Lưu trữ Blog

21 tháng 5, 2009

Đọc lại chín câu chuyện nhỏ của GS Bùi Trọng Liễu.



HOCMOINGAY. Báo Tuần Việt Nam đã đăng bài viết của Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp) "Chín câu chuyện nhỏ và những bức xúc lớn của ngành giáo dục" gồm: Cắm hoa giả làm cây, Chuyện mua kính và đại học đẳng cấp; Đẽo cày giữa đường và cải cách giáo dục; Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích; Gian lận thi cử - xưa và nay; Học trò nghèo và cơ hội học hành; Bệnh xã hội và phong trào "nói không"; Đọc chữ người và quyết sách; Dạy khỉ và mục tiêu đại học Top 200. Lời văn nhẹ nhàng, hài hước nhưng sâu sắc, thâm trầm. Nhiều ẩn dụ có thể là lời khuyên chân thành nhưng cũng có thể là lời chỉ trích bóng gió tùy theo mối quan hệ và ngữ cảnh ... Tôi chép bài viết về trang hocmoingay để đọc lại và suy ngẫm. Tôi dừng lại lâu nhất ở câu: "Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão." (ảnh đèn dầu từ internet)

CHÍN CÂU CHUYỆN NHỎ VÀ NHỮNG BỨC XÚC LỚN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Bùi Trọng Liễu
(Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp)

TUANVIETNAM. Có chuyện có thật, có những chuyện là giai thoại, mang tính ngụ ngôn, GS. Bùi Trọng Liễu (Nguyên GS đại học, Paris, Pháp) tập hợp lại thành một khối nhất quán để minh họa cho những bức xúc đang tồn tại trong ngành giáo dục.


Câu chuyện thứ nhất: Cành hoa cắm giả làm cây

Năm 1960, Hồ Chủ Tịch phát động phong trào "trồng cây", cụ lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của câu "trồng người".

Cũng năm 1960, cụ về thăm quê. Về đến nhà khách tỉnh ủy Nghệ An, cụ phát hiện ra ngoài vườn có những cành hoa cắm xuống đất, giả như cây trồng, để đón cụ. Cụ đã nghiêm khắc phê phán coi đó là một căn bệnh phô trương hình thức.

Hiện nay, đọc thông tin về kế hoạch và đề án đào tạo nhân lực, nhiều người trong và ngoài nước không khỏi hoang mang, hoài nghi về sự khả thi của một số đề án này, với những số liệu và mốc thời gian. E rằng những con người mà những đề án này giả định là sẽ đào tạo ra, cũng như những cành cây không rễ, cắm xuống đất cho có số lượng, chứ không phải là thực sự trồng cây, trồng người.

Câu chuyện thứ hai: Chuyện mua kính và ĐH đẳng cấp
Thuở nhỏ, tôi có học trong một cuốn Giáo khoa thư, câu chuyện sau đây: Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính của hiệu mà vẫn không vừa lòng.

Chủ hiệu đâm nghi hỏi: "Thế bác đã biết đọc chưa đã?". Bác ta nổi giận gắt lên: "Nếu tôi biết đọc rồi, thì tôi đi mua kính làm gì!". Té ra bác ấy thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính, nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.

Ngày nay, có một số người Việt Nam, "cưỡi ngựa xem hoa" nước ngoài, quáng mắt ngỡ rằng cứ có vài chục héc-ta đất, xây campus với những tòa nhà hoành tráng, trang bị bàn ghế cho bảnh, thư viện đầy ắp sách, phòng làm việc đầy ắp máy tính, phòng thí nghiệm có máy móc tối tân, v..v. mà chẳng cần chú ý giảng viên có trình độ tương xứng hay không, sinh viên học hành thế nào, để rồi vào khoảng năm 2020 Việt Nam cũng sẽ có những đại học đẳng cấp, lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới chẳng hạn. Dễ vậy sao?

Câu chuyện thứ ba: Đẽo cày giữa đường và cải cách Giáo dục

Trong kho truyện cổ Việt Nam, có chuyện "Đẽo cày giữa đường": Có anh nông dân kiếm được thanh gỗ, muốn đẽo cái cày. Thay vì nhờ sự cố vấn của những người thợ lành nghề, anh mang gỗ ra ngồi giữa đường để "đẽo cày". Kẻ qua người lại, mỗi người góp một ý, người thì nói phải đẽo thế này, người thì nói phải đục thế kia. Đẽo một lúc thì thanh gỗ teo lại. Kẻ qua người lại, hỏi, thì anh đành nói là anh đang "đẽo cái chìa vôi" (chìa vôi là cái que nhỏ như chiếc đũa, một đầu để quệt vôi, một đầu nhọn, dùng để têm trầu). Lại mỗi người góp một ý, người thì nói phải vót thế này, người thì nói phải gọt thế kia. Một lúc sau, người qua lại hỏi anh đang làm gì, thì anh gắt lên: "Tôi đang vót cái tăm xỉa răng".

