Lưu trữ Blog

3 tháng 1, 2008

NGÔN NGỮ BÁC HỒ

Hoàng Kim

Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI. Tiếp đó, là ”HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ”. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng học suốt đời không bao giờ xong. Học ăn, học nói không dễ. Trăm bệnh từ miệng mà vào, trăm họa từ miệng mà ra. Học gói học mở càng khó. Chuyên tâm đúng, nổ lực đúng, học điều đáng học, làm việc đáng làm, dạy điều đáng dạy, nói đi đôi với làm là căn bản của học gói, học mở.

Học cái hay, cái đẹp của từ ngữ tiếng Việt là công việc phải học suốt đời và thực hành suốt đời vì ngôn ngữ là vỏ bọc của trí tuệ và nhân cách. Học ngôn ngữ không những cần thiết đối với những người trong ngành khoa học xã hội nhân văn mà cho tất cả mọi người trong mọi ngành kinh tế kỹ thuật ... Từ những người lao động bình thường đến những chính khách lão luyện đều rất cần thiết phải học cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ mà mình muốn diễn đạt.

“NGÔN NGỮ BÁC HỒ” được tập hợp dựa trên những mẫu chuyện hoặc bình chú ngôn ngữ thơ văn của Bác do thầy Trịnh Mạnh gợi ý. Thầy là chuyên viên cao cấp ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã liên tục 45 năm làm công tác giảng day và nghiên cứu tiếng Việt, là tác giả của sách Tiếng Việt lý thú (Tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục, mã số 8H780T5-TTS năm 2005) đã tái bản lần thứ tư. Tôi thích thơ văn của Bác và cảm động trước lời khuyên này nên mạnh dạn sưu tầm, chọn bài để ước mong cùng học với bạn đọc.

BÁC HỒ CHỌN TỪ KHI NÓI VÀ VIẾT

Trịnh Mạnh

Trong Tuyên ngôn Độc lập, để vạch trần thái độ tàn ác của thực dân Pháp trước công luận, Bác viết: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. Từ tắm có nghĩa mạnh hơn từ dìm, còn nói lên sự khát máu của bọn thực dân Pháp, chỉ rõ được tim đen của bọn xâm lược.

Từ thuần Việt mà Bác dùng hay nhất có lẽ là từ ngóc trong câu: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”. Từ ngóc, một khẩu ngữ thông thường nhưng được dùng rất hay, diễn tả rất đúng. Ngóc chỉ tư thế một người đang nằm sát đất, nằm sấp, đầu và thân mình nằm trên một mặt phẳng… Từ ngóc chỉ tình thế khốn quẫn, sống dở chết dở của tầng lớp tư sản dân tộc trước năm 1945. Họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn mở mang công nghiệp nhưng bị thực dân cấm đoán, chèn ép, đè bẹp.

Để phát huy hiệu lực nghệ thuật và mang tính đại chúng, bản Tuyên ngôn Độc lập có 46 câu, số câu ngắn đã chiếm đến 38 câu. Ví dụ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Số câu dài có từ 30 tiếng trở lên, Bác đều ngắt đoạn rất rành mạch. Vì vậy, ai đọc cũng hiểu.

(Dựa theo bản thống kê và một số ý của Phan Đăng Khải)

30 tháng 12, 2007

Chúc mừng năm mới 2008

BÁC KHÔNG LẠM DỤNG TỪ NGỮ

Trịnh Mạnh

Một lần đọc báo, thấy câu: "Chúng ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác". Bác Hồ đã gọi tác giả đến và nói:"Không bao giờ giành hết được thắng lơi. Nên sửa lại câu văn là: "Chúng ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Một lần khác, có một cán bộ dùng từ "thiệt là một thắng lợi long trời lở đất". Bác đã phê bình bằng một câu hỏi hóm hỉnh:"Thế sau thắng lợi, Bác và chú sẽ ở đâu ?".

(Theo lời kể của anh Việt Phương, chuyên viên cao cấp ở Phủ Thủ tướng)

BÁC HOẠ THƠ NGUYỄN HẢI THẦN

Trịnh Mạnh

Năm 1946, bọn Quốc dân đảng núp bóng quân Tưởng hòng lật đổ chính quyền non trẻ của ta. Chính phủ ta đành nhân nhượng, đồng ý cho Quốc dân đảng 70 ghế đại biểu Quốc hội và cho Nguyễn Hải Thần chức Phó Chủ tịch Nươc.

Tháng 5.1946, Bác Hồ chuẩn bị đi Pháp đã trao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch Nước. Nguyễn Hải Thần căm tức nên đã làm một bài thơ gửi Bác Hồ . Nguyên văn bài thơ của Nguyễn Hải Thần:

Gặp gỡ đường đời Bác với tôi
Đường đời gian khổ phải chia đôi
Tuy riêng Nam-Bắc riêng bờ cõi
Cùng một ông cha, một giống nòi
Lỡ bước đành cam thua nửa ngựa
Còn hơn miệng thế nói mười voi
Mấy lời nhắn nhủ ông ghi nhớ
Nước ngược buông câu khéo mất mồi.

Bác Hồ đã dùng lời lẽ châm biếm họa lại bài thơ đó. Bài đáp của Bác Hồ:

Gặp gỡ đường đời anh với tôi
Đường đời gai góc phải chia đôi
Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc
Há bỏ ông cha, bỏ giống nòi
Trách kẻ đem thân vào miệng cọp
Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
Tàn cờ mới biết tay cao thấp
Há phải như ai cá thấy mồi

Câu thứ 4, thứ 5 và thứ 8 mỉa mai Nguyễn Hải Thần theo đuôi bọn Quốc dân đảng . Trong thời gian Bác Hồ đi Pháp, bọn Quốc dân đảng ra sức quấy rối, bắt cóc, tống tiền . Chính cụ Huỳnh đã hạ lệnh tiêu diệt bọn bán nước trong vụ án ở phố Ôn Như Hầu .

(Tư liệu của Nguyễn Kim Côn, Báo Đại Đoàn Kết)

TỪ XƯNG HÔ KHI BÁC ĐỐI THOẠI

Trịnh Mạnh

Xưng là từ chỉ về mình, hô là gọi người khác.

Trong tiếng Việt từ xưng đều có nguồn gốc là danh từ chỉ quan hệ gia đình, gia tộc như cụ, ông, bà, bác, cô, chú, anh, chị, em, cháu ...thêm vào đó có một số danh từ chỉ quan hệ xã hội như thầy, bạn, đồng chí, vị, ngài ...

TỰ XƯNG
Theo văn bản vào tháng 5-1950 trong bài nói chuyện tại hội nghị huấn luyện toàn quốc, ta thấy Bác tự xưng là bác với các cán bộ trẻ .Từ Bác tạo nên sự thân mật, gần gũi, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng.

Bác rất ít tự xưng là tôi hoặc ta . Trong trường hợp lễ nghi long trọng, với cương vị Chủ tịch Nước, Bác mới xưng tôi (Tôi nói, đồng bào nghe rõ không ?). Chỉ duy nhất một trường hợp Bác xưng ta trong bài điếu Hồ Tùng Mậu : Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng ? (Từ ta ở đây vẫn tạo được sự thân mật vì hoà người nói và người nghe làm một).


