Lưu trữ Blog

30 tháng 12, 2007

BÁC HỒ VỚI VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ CÁC DÂN TỘC

GS.TS Phan Hữu Dật

(Trích từ bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Đầu đề do chúng tôi đặt) (1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Theo Bác việc học của mỗi con người là suốt đời, càng học càng thấy cần học thêm. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Con người được đào tạo thông qua nhà trường và trong công tác, ngoài xã hội, trong đấu tranh cách mạng và được giáo dục ở trong gia đình. Vì vậy kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong đào tạo cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục, Người chăm lo xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân, từ xoá nạn mù chữ, xoá tái mù, bổ túc văn hoá, bổ túc công nông, các trường lớp vừa học vừa làm, đến các cấp học phổ thông và đại học. Sinh thời, Người rất quan tâm đến hệ thống các trường sư phạm, thường gửi thư, đến thăm và nói chuyện nhiều lần với giáo viên và học sinh các trường sư phạm Trung ương, miền núi Nghệ An…

Từ giữa thế kỷ XX, Người đã nêu lên vấn đề dân trí thông qua chủ trương diệt giặc dốt, đồng thời với việc diệt giặc đói và giặc ngoại xâm.

... Vấn đề tiếng nói và chữ viết các dân tộc là một lĩnh vực rất nhạy cảm, chính sách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh được thể hiện ở nội dung: Học tiếng quốc ngữ (tiếng dân tộc đa số) và chữ quốc ngữ là nhiệm vụ và quyền lợi của nhân dân và cán bộ dân tộc thiểu số.

Trong bài Một thắng lợi vẻ vang (10/1960) để động viên cán bộ và nhân dân các dân tộc học chữ quốc ngữ, Người viết như sau: “Nhớ lại ngày phong trào Việt Minh mới bắt đầu, các em Mán đi chăn trâu, các thị Thổ đi lấy rau lợn, ai cũng mang theo một quyển vở nhỏ xíu để học chữ quốc ngữ”. Nói chuyện với cán bộ và học sinh trường Sư phạm miền núi Nghệ An (9/12/1961) Người hỏi các cháu học sinh người dân tộc: “Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?”

Điều đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt khuyến khích cán bộ nhân dân các dân tộc học tiếng và chữ phổ thông thì mặt khác lại khuyên cán bộ đa số và thiểu số phải học tiếng dân tộc, Người nói: “Nước ta có nhiều dân tộc. Đó là điểm tốt. Cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy”.

Người lại quan tâm đến việc xây dựng chữ cho các dân tộc. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31/8/1963), Người nói: “Đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình. Như thế là tốt”. Người căn dặn: Cán bộ dân tộc thiểu số phải có ý thức chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

(Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi