Lưu trữ Blog

15 tháng 12, 2014

Nhớ Đào Duy Từ



HỌC MỖI NGÀY. "Ngược gió đi không nản. Rừng thông tuyết phủ dày. Ngọa Long cương đâu nhỉ. Đầy trời hoa tuyết bay!" Đào Duy Từ là bậc kỳ tài chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, công thần số một sáng nghiệp nhà Nguyễn, thịnh trị Đàng Trong, mở đất phương Nam, góp phần quy non sông về một mối. Nhớ Đào Duy Từ  là chuyên luận Hoàng Kim với các nội dung: Đào Duy Từ còn mãi với non sông; Giai thoại Đào Duy Từ; Thêm những hiểu biết về Đào Duy Từ; Đến Thái Sơn nhớ Đào Duy Từ. Mộ của Đào Duy Từ ở Phụng Du, Hoài Hảo, Hoài Nhơn, Bình Định, ảnh Hoàng Kim.


ĐÀO DUY TỪ CÒN MÃI VỚI NON SÔNG

Đào Duy Từ là bậc kỳ tài chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, công thần số một của nhà Nguyễn (gồm các chúa Nguyễn tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam) . Sự nghiệp của ông là đặc biệt to lớn đối với dân tộc và thời đại mà ông đã sống. Ông bắt đầu thi thố tài năng từ năm 53 tuổi đến năm 62 tuổi thì mất. Đào Duy Từ chỉ trong 9 năm ngắn ngủi (1625-1634) đã kịp làm nên kỳ tích phi thường: Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống cự thành công với họ Trịnh ở phía Bắc; Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh. Đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao. Sau khi ông mất (1634) triều Nguyễn còn truyền được 8 đời (131 năm), cho đến năm 1735, khi Vũ Vương mất, thế tử chết, Trương Phúc Loan chuyên quyền, lòng người li tán, nhà Tây Sơn nổi lên chiếm đất Quy Nhơn, họ Trịnh lấy đất Phú Xuân, thì cơ nghiệp nhà Nguyễn mới bị xiêu đổ. Đào Duy Từ mang tâm nguyện và chí hướng lớn lao như vua Trần Thái Tông “Nếu chỉ để lời nói suông cho đời sau, sao bằng đem thân mình đảm nhận trọng trách cho thiên hạ trước đã”. Di sản của ông không chỉ trước tác mà là triều đại. Ông là nhà thực tiễn sáng suốt có tầm nhìn sâu rộng lạ thường. Ngay trong trước tác của ông cũng rất chú trọng gắn thực tiễn với lý luận. Ông đặc biệt chú trọng thực tiễn mà không theo lối khoa trương, hủ nho của người đương thời. Tác phẩm binh thư “Hổ trướng khu cơ” gắn với những danh tướng cầm quân lỗi lạc một thời Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến. “Vũ khúc, tuồng cổ Sơn Hậu” gắn với di sản văn hóa Huế lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay. Việc sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao gắn với hệ thống chính trị tiến bộ hợp lòng dân. Ông thật xứng danh là bậc kỳ tài muôn thuở với những di sản còn mãi với non sông.

Những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu về Đào Duy Từ gồm có:

Đào Duy Từ với Lũy Thầy, Quảng Bình

Năm Canh Ngọ 1630, Đào Duy Từ chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Đây là chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước nguy cơ tấn công của quân Trịnh.

Sách Việt Nam sử lược có viết chi tiết về việc Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến đã giúp chúa Nguyễn bày mưu định kế, luyện tập quân lính xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh. Người đời thường gọi là lũy Thầy, nghĩa là lũy của Đào Duy Từ đắp ra.

Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã ra quyết định công nhận di tích lịch sử đối với hệ thống Lũy Thầy tại thị xã Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với nhiều giá trị to lớn. Tại hồ sơ lưu ở Ban Quản lý di tích – danh thắng tỉnh Quảng Bình:

Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy bằng đất, đá được hình thành trong thời gian 3 năm (1630-1634) với tổng chiều dài gần 34 km gồm lũy Trường Dục, lũy Trấn Ninh (lũy Đầu Mâu) và lũy Trường Sa. Lũy Thầy là một công trình kiến trúc quân sự có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử xây dựng thành lũy ở Việt Nam, thể hiện sự kết hợp một cách khoa học giữa thành lũy, sông ngòi, hầm hào liên hoàn, hỗ trợ cho nhau. Ngoài công dụng quân sự, lũy còn có tác dụng về nông nghiệp, thủy nông, thủy lợi như ngăn gió bão, gió mùa, hạn chế cát bay. Và nhiều nét sinh hoạt văn hóa khác gắn liền…

Trong cả hệ thống, lũy Đầu Mâu thuộc làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh được cho là còn khá nguyên vẹn. Năm 1631, sau khi xây xong lũy Trường Dục, chúa Nguyễn chưa yên tâm bèn sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế núi sông vùng Đông Hải để xây thêm thành lũy phòng ngự. Khảo sát xong, Đào Duy Từ tâu: Thần xem từ cửa Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùa lũy sâu rộng. Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý cho xây ngay.

Bia Định Bắc Trường Thành mô tả lũy Đầu Mâu như sau: “Lũy Đầu Mâu cao 1 trượng 5 thước (tương đương 6m), phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía sau cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp để voi ngựa có thể bước lên và di chuyển dễ dàng trên mặt lũy. Cứ cách 3-5 trượng thì xây 1 pháo đài để đặt 1 súng thần công, cứ cách 1 trượng thì đặt 1 súng phóng đá, sỏi – tất cả tạo thành một công trình phòng thủ hiểm yếu và kiên cố nhất”. Lũy có chiều dài 12 km.

Đền thờ Đào Duy Từ ở làng Hoa Trai, Tỉnh Gia, Thanh Hóa

Đào Duy Từ  là người làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tỉnh Gia, Thanh Hóa. Nơi đây có đền thờ của ông. Huyện Tỉnh Gia hiện là điểm đến của khách du lịch: 

“Sự kết hợp hài hòa giữa các cảnh quan biển, đảo, đồng bằng, trung du và miền núi đã tạo cho Tĩnh Gia thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch. Ðến với Tĩnh Gia, du khách không thể không ghé thăm những địa danh nổi tiếng như: Hòn Bảng, Hòn Biện Sơn, Hòn Mê, núi Ngọc Sơn, núi Am, núi Thề Nguyền, hồ Yên Mỹ, động Trúc Lâm, nhà thờ Bùi Thị Xuân, di tích kiến trúc núi đá nghệ thuật thờ Quận công Lê Ðình Châu, nhà thờ xứ Ba Làng xây dựng năm 1893, đền thờ Lương Chí thờ Ðào Duy Từ,… Tất cả tạo thành quần thể du lịch vô cùng độc đáo, là sự tổng hoà giữa những cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng cùng các truyền thuyết, dấu tích lịch sử.”

