Lưu trữ Blog

20 tháng 8, 2014

Thư của Bà Trưng gửi lão Hâm


HỌC MỖI NGÀY. Sáng nay thăm anh  Phan Chi Thắng, tôi gặp thư của Bà Trưng gửi lão Hâm.


Cháu Hâm thân mến!


Bà ngại lắm, nhưng vẫn cố viết thư này gửi cháu.

Ngại thứ nhất là bà hơn cháu đúng 100 thế hệ, nếu tính 20 năm là một thế hệ. Chả nhẽ xưng cụ mấy chục lần cụ gửi cháu mấy chục lần cháu thì nghe lạ tai và buồn cười quá?

Ngại thứ nhì là bà không biết chữ Việt hiện đại, phải nhờ một nhà ngoại cảm ghi lại rồi vào Google Translate dịch ra cho cháu hiểu.

Ngại nhưng vẫn phải viết.

À, bà cần giải thích thêm là vì sao bà lại gửi thư cho cháu mà không gửi cho ai khác? Vì bà nghĩ bây giờ người hâm nói ra có khi người ta còn tin hơn là người normal cháu ạ. (Ghi chú: Chỗ này Google dùng từ normal)

Sự việc là vừa rồi bà nghe tin Thành phố Hà Nội định tổ chức kỷ niệm long trọng 2000 năm ngày sinh của bà. Bà vừa mừng vừa lo. Mừng và lo đến nỗi suýt nữa thì bà đội mồ sống lại.

Mừng vì đàn cháu chắt chút chít chụt chịt 100 đời của bà vẫn nhớ đến bà. Thật là thơm thảo!

Lo là chính bà đây cũng không có cách nào biết ngày sinh của mình. Đã có lần bà hỏi thân mẫu thì thân mẫu, nghĩa là mẹ của bà bảo rằng cụ chỉ nhớ sinh ra bà vào cái đận lụt lớn, ngay sau vụ một đàn voi rừng về phá nát ruộng nương. Vậy thì ngày nào, năm nào, tháng nào, bà chả làm sao tra lịch Vạn niên ra được.

Đã mang thân là anh hùng dân tộc, chả nhẽ bà nhận xằng, mà nhận xằng khác gì nói dối?

Hôm nay, nỗi lo của bà đã vợi đi quá nửa, khi nghe tin Lãnh đạo Hà Nội quyết định tạm hoãn tổ chức lể kỷ niệm ngày sinh của bà. Thế là OK, sẽ OK hơn nữa là đừng có bao giờ làm việc đó (Ghi chú: văn phong của Google)

Nhân đây bà muốn nhờ cháu một việc. Cháu có quen ai trên Thành phố không? À quên , bà hỏi hơi bị thừa, thời này làm quen dễ lắm, miễn là có money. (Ghi chú: Google dịch dở ẹc!)

Nhờ cháu nhắn giúp bà tới các vị lãnh đạo thành phố:

1. Bỏ cái trò tạ sự lễ hội mí lại kỷ niệm ngày sinh ngày sọt. Ai anh hùng là anh hùng trong lòng dân. Hai ngàn năm nay không kỷ niệm ngày sinh của Bà Trưng thì Bà Trưng có biến thành Bà Tưng đâu mà sợ?

Làm tốn tiền dân, mà dân bây giờ chả vừa, hơi tý lại bảo các quan vẽ chuyện để xơi.

2. Dùng số tiền đáng ra tổ chức lễ hội để lo cho việc cấp và thoát nước của thành phố. Ai đời thành phố to nằm trong Top Ten của thế giới mà lúc thì mấy ngàn hộ dân không có nước sinh hoạt, lúc thì mới mưa sơ sơ phố đã thành sông?

3. Mục thứ ba này là xuất xứ từ mục số 2 nói trên.

Nếu cực chẳng đã phải tổ chức sinh nhật cho ai đó, tốt nhất là làm cho ông Sơn Tinh. Ông này sẽ giúp chống lại Thủy Tinh một cách có hiệu quả. Sẽ không sợ thiếu nước sạch và thừa nước thải.

Dưng cơ mà đành phải bịa ra ngày sinh của ông ấy. Vì ngay ông ấy, khác bà, là chả biết mẹ mình là ai để hỏi cho biết ngày ông ấy ra đời. Mặc dù bà có mẹ cũng coi như không, tất nhiên là về phương diện xác định ngày sinh.

Nhiều khi bịa đặt mà được việc thì cũng nên bịa cháu ạ.

Đấy bà có mấy ý kiến thế thôi, giấy vắn tình dài.

Cuối cùng bà muốn nói là bà yêu cháu!

