Lưu trữ Blog
11 tháng 10, 2008
Không nên phán vội là viển vông, duy ý chí
GS Chu Hảo
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước thực trạng ĐH Việt Nam muốn vươn lên tầm khu vực, quốc tế đến năm 2020.
"Nghe nhạc hiệu đoán chương trình"
Phải đưa ra tiêu chí đẳng cấp quốc tế là như thế nào rồi mới bàn được. Ví dụ, đã là ĐH nghiên cứu thì hàm lượng NCKH phải rất đậm, được thể hiện bằng các công trình đăng trên các tạp chí đầu ngành của thế giới, mà mỗi ngành như vậy thường có 10-15 tạp chí đầu ngành. Đến bây giờ người ta thừa nhận những tạp chí được thống kê các công trình khoa học trên cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học ISI (Philadelphia).
Tiêu chí để được các ĐH nghiên cứu gọi là đẳng cấp quốc tế thì phải là số công trình hàng năm của trường đấy trên những tạp chí loại như thế là bao nhiêu. Số giáo sư thực thụ có trình độ giỏi được đo bằng các công trình nghiên cứu là bao nhiêu. Số GS đó trên đầu sinh viên là bao nhiêu. Số các hợp đồng nghiên cứu hàng năm trường đó nhận được là bao nhiêu, qua đấu thầu hay qua vận động...
Tất cả những tiêu chí đó phải được thống nhất với nhau ở một mức độ nhất định nào đấy rồi mới thống nhất là ở Việt Nam có thể xây dựng được trường ĐHĐCQT trong thời gian bao nhiêu lâu. Nếu không rõ tiêu chí đó để so với thực trạng bây giờ thì đề ra tất cả những mục tiêu đều là duy ý chí.
Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ tất cả các trường ĐH, kể cả trường ĐH quốc gia của chúng ta, mà tuyên bố đến 2020 là sẽ phấn đấu thành trường tiên tiến trong khu vực hoặc ĐH quốc tế thì chắc là các anh ấy cũng đã xét trên tiêu chí nào đó (!?). Trước khi được nghe kỹ các anh ấy trình bày cũng không nên phán vội là viển vông hay duy ý chí. Biết đâu các anh ấy đã nghiên cứu rất kỹ, đã căn cứ vào thực lực của mình rồi? Thế thì cái đó phải được công bố. Không biết rõ tiêu chí đạt đến là cái gì, thực trạng hiện nay ra làm sao và cách hướng tới như thế nào... thì phê phán cũng khó mà chấp nhận ngay.
Tôi quan niệm rằng, trường ĐH có đẳng cấp quốc tế, nói theo ngôn ngữ chung phải là trường ĐH của VN, giảng dạy theo chương trình của VN. Mời mấy trường ĐH nước ngoài vào đây dạy chủ yếu là theo chương trình, thầy giáo của họ và họ cấp chứng chỉ thì dù có đạt đến trình độ nào đi chăng nữa cũng không phải là nền ĐH của VN. Bản thân tôi cũng nghi ngờ rằng, kể cả những trường đó với điều kiện họ tuyển sinh ở VN mà mang GS sang đây giảng dạy thì cũng chưa hẳn là điều kiện tiên quyết để nói đó là trường ĐH tốt. Bởi vì người ta cử thầy giáo sang đây cũng chưa hẳn là loại hàng đầu của họ mà có thể là loại dở của họ.
Muốn có những trường đẳng cấp quốc tế thì không phải là những trường của nước ngoài, mà phải là những trường của VN hiện nay.
Bắt đầu để có ĐH đẳng cấp quốc tế
Vậy theo ông, muốn xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì Việt Nam phải bắt đầu từ đâu?
- Bắt đầu bằng cách phải chấn chỉnh nền giáo dục phổ thông cho tốt để có đầu vào tốt vì hiện nay đầu vào của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề. Thứ 2 là phải có đội ngũ giáo viên rất tốt, rất giỏi. Các trường phải tìm mọi cách thu hút được GV trẻ, giỏi có trình độ NCKH và tổ chức NCKH tốt.
