Lưu trữ Blog

17 tháng 12, 2009

Một chiều thu với nhà thơ Hữu Thỉnh



HOCMOINGAY. Nhà văn Phùng Văn Khai ghi từ Cuộc phỏng vấn của nhóm nhà văn Tạp chí VNQĐ với nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, tác giả của tuyệt phẩm Sang thu và nhiều bài thơ nổi tiếng khác. Hà Nội vào thu tuyệt đẹp, tiết trời se lạnh, lá vàng phơi nắng trên các con đường. Sau nhiều lần hò hẹn, nhóm nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã có buổi trò chuyện lý thú với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh trước các vấn đề văn học luôn là một sự hấp dẫn với người quan tâm đến văn chương. Không những thế, người ta luôn coi ông như một biểu đồ nhiệt kế đa năng của đời sống văn học, thậm chí không ít cái ngoài văn học người ta cũng nhìn vào ông.

Một phía nào đó, có thể hiểu Hữu Thỉnh là một nàng dâu hiền thục nhưng quá đa đoan luôn phải vượt hàng trăm bến sông thuyền nan thuyền thúng ghe xuồng Trung, Nam, Bắc làm dâu đất khách mấy trăm mẹ chồng ngấm nguýt trọ trẹ hò dô hò khoan ngựa ô chim sáo lý lơi ghẹo đúm sặc sỡ sắc màu cơ hồ yếu bóng vía sẽ không trụ nổi. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong những lúc ấy luôn có đối sách uyển chuyển linh hoạt. Hữu Thỉnh là người dễ thăng hoa, có khi chỉ trong câu chuyện với một hai người bên chén trà, và không phải không có lúc chính người trò chuyện cùng ông đó đã viết khác một cách không tích cực từ những thăng hoa đáng yêu của một trong những con chim thơ đầu đàn thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, một người luôn chỉn chu ở những lúc cần chỉn chu đã lên tiếng trước với âm vực Quảng Bình da diết:

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh! Vẫn biết anh nhiều việc, nhưng hôm nay, các nhà, thơ nhà văn Tạp chí VNQĐ muốn vị Chủ tịch Hội Nhà văn có cuộc chuyện trò thẳng thắn và thực sự sát sườn về đời sống văn học trong nước, những vấn đề về sáng tác, về đội ngũ các thế hệ nhà văn, về văn học sau năm 1975, về hoạt động của Ban chấp hành và các Hội đồng, các Ban chức năng trong Hội Nhà văn, về Đại hội Nhà văn sắp tới, về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài... Xin anh tâm sự thật thoải mái.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (cười rất tươi): Chà chà, hôm nay Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai chất vấn toàn diện công việc của Hội đây. Rất thú vị. Mình sẵn sàng nghe anh em. Mời các nhà văn, nhà thơ lính tự nhiên.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xin được hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh câu đầu tiên. Thành tựu của các nhà văn giai đoạn trước năm 1975 có thể khẳng định đã được ghi nhận rõ nét với một đội ngũ các tác giả và tác phẩm khá hùng hậu. Vậy với thế hệ các nhà văn sau năm 1975 thì sao? Có thể nói gì về những thành tựu nổi bật, vấn đề đội ngũ, tiềm năng sáng tạo và những khuynh hướng sáng tác của họ? Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông thấy vấn đề này như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Một câu hỏi rộng. Trước tiên phải nói rằng văn học là một dòng chảy liên tục với sự tiếp nối nhiều thế hệ. Thế hệ trước đắp nền cho thế hệ sau. Thế hệ sau bổ sung và làm giàu cho thế hệ trước. Ví dụ đội ngũ các nhà thơ nhà văn chống Pháp thì người ta nhớ ngay đến Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Chính Hữu, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng ... thế hệ chống Mỹ người ta nhớ ngay đến Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nam Hà, Thu Bồn, Xuân Thiều, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Xuân Sách, Thanh Thảo, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ...

Nhà văn Phùng Văn Khai: Và phải nói luôn là không thể không nhắc đến Hữu Thỉnh nữa. Lâu nay mọi người vẫn đồn Hữu Thỉnh có trí nhớ tốt, cái gì cũng nhớ, khiến anh em kính nể lắm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (cười): Có cả quên nữa, nên cũng bị trách. Kể cũng khó tránh, nhưng cũng phải rút kinh nghiệm lắm đấy. Ta quay trở lại vấn đề đội ngũ và thành tựu của văn học sau năm 1975. Tôi cứ chia ra thế này. Đầu tiên phải là lớp 1975-1986, ta vẫn quen gọi là thời kỳ hậu chiến nghĩa là trước đổi mới. Lớp này ảnh hưởng của văn học trước 1975 còn rất mạnh, nhưng đã bắt đầu khác đi, cũng đã bắt đầu phải giáp mặt với đời sống hậu chiến, được bao cấp nhưng đang cần phải đổi mới. Mà cái đời sống ngày ấy nó khốc liệt không kém gì chiến tranh đâu. Nó thử thách đạo đức và nhân cách con người. Tiêu biểu giai đoạn này phải kể đến Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Trương Nam Hương, Đỗ Minh Tuấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Trọng Tín, Trần Thùy Mai, Đỗ Trung Lai, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Nguyễn Thanh Mừng, Đỗ Minh Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Trần Quang Đạo, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều... Giờ đây họ đang ở giai đoạn sung sức nhất. Tôi cảm thấy rằng giai đoạn này, thơ nhiều khởi sắc. Đấy, nếu nói thơ luôn nhạy cảm và tiếp cận nhanh với đời sống thì phải là giai đoạn này. Nhiều tác giả, tác phẩm được chú ý sau một thời gian xuất hiện. Đến bây giờ đọc lại vẫn thích. Văn xuôi của Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập rất có ấn tượng.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Anh nói rất đúng, đây cũng là giai đoạn lứa bọn tôi trưởng thành sau năm 1975, cũng có những ấu trĩ, những sức ỳ và sự mô phỏng đơn điệu nhưng rõ ràng văn học thời điểm đó đã bắt đầu rục rịch...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chuyển động chứ không phải rục rịch. Mà chuyển động rất rõ rệt nhưng vẫn có những cái khó riêng, cái khó mà ngay sau đó, nghĩa là giai đoạn 1986 đến nay, những gì mà lứa tác giả trước đó mới đặt ra nay đã được làm phong phú hóa, đa dạng hóa. Ít né tránh hơn. Những vùng trước kia có người e ngại thì nay lại là những mảnh đất tươi tốt để các nhà văn khai thác và đã khai thác đạt hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Có hẳn một thế hệ mới xuất hiện, nhiều màu sắc, nhiều giọng điệu và lúc này đây xin nói luôn là truyện ngắn xuất sắc hơn thơ. Đã hình thành và định danh ngay một đội ngũ những người viết truyện ngắn khá xuất sắc. Xin nói luôn là truyện ngắn của chúng ta không hề thua kém bất cứ khu vực nào ở châu lục đâu. Phải khẳng định với nhau thế. Đó là những Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Trầm Hương, Sương Nguyệt Minh, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Phạm Duy Nghĩa, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Diệp Mai... và đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nguyễn Ngọc Tư trội lên một cách khá bất ngờ, anh chị em viết đồng thời với Ngọc Tư về cơ bản đều rất công nhận. Một dạo, người viết trẻ đã dõi theo, lo lắng, cho số phận của “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Chuyện này có lẽ nhà thơ Hữu Thỉnh rõ hơn ai hết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nguyễn Ngọc Tư là sản phẩm của đổi mới. Chị gắn với đổi mới và lấy cảm hứng từ đổi mới. Đương nhiên ý kiến khác nhau là bình thường. Đáng mừng là người ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư ngày càng nhiều hơn. Đó chính là hiệu quả khi những năng lực sáng tạo được giải phóng. Vai trò cá nhân, thân phận con người, vấn đề ngày thường, hạnh phúc gia đình, việc lập thân, lập nghiệp được đề cập đến một cách mạnh mẽ trong văn học. Không riêng Ngọc Tư đâu, vấn đề đó ngay từ sau năm 1975 đã được các nhà văn đặt ra rồi, nhưng phải đến lúc này, người viết mới gặp thời. Chữ thời của nhà văn cũng quan trọng lắm. Những đóng góp của đội ngũ nhà văn, trong đó có đội ngũ các cây bút trưởng thành sau năm 1975 là đã biết đưa vào văn học những bức xúc về đạo đức xã hội, những thách thức của đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa đang ập đến với cái nhìn đa diện, hiện thực và sống động hơn.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Là nhà văn trẻ - mà cũng chẳng trẻ trung gì nữa đâu - (cười) theo tôi mỗi cá tính sáng tạo nên toàn tâm toàn ý trong sáng tạo, không né tránh, không co mình lại, phải dấn thân và chuyên nghiệp. Nhưng sáng tác là vô cùng. Và họ, những người trẻ tuổi, đội ngũ xuất hiện sau năm 1986 vẫn mong có sự đánh giá sát thực nhất, cởi mở nhất, cụ thể nhất từ phía lớp người đi trước. Xin nhà thơ nói rõ hơn về vấn đề này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó là việc giải phóng cá tính sáng tạo đem đến những dấu ấn cá nhân ngày càng sâu đậm Hội, ủng hộ họ suy nghĩ, đi tìm những hình thức mới. Đây là niềm hy vọng của văn học ta. Đội ngũ xuất hiện sau năm 1986 hôm nay đang sung sức và sẽ là những khẩu trọng pháo của văn học tương lai. Ngôn ngữ của họ mới lắm, mà ngôn ngữ, giọng điệu của mỗi thời không thể thay thế được. Ai dại gì đi làm thay. Đội ngũ này luôn tươi mới, sống động, đặt ra nhiều vấn đề. Về học vấn, họ được đào tạo cơ bản, cái này rất quan trọng đấy. Họ biết ngoại ngữ, có thuận lợi từ việc cập nhật thông tin toàn cầu, các hỗ trợ về kỹ thuật, internet. Và nhất là đã đến lúc họ được hưởng một biên độ sáng tạo rộng hơn, cái trần sáng tác cao hơn trước, thoáng hơn trước. Tôi cho rằng văn học Việt Nam đang dồn tích khả năng cho những bước đột phá. Họ là niềm hy vọng. Họ làm vẻ vang cho đổi mới. Nhưng họ cần gắn với những vấn đề hệ trọng của đất nước, của xã hội máu thịt hơn nữa. Bạn đọc chờ là chờ như thế. Chờ những tầm cao của tài năng, tư tưởng tâm huyết.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhà thơ Hữu Thỉnh luôn nói đúng (cười). Thành tựu bước đầu của những nhà văn xuất hiện sau năm 1986 được chăm chút kịp thời, khích lệ và tôn trọng các cá tính sáng tạo từ phía Hội, cơ quan quản lý và xã hội nói chung. Nhưng đội ngũ này, họ cũng có những điểm yếu chứ, rất mong các bậc đàn anh, những người đi trước có ý kiến.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nói thẳng ra là phải có tài. Nhiều người thì kết thành một đội ngũ có tài thực sự. Không hiểu sao xưa nay nhắc đến hai chữ tài năng một số người cứ sợ sẽ kích thích tính tự kiêu. Là nhà văn không có tài còn làm gì được nữa. Không có tài thì sẽ không có cái gì đâu, rồi sẽ trôi đi hết. Thế mới nói các bạn hôm nay sinh đắc phùng thời. Nếu có chân tài thực học sẽ tha hồ sáng tạo. Chữ thời quan trọng lắm. Đội ngũ những người trẻ tuổi hôm nay nếu có thành tựu đích thực là sản phẩm của thời đổi mới, cần ủng hộ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho họ phát triển hết cái tài của mình. Đó là trách nhiệm của Hội, của toàn xã hội.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhưng anh em đang muốn Chủ tịch Hội đề cập đến những khiếm khuyết của đội ngũ này. Những điểm yếu của họ? Những chủ quan và hạn chế của anh em trẻ...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tầm khái quát xã hội chưa cao. Tác phẩm cuối cùng là nói cái gì? Đưa ra một thông điệp gì? Không dễ đâu. Tôi nghĩ không có đề tài lớn, đề tài bé mà chỉ có tư tưởng lớn hay nhỏ của tác phẩm mà thôi. Điều này các bạn cần phấn đấu. Thơ gần đây chẳng hạn, sao mà, rậm quá, cứ kể, kể, rồi lại kể. Chất khái quát chưa cao. Mới là viết như nhìn thấy chứ chưa phải là viết như cảm thấy. Câu thơ đặc quá, ảnh hưởng đến độ vang xa của nó.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xin phép Chủ tịch Hội ta chuyển sang các vấn đề về Công tác hội viên, kết nạp hội viên chẳng hạn. Đến mùa kết nạp hội viên, dư luận cứ nóng ran lên, đặc biệt trên các trang báo mạng, blog cá nhân ai cũng có ý kiến, nhiều ý kiến rất đúng nhưng vấn đề không nhất quán với nhau. Việc kết nạp hội viên năm nay Ban Chấp hành thống nhất thế nào? Có ý kiến nói thẳng trong Ban Chấp hành cũng có gu già, gu trẻ, nghĩa là có sự khác nhau. Vậy vấn đề này thế nào ạ?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kết nạp hội viên là một khâu, một mắt xích quan trọng trong hệ thống công việc bồi dưỡng đội ngũ của Hội Nhà văn. Phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Hội. Về kết nạp hội viên mới, từ trước đến nay, về cơ bản là đúng. Tại sao đúng? Có trường hợp tác giả trẻ khi kết nạp có ý kiến bảo hơi non, nhưng thời gian qua, xem vào những sáng tác của tác giả trẻ ấy thì hoàn toàn yên tâm, thậm chí rất mừng. Đó cũng là quy luật thường thấy trong văn học. Những người được kết nạp có bề dày sáng tác cộng lại cũng nhiều chứ. Và họ cũng phát triển, sáng tác có nhúc nhắc, và giả sử có hạt chắc hạt lép cũng là chuyện bình thường. Còn việc Ban Chấp hành có sự khác nhau không? Có. Có khác nhau mới bổ sung được cho nhau. Phải có nhiều xu hướng khác nhau mới dân chủ chứ. Vấn đề là phải lắng nghe những ý kiến khác nhau, những gì hợp lý hợp lẽ, hợp sự tiến bộ thì những ý kiến còn lại phải điều chỉnh tiếp thu. Làm công tác cán bộ cũng vậy, ai mà không có khuyết điểm, vấn đề là khi làm rõ các vấn đề vướng mắc thì sẽ thống nhất được. Ban Chấp hành 6 người chúng tôi hiện nay đang hoạt động tốt theo chiều hướng ấy, nghĩa là tôn trọng mọi ý kiến, kể cả ý kiến khác mình, tranh luận đến cùng, và điều chỉnh các vấn đề để đi đến thống nhất. Như việc hoàn thiện các quy chế của Hội Nhà văn chẳng hạn, bao nhiêu năm nay mới đặt vấn đề phải hoàn thiện, kiện toàn văn bản cho nó chính quy, ai cũng tưởng rất phức tạp, nhưng rồi đã thống nhất và làm được khá quy củ. Hoặc việc làm hai cuốn sử của Hội Nhà văn từ năm 1957 đến nay, sưu tầm hiện vật bảo tàng Hội Nhà văn, công việc của Hãng phim Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, các Trung tâm, Hội đồng, Ban trực thuộc... đều được Ban Chấp hành thảo luận, tranh luận sôi nổi để đi đến thống nhất. Đấy, mọi việc nó rõ cả ra thế. Còn những ý kiến thiếu thông tin, kể cả những tin đồn thì cứ để thực tiễn cuộc sống trả lời.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Rất nhiều việc, rất nhiều phức tạp và nhạy cảm, Hội ta có ông chủ tịch con bận con mọn, đám ma đám cưới ngang dọc tít mù như thế kể cũng là một sự thú vị. Nhưng ở đây cũng phải hỏi thêm anh một số vấn đề, như vấn đề giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm chẳng hạn. Ban Chấp hành có khuynh hướng này, khuynh hướng kia không, tại sao có lúc trao giải thưởng mà không nhận được sự đồng thuận của dư luận, có người không nhận giải thưởng, có tập xứng đáng không đoạt giải, rồi trao cho tác phẩm từ hải ngoại hai năm liền, vồ vập với những gì xa lạ, chưa phản ánh đúng, chưa thật tiêu biểu... Liệu có cần thay đổi quy chế không khi trong Hội đồng chấm giải chuyên ngành thơ hoặc văn hoặc lý luận phê bình nhưng lại có người ở những chuyên ngành khác, không thuộc chuyên môn mình chấm...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xét giải thưởng là hoạt động nghề nghiệp lớn nhất và quan trọng nhất. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giải thưởng? Việc này Ban Chấp hành luôn luôn tính đến. Nhưng trước hết phải căn cứ vào quy chế. Mà quy chế nếu có những bất cập thì phải thay đổi. Có những vấn đề vướng về giải thưởng chúng tôi cho hội thảo, cân nhắc. Như việc trao giải thưởng cho cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, mạnh dạn chứ, lắng nghe chứ, điều chỉnh chứ. Như việc trao giải cho cuốn Tiếng khóc của nàng Út của nhà văn Nguyễn Chí Trung chẳng hạn, nhiều ý kiến chứ. Cuốn của anh Nguyễn Chí Trung chân thực, dữ dằn, khốc liệt về giai đoạn lịch sử 1959 khi Mỹ - Diệm lê máy chém đi tàn sát những người cộng sản, tàn sát đồng bào ta. Còn ít tác phẩm viết về thời kỳ đen tối đó một cách gan ruột và đau đớn, đưa ra một bài học cay đắng như của anh Trung. Tôi là người lính nên tôi hiểu vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm này. Nhìn chung các giải thưởng đều do các Hội đồng chuyên môn lựa chọn từ vòng sơ khảo với những nhà văn nhà thơ có uy tín theo từng bộ môn. Hội đồng chung khảo làm việc cơ bản từ cái nền đã được lựa chọn ấy. Giải nào mà chả có định hướng nhưng cũng có một sự thật là, giải thưởng hàng năm chỉ là mùa gặt của một năm. Thực tế không phải năm nào cũng có tác phẩm thật hay để mà xét. Vấn đề là Ban giám khảo từ sơ khảo đến chung khảo phải thực sự công khai, công tâm, có con mắt xanh để không để sót tác phẩm có giá trị.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú
: Xin hỏi nhà văn Hữu Thỉnh về Đại hội Nhà văn năm 2010. Liệu chúng ta có Đại hội toàn thể không? Các bước chuẩn bị? Dư luận rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là vấn đề nhân sự, việc thông qua các quy chế mới, và đặc biệt hơn cả là phương hướng phát triển của đội ngũ các thế hệ nhà văn...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo đều đã có chỉ thị, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản tổ chức Đại hội. Ban Chấp hành cũng đang khẩn trương chuẩn bị, tổ chức các hoạt động tiến tới Đại hội. Việc tổ chức Đại hội toàn thể là nguyện vọng chung của Hội viên. Ban Chấp hành ủng hộ nguyện vọng này và sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo. Vấn đề nhân sự là một trong những vấn đề quan trọng của Đại hội. Vấn đề lớn là việc đoàn kết đội ngũ, để Hội Nhà văn Việt Nam thực sự là mái nhà chung của những người lao động văn học cả nước, cả anh chị em nhà văn đang học tập công tác và sáng tác ở nước ngoài nữa. Ban Chấp hành mới dù là ai cũng phải thực sự đoàn kết, châu tuần được anh em, cộng hưởng để bổ sung cho nhau, thực hiện tốt việc kế tục các thế hệ, không được để hụt hẫng thế hệ, phải có một đội hình đủ mạnh, khả năng quản lý phải đặt lên hàng đầu và cần nhất là phải trẻ hóa...