Có hiện tượng là quá nhiều người được hỏi ý và góp ý về Giáo dục Đào tạo, trong đó có cả những người không có kinh nghiệm gì trong vấn đề. Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão. Tuy nhiên, còn có vấn đề biết đấy, nhưng có nghe hay không nghe. Thi hào Nguyễn Khuyến có bài thơ "Anh giả điếc":

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày"…

Còn tại sao lại giả điếc thì lại là một vấn đề khác!

Câu chuyện thứ tư: Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích

Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên: Khoảng năm 206 trước Công nguyên, Hạng Vũ (người đất Sở, sau là Tây Sở Bá vương) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán Cao tổ) khởi binh để diệt nhà Tần, hai phía tiến vào đất Quan Trung (nơi có kinh đô Hàm Dương của nhà Tần).

Lưu Bang vào trước, lấy được đất Quan Trung và kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, nhưng ít quân hơn Hạng Vũ, nên phải chịu lép vế tạm nhường cho Hạng Vũ. Sau khi đã đem binh vào thành Hàm Dương, giết vua Tần Tam Thế (đã đầu hàng), đốt cung A Phòng, thu của cải châu báu, gái đẹp, Hạng Vũ muốn đem quân về phía đông.

Có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ rằng: "Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá". Hạng Vũ không nghe. Hàn Sinh thất vọng, trở ra, nói lén: "Người ta nói rằng người nước Sở giống như con khỉ đội mũ người; quả thực là đúng". Hạng Vũ biết được, sai bắt Hàn Sinh bỏ vào vạc dầu mà nấu cho chết. (Theo người xưa, lời khuyên của Hàn Sinh là hợp lý. Tại Hạng Vũ không nghe, cho nên đó là một trong những nguyên nhân Hạng Vũ bị thua trong vụ Hán Sở tranh hùng, rốt cục phải tự tử chết).

Có nguồn cho rằng Hàn Sinh ngụ ý nói con khỉ bắt chước hình thức, đội mũ (mặc "lễ phục") như người, nhưng chỉ chốc lát thì bản chất của nó cũng sẽ lộ ra, về tri thức khỉ vẫn chỉ là khỉ. Câu nói đó rất là nặng. Người Pháp có câu "Bộ áo thày tu chẳng có thể biến người mặc thành tu sĩ được" cũng na ná ý nghĩa như câu nói của Hàn Sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn về cách phát biểu.

Hy vọng rằng trong xã hội ta, công luận cũng thấy rõ rằng bằng cấp rởm, danh hiệu tiếm xưng, ngồi nhầm ghế, phô trương kỷ lục, vv. thì dù có mặc "lễ phục" cũng không che đậy được.

Câu chuyện thứ năm: Gian lận thi cử - xưa và nay

Trong cuốn "Vũ Trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, ông kể: Thời Lê mạt, người ta đồn là ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng (nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến.

Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên.

Sau, ông Nguyễn Hoãn lần lượt được giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, làm tới Thái phó, tước quận công.

Ngày xưa người ta cũng biết ngượng, nên gian lận thi cử cũng còn giấu giếm làm lén. Ngày nay là thời kinh tế thị trường, đại trà ồ ạt, tôi ở xa không biết tình hình số liệu thực sự như thế nào?

Câu chuyện thứ sáu: Học trò nghèo và cơ hội học hành

Trong cuốn "Quốc văn giáo khoa thư" lớp sở đẳng, có chuyện ông Châu Trí: thuở trẻ ông học giỏi, nhưng nhà nghèo, phải đến ở nhờ chùa Long Tuyền; không có tiền mua dầu thắp đèn, phải đi quét lá đa, tối đốt lửa mà học. Đến khi đỗ giải nguyên, thiên hạ mừng tặng ông bài thơ:

Một anh trò kiết chùa Long Tuyền,
Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên.
Ở đời không có việc gì khó,
Người ta lập chí phải nên kiên.

Đó là ngày xưa, bên cạnh những chuyện lem nhem như chuyện ông Nguyễn Hoãn vừa kể trên, xã hội rất trọng những người nhà nghèo, có ý chí vươn lên.

Còn ngày nay, thì sao? Có những học sinh, sinh viên nghèo, sống trong cảnh rất khó khăn, nhưng vẫn cố gắng học hành nghiêm chỉnh; khi ra trường, vào đời, có được sử dụng "ngang tầm" với con cháu các "đại gia" không?

Câu chuyện thứ bảy: Bệnh xã hội và phong trào "nói không"

Cuốn "Cổ học tinh hoa" của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, dẫn Liệt nữ truyện: Tương truyền Mạnh Tử, thuở nhỏ mồ côi cha sớm, mẹ nuôi dạy rất nghiêm túc. Nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào chôn lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc; bà mẹ thấy thế, nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được"; rồi dọn nhà ra gần chợ.

Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước đùa buôn bán điên đảo: bà mẹ lại nói: "Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được"; bèn dọn nhà đến ở gần trường học. Mạnh Tử ở gần trường, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở; bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".

Sau Mạnh Tử trở thành nhà hiền triết lớn. Đấy là chuyện Tàu. Còn người xưa nước ta thì có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", cũng để nói ảnh hưởng rất lớn của môi trường xã hội đối với giáo dục đạo đức con người.

Ngày nay, ngoài xã hội có nhiều chuyện đảo điên, mà trong trường học cũng có chuyện đảo điên. Vậy thì "nói không" với những gì và áp dụng "nói không" với biện pháp nào, để cho có hiệu quả?

Câu chuyện thứ tám: Đọc chữ người và quyết sách

Trong cuốn "Lều chõng", tác giả Ngô Tất Tố có viết trong chương 5, câu chuyện này (tôi tóm tắt): Cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc danh sĩ đời Lê, văn hay, học rất uẩn súc, nhưng thi mãi không đỗ. Ông Nguyễn Công Lân là con, sức học tuy còn kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát, ngoài hai mươi tuổi đã đỗ hương cống, rồi lại đỗ luôn tiến sĩ. Có một khoa, ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Hoàn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước.

Thế rồi đến khi việc trường đã xong, ông Lân về nhà thăm cha. Đầu tiên, cụ hỏi ngay: "Khoa này có được quyển nào khá không?". Ông con ngay thật thưa rằng: "Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm, không thể lấy đỗ". Cụ Nguyễn liền gặng: "Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?". Ông con thưa rằng có nhớ và đọc như vầy: "Lưu hành chi hóa tự tây đông, nam bắc vô tư bất phụ/ Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".

Rồi thì ông ấy lại tiếc ngậm ngùi mà rằng: "Nếu như câu dưới, họ đảo hai chữ "Cảo Mân" ra làm "Mân Cảo", cho đúng niêm luật, thì hai câu ấy hay biết chừng nào". Cụ Hoàn không đợi cho con hết lời, vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy. Và cụ nghiến răng nghiến lợi, chửi mắng tàn nhẫn. Cụ bảo ông con dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người.... Thì ra hai câu tứ lục ấy chính ủa cụ, ý cụ đặt như thế này: "Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục/ Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".

Chữ Nho vốn không có dấu phẩy. Trong hai câu đó, câu trên tất phải ngắt đến chữ "Tây", câu dưới tất phải ngắt đến chữ "Cảo". Chứ nếu ngắt như kiểu ông Lân, một đằng ngắt đến chứ "Đông", một đằng ngắt đến chữ "Mân" thì không có nghĩa gì cả.

Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục. Cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kỳ Phong đều cũng dấy theo".

Chứ ai lại nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây phương Đông... cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân?". Nhưng vì bốn chữ Tây Đông Nam Bắc và bốn chữ Cảo Mân Kỳ Phong đặt liền với nhau, nếu câu trên ngắt đến chữ Đông, thì câu dưới cũng lại ngắt đến chữ Mân, như thế, chẳng những thất niêm mà còn vô nghĩa nữa!

Ngày nay, phải chăng cũng có những người, tuy đã được học hành tương đối nghiêm túc, nhưng đọc văn bản, tài liệu của người khác, của nơi khác, của nước khác, rồi dễ dàng ngỡ là mình hiểu mà kỳ thật ra không hiểu; và từ đó có thể có những quyết định mang lại tai hại khôn lường?

Câu chuyện cuối cùng: Dạy khỉ và mục tiêu ĐH Top 200

Có câu chuyện cổ tích: Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y, để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Lẽ ra nhà vua phải biết mục tiêu có khả thi hay không.


Kết luận có thể rút ra là những tác giả các đề án hoành tráng ngày nay, định mốc "đến năm 2020, đến năm hai nghìn bao nhiêu đó thì sẽ có thế này thế nọ", và những vị hạ bút ký chấp nhận và cho giải ngân, liệu đến thời gian đó còn ngồi đó để nhận trách nhiệm của mình không, hay các vị cùng thân nhân sẽ đang phơi phới ngao du nơi Bồng Lai tiên đảo nào đó, kệ cho nhóm hậu sinh "sống chết mặc bay"?

Hiện nay, trong Giáo dục Đào tạo có nhiều bất cập, một số giải pháp đưa ra lại cũng bất cập, càng gây ra sự hoang mang. Vậy mà trong giới quan chức hay trong quần chúng, vẫn có người chấp nhận, bảo vệ. Chấp nhận vì ngây thơ không biết, hay là biết nhưng giả bộ ngây thơ?