Hiện nay, căn cứ vào số lượng các bài báo của các trường ĐH VN được thống kê trên ISI thì nó quá ít, chứng tỏ là NCKH yếu. Tiếp đến là cách tổ chức NCKH ở các trường ĐH theo những chương trình đề tài theo kế hoạch, cách làm đó không thích hợp nữa, mà việc quan trọng là phải có được một tập thể nghiên cứu mạnh. Muốn có được như vậy thì phải có người tâm huyết, có trình độ giỏi được mời về và tha thiết gắn bó với trường, do đãi ngộ, do điều kiện CSVC ở phòng thí nghiệm, do mức độ tạo được thông tin và giao lưu quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, các trường ĐH có tính chất nghiên cứu đòi hỏi đầu tư rất nhiều, rất lớn và đề nghị nhập phần ĐH của Bộ GD-ĐT vào với Bộ KHCN để có thể tập trung đầu tư cho NCKH, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Ý tưởng nhập Bộ KHCN với Bộ ĐH thành Bộ ĐH và nghiên cứu là ý tưởng đã đề ra vài ba chục năm nay rồi. Có lúc người ta đã đi theo mô hình đó, rồi người ta lại tách ra. Do đó, cũng không thể nói được là cái mô hình nào là tuyệt đối hay. Mỗi một mô hình có 1 cái tích cực và có mặt hạn chế của nó, thế nhưng việc không gắn được những kết quả NCKH, không gắn được các viện nghiên cứu vào các trường ĐH thì ở mô hình nào cũng dở.
Như tôi hiểu thì ở rất nhiều nước nghiên cứu cơ bản nói chung, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ nền tảng, công nghệ vật liệu thì nên gắn với các trường ĐH. Cũng có một số viện nghiên cứu rất đặc thù còn hầu hết những nghiên cứu công nghệ sản phẩm thì phải do đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Ở VN những bài báo được đăng ở tạp chí quốc tế hiện nay mới chỉ đang dừng lại ở các ngành Toán, Vật lý, Cơ học, ít có ở các ngành về nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường là những cái mà nước mình cần hơn trước mắt. Những cái mà Thái Lan họ đã làm được, hay Đài Loan làm được mà mình lại không. Điều đó chứng tỏ định hướng về NCKH của mình có vấn đề.
Bộ KHCN liên kết với các trường ĐH như thế nào trong việc nghiên cứu?
- Hiện nay Bộ KHCN có các chương trình quốc gia sau đó các đơn vị nghiên cứu (các trường ĐH, các viện nghiên cứu) đều được đấu thầu, tham gia các đề tài. Một số cái đặc biệt thì đặt hàng, đấu thầu thì phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cái đó dù có phát huy được hết tác dụng của mình đi chăng nữa thì việc gắn bó giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu là chưa có. Những trường ĐH hoạt động về nghiên cứu chưa gắn bó lắm trong nhiều trường hợp, với các viện nghiên cứu.
Trong điều kiện VN hiện nay có nhất thiết phải xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế không, thưa ông?
- Phải đặt kế hoạch xây dựng càng sớm càng tốt. Như tôi đã nói, các nước Singapore, Malaysia, họ đã lên kế hoạch từ những năm 50-60 và bây giờ mới đạt được. Do đó, Việt Nam bây giờ phải có kế hoạch rõ ràng để 20-30 năm nữa mới mong có được ĐHĐCQT. Nhấn mạnh, kế hoạch phải cụ thể sát sao và kiên trì thực hiện kế hoạch một cách quyết liệt. Vì lý do đó nên tôi nghĩ ở trường ĐH nên chọn ra một vài bộ môn hoặc một vài khoa có đủ năng lực để có thể trong 10 năm, 20 năm sau đó lấy mô hình.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Anh
10 tháng 10, 2008
Sài Gòn - Hà Nội đi vào đi ra
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Sài Gòn - Hà Nội, đi vào đi ra không còn chỉ than thở tiếc cái đã mất, mà là phải làm cái gì hữu ích, khôn ngoan để gửi vẻ đẹp và thêm vào nhiều vẻ đẹp mới…
Hình như chỉ những người lãng mạn, làm văn hóa mới hay tiếc nuối một Hà Nội xưa đẹp cổ kính, êm đềm, còn các vị hoạt động kinh tế, xây dựng thì cho rằng, mô hình phát triển đô thị này không có lựa chọn nào khác. Hà Nội rồi cũng là một chủng loại thành phố như một “công trường xây dựng” nhiều nhà cao tầng với các phố lớn trung tâm, các nút giao thông lập thể, không tránh khỏi phá hủy nhiều khu đô thị truyền thống.
