Lưu trữ Blog

27 tháng 7, 2014

Dấu chân người lính, thơ Hoàng Trung Trực


“Dấu chân người lính” thơ Hoàng Trung Trực ghi lại kỷ niệm một thời của người lính chấp nhận sự hi sinh thân mình cho độc lập tự do và thống nhất của Tổ Quốc. Trang thơ gắn với sự thân thiết của nhiều đồng đội đã ngã xuống, sự đau đời mảnh đạn trong người và sự mẫu mực thầm lặng, ung dung đời thường của người con trung hiếu sau chiến tranh.



NHỚ BẠN

Ngỡ như bạn vẫn đâu đây
Khói hương bảng lảng, đất này bình yên
Tình đời đâu dễ nguôi quên
Những dòng máu thắm viết nên sử vàng.


Trời xanh mây trắng thu sang
Mình ta đứng giữa nghĩa trang ban chiều
Nhớ bao đồng đội thương yêu
Đã nằm lòng đất thấm nhiều máu xương.


Xông pha trên các chiến trường
Hôm nay ta đến thắp hương bạn mình.


(Trong: Dấu chân người lính
Thơ Hoàng Trung Trực)

MẢNH ĐẠN TRONG NGƯỜI
Bao nhiêu mảnh đạn gắp rồi
Vẫn còn một mảnh trong người lạ thay
Nắng mưa qua bấy nhiêu ngày
Nó nằm trong tủy xương này lặng câm…

Thời khói lửa đã lui dần
Tấm huân chương cũng đã dần nhạt phai
Chiến trường thay đổi sớm mai
Việt Nam nở rộ tượng đài vinh quang.

Thẳng hàng bia mộ nghĩa trang
Tên đồng đội với thời gian nhạt nhoà
Muốn nguôi quên lãng xót xa
Hát cùng dân tộc bài ca thanh bình.


Thế nhưng trong tuỷ xương mình
Vẫn còn mảnh đạn cố tình vẹn nguyên
Nằm hoài nó chẳng nguôi quên
Những ngày trở tiết những đêm chuyển mùa.


Đã qua điều trị ngày xưa
Nó chai lỳ với nắng mưa tháng ngày
Hoà bình đất nước đổi thay
Đêm dài thức trắng, đau này buồn ghê.


Khi lên bàn tiệc hả hê
Người đời uống cả lời thề chiến tranh
Mới hay cuộc sống yên lành
Vẫn còn mảnh đạn hoành hành đời ta.



(Trong: Dấu chân người lính
Thơ Hoàng Trung Trực)


VIẾNG MỘ CHA MẸ
Dưới lớp đất này là mẹ là cha
Là khởi phát đời con từ bé bỏng
Là lời mẹ ru dịu dàng cánh võng
Là binh nghiệp cha một thuở đau đời.


Hành trang cho con đi bốn phương trời
Là nghĩa khí của cha, là nhân từ của mẹ
Vẫn bầu sữa tinh thần không ngừng không nghỉ
Để hành trang cho con đi tiếp cuộc đời.


Cuộc đời con bươn chãi bốn phương trời
Nay về lại nơi cội nguồn sinh trưởng
Dâng nén hương mà lòng hồi tưởng
Thuở thiếu thời dưới lồng cánh mẹ cha.


“Ước hẹn anh em một lời nguyền
Thù nhà đâu sá kể truân chiên
Bao giờ đền được ơn trung hiếu
Suối vàng nhắm mắt mới nằm yên”
.

(Trong: Dấu chân người lính
Thơ Hoàng Trung Trực)




HOÀNG TRUNG TRỰC, DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH

Hoàng Trung Trực sinh ngày 26 tháng 2 năm 1944 tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ, thương binh bậc 2/4, hiện đã nghĩ hưu từ tháng 11/1991 tại số nhà 28/8/25 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh ra và lớn lên trong thời điểm của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dài nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc. 

Ông đã trở thành người lính trưởng thành trong lửa đạn, chỉ huy từ tiểu đội đến sư đoàn binh chủng hợp thành, trãi qua các chiến dịch giải phóng nước bạn Lào 10/1963- 5/1965, đường 9 Khe Sanh Quảng Trị 6/1965 -12/1967, Mậu Thân ở Thừa Thiên Huế 1/1968 – 12/1970, đường 9 Nam Lào 1/1971-4/1971, thành cổ Quảng Trị 5/1972-11/1973; các chiến dịch Phước Long, Chơn Thành, Dầu Tiếng, Xuân Lộc và chiến dịch Hồ Chí Minh 12/1973-4/1975; các chiến dịch giúp nước bạn Cămpuchia 5/1977-12/1985. 

Ông đã qua Học viện Lục Quân Đà Lạt, Học viện Quân sự Cao cấp Khóa 1 ở Hà Nội, Chủ tịch Quân quản Quận 10, Quận 11 thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tư lệnh Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. Ông có vợ là bà Trần Thị Hương Du làm ở Ngân hàng với hai con  Hoàng Thế Tuấn kỹ sư bách khoa điện tử viễn thông và Hoàng Thế Toàn bác sỹ. Hiện các con của ông bà Hoàng Trung Trực đều đã có gia đình.

