Lưu trữ Blog

21 tháng 5, 2011

Đọc bài mới của Lâm Cúc trên Văn Nghệ Trẻ


HỌC MỖI NGÀY. Từ "hiu hiu gió bấc" đến "đồng cỏ chát" và những con chữ "lặm lội" là bài viết mới của Nguyễn Lâm Cúc đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ. Tôi cũng tin như Cúc, "kho chữ Việt không ngừng bổ sung nhiều từ mới, nhiều chữ mới do thời đại, do cuộc sống mang lại để cũng có thể dùng nó chuyển tải lại hơi thở thời đại và mạch đập cuộc sống". Văn Việt, chữ Việt hiện nay dẫu nhiều sạn nhưng cũng có thêm nhiều viên ngọc mới. Tôi chép lại bài viết này để thỉnh thoảng đọc và suy ngẫm. Đãi sạn tìm vàng đâu chỉ là nghiệp của nhà ngôn ngữ, nhà văn mà còn phải nằm trong ý thức thường trực của mỗi nhà giáo, mỗi học sinh, sinh viên và toàn xã hội ...


TỪ “HIU HIU GIÓ BẤC” ĐẾN “ ĐỒNG CỎ CHÁT” VÀ NHỮNG CON CHỮ “ LẶM LỘI”


Nguyễn Lâm Cúc

Tình cờ, tôi ngồi cùng Phan Đình Minh, Nguyễn Ngọc Tư và Võ Đắc Danh trong một bàn tiệc.

Không có gì kỳ cục và bản thể bằng ý nghĩ. Cũng không có gì kỳ diệu, tao nhã bằng ý nghĩ. Trong vài giây ý nghĩ đã có thể đến Nam Cực rồi quay về lục chạn tủ thức ăn, bỉu môi chê cái mùi tanh ói xộc ra từ con mực chưa nấu. Ngay liền đó, ý nghĩ đã mơn man một nụ cười mà nó đã cưỡng đoạt xong một cơ thể…Tôi tin chắc, ý nghĩ của bất kỳ người nào cũng đều xảy ra tương tự, thậm chí xảy liên hồi kỳ trận, chỉ là ít ai nói ra, họ nghĩ gì.

Lúc này đây, ý nghĩ của tôi là một tam giác. Tôi kéo một đường nối từ Phan Đình Minh đến Võ Đắc Danh và sang Nguyễn Ngọc Tư. Nối vùng chiêm trũng bên con sông Lai Vu đến đầm lầy đầy bần đước, và tầng tầng lớp lớp cỏ rêu, đưng, lác của U Minh hạ, U Minh thượng, Cà Mau; rồi từ đó đường kéo này nghẹo sang những trang viết của họ. Một tam giác hoàn toàn không đồng đều, dù có thể xuất hiện những chỗ đồng nhất, tôi nghĩ vậy.

Nhà văn Phan Đình Minh từng là chú lính tơ, đóng quân ở gần ngôi đền mà Campuchia và Thái lan đang tranh giành. (Sự tranh giành luôn xảy ra cho dù đó là nơi linh thiêng, hay chỉ là nơi có hai người. Ừ mà phải nói rằng, càng là nơi linh thiêng thì càng tranh giành quyết liệt, vài nơi trên thế giới đang xảy ra như thế trong vài chục năm rồi, đủ làm bằng chứng chưa nhỉ?).

Nghe đồn, dạo nhà văn Phan Đình Minh đang là lính có khi suốt tháng chỉ làm mỗi nhiệm vụ lang thang đi tìm rau muống, đêm về nằm ước sau này mình có truyện ngắn được đọc trên trên Đài Tiếng Nói Việt Nam vào giữa khuya để ông bố nông dân của mình cứ lịm đi vì xúc động, nở ruột, nở gan tự hào về thằng con từng xì xụp mò cua, mò ốc nơi con sông chảy quanh làng. Và thiên hạ cũng từng xầm xì, dạo ấy, chàng trai Phan Đình Minh yêu một nữ quân y, sau này nàng về công tác ở một phân viện 175,Thủ Đức. Mối tình thơm nồng nàn vị món miến gà và nóng hầm hập những cơn sốt rừng khô héo. Nàng đã lặng lẽ rời đi không một lời từ biệt. Chàng vẫn mong có ngày hội ngộ để thăm hỏi nhau…Sau này nữa, khi cuộc chiến Tây Nam tạnh khói, Phan Đình Minh
đầu quân lực lượng công an và công tác ở Hà Nội.