Cụm di tích Lạch Bạng có: “Chùa Đót Tiên, đền thờ Quang Trung, nhà thờ Ba Làng là một trong số nhà thờ được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam. Trên đường về thành phố Thanh Hóa, du khách dừng lại làng Hoa Trai ( Nguyên Bình – Tĩnh Gia ) để dâng hương tại đền thờ Đào Duy Từ – một danh nhân văn hóa ở quê Thanh.”


Đền thờ Đào Duy Từ tại làng Tùng Châu, Hoài Nhơn
 
Di tích nhà thờ Đào Duy Từ hiện tại thuộc thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Nhà thờ nằm trong khuôn viên một thửa đất hình chữ T có diện tích 1.616m2 , được xây dựng vào năm Tự Đức 12 (1859), đã trãi qua nhiều lần trùng tu.

Nhà thờ có tam quan cao khoảng 6m, hai mái lợp ngói âm dương, trên có bốn chữ lớn “Quốc công từ môn” (cổng đến thờ Quốc công) ghép bằng mảnh sứ, hai bên đắp phù điêu hình hai con dơi cách điệu, đường nét khá sắc sảo, bốn trụ góc có hình rồng uốn lượn. Qua Tam Quan có sân nhỏ hình chữ nhật, kích thước 6,9 m x 7,8 m. tiếp đến là bình phong đắp hình long mã lưng có hà đồ nỗi trên mặt nước, mặt sau đề bốn chữ “Bách thế bất di” (Trăm đời không thay đổi). Ở hai bên là đôi câu đối nhắc đến lai lịch Đào Duy Từ: “Ngọc sơn chung tú Bắc/ Bồng lãnh hiển danh Nam”. Cách đều bình phong 2,6m về hai bên có hai cột trụ cao 4m, trên đỉnh đắp tượng hạc đứng chầu đối xứng, phía sau là sân lớn hình chữ nhật với kích thước 15,4m x 14m. qua sân lớn đến nhà thờ được thiết kế kiểu nhà mái lá, một kiểu kiến trúc truyền thống ở Bình Định.

Khám thờ bên trong có bài vị của Đào Tá Hán, Nguyễn Thị Minh (thân phụ và thân mẫu của Đào Duy Từ), Đào Duy Từ và vợ. Trên bài vị Đào Duy Từ có dòng chữ “ô Thủy tổ khảo nội tán lộc khê hầu Đào Công, tặng khai quốc công thần, đặc tiến Vinh lộc đại phu, Đông các đại học sỹ, Thái sư, nhưng thủy Trung Lương, phong Hoàng Quốc Công thần chủ” Bài vị của vợ Đào Duy Từ viết “ô Thủy tổ tỉ nội tán Lộc khê hầu Hoàng Quốc Công phu nhân, Trinh thục cao thị thần chủ”. Trong nhà thờ còn có đôi câu đối nhưng nay đã sứt mòn, mờ không đọc được.

Ngoài ra, tại thôn Ngọc Sơn còn có lăng Đào Tá Hán. Truyền rằng khi đã làm quan ở Thuận Hóa, Đào Duy Từ cho đắp mộ phụ thân rồi tung tin rằng đã đưa hài cốt cha mẹ vào đây để phòng việc trả thù của họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Lăng mộ hiện nằm trên một quả đồi rộng. Cũng tại Ngọc Sơn hiện có một ngôi chùa nhỏ, tương truyền là nơi đi tu của bà vợ cả họ Cao.

Di tích đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài thuộc xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí và Đồng Khánh Dư Địa Chí đều chép đền thờ Hoàng Quốc Công Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài, huyện Bồng Sơn (nay là Hoài Nhơn).

Trong chiến tranh nhà thờ này đã bị sụp đổ. Năm 1978 dòng họ Đào xin kinh phí của tỉnh Nghĩa Bình để xây dựng lại đền thờ trên nền cũ hiện chỉ còn lại hai trụ cổng và tấm đại tự cũng đề “Quốc Công từ môn” (giống như nhà thờ ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây) là dấu tích kiến trúc năm Tự Đức thứ 32 (1880) và lần trùng tu năm Khải Định thứ 1 (1861). Trong đền thờ khám thờ là bài vị Đào Duy Từ cũng ghi giống như bài vị bên nhà thờ thôn Ngọc Sơn. 

Những di tích kể trên, theo đơn vị hành chính hiện nay, nằm ở các thôn, xã khác nhau (lăng mộ Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, nhà thờ và lăng mộ Đào Tá Hán tại thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây và nhà thờ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú) nhưng tất cả vốn đều thuộc vùng đất của trại Tùng Châu xưa. Đây là những xã thôn mà hiện nay con cháu Đào Duy Từ còn rất đông đảo, đặc biệt là ở thôn Cự Tài.

Hàng năm vào ngày 17 tháng 10 (âm lịch) là ngày giỗ Đào Duy Từ, con cháu họ Đào tổ chức cúng tế rất long trọng. Theo quy ước, cứ vào dịp này con cháu dòng tộc đều nghỉ việc đồng áng trong ba ngày. Sau khi làm lễ thắp hương tại lăng mộ Đào Duy Từ (thôn Phụng Du) con cháu về họp mặt và dâng hương tại đền thờ cha mẹ và vợ chồng Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn rồi sau đó mới trở về tế lễ chính thức tại đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài. 

Ngoài ngày giỗ chính (17 tháng 10), hàng năm tại các di tích trên còn có 5 ngày lễ phụ vào dịp Đông chí, Chạp mả, Thanh minh, Trung thu và Tết Nguyên đán. Ngày giỗ Đào Duy Từ cũng là ngày con cháu phối hợp cúng tế thân phụ và thân mẫu cùng vợ của ông. Duy bà vợ cả còn có ngày riêng là 12 tháng 2 âm lịch tại chùa tu của bà ở thôn Tài lương. Giỗ bà hàng năm (gọi là tiểu chẩn) chỉ sửa cơm chay, cứ mười năm (gọi là trung chẩn) thì lễ vật có thêm đôi chim sống, một đôi gà sống cúng xong thả chim gà ra rồi con cháu thi nhau đuổi bắt, cứ 30 năm (đại chẩn) mới sửa cỗ mặn. 

Có đến tận nơi mảnh đất Tùng Châu xưa mới thấy hết dấu ấn và ảnh hưởng lớn lao của Đào Duy Từ đối với vùng đất này. Không chỉ có con cháu họ Đào nơi đây tự hào về vị tổ tiên của mình mà tất cả mọi người dân nơi đây đều tự hào về ông. Cuộc đời và sự nghiệp Đào Duy Từ đã trở thành niềm tự hào chung của dân Hoài Nhơn, của nhân dân Bình Định. 