Bác là một lãnh tụ rất gần gũi với quần chúng và Bác sử dung tiếng Việt vô cùng trong sáng và nhuần nhi. Khi gọi người khác, tùy từng đối tượng giao tiếp, Bác dùng tiếng Việt rất thuần thục:

Bác dùng từ em để gọi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô (thư ngày 27/1/1947): "Cám em ăn Tết thế nào ? Tôi và nhân viên chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết . Các em là đội cảm tử . Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh (Những lời kêu gọi-tập 1,trang 140)

Bác dùng từ đồng bào khi nói với toàn dân .

Bác dùng từ bà con để tỏ vẻ thân tình khi nói chuyệ n với một bộ phận nhân dân

Bác dùng từ đồng chí khi nói với đảng viên cán bộ .

Bác dùng từ ngài trong trường hợp ngoại giao với các nhân vật nước ngoài để tỏ vẻ kính trọng.

Bác dùng từ người (một từ mang sắc thái trung tính) khi nói chuyện với tù binh Pháp "Tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình trạng nạy Tôi coi các người như là bạn của tôi (Những lời kêu goi. Tập 1, trang 110).

HAI CHỮ " MUÔN VÀN" TRONG DI CHÚC CỦA BÁC

Trịnh Mạnh

Bác Hồ mất được vài hôm . Một buổi sáng đến tòa soạn, anh Hoài Thanh hỏi tôi:
- Anh đọc di chúc của Bác có chú ý đến hai chữ này không ?

Anh dừng lại như đế xem tôi có đoán được hai chữ anh định nói .
- Hai chữ gì hả anh ?

- "Muôn vàn" "Tôi gửi lại muôn vàn tình thân yêu"

- Tôi chỉ thấy hay thôi

- Tôi thấy ông cụ tài quá . Tôi đã thử tìm những từ có thể thay thế hai chữ đó nhưng không thể nào thay thế nổi . Tôi gửi lại vô vàn tình thân yêu ... vô vàn hay muôn nghìn tình thân yêu đều không đươc. Vô vàn thì trừu tượng hoàn toàn còn muôn nghìn thì quá cụ thể . Chỉ có muôn vàn là hay nhất .

- Vì sao muôn vàn lại là hay nhất hả anh ?

- Vì nó có một phần cụ thể: muôn là con số đếm được nhưng lại có phần trừu tượng ; vạn là cụ thể nhưng vàn là trừu tượng; mà thương yêu thì phải có phần trừu tượng chứ !

Chữ muôn vàn đã có trong Kiều mà Kiều thì dân mình ai chẳng biết . Hai chữ muôn vàn như đã có sẵn trong lòng mọi người . Cứ đọclên là như đã cảm nhận được ngay cái ý nghĩa cũng như tấm lòng và cái tình của Bác trong hai chữ đó .

(Nhà văn Phạm Hổ kể lại)

BÁC DÙNG TỪ TRÁI NGHĨA ĐỂ GIẢI ĐÁP

Trịnh Mạnh

Giữa năm 1950, Bác nói chuyện với lớp học của cán bộ tư pháp. Bác bước lên chiếc ghế cao dành cho giảng viên ngồi hàng ngày khi lên lớp.Vừa ngồi vào ghế, Bác đã nói "Thật là cao như bệ ông tòa án". Bác rút trong cặp ra một tập giấy ghi các câu hỏi. Bác giơ lên và nói: Tất cả 86 tờ, gồm 172 câu hỏi" Bác cười: Trả lời hết ngần này câu hỏi cũng gay đấy, nhưng Bác sẽ cố gắng trả lời hết". Bác đọc lên từng câu và trả lời. Có câu hỏi: "Làm thế nào để tư pháp gần được dân ?". Bác trả lời rất ngắn gọn, giản dị và sâu sắc:"Tư pháp muốn gần dân thì đừng xa dân"

(Thuật theo Hồng Khanh)

HAI TAY GÂY DỰNG MỘT SƠN HÀ

Trịnh Mạnh

Trong bài thơ Pác Bó hùng vĩ, Bác Hồ viết:

Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà

Để ý trong bài thơ này, Bác dùng từ gây dựng. Xây dựng và gây dựng là hai động từ tương đồng nhưng có khác nghĩa nhau do từ xây và từ gây tạo nên .

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Xây(là): dùng vật liệu mà xây dựng nên. Xây dựng(có nghĩa là): xây đắp, dựng nên; Gây (là): làm, tạo ra, nhóm lên. Gây dựng (có nghĩa là):tạo ra cơ sở để từ đó hình thành.

Trong bài thơ trên, ý Bác muốn nói gây dựng một sơn hà kiểu mới, không phải độc lập thống nhất kiểu cũ (vì thời phong kiến, nước ta cũng đã từng có độc lập, thống nhất) mà là gây dựng một chế độ mới "chế độ dân chủ và xã hội chủ nghĩa" vì theo lô gích ở câu thứ ba có suối Lê Nin, núi Mác nên ta hiểu gây dựng một sơn hà theo đường lối của Mác, Lê Nin.

BÁC DÙNG TỪ "TO" VÀ "LỚN"

Trịnh Mạnh

Trong bản di chúc, Bác Hồ viết: "Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ". Nếu ta đổi lại: "vinh dự to, đế quốc lớn" thì đọc câu văn sẽ thấy ngang, không trôi chảy. Tại sao vậy? vì trong ngôn ngữ Việt thì từ "to" thường để nói về những vật cụ thể nhưng từ "lớn" thường để chỉ những lĩnh vực trừu tượng.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: "Thế trong dù lớn hơn ngoài. Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi" là nó về thế lực của Hoạn Thư, một lĩnh vực trừu tượng. Hoặc như khi ta nói "một nhà văn lớn" "một nhà khoa học lớn" thì có ý nói về sự nghiệp, trình độ của họ chứ không phải nói về vóc dáng của họ.

Tuy vậy, cũng có khi từ "to lớn" đi liền nhau, như trong câu " Ăn gì to lớn, đẫy đà làm sao" (Truyện Kiều).Trường hợp này, người nói không có ý phân biệt cụ thể và trừu tượng.

BÁC RẤT THẬN TRỌNG TRONG VIỆC DÙNG TỪ

Trịnh Mạnh

"Những tiếng nào nước ta có thì không nên dùng tiếng nước ngoài" Đó là câu nói của Bác đã nhiều lần nhắc nhỡ cán bộ trong cuốn "Sửa đổi lề lối làm việc" và trong cuộc sống hàng ngày. Lúc đầu báo chí ta dùng từ Hồng thập tự, Bác đã sửa lại thành Chữ thập đỏ, từ không phận, hải phận, Bác đã sửa lại là vùng trời, vùng biển, từ nữ dân quân, Bác đã sửa lại là dân quân gái. Bức thư gửi học sinh tháng 9-1945, Bác đã dùng từ tựu trường thay cho từ khai giảng "Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết qủa tốt đẹp".