Tập thơ “Dấu chân người lính” ghi lại kỹ niệm một thời của người lính dấn thân trong lửa đạn, chấp nhận sự hi sinh thân mình cho độc lập tự do và thống nhất của Tổ Quốc. Trang thơ gắn với sự thân thiết của nhiều đồng đội đã ngã xuống, sự đau đời mảnh đạn trong người và sự mẫu mực thầm lặng, ung dung đời thường của người con trung hiếu sau chiến tranh. Một số bái  Viếng mộ cha mẹ, Mảnh đạn trong người, Nhớ bạn, Bền chí, Hát ru con,  Thung dung rèn luyện, Trò chuyện với Thiền sư, … vui được lần lượt hiến tặng bạn đọc

(LỜI TỰA của Hoàng Kim
(Trong: Dấu chân người lính
Thơ Hoàng Trung Trực)





Hoàng Trung Trực, cựu chiến binh,  ghi sổ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh: Tư liệu gia đình

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính
 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

14 tháng 7, 2014

Đọc Tuân Nguyễn của Ngô Minh


HỌC MỖI NGÀY. Trước đèn đọc "Tuân Nguyễn- Tôi là người có lỗi" của Ngô Minh, tôi bần thần hồi lâu.  Chính Trí thức là người có lỗi, vì tầng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì hơn để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh hơn .Vâng, chúng ta là người có lỗi ! "


TUÂN NGUYỄN – TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI

                       ( Nhân đọc sách  Nhớ Tuân Nguyễn )

 NGÔ MINH
                Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách “ Nhớ Tuân Nguyễn” do anh sưu tầm và biên soạn ( NXB Hội Nhà văn, 2008). Cuốn sách 420 trang dày dặn là tập hợp đầy đủ nhất về tính cách, sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh. Đã 25 năm Tuân Nguyễn  về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Họ vẫn lưu giữ thơ anh, vẫn thuộc thơ anh để chép lại cho người biên soạn sách. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ . Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi : Sao người trí thức trẻ ấy lại lâm vòng lao lý oan khiên  làm vậy ?  Trong bài “ Tuân Nguyễn- Kẻ mơ mộng”, Hà Nhật kể :” Buổi chiều ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe là lạnh người : Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này : Khi có ai đó muốn kêu lên :” Trời ơi sao mà tôi khổ thế ?”, thì nhìn vào Tuân Nguyễn  sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.

          Tôi chưa được gặp anh Tuân Nguyễn . Thế hệ độc giả Việt Nam tuổi 60 như tôi trở xuống cũng không mấy người biết Tuân Nguyễn, bạn đọc ở miền Nam lại càng không biết, vì thời trẻ anh chỉ có ít thơ  in trên báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được xuất bản, lúc 31 tuổi (1964) anh đã bị tù tội đến  10 năm trời. Nhưng giới trí thức Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước ai cũng biết “vụ” Tuân Nguyễn. Vì Tuân Nguyễn  là nhà báo, thân thiết với làng văn nghệ, nên  việc anh bị bắt làm rúng động giới trí thức lúc bấy giờ. Tôi biết nhiều về Tuân Nguyễn nhờ anh Phùng Quán kể ; rồi sau này biên soạn, tổ chức bản thảo mấy cuốn sách về Phùng Quán, được đọc nhiều bài viết về Tuân Nguyễn. Năm 1985, lần đầu tôi đến nhà anh Phùng Quán ở phía sau Trường Chu Văn An cũ. Tôi thấy nhà thơ có làm trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo  khi còn tuổi vị thành niên mà Phùng Quán viết trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, bên cạnh là trang thờ Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỹ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Anh bảo thiêng lắm. Năm 2003, sau khi  ra mắt cuốn “Nhớ Phùng Quán” ( NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “ Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn “Phùng Quán- Ba phút sự thật” cho NXB Văn Nghệ, tôi đã coi bài viết này là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp một nhân cách tuyệt vời. Bị tù tội gần 10 năm xơ xác thân mình vẫn đam mê văn chương thơ phú. Bị ô tô tông chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết ở tuổi mụ 49, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăng trối của  Tuân Nguyễn :” Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…”

           Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI ! Phùng Quán kể rằng, có lần Tuân Nguyễn “định viết bài thơ dài, nhan đề : Tôi có lỗi.  ”Chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Tôi  ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng Đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”. Nói cách khác người trí thức, nghệ sĩ chưa có những tác phẩm lớn để để lay động tâm can cơn người, làm cho con người ngày càng NGƯỜI  HƠN, nên xã hội còn có quá nhiều kẻ hại dân hại nước ! Lỗi là lỗi như thế. Vì lẽ đó, đọc cuốn “Nhớ Tuân Nguyễn”, tôi muốn kể lại câu chuyện về NGƯỜI CÓ LỖI Tuân Nguyễn để bạn đọc biết thêm trí thức Việt Nam đã sống như thế nào trong cái thời khốn khổ chưa xa ấy…

          Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì kháng chiến. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên anh  đảo ngược lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận . Theo nhà thơ Hà Nhật, bạn thân của Tuân Nguyễn thì quê gốc của anh ở Quảng Bình. Học trường  Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương.  Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh là người mơ mộng, người lãng mạn nên thoát ly theo cách mạng.  Năm 1949, anh tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội…Thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Sau Hiệp định Geneve anh được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa văn khoá I cùng lứa với Hà Nhật, Vũ Bội Trâm ( vợ Phùng Quán sau này). Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.     
             Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam  là những năm Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết  Người mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh . Anh mê Đốt, nghiện Đốt. Anh  thích thơ Chế Lan Viên qua tập thơ “ Ánh  sáng và phù sa”. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi như đảo Cô Tô, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, sang Vân Nam, Trung Quốc, vô tận Vĩnh Linh, Quảng Bình , đi thuyền trên sông Kiến Giang. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực của người dân và những sai lầm khuyết điểm trong xây dựng kinh tế và quản lý xã hội ở miền Bắc. Ở Hà Nội, anh chơi thân với nhiều bạn văn thơ như Băng Sơn, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Vũ- Nguyễn Thị Điều, Vân Long, Hà Nhật, Hoàng Tố Nguyên.v.v. Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam , “Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “ Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “ Anh nhìn bằng tim tim anh trong vắt”, anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trôi, thơ tặng một kiều bào về nước, tăng một chuyên gia địa chất Nga.v.v..Anh còn viết nhiều thơ tình rất sâu sắc : Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu / Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng ( Không dề I); Khi tình yêu đi qua / Một mảnh buồn ở lại ( Không đề II)…Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè : Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười;  Phật nào lấp được bể trầm luân…Bạn bè anh hay nhắc bài thơ Nghe nhạc Johann Strauss viết trong một đêm cùng bạn thơ đi chơi Hà Nội rồi về nhà Băng Sơn uống rượu :
                           Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp
                           Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao
                           Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
                           Những con người nước lạ phải lòng nhau
Nghe bản nhạc Sông Đa Nuýp xanh của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý  thơ Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp là rất nhạy cảm. Câu thơ Những con người nước lạ phải lòng nhau chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in  nhiều ở báo Văn Nghệ, báo Thống Nhất, phát trong buổi Tiếng Thơ. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện. Nhưng  như trong bài thơ Không đề I anh viết năm 1963: Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/  Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến dộ rằm…Những câu thơ như là vận vào sô phận của anh…

           Ngày 21/10/1964, khi mới 31 tuổi, tài năng sắp chín, Tuân Nguyên bị bắt tại cơ quan trước sự ngạc nhiên và hỏang sợ của bạn bè, đồng nghiệp. Tại sao anh bị bắt ? 45 năm nay, câu trả lời vẫn úp mở. Theo tôi biết, Tuân Nguyễn bị bắt trong trào lưu “chống xét lại” nhập khẩu từ Phương Bắc. Dạo đó ở miền Bắc, người ta lùng bắt “bọn xét lại” ở khắp nơi y như lùng bắt địa chủ trong CCRĐ. Trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những việc làm không đúng, không  nhân văn, những ấu trĩ, non nớt của các cấp lãnh đạo. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “ xét lại”, “chống đối  ”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án. Để tìm ra những trí thức “phản động” đó cần phải có bọn dòi bọ làm nghề tố giác! Tố giác để tâng công, tố giác để chạy tội.  Phùng Quán kể :”Tuân Nguyễn “trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ  quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrutsov…vào thời gian ấy, những chuyện như thế  là chuyện chết người cả”. Hơn nữa, lãnh đạo đã để ý nhiều lần Tuân Nguyễn chơi thân với “Phùng Quán nhân văn giai phẩm”, Phùng Quán hay đến  Đài. Vì Phùng Quán và Tuân Nguyễn ở cùng tiểu đội trong Trung đoàn 101 thời chống Pháp ở Bình Trị Thiên sao mà không thân nhau được. Mà Tuân Nguyễn lại không quan niệm Phùng Quán là người có tội. Phùng Quán bị nạn, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn cũng đã lường trước hậu quả của mỗi quan hệ này, nên anh đã nhờ người canh chừng. Trong bài Nhớ anh Tuân Nguyễn, Mai Niệm viết :” Mỗi lần anh Quán đến chơi, anh Tuân nguyễn thường nhờ tôi xuống dưới cầu thang cạnh bếp ăn tập thể để canh có ai hỏi anh Tuân Nguyễn thì ngăn lại, bảo anh đi vắng ( nhất là H)…. Sáng 18/8/1963, anh Quán đến… Tôi đang lau xe đạp thi H đến. H. là người cùng phòng nên  đi thẳng lên gác…Vừa lên chưa được một phút, H đã xuống mặt hầm hầm sát khí bảo tôi :Sao câu lại để cho ông Quán đến cơ quan mình mà không báo bảo vệ ?”…Tuân Nguyễn có một bài viết rất sâu nói về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. Bài viết bị trưởng phòng cho là “không có lập trường”, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.v.v.. Thế là tên Tuân Nguyễn đã nằm trong “sổ đen” rồi. Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể :”  Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H. người cùng Phòng Văn nghệ lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…” Về việc cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn,  Xuân Đài  kể rằng, Tuân Nguyễn đã báo cho bạn bè biết ai đó đã mở ngăn kéo bàn viết của anh, dù đã khoá rất kỹ, lấy mất  cuốn nhật ký và một chỉ vàng. Tuân bảo nhật ký của mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước và thơ. Thằng đê tiện đã đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thêm chỉ vàng để Tuân Nguyễn nghĩ là kẻ gian lấy trộm. Người  biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo, hai anh đều là đảng viên, đều làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam thời ấy cho biết, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ phòng Văn nghệ  chuyển lên lãnh đạo là… H cùng phòng với Tuân Nguyễn.  Không biết đến bây giờ H.còn sống để đọc cuốn Nhớ Tuân Nguyễn không ? Nếu đọc thì “con người lập trường“ ấy có chút gì ân hận về  việc làm hèn mạt của mình không ?  Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ rất cảm động, nhưng “gay cấn” là bài  “Khóc thầy”. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai người bị quy tội “đại xét lại” :  Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất / Tiếng nói của lương tâm / Đau đớn này đau đớn nào hơn / Chân lý không muốn nằm dưới đất / Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ… Và đây là hai câu kết :
                                      Chúng con đi sau linh cửu của thầy
                                      Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa
         Ta đã biết ai  là kẻ đã ăn cắp cuốn nhật ký Tuân Nguyên để tâng công với cấp trên. Nhưng theo nhà văn Xuân Đài, cái anh H ấy rồi sau này vẫn không cứu được mình, do sống tha hoá nên bị khai trừ ra khỏi đảng.  Nhưng không hiểu sao,  khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn ( tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách  này) , là người cùng phòng, lại đồng hương lấy. Chính tôi thế hệ sinh sau, ra Hà Nội dầu những năm 80 của thế kỷ XX , khi nhắc đến Tuân Nguyễn cũng nghe nói như vậy. Một mất mười ngờ. TNV rất đau khổ trước sự độc mồn độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyên  đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “ nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Nhưng anh Vấn chẳng thanh minh với ai.  Anh lặng lẽ gửi đồ tiếp tế, sách , bút Trường Sơn, và cả cuốn từ điển Nga-Việt vào Trại cải tạo cho Tuân Nguyễn tự học tiếng Nga , để dịch được cuốn sách Bim trắng tai đen của G.Trôiepônxki ra tiềng Việt  được tái bản nhiêù lần. Tuân Nguyễn đi tù, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn vừa tôn vinh một người bạn tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình. Cảm ơn tấm lòng và sự kiên nhẫn của nhà thơ Trần Phương Trà !

