Lưu trữ Blog

17 tháng 2, 2014

Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn


 
HỌC MỖI NGÀY. Chào ngày mới 17 tháng 2, Báo Thanh Niên trực tuyến đăng bài Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng Bí thư Lê Duẫn. TS. Lê Kiên Thành viết: "Hôm nay, 17.2. 2014,  đúng 35 năm ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi." (Chú rể Lê Kiên Thành và cô dâu Nguyễn Thị Tú Khanh trong đám cưới ngày 17.2.1979 - Ảnh tư liệu gia đình Lê Kiên Thành trên báo Thanh Niên)

Năm 1979, tôi 24 tuổi, 7 năm quân ngũ và bắt đầu làm việc tại Viện kỹ thuật không quân.

Năm 1979, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ được bốn năm. Có thể lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung nổi bối cảnh đất nước lúc đó nhưng tôi cũng không thể nói gì cho đủ nghĩa hơn bằng ba chữ: Rất khó khăn! Hồi đó, bộ đội như chúng tôi được phát mỗi tháng 21 kg gạo nhưng vẫn đói bởi thiếu chất. Hồi đó, mỗi năm, mỗi người dân khó có nổi một bộ quần áo mới. Hồi đó, mẹ tôi làm ở Ban tuyên giáo An Giang, thỉnh thoảng lại phải “cứu viện” chất đạm cho các con, khi thì gửi ít tôm khô, hoặc các loại mắm Nam Bộ. Những đứa con miền Bắc của bà tập quen ăn mắm từ những ngày thiếu, đói đó.

Đầu năm 1979, khi quyết định sẽ cưới vợ, tôi vào An Giang thăm mẹ. Bà, người phụ nữ nhiều năm xa chồng con, biền biệt chiến trường có vẻ như chưa hề được sống một ngày của thời bình. Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp những người dân bị Pol Pot giết hại. Lần đầu tiên, trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh những con người bị giết một cách khủng khiếp và man rợ như thế. Hàng chục, hàng trăm người đều chết cùng một tư thế: Miệng há ra, mắt mở man dại. Mẹ tôi giải thích họ bị đâm bằng những que nhọn từ hậu môn lên đến đỉnh đầu...

Năm 1979, trước ngày 17.2, những người lính chúng tôi đã được phổ biến về những va chạm lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Nói như thế để nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, đất nước chúng ta ở vào thời điểm vô cùng khó khăn. Thiếu, đói... chỉ là yếu tố rất nhỏ trong 2 chữ KHÓ KHĂN đó.

Thế nhưng, cũng sẽ chẳng ai hình dung nổi, khi còn thiếu mặc và đói ăn đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ thử nghiệm chế tạo máy bay...

Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.

Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.

Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng... Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.

Cha tôi - Tổng bí thư Lê Duẩn - và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì. Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu...”.

Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có một đám cưới như trong nhiều bộ phim mà mình từng xem thời niên thiếu: Sau đám cưới, chú rể trở về ngay đơn vị...

Ngay sau ngày cưới, tôi trở về đơn vị và bắt đầu cuộc sống của người lính thời chiến tranh. Thỉnh thoảng chủ nhật vợ tôi đến thăm chồng; khi ra về mắt đỏ hoe, làm tôi thấy thương cảm vô cùng!





Những người tham gia thiết kế, chế tạo chiếc máy bay Việt Nam đầu tiên TL-1.
Từ trái qua phải: Lê Kiên thành, Trần Mạnh Chung, Nguyễn Văn Hải, Bùi Thanh Châu.
Đây là những ngày bay thử trên sân bay Hoà Lạc - Ảnh tư liệu gia đình




Lúc đó, nghe nói rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho một chiến bằng không quân để bảo vệ biên giới.

Thế nhưng, điều đặc biệt là những ngày tháng đó, Hà Nội vẫn bình thường. Bình thường trong một cuộc chiến hết sức không bình thường. Khi tiếng súng đã nổ ra ở biên giới nhưng mấy tháng sau thì kết thúc, người Hà Nội điềm tĩnh pha chút tự hào kín đáo nhìn lại: Trung Quốc đã không thể kéo dài cuộc chiến và không thể đánh đến Hà Nội...