Đô thị uốn nắn tính cách
Nhiều người bây giờ vào ra Hà Nội – Sài Gòn như đi chợ. Ngoài công việc, hội nghị, du lịch, còn bay ra bay vô ăn cưới, đám giỗ, thăm người ốm đau hay đơn giản chỉ là đi vào tránh rét, đi ra hưởng mùa thu vàng.
Tôi có hai người bạn cùng là dân Hà Nội vào Sài Gòn sống đã lâu. Một người đang đi du lịch Mỹ, mail về kể rằng, nếu có ai hỏi tôi thích nhất gì ở nước Mỹ, tôi sẽ trả lời, thích nhất hai thứ, thông tin và… cái toilet. Còn người bạn ở Sài Gòn trả lời là vừa mới đi Hà Nội về, nhưng mà không còn cảm giác được sống ở Hà Nội như những ngày xưa nữa.
Vì sao vậy? Gia đình, bà con họ hàng ai cũng khá lên, xây nhà khang trang, nhưng đều giống nhau ở chỗ chạy bạt ra ngoại ô. “Ngã tư khổ” (Ngã Tư Sở) bây giờ khang trang nhà cửa. Có thể nói, Hà Nội bây giờ có ba thành phần khá rõ: Dân buôn bán ở 36 phố phường cũ với cái tên đầu là “Hàng”. Họ sửa chữa nhà đã cũ, ngồi trên đống vàng buôn bán, coi nhu cầu sinh hoạt là thứ yếu. Nơi đó chỉ nên đến xem, mua bán, chứ không ai muốn ở. Còn thành phần thứ hai là lý tưởng nhất: Nhà gốc gác đủ giàu để trụ lại, không phải bán đi để ra ngoại ô xây nhà. Họ sống ở các phố Tây sang trọng quanh hồ Gươm, hồ Thuyền Quang, các con phố lớn Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Chuối, xung quanh Chợ Hôm, Cửa Nam, Ba Đình, hay các phố có tên “làng quê” như Xóm Hạ Hồi toàn vila sang trọng. Thành phần thứ ba có thể nói là dân nhập cư vào Hà Nội sau này, dù đã ở rất lâu nhưng không phải “gốc”, đều làm nhà phố ở ngoại ô, sống trong các khu hẻm chợ, trường học. Dù họ có sắm ô tô và có nhà lầu đấy, nhưng xe phải đem gửi vì không vào được ngõ, ngách.
Nhiều người ngoại quốc nhìn Hà Nội không chỉ nói êm đềm thơ mộng với các trí thức đội mũ nồi, áo vải nhăn, đạp xe quanh Bờ Hồ như ngày họ tới Việt Nam. Bây giờ, như ông Franz Xavier Augustin nhận xét trên báo chí: “Hà Nội cổ hơn hẳn những Bangkok, Manila, Jakarta, và tất nhiên, cả Sài Gòn. Dù những thay đổi ùa vào, vẫn có sự kháng cự sự đồng nhất hóa nhàm chán kiểu các đô thị lớn toàn cầu, chống lại việc dỡ bỏ cả một quận như ở Trung Quốc, chống lại nguy cơ McDonald hóa như Sài Gòn, Manila... Một địa điểm lịch sử, không dễ làm hỏng”.
Thật ra Hà Nội bây giờ có tất cả những gì Sài Gòn có. Một cặp vợ chồng nọ có việc nhà phải ra Hà Nội, đóng thùng măng cụt đang mùa, để làm quà cho bà con anh em những nơi sẽ ghé thăm. Vậy mà khi ra tới nơi, sau khi quà phát hết, còn thiếu, chỉ việc mua ngay từ những người buôn thúng bán mẹt các ngõ hẽm cũng đầy măng cụt tươi rói, mà lại… rẻ hơn Sài Gòn mới lạ chứ!