           Trong chuyện bị bắt của Tuân Nguyên, có một chi tiết Phùng Quán kể làm người đọc cười ra nước mắt. Trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn là thanh niên chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên khi viết về một nhân vật chơi bời, Tuân Nguyễn thiếu thực tế, liền nhờ Phùng Quán kiếm cho một cái “đồng tiền vàng”, tức là  nhãn hiệu của cái bao cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Thời đó loại bao cao su này không được bán tự do bên ngoài, mà chỉ có ở cửa hàng phân phối có giấy giới thiệu của Công đoàn cơ quan mới mua được. Phùng Quán ngờ bạn mình đang cần cái đó vì yêu. Nhưng không phải, Tuân Nguyễn chỉ xem để  biết, để mô tả cho chính xác khi viết văn. Phùng Quán  bảo với Tuân Nguyên rằng  “tay H ( H đã nói ở trên) hay chơi bời , cùng cơ quan với cậu lúc nào cũng có “đồng tiền vàng” trong túi, Cậu hỏi xin nó một cái”.  Và cái ngày định mệnh 21/10/1964 ấy, Tuân Nguyễn gặp H. tại cổng cơ quan, hỏi  xin một “đồng tiền vàng” . H móc túi lấy cho Tuần Nguyễn một đồng tiền vàng. Tuân Nguyễn đút túi chưa kịp bóc xem thì  người ta đến đọc lệnh bắt. Sau lệnh bắt, người ta yêu cầu Tuân Nguyễn cởi bỏ hết đồ  mang theo trong người, kể cả kính cận, để lập biên bản. Thế là đồng tiền vàng trong túi bị phát hiện. Tuân Nguyễn hổ thẹn lắm, vì anh bị quy thêm một tội nữa : Chưa vợ mà có đồng tiền vàng tức là “hủ hoá” ! Sau này Tuân Nguyên kể với Phùng Quán : “ Lúc đó, một chi tiết khó tin trong tác phẩm Kỷ niệm ngôi nhà những người chết của Dostoievsky vụt hiện lên trong ký ức mình.  Có một người tử tù sắp sửa phải thụ hình. Y bị trói vào cọc hành hình cố vươn ra  ra chuẩn bị đón lưỡi dao bén ngọt của đao phủ. Y chợt ngoảnh lại, run rẩy nói với người đao phủ : Trên gáy tôi có cái ung nhọt đang mưng mủ. ông làm ơn đừng chém vào chỗ cái nhọt ! Rất đúng với hòan cảnh của mình lúc đó, sắp phải đi tù không biết bao nhiêu năm , thế mà mình lại không cảm thấy đau khổ bằng sự việc trong túi  có đồng tiền vàng”. Đi tù cải tạo 9 năm 7 tháng , cho đến khi ra tù, Tuân Nguyễn vẫn chưa biết đồng tiền vàng ấy hình thù như thế nào…

           Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn bị đưa vào Trại cải tạo ở  Nghĩa Đàn ( Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong  bài “ Nhớ thương anh”  Phạm Ngân Giang, là người đã cưu  mang Tuân Nguyên nơi ở khi ra tù trong một thời gian , cho biết, ở Trại cải tạo Nghĩa Đàn, anh được làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu , thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ… Anh sống nhân cách, không kêu ca phàn nàn, lại hay nhường nhịn giúp đỡ mọi người , nên ai cũng thương anh.  Trong trại người ta nhốt cao bồi riêng, gái điếm riêng, họ nhờ anh đưa thư cho nhau, anh thương tình đưa hộ, bị giám thi trại bắt được, cảnh cáo nếu tái phạm thì chuyển đi lao dộng  chứ không được làm thống kê nữa. Ở Trại Nghệ An được 1  năm thì Trại bị máy bay Mỹ bắn  nên chuyển ra Cẩm Thuỷ ( Thanh Hoá). Thời hạn cải tạo được 4 năm anh được Ban giám thị Trại cho làm bản tự kiểm điểm để được tha, nhưng Tuân Nguyên không tự kiểm điểm  mình mà lại viết bản lên án , tố cáo Ban giám thị ăn hối lộ, đút lót.v.v. nên không những không được tha mà  bị chuyển qua trại Bá Thước ( cũng ở Thanh Hoá) làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha anh khoác ba lô về, loanh quanh  mấy tháng trời không biết đi đâu,  về đâu, làm gì. Anh buồn chán lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ. Mọi người trong trại khuyên anh  hãy về với cuộc sống để yêu , để bảo vệ cái đẹp. Về để đi tiếp chặng đường dang dở của mình  . Và anh lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè…Anh đi đánh véc ni, đi dọn vệ sinh ( đổ thùng nhà cầu) ở ga Hàng Cỏ để sống qua ngày.

          Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyên như là sứ giả của Thượng Đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý , là con gái của  ông Nguyễn Đức Phiên , tức Hoài Chân, một trong hai tác giả  Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của  trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm , dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái  CHẤT NGƯỜI  cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng ? Nhà văn Thái Vũ ( Bùi Quang Đoài) viết :” Quả là “mệnh trời” khi Tuân gặp Thuý, khi nỗi buồn khó dứt của một người đang mong có một niềm vui, đúng hơn là một chỗ dựa. Trong thời buổi chữ “tài” đang lay lắt thì chữ “mệnh” đúng là đã cứu vãn một kiếp người…”

          Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn như  Phạm Ngân Giang, Vũ- Điều, Băng Sơn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buống  6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp soong , bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường…Hoạ sĩ Chu Hoạch góp một bức chân dung Đốtx treo trước bàn viết, Phùng Quán, Lê Huy Quang góp tre đóng chạn đựng bát đữa, soong nồi… Sau khi có nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình . Tuân Nguyên làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiêù bản gửi đi mời bạn bè. 
                                  Quá nghèo nên tạm thế này thôi
                                  Đâu dám làm cho khác mọi người
                                  Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
                                   Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
                                   Bao năm nghoảnh lại hoàn tay trấng
                                   Một sáng nhìn lên miệng hé cười
                                   Thiếp báo là thơ- gìơ gửi tới
                                    Xin mời có dịp đến nhà chơi.

          Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người: … Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ nhà thơ như ở đây? / Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi / Ba phải đứng vì không đủ chỗ… Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ cô đơn như ở đây ?/ Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa / Sống bằng thơ đau với rượu cay/ Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ yêu thương như ở đây ? / Mỗi tấc đất có một người quỳ gối / Dâng trái tim và nước mắt / Cho nỗi đau của cả loài người…
         Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyên- Phương Thuý vào Sài Gòn ở lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ anh đã được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức, ngoài giờ thì dịch sách báo. Buồn cười nhất là khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, đoạn thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, tổ chức bảo anh kê khai là “ nghỉ chữa bệnh!”. Vui thật. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nới. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo :” Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu  tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăng  trối câu nổi tiếng : Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”. Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này : Chính Trí thức là người có lỗi, vì từng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh .Vâng, chúng ta là người có lỗi !
Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

8 tháng 7, 2014

Thư cho con của Tôn Vận Tuyền


HỌC MỖI NGÀY Tôi chép lại Thư cho con của Tôn Vận Tuyền là một trong những bài được đọc nhiều nhất trên trang DẠY VÀ HỌC. Lời cha mẹ căn dặn con cái thường sâu sắc, thân tình và giản dị. Đó là những lời mà họ đã chiêm nghiệm các bài học thất bại và thành công trao lại cho con. Tôn Vân Tuyền là nhà kinh tế chính trị danh tiếng của Đài Loan. Ông có công lớn trong việc chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp thành cường quốc xuất khẩu. Ông đã đúc kết chín lời khuyên dạy con. Tôi may mắn được đọc thư này khi đến thăm blog của thầy Nguyễn Lân Dũng, đúng lúc tôi đang nếm trãi cái rét cắt da khi cùng chuyên gia và đồng nghiệp đi tìm chọn điểm tạo giống sắn lai ở vùng núi cao phía Bắc và đang bùi ngùi Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bắc. Cám ơn thầy Lân Dũng đã tạo duyên may cho em được tuyển chọn lưu trữ những lời sâu sắc này. Em ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM bài này sau chuyến đi xa càng thấy thấm thía.

