Lưu trữ Blog

29 tháng 5, 2012

Thực phẩm nhiễm độc Oni ở Đồng Nai

HOCMOINGAY. Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Kinh hoàng heo siêu nạc, Hoang mang thực phẩm nhiễm độc; Công bố đánh giá hóa chất độc hại trong thịt heo siêu nạc ;Bác sĩ thú y làm “trùm” chất cấm. Các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai cùng nhiều địa phương khác trên toàn quốc đã quyết liệt vào cuộc tìm ra và chặt đứt đường dây pha trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi của bọn bất lương.

Bác sĩ thú y làm “trùm” chất cấm

Thanh Niên Online  9

Từ nguồn tin và sự phối hợp tác nghiệp của PV Thanh Niên, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp do một bác sĩ thú y làm chủ chuyên trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi bán ra 20 tỉnh, thành khu vực phía nam.

“Hung thần” Oni
Quyết tâm đưa những “đường dây đen” trong lĩnh vực này ra ánh sáng, PV Thanh Niên chủ động phối hợp với Phòng 4 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (thường trực phía nam - C49B) tiến hành điều tra.

Đích thân thượng tá Võ Văn Đông, Phó trưởng phòng, cùng 2 trinh sát và PV đã về địa bàn tỉnh Đồng Nai bí mật thu thập thông tin từ các đầu mối tin cậy. Sau 1 tuần “khoanh vùng”, tổ công tác của Phòng 4 “đưa vào tầm ngắm” hơn 10 địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và lần lượt kiểm tra, làm rõ. Từ đầu mối này, tổ công tác lần ra địa chỉ của “ông trùm” chất cấm là Công ty TNHH Oni, trụ sở tại 316/3 hương lộ 80, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM. Doanh nghiệp này do một bác sĩ thú y tên Đặng Văn Hải, 39 tuổi, quê Bình Thuận, làm giám đốc, chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y, với 14 mặt hàng bán rộng rãi ở 20 tỉnh thành khu vực phía nam.
Công nhân Công ty TNHH Oni đang đóng gói sản phẩm - Ảnh: Hoài Nam
Ngày 10.4, Phòng 4 - C49B phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Oni. Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hơn 10 công nhân đang tất bật với công việc đóng gói các mặt hàng là thức ăn bổ sung cho gia súc. Ngoài 12 tấn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc dùng để pha trộn làm thức ăn cho heo, tổ công tác xác định và niêm phong 7,3 tấn sản phẩm đã thành phẩm, gồm các sản phẩm dùng để tăng trọng, tạo nạc, bung mông, nở vai, siêu tăng trọng, siêu chống còi cho heo…

Đặc biệt, trong những hóa đơn nhập và bán hàng của công ty bị thu giữ, tổ công tác cũng phát hiện nhiều tài liệu thể hiện việc mua chất cấm để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Sau một tháng kiểm nghiệm thận trọng, khách quan, khoa học gồm cả định tính và định lượng đều khẳng định lô hàng thành phẩm 7,3 tấn của Công ty TNHH Oni dương tính với chất cấm (nhóm beta-agonist), C49B đã lập tức phát văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam (tính từ Quảng Nam trở vào) nhanh chóng phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH Oni cung cấp.

Ngày 22.5, PC49 - Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và tiến hành thu hồi 14 loại sản phẩm của Công ty TNHH Oni đang bán trên nhiều huyện của tỉnh này (Thanh Niên đã thông tin). Hiện C49B đang tiếp tục lấy lời khai một số người có liên quan, yêu cầu giải trình nguồn nguyên liệu mà công ty này nhập về, số lượng bán ra thị trường... Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đang làm rõ một công ty dược đã bán chất cấm cho Công ty TNHH Oni.

Cơ quan chức năng niêm phong sản phẩm của Công ty TNHH Oni
Siêu nạc và siêu lời
Trở lại với quy trình chăn nuôi của những kẻ vô lương tâm, PV Thanh Niên có trong tay một công nghệ sản xuất chất cấm "siêu nạc và siêu lời" (thường gọi là thần dược hoặc bột ngọt), như sau: Để có 1 tạ “thần dược”, bọn bất lương tập hợp 55 kg bột sò, 20 kg trấu, 300 gram chất cấm, 4 kg CHROM (chất tạo thịt nạc đỏ hồng), hương trái cây và vitamin rồi pha trộn. Tổng cộng số liệu thể hiện trên hóa đơn nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất 1 tạ “thần dược” chưa đến 3 triệu đồng. Thế nhưng, bảng giá giao sỉ cho các đại lý từ 100.000 đến 200.000 đồng/kg, trung bình bọn bất lương thu lời từ 12 đến 15 triệu đồng.