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Thế theo Chủ tịch Hội chúng ta sẽ trẻ hóa như thế nào đây? Chúng ta hay nói đến điều này và đã thực hiện tốt nó. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, như là một sự tiến bộ, nhưng nhiều khi nó cũng chung chung mơ hồ lắm. Chưa kể là mọi việc có khi diễn biến khác với dự kiến. Phải làm sao để mọi việc thật rõ ràng, ấm áp, có sự đồng thuận của nhiều người...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ban Chấp hành khóa VII đương nhiệm đã được trẻ hóa một bước quan trọng đấy chứ. Có 6 thành viên thì 3 là lớp chống Mỹ, 3 là lớp sau chiến tranh. Còn Ban Chấp hành khóa tới thì có cơ cấu ba thế hệ theo hướng dẫn chung của Ban chỉ đạo. Tư tưởng chỉ đạo là vừa kế thừa vừa đổi mới. Phải dựa trên tiêu chuẩn là chính. Năng lực văn chương chẳng hạn, năng lực quản lý chẳng hạn. Anh có năng lực văn chương lại không thích làm quản lý. Anh có năng lực quản lý lại chưa thật tiêu biểu về văn chương, anh đạt được cả hai lại không muốn làm. Có câu rất vui rằng: Tiến vi Bộ, thoái vi Ban, gian nan vi Hội. Khó khăn là khó khăn ở chỗ đó.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Trời cũng sắp tối rồi, xin hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh một câu về việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội ta đã có chiến lược như thế nào và sẽ làm gì trong thời gian tới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đang là một vấn đề hàng đầu của Hội Nhà văn Việt Nam. Vấn đề này phải thú thực là thời gian qua, khá dài đấy, chúng ta làm chưa được tốt. Vấn đề không phải bây giờ đi tìm nguyên nhân hoặc đổ lỗi cho nhau mà phải có hẳn một lộ trình Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài sao cho thật hiệu quả, xứng đáng với những gì nền văn học của chúng ta có được. Xưa nay văn học Việt Nam ra nước ngoài phần nhiều là theo lối tiểu ngạch. Hội đang có chủ trương đẩy mạnh việc này, kiến nghị với Đảng, Nhà nước thành một chủ trương lớn với những biện pháp khả thi. Ngay đầu năm 2010 sẽ có một Hội nghị lớn giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài theo cách mời các nhà xuất bản nước ngoài, mời những dịch giả quan tâm và đã từng dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài mời các sinh viên nước ngoài học tiếng Việt ở Việt Nam, mời những người quan tâm đến việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài... nghĩa là thực hiện việc xã hội hóa một cách có tổ chức, mạnh mẽ nhưng khách quan và khoa học. Hội nghị trên do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Dịch các tác phẩm ra nước ngoài là một điều rất khó, nó không phải chỉ là chuyển thể ngôn ngữ mà nó phải là vượt qua hàng rào ngôn ngữ để chuyển tải một nền văn hóa đến với các nền văn hóa khác nhau, chuyển tâm hồn dân tộc đến tâm hồn dân tộc khác. Trước tiên chúng tôi sẽ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất về văn học cổ, văn học hiện đại, một số tác giả tiêu biểu được giải thưởng Hồ Chí Minh để các đối tác nước ngoài lựa chọn. Mình sẽ tư vấn cho họ, với tư cách và tâm thế của tập thể, vì văn học, văn hóa Việt Nam. Phải làm sao đó để các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho văn học Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam đến với độc giả trên thế giới. Đó cũng là tâm tư nguyện vọng chung của các nhà văn, của cá nhân tôi.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Xin thay mặt các nhà văn, nhà thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đặc biệt là bạn đọc trong và ngoài quân đội cảm ơn anh về cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở và cũng rất nhiều thông tin bổ ích. Những vấn đề khác nhau liên quan đến văn học và đội ngũ các thế hệ nhà văn. Từ tâm tư của người Chủ tịch Hội, bạn đọc càng thấy rõ hơn những việc đã làm được, những việc đang làm và cả một chuỗi công việc lâu dài cũng như từng việc cụ thể cho việc phát triển văn học, những đóng góp của văn học trong xây dựng, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hoạt động của Ban Chấp hành, các cơ quan Hội tiến tới Đại hội Nhà văn năm 2010, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, xét giải, chấm giải và trao các giải thưởng văn học đã được khẳng định trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Cả những khó khăn cũng được chia sẻ thẳng thắn. Từ đó sẽ góp thêm một ý kiến để mọi người có sự hình dung đúng đắn và gần gũi hơn về Hội Nhà văn Việt Nam. Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh và chúc Đại hội Nhà văn năm 2010 thành công tốt đẹp.

Theo PHONG ĐIỆP.NET
(Nguồn từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

NHÀ THƠ HỮU THỈNH TỰ BẠCH VỚI "SANG THU"

(TT&VH) - “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”. Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc không chú ý”- nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của bài thơ “Sang thu” trong SGK lớp 9 tâm sự. Nếu như họ lưu ý đến chữ “Thu 1977” thì sẽ hiểu được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh và sự bình yên quý giá biết chừng nào...

Sang thu

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

(Thu, 1977)

Nhà thơ trầm ngâm kể về thời khắc ông đặt bút viết bài thơ. Năm 1977, ông tham gia trại viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội (nay là Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội). Đất nước ta lúc này vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống thanh bình đã trở lại. Trong cái mơ hồ phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu.. Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh.

Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán...”.

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”.

Nhà thơ đã đến với mùa Thu bằng cách ấy, bằng “hương ổi trong gió se” chứ không phải là bằng hình ảnh quen thuộc như vòm trời cao xanh, heo may phảng phất, hương cốm... Giải thích cho sự “khác thường” này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa Thu biểu hiện rất nhiều hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông... Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”.

Gửi gắm nhiều điều sâu lắng...
“Bài thơ không chỉ báo cho người đọc biết thu đã trở trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngay trong cuộc sống của con người, trong tâm hồn tôi và chắc với rất nhiều người yêu thu... “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Hai câu thơ này không hẳn nói về hiện tượng giao mùa như một số người hiểu và phân tích. Khi tôi viết bài thơ này tôi đã liên tưởng đến những đám mây mùa Hạ. Đó là những đám mây tràn trọn vẹn vào mùa Thu. Thế nhưng có gì ngăn cảm xúc của tôi lại theo chiều hướng đấy... Mây mùa Hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.

Đó giống như là một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình, nhất là những ước vọng đó lại được sinh ra ở thời tuổi trẻ. Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận trong cuộc sống của mình. Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở tuổi còn rất trẻ ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ấy chỉ “vắt nửa mình sang Thu” thôi. Nửa còn lại đã trở thành ký ức”. Hai câu cuối cùng: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi . Chủ thể bài thơ và cái kiêu hùng của mùa Thu đã toát lên chính là ở hai câu thơ này. Đó là cốt cách của một người lính không chỉ là trong một buổi chiều mùa Thu mà là một buổi chiều hòa bình. Có thể nó có vẻ ngang tàng “sấm cũng bớt bất ngờ” nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của mùa thu hòa bình. Ở đây hàng cây đứng tuổi chính là chủ thể trữ tình trong bài thơ đã trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, giờ đã vươn lên và không gì làm chúng run rẩy.

Nhiều người bỏ qua “chìa khóa” của bài thơ

Có một chi tiết mà các cô giáo và thầy giáo khi giảng về bài thơ Sang thu làm người sáng tác ra nó không hài lòng. Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự: “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”. Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc không chú ý. Nếu chú ý thì sẽ hiểu thêm được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh. Nếu như họ là lính trong thời chiến họ mới hiểu được rằng đôi lúc chúng tôi đã rất mong trên đầu không có tiếng máy bay dù chỉ để được đi tắm giặt, đi hái rau hoặc tranh thủ đọc vài trang sách, mà cũng không có. Suốt ngày người lính trong thời chiến phải đối diện với tiếng súng nổ, tiếng bom rơi và tiếng động cơ phản lực... Chính vì vậy mà có lúc nào đó không phải nghe những âm thanh ấy thì quả là quý giá vô cùng”.

Ông bày tỏ quan điểm: “Giảng văn thơ không nên chỉ phân tích trên văn bản, câu chữ mà hãy tìm hiểu sâu hơn cái tác giả muốn gửi gắm. Nó có thể nằm ngay trên tựa đề bài thơ, câu đề từ, lời ghi chú, ngày tháng hay một lời đề tặng.

Yên Khương
Nguồn: Thể thao và Văn hóa

29 tháng 11, 2009

Đọc lại và suy ngẫm


HOCMOINGAY. Tên tuổi Võ Nguyên Giáp gắn liền với trận Điện Biên Phủ, kết thúc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, một chiến thắng làm rung động địa cầu. Napoleon chết ở tuổi 52, còn Võ Nguyên Giáp vẫn sống tỉnh táo khỏe mạnh cho đến bây giờ ở tuổi 99. Tuy sống chết là số mạng nhưng người thông minh nhân hậu, có cuộc sống chừng mực, quân bình, thường sống rất lâu (đọc Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ của Hồng Cư và Đặng Bích Hà). Trong các danh nhân Việt Nam chỉ có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống lâu trên 90 tuổi. Những giờ rảnh rỗi trong bệnh viện, tôi mang tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đọc. Một bác sĩ người Mỹ đi qua trông thấy bìa sách, kêu lên “Ồ, Võ Nguyên Giáp”. Tôi hỏi: “Ông cũng biết Võ Nguyên Giáp à?”. Ông trả lời: “Tôi biết chứ: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một thực tế. Tư liệu về đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Tạp chí Hồn Việt (Ảnh: Phút rảnh rỗi của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Bùi Duy Tâm (California),
Nguyên Khoa trưởng Khoa Y - Đại học Huế trước năm 1975.
(Bài viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả.)
Tạp chí Hồn Việt

1) Bốn tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một pho lịch sử chiến tranh rất hấp dẫn và rất thuyết phục với nhiều tài liệu đối chiếu của hai bên. Mọi chiến dịch đều được chuẩn bị và nghiên cứu kỹ càng về địa dư, nhân văn, hậu cần, tâm lý, tinh thần của địch và ta. Đọc Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng say mê như đọc Tam quốc. Cũng như Khổng Minh, Võ Nguyên Giáp rất thận trọng việc bày binh bố trận, đồng thời chăm sóc đến cả việc ăn ở của binh sĩ.

2) Đọc Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài chiến tranh trận mạc, độc giả còn biết được tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuyệt đại đa số các vị chỉ huy quân sự Việt Nam xuất phát từ mọi tầng lớp xã hội, do lòng yêu nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, chưa hề tốt nghiệp tại một trường võ bị nào, vừa đánh vừa học. Chiến trường Việt Nam quả là một trường đại học quân sự (mà vị hiệu trưởng đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã đào tạo biết bao danh tướng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng khó khăn, khốc liệt sau này.

3) Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vẽ lại chân dung tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhìn xa trông rộng, suy đoán được việc tương lai, nắm được thời cơ thuận lợi, dụng nhân như dụng mộc, tài giỏi bản lãnh hơn Lưu Bị thời Tam Quốc. Bản đồ thế giới bị vẽ lại nhiều lần trong lịch sử nhân loại, nhiều quốc gia bị thêm bớt sau mỗi cuộc chiến. Nếu không có sự quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì rất có thể miền Nam Việt Nam đã thành “Nam Kỳ tự trị”, một đứa con hoang quái dị của Tây. Trên bàn hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt việc “Nam Bộ không thể tách rời Việt Nam” là điều kiện tiên quyết. “Gian khó thì gian khó, cố níu lấy Nam Bộ” (đọc lại thơ Hồ Xuân Hương: “Thua thì thua, cố níu lấy con”). Chủ tịch Hồ Chí Minh có công đầu trong việc giữ toàn vẹn lãnh thổ. Đổi tên Sài Gòn thành TP. Hồ Chí Minh là một việc rất chuẩn và rất xứng đáng. Khác với các lãnh tụ Cộng sản Liên Xô (Stalin) và Trung Quốc (Mao Trạch Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam luôn chủ trương “Độc lập dân tộc” là trên hết nên Người kịp thời ngưng việc Đấu tố Cải cách ruộng đất theo màu Trung Quốc. Nếu không, chưa chắc Việt Nam đã có chiến thắng Điện Biên Phủ.

4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm được ba quyết định rất khó khăn cho ông nhưng rất cơ bản cho cuộc kháng chiến:

- Trong Chiến dịch Biên Giới, đổi mục tiêu tấn công từ Cao Bằng chuyển qua Đông Khê sau khi trinh sát quân báo, hậu cần, kế hoạch đã sửa soạn xong cho mục tiêu Cao Bằng.

- Trong Chiến dịch Hòa Bình, quân đội Việt Nam vẫn nổ súng mặc dầu cố vấn Trung Quốc không đồng ý từ đầu đến cuối.

- Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ trước khi nổ súng theo kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục được Vi Quốc Thanh, ban cố vấn Trung Quốc và các binh tướng của ông để đổi sang kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc” và hoãn cuộc tấn công lại cả tháng trời. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất mười năm”.

Cả ba quyết định trên đã đem lại những chiến thắng quyết định cho cuộc kháng chiến và cho ta thấy:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng tư lệnh rất đắn đo, tùy thời biến dịch và rất quyết liệt khi cần. Vai trò của cố vấn Trung Quốc hoàn toàn giới hạn ở cương vị cố vấn. Khác hẳn với quân đội miền Nam, đã thất bại thảm khốc vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Mỹ.

5) Về mặt chiến công, người ta có thể so sánh Võ Nguyên Giáp của Việt Nam với Napoleon của nước Pháp. Cả hai được liệt vào hàng danh tướng của nhân loại. Nhưng Napoleon của nước Pháp xuất thân là một sĩ quan nhà nghề, Võ Nguyên Giáp của Việt Nam xuất thân là một giáo sư Sử học. Napoleon lãnh đạo một đoàn quân thiện chiến, võ trang đầy đủ, viễn chinh xâm lăng. Võ Nguyên Giáp dìu dắt một đoàn quân nhiệt tình yêu nước chưa thiện chiến với vũ khí thô sơ đứng lên chống ngoại xâm. Napoleon lập chiến tích với quyền uy của một vị Hoàng đế. Võ Nguyên Giáp thắng hai đế quốc bá chủ toàn cầu với cương vị rất khiêm nhường: “kính trên nhường dưới”. Cho đến khi thắng lợi hoàn toàn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ có những phương tiện luôn luôn ở thế yếu kém, chưa bao giờ có được quân binh lực lượng. Tên tuổi Napoleon gắn liền với trận Waterloo, một chiến bại kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của một vị Đại đế Châu Âu. Tên tuổi Võ Nguyên Giáp gắn liền với trận Điện Biên Phủ, kết thúc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, một chiến thắng làm rung động địa cầu. NapoleOn chết ở tuổi 52, còn Võ Nguyên Giáp vẫn sống tỉnh táo khỏe mạnh cho đến bây giờ ở tuổi 99. Tuy sống chết là số mạng nhưng người thông minh nhân hậu, có cuộc sống chừng mực, quân bình, thường sống rất lâu (đọc Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ của Hồng Cư và Đặng Bích Hà). Trong các danh nhân Việt Nam chỉ có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống lâu trên 90 tuổi. Những giờ rảnh rỗi trong bệnh viện, tôi mang tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đọc Một bác sĩ người Mỹ đi qua trông thấy bìa sách, kêu lên “Ồ, Võ Nguyên Giáp”. Tôi hỏi: “Ông cũng biết Võ Nguyên Giáp à?”. Ông trả lời: “Tôi biết chứ: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một thực tế.

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

TS. Vũ Quang Việt và Ông Võ Văn Kiệt


HOCMOINGAY. Tháng 3 năm 2008, trong một buổi làm việc thường lệ, ông trở nên trầm lặng. Thời điểm ấy, lạm phát tăng cao, một trong những nguyên nhân lạm phát là do nền kinh tế vận hành không hiệu quả. Khu vực làm ăn không hiệu quả nhất lại chính là khối kinh tế quốc doanh, khối kinh tế tồn tại với vai trò “định hướng”. Khó có một nghiên cứu nào phân tích vấn đề này sâu hơn công trình nói trên của nhóm TS Vũ Quang Việt, tôi không nhắc lại những con số, chỉ muốn nhắc lại lời ông Kiệt: “Chính vì sợ ‘chệch’ cái ‘hướng’ ấy mà chúng ta đã không tận dụng được thời cơ để bứt lên, cải thiện tình hình”.

Huy Đức
Nguồn: Blog Osin
(Bài viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả.)

Chiều ngày 23-11-2009, tôi xuống Vĩnh Long lang thang trong vườn nhà ông Võ Văn Kiệt ở ấp Bình Phụng. Ngay từ khi nghỉ hưu, 2001, ông Võ Văn Kiệt đã muốn xây một ngôi nhà nhỏ trên cái nền nhà cũ ấy để có chỗ thắp nén nhang cho những người đã sinh ra 8 anh em ông. Nhưng, mãi tới cuối năm 2007, ông mới cho đặt lên ở đấy một “mái che” mấy năm sau khi đình làng được sửa. Không phải là vấn đề tiền bạc, cái ấp mà từ đó, năm 1940 ông đi làm Cách mạng, nay về lại và nhận ra là nó vẫn quá nghèo. Gia đình các anh, các chị, các cháu của ông vẫn sống ở đó trong những căn nhà đơn sơ như lối xóm. Tôi đứng khá lâu trước một phiến đá nhỏ khắc chữ của ông: “Nơi đây, mẹ đã sinh ra chúng con”. Bên cạnh đó là một tấm bia nhỏ ghi tên tuổi những người thân và tên ông, viết như những người anh em nông dân khác.

Khi trở lại Sài Gòn, ngồi trước máy, đọc được công trình nghiên cứu của nhóm chuyên gia người Việt do TS Vũ Quang Việt chủ biên: Khủng Hoảng Kinh Tế Việt Nam 2008, Sự Sai Lầm Về Chính Sách và Vai Trò Của Tập Đoàn Kinh tế Quốc Doanh. Công trình được công bố trên Southeast Asian Affairs 2009; bản gốc tiếng Việt đăng trên tapchithoidai.org. Sau khi phân tích những nguyên nhân đem tới khủng hoảng kinh tế Việt Nam 2008, trong đó có những đầu tư thiếu hiệu quả cho các tập đoàn kinh tế nhà nước do chính Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp, TS Vũ Quang Việt viết: “Những người chỉ trích Thủ tướng cũng không nghĩ ra cách quản lý tốt hơn các tập đoàn quốc doanh khi mà việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đã được coi là quốc sách”. Câu kết luận của TS Vũ Quang Việt khiến tôi nhớ lại những trăn trở cuối đời của ông Võ Văn Kiệt: duy trì lực lượng quốc doanh như hiện nay không chỉ dẫn tới khủng hoảng nhất thời mà còn là tác nhân sâu xa của cái nghèo không chỉ ở quê ông, Bình Phụng.

Tháng 3 năm 2008, trong một buổi làm việc thường lệ, ông trở nên trầm lặng. Thời điểm ấy, lạm phát tăng cao, một trong những nguyên nhân lạm phát là do nền kinh tế vận hành không hiệu quả. Khu vực làm ăn không hiệu quả nhất lại chính là khối kinh tế quốc doanh, khối kinh tế tồn tại với vai trò “định hướng”. Khó có một nghiên cứu nào phân tích vấn đề này sâu hơn công trình nói trên của nhóm TS Vũ Quang Việt, tôi không nhắc lại những con số, chỉ muốn nhắc lại lời ông Kiệt: “Chính vì sợ ‘chệch’ cái ‘hướng’ ấy mà chúng ta đã không tận dụng được thời cơ để bứt lên, cải thiện tình hình”.

Tháng 9-1995, ông Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nếu chúng ta cho rằng kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí của định hướng xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu phấn đấu của dân tộc ta, thì hoàn toàn không đúng”. Khi đó ông đề nghị, để tránh nguy cơ tụt hậu, Việt Nam phải xây dựng một nền kinh tế tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng, như ông Lê Văn Triết, Bộ trưởng Thương mại của ông thời đó cho biết, những dự định ấy bị coi là “chệch hướng” và ngay trong lĩnh vực thương mại, khuynh hướng “tự do kinh doanh” mà Chính phủ chủ trương đã phải xếp lại để “xây dựng quốc doanh, kiên quyết không cho tư thương đẩy lùi trận địa”.

Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt nhìn lại: “Thay vì từ sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô mà rút ra bài học, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn nhằm khắc phục những khuyết tật của mô hình quan liêu bao cấp dẫn đến sự suy kiệt của nền kinh tế, thì… với cái vỏ bọc của lập trường quan điểm, khuynh hướng “tả” đã kìm hãm tiến trình đổi mới mà Đại hội VI đã khởi động”. Ông nói, thật xót xa khi những người lo cho dân và bị coi là “hữu” như Kim Ngọc thì phải chịu kỷ luật còn những người người “tả”, đánh mất cơ hội phát triển của dân tộc thì chưa bao giờ phải kiểm điểm gì. Nhưng, điều đáng lo hơn, “định hướng” nếu như đã từng là “vỏ bọc của lập trường” đang tự diễn biến để trở thành “vỏ bọc của đặc quyền, đặc lợi”.

TS Nguyễn An Nguyên ( năm 2005 là nghiên cứu sinh ở đại học Rice) có lẽ là người đầu tiên khuyến cáo trên báo chí Việt Nam về sự chi phối chính sách của các nhóm lợi ích (interest groups). Tuy nhiên, nếu như các nhóm lợi ích được hình thành trong một xã hội dân sự minh bạch thì tác động của nó sẽ là bình thường; nếu các nhóm lợi ích ấy hoạt động âm thầm trong điều kiện có những chính sách có thể ký tá tại nhà thì không còn là “lợi ích” nữa mà là các nhóm đặc quyền đặc lợi (từ privileged groups đến syndication of privileged groups). Lợi ích quốc gia sẽ càng dễ dàng bị đe dọa khi những nhóm như vậy được phụ trách bởi một vài người. Trước những nhóm nhiều đặc lợi và có không ít đặc quyền, quyền quản lý họ rất dễ trở thành “rơm” và thậm chí có thể trở thành “con tin” của họ.

Công trình nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt đã thu thập đầy đủ bằng chứng để chỉ ra thủ phạm của tình trạng lạm phát, của sự phát triển mất cân đối và không hiệu quả. Và, ông cũng đã có lý khi nhận xét, không ai có thể nghĩ ra cách quản lý tốt tập đoàn quốc doanh “khi mà việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đã được coi là quốc sách”. Ngay từ tháng 3-2008, ông Võ Văn Kiệt đã muốn nói ra một cách thẳng thắn thang thuốc đặc trị tình trạng này, một thang thuốc bắt đầu từ “Cương lĩnh”. Trước khi đi Hà Nội sau vụ “hai nhà báo bị bắt” ông đã trao đổi khá lâu và, ngày 21-5-2008, khi trở lại Sài Gòn, ông gọi điện thoại ngay cho tôi. Khi đó, tôi đang ở An Giang nên cuộc gặp được dời lại vào chiều 23-5-2008. Hôm ấy, ông đang bị cảm, đôi khi có vẻ như khó thở, nhưng câu chuyện vẫn kéo tới gần hết buổi chiều. Đó là buổi làm việc cuối cùng. Sáng 24-5-2008 ông vào viện rồi không bao giờ về nữa.

Có lẽ do trước khi rời Hà Nội, ông có tham gia đoàn các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng lăng Hồ Chủ Tịch nên trong câu chuyện chiều ngày 23-5, ông nói: “Ai nghĩ, việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đổi tên Đảng Cộng Sản thành Đảng Lao Động Việt Nam chỉ là sách lược thì không thực sự là ‘học trò’ của Hồ Chí Minh”. Năm 1951, ông Võ Văn Kiệt là đại biểu từ Nam Bộ được cử ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II. Và, đúng như ông Việt Phương viết: “Hàng chục năm cuối đời, anh Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt) có những câu hỏi dằn vặt: Đại hội IV của Đảng năm 1976 quyết định đổi tên Đảng và đổi tên nước, là do những nguyên nhân nào”. Ông Kiệt nhìn nhận: “Cũng không thể đổ hết lỗi cho những người đứng đầu, bản thân những đại biểu như chúng tôi cũng về Đại hội IV như để dự một cuộc liên hoan mừng chiến thắng, thay vì ý thức đang quyết định những vấn đề làm thay đổi vận mệnh quốc gia, đất nước”.

Nhận thức, Đại hội không chỉ là sinh hoạt nội bộ của một đảng mà những quyết định ở đó còn ảnh hưởng đến số phận dân tộc, nên ông Võ Văn Kiệt muốn cảnh báo những sai lầm mà những đại biểu như ông đã từng gặp phải. Bắt đầu nắm trọn vẹn giang sơn kể từ năm 1975, ông Võ Văn Kiệt nhận thấy: “Đôi khi, chính tư duy ‘giáo điều’ đã chia rẽ dân tộc này; đã làm chậm tiến trình phát triển của đất nước này”. Khi đọc “Hồi Ký” của ông Lý Quang Diệu, thấy ông ấy viết, “Năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh ngang với Bangkok; còn năm 1992, tôi nghĩ, có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”, ông Võ Văn Kiệt nói, “Tôi đau không chịu được”. Điều cuối cùng mà ông Võ Văn Kiệt muốn góp tay “tháo gỡ” là những gì đang cản trở khả năng tập hợp sức mạnh của mọi người Việt Nam, những gì ràng buộc khiến cho các nguồn lực của quốc gia đang phải tập trung cho một khu vực hoạt động không hiệu quả. Ông nói: “Dân tộc trở thành một khối, quốc gia mạnh giàu, mới là định hướng tối cao”. Ông đề nghị để thực sự “học tập Hồ Chí Minh”, câu hỏi vì sao năm 1945, Cụ Hồ đã chọn tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và, năm 1951, đã đổi tên Đảng là Đảng Lao Động, nên được đưa ra thảo luận.