Cha tôi còn nói: Nếu theo lẽ bình thường, Trung Quốc không nên đánh Việt Nam...

Nhưng có lẽ người Việt Nam là vậy, một khi điều bất bình thường nhất đã xảy ra, họ bình thản đón nhận.

Và tới năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và chế tạo mang tên TL-1 đã bay trên bầu trời Tổ quốc. Năm 1981, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Lê Kiên Dũng.

Và cũng là bình thường khi kỷ niệm 35 năm ngày cưới, tôi không thể quên, ngày cưới của mình trùng với ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Tất nhiên không nên ôm chặt những chuyện không vui của quá khứ nhưng hãy hiểu quá khứ để nhìn về tương lai một cách chuẩn xác hơn!

Lê Kiên Thành

>> Chào ngày mới 17 tháng 2

"Nhà văn Hoàng Quốc Hải: "Đã là dân Việt Nam ai mà chẳng vui mừng vì sự kiện quân đội ta có phương tiện khí tài hiện đại (tầu ngầm Kilo) để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Song kinh nghiệm rút ra từ lịch sử, tôi thấy sức mạnh là ở lòng dân. Lòng dân mới là sức mạnh tuyệt đối để giữ nước". "Tôi đã viết và tái bản nhiều lần những tiểu thuyết lịch sử, trong đó gộp lại thành hai bộ. Bão táp triều Trần (6 tập 3000 trang) và Tám triều vua Lý ( 4 tập 3600 trang).Trong đó thời nhà Lý có cuộc chiến tranh lớn, đánh tan gần 20 vạn quân xâm lược nhà Tống vào năm 1076. Sử Tống chép: “Mười phần quân ra đi, lúc về không còn vài ba phần, may mà An Nam chịu bàn hòa, nếu không thì không biết sẽ ra sao”. Còn về bộ Bão táp triều Trần, tôi phản ánh trọn vẹn cả ba cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mông- Nguyên vào các năm 1258, 1285 và 1288 trong ba tập “ Đuổi quân Mông –Thát”, “Thăng Long nổi giận” và “ Huyết chiến Bạch Đằng”.Thời điểm lịch sử đó, đặt dân tộc ta trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại. Thế nhưng tổ tiên ta vừa khôn ngoan vừa đảm lược, không chỉ “Thoát Nguyên’ mà còn “Diệt Nguyên”toàn thắng .  Nên nhớ thời đó, quân Mông- Nguyên đã chinh phục gần hết châu Á, quá nửa châu Âu, từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương không một đội quân nào, không một quốc gia nào là địch thủ của chúng. Các nước khổng lồ như Nga và Trung Hoa cũng đều trở thành kẻ bị trị với thân phận nô lệ. Tiểu thuyết của tôi không có ý gây hận thù, không nhằm hạ nhục đối phương mà chỉ phản ánh tinh thần tự trọng của cả một dân tộc, và lòng vị tha trước kẻ bại trận. Có nhẽ tinh thần tự trọng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một dân tộc đã làm nên chiến thắng. Và tôi viết hai bộ tiểu thuyết đó cũng với tinh thần tự trọng của một nhà văn." ..." Trong lịch sử Việt Nam ,Trung Hoa suốt mấy ngàn năm lịch sử duy nhất có một lần, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với đội ngũ chuyên gia khi sắp sang giúp Việt Nam vào khoảng năm 1954 rằng: “Các đồng chí phải tận tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam, và nên nhớ rằng tổ tiên ta đã gây nhiều đau khổ cho người Việt Nam đấy”. Nguồn: Thái độ của nhân dân trước lịch sử là rất công bằng và minh bạch - Nhật Tuấn phỏng vấn nhà văn sử Hoàng Quốc Hải 16 tháng 2 năm 2014.

Người theo dõi