Theo Cao Văn Phụng (*), cuộc hành hương đưa ta trở về mảnh đất nơi xưa Đào Duy Từ thác làm kẻ chăn trâu cho phú ông không mấy khó khăn. Từ thị trấn Bồng Sơn ruổi theo Quốc lộ 1A khoảng 7 km tới cột cây số 1138 rồi rẽ hướng tây là sẽ đến các địa chỉ cần tìm. Cỏ trên mộ ông luôn ấm hơi người, của con cháu, của bà con nơi đây, của khách thập phương. Bởi cuộc đời đầy những tình tiết ly kỳ của ông, bởi tấm lòng của ông với vùng đất quê hương thứ hai này, và bởi sự nghiệp lẫy lừng của ông với chúa Nguyễn, với nhân dân Đàng Trong vẫn sẽ còn sống mãi với thời gian. (*)

(*) HK đã đi thực địa, gặp nhiều nhân chứng, phối kiểm thông tin và xác nhận phù hợp.

Đền thờ Đào Duy Từ ở làng Lạc Giao, Buôn Ma Thuột

Theo Báo Bình Định,Trần Xuân Toàn đã giới thiệu đền thờ Đào Duy Từ ở làng Lại Giao thành phố Buôn Mê Thuột : “Đình Lạc Giao phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, được lập năm 1929, là ngôi đình làng đầu tiên của những người Việt (Kinh) từ đồng bằng lên đây lập nghiệp, thờ vị thành hoàng làng là Đào Duy Từ.

Ngôi đình ban đầu làm bằng tranh tre, năm 1932, ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ Môn, gồm có nhà thờ Thần Hoàng và những người có công với nước, hai nhà tả hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng có bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn. Làng Lạc Giao hình thành bắt đầu từ những người bị tù lưu đày xa xứ, rồi những dân phiêu bạt từ các vùng đất miền Trung nghèo khó tìm nơi lập nghiệp sinh sống, rồi những công chức, thầy giáo, binh lính được bổ nhiệm lên vùng đất xa xôi Ban đầu chỉ dăm nóc nhà dọc theo con đường suối Ea Tam, xóm người Việt ấy được gọi là thôn Nam Bang. Họ làm rẫy dọc theo khu rừng già ven suối, bên cạnh một buôn của Ama Thuột. Năm 1924, họ gọi xóm người Việt di cư đến là Lạc Giao với ý nghĩa: Lạc là con Lạc cháu Hồng, Giao nghĩa là nơi bang giao Kinh – Thượng. Tên gọi Lạc Giao là lời nguyền giao ước an cư lạc nghiệp của đồng bào Kinh- Thượng, cùng chung lưng đấu cật xây dựng vùng đất mới này.


Năm 1925, làng Lạc Giao được mở rộng bao trùm cả một khu vực rộng lớn ở ngay trung tâm Buôn Ma Thuột. Tài liệu của đình Lạc Giao ghi: ông Phan Hộ, người Quảng Nam, vào Ninh Hoà (Khánh Hoà) sinh sống. Thuở ấy, lên cao nguyên Dak Lak chưa có đường, ông Phan Hộ cùng một số trai tráng đi bằng voi, ngựa xuyên rừng vài tháng mới tới vùng M’Drak rồi đến Buôn Ma Thuột trao đổi hàng hoá với người Ê Đê, thấy người dân ở đây giàu lòng mến khách, đất đai màu mỡ lại dễ làm ăn, nên ông vận động nhiều gia đình lên đây sinh sống, khai phá đất hoang để lập làng. Nỗi nhớ thương quê nhà bản quán, anh em khôn nguôi trong lòng những người đi xa quê, làm ăn xứ lạ. Từ đó họ có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi công việc làm ăn, nhất là lễ tết có nơi cúng kiếng ông bà tổ tiên, nhắc chuyện quê hương làng xóm. Họ đã góp tiền của công sức dựng nên ngôi đình trên để thoả nỗi ước mong đó. Đình Lạc Giao ra đời ghi dấu bước chân của người Việt trên mảnh đất cao nguyên, là nơi mọi người cầu mong sức khoẻ và làm ăn phát đạt, nơi thờ các vị tiên hiền và người có công với đất nước, nơi sinh hoạt trong những ngày lễ tết của cư dân Việt trên vùng đất mới.


Năm 1932, vua Bảo Đại ra chiếu sắc phong cho thần hoàng của làng là Đào Duy Từ, khẳng định đây là đất của “Hoàng triều cương thổ”. Nhân vật được sắc phong Thần Hoàng là một danh nhân văn hoá, một tài năng lớn trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá … đặc biệt ông là người có công mở mang đất nước, xây dựng nên nhiều vùng đất mới. Hằng năm cứ đến ngày 27-10 âm lịch, nhân dân Buôn Ma Thuột lại tổ chức ngày tưởng niệm tại đình …
’’

GIAI THOẠI ĐÀO DUY TỪ 

Kẻ chăn trâu kỳ dị


Nhà phú hộ Lê Phú ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định thuê được một đứa ở chăn trâu tên là Đào Duy Từ. Tuy đã đứng tuổi, nhưng Duy Từ tỏ ra rất cần mẫn, siêng năng. Ngày ngày cứ sáng, sớm lùa trâu đi ăn, mãi chập tối mới đánh trâu về, trời nắng cũng như trời mưa, khiến gia chủ rất vừa lòng, chưa hề có tiếng chê trách.

Một hôm, phú hộ họ Lê mời các Nho sĩ hay chữ khắp vùng đến nhà dự hội bình văn. Chập tối, sau khi tiệc tùng xong, mọi người còn trà thuốc, bàn cãi chữ nghĩa văn chương, thì vừa lúc Đào Duy Từ chăn trâu về. Thấy đám đông khách khứa trò chuyện rôm rả, Duy Từ bèn lại gần, đứng ghếch chân lên bậc thềm nhìn, tay vẫn cầm chiếc roi trâu, vai đeo nón lá, lưng quấn khố vải… Chủ nhà ngồi phía trong nhìn thấy cho là vô lễ, giận dữ quát:

- Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan khách đây là những bậc danh Nho?

Duy Từ nghe mắng song không tỏ ra sợ hãi, cười ha hả, rồi nói một cách thản nhiên:

- Nho cũng có hạng ”nho quân tử”, hạng ”nho tiểu nhân”. Chăn trâu cũng có kẻ ”chăn trâu anh hùng”, kẻ ”chăn trâu tôi tớ”, cao thấp không giống nhau, hiền ngu không là một ! Còn kẻ tiểu nhân tôi chỉ đứng nhìn, có xâm phạm gì đến cái phú quý, sang trọng của các vị, mà chủ nhân lại mắng đuổi ?

Mấy người khách nghe Duy Từ là đứa chăn trâu, mà nói lí như vậy, liền vặn hỏi:

- Vậy nhà người bảo ai là “nho quân tử”, ai là “nho tiểu nhân” hả?

Đào Duy Từ chẳng cần nghĩ ngợi, nói luôn một mạch:

- “Nho quân tử” thì trên thông thiên văn, dưới thấu địa lí, giữa hiểu việc đời, trong nhà giữ được đạo cha con, tình nghĩa vợ chồng, anh em, bè bạn, ngoài xã hội thì biết lo việc nước, vỗ yên dân, giúp đời, phò nguy cứu hiểm, để lại sự nghiệp muôn đời. Còn “nho tiểu nhân” thì chỉ là bọn học vẹt, cầu danh cầu lộc, khoe ít chữ nghĩa, coi thường hào kiệt, may được giữ một chức quan nhất thời, thì chỉ tìm trăm phương ngàn kế để mưu đồ lợi riêng làm sâu mọt hại dân đục nước, thật là đáng sợ !