Tôi tin là ông đã rất tiếc khi chưa kịp gửi tới các nhà lãnh đạo những suy nghĩ nói trên và điều đó cứ đeo đuổi tôi hơn một năm qua, nhất là từ hôm đứng trong vườn nhà ông ở ấp Bình Phụng.


NHỮNG BÀI LIÊN QUAN:
Day dứt nông trường sông Hậu
Khủng hoảng kinh tế Việt Nam 2008:sự sai lầm về chính sách và vai trò của tập đoàn kinh tế quốc doanh

27 tháng 11, 2009

Thầy Lương Định Của và tính tình Người Nam Bộ.



HOCMOINGAY. Thầy Lương Định Của là một trí thức lớn đã từ bỏ điều kiện sống và làm việc hiện đại ở Nhật Bản, nơi thầy đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về di truyền để tìm cách về nước. Lúc đầu thầy đưa gia đình về miền Nam. Thầy lại từ chối quyền cao chức trọng, bổng lộc, giầu sang, vượt mọi gian khổ ra miền Bắc tham gia kháng chiến chống ngọai xâm. Họat động nghiên cứu của thầy chủ yếu tại nông thôn đủ thứ thiếu thôn; đối tượng nghiên cứu của thầy chủ yếu là những biện pháp kỹ thuật mà nông dân dễ tiếp thu, dễ mang lại hiệu quả tức thì, như làm bờ vùng bờ thừa, trang phẳng ruộng, cấy ngửa tay, thẳng hàng, dùng giống lúa địa phương và những giống lúa thầy cùng cộng sự chúng tôi chọn tạo ra. Tên những giống lúa thầy đặt cũng là một thể hiện sự hòa nhập với cộng đồng lúc đó, như giống lúa Đoàn kết, Thắng lợi. (Vợ chồng giáo sư Lương Định Của: ảnh tư liệu gia đình )


Khi còn là sinh viên (1956-60), tôi đã biết Người Nam Bộ qua bạn học tập kết ra Bắc, và nhất là qua thầy Lương Định Của, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, đến nay đã có khá nhiều tên đường, tên trường mang tên Lương Định Của. Đối với lũ học trò hậu sinh chúng tôi, thầy cũng luôn cởi mở, rộng lượng, hài hước, hào hiệp, trung thực, và cả dũng cảm nữa. Một thể hiện điều đó là khi chúng tôi giảng dậy môn di truyền chọn tạo giống, thầy đã giảng dậy học thuyết di truyền học Mangan, hiện đại (hồi đó bị cấm, chỉ được dậy học thuyết Lưxenkô, về sau bị phát hiện là giả dối, bịa số liệu). Thầy thường dậy chúng tôi phải sáng tạo, không được bắt chước như loai khỉ, và kể nhiều chuyện tiếu lâm hài hước minh họa, như chuyện không bắt chước máy móc trong họat động tình dục mà "dụng cụ" thì bị thương, người thì phải đi bệnh viện.

Từ bỏ điều kiện sống và làm việc hiện đại ở Nhật Bản, nơi thầy đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về di truyền, thầy đã tìm cách về nước. Lúc đầu thầy đưa gia đình về miền Nam. Thầy lại từ chối nhận quyền cao chức trọng, nhiều bổng lộc, giầu sang, vượt mọi gian khổ ra Bắc tham gia kháng chiến chống ngọai xâm

Họat động nghiên cứu của thầy chủ yếu tại nông thôn đủ thứ thiếu thôn; đối tượng nghiên cứu của thầy chủ yếu là những biện pháp kỹ thuật mà nông dân dễ tiếp thu, dễ mang lại hiệu quả tức thì, làm như bờ vùng bờ thừa, trang phẳng ruộng, cấy ngửa ta, thẳng hàng, dùng giống lúa địa phương và những giống lúa thầy cùng cộng sự chúng tôi tạo chọn ra. Tên những giống lúa thầy đặt cũng là một thể hiện sự hòa nhập với cộng đồng lúc đó, như giống lúa Đòan kết, Thắng lợi, .. Một thể hiện tính tình người Nam bộ của thầy có tác dụng lớn đến sản xuất lúa ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các hợp tác xã ở miền Bắc kẻ khẩu hiệu do thầy khuyến cáo: "Ruộng không bờ thửa bờ vùng. Khác nào đổ nước và thung lũng tròn ".

Từ sau giải phóng đến nay, tôi cùng các bạn đồng nghiệp ở Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, trại giống lúa Ma Lâm tỉnh Bình Thuận .. nối trí thầy chọn tạo nhiều giống lúa OM, OMCS, ST, MTL, ML .. Ở ĐBSCL, tôi cùng cộng sự đã chọn tạo một tập đoàn giống lúa cao sản xuất khẩu OM, OMCS được bà con nông dân mến mộ, trong các cuộc nhậu nhet đã gọi là "ôm em", "ôm em cực sướng". Năm 2000, chúng tôi được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: danh hiệu anh hùng lao động, một cho Viện và một cho tôi; Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đề tài "Giống và kỹ thuật canh tác lúa ở ĐBSCL" cho 10 nhà khoa học của Viện, tôi là chủ trì.

Xin trình bày một số hiểu biết sau vài thập kỷ hòa nhập với dân Nam Bộ mà người "khai tâm" cho tôi là thầy Của, như một nén tâm nhang kính thầy sắp vào dịp giỗ thầy sau 35 năm ngày mất, tháng 12/1975, ở tuổi 55 sung mãn sức lực, trí lực.

Khởi đầu công cuộc mở đất và giữ nước, có Nguyễn Trung Trực, Trương Định ... Các bậc sỹ phu đầy khí khái có Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Huân .., Đi đầu canh tân văn hóa có nhà bác học Trương Vĩnh Ký biết tới 27 thứ tiếng, là một trong 18 nhà khoa học được ghi danh trên thế giới thời ấy. Nữ chủ bút đầu tiên có Sương Nguyệt Ánh ... ; Nhà khoa học hàng đầu có các giáo sư Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Trần Văn Giàu, Trần Văn Hưởng ..; Nhạc sỹ tài ba có Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê ...; Nhà văn hóa nghệ thuật đặc sắc có Cao Văn Lầu, Phùng Há, Út Trà Ôn. Nhà văn Sơn Nam, tên thật là Phạm Minh Tài, là tác gia hàng đầu trong nền văn học Việt Nam đương đại. Để tưởng nhớ cố nhà văn thọ 83 tuổi này, chúng ta thưởng thức một đoạn văn nghị luận xen vào hình ảnh thi vị sau: "Mùa lụt, cá nước ngọt theo nước ra khá xa vàm biển. Ngược lại, tới mùa khô, cá biển và cá nước lợ lại theo thủy triều vào sâu trong lòng sông. Cá rô có vẩy cứng có thể lóc đi trên bùn đất khô. Cá trê, rùa, lươn có thể sống trong bùn mà không ăn uống trong vài ba tháng nắng. Cá sặc đẻ trứng trên khô, mùa nắng tung bay theo gió rồi đáp xuống như hạt bụi để nở ra vùng trong nước đầu tiên của cơn mưa đầu mùa .. " (theo báo Văn nghệ, 04-10- 2008)

Vùng Nam bộ còn sản sinh ra nhiều tài năng vượt trên trình độ văn hóa, hay "tay nghề đi trước học thức" như GsVs Trần Đại Nghĩa nhận xét. Vài tiêu biểu như "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy đã dời được cả tòa nhà lớn, nhà chế tạo "máy hút bùn Trần Văn Dũng, máy dệt chiếu Nguyễn Văn Long;" Vua cua ghẹ lột "Nguyễn Văn Quang, chế tạo máy gặt đập lúa liên hợp Huỳnh Văn Út (Út máy cày), và khá nhiều nhà sáng tạo máy chân đất nông nghiệp, trình độ học vấn có khi chưa qua cấp 2 ..

Cách đây 3-4 thập kỷ, hồi ở miền Bắc, thầy Của ở miền Bắc lai tạo được nhiều giống lúa mới được nông dân ưa chưộng, như Nông nghiệp 1, Chiêm trăng, Đoàn kết .. Gần đây, tỉnh Sóc Trăng quê hương của thầy Của lại sản sinh những con người chọn tạo ra nhiều giống lúa rất ấn tượng, mặc dầu chưa bao giờ được gặp, được thọ giáo tiền bối Lương Định Của. Đấy là nhóm chọn tạo giống lúa do KS Hồ Quang Cua đứng đầu. Đến nay nhóm này đã chọn tạo tới 22 giống ST, trong đó có nhiều giống như ST3, ST5 .. khá phổ biến, những giống ST đỏ từ lai tạo giữa giống gạo đỏ địa phương với giống năng suất cao rồi chọn ra dòng gạo đỏ vừa năng suất cao, vừa có mùi thơm lá dứa.

Chân thành và khẳng khái trong cuộc sống, sáng tạo trong lao động chân tay và trí óc, nhân ái trong giao tiếp, độ lượng trong ứng xử xã hội, dũng cảm trong chống ngoại xâm, hòa nhập với cộng đồng và thân hiện với cây cỏ sông nước, là những phẩm chất rất quý của con người Nam Bộ cả xưa và nay. Nền văn minh lúa nước - miệt vườn ở vùng này sản sinh ra văn hóa "đơn ca tài tử" rất ấn tượng, và những làn điệu cải lương, vọng cổ mùi mẫm trữ tình.

Từ hồi khai hoang mở đất cách đây khoảng 300 năm, như chuyện kể lại, làm người con thứ hai trong gia đình tham gia. Và thế là ở Nam Bộ chỉ có Anh Hải, Anh Cả còn ở lại Bắc để cúng vái tổ tiên. Không chỉ vậy, mà hàng loạt ngôn từ thổ ngữ đã thể hiện ý trên. Có nhiều cặp từ chỉ cùng một nghĩa, nhưng người Bắc thường nói từ trước, miền Nam từ sau, như sau: tiền-bạc, tiêu-xài, to-lớn, bé-nhỏ, béo-mập, tiến-tới, chậm - trễ, luôn-lợi, ăn-nhậu, bạn-bồ / bè, cố-gắng, bơi-lội, lười-biếng, tìm-kiếm, rơi-rớt, yêu-thương, thóc-lúa, lẫn-lộn, trêu - choc .. Thứ tự "trước-sau" thể hiện ở cả hàm ý nguyên nhân và kết quả, như, tàu hút bùn-sáng thổi, hút - bắt đầu, thổi - kết thúc công đoạn; luôn-lời, lời là kết quả của luôn .. Cũng có một số ít ngoại lệ, như dơ-bẩn, ca-hát ..
Có điều lý thú là, ở Việt Nam mình người Bắc có thói quen nói Ngồng chữ đầu, như nói lẫn lộn giữa "n" và "l" (nan không, lưới không, trứng vịt không ..); miền Nam chữ cuối (khoai lan, bông hoa lang, ba Boong ..); còn miền Trung thì Ngồng chữ ngay giữa, gió như thành lồng lộng gió, làm ăn thành lởm ăn, hay lem ăn, ăn .. lem, tùy địa phương ..

Tập đoàn giống lúa bản địa làm người nông dân Nam Bộ sáng tạo và đặt tên cũng thể hiện tính chất phác, di dỏm, như Tái nguyên sữa, Nành chồn, Móng chim, vườn Sóc, Phùng Đốc, rồng Huyết, Tàu hương, Vàng lộn, Tang tép, Nếp thơm, Nếp Mù u.. Đặc biệt là, có đến vài ba chức giống có tên đầu là "Nàng", như Nàng Hương, Nàng thơm chợ Đào, Nàng Nhen, Nàng Loan, Nàng Co đỏ, Nàng Đùm, ...

GsTs Nguyễn Văn Luật, 24/11/2009
(Đăng theo bài do tác giả gửi )


NGƯỜI PHỤ NỮ NHẬT TRONG ĐỜI GIÁO SƯ LƯƠNG ĐỊNH CỦA

Như Trang

Bà Nobuko (1) Nakamura (người Nhật), phu nhân cố Giáo sư (GS) Lương Định Của - nhà nông học hàng đầu VN - năm nay đã 86 tuổi, nhưng nhìn rất trẻ và khỏe. Hiện bà đang sống tại TP.HCM cùng con cháu.

Cách đây đúng 55 năm, bà theo chồng về VN, và nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi. Bà vừa có chuyến du lịch từ TP.HCM ra Hà Nội, Lào Cai, và dự lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần I tại ĐH Nông nghiệp I. Bà đã dành cho Thanh Niên một cuộc trò chuyện cởi mở.

* Thưa bà Nobuko, bà và cố GS Lương Định Của đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh nào?

- Trước khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, tôi là sinh viên ĐH quốc lập Kyushyu (Nhật Bản). Chồng tôi (tên là Lương Định Của chứ không phải là Lương Đình Của như một số người hay viết nhầm) là một trong số lưu học sinh thuộc các nước Đông Nam Á học ngành trồng trọt tại trường này và chúng tôi quen nhau ở đó.

Sau khi tốt nghiệp, do muốn học cao hơn nữa, chồng tôi chuyển đến ĐH Kyoto nghiên cứu về di truyền học tế bào. Năm 1945, kết thúc chiến tranh, được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi kém chồng tôi 2 tuổi. Trong thời gian sống tại Nhật Bản, chúng tôi đã có 2 con trai.

"Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ đến Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa...".

* Được biết, dù đã lấy vợ và sống ở Nhật, nhưng lúc nào chồng bà cũng nung nấu ý định trở về Việt Nam để đem tài năng, sức lực ra giúp dân, giúp nước. Và mặc dù Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng bà vẫn nhiệt tình ủng hộ và theo chồng về Việt Nam...

- Cũng năm 1945, khi nghe tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chồng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, chồng tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng Bác Hồ và luôn tâm niệm sẽ trở về Việt Nam để phục vụ đất nước.

Năm 1952, sau khi chồng tôi lấy bằng Tiến sĩ (2) Nông học, gia đình tôi và bạn bè khuyên ông nên đưa vợ con sang châu Âu hoặc đến Mỹ. Ở đấy, công danh sự nghiệp nhất định thuận lợi hơn ở Nhật Bản.

Nhưng chồng tôi quyết định trở về Việt Nam. Ông thu thập các tư liệu, kết quả thí nghiệm... làm tài sản cho chuyến trở về nước qua đường Trung Quốc để đến chiến khu Việt Bắc. Nhưng chuyến đi không thuận lợi, gia đình tôi phải quay về Sài Gòn.

Lúc này Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, nên người Việt chịu rất nhiều bất công về vật chất và tinh thần. Gia đình các em chồng đối xử với tôi rất tốt. Tuy nhiên, phải một thời gian dài tôi mới hòa nhập được với phong tục tập quán VN.

* Được biết, trong thời gian GS Lương Định Của công tác ở Hà Nội, với kiến thức về nông học của mình bà đã giúp đỡ GS rất nhiều trong việc lai tạo giống cây trồng?

- Năm 1954 cách mạng cử người liên lạc, đưa cả gia đình tôi từ Sài Gòn tập kết ra miền Bắc. Lúc này tôi chưa nói được tiếng Việt. Tôi được Bộ Nông nghiệp sắp xếp công tác giúp đỡ chồng trong công việc lai cây lúa.

