Lưu trữ Blog
27 tháng 11, 2009
Thầy Lương Định Của và tính tình Người Nam Bộ.
HOCMOINGAY. Thầy Lương Định Của là một trí thức lớn đã từ bỏ điều kiện sống và làm việc hiện đại ở Nhật Bản, nơi thầy đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về di truyền để tìm cách về nước. Lúc đầu thầy đưa gia đình về miền Nam. Thầy lại từ chối quyền cao chức trọng, bổng lộc, giầu sang, vượt mọi gian khổ ra miền Bắc tham gia kháng chiến chống ngọai xâm. Họat động nghiên cứu của thầy chủ yếu tại nông thôn đủ thứ thiếu thôn; đối tượng nghiên cứu của thầy chủ yếu là những biện pháp kỹ thuật mà nông dân dễ tiếp thu, dễ mang lại hiệu quả tức thì, như làm bờ vùng bờ thừa, trang phẳng ruộng, cấy ngửa tay, thẳng hàng, dùng giống lúa địa phương và những giống lúa thầy cùng cộng sự chúng tôi chọn tạo ra. Tên những giống lúa thầy đặt cũng là một thể hiện sự hòa nhập với cộng đồng lúc đó, như giống lúa Đoàn kết, Thắng lợi. (Vợ chồng giáo sư Lương Định Của: ảnh tư liệu gia đình )
Khi còn là sinh viên (1956-60), tôi đã biết Người Nam Bộ qua bạn học tập kết ra Bắc, và nhất là qua thầy Lương Định Của, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, đến nay đã có khá nhiều tên đường, tên trường mang tên Lương Định Của. Đối với lũ học trò hậu sinh chúng tôi, thầy cũng luôn cởi mở, rộng lượng, hài hước, hào hiệp, trung thực, và cả dũng cảm nữa. Một thể hiện điều đó là khi chúng tôi giảng dậy môn di truyền chọn tạo giống, thầy đã giảng dậy học thuyết di truyền học Mangan, hiện đại (hồi đó bị cấm, chỉ được dậy học thuyết Lưxenkô, về sau bị phát hiện là giả dối, bịa số liệu). Thầy thường dậy chúng tôi phải sáng tạo, không được bắt chước như loai khỉ, và kể nhiều chuyện tiếu lâm hài hước minh họa, như chuyện không bắt chước máy móc trong họat động tình dục mà "dụng cụ" thì bị thương, người thì phải đi bệnh viện.
Từ bỏ điều kiện sống và làm việc hiện đại ở Nhật Bản, nơi thầy đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về di truyền, thầy đã tìm cách về nước. Lúc đầu thầy đưa gia đình về miền Nam. Thầy lại từ chối nhận quyền cao chức trọng, nhiều bổng lộc, giầu sang, vượt mọi gian khổ ra Bắc tham gia kháng chiến chống ngọai xâm
Họat động nghiên cứu của thầy chủ yếu tại nông thôn đủ thứ thiếu thôn; đối tượng nghiên cứu của thầy chủ yếu là những biện pháp kỹ thuật mà nông dân dễ tiếp thu, dễ mang lại hiệu quả tức thì, làm như bờ vùng bờ thừa, trang phẳng ruộng, cấy ngửa ta, thẳng hàng, dùng giống lúa địa phương và những giống lúa thầy cùng cộng sự chúng tôi tạo chọn ra. Tên những giống lúa thầy đặt cũng là một thể hiện sự hòa nhập với cộng đồng lúc đó, như giống lúa Đòan kết, Thắng lợi, .. Một thể hiện tính tình người Nam bộ của thầy có tác dụng lớn đến sản xuất lúa ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các hợp tác xã ở miền Bắc kẻ khẩu hiệu do thầy khuyến cáo: "Ruộng không bờ thửa bờ vùng. Khác nào đổ nước và thung lũng tròn ".
Từ sau giải phóng đến nay, tôi cùng các bạn đồng nghiệp ở Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, trại giống lúa Ma Lâm tỉnh Bình Thuận .. nối trí thầy chọn tạo nhiều giống lúa OM, OMCS, ST, MTL, ML .. Ở ĐBSCL, tôi cùng cộng sự đã chọn tạo một tập đoàn giống lúa cao sản xuất khẩu OM, OMCS được bà con nông dân mến mộ, trong các cuộc nhậu nhet đã gọi là "ôm em", "ôm em cực sướng". Năm 2000, chúng tôi được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: danh hiệu anh hùng lao động, một cho Viện và một cho tôi; Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đề tài "Giống và kỹ thuật canh tác lúa ở ĐBSCL" cho 10 nhà khoa học của Viện, tôi là chủ trì.
