Tuổi già là thời sung sướng nhất
Trần Hữu Dũng .
Khi đã lớn tuổi,
thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống. Không
còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm,
muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la.
Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi,
mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì.
Không còn phải khổ
công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi
cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi. Nếu đã nghỉ hưu, thì học
thêm làm chi. Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen
việc, làm việc dễ dàng.
Khi già tình yêu
cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng
các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình. Tội chi mà chết
vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi
sớm hơn. Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi.
Đời sống tình cảm
của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng. Tuổi già
rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng
sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền quà
cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật. Hồi hộp, đau tim. Các bà
khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc
làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng
méo mó. An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.
Cũng có một số ít
những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều
trở thành khó tính. Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng
như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều
đến tương lai chúng và tương lai của chính mình. Vì còn sống bao lâu
nữa mà lo lắng chi cho nhiều. Xa được ông chồng khó tính, độc tài là
mừng. Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng. Khỏe trí.
Tuổi già, cố giữ
cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có
lý. Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc
cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu
ngày nữa.
Có điều ít ai nghĩ
đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an
ủi nhau trong tuổi xế chiều. Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt
gánh nửa đường. Chồng chết, vợ chết, ly dị. Vấn đề là không sao tìm
được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia sẻ
như người phối ngẫu cũ.
Tình già cũng nhẹ
nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung.
Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho
thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy. Nhiều
người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh
bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy
hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi
sa lầy vào ruợu chè cờ bạc. Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác. Họ nghĩ
rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu
khổ cho mệt. Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào.
Tuổi già biết giá
trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng,
và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ. Khi già
rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần giấu diếm, không cần sụt đi năm
bảy tuổi làm chi. Sướng lắm. Vì có sụt tuổi, cũng không giấu được
những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì. Nếu tự cọng thêm cho mình chừng
chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ
quá, và họ mơ ước được như mình.
Các ông có vợ đẹp,
khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình. Con
người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai
mà không có khi thiếu sáng suốt. Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn
giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm. Bởi vậy, các
ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau. Tuổi nầy các bà cũng
thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ
là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được.
Đàn bà có chồng
hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu
nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung. Biết kềm chế hơn,
và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông.
Tuổi già, vợ chồng
sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói
hư tật xấu của nhau. Không còn thấy khó chịu nhiều nữa. Dễ dung thứ
cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người
bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác.
Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn.
Tình yêu trong
tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.
Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả
hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác,
cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được?
Tuổi già, thì tất
cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống,
không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối. Họ biết
sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân. Họ còn
biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi
nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì.
Khi tuổi già, thì
biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường. Biết đâu là hạnh
phúc chân chính. Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ
không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau
khổ mình, làm điêu đứng người khác.
Tuổi già, vui khi
thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Ai khen
không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận. Vì biết rõ mình không
có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh. Và biết mình cũng có nhiều cố
tật không chừa được, đáng chê. Chê thì chê, khen thì khen. Khen cũng
thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan
thứ hơn là trách móc.
Lúc nầy, không còn
muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ
cho nhiều tiền nhiều bạc. Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu
nhiều thứ, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện. Họ
cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ
chịu và khỏe khoắn hơn.
Mối lo âu về tài
chánh cũng nghẹ gánh. Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số
tiền nhỏ. Nhà cửa cũng đã có. Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn
nữa. Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình. Chúng nó
đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được. Chắc chắn tương lai chúng khá hơn
mình nhiều. Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi
cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.
Khi già, thời gian
mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm
sống nữa. Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận. Có thể ngồi
mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt
thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ
mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở.
Tuổi già về hưu,
là một mong ước của gần như của tất cả mọi người. Nhiều người gắng làm
sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn. Nhiều thanh niên, ngày
về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước. Người Mỹ, trẻ già chi cũng nghĩ
đến hưu trí. Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa,
của xã hội. Cho sung sướng, nghỉ ngơi. Già là nghỉ ngơi, là khỏe
khoắn.
Hạnh phúc tuổi già. Ảnh: Internet
Mỗi buổi sáng nằm
dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy
giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao. Nằm
thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm,
ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc giục, không cho mình nhịn lâu thêm được
nữa. Thế thì sao mà không sung sướng?
Nếu chưa về hưu,
còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị
những sức căng, bị áp lực đè nén. Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng
không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ
mất con như những người còn trẻ. Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã
ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều. Vả lại, già rồi, kinh
nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong
thả.
Bạn đồng sự cũng
có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm. Có trường hợp,
còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về
hưu cho khỏe. Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không
muốn về hưu. Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai,
cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn.
Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ
không phải “đi cày” như nhiều người khác quan niệm. Vui thì làm tiếp,
chán thì về nhà nghỉ ngơi.
Người lớn tuổi,
thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi
bệnh hoạn. Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh
thuyên giảm. Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu
trong từng khớp xương hơn. Ngưới trẻ đâu có thấy được những nỗi sung
sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết. Họ có
sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng
có giá trị gì. Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái
bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không
biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng
vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi.
Có người viết sách
rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì
biết mình chưa chết. Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết
mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn.