Noi gương Bác, nhiều từ Việt đã được dùng để thay từ Hán như không tặc thay bằng giặc lái, phi cơ thay bằng máy bay, phi trường thay bằng sân bay, cáo phó thay bằng tin buồn, niên khoá thay bằng năm học, hàng không mẫu hạm thay bằng tàu sân bay.

Học tập lối dùng từ của Bác Hồ, nhiều từ gốc Hán, báo chí của ta đã thay đổi kết cấu cho hợp với tiếng Việt. Ví dụ: chỉ huy sở đổi thành sở chỉ huy, cao xạ pháo đổi thành pháo cao xạ, chủ tịch đoàn đổi thành đoàn chủ tịch (trong tiếng Hán, định ngữ bổ nghĩa đứng trước danh từ chính; trong tiếng Việt, định ngữ bổ nghĩa đứng sau danh từ chính).

BÁC HỒ VỚI TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

Lê Nhuân

Sáng 30/8/1945, cũng là trên gác 2, số nhà 48 Hàng Ngang, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, thông qua bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập mà Bác vừa hoàn thành đêm trước. Lúc này, ngoài đường phố vẫn đông vui nhộn nhịp, còn ở đây là một không gian đầy nghiêm trang, lịch sử như đang chậm lại để chứng kiến giây phút thiêng liêng, giây phút giao thừa của toàn bộ dân tộc, chuyển từ kỷ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên tự do.

Chiều ngày 30/8/1945, cũng chính trên căn gác, Bác Hồ đã tiếp ông Pat-ti, người đại diện đầu tiên của nước Mỹ trên đất Việt Nam Độc lập. Rất thân tình và cởi mở, Bác Hồ đọc cho các vị khách Mỹ nghe câu mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Thoạt đầu những người Mỹ tưởng mình nhầm: "Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền nhu cầu hạnh phúc". Đây là câu mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ! Các vị khách không giấu nổi ngạc nhiên, Bác Hồ vẫn bình thản diễn tả đúng tinh thần và lời văn của mình. "… Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…"

Từ ngạc nhiên đến xúc động, những người khách Mỹ như phát hiện một điều kỳ lạ ở đất nước xa xôi, chưa từng có tên trong bản đồ thế giới này. Điều kì lạ đó được một cụ già mảnh khảnh, mặc chiếc áo nâu, chiếc quần sooc lửng thể hiện bằng một phong thái lịch lãm và một thứ ngôn ngữ uyển chuyển đến mức không thể tưởng tượng nổi… Khi những tia nắng rực rỡ của buổi chiều thu Hà Nội, chiếu dài trên căn gác những người khách Mỹ cáo từ ra về, Bác Hồ tiễn họ ra cửa, vui vẻ báo tin: Chủ nhật 2/9, Chính phủ Việt Nam tổ chức ngày Lễ Độc lập và mời đại biểu của Mỹ tới dự.

Ngày Chủ nhật 2/9/1945, thực sự là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, sau gần 100 năm nô lệ. 12h trưa, từng đoàn người đã cuồn cuộn đổ về vườn hoa Ba Đình. Đúng 14h, Bác Hồ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ bước lên lễ đài và buổi lễ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ từ từ được kéo lên trên nền bài hát "Tiến quân ca" hùng tráng.

Trên lễ đài, Bác Hồ và các thành viên Chính phủ giơ nắm tay chào Quốc kỳ, phía dưới biển người một rừng cánh tay cùng giơ lên. Một giọng nói đậm đà âm sắc xứ Nghệ vang lên: "Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…" Cả biển người như kết thành một khối im phăng phắc, lắng nghe từng lời như tấm vào tận trái tim mình… "Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam được quyền hưởng Tự do, Độc lập, và sự thật đã trở thành một nước Tự do - Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do Độc lấp ấy.

Kết thúc buổi lễ, Bác Hồ bước lên loa phóng thanh nói mấy lời tâm huyết với quốc dân đồng bào: "Giành được Độc lập đã khó nhưng giữ vững Độc lập lại càng khó hơn. Tôi mong rằng đồng bào hãy gắn bó đoàn kết xung quanh Chính phủ để bảo vệ nền Độc lập mà nhân dân đã phải đổ biết bao xương máu vừa giành lại được"./.

Nguồn: http://www.vysa.jp/modules.php?op=modload&name=News&file=article&sid=1236
(Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản)

Theo Tư liệu lịch sử

TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

Nguồn: http://www.quehuong.org.vn/

Harry: Thưa giáo sư! ý nghĩa câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước" là như thế nào ạ?

Giáo sư Văn: Có thể nói một cách khái quát như thế này. Suốt bốn ngàn năm lịch sử, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên nhiên, đấu tranh chinh phục thiên nhiên để xây dựng đất nước, đồng thời cũng luôn phải chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Truyền thống dựng nước và giữ nước đó đã được hun đúc và phát huy qua các thời đại. Mọi người, mọi dân tộc sống trên dải đất này đều đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau để chống chọi với thiên nhiên, tạo dựng cơ nghiệp. Nhưng hễ có giặc ngoại xâm thì mọi người lại sát cánh bên nhau, gắn tình làng với nghĩa nước, chiến đấu ngoan cường để bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Người dân Việt Nam coi trọng đạo lý tình nghĩa trong gia đình nhưng cũng coi trọng đạo lý, tình nghĩa với nhân dân với đất nước. Thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy cao nhất truyền thống "trung với nước, hiếu với dân", nhân dân Việt Nam đã kiên cường bất khuất, vượt qua bao gian khổ hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Chính vì thế, Bác Hồ đã nói "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

Harry: Xin cảm ơn giáo sư.

BÁC HỒ YÊU QÚY TIẾNG VIỆT

PGS.TS Vũ Duy Thông

Trong cuộc đời mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo dưới gần 150 bút danh. Báo chí là vũ khí được Người lựa chọn ngay những ngày đầu dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc mình và viết báo cũng là một trong những công việc cuối cùng Người làm trước lúc đi xa.

Nửa thế kỷ làm báo, Bác Hồ đã kinh qua tất cả những công việc của nghề báo : viết bài, biên tập, trình bày, tổ chức in ấn, phát hành, gây quỹ cho báo và vừa là người sáng lập vừa trực tiếp làm tổng biên tập nhiều tờ báo. Người làm báo Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, chiến khu cách mạng trước 1945, chiến khu kháng chiến từ năm 1947 và vẫn viết báo thường xuyên thậm chí viết báo đều đặn hơn trước, khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta. Nét độc đáo về sự nghiệp báo chí của Bác là dù làm báo ở đâu,dù viết bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, dù dùng thể loại gì thì mọi bài báo của Người cũng đều có chung một mục đích, đó là dùng báo chí làm vũ khí trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi để “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, có lẽ còn phải nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nữa, chúng ta và những thế hệ tiếp nối mới hiểu đầy đủ về Người và công lao to lớn của Người đối với dân tộc và đất nước. Cũng như vậy, còn cần nhiều giấy mực nữa mới có thể đánh giá đầy đủ về các tác phẩm báo chí cũng như cuộc đời làm báo phong phú và mẫu mực của Người. Trong bài báo nhỏ này, chỉ xin lẩy ra một vấn đề, đó là qua các tác phẩm báo chí và qua các bài phát biểu, Bác luôn căn dặn những người làm báo chúng ta yêu tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trước hết, chúng ta dễ thống nhất với nhau rằng, Bác Hồ là người rất giỏi ngoại ngữ. Qua nhiều tài liệu tin cậy, chúng ta biết được Bác sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và có thể cả một vài ngôn ngữ khác. Những bài báo, cuốn sách Bác viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga không chỉ phong phú về vốn từ mà còn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc đến mức nhuần nhị cách diễn đạt tư duy của ngôn ngữ đó. Những người Pháp khi đọc các truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc; những người Nga khi đọc các bài viết của Người bằng tiếng Nga; những người Trung Quốc khi đọc tập thơ “Nhật ký trong tù”... nếu không được giới thiệu, chắc khó biết tác giả những tác phẩm ấy là người Việt Nam.