Đây là công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn, những người khác làm việc này chồng tôi không tin tưởng.

* Và bà còn là biên dịch viên kiêm phát thanh viên tiếng Nhật của Ban tiếng Nhật, Đài Tiếng nói Việt Nam...

- Tôi nhận lời làm việc tại đài phát thanh vì thấy phù hợp và mình có thể làm được. Có một kỷ niệm không bao giờ quên khi tôi dịch và đọc bản tin ngày 30.4.1975, ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng.

Tôi như vẫn thấy không khí sôi nổi, phấn khởi của người dân lúc đó. Đã trải qua những năm chiến tranh vất vả khi ở Nhật Bản cũng như ở Việt Nam, nên tôi không thể nào quên ngày chiến tranh hoàn toàn kết thúc.



Bà Nobuko thời trẻ

* Trong thời gian sống ở Hà Nội, chắc hẳn gia đình bà từng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến thăm?

- Gia đình tôi ở gác 4, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Trong số các vị lãnh đạo nhà nước thời bấy giờ, quan tâm giúp đỡ chồng tôi nhiều nhất và được chồng tôi vô cùng kính trọng, coi như người anh lớn của mình là ông Phạm Văn Đồng và ông Phạm Hùng. Ông Phạm Văn Đồng đã đến thăm và chụp ảnh cùng gia đình.

Còn ông Phạm Hùng nhiều lần mời gia đình đến dùng cơm. Tại những nơi chồng tôi công tác có trồng nhiều cây, một số vị lãnh đạo có ghé thăm và chồng tôi có tặng họ những loại hoa quả trồng ở đó.

* GS Lương Định Của được coi là một nhà nông học hàng đầu Việt Nam, từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 1967), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)... Trong những thành công được ghi nhận của GS có phần đóng góp rất lớn của bà, bà có tự hào về chồng mình?

- Các danh hiệu mà chồng tôi được Chính phủ và Quốc hội trao tặng là do nỗ lực của bản thân ông cùng với sự góp sức rất nhiều của các đồng nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là việc các vị lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để chồng tôi phát huy hết khả năng của mình phục vụ đất nước.

Bản thân tôi chỉ lo gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm công tác. Tôi rất tự hào vì chồng mình có phần đóng góp trong việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong một giai đoạn rất khó khăn.

* Hơn 50 năm sống ở VN, bà có giữ mối liên lạc nào với quê hương và có dành thời gian trở về Nhật thăm gia đình?

- Tôi được cho phép về thăm gia đình ở Nhật Bản hai lần vào năm 1972 và 1976 bằng kinh phí do nhà nước đài thọ (vé máy bay và vé tàu biển). Tôi rất biết ơn, vì trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm săn sóc đến cá nhân và gia đình tôi.

Lúc đó đi sang Nhật rất khó, do nước ta chưa có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Nhưng bây giờ thì khác, việc đi lại rất dễ dàng, hằng năm tôi đều về Nhật thăm gia đình. Mặt khác thông tin liên lạc bây giờ hiện đại nên việc liên lạc với người thân ở Nhật Bản rất thường xuyên.

* Vì sao bà nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi?

- Quan niệm của tôi là sống vì gia đình, vì chồng con. Tôi đã sống ở Việt Nam được 55 năm, đây cũng chính là quê hương của tôi. Hiện nay tôi thấy rất hạnh phúc vì sống gần gũi với con cháu. Năm 1976, khi về thăm gia đình ở Nhật Bản (lúc này chồng tôi đã mất), mẹ tôi có nói đưa hết cả gia đình về Nhật, bà sẽ lo cho.

Nhưng chồng tôi luôn nói rằng là người Việt Nam phải sống và làm việc ở Việt Nam để phục vụ đất nước. Có thể ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu nhưng mục đích cuối cùng cũng là quay trở lại làm giàu cho quê hương mình.

Trong khi con cái tôi đang đi làm, học tại Việt Nam thì quay về Nhật Bản làm gì? Bây giờ tôi thấy mình quyết định không về Nhật Bản là hoàn toàn đúng đắn và trong lòng luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Việt Nam.



Bà Nobuko ở Bảo tàng Quang Trung


* Chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, kinh tế, văn hóa..., bà có cảm nhận gì về sự đổi thay của đất nước Việt Nam hôm nay?

- Việt Nam đang có nhiều thay đổi chóng mặt. Tôi vừa du lịch từ TP.HCM đến Lào Cai, đâu đâu cũng thấy xây dựng, hai bên đường cây cối xanh tươi, nhà cửa đẹp đẽ, nét mặt người dân luôn tươi vui... Năm 1955, lần đầu tiên tôi biết nông thôn miền Bắc, không thể tưởng tượng được sự nghèo khổ của người nông dân khi đó. Chính vì thế, tôi hiểu được lý do tại sao người Việt Nam hy sinh tất cả để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, và quyết tâm xây dựng lại đất nước.

* Bằng những trải nghiệm của chính mình và sự quan sát những người Nhật khác sống ở Việt Nam, bà có nhận xét gì về người nước ngoài nói chung và người Nhật nói riêng sống ở Việt Nam?

- Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ sang Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa.

Họ ca ngợi Việt Nam phong cảnh rất đẹp, cái gì cũng rẻ, thức ăn ngon, an ninh trật tự tốt, người Việt Nam rất hiếu khách. Nhiều người Nhật sang Việt Nam công tác muốn ở lại sống ở đây sau khi hết hạn.

Họ đã lấy chồng, vợ người Việt Nam, chứng tỏ nước ta rất hấp dẫn người nước ngoài. Chính phủ ta cũng có chế độ chính sách thích hợp, không phân biệt người nước ngoài, người dân không kỳ thị chủng tộc.

* Mối tình của bà và cố GS Lương Định Của là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Bà có muốn nói điều gì với thế hệ trẻ hai nước hôm nay?

- Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến quá khứ. Ở cả Việt Nam và Nhật Bản ngày nay, thanh niên đều ít biết đến chiến tranh. Tôi có hỏi một cháu gái bán hàng lưu niệm khoảng 17-18 tuổi ở Quảng Trị: "Ở đây trước kia chiến tranh rất ác liệt phải không?". Cháu nói: "Không có, ở đây không bao giờ có chiến tranh cả!".

Nếu chúng ta không giáo dục cho thế hệ trẻ biết về sự khốc liệt của chiến tranh, thì chúng sẽ không thấy giá trị của hòa bình ngày nay. Tôi nghĩ, muốn có nền hòa bình bền vững để đất nước phát triển, những người trẻ tuổi cần phải thông hiểu lịch sử đất nước mình.

* Xin cảm ơn bà.

Như Trang


Nguồn : Thanh Niên ngày 7 tháng 3 năm 2007

Bị chú của ERCT :

(1) Trong nguyên bản, báo Thanh Niên đã sai lầm khi ghi tên bà Nakamura là Nubuko thay vì Nobuko. Chúng tôi sửa lại cho chính xác và cũng đã có gởi mail thông báo cho Thanh Niên

(2) Trong nguyên bản, báo Thanh Niên ghi là "Bác Sĩ".

(3) Xem thêm :

* Thông tin về một người đàn anh (Đặng Lương Mô - Exryu Việt Nam)

* Densetsu no Betonamujin - 伝説のベトナム人 Giáo sư Ogata Kazuo (緒方一夫)

30 tháng 10, 2009

Đôi lời về văn hóa sống với du sinh Việt Nam ở Mỹ



HOCMOINGAY. BS. Hồ Hải. Nhân câu chuyện du học sinh Hồ Quang Phương bị cảnh sát Mỹ đánh đập dã man và sự việc lên án của báo chí Việt Nam. Cũng như cháu Hồ Quang Phương nhờ luật sư để kiện ra ra tòa 4 cảnh sát Mỹ tham gia vào cuộc đánh. Với vốn hiểu biết nhỏ nhoi của mình tôi xin gửi đến các du sinh, đặc biệt, các du sinh Việt sang Mỹ ở tuổi trưởng thành một số hiểu biết của mình về văn hóa đối xử với cảnh sát Mỹ. Ngõ hầu sự việc đáng tiếc này không còn xảy ra nữa.

Văn hóa Mỹ là văn hóa du mục, duy lý. Khác với văn hóa Việt là văn hóa nông nghiệp, duy tình. Cách sống, quan hệ xã hội và pháp luật ở Mỹ không như ở Việt Nam. Nước Mỹ là nước tự do và dân chủ ai cũng rõ. Họ tự do vì họ là những con người ra đi từ những vùng miền chịu sự đàn áp của lề thói cũ, tụ hội về Mỹ để làm một xã hội mới theo tư tưởng phóng khoáng như tuyên ngôn độc lập mà họ ra viết năm 1776. Một tuyên ngôn độc lập mà có thể xem là hoàn hảo nhất nhân loại, đến nỗi cụ Hồ cũng phải vay mượn nó để viết bài tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ tự do vì ở đó giống như con người và mãnh đất miền Nam Việt Nam mà tôi đã viết trong bài 300 năm xây và 30 năm phá. Thậm chí, họ còn có luật dùng súng. Chính vì thế, cảnh sát Mỹ phải chịu nhiều áp lực của những băng cướp có súng lớn, súng nhỏ, thậm chí cả bom. Và luật pháp Mỹ cũng cho cảnh sát có rất nhiều quyền. Họ cũng rất mạnh tay với tội phạm và ai bị tình nghi là tội phạm khi cần thiết. Cho nên bạn cần phải tôn trọng cảnh sát, không nên chống cự và cãi lại họ. Nếu muốn gì bạn có thể chờ khi ra tòa, còn chống và cãi lại họ, nguy hiểm sẽ đến với bạn là chuyện đương nhiên. Một câu nói mà nếu ai đã từng xem phim hình sự Mỹ thường thấy dịch ra: "Bạn có quyền giữ yên lặng. Mọi lời nói của bạn đều là bằng chứng trước tòa án". Chỉ lời nói thôi, không cần hành động sai đều là bằng chứng chống lại bạn trước tòa. Câu nói này thể hiện tất cả những gì tôi đã nói ở trên và sau đây.

Khi bạn đi xe phạm luật bạn nên vui vẻ nhận giấy phạt, không được đôi co hay chống đối. Và lúc nào trên khuôn mặt bạn cũng phải tươi cười với những câu nói: "Yes, Sir" hoặc "No, Sir". Nếu bạn thấy không công bằng thì hãy đợi đến ngày ra tòa. Nếu bạn đi xe bị chặn lại vào ban đêm. Bạn phải giảm tốc độ, bật đèn khẩn cấp. Bật sáng hết toàn bộ đèn trong xe. Báo cho cảnh sát biết là bạn đang chọn chỗ đậu có đèn sáng, hạ cửa kiếng xuống, nhưng không được ra khỏi xe và 2 tay phải để trên tay lái, chờ cảnh sát đến. Không nên rời tay khỏi tay lái trước khi cảnh sát yêu cầu bạn làm bất cứ chuyện gì. Vì ngược lại như thế bạn sẽ bị cảnh sát nghi ngờ rút súng bắn cảnh sát. Bạn nên hỏi cảnh sát trước là họ yêu cầu gì? bằng lái xe, thẻ bảo hiểm xe ... Chỉ được bước ra khỏi xe khi họ yêu cầu. Và phải làm tất cả những gì họ yêu cầu như: đưa 2 tay ra sau gáy, dạng chân thậm chí đưa tay vào còng mà không được phản kháng. Nếu không có vấn đề gì bạn sẽ được thả ra sau đó. Nhưng nếu bạn làm sai những gì tôi đã nói ở trên thì bạn có thể mất mạng. Dĩ nhiên, nếu cảnh sát bắn bạn vô lý, họ sẽ ở tù. Nhưng chờ họ ở tù thì bạn đã mất mạng vì không hiểu luật và văn hóa sống của Mỹ.

Không được uống chất có cồn khi lái xe. Nếu bạn bị tội này thì nếu bạn đã có thẻ xanh chờ vào quốc tịch thì bạn cũng bị trục xuất về Việt Nam. Tội này gọi là tội DWI (Driving while intoxicaed). Không nên cho ai đi nhờ. Dù bạn thấy một người đang hư xe dọc đường họ đón lại. Bạn chỉ có thể giúp họ kêu xe cứu hộ, chứ không nên cho đi hộ, ngoại trừ người quen biết. Nếu không bạn có thể bị cướp. Nếu bạn thấy một cô gái xinh đẹp đi trên đường dưới trời mưa hoặc nắng chang chang, bạn cũng không nên cho cô ta đi nhờ. Vì cô ta có thể sẽ tố cáo bạn là quấy rối tình dục.

Không nên quan hệ tình dục với bạn gái dưới 18 tuổi. Ngoại trừ bản thân bạn dưới 18 tuổi thì không sao. Nhưng, nếu bạn lớn hơn 18 tuổi mà quan hệ trẻ gái dưới 18 tuổi, dù bạn gái đó yêu cầu thì bạn cũng có thể mang tội hãm hiếp trẻ vị thành niên. Tội này thì xem như bạn vứt cuộc đời bạn xuống bùn khi bạn còn sống trên đất Mỹ. Dù bạn có quan hệ với bạn gái 18 tuổi, nhưng khi bạn gái đó nói "No" sau khi đã lột quần áo, thì bạn cũng phải ngưng ngay. Nếu không bạn sẽ bị tội "date rape". Tội date rape cũng nặng không thua gì bất kỳ tội hãm hiếp nào. Đừng bao giờ có suy nghĩ như ở Việt Nam là cô ta giả bộ, cứ tiến tới sẽ thành công. Nguy hiểm đấy.

Không nên thấy trẻ con Mỹ dễ thương (trẻ con Mỹ thì hầu hết đẹp như thiên thần) mà cho kẹo, bánh khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ nó. Dù là con cháu của bạn. Không nên nựng trẻ con kiểu như ở Việt Nam là sờ ti bé. Làm như thế bạn sẽ bị kiện là xâm phạm tình dục trẻ em (child molesting) ở tù rất nặng.

Bạn không được hăm dọa bất kỳ ai bằng lời nói hay hành động, nhất là đối với dân bản xứ. Nói dông dài để rồi cuối cùng quay về vấn đề cháu Hồ Quang Phương. Sở dĩ cháu Phương bị gọi 119 là vì cháu đã dọa giết sinh viên Mỹ bản xứ bằng lời: "Nếu mà còn ở quê nhà tao thì tao đã giết mày rồi." Khi cảnh sát đến, Phương không tuân theo yêu cầu cảnh sát mà cứ đi theo cảnh sát. Nên cảnh sát nghi ngờ Phương sẽ tấn công cảnh sát. Nên cảnh sát phải tự vệ vì điều đó. Chưa hết cảnh sát còn nói là Phương đã chống cự lại cảnh sát.

