Lưu trữ Blog

29 tháng 10, 2008

Nước mình làm gì có tham nhũng



Nguyễn Đức Đát

http://nddat.vnweblogs.com/post/2427/101767

Sáng nay uống cà phê, tôi gặp thằng bạn. Lâu lắm rồi mới thấy mặt hắn. Hắn là người dễ xúc động. Việc gì đối với hắn cũng bức xúc. Đọc báo thấy nói tăng giá điện, thu phí chống kẹt xe, ăn chặn hàng cứu trợ...hắn trằn trọc cả đêm không ngủ, chỉ mong trời mau sáng để gặp ai đó xả cơn tức. Gặp tôi, hắn mừng như bắt được vàng. Hắn xả ngay:

- Tham nhũng tràn lan ông ạ. Sờ đến nơi nào là nơi ấy có tham nhũng.

Tôi quặc ngay:
- Nước ta làm gì có tham nhũng. Ông chỉ nghe bọn phản động tuyên truyền bậy bạ thôi.

- Đây ông xem, Tổ chức Minh bạch thế giới xếp Việt Nam ở vị trí cao trong danh sách những nước tham nhũng nặng.

- Ông tin luận điệu của tổ chức ấy làm gì. Đó là âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Chúng hùa nhau làm mất uy tín Đảng và Nhà nước ta đấy.

- Ông chỉ bênh vực cho Nhà nước. Đây vụ PU18, vụ Đồ Sơn, vụ Võ Thanh Bình...báo chí đăng tải ầm ỹ, ông đui à.

- Tôi không đui. Vụ PU18 không có tham nhũng. Tiền đánh bạc của Bùi Tiến Dũng là của cá nhân hắn, không phải tiền tham ô. Cơ quan điều tra giải thích rồi. Vụ Đồ Sơn chẳng qua cán bộ cấp dưới trình độ non yếu, lại hay cả nể. Cán bộ cấp trên công việc lu bu, không quán xuyến hết. Mà cấp vài chục mảnh đất thì nghĩa lý gì. Cán bộ làm việc cho dân, họ phải được cấp đất làm nhà chứ. Có an cư mới toàn tâm phục vụ. Ông Võ Thanh Bình đâu biết đất của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông nhận đất từ quân đội. Quân đội lại tịch thu từ quân lực chế độ cũ. Số tiền một trăm triệu ông đã nói rõ, không phải tiền chạy chức. Tiền người ta cho con ông, hỗ trợ cháu làm nhà. Việc làm tình nghĩa thôi.

- Nói như ông thì nước ta không có tham nhũng à ? Nhiều vị có nhà rồi còn tham lam nhận thêm đất.

- Thì nhà đông con cái, phải cho chúng ở riêng chứ. Ở chung với bố mẹ mãi sao được. Nước mình làm gì có tham nhũng. Nếu có chỉ là số ít, chủ yếu là người ngoài Đảng. Chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tôn chỉ đã nói rõ rồi. Cán bộ ta ai cũng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê Nin và đạo đức Hồ Chí Minh. Đố ông nào dám tham nhũng. Ngay nhân dân còn được giáo dục để sống tiết kiệm, không tham nhũng nữa là. Tóm lại, chế độ ta rất ưu việt, đâu có xấu xa, thối nát như chế độ phong kiến, tư bản. Đợt khủng hoảng tài chính vừa rồi, chứng minh hùng hồn: - Bọn tư bản đang giãy chết !. Ông đừng có mắc mưu diễn biến hòa bình của kẻ địch mà nguy đấy.

- Vụ xử hai nhà báo và tướng Quắc, ông thấy thế nào ? Nhà báo chống tham nhũng mà bị bắt, bị xử bị tù thì còn ai chống tham nhũng nữa. Xử thế này thì bọn tham nhũng mừng ông ạ. Tòa xử theo chỉ đạo, chẳng có tính độc lập. Nghe nói vụ này là do hai phe đánh nhau.

- Thế nào là thế nào ? Chuyện không có nói có, có ít lại nói vống lên. Hai nhà báo và tướng Quắc tội rõ rành rành. Nghiệp vụ của Chiến, Hải yếu, nhìn hiện tượng, lại tưởng tham nhũng. Làm gì có tham nhũng. Khi thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng TW, Ban yêu cầu các địa phương và cơ quan, ban ngành báo cáo tình hình tham nhũng. Nhiều địa phương, ban ngành không báo cáo. Vì tìm mãi không thấy tham nhũng ở đâu. Đơn giản vậy thôi. Không có tham nhũng thì lấy gì báo cáo. Đảng và Nhà nước là một khối thống nhất. Mọi việc đều bàn bạc thấu đáo. Họp hành liên tục. Có thể một vài ý kiến chưa tương đồng. Làm gì có phe phái. Nghe ghê quá. Tòa án của ta xử rất công minh, độc lập, không chịu bất cứ áp lực nào. Một vài vụ do thẩm phán mới, nắm chưa vững luật thôi. Ông cẩn thận cái mồm kẻo mang vạ vào thân.

