ở những vùng như miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, hoặc một số vùng ở Kontum, do địa hình tương đối hiểm trở, người Kinh đổ lên trong những năm qua không quá nhiều, làng của người dân tộc bản địa còn khá nguyên vẹn. Ở những vùng khác, dầu cơ cấu của làng đã trở nên phức tạp hơn nhiều, trộn lẫn người nhiều dân tộc khác nhau trong một làng, nhưng thực thể làng bản địa tuy âm thầm mà vẫn còn, bằng chứng chính là dấu hiệu bộc lộ trong một số cuộc biểu tình vừa qua: người ta đi biểu tình từng làng (người bản địa) chứ không bao giờ đi xé lẻ. Tức thực thể cộng đồng làng vẫn sống một cách thật mạnh mẽ, tuy buộc phải âm thầm. Vậy vẫn còn làng để cho chúng ta trả lại đất và rừng, khôi phục lại tế bào cơ bản này của xã hội.

Ở Tây Nguyên hiện nay đất đai đã vào tay người Kinh rất nhiều, không thể động đến phần đất này, sẽ có thể gây ra rối loạn khác. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 40% đất và rừng trong tay các nông trường, lâm trường quốc doanh, những nông, lâm trường này phần lớn làm ăn không hiệu quả, liên tục thua lỗ, cũng không giữ được rừng. Vậy tức là còn đất và rừng có thể lấy lại để trả cho các làng.

Trả cụ thể như thế nào, đương nhiên không thể có một cách thức chung, phải dựa vào dân trong từng trường hợp cụ thể mà giải quyết. Kinh nghiệm ở miền núi Quảng Nam cho thấy khi người dân đã biết và tin ở chủ trương trả lại đất và rừng cho làng thì họ sẽ chủ động nghĩ ra và bày cho ta giải pháp thích hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể, kể cả cách thức quản lý rừng và làng sau khi rừng được trả. Vấn đề cốt yếu ở đây là thật sự trao lại quyền tự chủ cho người bản địa, không ai có thể hiểu tình hình cụ thể và biết cách gỡ rối cụ thể hơn họ.

Về việc trả rừng cho làng có hai điều cần chú ý:
Lâu nay vẫn có việc gọi là “giao rừng cho dân”, dân được giao giữ rừng, 1 hecta rừng mỗi năm trước đây được trả 50.000 đồng, nay là 100.000 đồng, nhưng đấy là nhà nước thuê dân giữ rừng cho nhà nước, chứ không thật sự là trả quyền làm chủ rừng cho dân, chính do đó mà rừng vẫn mất. Người ta chỉ giữ đến cùng cái gì thật sự là của người ta. Trả rừng phải là trả quyền sở hữu thật sự và toàn vẹn của tập thể cộng cồng làng đối với đất và rừng.

Thứ hai: không gian sinh tồn của làng ở Tây Nguyên, như đã nói, gồm ít nhất cả bốn loại rừng : rừng đã biến thành đất thổ cư, rừng làm rẫy, rừng sinh hoạt và rừng thiêng, không có đủ bốn loại rừng ấy thì làng không thể tồn tại như một đơn vị xã hội hoàn chỉnh. Giao cho làng Tây Nguyên chỉ một miếng đất để ở và một khoảnh đất để làm một cái rẫy thì chẳng nghĩa lý gì cả, làng sẽ cằn cỗi và chết.

