Lưu trữ Blog

5 tháng 3, 2009

Nhà ở cho người thu nhập thấp : Bài học từ Singapore


PGS.TS Sim Loo Lee

HOCMOINGAY. Từ một nước đại đa số người dân sống trong các khu ổ chuột, khu định cư lụp xụp, nhếch nhác, đến nay 91% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% người dân được sở hữu nhà ở giá thấp. Singapore và Hongkong là hai đất nước nổi tiếng ở châu Á về việc phát triển và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân. Để có được kết quả này, từ những năm 1960, Singapore đã thiết lập những định chế rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển nhà ở giá thấp. PGS.TS SIM Loo Lee, Trưởng khoa Bất Động Sản, Đại học Quốc gia Singapore cho biết:

" Tại Singapore, từ năm 1960, chúng tôi đã thành lập Cơ quan Phát triển nhà ở chuyên phụ trách về quy hoạch quỹ đất, xây dựng và trợ cấp cho vay đối với người mua nhà giá thấp. Chúng tôi cũng đã thành lập Quỹ tiết kiệm Trung ương, quỹ này phụ trách chỉ đạo các tổ chức tuyển dụng lao động đóng 13% và người lao động đóng góp lương hàng tháng 20% vào quỹ như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà".

Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay, một trong những bất cập làm cho các doanh nghiệp bất động sản ít mặn mà trong việc đầu tư xây dựng nhà xã hội cho người có thu nhập thấp là tỷ suất lợi nhuận thấp, thủ tục cấp phép thiết kế xây dựng, đóng tiền sử dụng đất… rờm rà, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng chi phí đầu vào.

Trong khi đó, tại Singapore, các tổ chức tư nhân tham gia vào xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và các thủ tục hành chính rõ ràng và được thực hiện nhanh chóng. Để đẩy mạnh các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, vấn đề quỹ đất cũng đang là khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản.

Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Thành phố HCM : "Góp phần cho sự phát triển nhà ở giá phải chăng, Chính phủ phải có kế hoạch sử dụng đất công đang bị sử dụng lãng phí bằng cách thu hồi lại để cung cấp cho cơ quan phát triển nhà ở có nguồn quỹ đất này, đồng thời miễn tiền sử dụng đất, miễn các loại thuế chẳng hạn, chi phí đầu ra thấp, giá nhà hạ xuống hợp lý hơn và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân".

Theo đề án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2009 - 2015, cả nước sẽ đầu tư trên 18.000 căn hộ, tổng vốn gần 50.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, kích cầu thông qua việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang được Chính phủ rất quan tâm. Vì vậy, tham khảo kinh nghiệm thành công từ những nước lân cận để đẩy mạnh mảng đầu tư này sẽ rất hữu ích.

Nguyệt Hà

Quy hoạch đô thị Thành phố HCM : Kinh nghiệm từ Singapore

Những năm đầu của thập niên 60, đô thị Singapore còn hết sức ngổn ngang ; quá trình đô thị hóa cũng phát sinh nhiều căn bệnh đô thị như tăng dân số, ngập nước, thiếu nhà ở… Nhưng sau 30 năm thực hiện đô thị hóa, đảo quốc này đã trở thành một trong những đô thị hiện đại nhất thế giới. Kinh nghiệm của Singapore có áp dụng được gì cho Thành phố HCM ?

Tại cuộc hội thảo “ Singapore - Quá trình xây dựng và phát triển nhà ở mang đẳng cấp quốc tế” do Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại Thành phố HCM vừa tổ chức, nhiều nhà quản lý quy hoạch đến từ Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý đô thị Việt Nam.