Câu chuyện không biết ai đúng, ai sai? Còn phải chờ điều tra rõ ràng. Nhưng trước đó, Phương cũng đã bị ăn đòn nhừ tử vì thiếu hiểu biết. Vấn đề còn lại là làm sao để Phương thắng kiện? Một người quen của tôi, sống ở Mỹ trên 30 năm, chưa thấy một luật sư người Việt Nam nào ở Mỹ thắng kiện trong loại vụ việc như thế này. Còn cho rằng muốn tương đương chứ chưa nói đến thắng kiện thì ít nhất Phương phải có 3 điều kiện tối thiểu sau:

1. Bằng chứng video tape đã có.
2. Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ phải hết lòng ủng hộ từ xã hội đến các trường.
3. Phải thuê 1 luật sư giỏi người Mỹ. Còn luật sư người Việt dù có giỏi chưa chắc thành công. Ngay cả thuê những luật sư giỏi của Việt Nam ở Mỹ cũng chưa chắc thắng.

Cuối cùng cũng cầu mong cho cháu Phương được kiện, Nếu không được thắng theo kiểu buộc tội về mặt pháp lý đối với 4 cảnh sát (Criminal case), thì ít ra cũng được bồi thường tiền y tế (Civil case) là tốt lắm. Vì nó là con số có mơ thì cả một đời người cũng khó có thể làm ra. Nó lên đến cả triệu đô la Mỹ kim. Chính vì thế mà ở Mỹ rất dễ bị kiện tụng ra tòa. Đặc biệt, làm nghề y như tớ mà bị kiện, nếu không mua bảo hiểm thì chỉ có nước đi ăn cám. Cỡ như bác sĩ Tỵ giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thì tù mọt gông và bị tước bằng từ lâu chứ không có chuyện lùm xùm và bảo kê của một ai đó để tồn tại đến ngày hôm nay.
.
Mong rằng bài viết này có thể giúp ích cho các cháu du học sinh Việt Nam trên đất Mỹ.
Chúc hạnh phúc.


BS. Hồ Hải
Nguồn:http://www.facebook.com/home.php#/note.php?note_id=163872273682&ref=mf

Bài liên quan:

> Khi người Việt bị cảnh sát Mỹ đánh

http://hieuminh.wordpress.com/2009/10/28/3768/

10 tháng 10, 2009

Chép lại những lời khuyên bổ ích



Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

(Trích thư chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên khi nước ta độc lập)



Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc thiết lập một chuẩn cao trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên và các vị hiệu trưởng ở những trường còn đang đi sau – nơi mà các em chưa có được cơ hội mà đáng lẽ các em phải có. Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học.[...] Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay xở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng. Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng. Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình.[...]

Đó là câu chuyện của những học sinh từng ngồi đây cách đây 250 năm và tiếp tục phát động cuộc cách mạng xây dựng nên đất nước này. Đó là những học sinh từng ngồi đây 75 năm trước và vượt qua cuộc khủng hoảng lớn để rồi dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, đấu tranh cho quyền bình đẳng và đưa con người lên mặt trăng. Đó là những học sinh từng ngồi đây cách đây 20 năm và sau này sáng lập ra Google, Twitter, Facebook và thay đổi cách chúng ta liên lạc với mọi người.

Hôm nay tôi muốn hỏi các em, các em sẽ có thể đóng góp điều gì? Các em sẽ phát minh ra những gì? Một vị tổng thống trong 20 hoặc 50 năm nữa khi quay lại đây sẽ nói như thế nào về những đóng góp của các em cho đất nước này? [...] Tôi hi vọng các em sẽ nỗ lực hết sức trong tất cả những gì mình làm. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong mỗi cá nhân các em. Đừng để tôi thất vọng. Đừng để cha mẹ, đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm chúng tôi tự hào về các em. Tôi biết các em có thể làm được điều đó.


Phát biểu đầu năm học mới của tổng thống Obama - Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, người vừa nhận giải Nobel hòa bình năm 2009


Text of President Obama's School Speech
Obama Will Deliver Televised Address on First Day of School
Soure: ABC News Sep. 7, 2009


I've talked a lot about your government's responsibility for setting high standards, supporting teachers and principals, and turning around schools that aren't working where students aren't getting the opportunities they deserve. But at the end of the day, we can have the most dedicated teachers, the most supportive parents, and the best schools in the world – and none of it will matter unless all of you fulfill your responsibilities. Unless you show up to those schools; pay attention to those teachers; listen to your parents, grandparents and other adults; and put in the hard work it takes to succeed. [...] Some of you might not have those advantages. Maybe you don't have adults in your life who give you the support that you need. Maybe someone in your family has lost their job, and there's not enough money to go around. Maybe you live in a neighborhood where you don't feel safe, or have friends who are pressuring you to do things you know aren't right. But at the end of the day, the circumstances of your life – what you look like, where you come from, how much money you have, what you've got going on at home – that's no excuse for neglecting your homework or having a bad attitude. That's no excuse for talking back to your teacher, or cutting class, or dropping out of school. That's no excuse for not trying. Where you are right now doesn't have to determine where you'll end up. No one's written your destiny for you. Here in America, you write your own destiny. You make your own future.

It's the story of students who sat where you sit 250 years ago, and went on to wage a revolution and found this nation. Students who sat where you sit 75 years ago who overcame a Depression and won a world war; who fought for civil rights and put a man on the moon. Students who sat where you sit 20 years ago who founded Google, Twitter and Facebook and changed the way we communicate with each other.

So today, I want to ask you, what's your contribution going to be? What problems are you going to solve? What discoveries will you make? What will a president who comes here in twenty or fifty or one hundred years say about what all of you did for this country? [...] I expect you to put your best effort into everything you do. I expect great things from each of you. So don't let us down – don't let your family or your country or yourself down. Make us all proud. I know you can do it.

16 tháng 9, 2009

Norman Bourlaug hãy vươn tới những vì sao



HOCMOINGAY. "Hãy vươn tới những vì sao. Cho dù không chạm được vào nó, nhưng nếu cố gắng hết sức, ít ra, chúng ta cũng chạm được những hạt bụi của ngôi sao", câu nói bất hủ được ghi trang trọng trong lễ tang của Norman Borlaug, 95 tuổi, tại Texas"One of Norman Bourlaug favourite quotes was: 'Reach for the stars. Although you will never touch them, if you reach hard enough, you will find that you get a little star dust on you in the process.'"

Cha đẻ của cách mạng Xanh: "Hãy vươn tới các vì sao"
Norman Bourlaug nhà khoa học xanh

8 tháng 9, 2009

Những tiện ích giúp hoàn thiện kỹ năng viết tiếng Anh

HOCMOINGAY. Phạm Thế Quang Huy có bài viết bổ ích "Những tiện ích giúp hoàn thiện kỹ năng viết tiếng Anh" đăng trên báo Dân Trí . Việc sử dụng và soạn thảo văn bản bằng ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) thật sự rất khó và dễ mắc lỗi, ngay cả với những người có trình độ. Thứ tự các từ sắp xếp chưa đúng, sai chính tả hay các câu văn không đúng ngữ pháp... là các lỗi thường gặp mà đôi khi bạn không hề phát hiện ra. Một số mẹo nhỏ sau đây, dựa trên những kinh nghiệm thực tế sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng đánh văn bản bằng tiếng Anh của mình.

Sửa lỗi sai chính tả:
TinySpell là tiện ích giúp bạn phát hiện ra lỗi chính tả trong quá trình soạn thảo văn bản. TinySpell không chỉ hoạt động trên các chương trình soạn thảo văn bản thông thường như Word hay Notepad... mà TinySpell có thể kiểm tra lỗi khi bạn gõ văn bản ở bất cứ đâu, như ở trong trình duyệt hay ở các chương trình khác.Ngoài ra, chương trình còn cung cấp các gợi ý để bạn có thể sửa lại lỗi chính tả trong trường hợp viết sai vì lý do quên từ.



Download chương trình tại http://softbuzz.net/Windows/Education/Languages/tinySpell_25.html

Bạn có chắc bạn đang sử dụng từ đúng ngữ cảnh ?

Dùng từ sai ngữ cảnh là một trong những lỗi thường gặp nhất khi sử dụng tiếng Anh. Để hạn chế lỗi này, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của WordWeb. WordWeb là tiện ích cho phép tìm kiếm các từ đồng nghĩa hoặc biết rõ hơn về nghĩa của từ mà bạn đang sử dụng. Ví dụ, nếu bạn đang băn khoăn giữa việc dùng từ “than” hay “then”, bạn có thể kiểm tra nghĩa của hai từ này chỉ bằng một cú nhấn chuột mà không cần phải thoát khỏi chương trình soạn thảo.



Download chương trình tại http://soft4all.info/free-software-download/wordweb-find-definitions-and-synonyms-of-words/ hoặc tại http://softbuzz.net/Windows/Education/Dictionaries/WordWeb_26.html

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng YourDictionary (http://www.yourdictionary.com/) để tra từ theo dạng Anh – Anh, giúp học cách sử dụng từ hợp lý. Chỉ cần tìm kiếm từ bạn muốn và sau đó kích vào tab ‘Sentence examples‘. Nó sẽ đưa ra các ví dụ về cách dùng từ trong từng ngữ cảnh.



Tìm đúng từ trong ngữ cảnh đưa ra và đảm bảo cấu trúc đang sử dụng là chính xác bằng Google:

Khi không chắc chắn một cụm từ nào đó đã chính xác hay chưa, hoặc trong trường hợp không nhớ cấu trúc của câu mà bạn muốn dùng, hãy sử dụng Google. Bạn chỉ việc tiến hành tìm kiếm cụm từ hay cấu trúc cần kiểm tra bằng Google để tìm xem những người khác sử dụng cấu trúc đó như thế nào. Nếu câu hoặc cụm từ bạn đang tìm được hiển thị với tần số cao trong kết quả của Google, thì chắc chắn câu bạn viết là chính xác.

Lưu ý: nên đặt cụm từ hoặc câu vào giữa 2 dấu ngoặc kép để kết quả được tốt hơn.

Trong trường hợp không chắc về từ nằm giữa các câu, hãy làm tương tự như trên và thêm dấu * vào chỗ trống mà bạn muốn tìm từ thích hợp. Dấu * sẽ được Google hiểu là “có một từ nào đó nằm ở vị trí ấy nhưng tôi không biết nó là từ gì“.

Google sẽ đưa ra nhiều kêt quả để bạn có thể tham khảo và học cách sử dụng từ trong mỗi ngữ cảnh.

Ví dụ, tìm kiếm câu : “paste it * google”, bạn sẽ nhận được kết quả là “paste it into google”.



Lưu ý: Tiến hành tìm kiếm từ trang web http://google.co.uk thay vì tìm kiếm từ http://google.com.vn để có được kết quả tốt nhất.

Kiểm tra chính tả của toàn bộ đoạn văn:
Nếu TinySpell chỉ có tác dụng kiểm tra tác dụng lỗi chính tả của từng từ khi bạn đang gõ nội dung, thì Spellchecker lại là công cụ cho phép kiểm tra chính tả và ngữ pháp của cả 1 đoạn văn bản.

Truy cập vào trang chủ của Speelchecker tại http://www.spellchecker.net/spellcheck/, dán nội dung đoạn văn cần kiểm tra và nhấn Spell Check. SpellChecker sẽ chỉ rõ các lỗi chính tả gặp phải trong đoạn văn và gợi ý chính xác từng từ để khắc phục chúng.

Thậm chí, SpellChecker còn chỉ ra lỗi khi không viết hoa ở đầu câu, và cảnh báo bạn nếu nội dung quá dài dòng.



Trên đây là những công cụ và kinh nghiệm giúp bạn tránh được các lỗi thường mắc phải khi sử dụng tiếng Anh. Hy vọng với những công cụ này, kỹ năng tiếng Anh của bạn sẽ được cải thiện hơn.

Phạm Thế Quang Huy

6 tháng 9, 2009

Mất ngủ


HOCMOINGAY. Tổ chức tốt một kỳ thi cũng có cái hay là đánh giá được mình, nhưng muốn đưa nền giáo dục thoát ra thì trước hết phải biết mình có khả năng tới đâu và định cung cấp những sản phẩm như thế nào cho xã hội. Trên cơ sở ấy mới thay đổi công nghệ và thu hút nguồn nhân lực. Các học giả cho rằng phải bắt đầu bằng triết lý giáo dục; nhưng, có lẽ chỉ nên diễn dịch vấn đề đơn giản: cần có một nền giáo dục sao cho, những người bình thường sau khi học xong tự kiếm được cơm ăn, những người tài năng thì không chỉ có khát vọng thành đạt cho bản thân mà còn có trách nhiệm với tương lai tổ quốc.

“Khi mới làm bộ trưởng, vẫn là học việc, lúc đó tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, giờ thì có thể ngủ được 5 tiếng”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã kể như vậy vào chiều 31-8-2009, trong buổi “giao lưu trực tuyến” qua website Chính phủ. Vậy nhưng, có vẻ như nền Giáo dục đã không vận hành theo thao thức của ông. Sau hơn 2 năm ông Nguyễn Thiện Nhân lãnh đạo ngành Giáo dục, UNESCO đánh giá “giáo dục Việt Nam tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng thứ 79 trên 129” (Báo cáo công bố ngày 3-11-2008).

Ngủ là rất quan trọng, một người bình thường nên ngủ 7 tiếng/ngày. Một nghiên cứu mới đây của trường Y, đại học Pennsylvania, nói rằng, chỉ cần một đêm mất ngủ, bộ não của bạn sẽ “tạm thời ngưng hoạt động” và sau đó sẽ “không ổn định và hạn chế khả năng ngay cả với những nhiệm vụ đơn giản nhất”. Nghiên cứu này khuyên, “không nên thức cả đêm, việc ngủ ít cũng không nên”.

Chỉ cần theo dõi hoạt động của ông Nguyễn Thiện Nhân qua truyền thông, đủ thấy, ông là Bộ trưởng có rất ít thời gian để ngủ. Ông phát động các phong trào; ông đi suốt đêm xuống tận địa phương để kiểm tra thi cử; ông về tỉnh dự nghe chuyện một thầy giáo “lấy điểm gạ tình”; ông vào tận toilet để kiểm tra độ sạch sẽ; ông chủ trì hội nghị… Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, “Trung bình 3 ngày, ngành Giáo dục có một cuộc họp cấp quốc gia hoặc cấp vùng; có cuộc họp đông tới 800 người”. Tất cả công việc mà ông làm đều cần. Nhưng, một bộ trưởng phải làm sao để không phải xuống trực tiếp kiểm tra mà trường lớp vẫn sạch tới từng toilet.

Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân nên dành lấy một ngày ngủ sao cho tròn 7 tiếng, rồi khi tỉnh dậy, vừa uống một tách trà, vừa mở sổ ra, gạch cho mình mấy cái đầu dòng, lựa chọn một thứ tự ưu tiên những việc mà nền giáo dục đang cần ở ông với tư cách là một người đưa ra chính sách.

Cho dù ông bị một vài cựu Bộ trưởng Giáo dục chỉ trích, công bằng mà nói, thứ hạng mà nền giáo dục Việt Nam hiện đang được xếp là hậu quả của những chính sách cách đây hàng chục năm; dấu ấn nặng nề nhất là công cuộc “cải cách giáo dục” đầu thập niên 80. Điều đáng quý ở ông là đã không đổ lỗi cho những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, giữa một “mớ bòng bong” ông đã quá hăng hái, thay vì tìm cách để tháo gỡ từ từ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 một cách khắt khe; kết quả là chỉ có 67,5% học sinh thi đậu. Nhưng, ngay sau đó, ông đã phải cho các em thi lại vì nếu không tốt nghiệp thì xã hội sẽ lãng phí 12 năm học của 417 nghìn học sinh. Một nền giáo dục chỉ sản xuất được máy công nông mà đem tiêu chuẩn Toyota kiểm soát “đầu ra” thì sản phẩm của nó làm sao xuất xưởng.