Võ Đắc Danh và Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn Phan Đình Minh, cả hai là con Cà Mau và hao hao như sông nước một màu ( Tất nhiên, Nguyễn Ngọc Tư, nữ giới, trẻ, mộc mạc, màu da đậm, đằm nắng gió, hệt như Tư vừa bước từ đồng ruộng vào, vóc dáng bé nhỏ, chân đi cùng bước với mèo hoang. Tôi dám chắc, nếu ngồi lắng nghe thì có thể nghe tiếng thở dài của nhân vật Tư viết, ví dụ như tiếng thở dài của Hết trong “ Hiu hiu gió bấc” sau lúc tiễn tốt sang sông, kế đó là tiếng rớt của thời gian rơi giọt giọt, chứ không phải tiếng chân của Tư. Tư có nụ cười nửa thẹn thùng, nửa chế riễu mọi sự trên đời, tuồng như tất thảy chỉ đáng để cười như thế mới có thể bắt tay thỏa hiệp. Ừ, thì thỏa hiệp.

Võ Đắc Danh tất nhiên là ngược phái đối với Nguyễn Ngọc Tư. Anh dong dỏng cao, hơi mảnh khảnh một chút về vóc dáng, gương mặt phong kín mọi ý nghĩ, ngay cả trong đôi mắt cũng không tiết lộ bất kỳ điều gì. Chúng dường như ở một nơi nào quá xa xôi và quá bận bịu với suy tưởng, ngẫm ngợi, hoặc đang đuổi theo một điều gì có thể nắm giữ được, cũng có thể là không, ví dụ như chân lý chẳng hạn.

Võ Đắc Danh thành công bằng các bút ký đẫm tình yêu cuộc sống với những người thật, việc thật, tốt đến khó tin như chàng tiều phu Nguyễn Tấn Bông, ở Núi Cấm, trong "Cổ tích trên đỉnh mồ côi"; hoặc xấu đến kỳ lạ như Điều trong “ Đồng cỏ chat” Điều gắn với chị Thiện bằng dọa nổ tung lựu đạn. Hắn bỏ chị Thiện đi dễ dàng, còn chị Thiện muốn không liên quan đến hắn nữa bằng pháp luật thì lại vấp núi, vấp sông đến tưởng như không làm nổi.

Hầu hết các tác phẩm đã công bố của Võ Đắc Danh là ký, một thể loại “gân” trong viết báo. Bởi vì, nhân vật trong ký là thực, sự việc trong ký là thực, nhưng ngôn ngữ phải là văn. Nó cũng phải óng ả, chuốt lời, chuốt ý mềm mượt. Cũng gợi cảm xúc hỉ nộ ái ố để thương thì thương quéo ruột, mà giận thì cũng phải giận nổ trời; cũng gợi cảnh như vẽ tranh, sắc màu đậm nhạt, tối sáng phải chỉnh chu, vừa ăn ý, vừa chuyển được nhịp thời gian, chuyển được rộng hẹp của không gian...Muốn viết được ký, chuyện đầu tiên là tác giả phải “lặm lội” ( chữ lặm lội tôi đọc lần đầu trong văn của anh Phan Đình Minh. Sẽ trở lại với chữ này ở đoạn sau) đến tận nơi, mắt ngó cảnh, miệng hỏi chuyện nhân vật, đầu óc quan sát, ghi
nhận và tay thì hý hoáy không ngừng với những tư liệu không thể nào nhớ hết. Đêm về, đầu óc lẩn vẩn bên nhân vật có khác nào tương tư tình nhân. Đồng thời phải phân tích sự, việc, đưa ra luận điểm để “thương” hoặc để “ghét”... Nhưng muốn làm việc đó phải làm khéo như thể “ tui đâu nói gì đâu”; sự việc, hoàn cảnh và con người trong cuộc nói đó chớ. Một chuyến đi vượt hàng trăm cây số, tốn vài ba ngày, về bằng tay không là chuyện thường ngày ở... ấp. Trên văn đàn Việt Nam, người thành danh với thể loại Ký chỉ đếm trên đầu ngón tay như nhà văn Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường..., trước đây vài chục năm, và nay là Võ Đắc Danh.


Những tác phẩm ký còn lại trong lòng người đọc hôm nay, của những tác giả đi trước đa phần là ký về phong cảnh, ký về món ăn, phố xá, ký nhân vật nổi tiếng như các chính khách, văn nhân, hoặc nghệ sĩ. Riêng mảng ký Thời sự hầu như ít người viết. Ngày nay, ký thời sự với những nhân vật phản diện, viết được nó người viết phải “ngang tàng” kiểu rễ bần của sông nước Nam Bộ, cắm ngược lên trời xanh ngạo nghễ.

