Lưu trữ Blog
27 tháng 9, 2008
Gặp “ông chủ” Viet-studies
GS. Trần Hữu Dũng trả lời phỏng vấn
Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện
HOCMOINGAY Báo Người Đô thị 9.2006. Các “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng.
Dị ứng với “trí thức” và “Việt kiều”
Dị ứng với cách gọi “trí thức” “Việt kiều” vậy thưa phải gọi ông là gì ạ?
Gíao sư Trần Hữu Dũng: Một người sống xa tổ quốc. Tôi không nghĩ mình là Việt kiều. “Trí thức” nghe quá kênh kiệu. Người khác dùng trung hoà hơn. Tôi cũng dị ứng với các từ “toàn cầu hoá” và “hiến kế”. Nghe to tát quá.
Ông quan niệm trí thức chỉ là một thuộc tính của nhiều ngành. Toàn cầu hoá sản sinh một giai cấp mới, làm việc sinh sống khắp nơi. Nhưng vì sao tham luận của ông trong hội thảo hè Nha Trang vừa xong lại là về trí thức Trung Quốc 20 năm gần đây?
Quan niệm mới của một nhà kinh tế - triết gia (Amartya Sen) viết về “toàn cầu hoá nhân thân” cho rằng toàn cầu hoá và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương. Giúp toàn cầu hoá trọn vẹn đúng nghĩa hơn. Nhưng sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê. Bên nhà lâu lâu lại nói “thu hút Việt kiều về nước đóng góp” là cổ lỗ sĩ. Trí thức là đầu óc mở rộng, không là bằng cấp. Nhiều người bằng cấp không trí thức.
Nhưng tại sao tham luận của ông không là nghiên cứu trí thức Việt Nam mà lại là trí thức Trung Quốc?
Tôi phát hiện thấy họ có sinh hoạt rất sinh động, bộc lộ được quan điểm công khai trên báo, có những phê phán chính phủ được lắng nghe. Nhiều chính sách ra đời từ ý kiến như thế. Trí thức mình ít bộc lộ - nước mình không như Âu Mỹ (mặc dù ai mà nói chỉ có Mỹ dân chủ là tôi “xin phép” đó). Nhưng tôi hiểu ở đâu cũng có những vùng trống cho phép. Thí dụ ở Trung Quốc đó là các vấn đề môi trường, y tế giáo dục, đất đai, hành chính, lãnh chúa đỏ… Họ thử từng bước, không ngồi than. Lãnh đạo phải tự tin, phải để vùng trống cho suy nghĩ, không sợ nghe phản biện.
Có phải vì thế mà trang web của ông có tờ Thời Đại Mới, “Một tạp chí nghiên cứu thảo luận” – và một web tiếng Anh (cùng làm với một giáo sư triết người Mỹ) - web này được giải lớn tương đương Oscar trong điện ảnh và tờ New York Times gọi đó là “chỗ hẹn trí thức toàn cầu”?
Sở trường của tôi là đọc nhiều trào lưu kinh tế văn hoá. Tờ Thời Đại Mới của chúng tôi viết khoa học cho dân đọc, những vùng trống có thể làm được. Nếu không thử, sẽ không tìm ra cách. Ở ngoài nước, cứ tối ngày ngồi than Việt Nam thiếu dân chủ, nhưng có nhiều vấn đề ích lợi học thuật sao không làm. Không ai thử, chỉ ngồi than. Tiếp xúc trong nước tôi cũng thấy vậy, 2/3 câu chuyện là than phiền.
Làm Viet-studies.info
Ông vừa giảng dạy đại học, hướng dẫn sinh viên vừa viết sách giáo khoa kinh tế bằng tiếng Anh, lại làm trang web như một bộ lọc tri thức lớn, ông lấy đâu ra thời gian và có ai giúp không?
Tôi làm một mình từ A-Z kể cả đánh máy, còn bỏ tiền túi ra làm. Nhưng mỗi năm bỏ 2.000 USD không là vấn đề. Mà bỏ rất nhiều thời gian. Một ngày ngủ 4 tiếng, trừ thời gian lái xe trên đường là không làm việc. Còn thì ngồi computer. Cơm cũng dọn ăn ở bên computer.
Tôi ham nhiều thứ, luôn viết trễ. Giáo trình kinh tế lãnh nhuận bút rồi mà chưa nộp. Tôi ham chuyện này làm một nửa lại bắt chuyện khác. Tội tôi thường xuyên.
