Lưu trữ Blog

18 tháng 1, 2014

Rưng rưng một từ "thương" trĩu nặng

HỌC MỖI NGÀY. "Về miền Tây , thương ..." tản văn của Nguyễn Thị Hậu tuyệt hay! Cô Hậu khảo cổ giỏi thiệt. Cô đã nói lên cái đặc sắc văn hóa "thương và yêu" của đất phương Nam. Ba chữ "anh yêu em" "em yêu anh" say đắm bao người khi về Nam chỉ rưng rưng một từ "thương" trĩu nặng. Ngọt lịm một niềm thương nặng đến thắt lòng, làm níu chân bao người đã đi rồi còn quay trở lại.  (HK).


VỀ MIỀN TÂY, THƯƠNG…
Tản văn

Nguyễn Thị Hậu

Quê tôi ở miền Tây. Còn tôi sống ở Sài Gòn.
Quê ngoại tôi chỉ cách quê nội một nhánh Tiền Giang nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp, xưa ghe chèo nay là chiếc phà có thể chở xe tải nhẹ hay xe hơi 16 chỗ. Mỗi ngày hàng chục lượt phà qua lại nối liền Cù Lao Giêng với thành phố Cao Lãnh, dân cù lao buôn bán quanh năm hay chợ búa hàng ngày từ lâu đã quen thuộc với thị tứ bên này. Nhiều gia đình kết sui gia với nhau, ngày rước dâu chiếc phà rực rỡ sắc màu chạy trên sông, lẫn trong tiếng máy nổ đều đều là tiếng nhạc rộn rã và tiếng con nít chỉ trỏ í ới...
Những đám rước dâu, đưa dâu trên sông gợi nhớ bài hát “Ngẫu hứng Lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội đã cảm nhận được sự bình dị và lời ăn tiếng nói của người miền Tây để chuyển thành những câu ca nghe chạm vào tận đáy lòng “bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Đóa hoa tím trôi líu riu, dòng sông nước chảy líu ríu… anh thấy em nhỏ xíu anh thương… Những đêm ngắm sông nhớ em buồn muốn khóc…”. Có một thời tôi đã thầm nghĩ, nếu có ai đó chỉ cần nói với mình một câu giản dị “anh thương em” thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo. Lúc đó tôi còn chưa hiểu vì sao chữ “thương” của người miền Tây lại làm mình nao lòng đến thế.
Sau này, mỗi lần về quê hay đi công tác miền Tây là đi qua vô số những cây cầu dọc theo quốc lộ, nhìn những con sông, dòng kinh, con rạch… xanh mướt hai bờ, ghe xuồng xuôi ngược, chợ búa ở đầu cầu tấp nập, trái cây rau cải tôm cá tươi chong… Bỗng thấy thương quê mình gì đâu! Mới hiểu, chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi vì thương không chỉ là  thương yêu cha mẹ anh em, mà còn là thương nhớ người dưng, thương xót thân phận ghe xuồng trên sông, thương những gì gắn bó cả đời như thương chính mình.… Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được …
Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa mới, mang cá tôm về làm mắm làm khô nuôi sống dân miền Tây trong những tháng mùa khô sau đó; thương những mái nhà lá lô nhô trong nước, thương đồng lúa chín gặt vội chạy cho kịp mùa nước nổi, thương bầy trâu lặn lội mùa “len”, thương đàn vịt đồng ốm nhom mùa nắng tới…
Về miền Tây thương con nước ngày hai lần nước lớn cho ghe xuồng đi xuống miệt ruộng vùng sông Hậu, nước ròng cho ghe xuồng đi lên miệt vườn trên những cù lao sông Tiền. Mùa nước nổi có xuồng “năm quăng” giúp bà con sinh sống. Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… khuất vào đám dừa nước rậm rạp rồi chợt hiện ra nhỏ nhoi đơn côi trong tiếng “bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”. Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược “buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…
Về miền Tây thương những xóm làng nghèo khó mà ấm áp tình người. Trưa vắng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, cầu dừa chông chênh cô thiếu nữ thoát thoắt bước qua. Chiều xuống những bến nước ven con rạch ồn ào trẻ nhỏ, đờn bà giặt đồ trên chiếc cầu tre, đờn ông chạy ào xe  máy trên đường mòn, bất chợt nghe tiếng ai kêu dừng lại gạt chân chống để đó ghé vô, có khi tới khuya mới quay ra, xiêu xiêu lên xe chạy tiếp về nhà…
Về miền Tây thương những con đường giữa bóng xoài bóng dừa mát rượi, thương hàng rào bông bụt nhà ai đỏ vàng rực rỡ, thương dàn bông giấy màu trắng tím đỏ ngời lên trong nắng hạn làm lóa ánh mắt người qua… Về miền Tây thương nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, thương bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe, thương lò trấu trong gian bếp gọn gàng như những người đờn bà miền Tây vén khéo.
Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố.
Về miền Tây thương những chành gạo ven sông, xà lan ghe lớn ghe nhỏ vào mùa gặt tụ họp về đêm ngày trên bến, những băng chuyền thay sức người tải gạo lên kho xuống ghe không dứt. Thương những lò gạch tròn như tổ tò vò khổng lồ in bóng xuống dòng sông. Những con sông dòng kinh như những mạch máu nuôi sống miền Tây.
Về miền Tây thương rừng tràm rừng đước xanh bạt ngàn miệt U Minh nước đỏ. Đêm Năm Căn câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Thương những Bãi, Bàu, Bắc, Bến, Bưng, Cái, Cầu, Cồn, Cù lao, Cửa, Đầm, Đồng, Gành, Hòn, Hố, Láng, Lung, Mũi, Mương, Rạch, Tắc, Vàm, Vũng, Xẻo… nghe giản dị mà gợi hình gợi cảnh.
Về miền Tây thương đám lục bình bông tím mong manh trôi xuôi ngược trên sông. Lúc nước ròng thì tấp vô như tìm chút hơi ấm của bờ đất mẹ, khi nước lên lại bơ vơ dập dờn trên mặt nước. Bông lục bình đẹp như  em gái miền Tây, chơn chất, hiền lành, biết lo toan cho gia đình cha mẹ, khi em phải lấy chồng xa xứ khác nào số phận lục bình trôi… Chỉ mong mỗi ngôi nhà và những người đờn ông miền Tây sẽ là những bè tầm vông chắn sóng chắn nước cho giề lục bình bông tím mong manh đừng trôi xa, bình yên ở lại bờ bến quê nhà.
Về miền Tây thương những gian bếp có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Sân nhỏ trước nhà lác đác lá khô của cây mận hồng đào. Thương từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành vào mùa Tết, thương mỗi đêm gió chướng nghe trái cây ngoài kia rơi lộp bộp, thương bầy trẻ con tranh nhau lượm những trái mận chín rụng, giòn và ngọt như đường phèn.
Về miền Tây thương những giọng hò ơ lai láng trên sông, thương câu vọng cổ thổn thức đêm đêm, thương bài đờn ca tài tử những ngày giỗ chạp, thương những “hẹn, hò”, “giỗ, quảy”… Về miền Tây thương người dưng buông câu “anh thương em” để trái tim lỗi nhịp, thương em gái nghẹn ngào “em thương ảnh, chị ơi…” nặng đến thắt lòng… Chỉ một tiếng “thương” thôi mà miền Tây đã níu giữ bao người, bao người đã đi rồi còn quay trở lại.
Về miền Tây thương những cửa sông rộng mênh mông, từng là con đường dẫn ông cha đi tìm đất khẩn hoang lập ấp. Thương vùng biển bồi bùn nâu nước lợ, mắm trước đước sau lấn biển, cả ngàn năm mũi Cà Mau dày thêm từng thước đất.


