Lưu trữ Blog

8 tháng 5, 2010

Cây đàn thơ Hoàng Cầm và lời bình của Phan Chí Thắng

HOCMOINGAY. Đã tắt lặng Cây đàn thơ Hoàng Cầm là bài viết của anh Phan Chí Thắng vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm đăng trên VietnamNet . Cây đàn thơ là chữ của anh Chí Thắng gọi lão nhà thơ Hoàng Cầm. Cầm là cây đàn, Hoàng Cầm lưu danh cùng non sông Việt bởi thơ. Bài bình thơ của anh Phan Chí Thắng đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn tác phẩm Lá Diêu Bông  “Cây đàn thơ Hoàng Cầm đã tắt lặng, nhưng dư âm của nó vẫn ngân nga, vọng mãi trên thi đàn, trong lòng người và nhân thế...Trong tài sản thơ phú giầu có của ông, Hoàng Cầm có rất nhiều tác phẩm, ngay cả khi chưa công bố, đã được "ngôn truyền" trong công chúng. Và khi cất tiếng hoan ca, nó đủ sức lay động tới con tim mọi giai tầng. Lá Diêu bông là một bài thơ có số phận "hạnh phúc" như thế, cho dù nó nói về nỗi bất hạnh- hay hạnh phúc "ảo" của kiếp người. Bài thơ dạng kể chuyện, ngắn gọn đến mức tiêu biểu cho sự hàm súc, hàm súc từ hình ảnh đến ngôn từ, khó có thể lược bớt đi một từ nào trong bài thơ. "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng / Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều - cuống rạ/ Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày đâu phải lá diêu bông/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới chị, em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con em tìm thấy lá/ Xoè tay phủ mặt chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá / Đi đầu non cuối bể/Gió quê vi vút gọi./ Diêu Bông hời... /ới Diêu Bông”


ĐÃ TẮT LẶNG CÂY ĐÀN THƠ HOÀNG CẦM
Kim Dung - Phan Chí Thắng
http://tuanvietnam.net/2010-05-06-da-tat-lang-cay-dan-tho-hoang-cam


Thế là giữa cuộc đời dâu bể này, đã tắt lặng cây đàn thơ điệu nghệ- Hoàng Cầm. Dù thông tin ông ốm nặng khó bề qua khỏi, lặng lẽ truyền đi trong giới văn chương và những người yêu thơ ông từ khá lâu. Nhưng tin ông ra đi, vẫn khiến văn đàn và không ít người ngưỡng mộ ông hụt hẫng, thương tiếc, xót xa. Dẫu biết tử sinh là lẽ thường tình...


Bởi cái tên Hoàng Cầm- mà người viết bài này, tự đặt - Cây đàn thơ- không chỉ được tạc trong "từ điển văn chương" của nước Việt, mà từ lâu, đã "tạc" trong tâm thức của những người yêu cái đẹp của thi ca, mà nhờ đó, trên hành trình của kiếp người, giữa bao nhiêu nhọc nhằn, biết "vịn câu thơ mà đứng dậy" (Phùng Quán).


Một cuộc đời thấm đẫm chữ Tình


Ông tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, (Việt Yên, Bắc Giang); nhưng quê gốc của ông ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quê hương của những làn điệu quan họ óng ả, tình tứ, trong một gia đình nhà nho lâu đời. Cụ thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên.


Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Năm 1938, ra Hà Nội học Trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Văn chương, trong đó, kịch nghệ và thi ca, với ông dường như là một duyên nghiệp, một duyên trời định. Và mảnh đất Kinh Bắc tài hoa làng nghề, tài hoa các làng quan họ như có sứ mệnh tạo nên một thi nhân- một cây đàn thơ lóng lánh muôn điệu: "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông... hay Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...






Nhà thơ Hoàng Cầm (bên phải) và nhà văn Kim Lân - ảnh chụp năm 2003, Ảnh Nhasachtritue


Ông lấy bút danh Hoàng Cầm, tên một vị thuốc đắng trong các vị thuốc bắc. Ông chọn tên vị thuốc đắng cho mình, như một ám ảnh, một linh cảm của tâm hồn thi sĩ bẩm sinh quá nhạy cảm? Hay chính định mệnh khắc nghiệt đã chọn sự cay đắng "tặng"cho số phận ông?


Không biết nữa!


Chỉ biết, chẳng có người yêu nước nào, dù bé nhỏ đến đâu, vào thời tao loạn của dân tộc, có thể đứng ngoài lề. Đời ông, có đủ đầy cung bậc thăng trầm của một người nghệ sĩ chân chính. Năm 1944, vào đúng lúc Thế chiến II diễn ra khốc liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc tại Thuận Thành, bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình...


Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.