Ở Quảng Nam trong một số năm qua đã thí điểm trả rừng cho làng. Rừng được trả triệt để, gồm đủ các loại rừng theo truyền thống, và trở thành tài sản thực sự của làng : kiểm lâm chỉ quản lý rừng về mặt sinh thái, quyết định cây nào đến đúng tuổi nào mới được chặt, nhưng chặt hay không, chặt cây nào là quyền của làng. Nhà nước muốn lấy một cây trong rừng thì phải hỏi mua của làng và được làng đồng ý, thuận mua vừa bán. Làng được quản lý theo một hương ước được thoả thuận giữa chính quyền, tổ chức Đảng và Hội đồng Già làng. Kết quả đầu tiên sau hai năm thí điểm : làng đã giữ được rừng nguyên vẹn, tuyệt đối không mất một cây gỗ nào, điều tất cả các chủ sở hữu trước đây (quân đội, nông trường, lâm trường, kiểm lâm…) đều bất lực. Vấn đề tiếp theo hiện nay là phải xác định được quy chế hưởng lợi của người dân làng đối với rừng đã được giao trả ; và dân làng sẽ làm ăn khá giả lên như thế nào trên tài sản rừng nay đã thuộc về mình. Xa hơn nữa là vấn đề Tây Nguyên, cơ cấu xã hội của nó, làng Tây Nguyên, đất và rừng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên… sẽ chuyển động như thế nào trong chuyển động chung của cả nước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay ? Tất nhiên đấy còn là những bài toán rất khó, song có một nguyên tắc : chính chủ thể con người Tây Nguyên sẽ tự mình tìm ra lời giải cho những bài toán ấy trong thực tế, chứ không phải những tổ chức áp đặt từ bên ngoài vào có thể “sáng suốt” nghĩ thay, làm thay.

Vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, cũng như ở nhiều dân tộc khác trong cả nước trước nay, theo một cách nào đó chính là vấn đề thực sự tôn trọng các dân tộc bản địa, chống lại tư tưởng dân tộc lớn dưới mọi hình thức từ thô lỗ đến tinh vi, thực sự tin và kiên quyết trao quyền tự chủ cho người bản địa, trao quyền làm chủ, tôn trọng và tin tưởng ở sức sống và sức tự chủ, sức tự phát triển của xã hội và con người ở đây. Được trả lại quyền tự chủ thật sự - cụ thể là quyền sở hữu đất đai theo truyền thống – xã hội Tây Nguyên sẽ tự minh tìm được con đường, dẫu còn rất khó nhọc, cùng cả nước đi lên trong công cuộc phát triển chung. Mọi toan tính kiểu khác đều tất yếu thất bại, như thực tế mấy chục năm qua đã chứng minh.

4.3 Một tầng lớp trí thức mới cho Tây Nguyên
Như đã thấy ở trên, trong suốt lịch sử lâu dài, xã hội Tây Nguyên đã được quản lý, điều hành hiệu quả, tồn tại và phát triển bền vững trải qua bao nhiêu thách thức lớn nhỏ bằng một cơ chế truyền thống độc đáo, xem ra là “thông minh” nhất trong điều kiện đặc trưng về nhiều mặt của vùng đất và người này. Trong cơ chế quản lý và điều hành đó nổi bật lên vai trò của già làng. Một trong những sai lầm quan trọng và tai hại nhất của ta trong thời gian qua là chúng ta đã không nghiên cứu, thấu hiểu, tôn trọng, tận dụng, đề cao lực lượng có ý nghĩa quyết định này, thậm chí còn muốn xoá bỏ, không công nhận, hạn chế uy tín và vai trò của họ… Gần đây, sau một số biến động, giật mình nhìn lại, mới có một số hoạt động nhằm tỏ ra tôn trọng, đề cao các già làng : mời ra trung ương gặp các vị lãnh đạo này nọ v.v… Những việc ấy cũng là cần, và cũng có tác dụng nhất định. Nhưng có chỗ cần suy nghĩ : những già làng này hiện nay còn thật sự có vai trò, vị trí dẫn dắt cộng đồng như trước đây không ? Nhất là trong tình hình hiện nay và trong phát triển tất yếu của Tây Nguyên sắp tới ? Vậy nên cần nghiên cứu kỹ già làng ở Tây Nguyên thực chất là ai ? Vì sao họ có thể có vai trò lớn như đã thấy?