Ông làm Viet-studies như thế nào?
Tôi không coi đó là tờ báo, chỉ thu thập những bài vở có nhiều người thích như tôi để chia sẻ với bạn bè. Tôi đọc không phân biệt. Bài hay ở nguồn nào cũng đăng. Tờ Công An Nhân Dân có mục văn hoá khá.
Sao ông không cho đăng mục ý kiến ngắn như nhiều web làm?
Tôi không thích những comment, giống như “người tức giận chạy xe qua quăng lựu đạn rồi chạy mất”. Ngay cả nhiều trang hải ngoại nghiêm túc để cho độc giả phê bình, tôi thấy như có người đi ngang qua chửi, cười hà hà, bất công với tác giả.
Nhưng lời bình ngắn của ông sau các bài, tuyệt vời độc đáo đấy chứ! Nhiều câu đau. Nhiều câu hóm lắm, đọc rồi cười mãi không thôi. Ngay cả vấn đề nghiêm túc…
Vậy à?
Thí dụ: “Bộ trưởng chống lãng phí hội họp” – bình: Bộ trưởng cho biết không bao giờ ông ngủ gật lúc họp – xin lỗi bộ trưởng, tôi không tin”. Hoặc: “Cho ăn kẹo tôi cũng không dám bình luận chỉ thị này”. “Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em” - bình: Một dân tộc mà không che chở được con cháu của mình là một dân tộc gì. “Tường đổ đè trúng 3 người đang uống café sáng” – bình: tự nhủ, về Việt Nam lần sau phải cẩn thận chọn chỗ ngồi uống café, không nên để fan của viet-studies dẫn đi đâu thì đi đó, hahaha!
Tôi vẫn thường nhờ anh em khi nào có lời bình quá đáng thì nhắc nhở giùm. Tôi cố khách quan, đúng đắn, không phá đám, cũng không cuồng tín.
Ông có lý giải được vì sao độc giả miền Bắc đọc Viet-studies nhiều hơn miền Nam?
Thắc mắc của tôi đó. Hỏi nhiều anh em. Có lẽ miền Bắc văn chương chú ý nhiều. Miền Nam kinh tế làm ăn năng động hơn.
Giáo dục – khó không do tiền bạc
“Một nhóm tư nhân” – chữ dùng của Ban tổ chức – thường tổ chức những hội thảo hè ở nhiều nước (vừa rồi ở Nha Trang). Ông còn tham gia đề án cải cách giáo dục Việt Nam cùng nhóm giáo sư – nhà nghiên cứu tên tuổi trong ngoài nước. Ông thấy khó nhất của Việt Nam là gì?
Là cơ chế.
Xin ông nói rõ. Vì “cơ chế” như cái “bị bông” đấm hoài không đổi. Rất mơ hồ, xin ông nói cụ thể.
Ai cũng biết tình trạng giáo dục như thế nào. Chúng tôi làm đề án không thấy khó tiền bạc. 20 triệu USD là có thể có một trường đại học chất lượng cao. Bằng kinh phí cuộc thi hoa hậu hoàn vũ vừa rồi. Kinh nghiệm canh tân của Hàn Quốc, Nhật rất cần quyết tâm nhà lãnh đạo. Dự án nguyên tử Manhattan của Mỹ, hoặc dự án đưa người lên mặt trăng. Chọn người chỉ huy project toàn quyền, tổng thống đứng sau. Đó là cơ chế.
Còn ở Việt Nam? Làm sao chọn được người chỉ huy như vậy?
Đúng. Nếu ở Việt Nam cho tôi làm bộ trưởng, tôi cũng không biết làm được gì. Khó khăn nhất là cơ chế chồng chéo mê hồn trận. Sự cố lặt vặt hành chính giấy tờ không tưởng tượng được. Nhiều người Việt ở ngoài muốn giúp đất nước lắm, nhưng cơ chế xơ cứng ngăn cản. Thí dụ nhỏ thôi như ông Võ Tòng Xuân được mấy anh em bên Úc về An Giang thấy cơ sở của ông xài vi tính cũ quá. Anh em gửi, hải quan không cho nhập, bảo hàng second-hand, phải có lệnh bộ Tài chính. Ông chạy tới chạy lui. Mấy trăm cái vi tính nằm hải quan cả năm. Chắc hư hết rồi. Tôi cũng có mấy ngàn quyển sách quý muốn gửi về, nghe nói phải kiểm duyệt.