Nếu xếp một số tên tác phẩm của Võ Đắc Danh lại sẽ có những “mật mã” mở xoáy vào nhân tâm như: “ Lấy chồng xa xứ” thì đến “ Đất và máu” rồi quay trở lại “Về với đáy sông” và “Hàn sĩ lên ngôi vua cá” “Giữa hai dòng mặn ngọt” để “Chiều chiều ra đứng ngỏ sau” ngóng “ Cổ tích trên đỉnh mồ côi”…Những con chữ lúc này giống như đã được Trì Chú Từ Bi, chúng trở nên đạo hạnh hơn trong bàn tay thuần dưỡng của tác giả. Bạn thử mở những “mật chú” kia ra, đi vào tác phẩm và sẽ có những thẩm định riêng của mình, tôi tin vậy.



Nguyễn Ngọc Tư đến với tôi bằng “ Hiu hiu gió bấc”. Cái ngọn gió khiến Hết gạt nước mắt tiễn tốt qua sông trên cuộc cờ người. Tôi không nghĩ như Tư, rằng cờ tướng là môn dành cho người quân tử. Với tôi, đơn giản đó chỉ là một môn chơi. Ai thích cầm quân mà không có điều kiện “ đánh đấm” thật trong cuộc đời, cứ việc ngồi vào bàn cờ tha hồ điều binh khiển tướng. Những kẻ đó, khối người chỉ là người thôi, chẳng quân tử, cũng không tiểu nhân; chẳng anh hùng cũng không hèn toàn diện. Vả lại, thời nay tìm quân tử trong cuộc cờ e còn khó hơn tìm anh hùng chốn thị trường. Không tin, bạn thử ra ngỏ mà xem, chẳng phải ngoài ngỏ đầy anh hùng đó sao?

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư hôm nay đã nhiều, tôi đọc xong có cái quên, cái nhớ. Nhân vật của Tư cũng nhiều, nhưng tôi nhớ Hết. Tôi ghét giọt nước mắt của Hết. Tôi ghét cuộc cờ không cho con tốt sự lựa chọn nào khác. Điều đó có phải là “số phận” vốn thế hay không? Về tốt, luật chơi đã định sẵn. Quyền của anh ở chỗ là thích chơi cờ phải chấp thuận, không thì lựa chọn môn chơi khác. Nghĩa là anh có quyền từ chối không chơi. Còn Hết, sao lại bằng lòng làm tốt trên bàn cờ và chấp nhận nước đi không bao giờ quay về nhỉ?

Những dòng văn của Tư neo trong đầu tôi dấu móc câu hỏi, và cứ thế nó bắt buộc tôi lần theo những trang viết của Tư không ngừng. Tư sẽ làm gì cho các nhân vật của Tư? Sẽ mãi để họ với “ Đời như ý”, hay chờ đợi phút “Giao thừa” hay sẽ đi cùng khi đã “ Cuối mùa nhan sắc”…

Tôi lẽo đẽo theo các nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi lang thang cùng “Giang, Nhớ sông” trong cái đêm trở về hai chị em cùng nghe “Hiện, nằm ca sang sảng”. Tôi cũng bẩn thẩn bần thần cùng “ Dì Út Thu Lý” đứng đầu ngỏ trong “Chiều Vắng”…Nguyễn Ngọc Tư là thế hệ sanh ra từ 7X, sao cái nhìn lại dằn vặt nhiều chịu đựng trong tình duyên đôi lứa. Chị Đặng Thị Kim Oanh bạn tôi nói rằng, phụ nữ thế hệ 5 X vẫn bị trói buộc hoàn toàn trong tiết hạnh gia phong. Phụ nữ sanh ra trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước nhiều vật vả trước cái mới ào ạt ùa vào đời sống cởi bung mọi quan hệ rằng quí ông thì tha hồ năm thê bảy thiếp, chị em chính chuyên thờ mỗi một chồng. Thế hệ sanh từ những năm 70, hay gọi là 7 X bước vào giai
đoạn khác hẳn 50, và họ rất mới từ nhận thức đến biểu hiện trong tình cảm luyến ái. Điều này, gần như không thấy trong các nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư?

Nhiều người thích Nguyễn Ngọc Tư không phải do cốt truyện của chị, mà là do giọng văn ngọt lịm chất Nam Bộ dân dã.

Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư, đọc ký Võ Đắc Danh khiến tôi thấy đằng sau chữ, nghĩa của họ là bóng dáng của những nông dân, những con người lặng lẽ, buồn buồn. Họ gợi cho tôi bến phà Cần Thơ nơi lần đầu tôi gặp những chiếc xe đạp chở khách. Các bác phu xe có lời mời ngọt dẻo như kẹo dừa Bến Tre, gò những tấm lưng dài nhẳng, trên những chiếc xe đạp có chiều dài như mong ước của họ. Họ cũng gợi nên Hậu Giang, Long Xuyên nơi đàn sáo bay rợp dân ca; bầy muỗi dày vãi trấu, nhốn nháo liệng đen mắt mỗi chiều, quanh bàn nhậu Tía Hai, cậu Út uống đế Cuốc Lủi do các Chế cất từ gạo Tám với nước sông Tiền, sông Cửu Long. Tía bẻ trái ớt hiểm chấm vào chén nước mắm ép từ con cá Sặc, cắn sựt, xong bưng ly rượu tăm sủi lăn tăn,
dựng đứng ực gọn. Họ cũng gợi trong tôi hình ảnh những cây bần với bầy rễ khỏe khoắn dựng ngược lên trời trên bên những bờ sông, bờ kênh dày đặc phù sa. Trông chúng ngang ngược, ngạo nghễ làm sao. Chúng đầy vẻ thách thức và tự tin. Chúng rất thành công từ khai thiện lập địa cho đến ngày nay trong tư thế giữ đất, và chiến thắng mọi cuộc xâm lấn của nước biển. Nhưng, ngày nay, chúng gần như đã đại bại dưới bàn tay tàn phá con người.