Nhiều anh chị em tự ái khi nghe người thân từ Sài Gòn ra lại đi ở khách sạn. Các anh chị em ai cũng khấm khá, nhà cao cửa rộng không ở, lại đi ở khách sạn! Nhưng chính nhờ cuộc ở khách sạn đó, chị mới phát hiện thêm vẻ đẹp mà trước sống ở Hà Nội, chị không biết. Giống như thời chiến tranh, chị sống ngay ven Hồ Tây, bận làm ăn sấp mặt, có bao giờ nhìn thấy “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” như Trịnh Công Sơn nhìn thấy đâu. Lần ra này, chị ở một khách sạn nhỏ số 60 đường Ấu Triệu. Đó là con phố nhỏ xíu bên hông Nhà Thờ lớn Hà Nội, đẹp và thú vị bất ngờ. Ông chủ nhà tên là Quang, một kỹ sư, người Hà Nội gốc, đã nghỉ hưu. Nhà của ông cho thuê kinh doanh khách sạn. “Tôi ở đây từ bé. Xưa phố rất êm đềm, chỉ có hai dãy ngói một tầng. Chín chục phần trăm dân theo đạo, nay cũng đã đi mất nhiều. Chỉ còn độ 20% dân cũ. Người mới đến sống ở Hà Nội, họ kinh doanh , sống kiểu đô thị, nhà nào biết nhà ấy, nhưng nói chung lịch sự, đứng đắn. Trung tâm vậy nhưng rất yên tĩnh, nên thơ. Khách Tây nhiều, họ thường thuê loại phòng 600 ngàn đồng. Và họ quí giấc ngủ vô cùng sau một ngày đi khám phá. Khách trong nước ở miền Nam ra, Việt kiều về, cán bộ các tỉnh ra họp hành, công tác thường chọn loại phòng nhỏ 450 ngàn. Ở phố nhỏ này nhà không được phép cao quá 5 tầng. Một căn nhà rộng khoảng 70 mét vuông có giá 15 tỉ đồng”. Ông chủ nhà rất trí thức, nói vậy.
Đi săn bắt “ con” nghệ thuật
Đó là cách gọi của dân 9x. Họ yêu Hà Nội kiểu khác, không luyến tiếc và đôi khi có những nhận xét giật mình. Hỏi: Vì sao bao nhiêu thay đổi mà người Hà Nội vẫn đứng ở vỉa hè mút kem que Tràng Tiền? Không thiếu gì dân model, hay ông comple xác cặp táp cũng vui vẻ mút kem? Một 9x trả lời: Có thể que kem ấy kích thích nhớ về tuổi thơ, từ cái kem của ông bán rong bóp cái còi tự chế bằng lọ dầu gội từ tuổi thơ ngóng đợi. Hễ cứ đi Bờ Hồ là đồng nghĩa với ăn kem. Dân 9x cũng chẳng quá định kiến các đặc trưng Hà Nội, như phở và mùa thu chẳng hạn. Không còn nhất thiết ăn sáng bằng phở. Vì có nhiều thứ ngon: bánh mì bơ-sữa, xôi bao la, ngô luộc cũng đủ no.
Thế còn Hà Nội thu vàng ai cũng bảo đó là mùa đẹp nhất, bài hát cũng thế. Mà dân 9x lại bảo Hà nội đẹp nhất là mùa đông. “Quần áo đẹp cực. Ăn gì cũng ngon. Mùa đông người ta chạy xe từ tốn hơn, phố phường dịu hẳn lại. 9x rủ nhau uống trà đá chuyện vãn, người lớn ngồi cà phê. Vãn chuyện là trả tiền, kết thúc là lượn hồ rồi về. Lượn hồ toàn xe máy hưởng khí lạnh thổi nhẹ. Người lớn quanh Hồ Gươm, đám trẻ lên Hồ Tây, có khi chạy thẳng lên khu Lạc Long Quân. Khu bãi đá gọi là “biển”, đoạn sông Hồng cạn nước, gần đê”. Chỉ dân trẻ mới cảm thụ nhiều và biết cái đẹp mùa đông. Đơn giản vì họ còn đang đi học, đi chơi chứ không xuýt xoa phải đi làm trong giá rét chỉ trông mau chóng “trốn” vào nhà. Còn 9x thì ra đường, đi chơi! Đừng định kiến với 9x nhé. Người ta “sợ” vì ăn chơi, ít học hành. Đi xin việc làm thêm phải khai gian cho “già” lên, vì khoảng 20 hơn chút với 9x là “già rồi”. Đúng là họ có thú vui riêng. Vào các nhà vệ sinh của khách sạn, trung tâm lớn thơm tho, đầy gương, tụ tập nhau chụp ảnh “tự sướng”. Không bậy bạ cả đâu nhé, mà nghịch ngợm, ăn mặc kỳ quái. Chứ còn đám sex thì là bọn lớn hơn chút, lên sàn bar ăn chơi. 9x tổng kết riêng, mặc cho ai giận: “Nói là việc của người Hà Nội, từ bà bán chè đến ông giám đốc. Vì không có chỗ hành động nên nói nhiều!”.
Nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu: Nếu biết nói, Hà Nội sẽ không nói mà im lặng thở dài tiếc nuối, đã mất quá nhiều giá trị truyền thống văn hóa. Một 9x bảo: Đồng ý. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn dân 9x hăng hái đi tìm, tận hưởng cái đẹp của Hà Nội hôm nay. Họ gọi là những cuộc đi săn bắt “con” nghệ thuật.
“Thế này. Hẹn nhau một địa điểm. Đi xe máy. Ăn mặc phong cách phù hợp với nơi đến. Trang phục phá cách, thí dụ quần ngắn, vớ đen, áo da, điểm nhấn là dải khăn dài lụa đỏ, loại lụa thô, nốt sần của vải nổi trong hình. Một cô gái có chàng trai làm nền, chàng đi giày basket, quần sáng màu, áo khoác tối. Seri ảnh có tên hẳn hoi “Vương vấn mùa đông”. Tuổi trẻ, vẻ đẹp hiện đại trong sương lãng đãng của Hà Nội cổ xưa được chắt chiu tích cực. Có những cái tên hỏi người lớn không ai biết cả. Thí dụ ở Hồ Tây có “ bến Hàn Quốc” vì bên lan can hồ sen giống cảnh phim Hàn. Có cả bến Nhật Bản, Ấn Độ mà chỉ dân 9x gọi với nhau mới biết.
Nhà nghiên cứu đô thị Anh Heinz Paetzold giải thích: Khái niệm về tính địa phương đương đại không phải là sự hoài cổ, mà cũng không phải là quay về với thực tiễn của khu vực. Nó mô tả kiến trúc, cố gắng diễn đạt lại nền văn hóa khu vực theo quan điểm văn hóa thế giới đang tồn tại ngày nay”...
BOX - “Hà Nội cổ hơn hẳn Bangkok, Manila, Jakarta, và tất nhiên, cả Sài Gòn. Dù những thay đổi ùa vào, vẫn có sự kháng cự sự đồng nhất hóa nhàm chán kiểu các đô thị lớn toàn cầu, chống lại việc dỡ bỏ cả một quận như ở Trung Quốc, chống lại nguy cơ Mc Donald hóa như Sài Gòn, Manila… Một địa điểm lịch sử, không dễ làm hỏng”.
( Theo Người Đô Thị)
http://www.viet-studies.info/kinhte/NTNgocHai_SaiGonHaNoi.htm
6 tháng 10, 2008
Xin can
Nguyên Ngọc
HOCMOINGAY. Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ.
Vừa đọc thấy tin ra mắt Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại, trong đó có hẳn mấy mươi hecta dành cho một Văn miếu ghi danh các tiến sĩ thời nay; lại còn thấy kể rằng sẽ có rùa đội bia đá khắc tên chư vị tiến sĩ. Một tờ báo trân trọng đưa tin và đưa ảnh một vị giáo sư tiến sĩ hăng hái mang đến tặng ngay trung tâm một "di vật" cực quý: bức ảnh ông ta chụp cùng một vị Thủ tướng, lại có ảnh ông ngồi viết những dòng quý giá vào sổ lưu niệm của trung tâm nữa. Được biết vị tiến sĩ hăng hái này cũng chính là một trong những người từng chủ trì Hội đồng phong chức giáo sư và phó giáo sư nhiều tai tiếng…
Đọc tất cả những tin đó, khá dồn dập trong mấy ngày nay, mà lo quá! Ừ thì có nơi nào đó lo việc lưu giữ những tài sản trí tuệ của đất nước này nay là việc nên làm, nhưng lưu giữ tài sản trí tuệ của đất nước là lưu giữ tên tuổi của các tiến sĩ chăng? Tôi nghĩ ngay đến một nhân vật chắc chắn cho đến nay vẫn được sự kính trọng của mọi người như một nhà trí thức lớn của Việt Nam, một đầu óc uyên bác, một nhà giáo dục kiệt xuất, một nhân cách cao quý, từng có đóng góp rất quan trọng cho một thời kỹ khá rạng rỡ của giáo dục đại học ở nước ta: Tạ Quang Bửu. Theo chỗ tôi được biết, và tôi đã kiểm tra lại trí nhớ bằng cách, hỏi