Lưu trữ Blog

19 tháng 9, 2008

Diễn văn của Bill Gates tại đại học Harvard



Bill Gate Blog http://www.microsoft.com/presspass/exec/billg/default.aspx

Trường đại học Harvard là nơi năm 1975 Bill Gates đã bỏ ngang khóa học để theo đuổi ươc mơ Microsoft - một trong nhưng câu chuyện thần kỳ nhất trong thế kỷ 20 và 21. Vào lễ tốt nghiệp năm 2007 của trường đại học này, ông được trường mời quay lại để nhận bằng tiến sĩ và dành cho các sinh viên tốt nghiệp một bài diễn văn. DGMN.ORG lược dịch những đoạn ngắn, thú vị nhất của bài diễn văn.Ông bắt đầu bài diễn văn bằng một giọng hài hước, chia sẻ lại ký ức tuổi trẻ của mình.

...Tôi đã trông đợi hơn 30 năm nay để nói lên được điều này: Ba ơi, con đã luôn nói với Ba là rồi một ngày con sẽ quay lại trường đại học để nhận lấy tấm bằng (cười). Tôi muốn cảm ơn Harvard vì vinh dự này, vì tôi sẽ chuyển sang làm việc khác vào năm sau, và thật là tuyệt vời vì tôi sẽ có thêm bằng đại học trong hồ sơ xin việc của tôi (cười).

Tôi xin tán thưởng những cử nhân ngồi ở đây ngày hôm nay vì con đường của họ đến với tấm bằng đại học trực tiếp hơn nhiều. Về phần tôi cũng rất hào hứng khi ông Crimson đã gọi tôi là "Người Bỏ Học Havard thành công nhất". Tôi đoán là cái đó biến tôi thành người phát ngôn cho nhóm người đặc biệt này..., tôi là kẻ thành công nhất trong những người thất bại nhất.

Những tôi cũng muốn được công nhận là người đã lôi kéo Steve Ballmer bỏ học (lời người dịch: Steve Ballmer hiện thay thế Bill làm giám đốc điều hành của Microsoft và là một trông những doanh nhân Do Thái thành công nhất thế giới).Tôi thực sự là một ảnh hưởng xấu lên người khác. Đấy là lý do tại sao tôi lại được mời tới nói chuyện tại lễ tốt nghiệp vào cuối năm. Chứ nếu tôi mà nói chuyện ở trường này vào khai giảng đầu năm, thì chắc là ít người trong số các bạn sẽ ngồi ở đây ngày hôm nay (cười).

Harvard là một kinh nghiệm gây ảnh hưởng lớn đối với tôi, đời sống học đường đầy kỳ thú, tôi từng ngồi ở rất nhiều lớp học mà tôi không hề đăng ký. Và cuộc sống trong ký túc xá thật tuyệt diệu, tôi sống ở Radcliffe, trong Currier House. Trong phòng kí túc của tôi luôn có rất nhiều người thúc tới tận khuya nói chuyện, thảo luận, vì ai cũng biết là tôi chằng hề quan tâm tới việc buổi sáng cần phải tỉnh dậy. Đấy là con đường đã dẫn tôi trở thành người lãnh đạo của nhóm chống đối những hoạt động xã hội. chúng tôi bám vào nhau như một cách tán thành sự chống đối của lẫn nhau đối với những người tham gia nhiều vào hoạt động xã hội.

Radcliffe là một nơi tuyệt vời để sống. Ở đấy có nhiều các cô gái hơn (cười), và hấu hết mọi người là những người ngâm mình trong lĩnh vực toán-khoa học. Tổng thể của tất cả điều đó đã cho tôi những lợi thế tốt nhất, và nếu bạn hiểu tôi muốn nói gì: đây là nơi tôi đã học bài học buồn rằng tăng thêm những lợi thế của bạn không đảm bảo bạn thành công.