Là một giáo sư đại học Mỹ, ông thấy sự khác biệt nào trong giảng dạy, học hành so với Việt Nam?
Chuyện lương đủ sống để chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu thì biết rồi. Còn nạn xin điểm, dùng áp lực thì Mỹ chỗ tôi không có. Trưởng khoa tôi không có quyền nếu tôi cho học sinh rớt. Có chuyện con một giám đốc cỡ lớn, ông ta cho trường cả triệu đô. Tôi cho rớt vì điểm kém. Ban giám hiệu đứng sau giáo sư, ủng hộ. Đó cũng là cơ chế chứ gì?
Sinh viên tôi vào lớp không đọc – chép. Phải đọc sách trước đó, phải hỏi, phải thảo luận. Một cua tôi dạy mỗi người có thể chọn một SGK tham khảo, đọc các bài báo chuyên ngành để vào lớp thảo luận.
Nhớ mùi hương tuổi trẻ
Về Việt Nam lần này, ông thấy sao?
Tôi khá ngạc nhiên, tưởng lạm phát kinh tế suy thoái, mà dân thành thị vẫn ăn nhậu như điên. Giàu nghèo phân hoá sâu sắc. Kinh tế thuơng mại thiếu dữ liệu, nhiều tin đồn. Tập đoàn này của ông này, vợ ông kia, đúng sai không rõ, nhiều việc không biết địa chỉ ai làm. Về lần này tôi phát giác một điều: cuộc sống tôi may mắn. Bình ổn. Có cảm giác sống ở Việt Nam bon chen quá, ham kinh tế, quyền lực.
Biểu hiện nào làm ông nghĩ tới ham quyền lực?
Qua câu chuyện, họ tả xã hội Việt Nam ông này muốn làm cái này, muốn tranh chức kia. Bị ám ảnh quyền lực.
Cuộc sống của ông ở Mỹ thế nào?
Tương đối bình ổn, dù con người không bao giờ hết lo. Lúc trẻ lo lên, xuống, biên chế… tôi qua rồi. Làm chuyện nghiên cứu. Nhược điểm: ham nhiều việc, không có thời gian. Đời sống ở Mỹ khắc nghiệt so với châu Âu. Nhưng ít bị áp lực nhóm xã hội như ở Nhật. Chữ hạnh phúc cũng khó nói. Châu Á liên hệ gia đình nhiều. Thời kỳ tôi phỏng vấn đi làm, một người hỏi: mày li dị mấy lần rồi. Họ cho là thường nhưng ở Việt Nam đó là điều tổn thương nặng nề. Vậy mà người Việt bên đó bắt đầu như vậy.
Ông có như nhiều người lớn tuổi muốn về Việt Nam sống?
Ai cũng nhớ quê hương . Nhưng nhiều người nói để tôi ở bên ấy làm nhiều điều ích lợi hơn về đây dạy học. Mỗi năm chúng tôi cũng giúp cho các em sinh viên đi du học. Còn bây giờ bắt tôi vào lớp Việt Nam dạy cách đó tôi dạy không được.
Yêu và nhớ thương quê hương nhất là những khoảnh khắc: chiều mưa, một nụ cười cô gái, cụ thể chứ không hùng vĩ sông núi. Tôi nhớ mùi hương, khó nói lắm. Mùi sau cơn mưa. Nước, lá cây, gió lạnh mát… không diễn tả được. Sáng nay tôi nghe ở nội thành Sài Gòn có tiếng gà gáy. Tiếng bà hàng xóm quét lá. Quê hương là tố chất của con người. Không có thì thiếu thốn. Nghĩ nặng nặng, buồn buồn trong tâm hồn. Quê hương quá khứ của mình…
Buồn buồn vì nghĩ quê hương còn khổ, hay vì phải xa cách?
Vì xa cách theo hai nghĩa: địa lý và thời gian. Quê hương sinh đẻ. Đi con đường nghe mùi hương chợt nhớ mùi hương tuổi trẻ của mình. Thế mới biết công ơn nhân loại như Einstein hoặc mỗi ngày nghe nhạc Mozart đem lại cho con người niềm vui hoài hoài. Phần thưởng tạo hoá cho con người hưởng mãi.