Những dòng chữ mang tư tưởng chỉ có thể đủ mạnh khi chúng được nuôi dưỡng trong triệu triệu trái tim. Ngược lại, chúng chỉ là rác. Chẳng phải loài người đang thiếu lương thực, thiếu tình cảm, thiếu tài nguyên, cả khí trời rồi cũng sẽ thiếu, chỉ rác là tràn ngập đó sao!

Nếu Võ Đắc Danh thuần dưỡng được con chữ trong ký, Nguyễn Ngọc Tư khai thác thành công ngôn ngữ dân dã Nam Bộ, thì nhà văn Phan Đình Minh khiến người đọc thú vị bằng những câu chữ mới hoàn toàn, hay chí ít là tôi đọc lần đầu trong văn, thơ của Anh. Về gió, tôi ngất ngây khi đọc dòng này trong một tản văn của Phan Đình Minh: “ những lát gió hòa loãng nắng vẩy lên không khí hội hè…” Ngọn gió, gió thoảng, gió bão, gió nhẹ, gió hiu hiu, gió buốt, gió nhè nhẹ vv. Tôi từng đọc rất nhiều, đọc đi đọc lại và khi viết cũng quẩn quanh cùng những chữ gió ấy, gõ ra. Nhưng chữ “lát gió” thì mới quá. Chưa hết, về sau cũng là gió, tôi còn bắt gặp những gió khác nữa trong văn Phan Đình Minh: “Gió trộn trạo mơn man, lá sấu vung vãi xuống đầu.
“Gió quẩn ngang trời”; “Trời trở, hong heo bụi, đường làng dệu gió”, trong “ Tết lạnh”. Và nói về lạnh, trong “Tết lạnh”, tôi bắt gặp những con chữ lạ, chúng khiến tôi tin chúng vừa chào đời dưới bày tay, khối óc của Anh:

“Bên ngoài, lạnh veo véo muốn bứt vỡ tấm kính cửa nhà”. Trong “Chốn quê”.

“…cái lạnh ngoai ngoải trong ánh mắt những người trồng đào.”

“Da mặt em dường khô hơn bởi tãi giữa những cơn lạnh 7 - 8 độ hun hút trên đường”.

“Ánh mắt cô gái buồn vô vảo. Tôi lom rom và bỗng rùng mình khi nhớ lại mình nênh bênh lúc 4 giờ sáng hôm qua”

Hoặc những chữ sau đây:

“Giọng bà Hình, nghèn nghẹt như thổi gió vào ống tre, giọng thằng Quý, khậu khẹt, ngầu ngò”.

“Anh Ứng, thập thừng.”

Hoặc những chữ, “giấy thiu, múc từng thìa nắng, bung biêng thấp cao, sương khổ... Không còn nhớ được đã đọc tác phẩm nào của Phan Đình Minh, chỉ nhớ chữ rất lạ.
Có những chữ Anh viết tôi không hiểu. Tôi đoán có thể đó là phương ngữ, cũng có thể do âm tiết phát âm mà ra. Nhưng có nhiều chữ như chữ “lát gió”, tôi tin chắc là do Anh nhào nặn máu thịt mình mà thành.

Có những chữ khi đứng riêng lẻ chắc nó chưa biểu hiện nghĩa gì, thậm chí không có nghĩa như “vô vảo”. Nhưng khi nó đứng trong câu: “Ánh mắt cô gái buồn vô vảo”, thì đã khiến tôi hình dung trong mắt cô gái ấy không bắt gặp bóng người, không bắt gặp lá bay, chim liệng hay bất kỳ thứ gì kể cả ảo ảnh. Nó chỉ còn hiện diện choáng ngợp nỗi buồn. Hay như chữ “ khậu khẹt, nó chỉ gợi một âm thanh, không có nghĩa gì khi đứng riêng; hoặc chữ “giấy thiu, múc từng thìa nắng” chỉ có nghĩa bóng…

Tôi tin, kho chữ Việt không ngừng bổ sung nhiều từ mới, nhiều chữ mới do thời đại, do cuộc sống mang lại để cũng có thể dùng nó chuyển tải lại hơi thở thời đại và mạch đập cuộc sống. Hy vọng những con chữ “ lặm lội” chào đời của nhà văn Phan Đình Minh sẽ có ngày cùng đứng trong hàng chữ Việt, trên nhiều trang viết.