Từ Singapore

Tiến sĩ Lưu Thái Cách, Tổng giám đốc Cơ quan Tái phát triển Singapore - người được xem là tổng công trình sư xây dựng một đô thị Singapore hiện đại như ngày nay - cho biết, những năm đầu của thập niên 60, GDP của Singapore vào khoảng 600 USD. Điều này chứng tỏ tài lực để đất nước này tiến hành đô thị hóa cũng chẳng “thoải mái” gì. Nhưng để giải tỏa cùng lúc được nhiều khu ổ chuột, xây dựng cùng lúc hàng trăm ngàn căn hộ tái định cư, chính phủ này đã thực hiện phương châm “lấy lợi nhuận để tái đầu tư”. Theo đó, khi xây dựng khu công nghiệp hay khu thương mại, chủ đầu tư phải dành một khoản tiền hoặc một phần lợi nhuận để xây dựng nhà cho dân. Có điều lý thú, số lượng nhà xây cho dân ở Singapore bằng ngân sách nhà nước chiếm hơn 85%, còn doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 15%. Tiền để xây nhà bán cho dân ( tất nhiên không theo giá kinh doanh ) chủ yếu lấy từ khoản thu các công trình xây dựng trên vùng đất bị giải tỏa. Khi xây dựng khu dân cư mới, hạ tầng ( kỹ thuật và xã hội) phải được kết nối với các vùng xung quanh và chu đáo tạo cho người dân yên tâm khi về nơi ở mới.

Để giải quyết tận gốc các căn bệnh đô thị như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… chính phủ Singapore thực hiện việc quy hoạch rất nghiêm ngặt. Theo các nhà quy hoạch Singapore, công tác quy hoạch đã được thực hiện trên từng mét vuông. Những năm xây dựng đất nước mặc dù rất cần nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính phủ tuyên bố “không thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá, phải kiểm soát được môi trường”. Ông Lin Son Lim đến từ Công ty Keppel cho biết, công cuộc phát triển của Singapore cũng chính là công cuộc đô thị hóa, chính vì vậy phải có tầm nhìn xa, chính phủ quyết là làm chứ ít khi bàn tới bàn lui. Singapore cũng thành công với việc phát triển các đô thị vệ tinh, mỗi đô thị quy mô từ 200 - 300 ngàn dân nhằm tránh sự tập trung dân cư quá đông ở khu dân cư. Trong quá trình đô thị hóa, Singapore rất chú trọng đến những công trình kiến trúc cổ hoặc mang nét văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và kiên quyết bảo vệ. Nhiều ngôi nhà cổ được “tân trang” thành khách sạn để vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn vừa có thể khai thác về mặt kinh tế.

Đến thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBNDTPHCM cho biết : Quy hoạch và quản lý đô thị là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm cho sự phát triển của Thành phố HCM trong quá trình phát triển để phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu cần đáp ứng về nhà ở của Thành phố ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2010, dân số Thành phố sẽ lên đến 10 triệu người nên từ nay Thành phố phải phấn đấu xây dựng thêm 32 triệu m2, bảo đảm nâng diện tích đầu người lên 14m2/người. Công cuộc phát triển nhà ở nói riêng và quy hoạch nói chung của Singapore là một thành công rất lớn, do đó hội thảo này là một trong những hoạt động rất cần thiết để Thành phố học hỏi kinh nghiệm, để định hướng về quy hoạch đô thị, phát triển, quản lý đô thị và xây dựng môi trường sống một cách tốt nhất.

Singapore hiện nay là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với 430 dự án có tổng giá trị đăng ký cam kết là 7,9 tỷ USD. Năm 2005, thương mại song phương của Việt Nam với Singapore đạt 10,4 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2004. Ông Ted Tan, Phó tổng cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore cho biết : Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục và đưa Việt Nam lên hàng những quốc gia phát triển nhanh nhất tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc. Với nền kinh tế phát triển mạnh và sự thịnh vượng nội địa tăng, Việt Nam đã chứng kiến nhu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng sống cao hơn trong những khu dân cư được quy hoạch tốt. Hơn nữa, mật độ dân cư ở các quận trung tâm Thành phố HCM ngày càng cao, điều đó cho thấy nhu cầu về căn hộ cao tầng cần được đáp ứng để giải quyết tình trạng thiếu đất đô thị cho viec xây dựng nhà cửa. Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và chiến lược phát triển nhà cao tầng và mật độ cao đã rất thành công, do đó Singapore sẽ rất vui mừng được góp phần vào sự tăng trưởng và chuyển mình của Việt Nam qua việc chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của chúng tôi trong lĩnh vực này.

Trao đổi với PV báo GD Thành phố HCM, TS Lưu Thái Cách cho biết, ông đánh giá cao việc chính quyền và người dân cố gắng giữ gìn những ngôi nhà cổ trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo, nếu không tỉnh táo không gian đô thị sẽ bị phá vỡ, nhất là các công trình cổ có giá trị về mặt văn hóa. Vấn đề môi trường cũng phải hết sức lưu tâm.