Xin trình bày một số hiểu biết sau vài thập kỷ hòa nhập với dân Nam Bộ mà người "khai tâm" cho tôi là thầy Của, như một nén tâm nhang kính thầy sắp vào dịp giỗ thầy sau 35 năm ngày mất, tháng 12/1975, ở tuổi 55 sung mãn sức lực, trí lực.
Khởi đầu công cuộc mở đất và giữ nước, có Nguyễn Trung Trực, Trương Định ... Các bậc sỹ phu đầy khí khái có Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Huân .., Đi đầu canh tân văn hóa có nhà bác học Trương Vĩnh Ký biết tới 27 thứ tiếng, là một trong 18 nhà khoa học được ghi danh trên thế giới thời ấy. Nữ chủ bút đầu tiên có Sương Nguyệt Ánh ... ; Nhà khoa học hàng đầu có các giáo sư Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Trần Văn Giàu, Trần Văn Hưởng ..; Nhạc sỹ tài ba có Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê ...; Nhà văn hóa nghệ thuật đặc sắc có Cao Văn Lầu, Phùng Há, Út Trà Ôn. Nhà văn Sơn Nam, tên thật là Phạm Minh Tài, là tác gia hàng đầu trong nền văn học Việt Nam đương đại. Để tưởng nhớ cố nhà văn thọ 83 tuổi này, chúng ta thưởng thức một đoạn văn nghị luận xen vào hình ảnh thi vị sau: "Mùa lụt, cá nước ngọt theo nước ra khá xa vàm biển. Ngược lại, tới mùa khô, cá biển và cá nước lợ lại theo thủy triều vào sâu trong lòng sông. Cá rô có vẩy cứng có thể lóc đi trên bùn đất khô. Cá trê, rùa, lươn có thể sống trong bùn mà không ăn uống trong vài ba tháng nắng. Cá sặc đẻ trứng trên khô, mùa nắng tung bay theo gió rồi đáp xuống như hạt bụi để nở ra vùng trong nước đầu tiên của cơn mưa đầu mùa .. " (theo báo Văn nghệ, 04-10- 2008)
Vùng Nam bộ còn sản sinh ra nhiều tài năng vượt trên trình độ văn hóa, hay "tay nghề đi trước học thức" như GsVs Trần Đại Nghĩa nhận xét. Vài tiêu biểu như "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy đã dời được cả tòa nhà lớn, nhà chế tạo "máy hút bùn Trần Văn Dũng, máy dệt chiếu Nguyễn Văn Long;" Vua cua ghẹ lột "Nguyễn Văn Quang, chế tạo máy gặt đập lúa liên hợp Huỳnh Văn Út (Út máy cày), và khá nhiều nhà sáng tạo máy chân đất nông nghiệp, trình độ học vấn có khi chưa qua cấp 2 ..
Cách đây 3-4 thập kỷ, hồi ở miền Bắc, thầy Của ở miền Bắc lai tạo được nhiều giống lúa mới được nông dân ưa chưộng, như Nông nghiệp 1, Chiêm trăng, Đoàn kết .. Gần đây, tỉnh Sóc Trăng quê hương của thầy Của lại sản sinh những con người chọn tạo ra nhiều giống lúa rất ấn tượng, mặc dầu chưa bao giờ được gặp, được thọ giáo tiền bối Lương Định Của. Đấy là nhóm chọn tạo giống lúa do KS Hồ Quang Cua đứng đầu. Đến nay nhóm này đã chọn tạo tới 22 giống ST, trong đó có nhiều giống như ST3, ST5 .. khá phổ biến, những giống ST đỏ từ lai tạo giữa giống gạo đỏ địa phương với giống năng suất cao rồi chọn ra dòng gạo đỏ vừa năng suất cao, vừa có mùi thơm lá dứa.
Chân thành và khẳng khái trong cuộc sống, sáng tạo trong lao động chân tay và trí óc, nhân ái trong giao tiếp, độ lượng trong ứng xử xã hội, dũng cảm trong chống ngoại xâm, hòa nhập với cộng đồng và thân hiện với cây cỏ sông nước, là những phẩm chất rất quý của con người Nam Bộ cả xưa và nay. Nền văn minh lúa nước - miệt vườn ở vùng này sản sinh ra văn hóa "đơn ca tài tử" rất ấn tượng, và những làn điệu cải lương, vọng cổ mùi mẫm trữ tình.