Đám khách nghe Duy Từ nói thế, đều giật mình kinh ngạc, không ngờ một đứa chăn trâu mà lí lẽ cứng cỏi làm vậy, bèn tò mò hỏi thêm:

- Còn ”kẻ chăn trâu anh hùng”, kẻ ”chăn trâu tôi tớ” thì nghĩa làm sao, nhà ngươi thử nói nghe luôn thể ? Duy Từ mỉm cười, ung dung trả lời:

- ”Chăn trâu anh hùng” thì như Ninh Thích phục hưng nước Tề, Điền Đan thu lại thành trì cho nước Yên, Hứa Do cho trâu uống nước ở khe mà biết được hưng vong trị loạn, Bạch Lý Hề chăn dê mà hiểu thấu thời vận thịnh suy. Đó là những kẻ ”chăn trâu anh hùng”. Còn những bọn chỉ biết cam phận tôi tớ, chơi bời lêu lổng, khi vui thì reo hô hoán, khi giận thì chửi rủa, đánh đấm, chẳng kể gì thân sơ, làm cha ông phải xấu lây, xóm làng chịu điều oan. Đấy là hạng ”chăn trâu tiểu nhân” cả !

Mọi người nghe Duy Từ đối đáp trôi chảy, sách vở tinh thông, nghĩa lí sâu sắc, càng thêm kinh ngạc, nhìn nhau, rồi đứng cả dậy, bước ra ngoài thềm mời Duy Từ cùng vào nhà ngồi. Nhưng Duy Từ vẫn tỏ ra khiêm tốn chối từ. Cả bọn bèn dắt tay Duy Từ lên nhà, ép ngồi vào chiếu trên.

Gã phú hộ Lê Phú rất đỗi ngạc nhiên, thấy kẻ đầy tớ chăn trâu nhà mình mà nói toàn chữ nghĩa nên còn ngờ, bèn giục mấy nhà Nho văn hỏi thêm, thử sức Duy Từ về kiến thức, sách vở cổ kim xem hư thực ra sao.

Các vị Nho học nhất vùng hỏi đến đâu, Đào Duy Từ đều đối đáp trôi chảy đến đó và tỏ ra không có sách nào chưa đọc đến, không có chữ nào không thấu hiểu, khiến cho cả bọn phải thất kinh, bái phục sát đất !

Chủ nhà cũng không kém phần sửng sốt, mới vỗ vai Duy Từ, đổi giận làm lành, mà rằng:

- Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm ! Có tội lắm!

Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới xem Duy Từ là khách quý, mời ngồi giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng.

Đổi họ để đi thi


Đào Duy Từ vốn người Đàng Ngoài , quê gốc ở làng Hoa Trai, nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Bố là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, thời Lê – Trịnh. Một hôm, nhân lúc nổi hứng, Tá Hán đã sáng tác bài thơ ca ngợi chúa Trịnh như sau:

Trang quốc sử ai bằng Trịnh Kiểm
Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu
Thẳng đường rong ruổi vó câu
Phù Lê, diệt Mạc trước sau một lời…

Tá Hán liền bị quy là phạm thượng, trong thơ dám nói cả tên húy của chúa là Trịnh Kiểm. Ông bị tội phạt đánh đòn 20 roi và bị đuổi về nhà làm dân thường.

Nhờ có tài đàn hát nên Tá Hán bèn đi theo một gánh hát để kiếm sống và ít lâu sau đã trở thành kép hát tài giỏi, nổi tiếng khắp vùng.

Có lần, gánh hát đến diễn ở làng Ngọc Lâm trong huyện. Đào Tá Hán trọ trong nhà vị tiên chỉ của làng này là Vũ Đàm. Ông tiên chỉ họ Vũ có cô cháu gái là Vũ Thị Kim Chi đem lòng yêu Tá Hán. Lúc đầu Tá Hán sợ phận mình nghèo khổ, khó kết thành vợ chồng. Nhưng sau khi nghe người nhà vị tiên chỉ thuyết phục rằng cô Chi có sẵn vốn liếng làm ăn, không phải lo nghèo chẳng nuôi nổi vợ, nên Tá Hán nghe theo.

Họ làm lễ thành hôn rồi mua đất, dựng nhà ở Hoa Trai, sau hơn một năm thì sinh ra Đào Duy Từ. Khi Duy Từ lên năm, chẳng may bố bị bệnh mất. Người mẹ chịu ở góa, một mình ngược xuôi tần tảo quyết nuôi cho con ăn học. Duy Từ tỏ ra rất sáng dạ, lại ham mê đèn sách, báo trước khả năng có thể thành đạt trên bước đường cử nghiệp.

Thế nhưng số phận thật là oái oăm! Theo luật lệ của triều đình bấy giờ, thì con cái những người làm nghề ca xướng đều không được quyền thi cử. Bà Kim Chi tiếc cho tài học của con, bèn thu gom vay mượn tiền bạc đến đút lót cho viên xã trưởng làng Hoa Trai là Lưu Minh Phương, để nhờ đổi họ Đào của con theo cha thành họ Vũ của mẹ, mong sao Duy Từ được dự kì thi Hương sắp tới .Viên xã trưởng thấy người vợ góa của Đào Tá Hán còn nhan sắc, nên nhận lời và ra điều kiện nếu xong việc thì phải lấy y.

Theo một vài tài liệu cho biết Đào Duy Từ đã dự khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (l567-1584) và đã đỗ á nguyên (thứ hai). Ông được mẹ khuyến khích dự tiếp kì thi Hội. Lúc này Duy Từ mới 2l tuổi.

Thấy việc đổi họ cho Duy Từ đi thi đã trót lọt, xã trưởng họ Lưu bèn đòi bà Kim Chi thực hiện giao ước tái giá về làm vợ mình. Bà Chi cứ lần chần, chối khéo, với lí do con mới thi đỗ, mẹ làm thế sẽ khó coi…

Viên xã trưởng tức giận, đem chuyện trình bày với tri huyện Ngọc Sơn, vốn là chỗ thân quen, để nhờ áp lực quan trên bắt bà mẹ Duy Từ phải thực hiện giao ước.

Viên tri huyện biết chuyện liền lập tức mật báo lên trên. Lúc này Duy Từ đang dự kì thi Hội. Bài Từ làm rất hay, chỉ có một điểm lập luận chưa vừa ý chúa, nên quan chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang còn cân nhắc.

Giữa lúc đó thì có tin “sét đánh” ập đến lệnh triều đình truyền xuống đòi xóa ngay tên Vũ Duy Từ, hủy bỏ bài thi, lột hết mũ áo được ban, bắt ngay để tra xét. Đồng thời, gửi trát về cho tri huyện Ngọc Sơn trừng trị những kẻ liên đới.