Nguyễn Lâm Cúc

16 tháng 5, 2011

Đọc và suy ngẫm: Tài năng và đắc dụng

HỌC MỖI NGÀY. Cuốn “Tài năng và đắc dụng” cũng chỉ mang tính cá nhân của hai tác giả chủ biên GS TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS TS Phạm Hồng Tung. Suy cho cùng, về mặt luật pháp thì họ không sai. Ở nước ngoài, những chuyện như thế này là bình thường. Đây là quyền riêng của họ. Tuy nhiên, cái đáng cần bàn luận là trách nhiệm của họ trước xã hội? GS Ngô Đức Thịnh đã đánh giá như vậy đối với sự khen chê của công luận trước tác phẩm cần tìm đọc này. Lưu lại những lời khen chê để đọc và suy ngẫm (HK).

Tài năng và đắc dụng”: Vì sao cuốn sách bị phê

Báo Lao Động cuối tuần

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong dư luận dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi, phê phán cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” – nghiên cứu về một số nhân tài tiêu biểu ở VN và nước ngoài. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, chủ biên là GS - TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS - TS Phạm Hồng Tung.

Cuốn sách nói trên được giới thiệu như một công trình khoa học về quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử VN và thế giới, thuộc 3 lĩnh vực: Lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ. Phần 1 - Những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý - được lựa chọn là: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn (Thái Lan). Phần 2 - Các nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, với các nhân vật: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison. Phần cuối - Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh, với các trường hợp: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates.

NXB Chính trị Quốc gia giới thiệu: Qua nghiên cứu cho thấy họ (các nhân vật được chọn) vốn không được đào tạo để trở thành chiến lược gia kinh tế hay doanh nhân chuyên nghiệp. Điều này xác nhận một thực tế là nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh đều có thể hình thành và xuất lộ như là kết quả của quá trình tự học, tự đào tạo... Quan trọng hơn cả là có khát vọng, có ý chí làm giàu, hoài bão lớn lao mang lại lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng...
Có nhiều ý kiến bàn luận quanh cuốn sách, nhưng tựu trung cho rằng, việc các tác giả cuốn sách đưa Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971) đứng chung danh sách với các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử VN là không thể chấp nhận. Các ý kiến còn cho rằng phần giới thiệu về Đặng Lê Nguyên Vũ dài 42 trang, trong khi đó nhiều danh nhân nổi tiếng thế giới như Nguyễn Trãi lại chỉ có 10 trang, Trần Quốc Tuấn 15 trang... là hồ đồ!

Quanh vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, mà theo chúng tôi, ông có cái nhìn, cách đánh giá khách quan và bình tĩnh trước vấn đề. GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Cuốn sách lấy ra từ đề tài nghiên cứu nhân tài và trí thức VN. Không nghi ngờ gì về ý đồ của cuốn sách là nhằm khuyến khích học tập truyền thống với tinh thần “nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Chúng ta đã từng có nhiều cuốn sách viết về những người tài năng được tập hợp theo nhóm nhằm tuyên dương... Cuốn “Tài năng và đắc dụng” cũng chỉ mang tính cá nhân của 2 tác giả chủ biên nói trên. Suy cho cùng, về mặt luật pháp thì họ không sai. Ở nước ngoài, những chuyện như thế này là bình thường. Đây là quyền riêng của họ. Tuy nhiên, cái đáng cần bàn luận là trách nhiệm của họ trước xã hội?

Cuốn sách được ấn hành bởi NXB Chính trị Quốc gia, đó là NXB của Đảng và Nhà nước, nên dễ làm người ta hiểu đó là cách nhìn, quan điểm của Đảng và Nhà nước. NXB này phải có trách nhiệm, vì khi cuốn sách xuất bản ở đây thì người ta ngầm hiểu đây là ý kiến mang tính chính thống.

Tôi chưa đọc cuốn sách, nhưng qua thông tin, tôi thấy 14 nhân vật được sắp đặt rất tùy tiện, thiếu sự cẩn trọng, không ổn! Việc chọn GS Trần Văn Giàu bên cạnh Albert Einstein rõ ràng cho thấy cái gì đó khập khễnh. Cuốn sách mang tên “Tài năng và đắc dụng”, cho thấy các tác giả cuốn sách muốn nhấn mạnh tới các nhân tài mang lại các ứng dụng hiệu quả cho xã hội, đây là một ý tưởng hay. Einstein - một bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20, nhưng người phát minh ra computer cũng mang lại sự thay đổi lớn lao cho thế giới này. Nhân đây tôi muốn nói thêm, trong cuốn sách chọn 20 phát minh kỹ thuật của thế kỷ 20, người ta chọn ống thông hình chữ S của chiếc bồn cầu, đây là một phát minh rất đắc dụng - nhiều người được hưởng...