Như đã nói ở phần trên, già làng chính là những người có tri thức toàn diện nhất, uyên bác nhất, tích tụ được nhiều kinh nghiệm nhất trong đời sống giữa một thiên nhiên vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giữa một xã hội vừa hài hòa vừa gay gắt là xã hội Tây Nguyên trải qua các chuyển biến lịch sử, lại là những người có đức độ cao, là những bậc hiền triết của làng. Người Pháp dịch “Hội đồng già làng” là “Conseil des sages”, Hội đồng của các bậc hiền nhân. Cũng cần chú ý, gọi là già làng nhưng già làng không nhất thiết là người cao tuổi nhất trong làng. Ông Núp ở làng S’tơr, ông Mết ở làng Xóp Dùi, rất nổi tiếng, nhưng khi làm già làng cũng chỉ khoảng 30 tuổi. Tuổi tác không phải là tiêu chuẩn chính. Theo ngôn ngữ ngày nay, có thể gọi đó là những bậc trí thức của làng. Xã hội Tây Nguyên trong suốt lịch sử lâu dài đã được quản lý, điều hành hết sức hiệu quả bởi một tầng lớp trí thức độc đáo như vậy. Lớp “trí thức” đó, trong biến chuyển và đi tới của xã hội Tây Nguyên hôm nay vẫn còn có uy tín và sức tập họp nhất định, nhưng không còn đủ sức ứng phó với những thách thức mới. Vậy phải chăng có vấn đề : cần thiết đào tạo một tầng lớp trí thức mới để dắt dẫn xã hội này trong công cuộc phát triển mới hiện nay và tương lai?

Có thể đào tạo được một tầng lớp trí thức bản địa như thế không ? Có hiện tượng nhiều nhà giáo ở Tây Nguyên, qua kinh nghiệm thực tế của họ, cho rằng học sinh người dân tộc bản địa chỉ có thể học khá đến khoảng cấp 2, lên đến cấp 3 thì đuối. Có đúng thế không ? Chúng tôi không cho là như vậy, vấn đề có thể là ở sự cứng nhắc, giáo điều trong chương trình và cách dạy của chúng ta, không khai thác và phát huy đúng cách những thế mạnh của học sinh dân tộc bản địa. Vừa qua có một ví dụ cụ thể rất sinh động và thuyết phục : Cách đây vài năm, Viện Văn hoá Dân gian (nay là Viện Văn hoá) thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã mở một lớp thạc sĩ về văn hoá và dân tộc học cho 12 sinh viên cao học toàn người dân tộc bản địa Tây Nguyên, Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng, Mơ Nông, Hơ Re, Kơ Ho, Mạ v.v. Kết quả thật tuyệt: cả 12 người đều đạt xuất sắc, có người như chị Phạm Thị Trung, người Xteng, một nhánh nhỏ của dân tộc Xơ Đăng đã trình một luận văn tuyệt vời thậm chí rất hiếm được thấy ở một sinh viên cao học người Kinh. Trong quá trình học và làm luận văn, các sinh viên này đã phải tiếp xúc với các tác phẩm kinh điển của các nhà nhân học, dân tộc học hàng đầu thế giới, những C. Lévy-Strauss, E. Durkheim, A. van Ghenep, R. Tylor. G. Condominas, J. Dournes…, qua bản dịch và qua cả nguyên bản, họ đã tỏ rõ khả năng nắm vững các trí thức bác học cao nhất từng có, lại liên hệ vận dụng rất nhuần nhuyễn và sáng tạo vào thực tiễn xã hội của dân tộc mình, cả trong quá khứ và trong thách thức hiện tại, mà chắc chắn không ai hiểu sâu sắc được bằng họ… Rõ ràng có thể đào tạo một tầng lớp trí thức mới như vậy cho Tây Nguyên, nếu chúng ta có nhận thức đúng, có sự tận tụy, quyết tâm và kiên trì. Vai trò của cán bộ người Kinh, ở bất cứ cấp nào tại Tây Nguyên hiện nay không phải là làm thay, cũng không phải “cầm tay chỉ việc” như thường được nghe nói, mà là giúp tổ chức công việc đào tạo đó, cấp bách trước mắt, và lâu dài, một công việc có tính cách cơ bản và chiến lược. Phải tạo ra cho được một tầng lớp “già làng” kiểu mới của Tây Nguyên, và không cách nào khác, thực sự trao quyền giải đáp những bài toán lớn nhỏ của sự phát triển Tây Nguyên hiện nay vào tay họ. Đó là con đường duy nhất.