Nầy anh chị có nhớ
câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva
xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi
trán mới có hạt cơm vào mồm”. Đó là câu nguyền rũa độc địa nhất, là lời
phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn. Sách Phật
cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ. Đó, đời nầy đáng sống
lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm. Bởi vậy nên tôi nói, được sống là
mừng, mà được chết, cũng mừng. Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình
khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể. Tôi cười trong
bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa. Có sinh thì có
diệt. Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ
là khởi điểm của một cuôc rong chơi. Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một
đoạn thơ của anh bạn tôi:
Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó …
Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ?
Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi …
Khi tuổi già, thì
xem cái chết như về. Ai không phải chết mà sợ. Sống qua khỏi tuổi năm
mươi, là đã lời lắm. Tuổi trung bình của con người trên thế giới này
chưa được con số năm mươi.Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ
hai.
Đời trước đã hoàn
tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung
sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước. Vì đã từng trải, đã gom được kinh
nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du
huyễn hão. Chết là về. Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà
như chiếc xe hư máy dọc đường. Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man,
không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ. Tôi biết vậy, nên
đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi.
Đi về bình an.
Này, anh chị nghĩ
sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi
không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” (Kevokian — THD)
phải không? Cái tên gần gần như vậy. Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ
Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù
tội. Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó. Tôi cố tìm
một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có. Tôi nghĩ, trong tương lai,
luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì
đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được
chết. Trừng phạt người ta hay sao?
Trong tuổi già,
người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa. Có bộ máy nào, không phải là
gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng
nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao
tử, não bộ. Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa
thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn. Thì dù có rò rỉ van
tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường
tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được. Dù có phải liền liền đi
vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài
mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà,
bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi…
Bài trên viet-studies
NGỌC PHƯƠNG NAM. Dạy và học Thung dung
đã đạt một triệu lượt người đọc. Trong đó Đọc Hiểu đời của Chu Dung Cơ
là một trong số những bài viết được nhiều người xem. Tôi đọc lại bài này
và càng thấm thía lời ông: “ Người hiểu đời rất quý trọng và biết
thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa
của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn. Cần có tấm lòng
rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng
ai, trông xuống chẳng ai bằng mình , biết đủ thì lúc nào cũng vui. Tập
cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm
niềm vui… Ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm
vui thanh cao…’’
HIỂU ĐỜI
Chu Dung Cơ
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám
nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh
thản, sống thoải mái.
Qua một ngày mất một ngày.
Qua một ngày vui một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày.
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời
người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống,
mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng
là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi
trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là
thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.
Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn.
Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà
mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ!
Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền.
Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó
“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”.
Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ
hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần
chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những
thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.
Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn,
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa
con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông
vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần
cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm,
nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc
vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết
thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa
của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống,
trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất
túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm
niềm vui. Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm
vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với
lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở
về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao
chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con
cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan
tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai
nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của
người khác, nên sống thật với mình.
Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ
thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm
cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng
xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm
già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm
thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn
rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống…).
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh).
Người khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống).
Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào
cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có
lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho
tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng
hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy
sẽ chóng già chóng chết.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh … Tất cả đều là muộn.
Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái
tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi
hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm
và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một
tuần hoàn lành mạnh
“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh
và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ,
biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp
người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt
mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong
hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai
bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm
cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu
sắc.
Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể
dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là
khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến
những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh
quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh
cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những
tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại
những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai
trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý
trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui
lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng
thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được,
quả ngắt vội không bao giờ ngọt. Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời,
không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao
sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình
một dấu chấm hết thật tròn.
Lời bình của Hoàng Kim
THUNG DUNG. Chu Dung Cơ khi lên nhậm chức thủ tướng Trung Quốc, trước
họa tham nhũng và chống đối, ông đã làm “Bàng Đức mang quan tài ra
trận”. Dịp đó, chuyện cực ngắn Trung Quốc loan truyền câu chuyện vui
“Con chim ngập trong đống phân”. Không hiểu sao, liên tưởng thân phận
của những người bị vùi dập trong cách mạng văn hóa nay nhờ ơn tri ngộ
của Đặng Tiểu Bình kéo lên từ tủi nhục, tôi lại thấy lo cho ông. Liệu
ông có quá “đại ngôn” để rước họa vào thân. Sau này, khi thấy ông xuất
xử đúng mực, hợp lý,”dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên) “tận
nhân lực” (làm hết mình) và khéo lui đúng lúc thì mới thấy ông quả là
người hiểu đời. Vương Mông, người cùng thời với ông, viết “Triết lý nhân
sinh của tôi” dài mà không thừa. Ông (Chu Dung Cơ) thì viết “Hiểu đời”
ngắn mà không thiếu. Tôi thích nhất câu” Quý trọng và được đắm mình
trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn”. Nhưng sao ông lại
chỉ nói đến người già trong khi những lời ông đáng suy ngẫm cho lớp trẻ
lắm chứ?.