Tháng 10 năm 1954, giải phóng Thủ đô, đoàn trở về Hà Nội. Do mở rộng thêm nhiều bộ môn, năm 1955, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Nhưng trước đó, từ năm 1945, ông đã nổi tiếng vì đóng góp không nhỏ cho sân khâu kịch nghệ Việt Nam, với hai vở kịch thơ: Hận Nam Quan và Kiều Loan.



Hòa bình được lập lại, cuối năm 1955, ông trở về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. rồi tham gia thành lập Hội Nhà văn và được bầu vào Ban chấp hành. Rồi, giữa lúc cuộc đời tưởng như yên ả nhất, ông bị cuốn vào bão tố của vụ án "Nhân Văn Giai Phẩm", buộc phải rút khỏi Hội Nhà văn- năm 1958 và về hưu non năm 1970, lúc mới 48 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của sáng tạo.


Nhưng ẩn dật trong thi ca, lấy thi ca làm mái chắn che chở cho sự bình yên của tâm hồn, và con tim không ngừng náo động bồn chồn vì yêu- đời ông sống được bởi chữ Yêu- ông vẫn tiếp tục thai nghén, sáng tác trong âm thầm, lặng lẽ, trong bóng tối của số phận bất ngờ... Bởi những người vợ của ông- như Tuyết Khanh, như Hoàng Yến dẫu mặn nồng hương lửa, cũng đã lặng lẽ bỏ ông ra đi, về nơi cuối trời.


Hành trình cuộc đời ông là hành trình của những tập thơ nổi tiếng: "Tiếng hát quan họ", "Men đá vàng", "Mưa Thuận Thành" và đặc biệt là "Về Kinh Bắc"...Một cuộc đời hoạt động sôi nổi, khi thăng khi giáng, lúc ấm áp lúc cô đơn, nhưng luôn thấm đẫm chữ Tình: Yêu nước- yêu người- yêu đời, dù không ít cay đắng và bi kịch số phận cá nhân.


Đôi khi, người viết bài này tự hỏi, trong những đêm dài giá lạnh của cõi nhân gian, ông nghĩ gì, và tìm cho mình cuộc sống như thế nào nhỉ? Bỗng nhớ tới cái quán rượu số 43 con phố nhỏ Lý Quốc Sư. Rượu và Thơ- hai người bạn "tâm giao" không thể thiếu để đến lượt ông "vịn" vào, trong hành trình còn lại dằng dặc, cô độc, dù có thể lúc này lúc khác, bạn bè vẫn thăm hỏi...


Cho đến năm 75 tuổi, cái chữ Tình thấm đẫm cuộc đời ông như được kết tinh nhất, ngọt ngào nhất, đằm thắm nhất, ở tập "Thơ Hoàng Cầm- 99 tình khúc".


Còn sự bình yên với nhân thế, phải gần 40 năm sau mới đem đến cho con tim người nghệ sĩ tài hoa. Đầu năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch Nước ký quyết định tặng riêng.


Lá Diêu bông- hành trình kiếm tìm hạnh phúc


Trong tài sản thơ phú giầu có của ông, Hoàng Cầm có rất nhiều tác phẩm, ngay cả khi chưa công bố, đã được "ngôn truyền" trong công chúng. Và khi cất tiếng hoan ca, nó đủ sức lay động tới con tim mọi giai tầng. Lá Diêu bông là một bài thơ có số phận "hạnh phúc" như thế, cho dù nó nói về nỗi bất hạnh- hay hạnh phúc "ảo" của kiếp người.


Bài thơ dạng kể chuyện, ngắn gọn đến mức tiêu biểu cho sự hàm súc, hàm súc từ hình ảnh đến ngôn từ, khó có thể lược bớt đi một từ nào trong bài thơ.


Câu chuyện có hai nhân vật: Em - tác giả và Chị - đối tượng mối tình thơ ấu của ông. Người ta thường cho rằng bài thơ nói về mối tình đầu đơn phương mộng ảo của người nghệ sỹ tài ba. Nhiều người đã kiếm tìm để biết thêm về cuộc sống tình duyên của hai nguyên mẫu - tác giả và chị Vinh, khai thác sâu các tầng bậc chất lãng mạn trong con người và thơ Hoàng Cầm.


Nhưng thực ra, ngoài phần nổi của bài thơ đã là khá đẹp và hấp dẫn, còn có phần chìm, phần hồn- đó cũng chính là thông điệp của của bài thơ nữa. Cũng giống như người đi tìm trầm hương, cái lõi trầm bên trong mới thực sự quý giá.

Ta hãy quay lại bài thơ và cùng thưởng thức nó.


"Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều - cuống rạ"


Chỉ với ba câu, tác giả giới thiệu ngay với chúng ta nhân vật chính: Cô thiếu nữ dậy thì mặc váy (con gái Đình Bảng từ tuổi nào đó mới mặc váy), đang vu vơ đi tìm một cái gì đó phi vật thể giữa cuống rạ đồng chiều (có phiên bản chép là thẫn thờ, đúng ra phải là thẩn thơ, chữ thẫn thờ không hợp với tuổi thơ).


Đồng thời tác giả cũng đã tự giới thiệu về mình: Một chú nhi đồng. Một người trai mười tám chắc đã tả "em" nào là hai mắt lá răm, nào đôi môi hồng, nào làn thu thuỷ nét xuân sơn v.v. Còn chú bé nhi đồng chắc chắn chưa hề biết về những cái đó, chú chỉ nhìn thấy có mỗi cái váy (chắc vì ngang tầm mắt của chú!).


Tuổi Trẻ ngày nay ít người biết cửa võng là gì. Cửa võng- một thứ cửa làm bằng gỗ hoặc vải thêu, nhà giàu thì sơn son thếp vàng, hình chữ ∏, ba bên chạm trổ nhiều hoạ tiết, hoặc ghép thêm những chi tiết phụ nhằm tăng thêm sự cầu kỳ của cửa.


Váy buông chùng cửa võng nghĩa là hai thân váy thu sang hai bên rồi buông chùng xuống. Có thể Chị chưa hết tuổi lớn nên váy mặc còn tém sang hai bên như cửa võng.


"Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng"


Chắc hẳn có mấy chú bé nhằng nhẵng bám theo nên chị nói cho qua chuyện. Xin lưu ý chữ "bảo", không phải Chị nói mà là bảo, bảo là khi người trên nói với người dưới. Hơn nữa, Chị chỉ gọi là chồng, như một trò chơi đóng giả vợ chồng con cái của trẻ con chứ không như Trần Tiến "Em đố ai tìm được lá diêu bông, xin lấy làm chồng"


"Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày đâu phải lá diêu bông"


"Chau mày" không phải vì thằng bé dốt quá, làm gì có lá Diêu bông (lá Diêu bông là do nhà thơ sáng tạo ra, có thể hiểu là lá của một loài hoa phiêu diêu, không có thực, giống như hạnh phúc ở trên đời này vậy, cũng là một cái gì đó hư ảo). Hãy phân tích tiếp xem vì cái gì.


"Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông"


"Lắc đầu' là một động tác mạnh hơn "chau mày", cộng thêm động tác nhìn về phía xa xa, như trông đợi một cái gì đó.


"Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim"


Chữ "cười" ở đây cho ta lời giải thích vì sao chị "chau mày" và "lắc đầu" ở hai thời điểm trước đó. Nghiã là chị đã đi tìm, đã mong mỏi hạnh phúc lứa đôi. Khi làm đám cưới, chị cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện (có bản chép xe chỉ cắm trôn kim hay ấn trôn kim, nghe thô lỗ quá, ấm trôn kim mới đúng, nó nói lên người con gái đã sẵn sàng cho vai trò làm vợ, may vá thêu thùa, giữ gìn mái ấm gia đình).


"Chị ba con em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn"


Khi đã có ba con, lúc nghe nhắc lại lá Diêu bông, Chị có thái độ hoàn toàn thất vọng, không còn muốn nhìn thấy một sự thật phũ phàng: Làm gì có hạnh phúc lứa đôi trong cuộc đời Chị, cái hạnh phúc mà Chị mong mỏi khi nhẩn nhơ đi tìm trong đồng chiều cuống rạ trước đây?


Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!


Khổ cuối của bài thơ như một lời kết cho câu chuyện, như láy lại sự kiên trì ngây thơ suốt cả cuộc đời "Em" trong mối tình vô vọng với "Chị", như một lời than cho số phận bất hạnh của người đàn bà nói riêng và kiếp người nói chung.


Bài thơ thoạt tưởng chỉ là kể về câu chuyện tình liêu trai bất thành, mà thực ra nó là khúc ca xót xa, khóc cho người mình yêu chứ không phải là than thân trách phận. Nó triết lý về hành trình tìm kiếm hạnh phúc đời người. Và nó nói hộ nỗi lòng khát khao. Ai đọc, cũng thấy mình trong đó...


Hạnh phúc chỉ là ảo. Nhưng người ta vẫn không ngừng kiếm tìm...


Vì khát vọng vẫn mạnh hơn ảo vọng. Đó là cái lẽ, bài thơ Lá Diêu bông luôn được mọi lớp người yêu thích, nhập tâm suốt hơn nửa thế kỷ qua.


Và vì thế, cho dù tiếng tơ đồng của cây đàn thơ Hoàng Cầm đã tắt lặng, nhưng dư âm của nó vẫn ngân nga, vọng mãi trên thi đàn, trong lòng người và nhân thế...

Người theo dõi