Lưu trữ Blog

22 tháng 5, 2017

Cúi đầu một nét đẹp văn hóa


CÚI ĐẦU MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA. Giáo sư Nguyễn Tử Siêm tâm đắc "Cúi đầu nét văn minh cao thượng, hiệu quả giáo dục sâu sắc'. Thầy giới thiệu bài viết thật đáng suy ngẫm của An Hòa đăng trên Tri thức Việt Nam  Người biết “cúi đầu” mới có thể “ngẩng đầu” Biết cúi đầu là một trí tuệ. Học cách cúi đầu trước những sai lầm của mình. Học cách “cúi đầu” khi đối mặt với hiện thực trước mắt. Học cách “cúi đầu” trước những dục vọng của bản thân.  Biết “cúi đầu” là một loại trưởng thành. Cám ơn giáo sư Nguyễn Tử Siêm với lời phản biện ấn tượng giúp chúng ta khắc sâu 'Cúi đầu nét văn minh cao thượng hiệu quả giáo dục sâu sắc'. Cám ơn tác giả An Hòa với bài viết đặc biệt sâu sắc lắng đọng trong lòng người. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama cúi đầu chào Nhật Hoàng là bài học lớn chưa hề cũ.  ẤN TƯỢNG OBAMA. Cúi đầu một nét đẹp văn hóa. (Hoàng Kim)

NGƯỜI BIẾT "CÚI ĐẦU" MỚI CÓ THỂ "NGẪNG ĐẦU"

An Hòa, báo Tri thức Việt Nam 3.3.2017
Trong xã hội từ xưa đến nay, phàm là những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, thăng tiến nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu”.
1. Biết “cúi đầu” là một loại trí tuệ

Một hôm có người hỏi ngài Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại: “Thưa ngài! Ngài là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ngài có biết khoảng cách giữa Trời và Đất là bao nhiêu không?”
Socrates trả lời: “Ba pous”. (pous là đơn vị đo lường của Hy Lạp cổ, 1 pous = 0,3 m)
Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ngài, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 pous, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 pous, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”
Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.
Câu chuyện cổ xưa này nói cho chúng ta biết một đạo lý, “cúi đầu” chính là một cách ứng xử đúng mực, một cách nhìn xa trông rộng trong cuộc sống. Trong cuộc sống, ở vào một số tình huống chúng ta nhất định phải học được cách “cúi đầu”, khi ấy chúng ta sẽ phát hiện ra rằng tình thế đã được chuyển biến tốt đẹp ngoài tưởng tượng của bản thân mình.

Học cách “cúi đầu” trước những sai lầm của mình

Con người không phải Thánh nhân, nên ai mà không từng phạm sai lầm? Nhưng đã mắc lỗi thì nên cải sửa. Tuy nhiên, có nhiều người khi mắc lỗi lại khuyết thiếu can đảm “cúi đầu” thừa nhận sai lầm của bản thân mình.
Sai lầm do bản thân mình gây ra rất có thể sẽ làm thương tổn đến người khác. Chỉ có “cúi đầu” mới có thể bù đắp lại được. “Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” cũng không phải là thể hiện người thấp hèn, mà thể hiện rằng bản thân biết sai nên phải sửa. Đó cũng là cái giá phải trả cho tội lỗi của bản thân mình.
Can đảm “cúi đầu” trước sai lầm mình gây ra chính là thể hiện của sự thông minh và quyết đoán, là một loại cảnh giới và phẩm cách cao quý, cũng là một loại rộng lượng và thong dong. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương.
Học cách “cúi đầu” khi đối mặt với hiện thực trước mắt
Giữa thực tại và mơ ước thường có một khoảng cách và sự chênh lệch rất lớn. Một số người khi bước vào trường học, vào cuộc sống hay nơi làm việc mới thường mang theo những nguyện vọng, mơ ước tốt đẹp, nhưng họ lại khó thích ứng được với những nội quy, quy định nghiêm khắc của nơi đó và dễ dàng đánh mất đi lý tưởng, khó có thể dung nhập được với môi trường này.
Lúc này, nếu chỉ một mực ngẩng cao đầu trông ngóng mà không hạ bỏ được cái “tư thế” của bản thân thì rất khó tìm cho mình một chỗ phù hợp, chuẩn xác. Trái lại, khi ấy, có thể cúi đầu xuống, tĩnh tâm lại, hạ thấp tư thế xuống, nhiệt tình làm việc thì sẽ rất nhanh có thể tìm được vinh quang cho mình.