Ông là con trai bác sĩ nổi tiếng Trần Hữu Nghiệp, yêu thích y khoa, văn học, báo chí, âm nhạc lại trở thành giáo sư kinh tế ở Mỹ?
Con người là sự tình cờ của lịch sử. Ngay việc tôi qua Mỹ, được học bổng, đổi nghề (ngày xưa tôi là kỹ sư), cũng tình cờ như tung đồng xu sấp, ngửa. Tôi thích sử. Hồi lên 7 tuổi, tết được tiền lì xì. Đang buổi tối tôi gõ cửa nhà sách xin mua cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim về đọc liền.
Ông có biết tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn?
Cũng tình cờ, mà đâu biết ông làm tình báo. Thời kỳ tôi mới học ở Mỹ về còn chờ việc làm, hay ra ngồi café với ông Ẩn và đám báo chí tán dóc. Thời kỳ ở Givral – tiệm Café.
Tôi học tiếng Việt thực sự
Qua Mỹ rất sớm, từ những năm 60, nhưng tiếng Việt của ông thật tuyệt vời – là do ông làm báo mạng?
Không dễ vậy đâu. Tôi học tiếng Việt thật sự. Câu nào hay, tôi chép lại. Hơn 10 năm về trước tôi viết tiếng Việt chưa thạo. Vì có nhu cầu viết nên tôi làm một từ điển kinh tế Anh Việt cho mình.
Ông thấy tiếng Việt trong nước có nhiều biến đổi không?
Tiếng Việt giàu có hơn. Tiếng đời thường đi vào viết lách nhiều hơn. Xưa miền Nam không đưa vào văn viết chữ “hầm bà lằng” chẳng hạn. Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều tiếng dân dã. Tôi dám viết vì thấy xài rồi. Tôi yêu tiếng Việt có những cái hồn, người hiểu tiếng Việt mới thấm được. Ngay cả khi viết mail, đối với tôi tiếng Việt không dấu thì cũng như bỏ một đoá hoa thơm vào bao giấy kiếng, không có mùi hương gì hết.
Tôi viết có dựa vào cuốn từ điển của Hoàng Phê. Mua hai cuốn. Một để ở sở làm, một ở nhà. Nhiều người muốn viết hồi ký để lại cho các con, nhưng con đâu biết tiếng Việt. Thật buồn phải không?...
Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)
9-9-08
23 tháng 9, 2008
Thư từ Mỹ: Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến
Trần Hữu Dũng
Bạn quý mến,
Thế là, trừ khi có biến chuyển hoàn toàn bất ngờ, hai liên danh tranh cử tổng thống Mỹ ngày 4 tháng 11 này sẽ là Barack Obama – Joseph Biden (đảng Dân Chủ) và John McCain – Sarah Palin (đảng Cộng Hòa). Nghị sĩ Obama và McCain đã đến vị trí này bằng hai con đường khá khác nhau. McCain thì từ tháng 4/2008 đã không còn đối thủ nào đáng kể. Đúng ra, cho đến đầu năm 2008 thì dư luận đều cho là cuộc đời chính trị của McCain đã đến đoạn kết vì ông hết tiền, mà lại có vẻ lè phè, không biết tổ chức tranh cử. Nhưng rồi, nhờ những lỗi lầm nặng nề trong chiến lược tranh cử của các ứng viên khác (như cựu thống đốc Mitt Romney, cựu thị trưởng Rudy Giuliani, cựu thống đốc Mike Huckabee...), cũng như sự kém cỏi về cá tính của họ (theo nhận định của cử tri), McCain trở thành người sống sót cuối cùng và mặc nhiên là ứng viên chính thức của đảng này từ tháng 4/2008, như đã nói.
Khác hẳn con đường của McCain, con đường của Barack Obama đi đến chỗ được đảng Dân Chủ chính thức để cử là khá “trầy da tróc vảy”, mà nguyên nhân chính là bà Hillary Clinton. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, tuy bà đã bị “xiểng liểng” ngay từ đầu song thỉnh thoảng cũng thắng ở vài bang quan trọng, và ngày càng quyết liệt chỉ trích Barack Obama (tất nhiên, sau này, phe McCain khoái chí dùng lời của bà để hạ Obama). Mãi đến tháng 6 thì bà Clinton mới chịu đầu hàng, rút lui khỏi cuộc chạy đua. Dù vậy, cuộc tranh đua Obama-Clinton (dù chưa đến độ “tỉ đệ tương tàn”) vẫn để lại một dư vị không mấy ngọt ngào trong nội bộ đảng Dân Chủ, nhất là về phe bà Clinton. Tuy rằng bà đã (ngoài mặt) tuyên bố ủng hộ Obama hết mình song khó biết hậu quả của sự chia rẽ này trong cuộc bầu cử năm nay. Liệu những người ủng hộ “đến chết” của bà Clinton có sẽ bỏ phiếu cho Obama?
Thoạt nhìn, hầu như ai cũng nghĩ là năm nay Nhà Trắng sẽ lọt vào tay đảng Dân Chủ. Điểm lại “thành tích” của chính phủ Bush lẫn đảng Cộng Hòa nói chung, hay là xét về hầu hết vấn đề khác, từ kinh tế, ngoại giao, môi trường, đến chiến tranh Iraq, thì đa số dân Mỹ đều thiên về đảng Dân Chủ. Hơn nữa, về cá nhân, McCain đã khá “trọng tuổi” (72). Nếu đắc cử, ông sẽ là người nhiều tuổi nhất khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống trong lịch sử nước Mỹ (Reagan già hơn, nhưng đó là vào nhiệm kỳ thứ hai của ông ta). Song, có lẽ cái gánh “nặng” nhất của McCain chính là “thành tích” của Bush (và đảng Cộng hòa) trong gần 8 năm qua.
Nhưng... nhưng... theo những cuộc thăm dò ý kiến vào đầu tháng 9 thì McCain là ngang ngửa với Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thậm chí một số kết quả cho là McCain đang dẫn đầu. Tại sao McCain lại hấp dẫn như vậy với không ít dân Mỹ?
Thứ nhất là, trong mắt của hầu hết người Mỹ, McCain có một quá khứ “anh hùng” (hơn 5 năm là tù binh ở “Hanoi Hilton”). Thứ hai là (cho mãi đến gần đây) ông được tiếng là thẳng thắn, bộc trực, và có tính độc lập (maverick), không theo bầy đàn. Và thứ ba, ông rất “chịu chơi” với giới báo chí. Hầu hết ký giả đều thích ông, nhất là sau cuộc tranh cử năm 2000 mà ông được tiếng là người nói thẳng, nói thật (và nói chẳng ngừng!). Cũng không nên coi thường sự “khôn ngoan” của đảng Cộng Hòa (hoặc, nói khác hơn, “khả năng phán đoán” của không ít người Mỹ), nhất là khi đảng này có những quân sư cực kỳ “quỷ quyệt” như Karl Rove (mà đồ đệ, Steve Schmidt, hiện là cố vấn số một của McCain).
Song, hầu như không ai ngờ là ứng cử viên gây nhiều sóng gió nhất, đem lại nhiều ngạc nhiên nhất cho cuộc bầu cử năm nay lại là bà Sarah Palin (thống đốc bang Alaska), một người mà gần như không ai (ngoài Alaska) biết trước khi McCain chọn bà đứng chung liên danh, trong vai phó tổng thống, chỉ ba hôm trước ngày đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa khai mạc. Yếu tố quan trọng nhất là bà làm những người cực hữu (nhất là phe truyền giáo “evangelical”, trước đây không mấy “mặn mà” với McCain) vô cùng phấn chấn. Sự có mặt của bà trong liên danh cũng đánh thức sự “bất mãn” của dân Mỹ, tiềm tàng trong thái độ “phản trí thức” (“nghi kị” những người có bằng cấp cao, tốt nghiệp trường giỏi -- như Barack Obama!) của khối dân mà báo chí gần đây “tế nhị” gọi là những người “kém thông tin” (low information): cư dân ở thành phố nhỏ, nông thôn, những người không tốt nghiệp đại học, những “lao động cổ xanh”, những người cao tuổi... nói chung là những người ít theo dõi thời sự. Đáng lo hơn cho phe Obama là, theo vài cuộc thăm dò, bà Palin (có đứa con năm tháng tuổi bị hội chứng Down, và nhiều vấn đề khác trong gia đình, mà đàn bà Mỹ rất có sự “đồng cảm”) đã thu hút đông đảo phụ nữ Mỹ da trắng, khối cử tri mà trước đây Obama được đa số ủng hộ.