Một điều nữa là ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn quá trẻ, còn sống, lại được đặt bên cạnh các vị như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi cũng có gì đó thấy không ổn! Ông Bạch Thái Bưởi là nhà tư sản, nhà buôn nổi tiếng đầu thế kỷ 20, ông là người sáng tạo ra thương hiệu Việt và nổi tiếng với câu nói “Người Việt dùng hàng Việt”, ông cũng là người tạo ra hệ thống giao thông đường thuỷ.

GS Thịnh cho rằng, không phải anh Vũ là người vô danh, mà là người có những đóng cho thương hiệu VN, làm giàu cho mình và cho nhiều người, là người tiêu biểu trong giới trẻ làm thương nghiệp, những doanh nhân trẻ như anh Vũ rất đáng quý trong bối cảnh, xu hướng hội nhập hiện nay... Nhưng rõ ràng là cách lựa chọn, sắp xếp và cách viết (nội dung giới thiệu) đã làm mất đi ý định ban đầu của cuốn sách là nhằm giáo dục thông qua nhân vật tài năng. GS Thịnh cũng tỏ ý phê phán trước việc một số ý kiến nhân chuyện này sa đà đi vào các vấn đề cá nhân không liên quan của Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như tâm lý khen chê theo đám đông.

Thiết nghĩ, các chủ biên cuốn sách, cũng như NXB Chính trị Quốc gia chắc hẳn cần có những điều rút kinh nghiệm lớn từ việc này, để những cuốn sách được xuất bản luôn đạt được giá trị cao đẹp của nó.

Linh Tâm



Phản hồi vụ cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”

Báo Sài Gòn Giải phóng

Sau khi Báo SGGP (ngày 10, 11-5) và tiếp theo là một số báo khác (Người Lao động, Phụ nữ…) đăng cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản, trong đó có phân tích trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ (doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên) được in trong cùng một cuốn sách nhằm tôn vinh chung với các bậc vĩ nhân, tài năng xuất chúng của Việt Nam và thế giới, chúng tôi đã nhận được ý kiến từ nhà xuất bản và phần tiếp thu, trả lời của nhóm tác giả cuốn sách. Báo SGGP xin trích đăng những ý chính trong nội dung trả lời:

Ngày 10 và 11-5-2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng các ý kiến đóng góp, phê bình của tác giả Minh An và Trần Thành Trung về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của nhóm tác giả do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2008. Nhà xuất bản đã làm việc với chủ biên cuốn sách trên để làm rõ những vấn đề mà một số độc giả quan tâm và băn khoăn trong cuốn sách, đồng thời xin gửi kèm theo ý kiến tiếp thu và trả lời của nhóm tác giả với bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng như sau:

Trước hết, chúng tôi chân thành cảm ơn Báo Sài Gòn Giải Phóng, các tác giả Minh An và Trần Thành Trung và một số độc giả khác đã có ý kiến góp ý, phê bình đối với công trình của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của quý vị và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng.

Đúng như ông Trần Thành Trung nhận xét, những gì chúng tôi trình bày liên quan đến tiểu sử và sự nghiệp của 14 trường hợp nghiên cứu được lựa chọn là không có gì mới. Trong sách, ở phần Lời mở đầu Tổng luận, chúng tôi đã nói rõ rằng: “chúng tôi cũng không đặt mục tiêu khảo sát toàn diện về con người, thân thế, sự nghiệp và đánh giá về những đóng góp của họ, mà chỉ tập trung làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào” (trang 308).

Điều các tác giả Minh An và Trần Thành Trung băn khoăn, chất vấn nhiều nhất là: dựa trên tiêu chí nào để chúng tôi chọn đưa vào công trình này 14 nhân tài để nghiên cứu, trong đó có ông Đặng Lê Nguyên Vũ… Riêng về trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ, chúng tôi đã nói rõ lý do lựa chọn trường hợp này để nghiên cứu ở đây là: “Một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới” (trang 11).

Chúng tôi không hề có ý định so sánh các trường hợp nghiên cứu với nhau và càng không hề nhận định rằng 14 trường hợp đó là “các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử” của Việt Nam hay của thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng sự chênh lệch số trang viết như độc giả nêu ra là không nên, có thể gây ra những suy diễn, hiểu lầm không cần thiết. Điều này chúng tôi xin tiếp thu và rút kinh nghiệm.