Nguồn: Tuần Việt Nam.Net
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5628/index.aspx

Từ tháng 2 - 2010, đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới

HOCMOINGAY. Báo Nhân dân Điện tử (NDĐT) ngày 19 tháng 5 năm 2009 đăng bài "Từ tháng 2-2010, đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới": Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế các quyết định trước đây về tuyển sinh và đào tạo sau đại học. Từ kỳ tuyển sinh tháng 2- 2010, các cơ sở đào tạo tiến sĩ sẽ thực hiện theo Quy chế này.

Theo đó, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục; đối với người có bằng tốt nghiệp đại học là 4 năm tập trung liên tục. Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được cơ sở đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải bảo đảm có tổng thời gian học và nghiên cứu như trên, trong đó, có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu.

Thời gian tuyển sinh: mỗi năm, tùy theo nhu cầu và chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở đào tạo tổ chức từ một đến hai kỳ tuyển nghiên cứu sinh vào tháng 2 và tháng 8 theo hình thức xét tuyển.

Quy chế quy định người dự tuyển phải có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án. Cụ thể, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển trên cơ sở yêu cầu của chuyên ngành và chương trình đào tạo và khả năng đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án.

Về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau đây: a) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh; b) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở trong nước mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh không qua phiên dịch; c) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh; d) Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 61 điểm hoặc TOEFL ITP (nội bộ) 500 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương. Trình độ ngoại ngữ tương đương được xác định theo chuẩn B1, B2 của Khung Châu Âu Chung. Nếu không, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ của những trung tâm khảo thí ngoại ngữ trong nước có uy tín, có kết quả đánh giá năng lực người học tương đương với kết quả đánh giá của các trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nghiên cứu sinh viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh; khuyến khích nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Trong quá trình học tập và thực hiện đề tài luận án, nghiên cứu sinh phải viết báo cáo khoa học; viết ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập, theo danh mục tạp chí do đơn vị chuyên môn quy định. Đồng thời, nghiên cứu sinh phải dành thời gian tham gia vào các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo theo sự phân công của đơn vị chuyên môn.

Nghiên cứu sinh không được tìm hiểu hoặc tiếp xúc với phản biện độc lập, không được liên hệ hoặc gặp gỡ với các thành viên Hội đồng cấp trường hoặc viện trước khi bảo vệ luận án; không được tham gia vào quá trình chuẩn bị tổ chức bảo vệ luận án như đưa hồ sơ luận án đến các thành viên Hội đồng; không được tiếp xúc để lấy các bản nhận xét luận án của các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học.

Quy chế mới quy định luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, có đóng góp về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải quyết sáng tạo các vấn đề đang đặt ra với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội. Luận án phải có những đóng góp mới về mặt học thuật, được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, vận dụng những lý luận cơ bản của ngành khoa học để phân tích, bình luận các luận điểm và kết quả đã đạt được trong các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến đề tài luận án, trên cơ sở đó đặt ra vấn đề mới, giả thuyết mới có ý nghĩa hoặc các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận án và chứng minh được bằng những tư liệu mới. Tác giả luận án phải có cam đoan danh dự về công trình khoa học của mình.

Luận án tiến sĩ có khối lượng khoảng 100 trang A4, trong đó trên 50% là trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh.

Về việc bảo vệ luận án, nếu luận án không được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện thông qua thì nghiên cứu sinh được phép sửa chữa luận án và đề nghị bảo vệ lần thứ hai muộn nhất trước 24 tháng kể từ ngày bảo vệ lần thứ nhất; không tổ chức bảo vệ luận án lần thứ ba.

Từ kỳ tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tháng 2- 2010, các cơ sở đào tạo sẽ bắt đầu thực hiện theo Quy chế mới.

Ngọc Trác
Nguồn: http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?to...article=147885

17 tháng 5, 2009

Đọc lại và suy ngẫm về ý kiến của nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ


HOCMOINGAY. Huy Đức. Blog Osin. Lê Huy Ngọ trong vai nông dân. Chúng ta hãy quan sát những người nông dân phải lên thành phố ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thu nhập của những người đó dù có đạt 2 triệu cũng khó mà đủ sống. trong khi nếu cũng những người đó vẫn ở nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ, thì mức lương khoảng một triệu là đã rất ổn rồi. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, có công nghiệp, có dịch vụ. Phải đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân. Làm sao giữ chân được thanh niên, làm sao trí thức có thể về nông thôn nếu như ở đấy không có nước sạch, không có điện… Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để cho những nông dân phải vật vã trên những góc phố đô thị để lây lất kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên nguồn cội. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của cha anh mình trước khi ban hành một chính sách nào đó. Không nhà nước nào có thể lo hết mọi thứ. Tích tụ ruộng đất chỉ là một vấn đề cụ thể. Cái lớn hơn trong phương pháp tiếp cận theo tôi là, mọi chính sách đều phải đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ (Hình tư liệu của Hoàng Kim: Bộ trưởng Lê Huy Ngọ thăm Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc năm 2001).