Nhược điểm của Obama chẳng những ông là (lai) da đen (theo một cuộc thăm dò thì có đến ít nhất 6% dân Mỹ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho người da màu), chỉ mới nổi lên trong chính trường quốc gia khoảng 5, 6 năm nay (do đó bị coi là thiếu kinh nghiệm), nhưng còn vì thời niên thiếu của ông khá “khác thường” đối với đại đa số người Mỹ (ông theo mẹ sống nhiều năm ở nước ngoài, v.v). Đó là không nói đến những “đòn hiểm” của kẻ thù chính trị của ông (kể cả phe bà Clinton, trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ), như tung tin đồn (hoàn toàn thất thiệt) rằng ông là tín đồ kín của đạo Muslim, rằng ông không thật sự “yêu nước Mỹ” v.v . Thế nên, dù được đại đa số dân trí thức, những người “phóng khoáng” nhiệt tình ủng hộ, Barack Obama vẫn rất khó khăn “bắt tay” được với đa số dân cư ở các bang như Pennsylvania, Ohio, West Virginia, Tennessee, Arkansas... là những nơi mà trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ông đã bị bà Clinton đè bẹp. Liệu những người này có sẽ bỏ phiếu vì quyền lợi kinh tế của họ (thì Obama sẽ thắng) hoặc vì những “giá trị văn hóa” (mà liên danh McCain-Palin có thể khai thác) mà Obama yếu hơn? Đó là một câu hỏi khó trả lời vào thời điểm này.
Một biến số nữa là tài tổ chức của Barack Obama, nhất là khả năng huy động các ủng hộ viên “trẻ” của ông đi bỏ phiếu. Còn nhớ, năm 2004, John Kerry cũng đã đặt niềm tin vào những cử tri này, nhưng khi đến ngày bầu cử thì, chứng nào tật nấy, họ cũng không kém ... lười đi bỏ phiếu bao nhiêu, so với quá khứ. Ngược lại, những cử tri “có tuổi”, bảo thủ, “thành phần chủ lực” của đảng Cộng Hòa thì lại là khối dân có tỷ lệ đi bầu cao nhất. Liệu tình trạng này có sẽ tái diễn năm nay?
Điều oái oăm nữa là vì Barack Obama quá hùng biện, đảng Cộng Hòa thường mỉa mai: “Chỉ nói là giỏi!”. Hơn nữa, chính vì ông nói quá hay nên diễn văn nào của ông cũng bị (báo chí) đón chờ như sắp lại được thưởng thức một “kiệt tác”, rồi mỗi lần ông nói “như người thường” thì họ lầm bầm thất vọng! Ngược lại, báo chí Mỹ đánh giá Palin quá thấp (như trước khi bà đọc diễn văn ở đại hội đảng Cộng hòa, ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ ấp úng, phơi trần trình độ kém cỏi của bà), rồi khi bà ta vượt hơn cái “sàn” này một tí thôi – ăn nói khá mạch lạc, tự tin, và cũng biết châm chọc, khôi hài – thì cũng các phương tiện truyền thông này đua nhau “xuýt xoa” về khả năng của bà, đưa uy tín của Palin lên cao hơn! Tôi e rằng việc này sẽ xảy ra khi bà “đấu khẩu” với nghị sĩ Biden tháng tới.
Khi tôi sắp viết xong thư này thì đa số các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Obama đang vượt McCain trở lại (với những con số gần giống như trước khi đại hội của hai đảng). Có hai lý do: (1) Cái “mới” của bà Sarah Palin dần dần phai nhạt, đồng thời sự “trống không” trong kiến thức của bà, cũng như những lời phát biểu rõ ràng là “không thật” của bà, khiến ngày càng nhiều cử tri “tỉnh ngộ”. (2) “Trận sóng thần” tài chính đang ào lên nước Mỹ, và có cơ lan rộng toàn cầu. Trong quá khứ, đảng Dân Chủ bao giờ cũng “mạnh” hơn đảng Cộng Hòa về mặt kinh tế, nhất là, như chính McCain thú nhận, ông “không rành về kinh tế cho lắm”. Xin hẹn bạn thư sau sẽ viết về cuộc “khủng hoảng” này – đúng là một mớ “bòng bong”.
Quý mến,
Trần Hữu Dũng
http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_ThuTuMy__Sept08.htm
(ký Tiểu Hằng Ngôn)
Dayton
21/9/2008
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)