Một trong những hồi ức rõ ràng nhất của tôi khi ở Havard rơi vào tháng 1 năm 1975, khi tôi gọi điện thoại từ Currier House cho một công ty ở Albuquerque, công ty đã sản xuất ra những chiếc máy tính đầu tiên cho các cá nhân sử dụng. Tôi chào bán phần mềm cho những chiếc máy tính của họ. Tôi đã rất lo lắng là họ sẽ nhận ra tôi chỉ là một sinh viên trong ký túc xá và sẽ cụp máy. Thay vào đó, họ nói: " Chúng tôi chưa sẵn sàng, xin hãy quay lại găp lại chúng tôi trong khoảng một tháng". Đấy là một điều thật tuyệt vời vì khi chào bán phần mềm thì chúng tôi đã viết nó đâu (cười). Bắt đầu từ lúc đó, tôi cuống cuồng làm việc cả ngày và đêm vào cái dự án bên ngoài lề nhà trường này, và nó đánh dấu sự kết thúc thời gian học đại học của tôi, và một cuộc phiêu lưu với Microsoft bắt đầu.....

Blog Đại Gia Mầm Non
http://au.blog.360.yahoo.com/blog-EFcWb90jdLVVMTXW7Yu1gNwRwOE-?cq=1&p=2846

16 tháng 9, 2008

Không gian của Nguyễn Ngọc Tư



Nguyên Ngọc

Tôi vừa xuống Cà Mau. Và tất nhiên bây giờ Cà Mau… tức là Nguyễn Ngọc Tư. Thậm chí - tôi xin lỗi hết cả bà con Cà Mau, và xin lỗi cả Tư nữa - quả thật không biết nếu như không có Nguyễn Ngọc Tư thì Cà Mau có còn hoàn toàn là Cà Mau bây giờ không. Tất nhiên vẫn là Cà Mau, nhưng sẽ là một Cà Mau có thể nhỏ hơn một chút, thiếu hơn một chút, thiếu cụ thể điều gì thì cũng thật khó nói, nhưng rõ ràng là sẽ thiếu, thiếu một điều gì đó đang làm cho không gian Cà Mau không rộng và sâu, xa, gần và hiện đại được như bây giờ khi có cô nhà văn ấy.

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau lần đầu là cách đây đâu khoảng mươi năm (vừa rồi cô ấy xác nhận lại trí nhớ của tôi, cô bảo cô xin về làm ở hội Văn nghệ Cà Mau đến nay vừa đúng mười năm). Bữa đó ngồi với anh chủ tịch hội (anh ấy bây giờ vẫn là chủ tịch hội), tôi nói linh tinh những chuyện gì đó không thể nào nhớ được nữa. Thỉnh thoảng lại thấy có một “con nhỏ” chạy vô chạy ra rót nước, đôi lúc dừng lại một chút chừng lắng nghe chúng tôi. Và hình như hơi cười. Bây giờ nghĩ lại lo quá, không biết bữa đó mình có bốc đồng nói linh tinh những gì to tát hùng hồn về văn chương không. Bởi vì “con nhỏ rót nước” đó chẳng bao lâu sau sẽ là… Nguyễn Ngọc Tư.