Ngoài sự nguy hiểm của chất cấm đối với sức khỏe người tiêu dùng, theo PGS-TS Võ Văn Sơn, nguyên Phó trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường đại học Cần Thơ, bột sò là chất can xi, nếu sử dụng quá nhiều làm thức ăn cho heo cũng sẽ gây một số mầm bệnh cho heo. Rõ nhất là khi heo ăn quá nhiều bột sò sẽ bị thừa can xi và thiếu kẽm, thường bị lở loét... Nếu sử dụng bột sò làm thức ăn cho heo đúng tỷ lệ chỉ được trộn 2 kg bột sò cho 1 tạ thức ăn. Còn nếu sử dụng trấu nghiền nhỏ cho heo ăn một thời gian dài sẽ làm loét dạ dày.

Điều đáng nói, trong quá trình phối hợp với cơ quan chức năng, PV Thanh Niên cũng phát hiện chất cấm không chỉ được tuồn đến cho người chăn nuôi hám lợi bằng một nguồn duy nhất. Những đại lý nhỏ lẻ thì tự mua chất cấm về pha trộn rồi đóng vào những bao bì không nhãn mác, sau đó đưa đi bỏ mối cho những cửa hàng bán cám và thuốc thú y bán lại cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng có thể theo lời đồn tìm mua “bao xanh”, “bao hồng” ở các cửa hàng bán cám về cho heo ăn, bởi vì chất cấm đã được trộn sẵn vào cám (bao xanh cho heo ăn lúc còn nhỏ, bao hồng cho heo tăng tốc để chuẩn bị xuất chuồng).

Hoài Nam

Hoang mang thực phẩm nhiễm độc



Tôi phải làm sao đây để biết những miếng thịt tươi ngon toàn nạc, những con gà thịt sẵn vàng ươm được bày bán ngoài chợ là đồ ăn sạch?

Những miếng thịt tươi ngon toàn nạc, những con gà thịt sẵn vàng ươm được bầy bán ngoài chợ, bề ngoài chúng trông thật bắt mắt nhưng chẳng ai dám chắc chúng không phải thịt siêu nạc, gà nhuộm chất tạo màu độc hại, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thế nhưng có hay không thì người tiêu dùng vẫn phải ăn thôi.
Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây liên tiếp có những thông tin phản ánh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Không ai biết đằng sau những miếng thịt nạc này là gì? Ảnh minh họa
Chưa hết bàng hoàng về thông tin lợn siêu nạc lại tới thông tin gà thịt sẵn bày bán được nhuộm chất tạo màu gây độc cho gan, thận. Gần đây nhất là việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ gần 14 tấn hôi thối, bốc mùi đang trên đường vận chuyển vào TP HCM và 3 tấn gà không rõ nguồn gốc đang trên đường đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội mà báo chí đã đưa tin.

Trước những thông tin trên người dân đã có nhiều phản ứng khác nhau trong việc lựa chọn thực phẩm của mình. Lúc trước tôi cũng có thói quen mua gà thịt sẵn cho tiện nhưng nay đã chuyển qua mua gà sống rồi về tự thịt. Thịt lợn thì mua trong siêu thị, dù mất công nhưng ăn vào cảm thấy an tâm hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để mua gà sống rồi tự thịt. Do công việc bận rộn và túi tiền có hạn đa phần người dân Hà Nội lựa chọn gà thịt sẵn, thịt lợn bày bán ngoài chợ.

Chưa hết lo lắng về thịt heo tạo nạc, người tiêu dùng lại lo thịt gà có nhuộm chất tạo màu độc hại. Ảnh minh họa

Để được yên tâm họ thường lựa chọn những hàng quen hoặc có uy tín và chọn thịt có dấu kiểm định chất lượng. Nhưng khi được hỏi không ai dám chắc liệu thực phẩm mình mua có đảm bảo 100% không có chất độc hại hay không và họ đều mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này.

Những người bán thịt lợn, thịt gà tại một số chợ khu vực Cầu Giấy(Hà Nội) khi được hỏi đều cho biết lượng thịt họ bán ra trong những ngày gần đây không có biến động lớn và họ đều cam đoan thịt mình bán đều lấy từ những cơ sở giết mổ uy tín, có đóng dấu kiểm định đàng hoàng.