Đỗ Minh Kha

Thành phố sống tốt : Bắt đầu từ chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp

Là đô thị lớn và được coi là “miền đất hứa” thu hút nhân tài và trí tuệ của cả nước, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì Thành phố HCM vẫn chưa phải là một “thành phố sống tốt” so với các đô thị lớn trên thế giới. Vậy Thành phố HCM cần phải làm những gì để trở thành “thành phố sống tốt - đô thị văn minh - hiện đại…” là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Viện Kinh tế Thành phố HCM và Trung tâm Toàn cầu hóa, Đại học Hawaii ( Hoa Kỳ ) mới tổ chức .

Tiêu chí của “thành phố sống tốt”

Để xác định thế nào là một “thành phố sống tốt”, Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực quốc tế Mercer ( Hoa Kỳ ) đã dựa trên nhiều tiêu chí như: thành phố sống tốt, phát triển bền vững, thành phố sức khỏe… Tựu trung lại là làm sao để phục vụ cuộc sống con người ngày một tốt hơn.

Theo các tiêu chí này, dựa trên việc khảo sát chất lượng cuộc sống ở 215 thành phố lớn trên toàn thế giới năm 2006 thì 2 đô thị lớn của nước ta là : Thành phố HCM được 61,9 điểm ( xếp thứ 148 ) và Hà Nội được 60 điểm ( xếp thứ 155 ).

“ Vấn đề đặt ra là tại sao nước ta đặc biệt là thủ đô Hà Nội và Thành phố HCM đang có bước phát triển kinh tế rất cao mà điểm xếp loại chất lượng cuộc sống lại thấp như vậy ? ” - Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố HCM băn khoăn.

Về vấn đề này, GS - TS Mike Douglass, Đồng Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa ( Đại học Hawaii – Hoa Kỳ ), cho rằng mặc dù Thành phố HCM đang có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, áp lực phát triển kinh tế quá lớn, lượng người nhập cư tăng vọt… khiến các tiêu chí phát triển đô thị bền vững chưa bảo đảm.

Vậy thế nào là một thành phố sống tốt ? Các chuyên gia xã hội học hàng đầu thế giới của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực quốc tế Mercer đã đưa ra 39 tiêu chí theo 10 nhóm để xác định. Cụ thể: Về môi trường chính trị xã hội ( sự tuân thủ pháp luật, tỷ lệ tội phạm ra sao và sự ổn định chính trị… ); về môi trường kinh tế ( các dịch vụ ngân hàng, thu hút đầu tư ); môi trường văn hóa xã hội; y tế và sức khỏe ( các vấn đề như ô nhiễm không khí, các dịch vụ bệnh viện, nguồn cung cấp nước uống, việc thu gom rác thải, nước thải… ) ; hệ thống giáo dục và trường học được chuẩn hóa cao; dịch vụ công và vận chuyển ( nguồn cấp nước, tình trạng tắc nghẽn giao thông, vận chuyển thư tín, vận tải hàng không, đường bộ… ); dịch vụ văn hóa giải trí ( các loại nhà hàng, công viên, rạp chiếu phim… ) và những vấn đề về sản phẩm tiêu dùng, chương trình nhà ở, môi trường tự nhiên…

“Hãy bắt đầu bằng chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp”

Đó là quan điểm của Tiến sĩ Jim Spencer, Chủ nhiệm khoa Quy hoạch vùng – Trường Đại học Hawaii. Theo ông Spencer, kinh nghiệm xây dựng “thành phố sống tốt” của các quốc gia hàng đầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Nga, Pháp, Singapore… đều cho thấy ở mỗi thành phố lớn, việc phát triển nhà ở đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp hết sức quan trọng.

Nếu so với các nhu cầu như: môi trường sống, chăm sóc y tế, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vui chơi giải trí… thì nhà ở vẫn là nhu cầu cấp thiết nhất. Tiến sĩ Spencer cho rằng: “ Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, Thành phố HCM đã và đang có rất nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở mới mọc lên nhưng chưa hề có nhà dành cho người thu nhập thấp. Với một thành phố hiện đại, văn minh, sống tốt, việc quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp là việc làm quan trọng để hướng đến các tiêu chí khác”.