Từ hồi khai hoang mở đất cách đây khoảng 300 năm, như chuyện kể lại, làm người con thứ hai trong gia đình tham gia. Và thế là ở Nam Bộ chỉ có Anh Hải, Anh Cả còn ở lại Bắc để cúng vái tổ tiên. Không chỉ vậy, mà hàng loạt ngôn từ thổ ngữ đã thể hiện ý trên. Có nhiều cặp từ chỉ cùng một nghĩa, nhưng người Bắc thường nói từ trước, miền Nam từ sau, như sau: tiền-bạc, tiêu-xài, to-lớn, bé-nhỏ, béo-mập, tiến-tới, chậm - trễ, luôn-lợi, ăn-nhậu, bạn-bồ / bè, cố-gắng, bơi-lội, lười-biếng, tìm-kiếm, rơi-rớt, yêu-thương, thóc-lúa, lẫn-lộn, trêu - choc .. Thứ tự "trước-sau" thể hiện ở cả hàm ý nguyên nhân và kết quả, như, tàu hút bùn-sáng thổi, hút - bắt đầu, thổi - kết thúc công đoạn; luôn-lời, lời là kết quả của luôn .. Cũng có một số ít ngoại lệ, như dơ-bẩn, ca-hát ..
Có điều lý thú là, ở Việt Nam mình người Bắc có thói quen nói Ngồng chữ đầu, như nói lẫn lộn giữa "n" và "l" (nan không, lưới không, trứng vịt không ..); miền Nam chữ cuối (khoai lan, bông hoa lang, ba Boong ..); còn miền Trung thì Ngồng chữ ngay giữa, gió như thành lồng lộng gió, làm ăn thành lởm ăn, hay lem ăn, ăn .. lem, tùy địa phương ..
Tập đoàn giống lúa bản địa làm người nông dân Nam Bộ sáng tạo và đặt tên cũng thể hiện tính chất phác, di dỏm, như Tái nguyên sữa, Nành chồn, Móng chim, vườn Sóc, Phùng Đốc, rồng Huyết, Tàu hương, Vàng lộn, Tang tép, Nếp thơm, Nếp Mù u.. Đặc biệt là, có đến vài ba chức giống có tên đầu là "Nàng", như Nàng Hương, Nàng thơm chợ Đào, Nàng Nhen, Nàng Loan, Nàng Co đỏ, Nàng Đùm, ...
GsTs Nguyễn Văn Luật, 24/11/2009
(Đăng theo bài do tác giả gửi )
NGƯỜI PHỤ NỮ NHẬT TRONG ĐỜI GIÁO SƯ LƯƠNG ĐỊNH CỦA
Như Trang
Bà Nobuko (1) Nakamura (người Nhật), phu nhân cố Giáo sư (GS) Lương Định Của - nhà nông học hàng đầu VN - năm nay đã 86 tuổi, nhưng nhìn rất trẻ và khỏe. Hiện bà đang sống tại TP.HCM cùng con cháu.
Cách đây đúng 55 năm, bà theo chồng về VN, và nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi. Bà vừa có chuyến du lịch từ TP.HCM ra Hà Nội, Lào Cai, và dự lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần I tại ĐH Nông nghiệp I. Bà đã dành cho Thanh Niên một cuộc trò chuyện cởi mở.
* Thưa bà Nobuko, bà và cố GS Lương Định Của đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh nào?
- Trước khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, tôi là sinh viên ĐH quốc lập Kyushyu (Nhật Bản). Chồng tôi (tên là Lương Định Của chứ không phải là Lương Đình Của như một số người hay viết nhầm) là một trong số lưu học sinh thuộc các nước Đông Nam Á học ngành trồng trọt tại trường này và chúng tôi quen nhau ở đó.
Sau khi tốt nghiệp, do muốn học cao hơn nữa, chồng tôi chuyển đến ĐH Kyoto nghiên cứu về di truyền học tế bào. Năm 1945, kết thúc chiến tranh, được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi kém chồng tôi 2 tuổi. Trong thời gian sống tại Nhật Bản, chúng tôi đã có 2 con trai.
"Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ đến Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa...".
* Được biết, dù đã lấy vợ và sống ở Nhật, nhưng lúc nào chồng bà cũng nung nấu ý định trở về Việt Nam để đem tài năng, sức lực ra giúp dân, giúp nước. Và mặc dù Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng bà vẫn nhiệt tình ủng hộ và theo chồng về Việt Nam...