Tổ chức tốt một kỳ thi cũng có cái hay là đánh giá được mình, nhưng muốn đưa nền giáo dục thoát ra thì trước hết phải biết mình có khả năng tới đâu và định cung cấp những sản phẩm như thế nào cho xã hội. Trên cơ sở ấy mới thay đổi công nghệ và thu hút nguồn nhân lực. Các học giả cho rằng phải bắt đầu bằng triết lý giáo dục; nhưng, có lẽ chỉ nên diễn dịch vấn đề đơn giản: cần có một nền giáo dục sao cho, những người bình thường sau khi học xong tự kiếm được cơm ăn, những người tài năng thì không chỉ có khát vọng thành đạt cho bản thân mà còn có trách nhiệm với tương lai tổ quốc.

Làm sao để lấy lại niềm tin cho con trẻ, để phụ huynh không phải tìm nơi cho con em “tị nạn giáo dục” như cách nói của GS Võ Tòng Xuân, vừa được nhắc lại bởi nhà văn nữ Dạ Ngân. Thay khẩu hiệu, thay phong trào bằng những bước đi thiết thực; thay những giờ học vẹt bằng những giờ học phát huy sức sáng tạo; giảm những môn học mà ngay cả thầy cũng không còn tin. Bộ Giáo dục có thể độc quyền viết sách giáo khoa về Marx- Lenin; nhưng, môn tiếng Anh thì có thể giảm chi phí bằng cách xin bản quyền những chương trình giảng dạy tiếng Anh nổi tiếng.

Bắt đầu từ những năm 80, những người giỏi nhất đã không còn thi vào ngành sư phạm. Những người giỏi còn lại thì bị thách thức trước thu nhập ở ngành khác cao hơn. Một cô giáo có trình độ tiếng Anh nói và nghe được có thể tìm việc 5-6 trăm “đô” làm sao có thể yên tâm dạy với 2 triệu đồng/tháng. Đã là nhà giáo thì phải có lương tâm, nhưng nhà nước cũng không thể để cho những người làm “nghề cao quý” phải quan tâm “lương tháng”.

Ngân sách đã chi rất lớn cho giáo dục, Bộ biết rõ khoản tiền 4,7 tỷ USD (năm 2008) ấy có thực sự được chi đúng mục tiêu. Nếu ngân sách không thể tăng thì phải khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư. Đừng bắt tư nhân phải “chạy” giấy phép, đừng bắt các khoa, các trường đại học phải ra Hà Nội để ký tá… hãy để những chi phí “thủ tục” ấy trực tiếp biến thành con chữ cho dân. Người dân Việt Nam đã bỏ hàng tỉ đô la để đưa con em đi “tị nạn”. Người dân Việt Nam cũng có thể dùng số tiền ấy để đóng học phí nếu có trường lớp tử tế và chính sách rõ ràng.

Nếu bắt tay giờ đây, từ ngưỡng cửa của trường sư phạm, thì sự thay đổi trong nền giáo dục chỉ có thể bắt đầu 5-6 năm sau. Có thể những đóng góp về chính sách hôm nay, phải hàng thập kỷ mới được ghi nhận. Nhưng, sự nghiệp của một nhà chính trị không phải là quyền cao chức trọng mà là thực sự làm được những gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân đã rất khiêm tốn nói, thời gian đầu khi làm Bộ trưởng, ông chỉ là người “học việc”. Có lẽ không ở đâu xa xỉ như Việt Nam, một bộ trưởng bắt đầu học khi đã ngồi vào ghế. Nhưng, ông đã có hơn ba năm, có thời gian nhìn lại để lựa chọn mốc mới cho một sự nghiệp lâu dài, một sự nghiệp có thể lưu danh.

Một dân tộc muốn ngửng cao đầu thì trước hết phải biết xấu hổ. Một quốc gia sẽ không có tương lai nếu một nền giáo dục không kiên quyết quay lưng với những điều giả dối. Ngay từ trong nhà trường mà học sinh không biết tư duy độc lập, không có chính kiến thì cho dù có hàng chục nghìn tiến sỹ, đất nước cũng không thực sự có trí thức. Muốn cải cách giáo dục thì cần phải có những nhà lãnh đạo mất nhiều đêm thao thức, nhưng, trước khi đưa ra một chính sách, chính các nhà lãnh đạo ấy, cần phải ngủ sao cho đủ giấc.

Huy Đức
Blog Osin

30 tháng 8, 2009

Kênh "ông Kiệt" tắm mát đồng bằng



HOCMOINGAY. Báo An Giang khởi đăng loạt bài phóng sự "Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng " của tác giả Bảo Trị- Thành Chinh. Việc đặt tên công trình kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và đặt bia lưu niệm tại đầu kênh để ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng với hệ thống kênh huyết mạch, tháo chua, rửa phèn, mở mang vùng đất hoang hóa của khu vực Tứ giác Long Xuyên là Quyết nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII.

Loạt bài liên quan trên các báo và blog:
Kênh ông Kiệt tắm mát đồng bằng (Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường Đại học An Giang đăng tin Báo An Giang)
Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt (Quốc Việt, Báo Tuổi Trẻ)
Kỳ 5: Đào kênh T5
Kỳ 4: Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân
Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế
Kỳ 2: Trấn giữ biên giới
Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam
Kênh ông Kiệt (Võ Ngọc- Bảo Châu, Báo Đất Việt)
Kênh ông Kiệt giữa lòng dân (Hoàng Kim, Blog Thung Dung)

I. QUYẾT SÁCH MANG TẦM LỊCH SỬ

"Theo tôi, một trong những quyết sách mang tầm lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là việc mở mang vùng đất phèn mặn Tứ giác Long Xuyên và ngăn dòng, phân lũ đầu nguồn. Chính điều đó đã mở ra trang mới cho sản xuất nông nghiệp và khai phá vùng đất chết bấy lâu nay ở đó", đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tâm sự về công trình kênh thoát lũ ra biển Tây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Từ thực tiễn đồng bằng

Câu chuyện lũ tháng 7, tháng 8 hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long với cảnh nước trắng đồng. Những ngôi nhà chỉ còn thấp thoáng mái lá nhấp nhô trong biển nước. Cảnh cắt lúa chạy lũ ngụp lặn vụ hè thu. Học sinh đến lớp bằng xuồng ghe và những cái chết đuối thương tâm cứ như vết cắt đau nhói. Cảnh những chiếc quan tài gác chéo không nơi chôn cất. Những gia đình đói khát, thiếu ăn cứ ngày ngày khát khao được sự hỗ trợ… Tất cả những điều đó đã một thời khắc họa về lũ đồng bằng. An Giang là tỉnh đầu nguồn, hằng năm gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhất. Vấn đề "sống chung với lũ" và tìm biện pháp thoát lũ chính là việc làm cấp bách nhất đối với An Giang thời điểm ấy. Ngày đó, Bộ Trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Vinh trong một chuyến về thăm và làm việc tại An Giang đã nhận xét: "Chống lũ cho đồng bằng phải cần biện pháp triệt để, chúng ta không thể đợi lũ về rồi cứu đói. An Giang phải quy hoạch hệ thống kênh cấp 2, 3 đảm bảo cho việc phân dòng chảy. Song song đó, cần khắc phục nhanh chóng công tác chống lũ bằng một hệ thống kênh mương nội đồng hoàn chỉnh". Nhớ lại ngày ấy, đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: "Thời điểm trước năm 1997 (trước khi tuyến kênh T5 hoàn thành, P.V) cứ dạo lũ về là các cấp, các ngành lo ngai ngái. Lũ về là những vùng trũng, đầu nguồn lại phải lo cảnh sơ tán dân, cứu đói, cắt lúa chạy lũ. Từ khi hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hoàn thành theo Quyết định 99/TTg như: Nạo vét kênh Tám Ngàn, H7, các kênh 5, 13, 16… , phần nào lũ đã khống chế. Tuy vậy, những vùng như Tứ giác Long Xuyên, cảnh lũ trắng đồng vẫn là nỗi lo lớn, buộc những người lãnh đạo phải bàn quyết sách tháo gỡ vấn đề".

Không chỉ bức xúc về chuyện lũ lụt. Một tầm nhìn xa hơn chính là khai phá vùng đất trũng phèn có diện tích gần 500.000 ha đất nông nghiệp vẫn còn hoang hóa nhiễm phèn thuộc Tứ giác Long Xuyên. "Tứ giác Long Xuyên, trong đó, An Giang chiếm diện tích khá lớn chính là vùng đất chúng ta bỏ quên bấy lâu nay chưa khai phá. Đất không phụ người, chỉ sợ người phụ đất mà thôi", đồng chí bảy Nhị tâm sự.

Quyết sách mang tầm thời đại

Những chuyến khảo sát của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về An Giang trong những ngày mưa lũ ấy đã giúp ông có cái nhìn thấo đáo hơn chuyện chống lũ. Nhạy cảm và phản ứng kịp thời trong quyết định, ông nhanh chóng đưa giải pháp làm các "công trình khẩn cấp" xây cống đập ngăn mặn, ngay sau đó hoàn thành các kênh thoát lũ mà các công trình kênh T4, T5, T6 đã đem lại hiệu quả tốt. Thoát được lũ, dẫn được ngọt về cho công cuộc khai hoang những phần đất khó khăn nhất còn lại của Tứ giác Long Xuyên. Chuyến về thăm và làm việc tại An Giang trong hai ngày 21, 22-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thị sát cánh đồng Lạc Quới, kênh mương nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên đã chỉ rõ: "Đề án này (Đề án quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên) cần nhanh chóng thực hiện vì nó sẽ giúp khu vực sử dụng được nguồn phù sa vô giá của lũ sông Cửu Long, chính nó sẽ đảm đương việc thoát lũ, rửa phèn khai phá đất nông nghiệp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên- Môi trường) nhanh chóng phối hợp lập kế hoạch xây dựng tuyến kênh thoát lũ ra Vịnh Thái Lan".

Và công trình thoát lũ ra biển Tây bắt đầu từ việc đào xong kênh T6, đưa nước từ Vĩnh Tế qua kênh Mới về biển Hà Tiên vào năm 1996. Đầu năm 1997, thực hiện Quyết định 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số công trình chống lũ cấp bách đã được triển khai xây dựng như kênh T5 - Tuần Thống, Luỳnh Quỳnh, Tân Thành - Lò Gạch, tuyến đê bờ nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt thoát lũ ven biển... Song song với việc xây dựng các công trình chống lũ cấp bách là việc triển khai lập dự án tiền khả thi kiểm soát lũ vùng TGLX với sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, các nhà khoa học nhằm xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp kỹ thuật và tiến độ xây dựng để từng bước hoàn chỉnh các công trình phòng chống lũ ở khu vực. Nhờ thế hàng loạt công trình thủy lợi phục vụ dẫn ngọt, tiêu chua, tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn và hàng vạn cây số bờ bao bảo vệ lúa hè thu được xây dựng đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong vùng.

Trong đó, kênh T5 là có ý nghĩa chiến lược, quyết sách mang tầm thời đại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được khởi công giữa quý I đến cuối tháng 8-1997 là hoàn thành. Công trình thủy lợi hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử đào kênh ở Việt Nam.

II. KHAI HOANG VÙNG ĐẤT CHẾT

Tháng 8-1997, tuyến kênh Tuần Thống-T5 huyết mạch nối từ đoạn cua kênh Vĩnh Tế qua miệt Tri Tôn, về Hòn Đất (Kiên Giang) thẳng ra biển Tây đã mở ra trang mới cho vùng đất Tứ giác Long Xuyên. Tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn ha đất và An Giang có thêm 9.500 ha đất nông nghiệp ven tuyến kênh chính thức bước vào sản xuất.

Ngày 21-4-1997 chính là dấu mốc quan trọng nhất đối với tuyến kênh Võ Văn Kiệt khi đề án mở kênh Tuần Thống-T5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức được Thủ tướng phê duyệt. Công trình mang tầm vóc lớn lao cả về ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược về mặt kinh tế. Gắn bó với tuyến kênh ấy từ những ngày đầu "thai nghén", đồng chí Nguyễn Minh Nhị còn nhớ: "Tranh thủ trước lúc Thủ tướng vào thăm và làm việc tại An Giang giữa năm 1996, với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp, tôi đã chỉ đạo anh em gấp rút hoàn thành các tuyến kênh nội đồng, kênh cấp 2 theo đề án Quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Ròng rã mấy tháng trời, từ tỉnh đến xã tranh thủ ngày đêm tiến hành đào kênh. Vậy là chuyến thăm của Thủ tướng ngay lúc lũ về năm 96 đã cho thấy tác dụng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng. Chính chỗ mình hoàn thành tốt công tác thủy lợi nên khi Thủ tướng khảo sát, anh em tranh thủ kiến nghị Thủ tướng sớm quy hoạch, đào thêm một hệ thống kênh tháo chua, rửa phèn nhằm phát triển diện tích đất hoang hóa trong vùng tứ giác". Đi cùng Thủ tướng trong các chuyến khảo sát vùng TGLX, ông Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ hỏi: "Nếu quy hoạch như vậy thì mực nước lũ sẽ dâng lên bao nhiêu? Các anh đã có biện pháp nào giải quyết?". Đáp lời, ông bảy Nhị chỉ rõ "Chúng ta đã hình thành hệ thống đê bao, cống bửng, kênh mương nội đồng khá tốt. Nếu chống lũ triệt để như thế thì với mực nước lũ trung bình hằng năm có thể tăng thêm khoảng 10cm. Nhưng nếu có tuyến kênh thoát lũ tốt, vấn đề trên sẽ giải quyết ổn thỏa". Ông Viện trưởng gật gù tâm đắc.

Công trình đi vào thi công và đầu tháng 8 năm 1997 tức chỉ sau 4 tháng, hàng ngàn công nhân, máy móc hối hả móc đắp, 48km (trong đó, An Giang chiếm gần 11km) của tuyến kênh Võ Văn Kiệt khai dòng với lưu lượng thoát lũ 800m³/giây. Vài năm sau, hàng ngàn ha đất nông nghiệp ven dòng Võ Văn Kiệt chính thức xanh đồng với màu xanh cây lúa. Và người dân vùng biển Hòn Đất (Kiên Giang) lần đầu trong đời thấy nước bạc xuất hiện khi lũ về.

Hiệu quả kinh tế-xã hội bước đầu

Từ ngày tuyến kênh Võ Văn Kiệt chính thức thông dòng, hệ thống kênh mương nội đồng vùng TGLX phát huy hiệu quả, cảnh nước lũ trắng đồng và nhà chỉ còn nóc đã không còn xuất hiện. "Lũ năm 1997,1998 anh em ở Trung ương, báo chí về với An Giang dữ lắm. Một mặt họ đi để xem lũ về ra sao, mặt khác họ coi xem tuyến kênh đào của Thủ tướng phát huy hiệu quả thế nào. Những năm ấy, cụm từ "lũ đẹp" bắt đầu xuất hiện. Và định nghĩa sống chung với lũ từ đó cũng hình thành", ông bảy Nhị trầm tư nhớ lại. Song song, tuyến đê bao hình thành từ việc múc kênh đã giúp địa phương bố trí cụm tuyến dân cư vượt lũ, ổn định chỗ ở cho dân. Từ một công trình thủy lợi vừa mở mang diện tích sản xuất, vừa đảm trách vai trò an sinh xã hội hết sức lớn lao.