Cùng quan điểm với ông Spencer, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ đem lại nhiều cái lợi cho việc cải thiện nâng cấp đô thị. “ Nếu chúng ta có đủ nhà cho người thu nhập thấp thì sẽ không còn cảnh nhà ổ chuột ven kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, không còn cảnh các phòng trọ lụp xụp gây mất trật tự trong các khu dân cư, xóa bỏ các căn nhà xây cất tạm bợ ở các quận vùng ven… Có nhà thu nhập thấp , công nhân, viên chức, trí thức nghèo sẽ an tâm làm việc, cống hiến nhiều hơn cho thành phố, cho đất nước”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng - Đại học Quốc gia Thành phố HCM phân tích.

Ngoài vấn đề nhà ở, các chuyên gia đã đưa ra 18 tiêu chí “sống tốt” để phát triển thành phố trong tương lai. Đó là: giao thông đi lại thuận lợi, giảm dần nạn kẹt xe, vỉa hè đi lại thông thoáng; được cung cấp điện và nước sạch đầy đủ; giảm ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn; chống ngập nước nội thị, khơi thông, khôi phục các dòng kênh theo hướng sinh thái; thu gom và xử lý nước thải tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; tạo thêm không gian công cộng, không gian văn hoá; tạo mảng xanh đô thị; giảm tệ nạn xã hội; tạo nhiều công ăn việc làm; chăm sóc sức khoẻ người dân tốt; giảm nghèo; tăng cường giáo dục; cải cách hành chính; nâng cao hoạt động các đoàn thể xã hội; cung cấp và thu nhập thông tin từ người dân; thường xuyên điều tra thu thập ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ các dịch vụ công…

Việt Hùng

Nguồn: http://niemtin.free.fr

1 tháng 3, 2009

Đảo chìm: "Thần bút" của người lính biển Trường Sa



Nguyễn Lương Phán

HOCMOINGAY. Cuốn bút ký Đảo chìm ghi lại những câu chuyện về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành một hiện tượng, với số bản sách bán chạy kỷ lục ngay khi phát hành. Đảo chìm, nơi những người lính ngày đêm đối mặt với những biến động thất thường nhất của biển khơi; nơi chiều dài không bằng một con sóng cả, và cuộc sống của người lính trên Đảo chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió của biển khơi... Đảo chìm là một trong không nhiều tác phẩm gây ra hiện tượng in nối bản, tái bản liên tiếp trong nhiều năm. Cùng với Chân dung và đối thoại gây xôn xao dư luận, Đảo chìm khẳng định Trần Đăng Khoa không chỉ là nhà thơ thần đồng mà là nhà văn xuất sắc. (Nhà thơ - nhà văn Trần Đăng Khoa tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: VNN)

Trần Đăng Khoa - nhà thơ thần đồng nổi tiếng! Trẻ con biết, người lớn biết, trong nước biết, thế giới biết ! Tôi có cái may mắn được biết Khoa khá sớm, hơn 40 năm trước đạp xe từ Hà Nội về thăm "cậu bé nhà quê" khi cậu phải đánh trâu ra đồng cho bố đi cày rồi mới về tiếp các chú. Và giờ đây, Khoa lại ngồi làm việc ở chính cái nơi mà tôi đã từng làm suốt mấy chục năm qua.

Tết này, quà Tết anh tặng tôi là Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa được Giải thưởng Nhà nước đợt 1 và cuốn Đảo chìm. Hai cuốn sách Khoa tặng làm tôi nhớ đến đoạn Xuân Sách phác thảo chân dung:

Chú Dế, Góc sân, hồn nhiên ca hát
Hát thành thơ như nước triều lên
Khi khôn lớn lại hồn nhiên đi giữa
""Biển một bên và em một bên""

"Biển một bên và em một bên" vốn là câu thơ của Tế Hanh, nhưng khi Trần Đăng Khoa viết một loạt bài Thơ tình của người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cô tổng đài hải đảo, Ghi ở đảo chìm, Đồng đội tôi trên đảo thuyền chài, Cây phong ba đảo Nam Yết… thì đúng là "biển một bên và em một bên" phải dành cho nhà thơ - người lính biển Trường Sa thực thụ này.