Thật tình khi Tư bắt đầu được dư luận chú ý tôi cũng không nhớ rõ “con nhỏ rót nước” bữa đó lắm, chỉ loáng thoáng hình ảnh một cô gái trẻ rất quê, mặt mày cũng không lấy gì làm sáng sủa, hình như là mặc chiếc áo xanh, suốt buổi chỉ chạy lên chạy xuống châm nước, sau đó chạy đi đâu đấy hơi lâu, chắc là ra ngoài phố đặt tiệc cho anh chủ tịch hội tiếp khách thủ đô về… Những lần gặp Tư sau này, lúc ở Hội An, lúc Sài Gòn hay Hà Nội, cũng chỉ chào qua năm ba câu, ở những cuộc hội họp long trọng ồn ào ấy Tư rất ít nói, ít xuất hiện, thường lủi thủi một góc vắng, ngồi sau một cây cột to chẳng hạn, vẫn rất quê, và không như nhiều người viết trẻ thường thích làm quen đôi khi đến sấn sổ với những ông già đã nổi tiếng. Tôi để ý chưa bao giờ Tư tỏ ra muốn bắt quen với tôi, gặp nhau tôi hỏi câu gì thì cô trả lời câu ấy, rất ngắn, đại khái cũng chỉ những chuyện bâng quơ về sức khoẻ, đang viết gì, có hay ra ngoài này (Hà Nội) không, trong ấy (Cà Mau) bây giờ thế nào, anh A hay chị B có còn ở vị trí nào đó không… Vậy mà, tôi biết, hình như chúng tôi có hiểu nhau, rằng cái sự ồn ào, hào nhoáng kia chẳng có nghĩa lý gì, cả cái hội hè kia nữa, cũng là để mà chơi đấy thôi, văn chương là một cái gì đó rất khác, vừa bình thường vừa bí ẩn, riêng tư và… cô độc, cô đơn hơn rất nhiều… Rồi đến cái vụ Cánh đồng… Tôi đã có lần nói rồi, và lần này xin nói lại, và trước khi nói tất nhiên phải xin lỗi tất cả những người cầm bút: Để mà tính chuyện đi ra thế giới, tức là cái mà người ta gọi là mở rộng không gian văn học, và như thế cũng tức là không gian đất nước, ra với thế giới, với bàn dân thiên hạ, tức là cái sự bây giờ được gọi một cách nghiêm trang và hơi lo sợ là “hội nhập”, mà không phải sợ bất cứ ai hết, thì theo tôi trong văn học hiện đại ta có thể có mấy cái: Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là hai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là ba, và nay là Cánh đồng bất tận. Tôi nói thế này mà không sợ quá đáng đâu: Với Cánh đồng bất tận, văn chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu, chẳng phải nể ai hết. Nó đưa văn chương, và như thế cũng là con người của ta, ra toàn cầu, để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người chẳng hề thua gì họ.

Chuyện Cánh đồng… bị đánh tơi bời như thế nào, ai cũng biết rồi. Tôi thậm chí còn biết không chỉ ở cấp tỉnh lẻ và trong những người làm công việc gọi là văn hoá tư tưởng, mà cả một số người làm văn chương hẳn hoi nữa kia. Và tôi còn biết, rất cụ thể, một vị chức sắc cao vòi vọi, từng không hề tiếc lời chửi bới nó cực kỳ thậm tệ.

Cũng chẳng có gì lạ. Một số người, kể cả người cầm bút nữa, không hiểu gì văn chương cũng là chuyện thường. Và cũng không ai bắt một vị có chức quyền loại lớn phải hiểu thấu văn học. Có lẽ điều đáng nói, đáng kể hơn nhiều lại là ở ngay một số người… bênh vực Cánh đồng... Họ hăng hái, nhiệt tình, sôi nổi, cả hùng hổ nữa bênh vực Cánh đồng... bằng cách ra sức la to lên rằng ai kia mắng mỏ con nhỏ thì cứ chịu khó xắn quần cởi dép về đây mà coi, “cánh đồng” ở cái xứ này còn tệ gấp trăm lần “cánh đồng” của Tư… Nghĩa là rất buồn, và tôi biết Tư cũng buồn lắm về điều này. Họ yêu Tư, quý Tư, nhưng cũng chỉ đến mức hiểu Tư là một nhà văn rất hiện thực của Cà Mau, của miền Tây, là một cây bút dũng cảm dám nói lên những sự thực tăm tối và đau lòng đang còn tràn lan trên vùng đất đẹp và đáng yêu biết bao này. Họ phẫn nộ vì những kẻ “đánh” một cây bút to gan dám nói lên tất cả sự thật. Tư buồn không phải vì những người đánh cô đến té tát. Cô buồn vì những người yêu cô mà chẳng phải vì những điều cô đau đáu muốn nói về cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư nào có muốn nói về một Cà Mau, một miền đất. Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên đất đai ấy, mà cô quen cô thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này, một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không gì không bao giờ chữa nổi trong con người. Và cô làm ra cái sản phẩm đã đưa văn học ta ra khỏi tình thế cám cảnh tỉnh lẻ của cái thời kéo dài “văn học phục vụ”, “văn học đi thực tế”, “văn học bám sát đời sống thực tế”, văn học “mũi nhọn mũi tà”… Nó đưa văn học trở lại là văn học, thế thôi, chẳng của gì hết. Và vì vậy, nó khiến văn học ta, cả chúng ta nói chung nữa, cũng “toàn cầu hoá” như ai. Nó tạo không gian mới cho chúng ta hít thở kiểu mới cùng thiên hạ…