Nguồn: Lão Hâm (Phan Chí Thắng * )

(*) Đọc "Mụ Thìn" truyện Phan Chí Thắng


Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

17 tháng 8, 2014

Nguyễn Ánh và Nguyễn Du, đọc và ngẫm


HỌC MỖI NGÀY. Phạm Dũng giới thiệu  "Nguyễn Ánh và Nguyễn Du" trích KỊCH NGUYỄN ÁNH trên trang Nguyễn Trọng Tạo. Tôi bật cười nhớ đến bức ảnh "bù nhìn canh ruộng" của TM và lời thoại đáng suy ngẫm:  "NGUYỄN ÁNH: Trẫm đùa thôi. Những kẻ ngông bên ngoài cũng chỉ là phường bù nhìn canh ruộng. Trẫm biết ông ngông. Ông ngông ở trong tác phẩm kìa. Không ngông làm sao dám ngợi ca một kỹ nữ Thúy Kiều, một loạn thần Từ Hải. Không ngông làm sao mà trong tác phẩm của mình chỉ có một mệnh quan duy nhất, một tổng đốc đại thần lại tráo trở, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến?. NGUYỄN DU: Dạ… thưa bệ hạ… hôm nay bệ hạ triệu thần đến đây chắc không phải chỉ để bàn về mấy cái chuyện cỏn con đó?. NGUYỄN ÁNH: Mấy chuyện đó sao có thể là chuyện cỏn con… Nó là văn hóa, là nguồn cội của một dân tộc...". Tôi vẫn còn nợ bài Nguyễn Du nửa đêm đọc lại