Luật lệ thời đó quy định xử phạt rất nặng những ai dám phạm vào quy chế thi cử. Sắc chỉ vua Lê về các kì thi Hương đã ghi: ”Nếu người nào mà bị nghi gian thì bắt giữ đích thân đem việc tâu lên để trên xét”. Vì thế, ngay sau đó, Đào Duy Từ đã bị giam giữ, xét hỏi.

Ở quê bà Vũ Thị Kim Chi cũng không tránh khỏi sự truy xét. Bà vừa lo cho tính mạng của con, vừa oán giận sự khắc nghiệt, bất công của triều đình, nên đã phẫn uất đi đến tự tử.

Duy Từ biết tin mẹ mất, nhưng không được về chịu tang, thương cảm quá thành bệnh ngày càng nguy kịch.

Chính trong thời gian Đào Duy Từ gặp cảnh ngộ éo le này, thì chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613), cát cứ ở Đàng Trong, đang làm chuyến du hành ra Bắc với mục đích chúc mừng chúa Trịnh diệt được họ Mạc, luôn thể dò la tình hình của xứ Đàng Ngoài và thăm viếng phần mộ của cha ông xây cất ở vùng Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung), Thanh Hóa.

Nguyễn Hoàng có đến thăm Thái phó Nguyễn Hữu Liêu nên tình cờ nghe được chuyện ông này kể về tài năng và số phận hẩm hiu của người học trò nghèo Đào Duy Từ. Chúa Nguyễn đang nuôi ý đồ xây dựng cơ nghiệp riêng ở Đàng Trong nên muốn ”chiêu hiền đãi sĩ” lôi kéo người tài xứ Bắc về mình. Vì thế, khi biết chuyện Duy Từ, chúa đem lòng ái mộ, cảm mến, ngầm giúp Từ tiền bạc để sinh sống, chạy chữa thuốc men.

Giai thoại dân gian kể rằng, trước lúc trở về Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã đến thăm Đào Duy Từ. Chúa chợt thấy trên vách buồng Duy Từ đang ở có treo bức tranh cầu hiền vẽ ba anh em Lưu Bị thời Tam Quốc bên Tàu lặn lội tìm đến đất Long Trung để vời đón Gia Cát Lượng là một bậc hiền tài.

Nguyễn Hoàng bèn chỉ lên bức tranh, tức cảnh đọc mấy câu thơ để tỏ lòng cầu hiền của chúa và cũng để dò xét tâm ý Đào Duy Từ:

Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công

Duy Từ bèn đọc tiếp:

Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng. ..

Nguyễn Hoàng nối thêm:

Lãnh thổ đoạn chia ba xứ sở
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông

và Duy Từ kết:

Ví như chẳng có lời Nguyên Trực
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long

Thế nhưng, kể từ khi có cuộc hội ngộ này, phải đến chục năm sau, Đào Duy Từ mới trốn được vào Nam. Lúc đó, Nguyễn Hoàng đã mất và ông phải đi ở chăn trâu cho nhà hào phú ở đất Tùng Châu, để chờ thời đem tài trí của mình cống hiến cho xã hội.

Bước ngoặt cuộc đời


Sau buổi đối đáp với các nhà nho ở Tùng Châu, tiếng tăm Đào Duy Từ – một kẻ chăn trâu kì lạ, tài giỏi hơn người, lan truyền khắp nơi. Bấy giờ có vị quận công, anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn, rất có thế lực, là Khám lí Trần Đức Hòa hay tin. Ông này cho đón Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua các buổi chuyện trò, đàm đạo văn chương, Khám lí họ Trần đã nhận thấy Duy Từ có học vấn uyên bác, lại tỏ ra chí lớn hơn người, bèn đem lòng yêu quý và gả người con gái là Trần Thị Chính cho Từ làm vợ.

Khi đã có chốn nương thân vững chắc Đào Duy Từ mới dần dà lộ rõ chí hướng phò vua giúp nước đã nung nấu suốt mấy chục năm cho bố vợ biết. Ông đưa tác phẩm “Ngọa Long cương vãn” của mình cho Trần Đức Hoà xem. Nội dung bài chính là nỗi lòng của Duy Từ, tự ví mình như Gia Cát Lượng (là một nhà quân sự, chính trị nổi tiếng bên Trung Quốc, vì chưa được thi thố tài năng, nên còn ẩn náu ở chốn Ngọa Long). Nỗi lòng đó của Duy Từ được thể hiện rõ ở đoạn kết:

Chốn này thiên hạ đã dùng
Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên

Khám lí Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài ”Ngọa Long cương” của con rể, thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, đã tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn xem để tiến cử Duy Từ với chúa.

Bấy giờ chúa Nguyễn là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (16l3- l635) đang có ý định kén chọn nhân tài, để dựng nghiệp lớn, nên khi xem xong bài vãn của Đào Duy Từ đã rất tâm đắc, bèn lệnh cho Khám lí Trần Đức Hòa dẫn ngay người con rể vào gặp chúa.

Gia đình nhà vợ vội may sắm quần áo, khăn mũ hợp nghi thức để Duy Từ mặc vào chầu cho thật chỉnh tề nhưng Duy Từ nhất mực từ chối, viện lẽ rằng mình không dám dùng, vì chưa có chức tước!

Trước buổi tiếp, Sãi Vương muốn thử tư cách Đào Duy Từ, nên chúa mặc y phục xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa, thái độ lơ đãng, như chờ một kẻ hầu nào đấy.

Từ xa, Đào Duy Từ đã nhìn thấy vẻ thờ ơ của chúa, bèn giả tảng hỏi bố vợ:
- Người kia là ai vậy, thưa cha?

Trần Đức Hòa sợ hãi, trả lời:
- Ấy chết! Sao con dám hỏi vậy? Vương thượng đấy, Người đứng chờ, con mau mau đến bái lạy!

Duy Từ nghe bố vợ nói, chỉ cười nhạt rồi quay lại chực không đi nữa. Khám lí Trần đi trước, ngoảnh lại thấy con rể bỏ về, sợ khiếp đảm, liền níu lại quở trách:
- Con làm thế này thì tội phạm thượng sẽ trút lên đầu cha

Duy Từ đáp:
- Thưa cha, vì con thấy chúa đang trong tư thế đi dạo với các cung tần mỹ nữ, chứ không có nghi lễ gì gọi là tiếp đón khách hiền. Nếu con lạy chào tất phạm vào tội khinh vua.

Nghe con rể nói vậy, ông bố vợ lại càng thất kinh, cáu kỉnh cầm tay Duy Từ bắt trở lại ngay, để lạy chào chúa, không được để chúa phải chờ. Nhưng Duy Từ vẫn dùng dằng không chịu nghe lời.