- Cũng năm 1945, khi nghe tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chồng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, chồng tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng Bác Hồ và luôn tâm niệm sẽ trở về Việt Nam để phục vụ đất nước.
Năm 1952, sau khi chồng tôi lấy bằng Tiến sĩ (2) Nông học, gia đình tôi và bạn bè khuyên ông nên đưa vợ con sang châu Âu hoặc đến Mỹ. Ở đấy, công danh sự nghiệp nhất định thuận lợi hơn ở Nhật Bản.
Nhưng chồng tôi quyết định trở về Việt Nam. Ông thu thập các tư liệu, kết quả thí nghiệm... làm tài sản cho chuyến trở về nước qua đường Trung Quốc để đến chiến khu Việt Bắc. Nhưng chuyến đi không thuận lợi, gia đình tôi phải quay về Sài Gòn.
Lúc này Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, nên người Việt chịu rất nhiều bất công về vật chất và tinh thần. Gia đình các em chồng đối xử với tôi rất tốt. Tuy nhiên, phải một thời gian dài tôi mới hòa nhập được với phong tục tập quán VN.
* Được biết, trong thời gian GS Lương Định Của công tác ở Hà Nội, với kiến thức về nông học của mình bà đã giúp đỡ GS rất nhiều trong việc lai tạo giống cây trồng?
- Năm 1954 cách mạng cử người liên lạc, đưa cả gia đình tôi từ Sài Gòn tập kết ra miền Bắc. Lúc này tôi chưa nói được tiếng Việt. Tôi được Bộ Nông nghiệp sắp xếp công tác giúp đỡ chồng trong công việc lai cây lúa.
Đây là công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn, những người khác làm việc này chồng tôi không tin tưởng.
* Và bà còn là biên dịch viên kiêm phát thanh viên tiếng Nhật của Ban tiếng Nhật, Đài Tiếng nói Việt Nam...
- Tôi nhận lời làm việc tại đài phát thanh vì thấy phù hợp và mình có thể làm được. Có một kỷ niệm không bao giờ quên khi tôi dịch và đọc bản tin ngày 30.4.1975, ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng.
Tôi như vẫn thấy không khí sôi nổi, phấn khởi của người dân lúc đó. Đã trải qua những năm chiến tranh vất vả khi ở Nhật Bản cũng như ở Việt Nam, nên tôi không thể nào quên ngày chiến tranh hoàn toàn kết thúc.
Bà Nobuko thời trẻ
* Trong thời gian sống ở Hà Nội, chắc hẳn gia đình bà từng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến thăm?
- Gia đình tôi ở gác 4, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Trong số các vị lãnh đạo nhà nước thời bấy giờ, quan tâm giúp đỡ chồng tôi nhiều nhất và được chồng tôi vô cùng kính trọng, coi như người anh lớn của mình là ông Phạm Văn Đồng và ông Phạm Hùng. Ông Phạm Văn Đồng đã đến thăm và chụp ảnh cùng gia đình.
Còn ông Phạm Hùng nhiều lần mời gia đình đến dùng cơm. Tại những nơi chồng tôi công tác có trồng nhiều cây, một số vị lãnh đạo có ghé thăm và chồng tôi có tặng họ những loại hoa quả trồng ở đó.
* GS Lương Định Của được coi là một nhà nông học hàng đầu Việt Nam, từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 1967), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)... Trong những thành công được ghi nhận của GS có phần đóng góp rất lớn của bà, bà có tự hào về chồng mình?
- Các danh hiệu mà chồng tôi được Chính phủ và Quốc hội trao tặng là do nỗ lực của bản thân ông cùng với sự góp sức rất nhiều của các đồng nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là việc các vị lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để chồng tôi phát huy hết khả năng của mình phục vụ đất nước.
Bản thân tôi chỉ lo gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm công tác. Tôi rất tự hào vì chồng mình có phần đóng góp trong việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong một giai đoạn rất khó khăn.
* Hơn 50 năm sống ở VN, bà có giữ mối liên lạc nào với quê hương và có dành thời gian trở về Nhật thăm gia đình?
- Tôi được cho phép về thăm gia đình ở Nhật Bản hai lần vào năm 1972 và 1976 bằng kinh phí do nhà nước đài thọ (vé máy bay và vé tàu biển). Tôi rất biết ơn, vì trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm săn sóc đến cá nhân và gia đình tôi.