NGUYỄN ÁNH VÀ NGUYỄN DU



Gia Long - Nguyễn Ánh
(Trích KỊCH NGUYỄN ÁNH)
PHẠM DŨNG
Vở kịch này đã được giải của Hội sân khấu Việt Nam. Một thành viên Ban Giám Khảo nhận xét: “nói lên được một số vấn đề của thời đại một cách sâu sắc!”. Đây là đoạn đối thoại giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Du.
Nội dung:
Nguyễn Ánh phẩy tay. Lê Văn Duyệt vào rồi ra cùng Nguyễn Du. Nguyễn Du chào theo nghi lễ. Nguyễn Ánh tiếp chân tình.
NGUYỄN ÁNH: Ồ! Mời ngồi… người đâu, mời rượu.
NGUYỄN DU: Bẩm Hoàng thượng… hôm nay long thể của người…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm không uống không có nghĩa là khách của trẫm không uống.
Người hầu bưng rượu ra. Nguyễn Ánh rót ra cho Nguyễn Du.
NGUYỄN ÁNH: Mời!
NGUYỄN DU: Dạ, thần… xin đạ tạ… nhưng…
NGUYỄN ÁNH: (cười) Trẫm có nghe nói người ta bảo uống rượu dở nhất là uống với vua. Uống ngon là uống với cố tri… nhưng đặc biệt, một hôm nào đó về làng, trai thanh gái tú, dưới ánh trăng mờ ảo… vừa uống vừa… ca hát và tý toáy được với một cô gái làng…
NGUYỄN DU: Thưa bệ hạ, đó là chuyện tầm phào của bọn người đường chợ, bệ hạ nghe làm chi cho rác tai rồng.
NGUYỄN ÁNH: Nào, tả tướng khanh cạn chén với quan Đông các đại học sĩ cho có bạn.
LÊ VĂN DUYỆT: Dạ, bệ hạ cho thần không phải phạm quân lệnh ạ.
NGUYỄN DU: Dạ, bệ hạ đã nói thế thần xin không dám khước từ. (Nguyễn Du uống cạn) Dạ… rượu ngon lắm ạ.
NGUYỄN ÁNH: Ha! Ha! Ha! Cứ bảo nhà thơ là ngông… nhưng sao trẫm thấy khanh rất… khoan hòa…
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm đùa thôi. Những kẻ ngông bên ngoài cũng chỉ là phường bù nhìn canh ruộng. Trẫm biết ông ngông. Ông ngông ở trong tác phẩm kìa. Không ngông làm sao dám ngợi ca một kỹ nữ Thúy Kiều, một loạn thần Từ Hải. Không ngông làm sao mà trong tác phẩm của mình chỉ có một mệnh quan duy nhất, một tổng đốc đại thần lại tráo trở, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến?
NGUYỄN DU: Dạ… thưa bệ hạ… hôm nay bệ hạ triệu thần đến đây chắc không phải chỉ để bàn về mấy cái chuyện cỏn con đó?
NGUYỄN ÁNH: Mấy chuyện đó sao có thể là chuyện cỏn con… Nó là văn hóa, là nguồn cội của một dân tộc. Còn nhớ nhà Nguyên xâm lược Trung Quốc, rồi sau đó vì nền văn hóa Trung Quốc lớn hơn, sâu sắc hơn mà nhà Nguyên bị nhà Minh đồng hóa. Người dân sống theo cách sống của nhà Minh đã đành mà quan lại cũng sống theo cách sống của nhà Minh. Và rốt cuộc hóa ra lại là nhà Nguyên bị nhà Minh xâm lược.
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Dạ, sao quan Đông các đại học sĩ có gì muốn nói?
NGUYỄN DU: Dạ… thần nghĩ đó là những ý nghĩ sâu sắc và thấu đáo hiếm có của một bậc quân vương.
NGUYỄN ÁNH: Chà! Trẫm ngồi trên ngai vàng mà suốt ngày nghe nào là sâu sắc, nào là thấu đáo, thậm chí minh ý nữa…  Cứ thế thì dẫu vua Nghiêu vua Thuấn cũng khó mà không ngộ nhận về bản thân.
NGUYỄN DU: Nhà vua đã chấp nhận mình… làm vua thì phải chấp nhận những thứ theo cùng với nó. Ví như một người nghèo thì khó mà không bị khinh rẻ. Một người thành đạt khó mà không được nể vì. Người bại trận khó mà không bị người đời gọi là ngụy tặc.
NGUYỄN ÁNH: Đúng thế! Và đó là điều trẫm lo lắng.
NGUYỄN DU: Dạ… Hoàng thượng đã biết lo lắng tất Hoàng thượng đã có chủ ý không để những điều tầm thường, sai trái làm mình lầm lạc.
NGUYỄN ÁNH: Nhưng còn con, còn cháu trẫm… (Nguyễn Du im lặng) Thôi được rồi, Nguyễn Du… Nhiều lúc ta… ta cô đơn lắm khanh biết không?
NGUYỄN DU: Dạ… thần trộm nghĩ không chỉ riêng bệ hạ…
NGUYỄN ÁNH: Cả khanh cũng thế ư? (im lặng) Có lẽ bất kể ai tự mở con đường riêng của mình… cũng đều sẽ có cảm giác này. Họ không có người chia sẻ… (im lặng hồi lâu) Khanh?
NGUYỄN DU: Dạ, có thần…
NGUYỄN ÁNH: Bây giờ trẫm phải làm gì?
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm phải làm gì?
NGUYỄN DU: Dạ, thần không hiểu… ý của bệ hạ?
NGUYỄN ÁNH: Trẫm… Ta… ta muốn nói về những sai lầm của ta trong quá khứ. Ta đã cầu viện ngoại bang, ta đã đào mồ Nguyễn Huệ. Ta đã giết hại công thần… ta phải làm sao để xóa đi những vết ố trong quá khứ của mình… Ta đã bắt giam quan ngự sử khi hắn không chịu viết theo ý ta… Ta có thể sai các văn thần tô vẽ lên lịch sử đời mình với những trang chói lọi… Nhưng như thế đâu phải là ta…
NGUYỄN DU: Bệ hạ… bệ hạ còn day dứt vì điều đó… còn hiểu bệ hạ  cũng chỉ là một quân cờ của đấng cao xanh thì chính là bệ hạ đã lĩnh được ý thiêng của thánh thần rồi ạ.
NGUYỄN ÁNH: Khanh nói nữa đi… những lời từ gan ruột…