Ở thời điểm chúng tôi tiến hành nghiên cứu, ông Vũ đang là một trong những doanh nhân tiêu biểu và thành đạt, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh và có không ít rủi ro, không ai có thể đảm bảo rằng sau đó ông Vũ và doanh nghiệp của ông vẫn tiếp tục thành đạt. Chúng tôi tuyệt đối không có ý định thông qua công trình này tôn vinh quá mức cá nhân ông Vũ hay quảng cáo “đánh bóng” tên tuổi cho doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên.

Một lần nữa chúng tôi chân thành cảm tạ và tiếp thu những ý kiến góp ý, phê bình của các độc giả. Điều chúng tôi học được ở đây là: chúng tôi cần cẩn trọng hơn nữa trong cách trình bày, diễn đạt kết quả nghiên cứu của mình để tránh việc bạn đọc tiếp cận công trình từ những góc độ khác nhau có thể có những suy diễn, hiểu lầm đáng tiếc.


Ngoài các ý kiến đóng góp, phê bình của tác giả Minh An và Trần Thành Trung về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, báo SGGP cũng vừa nhận được bài viết "Coi chừng mang tiếng "hiếu danh" của bạn đọc Trịnh Minh Giang xung quang vấn đề này.

Coi chừng mang tiếng “hiếu danh”!

Hồi cuối tháng 7-2006, trong hệ thống Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) nhận được văn bản của Văn phòng Agribank với nội dung phân phối 2.800 cuốn sách dày 440 trang Từ cậu bé chăn trâu đến ông Tổng Giám đốc Agribank, ca ngợi một vị nguyên là Tổng Giám đốc của Agribank. Sau khi báo chí phản ứng, Hội đồng Quản trị Agribank đã quyết định thu hồi cuốn sách, trả lại cho tác giả.

Một năm sau, Văn phòng Agribank có văn bản gửi một trong hai tác giả, trong đó thừa nhận: “Cuốn sách này đã gây dư luận rất xấu cả trong hệ thống Agribank và ngoài xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải thanh tra”. Văn bản cũng cho biết, Ban lãnh đạo Agribank, trong đó có ông Tổng Giám đốc, đã quyết định thu hồi cuốn sách này, vì lý do “nhiều nội dung viết trong sách không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín và lịch sử hoạt động của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam”.

Chuyện viết hồi ký của một vài người từng giữ chức vụ khá quan trọng để “cho con cháu biết một thời hào hùng của cha ông” nhưng kỳ thực với những chi tiết, sự kiện sai lệch, những nhận định phiến diện, chủ quan cũng bị đánh giá nhằm mục đích cá nhân. Hiện nay, thậm chí, một số người còn dùng những cách không mấy “sạch sẽ”, gây scandal để đánh bóng tên tuổi…

Trong bối cảnh đó, cuốn Tài năng và đắc dụng không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một hình thức hiếu danh khác của một số cá nhân nào đó. Cách chọn lựa và thể hiện các nhân vật trong cuốn sách hoàn toàn chưa khoa học. Các tác giả đã dựa vào tiêu chí nào để chọn ra 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và 4 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử thế giới? Cứ cho là đặt các nhân vật như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh là “ngang tài nhau” trong hoạt động lãnh đạo, quản lý thì liệu những nhân vật khác như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp… có nên được đặt thêm vào danh sách này không? Tương tự, đã chọn Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu là tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thì Lương Thế Vinh, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa… có nên xếp cùng hay không? Và dĩ nhiên, nếu xếp Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và Đặng Lê Nguyên Vũ ở lĩnh vực kinh tế, kinh doanh thì có nên có Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền... nữa hay không?

Đó chưa kể một số điểm “khó hiểu” khác. Trong 10 nhân vật kể trên thì 9 vị đã thành “người hiền”; cả 9 vị đều là những người đã để lại dấu ấn trong lịch sử nước nhà, liệu nhân vật cuối cùng có đáng và có nên liệt vào “ngôi đền” ấy? Theo cách nghĩ thông thường, có lẽ không ai xếp một “người đương thời” vào danh sách của những “người một thời” ấy. Và cũng không có ai can đảm “ngồi” vào “ngôi đền” linh thiêng ấy.

Thực ra mọi người đều có nhu cầu có được “danh”. Khổng Tử khi đề cao việc phải “làm cho đúng với danh nghĩa, cư xử, hành động đúng với cương vị mỗi người trong xã hội” đã dùng từ “chính danh”. Còn Nguyễn Công Trứ thì viết: Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh (cốt sao ghi được tấm lòng tốt lưu truyền trong sử sách). Tức là, cái danh (chính đáng) phải gắn liền với những việc làm tốt đẹp, có ích cho xã hội, vì xã hội.