Học cách “cúi đầu” trước những dục vọng của bản thân

Ham muốn, dục vọng và lòng tham của con người là vô hạn, không có chừng mực. Trong lòng người, không có cái gì là tốt nhất mà chỉ có cái tốt hơn và hơn nữa.
Có những người luôn thích kiễng chân lên, vươn cổ cao lên để vượt hơn người khác, nổi danh hơn người khác. Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp đều thăng lên như “thang máy”, người này làm cục trưởng, người kia làm trưởng phòng… trong khi bản thân mình lại không là gì cả liền cảm thấy oán trách trời đất, xã hội bất công. Nhưng, chỉ cần cúi đầu xuống, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng những thứ mà bản thân mình có được là rất nhiều, chính là mải “ngẩng đầu” nên không nhận ra và trân trọng nó mà thôi!
Cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: Rất nhiều người cả đời ngẩng đầu phấn đấu, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, thứ mà mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là vật ngoài thân mà thôi.

2. Biết “cúi đầu” là một loại trưởng thành

Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên người Nauy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Paris nổi tiếng.
Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện đó không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh. Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe.
Chàng thanh niên đói khát cuối cùng nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền ra và bỏ vào hộp đàn.
Có một kẻ ngạo mạn khinh thường người thanh niên ấy và ném những đồng tiền xuống dưới chân của anh, không một ánh mắt thiện cảm.
Người thanh niên nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất lên, đưa cho người đó và nói: “Thưa ông, tiền của ông rơi xuống đất này!”
Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của người thanh niên và nói: “Tiền này đã là của cậu rồi, cậu phải nhận lấy chúng”.
Người thanh niên lại một lần nữa nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn kẻ ngạo mạn và nói: “Thưa ông, xin cảm ơn sự giúp đỡ của ông. Vừa rồi tiền của ông rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ông cũng nhặt lên giúp tôi!”
Kẻ ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, nhưng cuối cùng trước mặt đông người cũng nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt, xấu hổ.
Những người vây xung quanh đều yên lặng dùng ánh mắt chăm chú mà theo dõi người thanh niên này. Kẻ ngạo mạn đó chính là vị giám khảo ban nãy. Cuối cùng vị giám khảo đó lại đưa chàng thanh niên về học tại học viện. Chàng thanh niên này tên là Bill Sardinia.
Trong cuộc sống có thời điểm mà chúng ta lâm vào ngưỡng thấp nhất của cuộc đời, có thể sẽ gặp phải một số sự khinh thường vô duyên vô cớ. Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời. Phản kháng lại một cách gay gắt là bản năng của của chúng ta, nhưng thông thường sẽ khiến cho hành động của những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn. Lúc ấy, chúng ta không dùng lý trí để phản kháng, mà dùng một loại tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi cũng có thể bảo vệ được danh dự của mình.
Khi đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng, bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa thì đều không cách nào trụ vững nổi. Đôi khi “cúi đầu” lại thể hiện được phẩm chất vô giá của một người! Biết “cúi đầu” mới là trưởng thành, biết “hạ mình” mới là cao thủ.

CÚI ĐẦU

Nét văn minh cao thượng
Hiệu quả giáo dục sâu sắc

GS. Nguyễn Tử Siêm  FB ngày 20.5.2017
Nhớ lại văn hào Lỗ Tấn viết: "Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ. Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu". (Trợn mắt xem khinh ngàn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng). Cụ Hồ Chí Minh dịch, dẫn lại và nói ‘lực sĩ’ là kẻ cường quyền, ‘nhi đồng’ là nhân dân.
Cụ Nguyễn Văn Tố - Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (hy sinh 7/10/1947 khi Pháp nhảy dù Bắc Cạn) - vốn là một trong Tứ kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn", từng làm chuyên gia Viễn Đông Bác Cổ, Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ. Danh giá làm vậy mà khi gặp người trẻ mấy Cụ vẫn cung kính “Thưa ông” suốt đời. Đúng là cử chỉ nói lên đức độ.
Thời nay, mấy ông “cán bộ” làm thuê, dân nuôi mà tinh tướng. Cái chức lẹt phẹt, mặt vênh như bánh tráng, rõ chán. Mấy ông chỉ đường cứ chĩa dùi cui vào mặt dân, thật thiếu lễ độ, quên bẵng câu cụ Hồ: “Với dân phải kính trọng lễ phép”. Trông người ngẫm đến ta mới phải than phiền vậy, mặc dù tôi kính trọng những người tử tế, vì dân, bảo vệ dân.
Trong công việc, khi gặp một Phó Thủ tướng, tôi nhiều tuổi hơn nên ông gọi ‘anh’ xưng ‘em’. Ở cái tuổi này, tôi chẳng dễ rung rinh, nhưng quả thật, một ý nghĩ cứ vương vấn trong đầu. Mị dân ?. Không. Chân tình !. Tôi đâm nể ở mức kính trọng và nghĩ giá như quan chức ta ai cũng nhớ dân mới là cha mẹ chứ không phải quan.
Nhật hoàng còn làm thế, sao ta lại không thể ?. Cái này nó khác hẳn với “Thân lươn bao quản lấm đầu”. Vậy thì ngại gì mà không cúi.

(NTS 20.5.2017).











Người theo dõi