Lúc đó đi sang Nhật rất khó, do nước ta chưa có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Nhưng bây giờ thì khác, việc đi lại rất dễ dàng, hằng năm tôi đều về Nhật thăm gia đình. Mặt khác thông tin liên lạc bây giờ hiện đại nên việc liên lạc với người thân ở Nhật Bản rất thường xuyên.
* Vì sao bà nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi?
- Quan niệm của tôi là sống vì gia đình, vì chồng con. Tôi đã sống ở Việt Nam được 55 năm, đây cũng chính là quê hương của tôi. Hiện nay tôi thấy rất hạnh phúc vì sống gần gũi với con cháu. Năm 1976, khi về thăm gia đình ở Nhật Bản (lúc này chồng tôi đã mất), mẹ tôi có nói đưa hết cả gia đình về Nhật, bà sẽ lo cho.
Nhưng chồng tôi luôn nói rằng là người Việt Nam phải sống và làm việc ở Việt Nam để phục vụ đất nước. Có thể ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu nhưng mục đích cuối cùng cũng là quay trở lại làm giàu cho quê hương mình.
Trong khi con cái tôi đang đi làm, học tại Việt Nam thì quay về Nhật Bản làm gì? Bây giờ tôi thấy mình quyết định không về Nhật Bản là hoàn toàn đúng đắn và trong lòng luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Việt Nam.
Bà Nobuko ở Bảo tàng Quang Trung
* Chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, kinh tế, văn hóa..., bà có cảm nhận gì về sự đổi thay của đất nước Việt Nam hôm nay?
- Việt Nam đang có nhiều thay đổi chóng mặt. Tôi vừa du lịch từ TP.HCM đến Lào Cai, đâu đâu cũng thấy xây dựng, hai bên đường cây cối xanh tươi, nhà cửa đẹp đẽ, nét mặt người dân luôn tươi vui... Năm 1955, lần đầu tiên tôi biết nông thôn miền Bắc, không thể tưởng tượng được sự nghèo khổ của người nông dân khi đó. Chính vì thế, tôi hiểu được lý do tại sao người Việt Nam hy sinh tất cả để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, và quyết tâm xây dựng lại đất nước.
* Bằng những trải nghiệm của chính mình và sự quan sát những người Nhật khác sống ở Việt Nam, bà có nhận xét gì về người nước ngoài nói chung và người Nhật nói riêng sống ở Việt Nam?
- Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ sang Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa.
Họ ca ngợi Việt Nam phong cảnh rất đẹp, cái gì cũng rẻ, thức ăn ngon, an ninh trật tự tốt, người Việt Nam rất hiếu khách. Nhiều người Nhật sang Việt Nam công tác muốn ở lại sống ở đây sau khi hết hạn.
Họ đã lấy chồng, vợ người Việt Nam, chứng tỏ nước ta rất hấp dẫn người nước ngoài. Chính phủ ta cũng có chế độ chính sách thích hợp, không phân biệt người nước ngoài, người dân không kỳ thị chủng tộc.
* Mối tình của bà và cố GS Lương Định Của là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Bà có muốn nói điều gì với thế hệ trẻ hai nước hôm nay?
- Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến quá khứ. Ở cả Việt Nam và Nhật Bản ngày nay, thanh niên đều ít biết đến chiến tranh. Tôi có hỏi một cháu gái bán hàng lưu niệm khoảng 17-18 tuổi ở Quảng Trị: "Ở đây trước kia chiến tranh rất ác liệt phải không?". Cháu nói: "Không có, ở đây không bao giờ có chiến tranh cả!".
Nếu chúng ta không giáo dục cho thế hệ trẻ biết về sự khốc liệt của chiến tranh, thì chúng sẽ không thấy giá trị của hòa bình ngày nay. Tôi nghĩ, muốn có nền hòa bình bền vững để đất nước phát triển, những người trẻ tuổi cần phải thông hiểu lịch sử đất nước mình.
* Xin cảm ơn bà.
Như Trang
Nguồn : Thanh Niên ngày 7 tháng 3 năm 2007
Bị chú của ERCT :
(1) Trong nguyên bản, báo Thanh Niên đã sai lầm khi ghi tên bà Nakamura là Nubuko thay vì Nobuko. Chúng tôi sửa lại cho chính xác và cũng đã có gởi mail thông báo cho Thanh Niên
(2) Trong nguyên bản, báo Thanh Niên ghi là "Bác Sĩ".
(3) Xem thêm :
* Thông tin về một người đàn anh (Đặng Lương Mô - Exryu Việt Nam)
* Densetsu no Betonamujin - 伝説のベトナム人 Giáo sư Ogata Kazuo (緒方一夫)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)