Từ xa, Sãi Vương đã để ý quan sát thấy tất cả, biết Đào Duy Từ là kẻ tài giỏi thực, tính khí khái, chứ không giống những bọn tầm thường, chỉ cốt quỵ lụy, được ra mắt chúa, hòng tiến thân để kiếm chút bổng lộc, chức tước mà thôi. Chúa bèn quay vào nội phủ, thay đổi áo quần và bảo thái giám đem áo mũ ban cho Duy Từ, rồi vời vào sảnh đường tiếp kiến.

Kể từ buổi đó, Đào Duy Từ được chúa Sãi Vương tin yêu, trọng vọng, tôn làm quân sư, luôn ở cạnh chúa để bàn bạc việc quốc gia trọng sự. Ông được phong chức Tán trị, tước Lộc Khê hầu, nên người đời vẫn quen gọi ông là Lộc Khê.

Tài năng được thi thố

Năm 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương và đòi lễ vật cống nạp. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hỏi ý kiến Lộc Khê Đào Duy Từ. Theo một số tư liệu, thì chính Duy Từ là người khuyên chúa bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.
Triều đình Đàng Ngoài nhận được mâm lễ vật tỏ ý ngờ vực, bèn cho khám phá bí mật ở phía trong và cuối cùng họ đã phát hiện chiếc mâm có hai đáy. Khi đem đục ra thì thấy có sắc vua phong dạo trước và tờ giấy viết bốn câu chữ Hán sau:

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch

Dịch nghĩa từng câu là: chữ ”mâu” không có dấu phết; chữ ”mịch” bỏ bớt chữ ”kiến”; chữ ”ái” để mất chữ ”tâm” và chữ ”lực” đối cùng chữ ”lai”.

Thoạt đầu, chúa Trịnh và cả đình thần không ai hiểu bốn câu trên ngụ ý gì. Sau chúa phải cho vời viên quan thông thái nhất triều vào hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, trong chữ Hán, chữ ”mâu” viết không có dấu phết thì thành chữ ”dư”. Chữ ”mịch” mà bỏ chữ ”kiến” thì là chữ “bất”. Chữ ”ái” nếu viết thiếu chữ ”tâm” thì ra chữ ”thụ” và chữ ”lực để cạnh chữ ”lai” sẽ là chữ ”sắc”. Gộp cả bốn chữ mới lại thành câu: ”Dư bất thụ sắc”, nghĩa là ”Ta chẳng chịu phong”.

Chúa Trịnh thấy họ Nguyễn chối từ, trả lại sắc phong bằng một mẹo kế tài tình, thì vừa tức giận, vừa phục tài, bèn cho dò la và biết được đều do Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn Đàng Trong về với triều đình Lê – Trịnh Đàng Ngoài.

Chúa lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng để nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng vọng, cho giữ chức quan to.

Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?…

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hi vọng, bèn cho người đem lễ vật hậu hơn, cầm thư chúa vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời. Ông đã đem tài trí của mình cống hiến cho xã hội về nhiễu lĩnh vực. Ông là một nhà quân sự tài ba, kiến trúc sư xây dựng lũy Trường Dục ở Phong Lộc và lũy Nhật Lệ ở Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình, để chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh. Lũy Nhật Lệ còn gọi là lũy Thầy (vì chúa Nguyễn và nhân dân Đàng Trong tôn kính gọi Đào Duy Từ là Thầy). Lũy này được hoàn thành năm 163l, có chiều dài hơn 3000 trượng (khoảng hơn l2 km), cao l trượng 5 thước (khoảng 6 m), mặt lũy rất rộng (voi có thể đi lại được) cứ cách một quãng lại xây pháo đài để đặt súng thần công.
Chiến lũy này có vị trí gần khe, dựa vào thế núi, chạy dài suốt cửa biển Nhật Lệ, trông giống hình cầu vồng, có tác dụng chặn được bước tiến của quân Trịnh trong hàng trăm cuộc giao tranh. Đương thời có các câu ca dao:

Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh chớ qua lũy Thầy

“Hữu trí dũng hề, khả quá Thanh Hà
Túng hữu dực hề, Trường lũy bất khả khoa”

Mạnh thì qua được Thanh Hà.
Dẫu rằng có cánh khôn qua lũy Thầy

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước như tranh họa đồ
Yêu anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang bây giờ đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm

THÊM NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ ĐÀO DUY TỪ

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay”

“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?… ”

“Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”

Chùm thơ hay gắn với giai thoại Đào Duy Từ

Chùm thơ này đã có trong dân gian từ lâu. Gọi là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà là ba bài, gieo theo thể liên vận, gắn với “Giai thoại Đào Duy Từ”. Truyện rằng: “… Năm 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi lễ vật cống nạp. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hỏi ý kiến Lộc Khê Đào Duy Từ. Theo một số tư liệu, thì chính Duy Từ là người khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.
Triều đình Đàng Ngoài nhận được mâm lễ vật tỏ ý ngờ vực, bèn cho khám phá bí mật ở phía trong và cuối cùng họ đã phát hiện chiếc mâm có hai đáy. Khi đem đục ra thì thấy có sắc vua phong dạo trước và tờ giấy viết bốn câu chữ Hán sau:

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch

Dịch nghĩa từng câu là: chữ ”mâu” không có dấu phết; chữ ”mịch” bỏ bớt chữ ”kiến”; chữ ”ái” để mất chữ ”tâm” và chữ ”lực” đối cùng chữ ”lai”.

Thoạt đầu, chúa Trịnh và cả đình thần không ai hiểu bốn câu trên ngụ ý gì. Sau chúa phải cho vời viên quan thông thái nhất triều vào hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, trong chữ Hán, chữ ”mâu” viết không có dấu phết thì thành chữ ”dư”. Chữ ”mịch” mà bỏ chữ ”kiến” thì là chữ “bất”. Chữ ”ái” nếu viết thiếu chữ ”tâm” thì ra chữ ”thụ” và chữ ”lực để cạnh chữ ”lai” sẽ là chữ ”sắc”. Gộp cả bốn chữ mới lại thành câu: ”Dư bất thụ sắc”, nghĩa là ”Ta chẳng chịu phong”.

Chúa Trịnh thấy họ Nguyễn chối từ, trả lại sắc phong bằng một mẹo kế tài tình, thì vừa tức giận, vừa phục tài, bèn cho dò la và biết được đều do Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn Đàng Trong về với triều đình Lê – Trịnh Đàng Ngoài.

Chúa lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay”

Lời thơ nói đến chuyện anh và em thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống ruộng cà hái lộc mùa xuân. Tứ thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý khống chế.

Tương truyền Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Ngọa Long Gia Cát đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?…

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hi vọng, bèn cho người đem lễ vật hậu hơn, cầm thư chúa vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.
Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”

Lời thơ đẹp, hợp logic và tình tự dân tộc

Chùm thơ và giai thoại trên đã tồn tại lâu dài trong bia miệng người đời. Lời thơ đẹp, hợp logic và tình tự dân tộc, mọi việc đều khớp đúng với sự kiện lịch sử.