MỘT LÁ THƯ ĐÁNG ĐỌC

Nguyễn Lân Dũng

Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 - 15/2 /2006), một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các Bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc, trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)... Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quý do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng, ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:

KIẾP SAU (NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG,
CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU

".... Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:



Các con thân mến,

Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên ba nguyên tắc như sau :

1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu ,bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy vì thất tình.

5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỷ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.


Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con

6 tháng 7, 2014

Ghana thứ tư ngày 2 tháng 7

Vị trí của Việt Nam

Chào ngày mới 2 tháng 7. Ngày này trong lịch sử có ba sự kiện nổi bật: Năm 1976Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hòa Miền Nam Việt Nam hợp nhất thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày này năm 626  Đường Thái Tông  Lý Thế Dân tiến hành chính biến Huyền Vũ Môn tại Trường An, sát hại anh là Thái tử Kiến Thành, đoạt lấy quyền lực của triều ĐườngNăm 1582Thời kỳ Chiến Quốc Toyotomi Hideyoshi đánh bại Akechi Mitsuhide trong trận Yamazaki hay còn gọi là trận Tennozan. Thắng lợi quyết định này đã góp phần khiến cho Hideyoshi trở thành một trong những vị đại anh hùng trong lịch sử Nhật Bản, như một trong những người đầu tiên có công thống nhất đất nước.


Cassava in Ghana: save and Grow


Tôi và Jinny sáng ngày 2 tháng 7 làm việc với các ông Andy Jones và Richard Laryea cùng với những người điều hành chủ chốt của Guiness Ghana. 14g30 chiều, tôi ra sân bay về nước. Jinny sẽ về Anh Quốc sáng hôm sau.

Buổi làm việc được kết nối với nhiều người  tại những nơi khác nhau trên thế giới của Guiness Ghana Brewer. Trước đó anh Quân đã xem và đồng ý bài báo cáo Sắn ở Ghana: bảo tồn và phát triển (Cassava in Ghana: save and Grow) sẽ  tương tự như nội dung tôi đã trao đổi với ngài E.K.Smith, cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Bộ thương mại và Công nghiệp Ghana. Anh Quân chỉ lưu ý tôi chuẩn bị thêm các ý kiến chi tiết đề xuất những việc cần làm - đặc biệt là về mặt nông học - cho Guiness Ghana để phát triển sắn thích hợp và bền vững ở Ghana.


Cultivation of cassava by 
Ricardo Buzzette

Cultivation of cassava in the World and Vietnam

Tôi chuẩn bị thêm ba tài liệu Canh tác sắn, Chế biến sắn và thông tin  Thư mục sắn Ghana để giúp thêm cho các bạn phương pháp tiếp cận hệ thống. Tôi có so sánh những kỹ thuật canh tác sắn canh tác hiện đại và  yếu tố thích hợp bền vững "theo cách của Việt Nam". Bạn chăm chú theo dõi, hỏi nhiều điều thú vị và kết luận thỏa đáng. Anh Quân (ở  Anh) đã kết nối trực tiếp, theo dõi chặt chẽ và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho cuộc họp. Jinly trao đổi thật thông minh nhiều vấn đề.

Buổi làm việc rất thành công.


Ra sân bay trở về Việt Nam, tôi hài lòng vì có thêm một ngày làm việc hiệu quả và thành công.

Jinny và NaNa tiễn tôi ra sân bay. Tôi chợt bùi ngùi nhớ đến bao nhiêu khuôn mặt thân thương của những trẻ thơ và những người nông dân nghèo, tốt bụng mà tôi đã gặp. Họ đã thắp lên trong tôi ngọn lửa của sự dấn thân mới.




Kính chào đất nước Ghana. Hôm nay là ngày thống nhất Việt Nam.

Tôi về đất nước quê hương và hẹn ngày trở lại.


Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

Ghana thứ ba ngày 1 tháng 7

Chào ngày mới 1 tháng 7 Ngày này trong lịch sử thế giới có ba sự kiện nổi bật: Ngày Độc lập tại BurundiRwanda (1962).  Năm 1979Sony phát hành máy nghe nhạc cầm tay Walkman, cho phép chọn nhạc để nghe trên đường. Sự kiện này đã thổi bùng luồng gió mới cảm hứng trong thế giới âm nhạc. Năm 1997 Hồng Kông một phần lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc đã hòa nhập vào đại lục, kết thúc 150 năm thống trị của Anh tại lãnh thổ này. Điều này gợi cho Việt Nam ý thức về cuộc chiến pháp lý kiên trì trãi hàng trăm năm để thu hồi những phần đất nước thiêng liêng ở Hoàng Sa, Trường Sa thuộc đất nước Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ. 