4.4 Tổ chức nghiên cứu Tây Nguyên.
Tất cả tình hình vừa qua chứng tỏ một vùng dân tộc đặc biệt như Tây Nguyên đòi hỏi một sự nghiên cứu có tính khoa học rất nghiêm túc, chặt chẽ, lâu dài, vừa cơ bản vừa cập nhật, để làm cơ sở cho mọi chủ trương, chính sách và việc làm lớn nhỏ của chúng ta ở đây. Quả thật chúng ta chưa triển khai được một công tác nghiên cứu như vậy, và một số công trình nghiên cứu của một số nhóm hoặc cá nhân các nhà nghiên cứu đã có, với những cố gắng đáng trân trọng, thì lại bị bỏ qua, hầu như hoàn toàn không được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và có trách trách nhiệm quan tâm, vận dụng. Có thể nói một cách không quá đáng, suốt hơn 30 năm qua - cũng chính là thời gian chúng ta triển khai những chủ trương chiến lược lớn trên vùng đất này - mọi việc làm của chúng ta đều khá tuỳ tiện, vội vã, dựa trên những cảm nhận bên ngoài hời hợt, chủ quan, kể cả khi tình hình đã trở nên rất bất ổn thì những ứng phó cũng là chắp vá, áp đặt, không thật sự tính đến những hệ quả lâu dài, không chịu quay lại tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa, không thèm nghe ý kiến tâm huyết của các chuyên gia. Những ứng phó như vậy có khi còn làm cho tình hình dẫu có thể tạm ổn trước mắt, trên bề mặt, nhưng về lâu dài, trong chiều sâu, lại càng xấu hơn, nặng nề, nguy hiểm hơn. Một số chủ trương mới rất lớn (chẳng hạn việc tận khai bauxit ở Đắc Nông và nhiều vùng khác tại Tây Nguyên) có thể mang tính chất phiêu lưu lớn, hậu quả về nhiều mặt thật khó lường…

Công tác tổ chức nghiên cứu cơ bản về Tây Nguyên do vậy là cấp bách.

Hiện nay và về lâu dài cần:
Thứ nhất: Tập họp các nghiên cứu của các nhà khoa học, các tổ chức trong nước đã có từ trước đến nay, trong đó rất cần chú ý đến một số nghiên cứu có giá trị và khá nghiêm túc của các tác giả miền Nam trong các thời kỳ (như các nghiên cứu của Toan Ánh, Nghiêm Thẫm…).

Thứ hai: Tổ chức dịch các công trình nghiên cứu của người Pháp về Tây Nguyên. Cho đến nay, những nghiên cứu tốt nhất, cơ bản, tương đối toàn diện, đồng thời chuyên biệt, chi tiết, sâu sắc nhất về Tây Nguyên là của các tác giả Pháp, bao gồm từ các nhà thám hiểm đầu tiên, đến các nhà truyền giáo, các nhà cai trị và các nhà khoa học. Các công trình này hoặc đã được in thành sách, hoặc còn nằm rải rác trong các tạp chí khoa học (như tạp chí BEFEO của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – đã được đưa lên mạng, tạp chí BAVH của Tổ chức Những người bạn của cố đô Huế…). Cần có một tổ chức chuyên tập họp và chăm lo việc biên dịch thành một tủ sách chuyên đề về Tây Nguyên, có thể đặt chẳng hạn tại một Trung tâm nghiên cứu ở một trường Đại học thuộc khu vực Miền Trung hay Tây Nguyên (có thể nên là ở Miền Trung vì nghiên cứu Tây Nguyên không thể tách khỏi nghiên cứu liên quan đến vùng duyên hải). Người Mỹ chưa triển khai nghiên cứu được bao nhiêu về Tây Nguyên, ngoài vài tác phẩm của Hickey, chủ yếu tập họp, cô động các công trình đã có của Pháp, có bổ sung thêm một số dữ liệu mới thời chiến tranh sau này. Cũng nên tổ chức dịch để tham khảo.