Nhưng đấy mới vẫn là thơ - sở trường từ thuở bé của Khoa. Nhận được tuyển tập thơ tôi làm phần thưởng ngay cho cô cháu ngoại. Còn cuốn Đảo chìm tươi rói mực in mới tái bản lần thứ 25 đã cuốn hút tôi trong suốt hai ngày đọc liền một mạch.

Đảo chìm cuốn hút: Bởi tính thời sự của những gì Khoa viết 30 năm trước vẫn còn nóng hổi và có phần gay gắt quyết liệt hơn.

Đảo chìm cuốn hút: Bởi cái phần văn chương nó có "ma lực" mà nhà văn đàn anh Lê Lựu phải thốt lên gọi rằng Thần bút, vì những chuyện trong Đảo chìm Khoa đã kể cho tôi nghe không dưới chục lần! Thế mà đến khi đọc vẫn thấy có cái gì như mình mới khám phá, mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần. Mà chuyện thì rõ ràng là đã nghe kể đến thuộc lòng rồi.

Đảo chìm không phải là một tác phẩm to dày để đóng bìa cứng xếp lên giá sách, mà chỉ là một tập sách khiêm tốn gồm 2 phần: Phần 1: ĐẢO CHÌM (chưa đầy 100 trang) và Phần 2: THỜI SỰ VÀ KÝ ỨC.

Mỗi phần có một giá trị, một sức hút, nhưng đúng thần bút là ở cái phần độc đáo "đảo chìm". Không biết tự tác giả hay nhà xuất bản cho đây là tiểu thuyết mini, nhưng chính Trần Đăng Khoa cũng cho hay: Năm 1978 anh đã viết xong cuốn tiểu thuyết dày 300 trang, song vì đọc lại thấy truyện thật mà hoá giả thành ra vứt vào sọt rác .

"Nhưng mà khốn khổ. Cái hòn đảo quỷ quái ấy vẫn không chịu buông tha tôi. Tôi viết lại . Lần này tôi co cái truyện chỉ còn chừng 80 trang, lại tách ra thành 16 truyện. Mỗi truyện một tình huống. Có truyện chỉ ba, bốn trăm âm tiết... tách nó ra thành truyện độc lập, gộp nó lại trong một chuỗi thì nó là một cuốn tiểu thuyết 15 chương."

Lạ thật, tiểu thuyết ngay cả đến tiểu thuyết lịch sử hẳn hoi mà người ta còn bịa. Thế mà Trần Đăng Khoa viết tiểu thuyết 15 chương lại không chấp nhận cái giả? Phải chăng đây là một đặc điểm quán xuyến của những trang văn Trần Đăng Khoa.

Tai nghe - mắt thấy - kể lại tài tình

Cái thật của Trần Đăng Khoa thật đến mức làm cho ai càng quen biết Khoa càng tin là thật. Anh chỉ viết, chỉ tả những cái gì mình được thấy, được biết. Anh trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành là nhân vật chính ở trong truyện. Anh không giấu mình hoặc tự nhập vai một nhân vật khác.

Trong chương Biển mặn, khi Khoa bị sóng dập:

- Ồ anh ấy đã tỉnh rồi kìa!- Tỉnh rồi! May quá! Chút nữa lại mang tiếng đảo chìm giết chết một thi sĩ tài năng đang hứa hẹn! - Tư Xồm cười dủm dỉm. - Huy này, mày xem vết thương anh ấy có nguy hiểm không?

- Không sao. Bố ấy chỉ bị choáng khi va đập mạnh. Còn xa ruột lắm!

- Bây giờ thì ông anh có muốn chết cũng đếch chết được. - Tư Xồm lại cười. - Này, giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...

Tôi chống tay vào sàn tàu, ngồi dậy. Đầu óc cứ ong ong, váng vất. Bụng vẫn cồn cào, thoáng đặc, thoáng rỗng. May mà con tàu không bị vỡ. Có lẽ chiều qua nó lao vào một vách sóng nào đó.