Nhưng khi Bác nói chuyện, làm thơ, viết báo bằng tiếng Việt, cho người Việt đọc thì khác hẳn. Dó là những bài nói, bài viết giản dị mà vẫn không mất đi sự sâu sắc; dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; ngắn gọn, trong sáng. Về thơ và những bài nói, xin dành một dịp khác, chỉ xin bàn về cách viết báo và những bài báo của Người nhưng cũng chỉ cần những bài báo cũng đã rõ điều này.

Bài học đầu tiên về văn phong ( nói một cách khác, cách sử dụng ngôn ngữ) báo chí của Bác Hồ là mọi lời nói và bài báo đều phải có nội dung thiết thực. Nội dung thông tin quyết định cách diễn đạt và ngôn ngữ diễn đạt. Nếu không có điều gì cần thông tin thì không nên viết. Người dặn “ Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và” “Viết và nói, trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng”.

Nhưng muốn không nói dài, viết rỗng, nội dung tác phẩm đầy ắp thông tin, bố cục mạch lạc, ngôn từ trong sáng...kỹ năng nghề nghiệp một phần nhưng yếu tố quyết định lại là nhà báo có hiểu rõ, nắm chắc điều định viết hay chưa ? “ Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Trong thực tế, rất nhiều bài báo nghèo nàn, diễn đạt dài dòng, lủng củng thậm chí sai sự thật đều từ nguyên nhân” không biết rõ, hiểu rõ” điều mình viết như Bác đã căn dặn.

Để có ngôn ngữ trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu còn cần một điều kiện rất quan trọng nữa là xác định đối tượng đọc của mình là ai. Không phải không có lý do khi Bác đặt vấn đề cần xác định “ Viết cho ai xem” là yêu cầu hàng đầu khi viết báo:” Kinh nghiệm của tôi là thế này : mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi : Viết cho ai xem ? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc ?”. Như vậy là, Bác Hồ luôn căn dặn các nhà báo muốn có ngôn ngữ trong sáng, trước hết tác phẩm báo chí phải có lượng thông tin cao. Theo Bác, vấn đề là không phải viết dài hay viết ngắn “ dài nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải là rỗng tuếch”. Bài báo chỉ dài dòng “ dây cà ra dây muống”, ngôn ngữ màu mè, thiếu trong sáng khi nó không mang thông tin cần thiết đến cho người đọc.

Tuy nhiên, không chỉ nhấn mạnh đến vai trò nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí, Bác Hồ còn luôn nhắc nhở chúng ta phải không ngừng rèn luyện cách diễn đạt thông tin, sử dụng ngôn ngữ. Bác dặn những người làm công tác tuyên truyền, những người viết báo trong việc kết cấu tác phẩm: “ Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận” để tránh tình trạng tin, bài “ thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”. Trong sử dụng ngôn ngữ, Người đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi lời ăn tiếng nói của quần chúng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không ngừng làm phong phú thêm tiếng Việt và chính Người gương mẫu thực hiện điều đó. Vấn đề sử dụng và phiên âm tiếng nước ngoài được Bác đặc biệt quan tâm. Trong không ít bài báo, Bác triệt để sử dụng tiếng nước ngoài nhất là cách phiên âm đã Việt hóa nếu những từ ngữ đó phục vụ cho bài viết và làm phong phú cho tiếng Việt. Chẳng hạn, rất nhiều lần Bác chơi chữ “ Mỹ mà xấu”, “ Tay-lo rồi chân cũng lo” hoặc đưa vào tiếng Việt những ký tự độc đáo : “ Zôôn ( Tổng thống Giôn-xơn) vừa thiu thiu ngủ liền mơ thấy tổng Ken ( Tổng thống Ken-nơ-đi) bước vào”. Nhưng khi không nhất thiết phải dùng tiếng nước ngoài thì Bác kiên quyết gạt bỏ để thay thế bằng một từ Việt tương đương. Nhiều trường hợp, Bác đã mạnh dạn thay thế từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt trong bài báo của mình, được báo chí sử dụng theo và sau đó, các từ mới này đã hoàn toàn chiếm ưu thế. Chẳng hạn trong những năm chống Mỹ, Bác Hồ đã thay thế từ “nữ dân quân” bằng từ “dân quân gái”; từ “phi công” bằng “giặc lái” hoặc “người lái”; phong trào thi đua “ Ba đảm nhiệm” bằng phong trào thi đua “ Ba đảm đang” vv...Bác Hồ cũng rất chú ý đưa thêm những từ hiện đại, những cấu trúc hiện đại vào câu và cụm từ, chính vì thế sau hơn 60 năm, văn phong trong “ Tuyên ngôn độc lập” hay “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn gần gũi, dễ tiếp nhận đối với chúng ta trong khi khá nhiều văn bản xuất hiện cùng thời điểm của những học giả khác đã thấy “cổ” hoặc khó hiểu với người đọc hôm nay

Nói chuyện Bác Hồ yêu quí, giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt vào lúc này để hiểu Bác, yêu kính Bác thêm. Nhưng qua câu chuyện chắc còn chưa đầy đủ về tấm gương chăm chút cho chữ Việt, cho văn hóa Việt của Bác Hồ để hi vọng một số nhà báo hôm nay đang lạm dụng tiếng nước ngoài, đang làm nghèo nàn tiếng Việt, đang biến tiếng Việt trên báo chí xa lạ dần với người Việt... một lúc nào đó lắng lại cùng suy nghĩ ./.

CÔ GÁI THÁI NGHIÊN CỨU SỨC MẠNH NGÔN NGỮ CỦA BÁC HỒ

TP

Nghe Morragotwong Phumplab kể chuyện về Bác Hồ, tôi không nghĩ cô là người Thái Lan. Tên tiếng Việt của Morragotwong Phumplab do các thầy cô Việt Nam đặt là Bích Ngọc.

Từ những câu chuyện mẹ kể thời ấu thơ về Bác Hồ, những bài học lịch sử Việt Nam đã thôi thúc Bích Ngọc nghiên cứu đề tài Sức mạnh ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp làm luận văn thạc sỹ.

Mẹ của Bích Ngọc là họa sỹ. Trong số tranh vẽ của bà, có nhiều bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ lúc còn bé, những bài học lịch sử Việt Nam anh hùng cùng với những bức chân dung vị lãnh tụ trong trang phục giản dị do mẹ vẽ đã cuốn hút Bích Ngọc.

