Lưu trữ Blog

8 tháng 11, 2008

Thơ Khánh Nguyên



HOCMOINGAY. GS Mai Văn Quyền gửi hai bài thơ của Khánh Nguyên do GS Nguyễn Ngọc Kính chép tặng (GS Kính là con của nhà ngoại giao, nhà thơ Xuân Thủy)với lời nhắn: Gui Kim-Thuy va hai chau Nguyen-Long. Cam on Kim va Thuy da gui thu tham va ca bai hat hay. Thay Co di "Ha Loi" ve. Ha Noi da doi ten thanh Ha-Loi.Khong co gi lam qua, chi co hai bai tho minh tam dac nen gui cho Kim de giao luu cho vui. Xin chuc cac em moi su tot dep. Quyen.(Ảnh tư liệu: GS. Mai Văn Quyền thăm ruộng anh Hồ Sáu ở xã Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai, nơi các sinh viên Sáu, Linh, Thủy, Quyết, Hạnh, Liên đang làm đề tài. Ảnh chỉ để lưu niệm)






SUY NGẪM

“Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù”
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là giỏi, cứ “xu” là cầm
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc, không trông là mù
Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là tốt, cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng cứ giàu là sang
Cứ im lặng-là tưởng vàng đến ngay
Đừng tưởng uống rượu là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng giặc ở ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương.

LỜI ĐÁ

Vô cảm trái tim đá?
Sao gõ vào rung ngân
Người gọi vội đáp trả
Người đợi chờ hóa thân

Tôi già trong thác bạc
Tôi trẻ khi thành bi
Tôi chết khi đem tạc
Tôi sống khi thành bia

Đất đỡ mình- ngỡ bạn
Nước bào mòn- tưởng thù
Ngẫm nghĩ đến bây giờ
Nếp nhăn hằn vầng trán

VĂN NGHỆ, Số 13
29-3-2008

Đọc lại và suy ngẫm



HOCMOINGAY. Tôi chọn giữ lại hai bài báo: "Vì sao Brack Obama thắng?" của Richard Lister BBC News và "Một niềm tin trong các ước mơ đơn giản" (A Faith in Simple Dreams) của Tân Tổng thống Mỹ Barack Obamar để đọc lại và suy ngẫm. Đó là những tư tưởng lớn, bài học sinh động trong một nền chính trị lớn. Trang Obama Blog http://www.barackobama.com/index.php phản ảnh niềm tin và ước mơ của vị tổng thống trẻ. (Ảnh trên chép từ trang chính Obama Bog)

VÌ SAO BRACK OBAMA THẮNG?

Richard Lister
BBC News, Washington


Cách đây hai năm, Barack Obama chỉ là một chấm nhỏ trên màn hình radar chính trị của nước Mỹ. Thế nhưng, với một chiến dịch thông minh và có kỷ luật, một số lượng lớn tài chính và một bầu không khí chính trị tạo ra, vị thượng nghị sỹ trẻ tuổi từ tiểu bang Illinois đã chiếm lĩnh được vịtríquyền lực lớn nhất trên thế giới.

Cuộc vận động của ông Obama sẽ là một hình mẫu cho những ai muốn tìm kiếm sự thay thế ông trong tương lai.

Ngay cả các chiến lược gia đảng Cộng hoà cũng phải công nhận đây là một chiến dịch vận động với một cơ sở chuẩn bị hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

Tiền bạc là một yếu tố then chốt. Ông Obama đã thừa nhận trong suốt cuộc vận động bầu cử sơ bộ là ông đã phát triển được một cơ sở quyên quỹ cực kỳ rộng lớn, mà ông luôn có thể tìm kiếm được sự tài trợ.

Do đó, ông đã từ chối không nhận tài trợ của liên bang dành cho chiến dịch vận động của mình, cũng như dành cho việc bù đắp các giới hạn tài chính khác.