- Báo chí bị dán băng keo vào mồm rồi, không anh nào dám ho he viết và đăng bài chống tham nhũng nữa.

- Ông lại ngu hơi bị lâu. Làm gì có tham nhũng mà chống. Không có tham nhũng thì quay qua viết về thi hoa hậu, lăng xê các ca sỹ ngôi sao (dù là sao xẹt), kêu ca về tăng giá điện, về môi trường, lũ lụt, kẹt xe, lễ hội, dựng bia tiến sỹ thời đại mới...Thiếu gì chuyện. Ông làm như chống tham nhũng là chống Nhà nước không bằng. Đầu óc ông nhiễm nặng tư tưởng phản động rồi. Về chịu khó đọc báo Nhân dân để củng cố lập trường đi.

- Tôi thấy nước mình càng ngày càng thiếu dân chủ !

- Tôi lại nghĩ khác ông. Nước mình đại tự do dân chủ. Ông đang đi ngoài phố, chợt buồn đi tiểu, dừng xe, chĩa vòi vào gốc cây, tường rào xả thoải mái. Có công an nào đến hỏi thăm sức khỏe đâu. Ngồi ở quán cà phê, ông chửi bới lung tung, có ma nào phê phán ông đâu. Tự do dân chủ như thế là nhất rồi. Mệt với ông quá.

- Nghe ông nói tức anh ách.

- Tức là tức thế nào ? Ông không nghe người nước ngoài họ ao ước: Khi ngủ dậy, thấy mình thành người Việt Nam à ! Tự hào lắm chứ ! Tôi cũng vậy, mỗi sáng ngủ dậy, lòng khoan khoái khi biết rằng mình chưa phải là người Tàu.

- Ông !...

Hắn tắc tỵ trước bức tường kiên cố bảo vệ chính thể. Đáng đời hắn !

26 tháng 10, 2008

“Triết lý giáo dục hiện nay là học thuộc sao cho… thuộc”



Nguyên Ngọc

http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/5888/index.viet

Giảng đường Việt Nam thế kỷ 21 vẫn còn không ít những giờ học đọc chép, những giảng viên “ê a kinh sử”, những sinh viên thụ động chỉ lên lớp để… ngủ và học nhồi nhét để đối phó với kỳ thi. Căn nguyên sâu sa của những hiện trạng đáng buồn này nằm ở đâu? Bằng vốn hiểu biết và những trải nghiệm sâu sắc với sự nghiệp giáo dục, nhà văn Nguyên Ngọc (NN) sẽ chia sẻ với bạn đọc một góc nhìn về vấn đề này.


NN: Có một sự thật rất lạ ở Việt Nam, đó là học sinh bắt đầu vào đại học thì chơi nhưng lại cắm đầu cắm cổ “dùi mài kinh sử” suốt những năm phổ thông. Điều này phản ánh một sự thật rằng, học sinh của chúng ta đang học để thi, học để có bằng chứ không phải học để chiếm lĩnh tri thức.

Đó là một điều rất nguy hiểm. Tính chủ động tư duy trong đại học thực ra là vấn đề chung của toàn bộ nền giáo dục. Nền giáo dục của Việt Nam không nhằm tạo ra con người tự chủ mà thậm chí nó còn không muốn nhằm tạo ra con người như thế. Nó muốn anh thuộc lòng cho tôi và tôi bảo anh nghe đừng có cãi.

PV: Vậy thì, những giảng đường đọc chép, những thầy cô “ê a kinh sử”, những sinh viên ngủ gật rồi ra đời trở thành những cá nhân thụ động, cam chịu… chỉ là cái bề mặt. Còn cái gốc sâu sa, phải chăng là giáo dục Việt Nam đang thiếu một triết lý, một quan niệm, một tinh thần đúng đắn làm "kim chỉ nam" hành động?

NN: Đúng vậy! Triết lý giáo dục, nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo.

Triết lý giáo dục sẽ chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục…, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó.

PV: Nếu xem xét một cách khách quan và quan diện, chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng những nhà tổ chức và quản lý giáo dục cũng đã có những cố gắng khắc phục sự yếu kém của nền giáo dục. Cụ thể là những kế hoạch đưa giảng viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, những đổi mới về cơ sở vật chất cũng như phương pháp giảng dạy, chương trình học như sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đào tạo theo tín chỉ…Những cải tiến này đang nói lên điều gì, thưa ông?

NN: Theo ý tôi, đó là những cải tiến rất hay của nước ngoài mà chúng ta đi học về và áp dụng lại. Nhưng những cải tiến đó có thể rất hiệu quả với nền giáo dục nước ngoài nhưng khi áp dụng ở Việt Nam lại không có kết quả. Là vì những cái hay đó nằm trong một quan niệm cơ bản của nền giáo dục đó, trong cái tư duy cơ bản mà mình gọi là triết lý giáo dục.

Chúng ta đi học những cái cụ thể đó để mà áp dụng trong một cái cơ bản khác, một hệ thống khác thì tất cả những thứ đã học đều vô nghĩa, thậm chí phản tác dụng. Ví dụ, lý tưởng của giáo dục Mỹ là đào tạo ra những con người độc lập, tự do và dân chủ nên họ quan niệm trước hết là phải tạo ra một nền tảng văn hóa cơ bản cho con người dựa vào đó mà độc lập tư duy.