Trong những năm tháng học ĐH Thammasat (Băng Cốc - Thái Lan), ngôi trường nổi tiếng về chuyên ngành chính trị học, cô đã có nhiều cơ hội tiếp cận những tư liệu về Việt Nam.

Năm 2004, Bích Ngọc tốt nghiệp trường ĐH Thammasat. Những hình ảnh về Bác Hồ đã thôi thúc cô quyết tâm học tiếng Việt để sang Việt Nam vào viếng Lăng Bác và tìm hiểu Di chúc của Bác.

Sau 2 tháng học tiếng Việt, Bích Ngọc đến Hà Nội. Quãng thời gian ngắn ngủi tại Hà Nội năm đó đã để lại trong cô gái Thái Lan những kỷ niệm sâu sắc.

Một lần, trong lúc ngồi ngắm cảnh bên hồ Hoàn Kiếm, Bích Ngọc đã xúc động khi được một cụ già kể cho nghe về những lời hiệu triệu đồng bào toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp và tình cảnh hết sức hiểm nghèo của Việt Nam sau khi vừa giành được độc lập.

Trước khi về Thái Lan, cô quyết định chọn đề tài nghiên cứu Sức mạnh ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp làm luận văn thạc sỹ. Nơi Bích Ngọc chọn học thạc sỹ là Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phát triển vùng nông thôn (ĐH Mahidol, Thái Lan).

Cuối năm 2006, cô gái 24 tuổi này tiếp tục đến Việt Nam tìm hiểu và bổ sung tư liệu. Địa điểm mà Bích Ngọc thường lui tới trong khoảng thời gian này là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Bác.

Mẹ cô cũng sang Việt Nam để cổ vũ tinh thần cho con gái. Những ngày 2 mẹ con ở tại Làng sinh viên (Trung Hòa - Nhân Chính-Hà Nội), Bích Ngọc miệt mài sưu tầm tư liệu làm luận văn, mẹ cô thì vẽ chân dung Bác Hồ.

Bích Ngọc kể, với cô, Bác Hồ như một vị Thánh. Quá trình nghiên cứu đề tài, cô cảm nhận tư tưởng và hình ảnh của Bác thật gần gũi và vĩ đại biết bao. Trên thế giới chưa thấy vị lãnh tụ nào giản dị và gần gũi như Bác Hồ.

Gần đây, có dịp gặp lại Morragotwong Phumplab (Bích Ngọc) tại ĐH Mahidol, cô cho tôi biết, luận văn của cô sắp hoàn thành và sẽ được bảo vệ bằng tiếng Anh.

Em thật may mắn có được cơ hội tìm hiểu về Bác Hồ. Em đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng không ở đâu như Việt Nam, từ cháu bé mẫu giáo đến cụ già đều lưu giữ hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu. Khi nghiên cứu đề tài này, em cũng thấy mình giống một thanh niên Việt Nam – Bích Ngọc tâm sự.

TP

(Nguồn: Tạp chí Thanh niên)

BÁC HỒ VỚI VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ CÁC DÂN TỘC

GS.TS Phan Hữu Dật

(Trích từ bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Đầu đề do chúng tôi đặt) (1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Theo Bác việc học của mỗi con người là suốt đời, càng học càng thấy cần học thêm. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Con người được đào tạo thông qua nhà trường và trong công tác, ngoài xã hội, trong đấu tranh cách mạng và được giáo dục ở trong gia đình. Vì vậy kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong đào tạo cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục, Người chăm lo xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân, từ xoá nạn mù chữ, xoá tái mù, bổ túc văn hoá, bổ túc công nông, các trường lớp vừa học vừa làm, đến các cấp học phổ thông và đại học. Sinh thời, Người rất quan tâm đến hệ thống các trường sư phạm, thường gửi thư, đến thăm và nói chuyện nhiều lần với giáo viên và học sinh các trường sư phạm Trung ương, miền núi Nghệ An…

Từ giữa thế kỷ XX, Người đã nêu lên vấn đề dân trí thông qua chủ trương diệt giặc dốt, đồng thời với việc diệt giặc đói và giặc ngoại xâm.

... Vấn đề tiếng nói và chữ viết các dân tộc là một lĩnh vực rất nhạy cảm, chính sách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh được thể hiện ở nội dung: Học tiếng quốc ngữ (tiếng dân tộc đa số) và chữ quốc ngữ là nhiệm vụ và quyền lợi của nhân dân và cán bộ dân tộc thiểu số.

Trong bài Một thắng lợi vẻ vang (10/1960) để động viên cán bộ và nhân dân các dân tộc học chữ quốc ngữ, Người viết như sau: “Nhớ lại ngày phong trào Việt Minh mới bắt đầu, các em Mán đi chăn trâu, các thị Thổ đi lấy rau lợn, ai cũng mang theo một quyển vở nhỏ xíu để học chữ quốc ngữ”. Nói chuyện với cán bộ và học sinh trường Sư phạm miền núi Nghệ An (9/12/1961) Người hỏi các cháu học sinh người dân tộc: “Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?”

Điều đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt khuyến khích cán bộ nhân dân các dân tộc học tiếng và chữ phổ thông thì mặt khác lại khuyên cán bộ đa số và thiểu số phải học tiếng dân tộc, Người nói: “Nước ta có nhiều dân tộc. Đó là điểm tốt. Cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy”.

Người lại quan tâm đến việc xây dựng chữ cho các dân tộc. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31/8/1963), Người nói: “Đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình. Như thế là tốt”. Người căn dặn: Cán bộ dân tộc thiểu số phải có ý thức chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

(Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc)

VĂN PHONG BÁO CHÍ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Hải Luận

Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn xem việc viết báo để cổ động, tuyên truyền, giáo dục... gắn liền với hoạt động cách mạng của Người. Từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau. Người viết cho báo ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác. Sau này, khi làm Chủ tịch nước, Bác vẫn viết đều đặn cho nhiều báo về nhiều đề tài. Văn phong báo chí của Bác giản dị, ngắn gọn nhưng không nông cạn, thường pha chút hài hước nên rất sinh động và vui.

Có điều rất đặc biệt là, dù viết để “đánh địch” nhưng mục đích là cảnh tỉnh, giáo hoá, Bác bao giờ cũng giữ được tình lý phân minh, đúng mực, không có những lời thóa mạ, cay độc. Còn viết bài cho nhân dân lao động, bộ đội, thanh niên, thiếu nhi... thì Bác dùng câu văn dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người.

Ngôn ngữ của Hồ Chí Minh được sử dụng một cách dễ hiểu mà sâu sắc ở tất cả các lĩnh vực. Đối với Người, báo chí là công cụ đoàn kết quốc tế, đoàn kết giai cấp công nhân, đoàn kết các dân tộc bị áp bức đấu tranh giải phóng, đoàn kết phong trào cộng sản thế giới. Mặt khác Người cũng đã dùng báo chí để đánh địch. Người viết về con người, sự việc thuộc “đối phương” ở nước ngoài thì rất nhậy bén về chính trị và cách sử dụng ngôn ngữ của Bác hiện ra rất rõ nét, bằng những chứng cứ và số liệu cụ thể để vạch trần tội ác của đế quốc. Những bài báo Bác viết đăng các báo và tạp chí uy tín ở nước ngoài thì thấy rõ nghệ thuật đánh địch bằng lời, nghệ thuật “đẩy bóng trả lại địch”, nghệ thuật lướt qua những vấn đề tế nhị mà vẫn giữ được nguyên tắc, đường lối, để “lấy gậy ông đập lưng ông” trong ngôn ngữ Hồ Chí Minh.