Thứ ba: Cần có một tổ chức nghiên cứu toàn diện và cơ bản song song với nghiên cứu những vấn đề cụ thể, cấp thời về Tây Nguyên, có thể thành một Viện Nghiên cứu Tây Nguyên thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Viện này sẽ là trung tâm nối liền các tổ chức nghiên cứu đã nói ở điều thứ nhất và thứ hai.

Thứ tư: Cần có ngay một bộ phận tư vấn khoa học bên cạnh Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hiện nay, gồm các chuyên gia về Tây Nguyên, đặc biệt các chuyên gia là người dân tộc bản địa, không phải là không có và lâu nay chưa hề được dùng.

***

Vấn đề Tây Nguyên về nhiều phương diện là một vấn đề lớn lại có những đặc trưng riêng trong sự phát triển chung của cả nước. Vấn đề này vốn đã không hề đơn giản, nay đã càng trở nên hết sức phức tạp, khó khăn, có thể còn khó khăn lâu dài, với những diễn biến cũng có thể còn chưa lường được hết và còn bất ngờ. Song vấn đề cũng có thể trở nên đơn giản hơn, vẫn có thể có lối ra, nếu ta dám thật sự nhìn lại tình hình một cách khách quan, nhận ra sai lầm lớn lẽ ra hoàn toàn có thể không mắc phải nếu biết tôn trọng thực tế và biết lắng nghe, từ đó nghiêm túc xác định lại quan điểm đúng, để có cách nhìn và cách hành xử thích hợp, đặc biệt biết thật sự tôn trọng các dân tộc bản địa Tây Nguyên, một bộ phận tuy có đến chậm hơn nhưng từng gắn bó rất sâu sắc, có đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình lịch sử gian nan mấy thế kỷ qua của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Tây Nguyên nếu không thật sự đặt quyền lợi của các dân tộc bản địa lên trên hết, là mục tiêu hàng đầu của mọi kế hoạch phát triển, thì chắc chắn không việc gị có thể thành công, sẽ thất bại tất yếu, thậm chí có thể đi đến thảm họa.

Nhà Tây Nguyên học xuất sắc Jacques Dournes có một câu bất hủ khi nói về Tây Nguyên, ông viết : “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Đối với Tây Nguyên, cần một sự hiểu biết và một tình yêu đầy sự tôn trọng thật sự, một sự tôn kính chân thành và đấy ưu tư đối với một vùng đất và một vùng văn hoá vào loại độc đáo nhất còn lại trên đất nước ta và trên thế giới ngày nay.

Cần có một tình yêu đầy tôn trọng như vậy, để ra sức tìm hiểu sâu sắc vùng đất và người hết sức quan trọng và vô cùng đặc sắc này, từ đó mà có chủ trương và hành động đúng, mới mong có thể thoát ra khỏi bế tắc hiện tại, đưa Tây Nguyên vững chắc vào tiến trình phát triển chung của đất nước, vì Tây Nguyên, và vì cả nước.

Nguyên Ngọc
Nguồn: Diễn đàn Forum (http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/phat-trien-ben-vung-o-tay-nguyen)

Người theo dõi