Lưu trữ Blog

30 tháng 1, 2009

Gặp gỡ đầu xuân ông Trần Hữu Dũng

HOCMOINGAY Quốc Phương BBC Việt ngữ đã gặp gỡ đầu xuân ông Trần Hữu Dũng, giáo sư giảng dạy kinh tế học tại Đại học Wright State, ở Dayton, Ohio, Mỹ; GS. Trần Hữu Dũng cũng là chủ bút của trang Viet-studies và trang mạng Arts & Letters Daily. Trả lời câu hỏi đầu xuân về tương lai của Việt Nam, ông nói: "Tôi nghĩ rằng lẽ dĩ nhiên Việt Nam sẽ còn thay đổi. Tôi là người có tinh thần Á Đông. Người Tây Phương nghĩ tới đường tiến lên, tiến hoài, còn Á Đông nghĩ tới những lúc lên lúc xuống. Tôi không bi quan, cũng không lạc quan. Mình trong thời điểm nào thì lo cho thời điểm đó. Tôi nghĩ rằng nước Việt Nam sẽ tồn tại mãi mãi, còn lúc lên lúc xuống là chuyện thường tình thôi." (Hình GS. Trần Hữu Dũng )

Đón Tết nguyên đán Kỷ Sửu đang về, BBC Việt ngữ tới gõ cửa 'nhà điểm tin' trên mạng, chủ nhân của trang điểm báo tư nhân Viet-studies.info, Giáo sư Trần Hữu Dũng ... Mời quý vị theo dõi sau đây trao đổi của ông Trần Hữu Dũng với BBC.

Ăn Tết Nguyên đán

Ở chỗ tôi ở có ít người Việt Nam nên không tổ chức gì nhiều, nhưng chúng tôi ở trong trường Wright State University cũng tổ chức tết cho các em sinh viên. Cũng có tổ chức ăn uống, múa hát cho các em ở trường.

Trang Viet-studies chỉ có một mình tôi làm thôi, vì vậy rất tốn thì giờ. Tôi là người multi-task, tức là làm nhiều việc một lúc, nhảy đi nhảy lại. Nhưng vì nếu tôi không làm trang này thì tôi cũng vẫn đọc báo, mà tôi ngủ rất ít, nên công việc điểm báo không có gì là nhiều với tôi.

Những bài được chọn chủ đề mùa Xuân hay Tết dịp này ư? Không, thực ra tôi thích bài nào thì đưa bài đó lên điểm tin thôi. Nhưng tôi cũng e là mấy tuần tết này, báo chí nghỉ nhiều, nên bài vở có thể ít đi so với lúc bình thường.

Dự định cho năm tới thì năm nào tôi cũng bận rộn hết. Riêng năm nay thì rất nhiều công việc.

Ngoài Viet-studies ra, tôi còn bận dạy học, ngoài ra tôi còn làm cho một số báo Mỹ. Năm tới có thể tôi sẽ có ít thời giờ cho Viet-studies, vì có nhiều việc đang làm, các sách vở đang viết, phải bỏ thời giờ làm cho xong.

Tôi đã hứa với một số báo đài và phải viết bài cho họ, chẳng hạn những câu chuyện về kinh tế, chuyện về Trung Quốc, về nước Mỹ, và đó là những việc tôi sẽ tiến hành trong những ngày tháng tới. Có lẽ năm tới tôi sẽ tốn nhiều thời giờ về viết lách kinh điển, 'academic' kinh tế học.

'Team-work khó làm'

Có dự định làm công việc tập thể (team-work) hay chính thức hoá trang Viet-studies hay không? Không, đây là một việc làm theo sở thích (hobby) của tôi, nên tôi không định làm một việc gì lớn.

Ngoài ra, làm team-work rất khó khăn vì tôi đã có kinh nghiệm làm tập thể. Mỗi lần làm gì đó phải thông qua team-work mất thì giờ lắm.