LÊ HUY NGỌ TRONG VAI NÔNG DÂN

Ông Lê Huy Ngọ thường được gọi là “Bộ trưởng nông dân”. Có lẽ vì ông đã có hơn 10 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1997-2007). Và có lẽ vì ông đã từng lăn lộn rất nhiều từ khi còn làm Bí thư hai tỉnh Vĩnh Phú và Thanh Hóa. Có không ít điều, về nông nghiệp và nông thôn, ông Ngọ tích lũy được từ khi đang tại chức. Nhưng cũng có những điều ông chỉ có thể thực sự nói ra khi không còn giữ một chức vụ gì.


Thưa ông, ông nghĩ gì về “tam nông”, một vấn đề đang được bàn luận?


Chính sách “tam nông” bắt đầu từ Trung Quốc. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, tuy nhiên tôi cũng muốn lưu ý rằng, bài học “cải cách ruộng đất” cho thấy, trong các vấn đề về nông dân, không phải thành công nào của Trung Quốc đem áp dụng vào Việt Nam cũng được.


Thưa ông, dường như “kinh nghiệm Trung Quốc” không được đề cập trong các thảo luận gần đây, nhưng vì sao ông lại có vẻ như không hài lòng với “tam nông”?


Tam nông là nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của 3 vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là “hậu phương”, là nên tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết.


Đồng ý với ông rằng nông dân phải là vấn đề trung tâm, tuy nhiên, có thể “tam nông” cũng là một cách tiếp cận?


Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy. Cải cách ruộng đất, chia ruộng cho dân nghèo là một chính sách nhắm vào nông dân. Khi người dân yên tâm có ruộng, hàng vạn thanh niên nông thôn mới sẵn sàng lên đường. Hòa bình lập lại, ruộng đất được tập trung vào các tập đoàn, hợp tác xã cho các tham vọng nông nghiệp, nông thôn lớn, thì người nông dân “ra rìa”. Đến khi “khoán sản phẩm”, giao ruộng lại để cho nông dân tự làm thì không những giải quyết được vấn đề lương thực cho cả nước mà chính nông dân còn đi đầu “đổi mới tư duy”.


Theo ông thì như thế nào để xác định một chính sách đã coi nông dân là trung tâm?


Hãy quan sát từ những hiện tượng: bên cạnh ầm ầm thủy điện chỉ là những nông dân đứng nhìn; rồi chính những người dân đã hiến đất để làm nhà máy điện lại là những người cuối cùng sống trong những vùng không có điện. Tương tự, khi lấy đất làm khu công nghiệp (KCN), nông dân cũng bị đặt ra bên lề. Nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình ấy. Họ chưa được hỏi đầy đủ và chưa được tham gia các quá trình đàm phán như là một chủ thể của quá trình này.


Thưa ông, nông dân chưa được coi là chủ thể tham gia các quá trình đàm phán phải chăng là bởi các bên vẫn quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải là của nông dân?


Vâng, đó là mấu chốt. Từ bao đời nay, đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Đất đai là cuộc sống và cũng là văn hóa. Thái độ của chúng ta đối với đất đai đã biến nông dân, từ vị trí lẽ ra là người làm chủ lại trở thành những người đóng vai trò mờ nhạt trong những tiến trình thay đổi đó.


Thưa ông, tại sao đất đai cứ nhất định phải là “sở hữu toàn dân”?


Khi tôi còn làm, trong lãnh đạo có những người sợ rằng, mai đây, nhu cầu công nghiệp hóa đất nước sẽ cần đất đai nhiều, giao sở hữu cho dân rồi làm sao thu hồi. Cái gốc của vấn đề là, chúng ta vẫn coi tập thể, kinh tế nhà nước đóng vai trò “định hướng”. Khi nhà nước đã là định hướng thì làm sao đất đai có thể được giao sở hữu cho người dân. Giờ đây thì chúng ta đã có những bài học để thấy, “vô chủ” như tình trạng quản lý đất đai hiện này làm sao trở thành “nền tảng”; hiệu quả kinh tế thấp như khối kinh tế quốc doanh thì sẽ “định hướng” đất nước tới nơi nào.


Thưa ông, đất đai nói là thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực ra lại đang nằm trong tay của chính quyền cơ sở. Sự lạm quyền trong việc thu hồi đất của nông dân để giao cho các nhà kinh doanh đang khiến cho 85% khiếu kiện của nhân dân hiện có liên quan đến vấn đề ruộng đất, vì sao nhà nước không nhận thấy để tháo sớm “ngòi nổ” này?


Có lẽ phải bắt đầu từ các hiện tựơng xảy ra trong nông dân. Có thời kỳ ở nông thôn, nông dân nhận khoán chui; giờ đây, nông dân đang phải bán ruộng chui với bao nhiêu tiêu cực. Các doanh nghiệp đang mua đất của nông dân để làm sân golf, KCN bằng cách ép giá. Bởi vì đất của nông dân mà họ đâu có được thảo luận giá với người mua. Các doanh nghiệp chủ yếu làm ăn với chính quyền địa phương, chính quyền bằng nhiều cách khác nhau đã gây áp lực để người dân nhận một khoản “đền bù” không hợp lý. Nếu người nông dân bán ruộng dựa trên quyền sở hữu của họ, tôi tin là họ sẽ cân nhắc hơn, không chỉ về giá.


Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?


Cho dù đất đai, về danh nghĩa, thuộc sở hữu của ai thì quyền sử dụng đất của nông dân vẫn là tài sản, việc định giá tài sản đó vẫn phải áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết. Tuy nhiên, “sở hữu toàn dân” trên thực tế đã bộ lộ rằng, không những những “ưu việt” mà ta mong không đạt được, quyền lực thực tế về đất đai đã rơi vào tay của một số cá nhân nắm quyền ở các địa phương. Những tiêu cực trong vấn đề quản lý thu hồi và giao đất không những đã tác động tới tiến trình sử dụng hiệu quả đất đai mà còn khiến cho mâu thuẫn giữa nhà nước và nông dân trở thành một vấn đề chính trị. Chính vì thế, theo tôi chúng ta cũng không nên ngần ngại sửa một vài điều trong Hiến Pháp. Cái gì cũng vậy, có danh chính ngôn thuận thì mới có minh bạch vừa tránh được tiêu cực vừa tạo ra nền tảng ổn định cho cả chính trị và xã hội.


Một quy định khác trong Luật Đất đai có liên quan đến nông dân là “hạn điền”, thưa ông, hạn chế tích tụ ruộng đất cũng đang là một nguyên nhân khiến cho nông nghiệp không thể nào phát triển?


Bình quân ruộng đất của cả nước hiện nay chỉ có 1000m2/nông dân; một hộ ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 3600m2 và một hộ ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 5000m2. Muốn cho nông dân thoát nghèo thì chính sách đất đai phải làm sao để chuyển nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp hiện đại tạo ra giá trị cao. Với quy mô đất đai như vậy thì không thể nào thực hiện được. Tất nhiên, muốn có những vùng sản xuất hàng hóa lớn cũng có thể thực hiện bằng cách “dồn điền đổi thửa”; các hộ nông dân có thể liên kết lại để áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng không đơn giản để thực hiện điều này, theo tôi, tích tụ ruộng đất là một quy luật không thể cưỡng lại.


Thưa ông, những người không ủng hộ tích tụ ruộng đất biện minh rằng, tích tụ sẽ khiến cho một số nông dân bán ruộng trở thành thất nghiệp. Trong khi đó, nhà nước lại đang ủng hộ nhiều doanh nghiệp “thu hồi” hàng ngàn hecta ruộng của nông dân để làm sân golf hoặc KCN. Hai quá trình này đâu có gì khác nhau và lý lẽ này liệu có còn đủ sức thuyết phục?


Như tôi đã nói, làm sân golf, KCN hay tích tụ ruộng đất để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đều có tính hai mặt. Tuy nhiên, nếu như quá trình này diễn ra minh bạch, nông dân là chủ thể đàm phán và có thể tham gia ngay từ đầu thì họ sẽ không bị đặt ra bên lề. Đừng nghĩ, cho tích tụ, nông dân sẽ ồ ạt bán ruộng. Ruộng đất là cuộc sống của cả gia đình họ, nhà nước không thể nào lo lắng cho họ hơn chính họ được đâu.


Thưa ông, công nghiệp hóa không chỉ theo một hướng áp đặt như nhà nước vẫn làm, mang nhà máy về xây dựng trên đất ruộng, mà công nghiệp hóa còn có thể xuất hiện tự nhiên bắt đầu từ việc tích tụ ruộng đất, làm nảy sinh nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa, nhu cầu phát triển đa dịch vụ tại nông thôn, tại sao nhà nước lại không cho tích tụ để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tự nhiên đó?


Chúng ta hãy quan sát những người nông dân phải lên thành phố ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thu nhập của những người đó dù có đạt 2 triệu cũng khó mà đủ sống. trong khi nếu cũng những người đó vẫn ở nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ, thì mức lương khoảng một triệu là đã rất ổn rồi. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, có công nghiệp, có dịch vụ. Phải đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân. Làm sao giữ chân được thanh niên, làm sao trí thức có thể về nông thôn nếu như ở đấy không có nước sạch, không có điện… Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để cho những nông dân phải vật vã trên những góc phố đô thị để lây lất kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên nguồn cội. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của cha anh mình trước khi ban hành một chính sách nào đó. Không nhà nước nào có thể lo hết mọi thứ. Tích tụ ruộng đất chỉ là một vấn đề cụ thể. Cái lớn hơn trong phương pháp tiếp cận theo tôi là, mọi chính sách đều phải đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ.