Còn những bài báo viết để đánh địch đăng báo trong nước, Bác đã sử dụng rất khéo về từ ngữ nhằm lột rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc, qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cổ vũ ý chí giành thắng lợi cuối cùng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại không chỉ động viên, mà qua tác phẩm báo chí với văn phong trong sáng của mình, Bác Hồ đã giáo dục và uốn nắn những yếu kém của Đảng ta và các ngành, các địa phương đều được Bác khen ngợi và phê bình bằng những ngôn ngữ báo chí.

Điều đặc biệt ở văn phong báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tính quần chúng” được thế hiện rất đậm nét khi nói, khi viết. Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi thế này. Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Sinh thời bác luôn giáo dục các nhà báo đồng thời Người cũng yêu cầu khi nói, khi viết: “Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng...

Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình ...’’ Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955 đến 1965, Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 700 lượt đi xuống cơ sở, thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo... Tính ra mỗi năm có hơn 70 lần Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có 6 lần Người gặp gỡ quần chúng,. Chỉ với con số đó thấy rõ phong cách của một lãnh tụ suốt đời gắn bó với quần chúng, một phong cách lê-nin-nít mẫu mực. Mỗi lần đi xuống cơ sở Bác vừa là vị Chủ tịch nước, vừa là kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, vừa là nhà báo khai thác thông tin, vừa là nhà văn nhà thơ tìm cảm hứng sáng tác. Do vậy, những bài báo của Bác luôn có tương cà, mắm muối và những công việc thường ngày của quần chúng nhân dân lao động và các em học sinh nhi đồng.

Tư tưởng, quan niệm của Hồ Chí Minh, việc sử dụng ngôn ngũ báo chí chủ yếu là tiếng Việt được thể hiện bằng tình cảm, thái độ của Người đối với dân tộc. Người nói: ‘‘Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc” do đó trong khi viết, Bác rất chú trọng đặt câu và phát triển câu. Người đặt ra cho văn phong là giản dị, ngắn ngọn, rõ ràng, dễ hiểu, không cầu kỳ chữ nghĩa, bố cục chặt chẽ thể hiện ở từng từ từng câu mà trước hết là sự trình bày các ý trong các bài báo, bài văn để nhằm vào hành động của người nghe, người đọc. Người thường dùng lối so sánh ví von hoặc ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian, báo của Bác đích chủ yếu giải thích cho cán bộ, đảng viên quần chúng,... hiểu một vấn đề gì đó hoặc động viên khen thưởng, phê bình để mọi người cùng thực hiện được thường thường Người giải thích lý do tại sao phải hành động như vậy? Nên hành động bằng những cách nào? v.v... Bác nói : ‘‘Một tấm guơng tốt còn có tác dụng hơn một trăm bài diễn văn» . Người đã đòi hỏi cán bộ đảng viên khi nói, viết sao cho giản dị, dễ hiểu cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được, nắm cái thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề.

Trình độ viết báo của Bác Hồ là trình độ của bậc thầy, từ năm 1951 - 1969 Bác đã viết l.205 bài báo với 23 bút danh khác nhau cho báo Nhân dân và gần 300 bài cho báo chí nước ngoài, không có nhà báo chuyên nghiệp nào viết đạt kỷ lục như vậy. Thế nhưng trong khi viết báo, Bác luôn luôn yêu cầu mọi người xung quanh Người đọc lại bản thảo xem có từ ngữ nào khó hiểu để Bác sửa lại văn phong cho trong sáng, từ ngữ giản đơn, ý tứ, sâu sắc. Bác viết bài báo: ‘‘Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân’’ đăng trên báo Nhân dân số 5409 ra ngày 3-2-1969, bài báo này trước khi gửi đến Toà soạn Bác đã cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Hiện nay, chúng ta đọc lại bài báo của Bác thấy câu chữ vô cùng sâu sắc, bố cục rất chặt chẽ, còn nguyên tính thời sự nóng hổi.

Hồ Chí Minh đã qua đời nhưng Người để lại cho chúng ta một tài sản vô cùng quý báu. Đó 1à thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đối với những người viết báo, viết văn hiện nay, được hưởng thụ tài sản vô giá của Người về phong cách, tư tuởng, quan niệm... làm báo cách mạng. Người vừa là lãnh tụ tối cao của dân tộc nhưng cũng là người thầy, nguời bạn đồng nghiệp suốt cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí nước nhà để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng 1ợi này đến thắng lợi khác.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam
Theo Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 20/06/2005

HỌC TẬP PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CỦA HỒ CHÍ MINH

(Study on Ho Chi Minh’s language usage)

Võ Thị Hồng Thu

Tóm tắt nội dung:
Phong cách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh là một phần trong toàn bộ sự nghiệp lớn lao mà Người đã cống hiến cho dân tộc. Từng lời nói, từng bài viết của Người tuy giản dị, ngắn gọn nhưng đều toát lên những vấn đề lớn của thời đại và đều thể hiện sâu sắc tâm huyết tấm lòng của Người với non sông đất nước, với quần chúng nhân dân. Và từ đó toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn cao thượng, một trí tuệ sáng suốt và kiên nghị.

Cách nói cách viết của Người ngắn gọn mà đầy đủ, dễ hiểu mà sâu sắc, hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc. Phong cách ngôn ngữ của Người không phải chỉ là kết quả của việc vận dụng thành thạo các hình thức ngôn ngữ mà trước hết, đó là phẩm cách của một trí tuệ anh minh, một vốn văn hóa vô cùng phong phú, một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, một đạo đức cao cả, một quan điểm sâu sắc và toàn diện về ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ.

Qua ngôn ngữ, Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những mẫu mực về cách nói, cách viết, cách sử dụng điêu luyện tiếng Việt và tạo ra một phong cách đặc sắc cho ngôn ngữ Việt Nam.

(Thông tin chi tiết bài viết tại: http://www.tgu.edu.vn/?Page=DetaiChitiet&Subject_Id=33)

VỀ HAI CHỮ "CÁCH MỆNH" TRONG "ĐƯỜNG CÁCH MỆNH"

Nguyễn Văn Khoan

Lao Động số 213 Ngày 14/09/2007

(LĐ) - Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tròn 80 năm tuổi. Ngày 12.9.2007, Bộ VHTT-DL đã tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin lược trích và biên tập lại bài viết của ông Nguyễn Văn Khoan tham gia hội thảo này.