Đội quân giúp đỡ

Với sự giúp đỡ của người sáng lập trang Facebook, Chris Hughes - người đã thiết kế một hệ thống gây quỹ mới - chiến dịch tranh cử của ông Obama cuối cùng đã thu hút được hơn ba triệu người ủng hộtài chính.

Những người này đã quyên góp được 650 triệu đôla, nhiều hơn cả hai đối thủ tranh cử tổng thống năm 2004 cộng lại.

Ngay cả các chiến lược gia đảng Cộng hoà cũng phải công nhận đây là một chiến dịch vận động với một cơ sở chuẩn bị hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

Ông Obama đã có gấp bốn lần số văn phòng vận động so với ông McCain và sở hữu một đội quân đông đảo nhân viên và những người tình nguyện.

Các cơ sở này đã phát triển và khai thác được một cơ sở dữ liệu khổng lồ các thông tin về các nhà tài trợ và cử tri tiềm tàng ở mọi bang then chốt.

Mọi người vào trang mạng của Obama đều được mời đăng ký để cung cấp thêm thông tin. Và mỗi người đăng nhập như vậy đều được yêu cầu đóng góp hay tham gia tình nguyện.

Một khi đồng ý, họ nhận được nhiều cú gọi điện và các thông điệp đề nghị quyên thêm tiền hoặc cung cấp thêm sự giúp đỡ.

Chương trình gây quỹ với cơ sở vững vàng đó đã trang bị đủ lực cho ông Obama trong cuộc chiến truyền thông.

Truyền hình, vốn phủ sóng trên 3,5 triệu dặm vuông (tức khoảng 9 triệu km2) tới 300 triệu dân, gần như là huyết mạch của chiến dịch vận động và ông Obama đã không gặp phải bất cứ vấn đề gì để mua thời lượng phát sóng.

Chiến dịch siêu việt

Tại một số tiểu bang dao động (swing states) trong những tuần lễ vận động cuối, ông Obama đã vượt trội ông McCain với tỉ lệ 4/1. Chiên dịch vận động của ông đã tiến vào địa hạt internet, nhằm đưa các thông điệp quảng cáo tới các đối tượng trên mạng.

Thậm chí, người của ông Obama còn mua cả một không gian quảng cáo mà và xen vào địa hạt các trò chơi video. Ông Obama cũng đủ lực để vận động ở cả những khu vực luôn là thành luy của đảng Cộng hòa và ép ông McCain phải dàn trải các nguồn lực vốn ngày một mỏng manh của mình, từ đó thu hút bớt các ủng hộ viên của đối thủ về phía mình ở các tiểu bang giao động chính kiến.

Đồng thời, chiến lược vận động của thượng nghị sĩ bang Illinois còn tỏ ra rất siêu việt trong việc lấy phiếu. Đội quân của ông Obama đã chạy một chiến dịch vận động đăng ký khổng lồ đối với những người có khả năng trở thành ủng hộ viên Dân chủ. Nỗ lực này đã giành thêm hơn 300.000 cử tri tới các vòng bỏ phiếu ở riêng Florida.

Nhận ra việc nhiều cử tri mới có thể tràn ngập các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử, chiến dịch vận động của ông Obama đã làm cho việc bỏ phiếu sớm trở thành một ưu tiên ở nhiều tiểu bang nơi việc này được phép.

Có nhiều người đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử vào năm nay hơn bất thời điểm nào trước đây - hơn 29 triệu người ở 30 tiểu bang, theo số liệu thống kê sơ bộ.

Tất cả hiệu quả đạt được còn nhờ việc ông Barack Obama đã biết hiệu triệu mọi người với tư cách một ứng viên tổng thống. Ông là một nhà hùng biện xuất sắc, có thể dẫn dụ đám đông quần chúng theo kiểu của ông Bill Cliton.

Hình ảnh của Obama mang tính trọn vẹn - một người đàn ông tự lập với một ngôi nhà, một chiếc xe hơi và một gia đình.