Hôm nay là ngày nghỉ ở Ghana. Tôi quên béng việc hỏi NaNa và Jinny hôm nay là ngày gì. Jinny nói với tôi: "thầy cứ nghỉ thoải mái, buổi trưa em và NaNa sẽ đón thầy sang ăn cơm Việt Nam ở nhà cô Thanh".

Fiesta Royal là một trong những khách sạn đẹp nhất ở thủ đô Accra, Ghana. Tôi thoải mái đi tắm và tận hưởng niềm vui của một nghỉ đầu tiên ở nước bạn. Hôm trước thứ bảy chủ nhật tôi vẫn làm việc cật lực dù không ra đồng hoặc đến văn phòng vì khối lượng công việc ngập đầu. Sáng nay mới có thời gian nghỉ ngơi.

 
 

Phòng ở của tôi  ở lầu ba, đẹp,  hướng nhìn thẳng ra bể tắm. Tôi thích nhất là internet tốt, không gian thật tỉnh lặng và cây đèn bàn ánh sáng thật hoàn hảo. Mỗi tối trước khi đi ngủ,  tôi đều đắm mình đọc và suy ngẫm một đoạn ngắn lời vàng trong Con đường hoàn hảo (The Perfect Way) của Osho
 


Ghana có một hệ thống sông lớn với một loạt các nhánh sông. Hình trên là bức tranh toàn cảnh và cảnh đẹp tuyệt vời của thắng cảnh hồ Volta trong lưu vực sông Volta và Đông khu vực của Ghana. Hồ Volta diện tích bề mặt nhân tạo lớn nhất thế giới. Hồ Volta chảy vào Vịnh Guinea trên Đại Tây Dương. Sông Volta có ba nhánh-chính Volta Đen, Volta Trắng Volta Đỏ. Tôi chỉ mới được ngắm sông Vonta lúc hoàng hôn trên đường về của khảo sát sắn và vẫn ước dịp đi tắm ở hồ Vonta huyền thoại này

Để chuẩn bị tốt cho buổi làm việc ngày mai với tập đoàn Guiness Ghana, tôi dành buổi chiều duyệt lại  Sắn ở Ghana: bảo tồn và phát triển (Cassava in Ghana: save and Grow) và chuẩn bị thêm ba tài liệu Canh tác sắn, Chế biến sắn và thông tin  Thư mục sắn Ghana


Cultivation of cassava by 
Ricardo Buzzette

Cultivation of cassava in the World and Vietnam

Thêm một ngày nghỉ và làm việc hiệu quả.

Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

Ghana thứ hai ngày 30 tháng 6


Chào ngày mới 30 tháng 6. Hôm nay lịch sử thế giới có ba sự kiện nổi bật: Ngày Độc lập tại Cộng hòa Dân chủ Congo (1960). Năm 1894Cầu Tháp Luân Đôn được khánh thành, đây là cây cầu rất đẹp bắc qua sông Thames đoạn chảy qua thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Ngày này năm 1908 Sự kiện vụ nổ lớn Siberia xảy ra tại TunguskaSiberi thuộc Nga hiện nay. Đây có thể đã được gây bởi vụ nổ trên không của một tiểu hành tinh hay sao chổi từ khoảng cách 5 đến 10 kilômét trên bề mặt Trái Đất. Năng lượng của vụ nổ sau này được ước tính trong khoảng 10 đến 20 megaton TNT, tương đương với Castle Bravo, quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được Hoa Kỳ chế tạo. Vụ nổ đã làm đổ khoảng 60 triệu cây trên diện tích 2.150 kilômét vuông, có tác động lớn đối với Trái Đất.

Sáng nay, tôi thức dậy sớm để kịp hoàn thiện báo cáo Sắn ở Ghana bảo tồn và phát triển (Cassava in Ghana: save and grow). Tôi xem lại power point, bổ sung và hiệu đính rõ các nguồn trích dẫn, sắp xếp dàn bài phát biểu và trình chiếu ở các thời lượng 5, 10, 15 phút , dự kiến các câu hỏi và nội dung cần trao đổi.


Cassava in Ghana: save and grow 


9 giờ NaNa và Jinny đón tôi đến làm việc với Bộ Thương Mại và Công nghiệp, ngài E.K. Smith cùng với hai trợ lý của ông. Ông trao đổi kỹ và sâu. Báo cáo được quan tâm đặc biệt và ông ngỏ ý muốn tiếp cận và có bản sao về các thông tin chi tiết vừa trình bày. Tôi trao đổi với Jinny và anh Quân (ở Anh) để tăng cường mối quan hệ hợp tác.

Buổi chiều chúng tôi đến làm việc với các Tổ chức Quốc tế về  tài chính, tư vấn, nghiên cứu sản xuất kinh doanh và phát triển ngành hàng sắn ổn định bền vững tại châu Phi và Ghana. Tôi có thêm những người bạn mới của Ghana và nhiều nước.