Thành ra một mình tôi làm, tôi chịu trách nhiệm hết. Tôi đã làm tờ báo Mỹ, mỗi lần tôi làm gì, phải thông qua ban biên tập, rất mất thì giờ. Đây cũng là ưu điểm mà có thể cũng là nhược điểm.

Về tờ Thời Đại mới và chủ đề của chuyên mục Hội thảo Mùa hè thì năm nay tôi sẽ phải dành nhiều thời gian, hiện tôi đang kêu gọi anh em viết bài và chúng tôi sẽ phải quyết định chủ đề cuộc hội thảo.

Có cần hàm vị để viết bài cho Thời đại mới hay không? Tôi xin trả lời là không cần, miễn là anh em nghiên cứu nghiêm túc về bài vở thôi, tôn chỉ của chúng tôi như vậy.

Trang Viet-studies theo tôi được biết ở Việt Nam truy cập dễ dàng. Ở một số địa phương truy cập hơi chậm nhưng đó là vấn đề kỹ thuật chứ không phải là chính sách của Nhà nước. Rất may được hồng ân của Nhà nước, truy cập vào trang được dễ dàng.

Từ sau khi Talawas đóng cửa, tôi không rõ là độc giả hay vào các trang nào khác, cá nhân tôi thì ngoài Viet-studies, tôi hay cộng tác với tờ Diễn đàn ở Paris. Những tờ khác trên mạng, thỉnh thoảng tôi cũng vào nhưng tôi không có thì giờ nhiều.

Rất ngại dự báo

Về kinh tế, tôi là một trong số hiếm những người Việt Nam rất ngại và dè dặt trong chuyện tiên đoán này nọ. Tôi thấy có nhiều người ở Việt Nam cũng như ở nơi khác tiên đoán không có bằng cớ.

Tôi không dám tiên đoán gì hết, nhưng tôi thấy tình trạng kinh tế thế giới trong vài tháng tới, ít nhất là tới tháng 5/2009, càng ngày càng khó khăn, tình trạng kinh tế rất là xuống. Ở Việt Nam tôi không dám bình luận chính sách có phù hợp hay không, nhưng tôi thấy còn lúng túng lắm và không biết người ta sẽ làm thế nào.

Có vẻ như gói cứu trợ và kích cầu của nhà nước Việt Nam đưa ra là mờ nhạt đối với nội dung cứu trợ an sinh xã hội? Tôi đồng ý như vậy. Tôi không nhất trí lắm với việc kích cầu. Tôi không rõ các chi tiết hậu trường và động cơ của những ai đứng sau trong việc kích cầu này, nhưng xem ra đây là để 'kích cung' nhiều hơn.

Liệu bà Hillary Clinton có làm cho chính sách Việt Nam của ông Obama gần hơn với đường lối Clinton trước đây? Có hai cách nhìn, thứ nhất có cách nhìn chính sách của Mỹ đối với Việt Nam như là chính sách của chính Washington với Hà Nội, và cách nhìn thứ hai nhìn chính sách này như là hệ quả của chính sách Mỹ đối với Trung Quốc. Tôi đang suy nghĩ về cả hai cách nhìn này.

Về những gì ông đại sứ Mỹ ở Việt Nam phát biểu mới đây, tôi nghĩ là ông ấy chỉ nói một cách sơ sơ, ngoại giao thôi. Tôi chưa thấy có gì thay đổi nhiều trong chính sách với Việt Nam của ông Obama so với thời ông Bush.

Còn về chính sách trong nước, kiểm soát báo chí và truyền thông của Việt Nam thời gian qua và việc ông Tô Huy Rứa vào Bộ Chính trị, tôi đồng ý là có sự 'siết lại'. Tuy nhiên phải thấy rằng kiểm duyệt không chỉ riêng có ở Việt Nam. Tại Arab Saudia cũng có kiểm duyệt.

Rất tiếc! Nhưng nói công bằng thì không chỉ riêng ở quốc gia cộng sản mới kiểm duyệt.