Về miền Tây thương những con người bao đời khó nhọc, nói “làm chơi ăn thiệt” vì không hay than thở, nói “làm đại đi” vì can đảm dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Thời thế nào cũng có những người “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, dù sau đó có phải chịu nhiều oan khuất…
Về miền Tây…
Thương quá, miền Tây ơi!

Sài Gòn, tháng 11. 2013



NGỌT LỊM MỘT NIỀM THƯƠNG



Hoàng Kim


Khi mây nói
yêu anh thắm thiết
Mây lững lờ quấn gót chân tiên.


Khi mưa nói
yêu anh đắm đuối
Mưa dập dồn khóa chặt trời thiêng.


Khi sớm nói
yêu anh nhiều lắm
Hầm hập vừng dương, sương mật ứa đầy


Khi khuya nói
yêu anh vào nhớ.
Đêm rất sâu, mằn mặn đầu môi.


Em khi yêu
đỏ bừng mặt ngượng
Khi thương anh,
chẳng nói nên lời


Em giấu chặt những điều em muốn
mà bâng quơ nói ngược ý mình
chỉ thầm trách rằng anh chẳng hiểu
tiếng tơ lòng,
ngọt lịm một niềm thương


Biển kiêu hãnh con sóng ngầm dấu đợi
Muôn dòng sông
thao thiết
kiếm tìm


Núi lặng lẽ vươn mình ra với biển
Đất đá âm thầm
đón nước
triều lên.




Người theo dõi