Huy Đức thực hiện
(Nguồn: http://www.blogosin.org/?p=480)

Hội nghị Bộ Trưởng Giáo Dục các quốc gia Âu Á lần thứ hai ( ASEMME 2 ) năm 2009 được tổ chức tại Hà Nội


HOCMOINGAY. Bộ trưởng giáo dục và đào tạo của 39 quốc gia Á - Âu đã đến Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 2, gọi tắt là ASEM, tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 14 và 15-05-2009. Các chủ đề chính của hội nghị là bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục, công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước Á - Âu, song song với việc phát triển nhân lực đối với các quốc gia thành viên.

Bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục

Theo các quan chức giáo dục Việt Nam thì đây là cơ hội thu hút trí thức từ các nước Á - Âu hầu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chương trình giảng dạy, đồng thời phát triển và đáp ứng nhu cầu về lãnh vực nhân lực của hai châu lục này trong tương lai.

Ngoài ra, hội nghị ASEM cũng giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Ban Việt Ngữ , từ Hà Nội , Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển, đánh giá đây là một hội nghị có tầm quan trọng hết sức đặc biệt :

"Có một cuộc hội nghị như thế chắc chắn là sẽ có những trao đổi của các vị bộ trưởng với nhau về tình hình giáo dục, tình hình đào tạo nhân lực, nên hội nghị này hết sức quan trọng.

Tôi nghĩ có một hội nghị như thế mà Việt Nam tổ chức, nếu mà tổ chức tốt thì Việt Nam cũng có thể học hỏi được nhiều nước khác".

Giáo dục Việt Nam cần được cải cách sâu rộng

Khi đề cập tới nền giáo dục Việt Nam hiện tại thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho là nhà nước nên sớm có những cuộc cải cách sâu rộng :

"Nền giáo dục của Việt Nam thì đang gặp rất là nhiều vấn đề nan giải, thực sự cần một cuộc cải cách rất triệt để. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đặt vấn đề cải cách giáo dục nhiều lần, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nền giáo dục của Việt Nam cũng chưa tiến triển được mấy.

Và tôi cũng nghĩ rằng qua cuộc hội nghị này mình có thể học được cái gì đó, nhưng mà để có một sự biến chuyển lớn thì tôi nghĩ rằng chưa có thể có cái chuyển biến gì lớn chừng nào mà không có một quyết tâm rất là lớn để cải tổ toàn bộ cái hệ thống này."

Trong khi đó, với trên 30 năm giảng dạy bậc đại học trong và ngoài nước, từ Paris (Pháp) Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quốc Thúc, quốc vụ khanh đặc trách tái thiết và phát triển trước tháng 4 năm 1975 , đón nhận tin họp hội nghị ASEM trong sự phấn khởi và tin tưởng :

"Tôi là một giáo sư đại học suốt từ năm 1951 cho tới năm 1975, và sau khi di cư sang Pháp thì tôi lại còn dạy học ở Đại Học Paris XII trong thời gian từ năm 1978 cho đến 1988 mới về hưu.

Như vậy suốt đời tôi thì tôi đã coi như cái hoạt động chính, cái nguyện vọng chính của tôi là góp phần nào vào công cuộc giáo dục. Và cũng chính vì thế cho nên tôi thấy cái tin 39 bộ trưởng giáo dục các nước Âu - Á họp ở nước ta, đó là một sự cố rất quan trọng để các vị có trách nhiệm điều hành nền giáo dục của nước ta nhận thấy là cái tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục nói chung và đặc biệt là nền giáo dục đại học.

Chúng ta mà muốn theo kịp các nước tiền tiến trên thế giới thì cần phải có một đội ngũ trí thức xứng danh với cái tên gọi là trí thức đó, là phải theo kịp các nước tiền tiến mới được.

Nếu mà chúng ta cứ tiếp tục khép kín, chỉ nhìn thấy cái ưu điểm của mình và ngay cả những khuyết điểm nữa, mà không chịu nhìn toàn thế giới, thì chúng ta có nguy cơ sẽ bị bỏ lại trong hàng ngũ những nước chậm tiến."

Trí tuệ vẫn là tài nguyên quý báu nhất

Cũng qua câu chuyện , Giáo sư Vũ Quốc Thúc trình bày nguyện vọng của mình đối với một nền giáo dục tân tiến tại Việt Nam :

"Cái tương lai của Việt Nam tùy thuộc như thế nào vào công cuộc giáo dục ? Thì mong rằng các nhà lãnh đạo nước ta sẽ ý thức được điều đó và sẽ có những biện pháp kịp thời, tại vì muốn phát triển không phải chỉ có đầu tư vào kinh tế mà thôi.

Mặc dù tôi cũng là một nhà kinh tế học nhưng tôi cho đầu tiên phải là huấn luyện con người đã, vì cái tài nguyên quý báu nhất tựu trung vẫn là con người. Với trí óc con người chúng ta có thể khắc phục được mọi khó khăn, mọi trở lực.