'Không nên kiểm duyệt'

Còn quan điểm chính sách riêng của tôi thì tôi cho rằng không nên bao giờ có kiểm duyệt. Tôi cho là bao giờ cũng phải có tự do ngôn luận hoàn toàn. Cho nên tôi không đặt ra câu hỏi kiểm duyệt là phù hợp hay không phù hợp.

Nhưng có vẻ nhà cầm quyền ở Việt Nam buộc phải kiểm duyệt vì họ lo lắng cho quyền lợi và vị trí của họ bị ảnh hưởng? Đúng thế, ngay Trung Quốc cũng vậy thôi. Nhưng liệu có khác biệt gì giữa các kiểm duyệt đó? Tôi nghĩ là có và tôi đã viết một bài ở hội thảo ở Nha Trang năm ngoái. Tôi nghĩ sinh hoạt trí thức ở Trung Quốc họ được phép thoáng hơn ở Việt Nam.

Tôi về Việt Nam năm ngoái và được nghe nhiều ý kiến của anh em trí thức, nhiều ý kiến rất hay, nhiều người cũng rất bức xúc, chỉ có điều là nói công khai thì không được.

Về giáo dục, đừng hỏi tôi về chuyện tại sao số lượng các tiến sĩ cần đào tạo cho Việt Nam thời gian tới đây không nhiều hơn hay ít con số 20 nghìn. Xin hỏi ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì đúng hơn, tôi không biết được. Còn ở Việt Nam hiện nay mọi người bàn nhiều về giáo dục, vì lĩnh vực này ở Việt Nam đang bị khủng hoảng.

Có nhiều vấn đề quá nên ai cũng bức xúc, ai cũng có con cái trong nhà đi học, nên ai cũng quan tâm. Tình trạng giáo dục, theo tôi quan sát, nếu không đi xuống thì cũng không khá hơn được một chút nào hết. Đó là điều hiển nhiên mà ai cũng hiểu được.

'Nghe cổ điển cả ngày'

Tôi phải làm một lúc nhiều việc, nhưng về các thú vui riêng thì tôi vẫn nghe nhạc. Tôi nghe nhạc cổ điển 24/24 tiếng. Lúc nào cũng nghe. Tôi có hai cách nghe. Cách thứ nhất là nghe một tác giả từ A tới Z, đầu tới cuối. Và thứ hai là nghe nhiều dàn nhạc biểu diễn cùng một tác phẩm để so sánh.

Có tuần tôi bỏ ra cả tuần để nghe một trăm mấy chục bản symphony của Haydn. Một tuần khác tôi nghe tất cả các tác phẩm của Beethoven.

Trở lại trang Viet-studies, nhân đây tôi cũng nhờ BBC Việt ngữ chuyển lời cảm ơn của tôi tới các độc giả và cũng xin lỗi là tôi không thể trả lời được hết các email mà mọi người gửi cho tôi.

Cuối cùng, trả lời câu hỏi đầu xuân về tương lai của Việt Nam, tôi nghĩ rằng lẽ dĩ nhiên Việt Nam sẽ còn thay đổi. Tôi là người có tinh thần Á Đông. Người Tây Phương nghĩ tới đường tiến lên, tiến hoài, còn Á Đông nghĩ tới những lúc lên lúc xuống.

Tôi không bi quan, cũng không lạc quan. Mình trong thời điểm nào thì lo cho thời điểm đó. Tôi nghĩ rằng nước Việt Nam sẽ tồn tại mãi mãi, còn lúc lên lúc xuống là chuyện thường tình thôi.

Giáo sư Trần Hữu Dũng giảng dạy kinh tế học tại Đại học Wright State, ở Dayton, Ohio, Mỹ. Ông tham gia biên tập trang mạng Arts & Letters Daily và đồng thời là tác giả của trang Viet-studies có nội dung cập nhật báo chí, tin tức trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá Việt Nam

(BBC Việt ngữ)

Người theo dõi