Nguyễn Hoàng, chúa khởi nghiệp nhà Nguyễn, có quê tại huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung). Nhà thờ họ Nguyễn hiện ở đình Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông Nguyễn Hoàng là con thứ hai của ông Nguyễn Kim (tức Hữu vệ Điện tiền Tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Hoằng Kim) cháu của ông Nguyễn Hoằng Dụ, chắt của ông Nguyễn Văn Lang, đều là các trọng thần của nhà Lê.

Nguyên khi xưa ông Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đã lấy được đất Thanh Nghệ nhưng khi thừa thắng đem quân ra đánh Sơn Nam thì bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền giao lại cho con rể Trịnh Kiểm. Người anh của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm kiếm chuyện giết đi vì sợ đức độ và tài năng của hai anh em nhà vợ đoạt mất quyền mình. Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm ám hại nên đã hỏi kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm và được Trạng Trình bảo rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ông đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa từ năm 1558.

Đào Duy Từ sinh năm 1572 ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm ông ra đời thì Trịnh Kiểm vừa mới mất (1570) trao quyền lại cho Trịnh Cối để lo việc đánh dẹp. Trịnh Cối say đắm tửu sắc, tướng sĩ nhiều người không phục. Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm, đã rước vua Lê về đồn Vạn Lại và công khai chống lại anh ruột, Nhân lúc anh em họ Trịnh đánh nhau, Mạc Kính Điển cùng với các danh tướng Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn đem 10 vạn quân vào đánh Thanh Hóa. Trịnh Cối liệu thế không địch nổi đã đầu hàng Mạc. Trình Tùng đưa vua về Đông Sơn, phòng ngự chắc chắn, liều chết cố thủ. Mâc Kính Điển đánh mãi không được, lâu ngày hết lương, phải rút quân về. Trịnh Tùng oai quyền vượt vua, Anh Tông lo ngại tìm cách giết Trịnh Tùng. Mưu việc không thành, vua sợ chạy vào Nghệ An, bị Trịnh Tùng lập vua mới Thế Tông Lê Duy Đàm bảy tuổi lên làm vua và cho người truy sát giết chết vua cũ. Suốt 10 năm 1573-1583 Trịnh Tùng cố thủ vững chắc Thanh Hóa. Sau khi Mạc Kính Điển mất (1579) thế lực hai bên thay đổi. Năm 1591, Trịnh Tùng cử đại binh đánh ra Thăng Long, bắt được Nguyễn Quyện, phá hào lũy và rút về Thanh Hóa. Vua Mạc Mậu Hợp say đắm vợ người, bạc đãi tướng sĩ, làm nát cơ nghiệp nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Văn Khuê về hàng nhà Lê. Trịnh Tùng đem đại binh trở lại Thăng Long, đánh tan quân Mạc, giết Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc mất ngôi. Con cháu nhà Mạc giữ đất Cao Bằng được ba đời nữa. Vua Lê chỉ còn trên danh nghĩa được cấp bổng lộc thượng tiến, thu thuế 1000 xã và 5000 lính túc vệ và chỉ thiết triều tiếp sứ. Mọi việc lớn nhỏ đều do chúa Trịnh điều hành. Họ Trịnh tôn Lê vì sợ nhà Minh sinh sự lôi thôi và sợ những kẻ chống đối lấy cớ phù Lê, hơn nữa họ Nguyễn có thế lực mạnh và họ Mạc còn đang giữ đất Cao Bằng .

Năm 1572, nhân lúc anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân đánh Thanh Hóa và cho một cánh thủy quân do tướng Lập Bạo chỉ huy đánh Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã cho gái đẹp Ngô thị giả cách đưa vàng bạc đến cầu hòa, dụ Lập Bạo ra ái ân trên bãi biển vắng. Lập Bạo không đề phòng nên bị quân Nguyễn trong cát nổi lên giết chết. Quân Mạc bị đánh tan.

Nguyễn Hoàng từ năm 1592 đến năm 1600, đã kéo quân ra Bắc giúp Trịnh diệt Mạc và lập được nhiều công to nhưng Trịnh Tùng luôn để ý đề phòng và Nguyễn Hoàng đã không thể có cớ gì để trở lại đất cũ. Năm 1600 nhân dịp đi đánh giặc, Nguyễn Hoàng đã theo đường biển về lại Thuận Hóa. Sợ họ Trịnh nghi ngờ, ông đã gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng là con trai thứ của Trịnh Tùng.

Năm 1613, Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: “Đất Thuận, Quảng này, bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam có Hải Vân và núi Bì Sơn, thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời”.

Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha giữ đất phương Nam, theo đúng lời di huấn của cha “thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ”, bên ngoài kính cẩn nhận chức do vua Lê phong cho, giữ hòa hiếu với anh rể Trịnh Tráng, nhưng bên trong đã ngầm súc tích nội lực, tỉnh táo đối phó với mưu mô giảo hoạt tìm mọi cách thôn tính, khống chế của họ Trịnh.

Đào Duy Từ với tầm nhìn xa rộng và nhãn quan chính trị sâu sắc đã nhận ra tình cảnh trớ trêu trên. Hình thái Lê Trịnh, Mạc, Nguyễn thời ấy thật giống như “Tam Quốc”: Họ Trịnh noi cách Tào Tháo mượn uy thiên tử để sai khiến chư hầu. Họ Mạc tuy sức cùng lực kiệt nhưng được nhà Minh hậu thuẫn Nhà Minh luôn rình đợi thời cơ để can thiệp vào nước ta như cách “giúp Trần, cầm Hồ” của triều trước. Họ Nguyễn giữ đất phương Nam chân chúa lộ rõ, hiền tài theo về. Đào Duy Từ như Ngọa Long ở Long Trung ẩn nhẫn đợi thời. Ông chỉ quyết định vào Nam khi đã định rõ minh quân, danh tướng, chiến lược, sách lược các đối sách trước mắt và lâu dài của bàn cờ lớn.

Lịch sử ghi nhận Đào Duy Từ tham gia chính trường chỉ chín năm (1625 -1634). Như vậy, ông đã rời quê hương Thanh Hóa  vào Đàng Trong lập nghiệp trước năm 1625 trước khi ông 53 tuổi . Người vợ cả họ Cao có với ông chí ít một người con gái, vì ngay sau khi tham chính ông đã có con gái gả cho tướng quân Nguyễn Hữu Tiến. Nhà thờ và lăng mộ Đào Tá Hán hiện tại thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây. Nhà thờ ông bà Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài xã Hoài Phú có lẽ là nơi ở của bà vợ cả họ Cao khi Đào Duy Từ ở Thanh Hóa  vào Bình Định. Nhà thờ chính của ông bà Đào Duy Từ ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo có lẽ là nơi ở của bà vợ kế Trần Thị Chính, con gái của khám lý Trần Văn Hòa.