Điều này tương phản với John McCain từng ly dị người vợ vốn chờ đợi ông qua suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi cưới một người phụ nữ thừa kế gia sản giàu có và là một người không thể nhớ mình có bao nhiêu ngôi nhà trong tay.

Ứng cử viên chống Bush

Ông Obama đã có thể thiết lập được liên hệ một cách sâu sắc hơn với các khối cử tri khác nhau. Ông đã đánh đúng vào tâm lý của các cử tri trẻ, dành được cảm tình của nhiều cử tri nói tiếng Tây Ban Nha và Do Thái, vốn là những người ủng hộ Đảng Cộng hoà trong quá khứ, và đương nhiên đã dành được nhiều phiếu của các cử tri da đen hơn bất cứ vị tổng thống tiền nhiệm nào.

Thông điệp duy nhất, thống nhất của ông Obama là "thay đổi" đã phát huy tác dụng khi gần chín trên 10 người dân Mỹ tin rằng đất nước của họ đã "đi sai đường."

Ông có thể dễ dàng đặt mình vào vị trí một ứng viên tổng thống chống lại ông Bush theo một cách thức mà ông McCain phải rất vất vả nếu muốn có. Tổng thống Bush đã nhận tỉ lệ ủng hộ thấp hơn cả cựu tổng thống tai tiếng một thời, Richard Nixon.

Một thông điệp xuyên suốt của ông Obama là ông John McCain đã luôn hậu thuẫn ông Bush trong suốt 90% thời gian cầm quyền của Bush.

Các cuộc thăm dò dư luận luôn cho thấy nhiều người dân tin tưởng hơn vào khả năng ông Obama có thể giải quyết các vấn đề kinh tế khi khủng hoảng tài chính nổ ra, và ông Obama đã xuất hiện đúng chỗ để tận dụng trọn vẹn lợi thế chính trị này.

Trọng tâm kiên định của ông vào việc làm thế nào có thể giúp đỡ những người dân bị bần cùng hoá nhiều nhất trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Bush dường như tỏ ra thích hợp với thời sự hơn. Điều này tương phản với trọng tâm đặt vào việc cắt thuế có lợi rõ ràng cho các giới giàu có trong chiến dịch vận động của ông McCain.

Khác biệt là sức mạnh

Nhưng trên hết, ngay cả thế mạnh cao nhất của ông McCain với tư cách một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế hàng chục năm cũng đã bị lu mờ.

Lựa chọn của ông Obama về người liên danh vào chức vụ ứng viên Phó tổng thống, chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu, Thượng nghị sĩ Joe Biden, đã thu hẹp khoảng cách kinh nghiệm.

Ông Obama cũng nhấn mạnh khăng khăng rằng quan điểm đánh giá còn quan trọng hơn kinh nghiệm và suốt quá trình chiến dịch tranh cử, các đồng thuận chính trị về khía cạnh này ở công chúng có vẻ đã chuyển dịch dần sang quan điểm này của Obama.

Ông Obama đã kêu gọi thiết lập một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi Iraq, bảo vệ các biên giới của Afghanistan bằng việc tiến hành các cuộc tấn công nằm bên trong lãnh thổ Pakistan khi được yêu cầu và tiến hành đối thoại với các kẻ thù của Hoa Kỳ.

Và rồi một cách chậm rãi và lặng lẽ, chính Chính quyền của ông Bush đã phải đi tới chấp nhận các quan điểm trên của ông Obama, và trong ông John McCain thì đã ngày càng bị cô lập hơn khi tiếp tục phản đối ông Obama.

Ông Barack Obama còn nói ông không "trông giống như các vị Tổng thống khác được in hình trên đồng đôla."

Mặc dù đây là một ngụ ý về mầu da của mình, ông Obama đã tỏ ra có nhiều khác biệt so với các tầng lớp chính trị quý tộc truyền thống, và trong một năm mà nhiều người Mỹ khao khát đổi mới, những khác biệt này đã trở thành một phần sức mạnh của ông Obama.