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Sâm, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, mùa lũ năm 2000, trận lũ lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 84 năm qua, các công trình kiểm soát lũ TGLX (trong đó vai trò kênh Võ Văn Kiệt đứng vị trí khá then chốt) bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Các công trình kiểm soát lũ TGLX được xây dựng với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn dòng chảy lũ ít phù sa từ Campuchia tràn vào TGLX và đưa lượng lũ này theo kênh Vĩnh Tế và một số kênh khác thoát nhanh ra biển Tây để giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập do lũ đầu vụ và lũ cuối vụ gây ra đối với nội đồng. Ổn định vững chắc 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu; giảm thấp mức lũ chính vụ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giảm thiệt hại về người và của mùa lũ về. Từ đó, tạo thế đưa nước ngọt giàu phù sa từ sông Hậu vào kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường nước, vệ sinh đồng ruộng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Tất cả đã được kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đảm trách hiệu quả.

Cũng nhờ việc xây dựng tuyến công trình kiểm soát lũ tràn biên giới để ngăn lũ tràn từ Campuchia qua 7 cầu (lúc lũ nhỏ), ngăn 5 cầu (mở Tha La và Trà Sư - lúc lũ lớn) đồng thời với việc nạo vét mở rộng kênh Vĩnh Tế, xây dựng đập tràn Xuân Tô, đào tuyến kênh thoát lũ Võ Văn Kiệt đưa lũ sang Tứ giác Hà Tiên (TGHT) đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ lũ vùng TGLX. Đây là thắng lợi có tính quyết định từ chủ trương kiểm soát lũ đầu vụ ở TGLX của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

III. SỨC SỐNG MỚI TRÊN TUYẾN KÊNH THOÁT LŨ

Chỉ vài năm sau ngày chính thức thông dòng, những cánh đồng xanh bát ngát; cụm, tuyến dân cư vượt lũ được hình thành; sức sống mới đã trỗi dậy mạnh mẽ trên dòng kênh Võ Văn Kiệt.



Nông dân Vĩnh Gia sản xuất bên dòng kênh Võ Văn Kiệt thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: B.T

Sản xuất hồi sinh:

Là vùng hoang hóa, toàn cỏ năng, cỏ lác cao quá đầu người, mùa nước thì nước ngập lênh láng, mùa khô dậy phèn vàng nghệ tay chân. Đất vùng này đúng với cái tên gọi “khỉ ho cò gáy”. Nhiều lần Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ dân vào đây lập nghiệp mà chẳng ai chịu đi hết. Cực khổ trăm bề”. Chú Lê Văn Tư, một trong những cố cựu khai phá vùng đất hoang hóa Tứ giác Long Xuyên ngày nào trầm tư nhớ lại.

Thế nhưng từ hệ thống kênh Vĩnh Tế, T4, T5, T6 cùng hệ thống đê bao, đập tràn ngăn xả lũ Tha La, Trà Sư và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt ven biển hoàn chỉnh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã dần ngọt hóa, đánh thức vùng đất phèn nặng, góp phần to lớn vào quá trình thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển. Trong đó, dòng kênh T5 - Tuần Thống (kênh Võ Văn Kiệt ngày nay, P.V) đóng vai trò rất quan trọng, thật sự tắm mát vùng đất hoang vu bằng phù sa ngọt lành. Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Quới Lê Hoàng Hà tâm sự, năm 1996, do hệ thống kênh mương nội đồng còn yếu nên nước lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ về dìm ngập cả vùng Tứ giác trong biển nước. Từ khi kênh Võ Văn Kiệt được hoàn thành đưa vào sử dụng thoát lũ ra biển Tây nó đã tháo chua rửa phèn làm ngọt hóa vùng đất này.

Những ngày tháng bảy, chúng tôi đến xã Lạc Quới (Tri Tôn), một địa phương nằm đầu kênh Võ Văn Kiệt. Cánh đồng Lạc Quới chín vàng và trĩu hạt lúa hè thu. Đang cào vung đống lúa trên bờ kênh, vô bao chuẩn bi đón bạn hàng đến cân, chú Lê Văn Tư hồ hởi nói: “Mấy năm nay lúa thóc giá lúc vầy, lúc khác, nhưng lay lắt cũng sống được. Cố tích cóp xoay sở thì có dư chút đỉnh. Ai mà nghĩ cái đất toàn cỏ năng, cỏ lát, rắn rít tùm lum, rồi phèn thì khỏi nói, vậy mà giờ làm được tới lúa hai vụ một năm. Năm hẻo lắm, 30 công ruộng của tui cũng cho tròm trèm 20 tấn. Nhờ Thủ tướng đào kênh này mới giúp đất đai ở đây được hồi sinh”.

Không chỉ rửa phèn, mở mang đất sản xuất, hệ thống đê bao từ việc múc kênh Võ Văn Kiệt đã giúp huyện Tri Tôn mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn từ Vĩnh Gia đến Lạc Quới. Trên cụm tuyến dân cư Kênh T5 (ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, Tri Tôn) gặp chú Trần Văn Du hỏi chuyện đời sống bà con, chú bảo: “Đời sống bà con cũng còn khó khăn nhưng bây giờ có cái nhà cao vầy cũng đỡ lắm. Nhờ tuyến kênh “ông Kiệt”, Nhà nước đầu tư cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhà tôi hết sợ ngập lụt”. Đặc biệt, đỉnh lũ năm 2000, nước ngập luôn tuyến quốc lộ N1 nhưng riêng bờ kênh Võ Văn Kiệt là không ngập lụt, bà con nơi đây đã có được chỗ ở thật sự an toàn.

Đời sống khởi sắc

Chỉ tay về đám cánh đồng, ông Hà nói thêm, trước năm 1997, toàn xã Lạc Quới có khoảng 1.550 ha nhưng từ khi con kênh T5 được đào xong, người dân khai hoang phục hóa nâng diện tích đất canh tác nông nghiệp lên hơn 20.000 ha. Hàng trăm hộ trước khó khăn, giờ của ăn, của để con cái ra riêng đều mần ăn khấm khá. Điển hình là gia đình chú Trần Văn Du (66 tuổi). Chú kể: “Trước đây vùng này làm gì mần lúa được, phèn nổi trên mặt đất đỏ au, lúa sạ xuống vài ngày sau tất cả đều chết sạch, nhiều nông dân ở nản trí bỏ đất đi nơi khác lập nghiệp. Còn giờ, không chỉ trồng mấy giống bình thường, bà con còn canh tác cả giống lúa cao sản”. Trung bình mỗi năm, 50 công ruộng, gia đình chú Du đổ bồ hơn 15 ngàn giạ lúa, kiếm lời tròm trèm 100 triệu đồng. Và khi lúa làm ngày một trúng, đất đai cũng theo ấy tăng dần giá trị. Chú Du cho hay, “Đất nông nghiệp loại A vùng này giờ có giá cỡ hai ba chục triệu chứ chẳng chơi”.

Không chỉ phát triển cây lúa, ven dòng kênh Võ Văn Kiệt vùng Vĩnh Gia, Lạc Quới ngày nay còn phát triển nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Khoanh nuôi, khôi phục cây bàng tạo nguồn nguyên liệu cho nghề đươn đệm chính là mô hình khá độc đáo. Anh Nguyễn Văn Hiệp ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, đã tuyển chọn những lứa bàng đầu tiên từ mô hình “Trồng cây hoang dã” của mình, bắt đầu gây sự tò mò đối với nông dân vùng kênh Võ Văn Kiệt qua cách làm hơi… lạ lùng. Anh tâm sự: “Thấy bà con làm nghề khá đông, đi tìm nguồn nguyên liệu quá xa, có nhiều khó khăn. Tôi mới nảy sinh trồng cây bàng, người ta hoài nghi không đạt yêu cầu, vì chưa có tài liệu nào hướng dẫn, chẳng ai chỉ bảo gì cả”. Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng bàng đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập khoảng 20.000đ/người/ngày; bán cây bàng nguyên liệu lời không dưới 400.000đ/ngày và có khả năng kéo dài được 8 tháng trong một năm. Nhận xét mô hình “Trồng cây hoang dã” của anh Nguyễn Văn Hiệp ở kênh T5, Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tri Tôn cho rằng: “Việc thay cây lúa để trồng bàng của anh Nguyễn Văn Hiệp là một cách làm hay và phù hợp điều kiện canh tác trên đất phèn, vùng đất kém hiệu quả. Mô hình này sẽ được đúc kết kinh nghiệm và xem xét nhân rộng trong thời gian tới”.

IV. TỪ KÊNH VÕ VĂN KIỆT NHỚ KÊNH VĨNH TẾ

Kênh Vĩnh Tế dài khoảng 100km chạy dọc biên giới hai tỉnh An Giang, Kiên Giang với vương quốc Campuchia. Thượng nguồn kênh tiếp dòng sông Hậu ở thị xã Châu Đốc, hạ nguồn nhập sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Qua xói lở và nạo vét, hiện kênh Vĩnh Tế rộng khoảng 40-70m, sâu 3-4m so với mực nước biển tùy từng đoạn, cua. Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan.

Mới đây, nhân dân An Giang, nhân dân miền đất Thất Sơn long trọng tổ chức 180 ngày mất danh nhân Thoại Ngọc Hầu, một anh hùng có công lớn khai phá miền đất phương Nam. Trong đó, công trình có tính chiến lược nhất và ghi dấu ấn đậm nét của ông chính là dòng kênh Vĩnh Tế nối An Giang - Kiên Giang thành hào lũy thành đồng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mở mang vùng đất mới. Không hẹn mà gặp gần 180 năm sau từ ngày tiền nhân cuốc nhát suổng đầu tiên tạo nên dòng kênh Vĩnh Tế thì một người con khác của miền đất phương Nam, ông Sáu Dân (tên gọi thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã tiếp nối một trang mới trên vùng đất phèn chua, cỏ cháy bằng dòng kênh Võ Văn Kiệt mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội. Hai con người ở hai thời đại nhưng đã gặp nhau trong tầm nhìn chiến lược, để lại dấu ấn muôn đời về hai dòng kênh lịch sử.

Kênh Vĩnh Tế - hào lũy đất phương Nam

Sau khi đào xong kênh Thoại Hà, vua Gia Long lại cho đào tiếp con kênh chạy dọc theo khu vực đường biên giới Việt Nam - Campuchia, nối Châu Đốc với Hà Tiên, sau được đặt tên là kênh Vĩnh Tế. Theo sách "Chánh kiên toát yếu", vua Gia Long đã phủ dụ: "Công trình đào sông này rất là khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, chúng người tuy rằng ngày nay chịu khó, nhưng mà ích lợi cho muôn đời về sau...".

Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài gần 100km do Nguyễn Văn Thoại (tức Thượng đạo Khâm sai, trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) với sự đóng góp công sức của hơn 80.000 dân binh. Khi hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu (bà Châu Thị Vĩnh Tế), đặt tên cho con kênh có tầm vóc chiến lược này là kênh Vĩnh Tế.

Dòng kênh Vĩnh Tế từ ngày đầu hình thành đã trở thành một trong những công trình chiến lược nhất ở thế kỷ 19. Theo các nhà nguyên cứu về miền đất phương Nam cho thấy, việc đào tuyến kênh thẳng tắp từ An Giang về tận Kiên Giang, gần tiếp giáp biển Tây đã mở mang tuyến thủy lộ quan trọng và mở mang vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Bên dòng Vĩnh Tế, người dân lập thôn lập ấp, an kế đời sống và ngày nay có những gia đình là hậu duệ nhiều đời của những phu đào kênh năm xưa đã bám trụ vùng đất ven kênh an cư lạc nghiệp.

Song song đó, chính tuyến kênh Vĩnh Tế đã trở thành tuyến kênh ranh giới, đường biên trên thủy hết sức đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một người con ven dòng Vĩnh Tế (quê ông thuộc xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, P.V) khi nhắc nhớ về những ngày cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu bên dòng Vĩnh Tế đã trầm tư: "Nói thật, đến giờ, tôi cũng không còn nhớ bao nhiêu lần vượt con kênh biên giới thời chống Mỹ. Nhưng có một điều tôi không thể quên, đó là hàng chục, hàng trăm đồng đội đã ngã xuống, máu đồng đội đã hòa dòng Vĩnh Tế để bảo vệ quê hương đất nước trước quân thù". Tính yết hầu của phòng tuyến này chính là yếu tố quan trọng nhất về mặt chính trị của dòng kênh Vĩnh Tế.

Kênh Võ Văn Kiệt- sang trang miền đất Tây Nam

12 năm dòng kênh Võ Văn Kiệt, con số này nếu đem so sánh với tuổi đời của kênh Vĩnh Tế chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng cũng không thua kém sự hữu ích, khi chính dòng kênh Võ Văn Kiệt đã khơi dòng cho nước phèn thoát ra biển Tây, mở đường cho phù sa Cửu Long về tắm mát đồng bằng.

Mùng 8 Tết Mậu Dần 1998 (nhằm ngày 4-2-1998), cố vấn Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng đoàn công tác cao cấp của Chính phủ, Bộ ngành, thành viên chương trình "Thoát lũ biển Tây" đã về khảo sát kênh Võ Văn Kiệt, chuyến thị sát sau gần 6 tháng công trình đưa vào khai thác đã cho thấy rõ tiềm năng: 50.000 ha đất hai tỉnh An Giang, Kiên Giang được ngọt hóa, hai cụm tuyến dân cư của hai tỉnh hình thành, đất năng và lác ngày nào đã và đang trở thành đất sản xuất nông nghiệp… Và mùng 9 Tết năm Mậu Dần ấy cũng đã chứng kiến một quyết định khác về thủy lợi mang dân ấn Sáu Dân: Khởi công nạo vét kênh Vĩnh Tế, điều tiết lũ cùng dòng Võ Văn Kiệt thoát nước ra biển Tây. Chọn bờ Nam song song tuyến kênh hình thành những tuyến dân cư vượt lũ trên toàn tuyến. Công trình thủy lợi nối tiếp dòng kênh Vĩnh Tế của tiền nhân Thoại Ngọc Hầu chính là đại công trình thủy lợi tiếp theo mở trang mới cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Tổ quốc.

Những "công trình thủy lợi cấp bách" mang dấn ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "bác Sáu Dân" của người dân Nam Bộ đã và đang thể hiện vai trò lớn lao. Hơn một năm ngày ông ra đi về cõi hiền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã tri ân ông bằng việc chính thức đổi tên tuyến kênh T5-Tuần Thống là kênh Võ Văn Kiệt. Và, trong tấm lòng đồng bào miền đất biên giới Tây Nam Tổ quốc sẽ nhớ mãi về ông "Thủ tướng của nhân dân". Chúng tôi xin kết loạt phóng sự bằng 4 câu thơ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị:

Vẫn là Thủ tướng của nhân dân
Vẫn là anh Sáu mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình đất nặng chân.


BẢO TRỊ - THÀNH CHINH

Người theo dõi