BÀNG ĐỨC MANG QUAN TÀI RA TRẬN
Bàng Đức và Mã Đại là những tướng giỏi của Mã Siêu. Trước đó, Mã Siêu
trả thù cho cha là Mã Đằng bị Tào Tháo giết hại đã khởi binh Tây Lương
cùng Hàn Toại là người em kết nghĩa của cha đánh thắng Tào Tháo nhiều
trận lừng lẫy nhờ sự dũng cảm thiện chiến. Sau vì Mã Siêu bị trúng kế ly
gián của Tào Tháo nên thua. Mã Siêu rốt cục lại rơi vào kế của Khổng
Minh nên cùng Mã Đại về hàng Lưu Bị. Bàng Đức thế cô buộc phải hàng Tào
Tháo.
Từng trãi chiến trân và biết dung nạp nhân tài, Tào Tháo đã không
phân biệt đối xử mà trọng đãi Bàng Đức hết mực. Bàng Đức cảm ơn tri ngộ
của Tào Tháo nên quyết lấy cái chết để báo đền . Ông đã khiêng quan tài
ra trận quyết tử chiến với Quan Vũ, một danh tướng khét tiếng vũ dũng mà
mọi tướng lĩnh của Tào Tháo đều e ngại khi đối trận. Sau này, Bàng Đức
bị Quan Vũ giết chết.
Nhiều năm sau, Quan Vũ, Lưu Bị, Khổng Minh lần lượt chết, Hán Trung
nhà Thục bị nhà Ngụy (họ Tào) thôn tính, con cháu của Bàng Đức đã truy
lùng, tận diệt dòng họ của Quan Vũ để báo thù.
Thủ tướng Chu Dung Cơ sau này cũng đã làm người đời liên tưởng “Bàng Đức mang quan tài ra trận”.
CON CHIM NGẬP TRONG ĐỐNG PHÂN
Trời quá lạnh, một con chim bị cóng rơi xuống cánh đồng.
Trong lúc chim nằm bất động, một con bò đi qua đại tiện lên thân mình nó.
Chim được phân bò ủ ấm dần, tỉnh lại, thấy ấm áp và hạnh phúc, nó cất tiếng hót vui mừng.
Một con mèo đi qua, nghe tiếng chim hót liền tìm kiếm và phát hiện chim giữa đống phân, mèo bới phân kéo chim ra ăn thịt.
Bài học:
1. Không phải ai ỉa vào mình cũng là kẻ thù của mình.
2. Không phải ai kéo mình ra khỏi đống phân cũng là bạn mình.
3. Khi đang ngập ngụa trong đống phân thì tốt nhất là ngậm cái mồm lại
(GS Mai Văn Quyền: Không phải của mình mà của Hà Triều Hiệp đấy! chuyện cực ngắn của Tàu đấy !)
Thư Tôn Vận Tuyền
DẠY VÀ HỌC. Lời cha mẹ căn dặn con cái thường sâu sắc, thân tình và giản
dị. Đó là những lời mà họ đã chiêm nghiệm các bài học thất bại và thành
công trao lại cho con. Tôn Vân Tuyền là nhà kinh tế chính trị danh
tiếng của Đài Loan. Ông có công lớn trong việc chuyển đổi nền kinh tế
chủ yếu nông nghiệp thành cường quốc xuất khẩu. Ông đã đúc kết chín lời
khuyên dạy con. Tôi may mắn được đọc thư này khi đến thăm blog của thầy
Nguyễn Lân Dũng, đúng lúc tôi đang nếm trãi cái rét cắt da khi cùng
chuyên gia và đồng nghiệp đi tìm chọn điểm tạo giống sắn lai ở vùng núi
cao phía Bắc và đang bùi ngùi Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bác. Cám ơn thầy Lân Dũng đã tạo duyên may cho em được tuyển chọn lưu trữ những lời sâu sắc này.
MỘT LÁ THƯ ĐÁNG ĐỌC
Nguyễn Lân Dũng
Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 - 15/2 /2006), một nhà kinh
tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn
Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công
nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông
làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources
Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority
(Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các Bộ
Giao thông vận tải, Truyền thông và Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh
tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier
of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng
Mười dự án siêu cấu trúc, trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek
International, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn
Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp
Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công
nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)... Nhờ
những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ
trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt
may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ
khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong
những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .
Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quý do xuất huyết não và sau khi
phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng,
ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về
Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con
của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin
phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:
KIẾP SAU (NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG,
CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU
".... Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:
Các con thân mến,
Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên ba nguyên tắc như sau :
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có
những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.
2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!
3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm
xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha
ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên
con đường trưởng thành của các con.
Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :
1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời
giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con
cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con,
ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng
một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ
có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.
2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà
nhất thiết phải sở hữu ,bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy,
thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi
trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất
trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.
3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây
hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu
ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm thì ta được tận hưởng
cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng
mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.
4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua
là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian,
hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bỏ con
rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để
tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi.
Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy
vì thất tình.
5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng
có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có
nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do
việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên
sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt.
Nên nhớ kỷ điều nầy !
6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời
còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng
đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng
là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus
công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mi gói, đều là
trách nhiệm của các con.
7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt
người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải
đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối
xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là nguời
ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự
chuốc lấy buồn phiền cho mình.
8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số,
nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải
siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là
miễn phí cả.
9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp
nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân qúy
khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có),
dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con