Trịnh Minh Giang

Sách về 'vĩ nhân': căn bệnh vĩ cuồng

Báo Đất Việt 11:17 AM, 16/05/2011

Việc thổi phồng, đánh bóng tên tuổi quá đáng của các “danh nhân” Việt Nam trong những năm gần đây trở nên “loạn” và nhiều vô kể. Sự hào nhoáng, phù phiếm qua việc tôn vinh một cá nhân bằng kỹ thuật truyền thông là thứ ánh sáng giả tạo.

>> Sách 'Tài năng và đắc dụng': Khập khiễng và tùy tiện
>> Sách về nhân tài - Choáng!

Sau khi bài viết Sách 'Tài năng và đắc dụng': Khập khiễng và tùy tiện đăng trên Đất Việt ngày 13/5, (số 920), tòa soạn đã nhận được nhiều email của bạn đọc gởi về bày tỏ sự bức xúc. Dưới đây là ý kiến của bạn đọc Trương Văn Khoa, ngụ thành phố Đà Nẵng:

Sắp xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc của tập đoàn Trung Nguyên, ngang hàng với các vĩ nhân của thế giới và Việt Nam trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” là một điều sĩ nhục đối với giới trí thức Việt Nam. Người ta thường nói đến căn bệnh vĩ cuồng thì đây chính là triệu chứng lâm sàng điển hình nhất của chứng háo danh và hoang tưởng này.

Với đầy sự toan tính, nhóm biên tập cuốn sách của Nhà xuất bản chính trị quốc gia đã sắp xếp vị Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nguyên ngang hàng với 9 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử 4.000 năm văn hiến của cha ông: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi. Vươn xa hơn nữa, Đặng Lê Nguyên Vũ được so sánh và “ngang cơ” với 4 vĩ nhân thế giới: Chulalongkorn - Nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein - Người thay đổi tư duy của nhân loại, Thomas Alva Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates - biểu tượng của thời đại kinh tế trí thức.

Sự cống hiến vĩ đại cho nhân loại và xả thân cả cuộc đời cho dân tộc của các danh nhân đã khiến cho hàng ngàn năm sau, con cháu chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình trước thành tựu to lớn. Sự nghiệp đó được chứng mình bởi thời gian, không gian và các công trình nghiên cứu sâu sắc được kiểm nghiệm qua nhiều thời đại. Thế nhưng, mới hơn 10 năm kinh doanh kể từ ngày khai trương quán café Trung Nguyên (số 587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào năm 1998, Đặng Lê Nguyên Vũ đã “vọt lên” ngang tầm vĩ nhân theo sự sắp xếp của một nhóm biên soạn “Tài năng và đắc dụng”!

Doanh nhân trẻ Việt Nam, trong những năm gần đây, đã sáng tạo, vượt lên những khó khăn để gầy dựng nên những tập đoàn kinh tế năng động. Họ đã đóng góp rất nhiều vào công cuốc tái thiết, phát triển và đổi mới của đất nước. Gương điển hình đó thật đáng khích lệ, đem lại niềm hân hoan cho mọi người. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đầy biến động, bất cập, lãi, lỗ bất thường, vốn kinh doanh hầu như dựa dẫm hoàn toàn vào ngân hàng, sự thành đạt của một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong vài mươi năm trở lại đây không thể nói là trường tồn và trở thành tuyệt đối. Rất nhiều doanh nghiệp “vang bóng một thời”, các chủ doanh nghiệp đã từng là người đương thời, anh hùng lao động,… đã lâm vào cảnh thất thế. Lúc bấy giờ, ai có thể nghĩ rằng, họ và gia đình sẽ bị tù tội, doanh nghiệp của họ sẽ phá sản, lý thuyết kinh doanh của họ bị thất bại..

Kinh doanh giỏi với những học thuyết kinh tế lừng lẫy, vốn kinh doanh khổng lồ trên hàng trăm tỷ USD, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn bị phá sản sau hàng chục năm thành công vang dội trên thương trường. Có nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp phải tự tử để thoát khỏi cảnh nợ nần, thua lỗ và tai tiếng. So với điều ấy, câu chuyện kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là một giọt nước trong đại dương.

Việc thổi phồng, đánh bóng tên tuổi quá đáng của các “danh nhân” Việt Nam trong những năm gần đây trở nên “loạn” và nhiều vô kể. Truyền thông, báo chí và các doanh nghiệp “bắt tay” dựng nên những vở kịch vụng. Sự hào nhoáng, phù phiếm qua việc tôn vinh một cá nhân bằng kỹ thuật truyền thông là thứ ánh sáng giả tạo.

Trương Văn Khoa
Đặng Đức Trí

Chủ quán cafe mà được là vĩ nhân thì đất nước này loạn rồi. Vĩ cuồng chứ không phải Vĩ nhân. Ông này nên tập trung vào bán cafe thì tốt hơn.

Đình Khoa


Người theo dõi