Khoa luôn đưa cái "hình thức cục mịch" của mình ra để diễu. Có những chỗ mà ngay người thân nhất của Khoa cũng không nghĩ là Khoa lại "tệ" với mình đến vậy:

Khi tôi lập cập bám thang dây leo được lên lều bạt, người mừng nhất, mừng ra mặt là một cậu lính trẻ mà sau này tôi mới biết là Hai. Trần Văn Hai, một thi sĩ lừng danh ở xứ đảo chìm. Hai trố con mắt thạch sùng nhìn tôi: - Đúng ông anh thật à? Kinh nhỉ! Em không thể tưởng tượng được! Em cứ ngỡ ông anh khác kia. Ai ngờ lại xù xì thế này. Kinh thật!

- Kinh à?

- Vâng! Em nói ông anh đừng tự ái nhé! Trông ông anh cứ ùng ục như cái lão đào huyệt. Kinh bỏ bà! Thế mà trước đây, em cứ tưởng thi sĩ bao giờ người cũng mảnh mai, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng, trầm uất và buồn thăm thẳm!

- Thì cậu cũng là thi sĩ mà cậu cũng có mảnh mai đâu nào?
- Em là thi sĩ đểu! Chúng nó gọi thi sĩ là gọi đểu đấy!


Chính với lối viết thật đến vậy mà từng truyện một cứ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Đọc sách mà cứ như nghe người thân của mình nhỏ nhẹ mộc mạc kể lại cái chuyện rất bình thường xảy ra trong cuộc sống ở nơi sóng to biển lớn này.

Mỗi chuyện - một tầm sâu đạo lý, một vấn đề đáng suy nghĩ

Ở phần trên, tôi lướt qua cái cách viết mà tập sách đảo chìm cuốn hút người đọc. Nhưng cái đọng lại qua mỗi "chương đảo chìm" thì lại chính là nội dung những mẫu chuyện rất đời thường, nhưng lại rất lạ làm xúc động lòng người.

Ai trong chúng ta lại chẳng thường nhắc đến câu: Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng đến Đảo chìm khi người chiến sĩ từ ý nghĩ xúc cát đổ xuống biển để giấu đảo lại có việc làm mà cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều làm cho người đọc ngỡ ngàng... người chộp được cái thần sự việc này đúng là thần bút:

…Sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.

- Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?
- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ "buông neo" cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!




Rời rợi xanh phong ba đảo Trường Sa - Nguồn: weblogs

Sách vở kim cổ Đông Tây đã nói nhiều về tình đồng đội trong chiến đấu, nhưng nghe Khoa kể về tình đồng đội trên biển cả, thì thú thật nó đã vượt ra ngoài sự tưởng tưởng của người đọc. Chuyện Hai Ùm trân trọng kỷ vật của Thiêm để gửi về cho mẹ Thiêm, có thể ta đã gặp đâu đó nhưng đến khi Hai Ùm kiên quyết vượt bão biển trở lại để cứu kỷ vật của Thiêm thì điển hình đã được đẩy lên tới "kịch trần"...

Thằng Thiêm chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất, biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại, còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương - Hai nói như van vỉ. - Anh lên tàu đi. Em quay lại...

Thế nhưng, qua cơn bão cả đảo bổ nhào đi tìm Hai Ùm
Tôi lập bập bám thang dây, leo lên lều. Căn lều trống hoác, ướt nhoẹt. Đũa bát của Thiêm đã bị gió ném đi. Nhưng chiếc ba-lô lép kẹp sũng nước thì vẫn lủng lẳng chao lắc trên cái kèo sắt cột lều. Như thế có nghĩa là Hai không vào được lều bạt.

- Hai ơi!

Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo chìm?

Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...


Quên cả thân mình vì nghĩa tình đồng đội, sống chết vì đồng đội điều đó lý giải vì sao họ đã trụ vững trước mênh mông phong ba bão táp.

Tiểu thuyết thì có nhân vật phản diện,nhân vật chính diện, nhiều vở kịch, nhiều tiểu thuyết sống được vì những nhân vật phản diện với bao mưu đồ giảo quyệt và tính toán kỳ bí hấp dẫn… nhưng truyện của Khoa, đặc biệt là Đảo chìm không có tuyến phản diện, không có mưu mô, không có lừa lọc.

Chỉ có tình yêu thương, giữa đông đội với đồng đội, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa những người trên đảo với quê hương, đất nước và thậm chí giữa những người trên đảo với cây rau, con vật mà họ chăm sóc hôm sớm.