Đào Duy Từ là người tinh thông sử sách, có tài văn võ nhưng không được đi thi dưới triều Lê Trung Hưng vì là con nhà ca xướng. Bố của ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều Lê Trịnh, bị phạm húy khi làm thơ đã dám nói tên của chúa Trịnh Kiểm nên bị phạt đánh đòn và đuổi về nhà làm dân thường. Bố của ông sau trở thành kép hát nổi tiếng khắp vùng đã kết duyên với bà Vũ Thị Kim Chi ở làng Ngọc Lâm. Đào Duy Từ được sinh ra ở làng Hoa Trai, khi ông lên năm thì bố bị bệnh mất, người mẹ ở góa, tần tảo nuôi con ăn học. Theo luật lệ của triều đình bấy giờ thì con cái những người làm nghề ca xướng đều không được quyền thi cử. Bà Kim Chi tiếc cho tài học của con nên đã nhờ viên xã trưởng đổi họ Đào của con theo cha thành họ Vũ theo mẹ. Đào Duy Từ đã đỗ á nguyên tại kỳ thi Hương năm 1593 lúc ông 21 tuổi, vào đời vua Lê Thế Tông (l567-1584). Ông dự thi Hội thì bị viên xã trưởng mật báo và tố giác vì mẹ ông đã không chịu gian díu với hắn. Ông bị cấm thi vì trọng tội “gian lận trong thi cử”, bị giam giữ xét hỏi, trong khi mẹ ông ở nhà đã phẫn uất tự tử. Đào Duy Từ vào Nam sau hơn ba mươi năm trầm tĩnh đợi thời. Hiện vẫn chưa đủ tư liệu về thời gian này Đào Duy Từ làm gì ở đâu. Khoảng thời gian này gấp đôi 15 năm phiêu bạt của Nguyễn Du còn là một câu hỏi lớn.

Ứng xử của Đào Duy Từ tương tự như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhẫn nại đợi hai mươi năm mới ra dự thi triều Mạc và lập tức đoạt được Trạng nguyên. Đào Duy Từ cũng chọn hướng vào Nam rất sâu sắc, có tính toán và đúng thời cơ. Đây không phải là một sự uất ức tầm thường mà  là sự nhẫn nại của bậc trí giả, thời thế nhiễu loạn, vàng lầm trong cát đấy thôi.

Giai thoại lung linh huyền ảo chinh phục lòng người

Giai thoại dân gian kể rằng, chính trong thời gian Đào Duy Từ gặp cảnh ngộ éo le phạm quy tại trường thi thì chúa Nguyễn Hoàng đang viếng thăm phần mộ của cha ông xây cất ở vùng Tống Sơn. Nguyễn Hoàng đã đến thăm Thái phó Nguyễn Hữu Liêu và tình cờ nghe được chuyện kể về tài năng cùng số phận hẩm hiu của người học trò nghèo Đào Duy Từ. Chúa đem lòng ái mộ cảm mến, nên đã tìm gặp và ngầm giúp Từ tiền bạc để sinh sống. Khi Nguyễn Hoàng đến thăm Đào Duy Từ. Chúa chợt thấy trên vách buồng Duy Từ đang ở có treo bức tranh cầu hiền vẽ ba anh em Lưu Bị thời Tam Quốc bên Tàu lặn lội tìm đến đất Long Trung để vời đón Gia Cát Lượng là một bậc hiền tài.

Nguyễn Hoàng bèn chỉ lên bức tranh, tức cảnh đọc mấy câu thơ để tỏ lòng cầu hiền của chúa và cũng để dò xét tâm ý Đào Duy Từ:

Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công

Duy Từ bèn đọc tiếp:

Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng …

Nguyễn Hoàng nối thêm:

Lãnh thổ đoạn chia ba xứ sở
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông

và Duy Từ kết

Ví như chẳng có lời Nguyên Trực
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long

Sau này, khi Nguyễn Hoàng đã mất, Đào Duy Từ vào Nam,. Ông chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở Bình Định. Chủ nhà là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, nên đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha uý Nội tán.

Đánh giá công lao, sự nghiệp của Đào Duy Từ
Nhà Nguyễn tôn vinh Đào Duy Từ là bận khai quốc công thần hàng đầu và được thờ trong thái miếu. Đào Duy Từ được Chúa Nguyễn trọng dụng, đã hết lòng giúp chúa Nguyễn đạt được những kỳ tích  trong lịch sử. Công nghiệp của Đào Công truyền tụng muôn đời được tóm tắt ở năm điểm chính sau đây:

1) Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chống cự thành công với họ Trịnh ở phía Bắc. Ông đã cùng các danh tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến bày mưu định kế, luyện tập quân sĩ, xây đồn đắp lũy, tổ chức tuyến phòng ngự chiều sâu từ phía nam sông Linh Giang đến Lũy Trường Dục (ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình) và Lũy Thầy (từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Suốt thời Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài suốt 45 năm (1627-1672) đánh nhau cả thảy bảy lần, họ Trịnh thường mạnh hơn nhưng quân Nam tướng sĩ hết lòng, đồn lũy chắc chắn nên đã chống cự rất hiệu quả với quân Trịnh.

2) Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra.

3) Đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao. Với tài năng tổ chức kiệt xuất của Đào Duy Từ, chỉ trong thời gian ngắn ngủi chín năm (1625-1634), ông đã kịp xây dựng được một định chế chính trị rất được lòng dân. Do vậy, sau đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn truyền thêm được bảy đời nữa .

4) Những di sản của Đào Duy Từ để lại đều là những kiệt tác: Binh thư “Hổ trướng khu cơ” sâu sắc, thực tiễn, mưu lược yếu đánh mạnh, ít địch nhiều, là một trong hai bộ sách quân sự cổ quý nhất của Việt Nam (bộ kia là Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo) ; Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc, tuồng cổ Sơn Hậu gắn với di sản văn hóa Huế thành di sản văn hóa thế giới; Những giai thoại, ca dao truyền đời trong tâm thức dân tộc của lòng dân mến người có nhân. Tác phẩm “Hổ trướng khu cơ”; Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá cùng với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc.

5) Đào Duy Từ mãi mãi là người Thầy đức độ, tài năng, bậc kỳ tài muôn thuở của dân tộc Việt., người khai sinh một dòng họ lớn với nhiều hiền tài và di sản còn mãi với non sông.



Viếng mộ nhớ Đào Công, thầm thương bậc anh hùng, nhớ Nguyễn Du viếng mộ Liểu Hạ Huệ và bài thơ Đến Thái Sơn nhớ Đào Duy Từ


Ngược gió đi không nản.
Rừng thông tuyết phủ dày.
Ngọa Long cương đâu nhỉ.
Đầy trời hoa tuyết bay!

Hoàng Kim
 

Tài liệu tham khảo chính
Trần Trọng Kim 1921 Việt Nam sử lược, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin 1999;
Nguyễn Khắc Thuần. Giai thoại dã sử Việt Nam;
Trịnh – Nguyễn diễn chí, quyển 2;
Trang thông tin điện tử tỉnh Bình Định http://www.baobinhdinh.com.vn;
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình http://www.quangbinh.gov.vn;
Trang thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa http://www.thanhhoa.gov.vn




 

Nguồn  Đào Duy Từ (chuyên luận Hoàng Kim)

Video yêu thích

h
ttp://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Cassava News, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con

Người theo dõi