Chính vì thế, chương trình ỏ các đại học danh tiếng của Mỹ đòi hỏi sinh viên phải học một chương trình cơ bản với các môn như: Hội thảo về phương pháp suy nghĩ, phân tích, nghiên cứu và viết luận văn, khoa học tự nhiên, quy tắc và phương pháp tư duy, khoa học xã hội và hành vi, sử học, triết học, tôn giáo hoặc đạo đức…

PV : Sinh viên Việt Nam trong hai năm đại cương cũng được học gần như là đầy đủ những kiến thức đó?

NN : Hai năm đại học đại cương của sinh viên Việt Nam bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức, và theo tôi còn có những môn học rất phí phạm thời gian. Các nhà giáo dục Việt Nam cũng như các học sinh, phụ huynh cần phải xác định học không phải là để thi, như đang diễn ra hiện nay, mà là để chiếm lĩnh tri thức. Và tri thức không phải là vô số những kiến thức chồng chất ngày càng được nhân lên đến như vô tận hằng ngày hiện nay, không cách gì chạy theo, học thuộc lòng cho hết.

Nói cho thật đúng, cần học các kiến thức, rồi sau đó phải biết quên chúng đi, giữ lại cho được cái cốt lõi, tức cách thức tư duy được thể hiện qua việc con người đã phấn đấu như thế nào để khám phá ra được kiến thức đó.

Tôi nhớ có một lần cùng GS Vật lý hạt nhân Phạm Duy Hiển đến dự một giờ vật lý tại một trường phổ thông trung học. GS Hiển đã nhận xét với tôi là thầy giáo là người nắm rất chắc kiến thức nhưng không khí của toàn bộ giờ học thì vô cùng buồn chán. Những kiến thức về vật lý hạt nhân có thể sau này không hữu dụng cho đứa trẻ, nhưng qua buổi học đó, người thầy phải làm cho đứa trẻ được thấy thế giới vi mô vô cùng, từ đó kích thích ở nó sự tò mò với giới tự nhiên, đó mới là cách để rèn luyện tư duy logic, khoa học.

Học tập suốt đời

PV: Vậy phải chăng, việc khơi dậy cá tính chủ động của sinh viên trong trường đại học chủ yếu nằm ở quan niệm giáo dục của những người giảng dạy và cái quan trọng hơn là người thầy muốn truyền cho sinh viên một tinh thần học tập, khám phá tri thức như thế nào?

NN: Đúng rồi, tinh thần của nền giáo dục đó nó thể hiện qua người thầy và nó thấm vào người học. Tôi nhớ hồi học phổ thông, tôi may mắn gặp được một thầy giáo rất giỏi. Ngay hôm đầu tiên vào lớp, ông bảo chúng tôi: "Các anh chị đến đây là để học cách học". Vậy đó, qua dạy kiến thức, ông chủ yếu dạy chúng tôi cách học, tức cách chủ động tư duy độc lập, tự mình đi tìm lấy tri thức. Ông bảo: "Có ai ngồi ở trường được suốt đời đâu, vậy phải học cách học, để rồi tự mình sẽ học suốt đời". Ông cũng không bao giờ dạy cho chúng tôi hết chương trình, mà chỉ dạy chừng hai phần ba, phần còn lại để chúng tôi tự học lấy…

Vậy nhà trường là gì? Nhà trường phải là nơi trang bị cho học sinh những khả năng của chính mình để có thể chủ động đi tìm tri thức, tìm chân lý

PV : Nhà trường Việt Nam đang thất bại trong sứ mệnh đấy đúng không ạ?

NN: Theo tôi, giáo dục Việt Nam không thất bại vì chúng ta xuất phát từ một nền giáo dục khác, từ một triết lý giáo dục khác. Mà triết lý đó là… học thuộc làm sao cho đúng. Và phương pháp, chương trình, nội dung, cách thức giảng dạy… bắt nguồn từ triết lý cơ bản đó. Chương trình học tập của học sinh hiện nay nặng nề là vì bộ Giáo dục cứ đưa đầy kiến thức rồi bắt học sinh học thuộc để lấy điểm, lấy bằng.

PV : Đào tạo theo tín chỉ là một trong những lộ trình quan trọng trong việc đổi mới giáo dục đại học mà bộ Giáo dục đang quyết tâm thực hiện. Cách đào tạo này phải chăng sẽ tạo ra tính năng động rõ rệt hơn trong các trường đại học.

NN: Theo tôi, đào tạo theo tín chỉ sẽ không thay đổi được bao nhiêu bộ mặt của giáo dục đại học, vì cái cơ bản, cái tư duy chung trong hệ thống đó vẫn chưa thay đổi. Anh mới chỉ mang một kĩ thuật mới vào trong một hệ thống cũ cho nên nó sẽ bị chệch choạc

Phần 2: Đừng chấp nhận chân lý khi chưa "tâm phục khẩu phục"


Sơn Khê (Vietimes)

Người theo dõi