Tôi xuống Cà Mau và được Nguyễn Ngọc Tư dẫn đi chơi, xuống Mũi (để xem một cái mũi đất Cà Mau đang bị bê tông hoá!), vào rừng U Minh để được lội giữa những rừng tràm tuy đã xơ xác nhiều so với những lần tôi đến trước đây nhưng thiên nhiên vẫn mạnh lắm, con người tàn bạo thế vẫn chưa tàn phá nổi hết rừng, chưa xoá đi hết được cái hoang dã mãi mãi lạ lùng của U Minh… Đi chơi với Tư ở Cà Mau rất thú, rất khác những lần gặp cô trong các cuộc hội họp văn chương. Bây giờ là một Nguyễn Ngọc Tư rất Tư, hình như có gầy hơn đôi chút so với những lần gặp trước, trông lanh lợi và sành sõi hẳn ra, sẵn sàng hiện đại nữa, hơi “ngầu” một chút, đôi lúc cũng ồn ào rồi chợt lắng đi, rất lặng, rất riêng, thậm chí có gì đó như chừng hơi khinh khỉnh... Tôi hiểu, người viết văn nào cũng vậy, cô gái tài năng này càng vậy, tinh ý một chút có thể cảm thấy cô vẫn giữ một khoảng cách với tất cả những gì đang diễn ra quanh mình, cái khoảng cách có lẽ chỉ những người sáng tác mới biết và hiểu được, vừa nhập cuộc đến cùng, vừa vẫn tách ra cô đơn, sự cô đơn không có nó thì không bao giờ thật sự có sáng tạo nghệ thuật. Cô đơn và lúng túng mãi giữa cuộc đời. Ở gần Tư và trong không khí này, hình như “ngửi” ra được cái mùi rất người và rất đời đó, nó làm cho cô ấy quả thật sự là một nhà văn, một nhà văn đã làm cho văn học ta ngang hàng với bất cứ ai, bởi vì, vậy đó, hình như nhà văn là người được sinh ra để mãi mãi nói lên cái lúng túng mãi mãi không sao thoát nổi của kiếp người. Ông già kỳ cục và cô con gái cũng kỳ cục không kém của ông trong Cánh đồng bất tận đấy, chẳng phải là họ quá lúng túng cái lúng túng của kiếp người, rất người đó sao?

… Ngồi trên vỏ lãi chèo vào rừng U Minh, Tư nhẹ nhàng báo tin cho tôi biết chỉ mấy ngày nữa cô sẽ chính thức thôi việc ở hội Văn nghệ tỉnh, mọi thứ đã xong, chỉ còn thủ tục ra đi. Vẫn sống ở Cà Mau nhưng làm một việc gì đó khác ở Sài Gòn. Im lặng một lát rồi cô nói tiếp, có lẽ cô sẽ dừng viết tạp văn một thời gian. Cũng như một cái hũ rượu ấy mà, cô bảo, ngày nào mình cũng giở nắp ra, miết rồi nó bay hơi hết, cho đến khi nhạt thách. Cô muốn chôn sâu nó một thời gian, có lẽ sẽ là dài, để cho nó sánh đặc lại. Ôi cái con nhỏ rót nước cho anh chủ tịch trang trọng tiếp khách ngày nào, hoá ra đấy mới là người biết nén không gian lại cho đến đặc sánh, để cho nó thật sâu và rộng ra, có sâu và rộng như vậy thì rồi ta mới có được cái không gian gọi là “toàn cầu” cùng thiên hạ. Cái không gian mà ta vẫn tưởng chỉ có thể tạo nên được bằng kinh tế, hay chính trị, hay gì gì đó...

Tôi về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư, và tôi yên tâm rằng ta có thể “toàn cầu hoá” cùng thiên hạ, có thể có được không gian ao ước với đầy triển vọng và thách thức ấy, chẳng lo gì. Khi văn học, cũng là văn hoá, đã đi được một bước như vậy...

Những ngày cuối cùng của năm 2007

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, 1-2-2008

Người theo dõi