MỘT NIỀM TIN TRONG CÁC ƯỚC MƠ ĐƠN GIẢN

(A Faith in Simple Dreams) Barack Obamar


Khi tôi còn nhỏ, tôi sống ở nước ngoài một thời gian với Mẹ tôi. Và một trong những ký ức sơ khai của tôi về Mẹ là bà đọc cho tôi nghe những dòng chữ đầu tiên trong Tuyên Ngôn Độc Lập, và giải thích cho tôi nghe những ý tưởng trong đó đã được áp dụng vào từng người Mỹ ra sao, người Mỹ da Trắng, da Đen và da Nâu đều giống nhau cả, tất cả đều là người Mỹ. Bà đã dạy cho tôi biết rằng những dòng chữ đó, và những ngôn từ trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã bảo vệ chúng ta tránh khỏi những bất công tàn nhẫn mà chúng ta đang là chứng nhân sống cho những số phận con người khác đang phải chịu đựng tại các quốc gia khác trên thế giới.

Mới đây, điều này đã được gợi lại trong tôi khi tôi theo dõi những bất công tàn bạo quanh vấn đề gọi là cuộc bầu cử tại Zimbabwe. Trong nhiều tuần lễ, đảng phái đối lập và những người ủng hộ họ đã bị săn đuổi, tra tấn và sát hại trong vòng bí mật. Họ đã bị kéo ra khỏi nhà họ vào lúc giữa đêm và bóp cổ đến chết trong khi con cái họ nhìn thấy cha mẹ mình đang bị sát hại dã man. Người vợ của một vị thị trưởng tân cử đã bị đánh đập tàn nhẫn đến nỗi ngay chính cả em ruột của bà cũng không nhận ra được thi thể bà, ngoại trừ cái váy mà bà đã mặc trong ngày bà bị sát hại. Ngay cả những cử tri bị tình nghi là đã bội phản lại vị Tổng Thống đương kim cũng bị tập trung lại và bị đánh đập trong nhiều giờ. Tất cả chỉ vì một tội đồ đơn giản - Họ đã đi bỏ lá phiếu bầu của họ.

Quốc gia của chúng ta là một quốc gia giàu mạnh với nhiều niềm tin và nhận thức khác biệt. Chúng ta tranh luận và bàn cãi những tư tưởng khác biệt của chúng ta một cách sôi động và thường xuyên. Nhưng một khi tất cả những gì cần phải nói đã được nói ra, chúng ta vẫn cùng nhau đoàn kết lại như một khối dân đồng nhứt và tuyên thệ trung thành, không những chỉ đơn thuần cho một nơi chốn trên tấm bản đồ hay một vị lãnh đạo nào đó nhưng tới những dòng chữ mà Mẹ tôi đã từng đọc cho tôi nghe cách đây nhiều năm về trước - "Rằng mọi người đều được tạo ra công bằng, rằng mọi người được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền không thể nào tách bỏ được, trong những quyền này bao gồm quyền Được Sống, quyền Tự Do và quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc."

Đó chính là một niềm tin trong những ước mơ đơn giản đích thực của nước Mỹ, một sự khẳng định trên các điều kỳ diệu nhỏ bé. Đó là những ý tưởng mà chúng ta có thể ru đưa vào giấc ngủ của con cháu chúng ta hằng đêm và biết rằng chúng được nuôi dưỡng và an toàn trước các hiểm họa; rằng chúng ta có thể nói những gì chúng ta đang suy nghĩ, viết lên những gì chúng ta đang suy nghĩ, mà không phải lo sợ bị công an, cảnh sát gõ cửa; rằng chúng ta có thể có một sáng kiến và khởi sự công việc làm ăn riêng rẽ của chúng ta mà không phải nộp hối lộ; rằng chúng ta có thể tham dự vào các tiến trình chính trị mà không phải lo sợ bị trả thù; và rằng các lá phiếu bầu của chúng ta sẽ được đếm trong các cuộc bầu cử.