Tuy nhiên, qua cuộc kiểm tra cơ sở giết mổ vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ một số con dấu kiểm tra chất lượng giả nên chẳng ai dám chắc liệu thực phẩm có đóng dấu đang được bầy bán trên thị trường có phải là thật hay không.

Nhìn lại vụ thịt thối được phanh phui, chúng ta dể dàng nhận thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe như sử dụng hóa chất bảo quản, ngâm tẩm hàm lượng cao để tẩy mùi hôi thối, sẽ gây độc cho người tiêu dùng nếu hàng hóa lọt ra được thị trường.

Những sản phẩm thịt đã bị biến chất như thế còn có nguy cơ ô nhiễm độc tố, như độc tố tụ cầu vàng đun sôi ở 1000C trong vài chục phút cũng không chết. Tôi cho là nếu tăng cường kiểm tra phát hiện thì những vụ việc như thế này còn nhiều.

Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng báo động không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe mà có còn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Dù biết độc đấy, hại đấy nhưng vẫn phải ăn vì không thể chỉ hít không khí mà có thể sống được.

Người tiêu dùng vẫn chỉ biết trông ngóng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay để không phải rơi vào tình cảnh ăn ít nhưng lo nhiều.

Bằng Giang
Công bố đánh giá hóa chất độc hại trong thịt heo siêu nạc

(TNO) Tại cuộc họp do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hôm nay 28.4, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) đã đưa ra công bố kết quả đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt heo siêu nạc cũng như việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
 Chất tạo nạc đã bị Bộ NN-PTNT cấm sử dụng từ năm 2009 - Ảnh: Trung Hiếu
VINASTAS cho biết, thời gian qua, có một số cơ sở đã sử dụng “thần dược” chất tăng trọng, tạo nạc để kích thích heo tăng trưởng, cho thịt siêu nạc. Đây là những hóa chất độc hại thuộc nhóm Beta-agonist, rất độc hại, bị Bộ NN-PTNT cấm sử dụng từ năm 2009.
Khi ăn thịt heo nuôi bằng hóa chất này, người dùng sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng hoặc hạ, rối loạn tiêu hóa.

Số liệu năm 2006 của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy 47/428 mẫu thịt heo bán tại TP.HCM dương tính với một hóa chất thuộc nhóm Beta-agonist. 30% trong số 500 mẫu thịt heo lấy từ 6 quận, huyện trên địa bàn dương tính với chất cấm nói trên. Tháng 5.2011, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (CESCON) phát hiện 17% số mẫu thịt gà, heo khảo sát tại TP.HCM chứa chất tăng trọng.
Kết quả kiểm tra 5 mẫu thịt heo mua tại chợ, siêu thị ở TP.HCM mới nhất đều phát hiện có tồn dư Beta-agonist.
* Cũng trong hôm nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng bàn đến các vấn đề cháy xe, sạt lở mỏ than Phấn Mễ ở Thái Nguyên, rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2.
Về vấn đề cháy xe, Ủy ban này đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân gây cháy nổ xe song lại loại trừ nguyên nhân xăng dầu.
Còn về vụ rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm duyệt thiết kế công trình này, đồng thời trả lời câu hỏi: có an toàn không?
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, đây là việc không mong muốn và Bộ Công thương đang phối hợp với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý.
 
Cần làm rõ trách nhiệm duyệt thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh - Ảnh: V.M.T

Ông Vượng thông tin thêm, hôm 27.4 đã gọi điện cho đoàn đám phán với các chuyên gia Trung Quốc để thống nhất tiến độ. Dự kiến trong vòng tháng 8.2012 sẽ dán xong 10 khe nhiệt vì vốn nước thấm chủ yếu qua 10 khe này. “Nếu dán xong mà giảm được nước thấm thì yên tâm, nếu không sẽ tiếp tục xem xét để xử lý triệt để sự cố này”, Thứ trưởng Bộ Công thương quả quyết.
Riêng về nguyên nhân sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH dành khá nhiều thời gian bàn luận. 
 

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân gây sạt lở ở bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ - Ảnh: Lê Quân

Phát biểu kết luận về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân gây sạt lở ở bãi thải mỏ than Phấn Mễ.

Theo ông Dũng, trước mắt, tỉnh Thái Nguyên cần phối hợp với các sở ban ngành liên quan điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân gây sạt lở. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra an toàn các khu mỏ, bãi thải khác trên địa bàn tỉnh để tránh hậu quả đáng tiếc.
Bảo Cầm - Thái Sơn-  Lê Quân

Người theo dõi