Theo nhà báo - học giả Quang Đạm, hai chữ "cách mệnh" từ Trung Quốc "vào" Việt Nam ta có thể là vào những năm xã hội Việt Nam tiếp nhận "Tân thư" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu - trước, sau vài năm cùng với các tác phẩm từ nước Pháp của R.Descartes, Montesquieu - BT). Chữ "cách mệnh" theo tinh thần của Nho giáo Trung Quốc là "đổi cái mệnh Trời giao cho con Trời (thiên tử) - là vua nếu vua không làm tròn nhiệm vụ, giữ cái mệnh ấy, vì vậy phải giao "sứ mệnh" này cho con Trời khác".

"Nhập cảng" từ Châu Âu với từ gốc Latinh là "Révolution" - có nghĩa ban đầu là "quay lại" - được "vào" Pháp với "Révolution", Anh: "Revolution", Tây Ban Nha: "Revolucion"... Nhiều từ điển phương Tây đều định nghĩa theo từ gốc Latinh: "Vòng quay, sự quay vòng, chu kỳ quay vòng". Nghĩa thứ hai được chú thích thêm là: Biến đổi bất ngờ táo bạo trong cơ cấu kinh tế, xã hội", "bước ngoặt cơ bản, bất ngờ", "thay đổi từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác", "biểu hiện biện chứng của sự phát triển vật chất, xã hội, tư tưởng".

"Sổ tay từ Hán Việt" (NXB Giáo dục VN, 1989) viết: "Cách mạng(1) là một biến đổi và căn bản lớn trong quan hệ xã hội, chính trị, thực hiện thông qua đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoặc biến đổi về căn bản. Quá trình thay đổi lớn về căn bản theo hướng tiến bộ". "Từ điển chính trị bỏ túi" (bản tiếng Việt) của NXB Novoxti, Liên Xô, 1983, tr.6, định nghĩa: "Cách mạng":

1. Biến chuyển sâu sắc về mặt xã hội, giải quyết những mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã lớn mạnh và quan hệ sản xuất lỗi thời, làm thay đổi tận gốc rễ chế độ xã hội và được giai cấp xã hội mới tiến lên nắm chính quyền.

2. Việc chuyển từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng khác, những biến đổi sâu sắc trong lĩnh vực, phạm vi nào đó".

Những định nghĩa trên, tuy ý tứ có đôi chút chưa "nhập" vào nhau chặt chẽ, đều có mặt "thay đổi, tiến bộ" nhưng ít nhiều mang màu sắc giai cấp đấu tranh của chủ nghĩa Mác ở Châu Âu (mà Châu Âu chưa phải toàn thế giới) - Nguyễn Ái Quốc viết vào năm 1924 - chứ không phải ở Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ thực tiễn Việt Nam đã đi đến một định nghĩa (một lý luận) về "cách mạng", để từ lý luận đó trở thành lý luận cách mạng cho cách mạng Việt Nam; "không có lý luận cách mạng Việt Nam thì không có vận động cách mạng Việt Nam".

Vậy Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa như thế nào về "cách mệnh"?

Trước hết, xin lưu ý rằng, những định nghĩa của Châu Âu - kể cả của Châu Á về "cách mệnh" đã "định sẵn" từ lâu trước khi có định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về từ này. Những định nghĩa "bác học" ấy mặc nhiên được coi như "thước ngọc", "kinh điển", "bất di bất dịch". Về một góc nào đó mà xét, việc người nào đó thay đổi định nghĩa ấy - làm cho rõ hơn, sát với thực tiễn của dân tộc mình, đất nước mình để làm lợi cho cách mạng, cũng đã là một hành động cách mạng rồi.

Thứ hai, trước Nguyễn Ái Quốc đã có bao nhiêu bậc lý luận Mácxít nổi tiếng, chủ yếu ở Châu Âu, đã "lăn lộn" với cách mạng, làm nên những cuộc cách mạng ở nhiều nước... thế mà họ không "chịu" thay đổi định nghĩa này. Vậy mà, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc với văn hoá Việt, với truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng mới từ năm 1908, rời nước ra đi năm 1911, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, năm 1927 nhận định "chủ nghĩa Mác chỉ phù hợp với Châu Âu... (về đấu tranh giai cấp...) năm 1927, chưa đầy 20 năm thâm niên hoạt động, chưa đủ 10 năm là đảng viên mà đã (cả gan) đưa ra một định nghĩa mới rất Mácxít, rất Việt Nam. (Tiếc thay suốt một chặng đường dài của phong trào cộng sản công nhân thế giới và ngay cả ở Việt Nam - định nghĩa này - "lý luận" này, "tư tưởng" này chưa được quan tâm đầy đủ!).

Ngay từ trang đầu, chương đầu của "Đường cách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đưa ra một định nghĩa mới - chưa hề có trong các từ điển bách khoa: "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt: Thí dụ ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh..., ông Stephenxoong (1800) làm ra xe lửa là cơ khí cách mệnh... ông Đácuyn (1859) là cách mệnh... ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh". Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh, năm 1952 nhắc lại lần nữa (trước đó cũng đã nhắc nhiều) rằng: "Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn có những người... có công với cách mạng, song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng, hại đến tổ quốc, nhân dân(2)".

Như vậy, rõ ràng là không phải ở một con người, một đảng, một nhà nước... chỉ làm cách mạng một lần là thôi, là đủ. Vì cách mạng có vận động, làm, tìm được, xây dựng nên cái "mới" rồi, cái "tốt" rồi, nhưng do nhiều nguyên nhân cái mới đang có, cái tốt hiện hành, đã trở thành cũ, xấu, đòi hỏi một cuộc cách mạng "phá cái xấu, đổi ra cái tốt, phá cái cũ đổi ra cái mới"...

Có quá nhiều bài học xác minh vững chắc định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về "cách mạng". Cách mạng không phải chỉ làm một lần đánh đổ đế quốc, phong kiến là xong, mà cách mạng là phải luôn luôn đổi mới, ngay trên cái mới đã cũ, cái tốt cũ đang dần dần xấu đi...

Định nghĩa "cách mệnh" trong "Đường cách mệnh" 80 năm trước đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận cũng như về thực tiễn.

Mỗi người dân Việt Nam, dù là cán bộ cấp cao đến dân bình thường đều có thể suy ngẫm định nghĩa "cách mệnh" này của Bác để "xoá bỏ cái xấu, cái cũ" trong con người mình - nhất là trong con người cách mạng, tạo nên cái tốt, cái mới, bớt đi cỏ dại, để cho vườn hoa dân tộc - đất nước, mãi mãi đẹp tươi.

----------------------------
1/ Trên các số báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo không thấy từ "cách mệnh", mà là "cách mạng", như "cách mạng Tàu" (số 64, 10.10.1925), "Nước Nga cách mạng"; "chủ nghĩa cách mạng"; "người cách mạng"; "phong trào cách mạng bên Mỹ"; "cách mạng Pháp" (số 65, 17.10.1926). 2/ Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 6, tr.490

VỀ HAI CHỮ "CÁCH MỆNH" TRONG "ĐƯỜNG CÁCH MỆNH"

Nguyễn Văn Khoan

Lao Động số 213 Ngày 14/09/2007

(LĐ) - Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tròn 80 năm tuổi. Ngày 12.9.2007, Bộ VHTT-DL đã tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin lược trích và biên tập lại bài viết của ông Nguyễn Văn Khoan tham gia hội thảo này.