Với tôi, đó là niềm tin yêu và việc bảo vệ những lý tưởng này chính là ý nghĩa thực sự của lòng yêu nước. Đó là những lý tưởng không thuộc về bất kỳ đảng phái nào hay bất kỳ nhóm người nào nhưng là sự kêu gọi mỗi một chúng ta đóng góp phần của mình vào sự thịnh vượng chung của chúng ta.

Tôi viết lên điều này với sự hiểu biết rằng nếu những thế hệ cha ông trước đó của chúng ta đã không đứng lên để nhận lãnh trách nhiệm trong thời của mình, thì có lẽ tôi đã không đứng trong vị trí của tôi vào ngày hôm nay. Là một người trẻ mang hai dòng máu trong người, không có được những nối kết, gốc gác trong bất kỳ cộng đồng nào, không có được chính cả bàn tay dẫn dắt của người Cha, thì đây chính là lý tưởng của người Mỹ mà vận mạng của chúng ta đã không cần phải được viết trước khi chúng ta ra đời để định nghĩa cuộc đời của chúng ta. Và đó chính là nguồn cội của lòng tin yêu của tôi đối với đất nước này: bởi vì với một người Mẹ có gốc từ Kansas và một người Cha có gốc từ đất nước Kenya, tôi biết rằng những câu chuyện giống như câu chuyện đời tôi chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ mà thôi.

2 tháng 11, 2008

Ngày không em - Nguyễn Trọng Tạo


Phan Chí Thắng

HOCMOINGAY: "Ngày không em" là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ (từ trái sang phải: Nguyên Hùng , Nguyễn Trọng Tao, Phan Chí Thắng, Hoàng Cát http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/97272)


Các nhà phê bình, bạn bè văn chương và cả người đọc viết khá nhiều về thơ Nguyễn Trọng Tạo. Khó tìm ra điều gì để viết thêm về nhà thơ danh tiếng này.

Tôi muốn viết một cái gì đó nho nhỏ, hợp với sức mình về thơ Nguyễn Trọng Tạo, với tư cách một người đọc bình thường. Tôi không cố chọn ra một số bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo để nói đến. Tôi đơn giản lấy luôn bài thơ mới nhất mà anh công bố để đọc và cảm nhận.

Viết về thơ Nguyễn Trọng Tạo là một công việc cực kỳ khó khăn. Vườn thơ anh quá rộng, cây hoa nào cũng đẹp, bông hoa nào cũng lung linh. Vừa định "yêu" bông hoa này, ta lại thấy bông khác quyến rũ không kém.

Một nhà "Nguyễn Trọng Tạo học" chắc chắn phải bỏ cả năm để đọc, nghiên cứu và viết một công trình khoa học về thơ anh. (Xin xem Phụ lục ở cuối bài để hình dung kho "sản phẩm" mang thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo)

Mấy chục năm qua nhiều bài thơ của NguyễnTrọng Tạo vẫn sống trong lòng người đọc, được nhiều người thuộc lòng. Tiến sỹ Hoàng Kim, một nhà nông học tên tuổi, hễ khi nào trò chuyện với bạn bè về thơ văn là nhắc đến mấy câu:

Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát.
Biếc xanh em mãi chớp sáng bầu trời.
Điều có thể đã hoá thành không thể.
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi

Tôi chỉ lấy ra trường hợp tiến sỹ Hoàng Kim làm ví dụ. Những người khác có thể thích bài khác, những câu thơ khác. Những câu thơ mượt mà, dễ nhớ, không cầu kỳ nhưng hình ảnh hấp dẫn, mới lạ, dưới con chữ là Tình và Lý ẩn hiện.

Đó là nói về những bài thơ thành danh của Nguyễn Trọng Tạo, thế thơ của anh gần đây thì sao? Xin mời đọc bài thơ sau:

NGÀY KHÔNG EM

Nguyễn Trọng Tạo

Tặng Em

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

24.9.2008

Cách tân (đổi mới) là một quy luật của sự tồn tại, một yêu cầu tự thân của mỗi tác giả. Ai liên tục cách tân, tuổi thọ sáng tác của người đó càng dài lâu.