Chớ còn nếu trí óc mà thua kém thì dù có bao nhiêu tiền của, bao nhiêu máy móc tối tân thì rút cục lại cũng sẽ đi vào cái chỗ lạc hậu nếu mà cái trí thức không có mở mang, đặc biệt là khiến cho các cấp có trách nhiệm chú ý đên vấn đề này."

Ban tổ chức hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của 150 đại biểu cùng quan khách đến từ các nước Á - Âu.

Báo chí cũng cho hay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ tham dự hội nghị ASEM kỳ này, nhóm họp tại Hà Nội trong những ngày tới.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II

Sáng ngày 14-05-2009, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II. Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo của 39 nền giáo dục Á - Âu.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II ( ASEMME 2 ) có chủ đề : “Đảm bảo chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và “Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á - Âu.

Thủ tướng khẳng định : Việt Nam coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là nhân tố quan trọng để thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Thủ tướng cũng nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, thu hút quan tâm vốn đầu tư và các nhà giáo, nhà khoa học giỏi từ nước ngoài đến đầu tư, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời đưa nhiều hơn nữa các sinh viên, nghiên cứu sinh đến học đại học và sau đại học ở các nước có trình độ giáo dục tiên tiến.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam trong thời gian tới là rất nặng nề. Cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng hy vọng, Hội nghị lần này, các vị Bộ trưởng, các chuyên gia trong ngành giáo dục của các nước đến từ châu lục Á và Âu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những cách thức hợp tác hiệu quả nhằm đẩy nhanh phát triển giáo dục của các nước châu Á và đẩy mạnh hợp tác giáo dục Á - Âu, góp phần tích cực giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để thúc đẩy hợp tác Á - Âu và hợp tác song phương với các thành viên ASEM vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 khu vực này và trên thế giới.

Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 14 và ngày 15-05-2009. Chủ trì Hội nghị là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bành Tiến Long.

Trong 2 ngày, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về những vấn đề liên quan đến mở rộng không gian giáo dục đại học Á - Âu trên cơ sở những tiềm năng, đối thoại cơ chế hợp tác và những bài học kinh nghiệm hợp tác giáo dục giữa các quốc gia tham gia ASEMME 2 như công nhận Tín chỉ và Chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng và khung trình độ cũng như đổi mới chương trình đào tạo.

Được biết, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ nhất được tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Đức.

Hồng Hạnh

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu : Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ 2 kết thúc với nhiều thoả thuận hợp tác giữa các nước thành viên. Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa.

Trong 2 ngày 14 và 15-05-2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì các cuộc họp song phương với một số quốc gia như : Trung Quốc, Phần Lan, Thái Lan, Đan Mạch, Singapore, CHLB Đức và Latvia. Tại các buổi làm việc trên, các quốc gia thành viên ASEM khẳng định mối quan tâm và mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực liên quan đến Giáo dục và đào tạo .

Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như các dự án hợp tác giáo dục giữa hai khu vực Á – Âu và giữa các nước thành viên, bàn bạc những công việc sẽ tiến hành trong 2 năm tới, những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học, đào tạo nghề, kinh doanh, giúp tăng cường giáo dục cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia thành viên.

Hội nghị đã đồng ý với các giải pháp để tăng cường hợp tác về giáo dục đại học để bảo đảm chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM, phát triển bền vững nguồn nhân lực cho tương lai của ASEM thông qua các chương trình học tập suốt đời … trước mắt, trong năm nay, sẽ có một hội nghị Đảm bảo chất lượng giáo dục diễn ra tại Nha Trang ( Việt Nam ).

Kết thúc Hội nghị, Việt Nam đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa với một số quốc gia thành viên ASEM trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo như : Tuyên bố chung giữa Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2 và Dự án Trường Đại học Việt Đức, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; thoả thuận hợp tác với Cam-pu-chia về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ với CHDCND Lào về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và đào tạo , Bộ Y tế và Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc : Thúc đẩy và hỗ trợ việc đào tạo nhân lực cho ngành dược học của Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành công của ASEMME 2 lần này cũng chính là thành công của mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa các nước trong ASEM. Những thỏa thuận, ký kết, ghi nhớ của các trưởng đoàn lần này sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển Giáo dục và đào tạo của những thành viên ASEM. ASEMME 2 bế mạc cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội to lớn đối với những nước đang phát triển, đặc biệt là với một số quốc gia châu Á.

150 khách quốc tế, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục đến từ 39 quốc gia Á – Âu và 6 tổ chức quốc tế đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam khi đăng cai thành công ASEMME 2, khẳng định những nỗ lực hòa nhập và rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Việt Nam với các quốc gia phát triển trong khu vực Á - Âu.

Đan Mạch sẽ là quốc gia đăng cai ASEMME 3 vào năm 2011.

Thương Huyền

(Nguồn: http://niemtin.free.fr/giaoducaau.htm)

Người theo dõi