Theo nhà báo - học giả Quang Đạm, hai chữ "cách mệnh" từ Trung Quốc "vào" Việt Nam ta có thể là vào những năm xã hội Việt Nam tiếp nhận "Tân thư" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu - trước, sau vài năm cùng với các tác phẩm từ nước Pháp của R.Descartes, Montesquieu - BT). Chữ "cách mệnh" theo tinh thần của Nho giáo Trung Quốc là "đổi cái mệnh Trời giao cho con Trời (thiên tử) - là vua nếu vua không làm tròn nhiệm vụ, giữ cái mệnh ấy, vì vậy phải giao "sứ mệnh" này cho con Trời khác".

"Nhập cảng" từ Châu Âu với từ gốc Latinh là "Révolution" - có nghĩa ban đầu là "quay lại" - được "vào" Pháp với "Révolution", Anh: "Revolution", Tây Ban Nha: "Revolucion"... Nhiều từ điển phương Tây đều định nghĩa theo từ gốc Latinh: "Vòng quay, sự quay vòng, chu kỳ quay vòng". Nghĩa thứ hai được chú thích thêm là: Biến đổi bất ngờ táo bạo trong cơ cấu kinh tế, xã hội", "bước ngoặt cơ bản, bất ngờ", "thay đổi từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác", "biểu hiện biện chứng của sự phát triển vật chất, xã hội, tư tưởng".

"Sổ tay từ Hán Việt" (NXB Giáo dục VN, 1989) viết: "Cách mạng(1) là một biến đổi và căn bản lớn trong quan hệ xã hội, chính trị, thực hiện thông qua đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoặc biến đổi về căn bản. Quá trình thay đổi lớn về căn bản theo hướng tiến bộ". "Từ điển chính trị bỏ túi" (bản tiếng Việt) của NXB Novoxti, Liên Xô, 1983, tr.6, định nghĩa: "Cách mạng":

1. Biến chuyển sâu sắc về mặt xã hội, giải quyết những mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã lớn mạnh và quan hệ sản xuất lỗi thời, làm thay đổi tận gốc rễ chế độ xã hội và được giai cấp xã hội mới tiến lên nắm chính quyền.

2. Việc chuyển từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng khác, những biến đổi sâu sắc trong lĩnh vực, phạm vi nào đó".

Những định nghĩa trên, tuy ý tứ có đôi chút chưa "nhập" vào nhau chặt chẽ, đều có mặt "thay đổi, tiến bộ" nhưng ít nhiều mang màu sắc giai cấp đấu tranh của chủ nghĩa Mác ở Châu Âu (mà Châu Âu chưa phải toàn thế giới) - Nguyễn Ái Quốc viết vào năm 1924 - chứ không phải ở Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ thực tiễn Việt Nam đã đi đến một định nghĩa (một lý luận) về "cách mạng", để từ lý luận đó trở thành lý luận cách mạng cho cách mạng Việt Nam; "không có lý luận cách mạng Việt Nam thì không có vận động cách mạng Việt Nam".

Vậy Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa như thế nào về "cách mệnh"?

Trước hết, xin lưu ý rằng, những định nghĩa của Châu Âu - kể cả của Châu Á về "cách mệnh" đã "định sẵn" từ lâu trước khi có định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về từ này. Những định nghĩa "bác học" ấy mặc nhiên được coi như "thước ngọc", "kinh điển", "bất di bất dịch". Về một góc nào đó mà xét, việc người nào đó thay đổi định nghĩa ấy - làm cho rõ hơn, sát với thực tiễn của dân tộc mình, đất nước mình để làm lợi cho cách mạng, cũng đã là một hành động cách mạng rồi.

Thứ hai, trước Nguyễn Ái Quốc đã có bao nhiêu bậc lý luận Mácxít nổi tiếng, chủ yếu ở Châu Âu, đã "lăn lộn" với cách mạng, làm nên những cuộc cách mạng ở nhiều nước... thế mà họ không "chịu" thay đổi định nghĩa này. Vậy mà, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc với văn hoá Việt, với truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng mới từ năm 1908, rời nước ra đi năm 1911, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, năm 1927 nhận định "chủ nghĩa Mác chỉ phù hợp với Châu Âu... (về đấu tranh giai cấp...) năm 1927, chưa đầy 20 năm thâm niên hoạt động, chưa đủ 10 năm là đảng viên mà đã (cả gan) đưa ra một định nghĩa mới rất Mácxít, rất Việt Nam. (Tiếc thay suốt một chặng đường dài của phong trào cộng sản công nhân thế giới và ngay cả ở Việt Nam - định nghĩa này - "lý luận" này, "tư tưởng" này chưa được quan tâm đầy đủ!).

Ngay từ trang đầu, chương đầu của "Đường cách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đưa ra một định nghĩa mới - chưa hề có trong các từ điển bách khoa: "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt: Thí dụ ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh..., ông Stephenxoong (1800) làm ra xe lửa là cơ khí cách mệnh... ông Đácuyn (1859) là cách mệnh... ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh". Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh, năm 1952 nhắc lại lần nữa (trước đó cũng đã nhắc nhiều) rằng: "Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn có những người... có công với cách mạng, song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng, hại đến tổ quốc, nhân dân(2)".

Như vậy, rõ ràng là không phải ở một con người, một đảng, một nhà nước... chỉ làm cách mạng một lần là thôi, là đủ. Vì cách mạng có vận động, làm, tìm được, xây dựng nên cái "mới" rồi, cái "tốt" rồi, nhưng do nhiều nguyên nhân cái mới đang có, cái tốt hiện hành, đã trở thành cũ, xấu, đòi hỏi một cuộc cách mạng "phá cái xấu, đổi ra cái tốt, phá cái cũ đổi ra cái mới"...

Có quá nhiều bài học xác minh vững chắc định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về "cách mạng". Cách mạng không phải chỉ làm một lần đánh đổ đế quốc, phong kiến là xong, mà cách mạng là phải luôn luôn đổi mới, ngay trên cái mới đã cũ, cái tốt cũ đang dần dần xấu đi...

Định nghĩa "cách mệnh" trong "Đường cách mệnh" 80 năm trước đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận cũng như về thực tiễn.

Mỗi người dân Việt Nam, dù là cán bộ cấp cao đến dân bình thường đều có thể suy ngẫm định nghĩa "cách mệnh" này của Bác để "xoá bỏ cái xấu, cái cũ" trong con người mình - nhất là trong con người cách mạng, tạo nên cái tốt, cái mới, bớt đi cỏ dại, để cho vườn hoa dân tộc - đất nước, mãi mãi đẹp tươi.

----------------------------
1/ Trên các số báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo không thấy từ "cách mệnh", mà là "cách mạng", như "cách mạng Tàu" (số 64, 10.10.1925), "Nước Nga cách mạng"; "chủ nghĩa cách mạng"; "người cách mạng"; "phong trào cách mạng bên Mỹ"; "cách mạng Pháp" (số 65, 17.10.1926). 2/ Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 6, tr.490

VIEC CHINH

Người theo dõi