NGUYỄN DU: Bệ hạ… bệ hạ không thể sửa chữa những sai lầm nhưng nếu bệ hạ… trong phần đời còn lại… biết sống cho bá tánh… và hậu duệ của bệ hạ cũng biết sống như vậy, thì nhân dân sẽ tri ân với bệ hạ hơn là hờn trách những sai lầm của bệ hạ.
NGUYỄN ÁNH: Không! Khanh an ủi ta…  Mà thôi ta và khanh là đạo quân thần… Ta phải chấp nhận thôi… Chấp nhận đã ngồi trên ngai vàng thì không thể nào có một người tri kỷ… Khanh về đi.
NGUYỄN DU: Dạ… hạ thần xin cáo lui ạ…
Nguyễn Du vào. Nguyễn Ánh ho rũ rượi. Thái tử Đảm vào.
THÁI TỬ ĐẢM: Cha! Cha ho nhiều quá. Thái y đâu?
THÁI Y: Dạ! Thuốc của bệ hạ đây ạ.
Thái y mang thuốc vào. Thái tử cho Nguyễn Ánh uống. Nguyễn Ánh uống xong.
NGUYỄN ÁNH: Con…
THÁI TỬ ĐẢM: Gì, thưa cha!
NGUYỄN ÁNH: Tuy con có những điểm không bằng các anh con nhưng con lại được gần cha nhiều hơn. Con thông minh, có ý chí và lòng bao dung, đó là ba phẩm chất để tạo ra một vị vua sáng. Con cần biết điều này. Khi con đã chấp nhận làm vua là con phải chấp nhận sống không theo nhưng thế tục thông thường… Thí dụ cha cố tình bức hại Nguyễn Văn Thành…
THÁI TỬ ĐẢM: Cố tình?
NGUYỄN ÁNH: Phải… Chính là vì cha sợ cho con sau này. Ông ta chẳng những là một vị tướng lỗi lạc mà còn là một người có uy tín trong triều. Con sẽ không đấu lại ông ta khi cha mất. Cái họa thái sư Bùi Đắc Tuyên đối với vua Quang Toản con trai Nguyễn Huệ là nhỡn tiền. Lê văn Duyệt cũng là một kẻ gian hùm, cha có thể ra tay trừ khử nhưng… Sau khi cha chết con hãy dùng ông ta làm vật tế để bọn quan thần kinh sợ.
THÁI TỬ ĐẢM: Ôi cha?
NGUYỄN ÁNH: Với bọn nước ngoài con nên gắng học hỏi nhưng đừng để cho họ gần mình. Khi để họ gần con sẽ lu mờ và uy danh thiên tử sẽ dần dần sẽ mất thiêng đi. Còn với những nước gần ta thì với nước lớn ta phải khôn khéo đừng bao giờ để chúng mất thể diện. Với nước nhỏ thì phải luôn khiến chúng cảm thấy cái uy của mình mà thực tâm nể phục.
THÁI TỬ ĐẢM: Con thấy cha rất tôn trọng Nguyễn Du?
NGUYỄN ÁNH: Cũng là bề ngoài thôi. Có lần ta bảo ông ta so sánh ta với Nguyễn Huệ. Ông ta nói Nguyễn Huệ là một nông dân không có thiên mệnh làm thiên tử, nên dù đánh thắng 20 vạn quân Thanh vẫn không được làm vua. Ta hơn ông ấy vì, cuối cùng ta đã đã thắng ông ta. Nhưng, con phải biết là một quan đương triều mà xây dựng nên một hình tượng quan lại phản trắc, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến… thì chắc chắn vị quan đó có rất nhiều uẩn ức và không hết lòng với triều đình mà ông ta đương phải nương nhờ.
THÁI TỬ ĐẢM: Thế thì con phải làm sao?
NGUYỄN ÁNH: Không riêng gì Nguyễn Du, những quan lại từng theo Lê – Trịnh giờ làm quan cho ta đều có chung nỗi niềm: một thân phải thờ hai chủ. Bọn danh sĩ Bắc Hà còn tức tối vì chuyện triều đình thường o bế, tâng tiu những quan lại phía đàng trong do đám quan lại này có công phò tá ta những năm gian khổ. Danh sĩ Bắc Hà thường là những kẻ có tài… rất hữu dụng cho ta khi xây dựng vương triều. Con phải biết tùy người, tùy việc mà ứng phó.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ, con xin nghe lời cha…
NGUYỄN ÁNH: Còn nữa, cái bọn văn nhân hèn kém ấy, chúng luôn xúc xiểm bá tánh làm loạn. Bá tánh như trâu bò ngựa dê, mình khéo chăn dắt thì sẽ vào khuôn khổ. Không có cái lũ văn nhân rót vào tai chúng những điều xằng bậy thì lũ trâu bò kia có bao giờ biết ngẩng lên mà nói tiếng người.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Với bọn văn nhân con cư xử với chúng nhất định phải khôn khéo. Luôn an ủi vỗ về chúng, và cho chúng thỏa mãn cái ngông kẻ sĩ. Lôi kéo được thì tốt, bằng không được thì cũng đừng bao giờ làm chúng nổi điên.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ… con xin khắc cốt ghi tâm.
NGUYỄN ÁNH: Tuy nhiên đôi khi trong những tác phẩm của chúng cũng có những điều ta cần phải học. Nguyễn Du từng khuyên cha muốn giữ vững ngai vàng phải chăm lo đến bá tánh. Con hãy nhớ những ông vua khai quốc bao giờ cũng chú ý đến bá tánh, những đời vua sau thường chỉ lo hưởng lạc. Đó là họa mất nước. Ông ta cũng nói rằng những sai lầm của cha sẽ được người đời quên đi nếu đời con biết chăm lo đến bá tánh… sửa những sai lầm cha đã mắc. (ho rũ rượi)
THÁI TỬ ĐẢM: Con sẽ khắc cốt ghi tâm điều này. Cha mệt rồi… cha đi nghỉ đi.
NGUYỄN ÁNH: Còn điều này nữa, sau khi cha chết… con hãy thả Nguyễn Trung Nghĩa ra và cho phục lại chức cũ…
THÁI TỬ ĐẢM: Nhưng hắn…
NGUYỄN ÁNH: (khoát tay) Lịch sử… Cuối cùng thì cha cũng nhận ra không một ông vua nào có thể viết lại lịch sử theo ý của mình… con hãy nhớ điều đó để luôn tự sửa mình.

Người theo dõi