kỹ lại nhiều người am hiểu: Tạ Quang Bửu là người không hề có bất cứ một bằng cấp nào hết. Có người còn kể: Ông theo học rất kỹ một ngành, đến khi sắp lấy bằng ở ngành đó thì bỏ, chuyển sang một ngành khác, cứ thế, hàng chục ngành… Vì sao? Vì ông quan niệm học là để chiếm lĩnh tri thức chứ không phải để lấy bằng, để thành tiến sĩ này tiến sĩ nọ; cũng rất có thể từ rất sớm ông đã nhận ra điều hết sức quan trọng đối với một người trí thức ngày nay - mà mãi sau này Edgar Morin mới nói – là: trong thời đại ngày nay một tri thức thật sự không phải, không thể là tri thức đơn lẻ, bị chia cắt, cục bộ, phiến diện, mà phải là người "liên kết các tri thức", có vậy mới thật sự chiếm lĩnh được thế giới vô cùng phong phú và cũng vô cùng phức tạp này? … Tôi hình dung với số lượng tiến sĩ đã có – và sẽ còn có theo kế hoạch đào tạo vài trăm ngàn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo -, hẳn số lượng các bia đá phải nhiều gấp chục lần số bia đá ở Văn miếu Hà Nội (chẳng chơi, một kỷ lục ghi-nét mới của Việt Nam, chắc hẳn thế giới không sao theo kịp!). Trên những tấm bia đá mà hàng ngàn con rùa tội nghiệp sẽ phải còng lưng vốn đã còng của chúng để đội đó, hẳn các nhà chủ trương và thực hành Văn Miếu hiện đại sẽ khá lúng túng trước trường hợp Tạ Quang Bửu. Nhất định là ông không thể có mặt trên bảng vàng bia đá đó rồi, bởi ông thuộc một nền văn hóa khác, nền văn hóa của tri thức thật sự, chứ không phải của tri thức bằng cấp tràn lan đang là tai nạn xã hội của chúng ta bây giờ.
Vậy nên chuyện văn miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh, dễ thở hơn, văn minh hơn đôi chút.
Lưu giữ, bảo tồn tri thức ư? Tất nhiên là cần quá đi chứ. Nhưng cần kíp hơn, cấp bách hơn là tôn trọng thật sự trí thức ngay bây giờ, tạo điều kiện cho người ta làm việc, và sống, trước hết là tự do tư tưởng và sáng tạo. Hàng ngàn tấm bia đá không bằng không, nếu không thật sự có tự do suy nghĩ và sáng tạo cho người trí thức!
Tôi cũng không thể không hình dung vô số chuyện khôi hài sẽ diễn ra khi thực thi sáng kiến văn miếu vĩ đại này. Chẳng hạn, tôi có được biết một vị cứ mỗi lần viết một bài báo lại trịnh trọng ký tên: "Lưỡng quốc tiến sĩ". Chả là ông ấy từng có bằng tiến sĩ mỹ học ở Liên Xô (cũ), nơi bên cạnh việc giúp đỡ ta to lớn về giáo dục, cũng đã từng hại ta với không ít bằng tiến sĩ hữu nghị; sau đó lại có một cái bằng tiến sĩ nữa về ngữ văn ở Việt Nam. Không biết các vị làm Văn Miếu hiện đại sẽ ghi danh ông ở đâu và bằng cách nào? Lưỡng quốc tiến sĩ kia mà, duy nhất toàn quốc đấy, chắc chắn ông ta sẽ đòi được đứng ở tấm bia đầu tiên, và lớn nhất, và khắc bằng chữ đỏ, thật to nữa kia. Có khi còn đòi dựng tượng đồng nữa là khác!
Đã có không ít chuyện khôi hài hiện đại rồi, đừng thêm làm gì nữa.
Một anh bạn ở nước ngoài, người rất tâm huyết với mọi chuyện kinh tế văn hóa của đất nước, vừa viết mấy chữ, ngắn mà thống thiết: Xin can! Xin can!
Tôi cũng vậy: Xin can!
Báo Tia Sáng
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2388&CategoryID=3
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)