Xa Tổ Quốc, làm việc hướng thiện và nhân đạo, tôi càng xúc động bởi lời ca
Chúng ta là cả thế giới We are the world bài ca sống mãi với thời gian của thiên tài ca nhạc Michael Jackson. "Khi bạn cảm thấy lạc lõng và suy sụp. Không một chút hy vọng hay ước mơ. Nhưng nếu bạn tin tưởng, Chúng ta sẽ không bao giờ gục ngã. Nào, nào, nào, hãy nhận ra rằng. Sự thay đổi chắc chắn sẽ đến . Khi chúng ta sát cánh bên nhau." "Chúng ta là cả thế giới. Chúng ta là lớp trẻ. Chúng ta là những người làm ngày mai tươi sáng hơn".
Một ngày mới đi qua với nhiều hiệu quả và niềm vui.


Video
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Links

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

Ghana chủ nhật ngày 29 tháng 6

Chào ngày mới 29 tháng 6 Ngày này năm xưa. Hôm nay là ngày Độc lập tại Seychelles, đất nước có tên gọi tiếng Việt Cộng hòa Xây-sen là một quốc đảo với 155 hòn đảo lớn nhỏ cách 1.500 km về hướng đông của đại lục Châu Phi. Đảo quốc này giành độc lập năm 1976 và là thành viên Khối Liên hiệp Anh. So với Ghana Cộng hòa Ghana là một thuộc địa của Liên Hiệp Anh với tên gọi Bờ Biển Vàng (Gold Coast). Ngày 6 tháng 3 năm  1957, Ghana trở thành thuộc địa đầu tiên ở vùng Châu Phi hạ Sahara giành được độc lập.



Ghana Bờ Biển Vàng (Gold Coast) 


Ghana
một trong những nước đẹp trên lục địa châu Phi.
Tên gọi trước khi độc lập là Bờ Biển Vàng (Gold Coast). Ghana là hiện thân của một nền văn hóa phong phú, con người thân thiện và môi trường hòa bình. Đứng trước biển, khát khao xanh, biển gọi.

Ghana tên chính thức là Cộng hòa Ghana (Republic of Ghana) là một quốc gia tại Tây Phi. Ghana có biên giới với Côte d'Ivoire về phía tây, Burkina Faso về phía bắc, Togo về phía đông, còn về phía nam là Vịnh Guinea. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Ghana là Accra. Diện tích 238.540 km². Ngày thành lập 6 tháng 3 năm 1957, Ghana là thuộc địa của Liên Hiệp Anh với tên gọi Bờ Biển Vàng (Gold Coast) trở thành thuộc địa đầu tiên ở vùng Châu Phi hạ Sahara giành được độc lập. Dân số khoảng  24,0 triệu người. ngôn ngữ chính tiếng Anh. Tôn giáo chính thiên chúa giáo. Khí hậu ấm áp tương tự Việt Nam. Văn hóa đa dạng.  Kinh tế của Ghana chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, chiếm tới 37,3% GDP và cung cấp việc làm cho 56% số người lao động, phần lớn trong số đó là những người sản xuất nhỏ. Tỉ trọng công nghiệp của Ghana vào năm 2007 chiếm 7,9% GDP. Ghana được biết đến là một trong những nước sản xuất vàng nhiều nhất thế giới. Những mặt hàng xuất khẩu khác như cacao, gỗ, điện, kim cương, bauxite,và mangan là những nguồn thu ngoại tệ chính của Ghana. Những nhân vật người Ghana được nhiều người biết: cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế Akua Kuenyehia và cựu tổng thống Jerry Rawlings, đang là chủ tịch của Cộng đồng kinh tế Tây Phi, cưu tổng thống John Atta Mills, tổng thống đương nhiệm John Dramani Mahama. Bóng đá Ghana là đội bóng châu Phi góp mặt tại vòng tứ kết World Cup.

Lạ lùng thay sự trớ trêu của lịch sử trong ngày 6 tháng 3, ngày bắt đầu Kinh trập tại Trung Quốc, Nhật Bản Việt Nam, ngày mà năm 1869 – Nhà hóa học Dmitri Mendeleev trình bày Bảng tuần hoàn  đầu tiên trước Hội Hóa học Nga, cũng là ngày mà năm 1946PhápViệt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định sơ bộ, công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp. Ngày 6 tháng 3 năm 1957, Ghana thuộc địa Anh chính thức giành được độc lập. Trong khi Việt Nam ngày ấy trước đó, có một nền hòa bình đã bị bỏ lỡ, với một cuộc kháng chiến "chín năm làm một Điện Biên / Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".


Sắn ở Ghana: bảo tồn và phát triển

Tôi dành suốt ngày chủ nhật để viết Cassava in Ghana: save and grow. Đây là bài viết  tâm đắc của tôi. Trong giấc mơ khuya, tôi thấy thầy Norman Borlaug ngồi ở chiếc ghế nhỏ trong phòng tôi với quyến sách "Đây là CIMMYT". Thầy thoáng cười và chúc mừng tôi đã chọn Ghana để đến nghiên cứu phát triển sắn.

Đó là một giấc mơ hạnh phúc.


Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 






Người theo dõi