Chuyện nuôi con lợn ở đây đã mang đầy tính nhân bản, lính còn phải tắm nước biển, uống nước biển, độn thêm nước biển để nấu cơm. Lính tráng còn phải sống như thế vậy mà con lợn cứ "đụng" chút nước mặn là đi ỉa tồ tồ. Lại phải thửa một suất riêng cho lợn, quá bằng chăm người ốm. Đã vậy, mỗi ngày còn phải chi thêm cho nó bốn lít nước ngọt nguyên chất nữa để làm suất uống. Bốn lít nước bằng tiêu chuẩn của hai thằng lính biển chứ có ít đâu.

Một ngày bốn lít. Mười ngày bốn mươi lít. Một tháng một trăm hai mươi lít. Một năm là tấn rưỡi nước ngọt. Ối giời đất ơi! Và cái lý do chính đáng nhất đã được tìm ra để toàn đảo thịt lợn! Tưởng chừng đây là niềm vui lớn của đảo khi có bữa ăn tươi mà lính đảo mong ngóng bao ngày, thế nhưng, bao nhiêu cánh tay mạnh mẽ vung lên trước sóng to gió lớn, trước kẻ thù hung bạo thì lại không ai đủ can đảm để chọc tiết con lơn cỏn con...

Cũng cần nói thêm, Đảo chìm trong cái khó khăn gian khổ, khắc nghiệt mà người lính phải đương đầu với biển với trời với những kẻ đang lăm le dòm ngó thì cách kể chuyện hóm của Khoa cũng làm cho người đọc không cảm thấy căng cứng:

Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.
- Vất vả không, các cậu? Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Anh bạn cười khì khì:
- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!
- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.

- Thế bố cho con được nói thật nhé!

- Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?
- Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...
- Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!

Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:
- Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...

Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. "Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn".

- Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?

- Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống. - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con "chỉnh "mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!...

Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế.


"Thập ngũ hiếu" Đảo chìm

Lúc nhỏ, tôi được học cuốn Nhị thập tứ hiếu, mỗi chuyện hiếu là nói về một hành vi cụ thể rất dễ nhớ. Qua 24 chuyện kể bằng văn vần, bằng hình ảnh các hành vi đạo đức được nhắc nhở một cách nhuần nhuyển. Bây giờ qua 15 chương của Đảo chìm tôi ước gì đấy cũng là một "thập ngũ hiếu" để truyền đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, tình yêu đất nước, yêu đồng đội trên mặt trận bảo vệ vùng biển, vùng trời đất nước thân yêu.

Với chủ đề bảo vệ chủ quyền đất nước, nhiều cộng đồng mạng đã lấy Đảo chìm làm điểm tựa để cùng nhau trao đổi bàn luận những vấn đề cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và việc làm cụ thể .

Viết Đảo chìm, Trần Đăng Khoa đã trả được món nợ tinh thần với những người đã đùm bọc, sát cánh với Khoa trong những năm anh là người lính hải quân và có mặt tại tiền tiêu Trường Sa nóng bỏng. Và Đảo chìm đã thắp lửa cho biết bao lớp trẻ trong hơn 3 thập kỷ qua và sẽ còn nhiều năm nữa tiếp tục vững vàng trước thử thách quyết liệt.

"Cuốn bút ký Đảo chìm ghi lại những câu chuyện về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành một hiện tượng, với số bản sách bán chạy kỷ lục ngay khi phát hành. Đảo chìm, nơi những người lính ngày đêm đối mặt với những biến động thất thường nhất của biển khơi; nơi chiều dài không bằng một con sóng cả, và cuộc sống của người lính trên Đảo chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió của biển khơi..."

Đảo chìm là một trong không nhiều tác phẩm gây ra hiện tượng in nối bản, tái bản liên tiếp trong nhiều năm. Cùng với Chân dung và đối thoại gây xôn xao dư luận, Đảo chìm khẳng định Trần Đăng Khoa không chỉ là nhà thơ thần đồng mà là nhà văn xuất sắc.

(Nguồn: TUANVIETNAM)

Trọn bộ ĐẢO CHÌM trên trang Viet Studies của GS. Trần Hữu Dũng

Người theo dõi