Có người hiểu cách tân nghệ thuật là múa không mặc quần áo như mấy chú ở FPT, có người lại làm cho câu văn lủng củng đến vô nghĩa, câu thơ cầu kỳ khó hiểu. Thậm chí có người cho rằng phải đập phá các tượng đài mới là cách tân mạnh mẽ.

Dẫu đã bước sang thập kỷ thứ 7 của cuộc đời, Nguyễn Trọng Tạo vẫn liên tục cách tân thơ mình, theo cách của anh.

Bài thơ "Ngày không em" được xây dựng theo cấu trúc:

1. Xa em, anh là gì
2. Xa em anh làm gì
3. Xa em anh như thế nào
4. Nguyên nhân - Vì nhớ em
5. Khát vọng yêu đương

Là hoạ sỹ, Nguyễn Trọng Tạo đương nhiên là giỏi bố cục. Là một người làm kỹ thuật, tôi hay tìm "sơ đồ khối" của mọi thứ.

1. Xa em anh biến thành vật bất động, mất hết công năng

anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo

hoặc là động vật hoang dại, thiếu thốn và bải hoải:

anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Đã ai ví sự cô đơn, nhớ nhung của mình như một con mèo đói kêu khan?

2. Xa em, anh thành người bất lực, không còn biết làm gì

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Đụng vào cái gì, kể cả cái vô hình là gió, cũng gợi nhớ đến em. Anh bất lực với sự khủng khoảng của chính mình.

3. Tác giả xác định trạng thái của "anh", đẩy logic nhớ nhung lên mức cao hơn

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Anh như bị biến mất, thành vô hình, không xương không thịt. Cảm thấy nói thế hơi điêu, hơi vô lý, tác giả tự gán mình là cái bình đã vỡ.

4. Cái gì làm anh ra nông nỗi này? Vì nhớ em. Tác giả diễn tả nỗi nhớ đến kinh người

- thành bão về phương em,
- thành con chó điên chạy thật xa.

Tác giả không nói nhưng người đọc hiểu là con chó điên chạy đến "em", vì ở trên tác giả đã nói "gió mềm mại dáng em".

Muốn biến thành con chó đến "liếm" được người yêu một cái, hình ảnh này mới lạ, theo tôi là chưa ai nghĩ đến để mà dùng trong thi ca. Một lần nữa, tự thấy mình "phiêu" quá, tác giả lại quay về với cõi thực:

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Liếm màn hình như con chó ảo liếm gió. Động từ "liếm" là một từ trần tục, ít ai dám dùng trong thơ, Nguyễn Trọng Tạo dùng nó, rất sex mà không sex, rất thật mà vẫn rất ảo.

5. Khát vọng yêu đương

Nhớ đến vậy, điên cuồng đến vậy, nhưng chỉ nói đến mức đó thì bài thơ mới chỉ là hay chứ chưa rất hay. Tiếp tục là khát vọng yêu đương, tuy vẫn là ảo ảnh, nhưng bây giờ thực tế hơn, đắm đuối và hạnh phúc hơn:

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Hai câu thơ cuối, thông thường là câu kết.

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Nhưng cái kết thật bất ngờ. Hình ảnh kỳ lạ: ngọn cỏ làm sao đâm mù được tia nắng? Một cái gì đó là ao ước, một chút gì đó là giận hờn hoàn cảnh, một sự khao khát đến tột cùng.

"Ngày xa em" là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ.

Trên đây là cách tôi hiểu, tôi cảm nhận một bài thơ được lấy hú hoạ trong mấy trăm bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Không biết là tôi đã cảm thụ được hết nó hay chưa. Nếu tôi chưa cảm thụ được hết nó thì đó cũng là điều đáng mừng: bài thơ ở một tầm cao hơn sức với của tôi.

Người theo dõi