Lưu trữ Blog

27 tháng 2, 2009

Tháng ba - thơ của những người bạn

Trọng Toàn - bài đăng trên Phan Chí Thắng Blog

HOCMOINGAY. Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được. Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc. Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài... Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.(Lời bình của Nguyễn Quang Vinh)


Có lẽ hiếm gặp trường hợp ba người bạn làm ba bài thơ dưới cùng một tên gọi "Tháng ba" với ba tâm trạng, ba lối tiếp cận chủ đề khác nhau, và bài nào cũng hay, cũng đặc sắc.

Xin cảm ơn ba tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ở một đất nước có nhiều vùng khí hậu như Việt nam, khi ở Tây Nguyên tháng ba đang là "mùa con ong đi lấy mật", thì ở đồng bằng Bắc Bộ "tháng ba bà già chết cóng". Còn ở Nam Bộ tháng ba là tháng nóng nực gần cuối mùa khô. Cái khác biệt về khí hậu được Lâm Cúc, Phan Chí Thắng và Kim Oanh mượn để nói lên ba tâm trạng khác nhau.

Nhà thơ Lâm Cúc làm bài thơ Tháng Ba:




Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng

Gió nóng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.

Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.



Đọc bài Tháng Ba của Lâm Cúc, Phan Chí Thắng ngẫu hứng làm một bài Tháng Ba khác, với cấu trúc giống như bài của Lâm Cúc gồm ba câu lục bát, câu đầu bị bẻ vụn thành thể thơ tự do; ý định ban đầu chỉ là hoạ với bạn cho vui:




Tháng ba
Trưa chẳng tan sương
Gió xuyên áo kép
Con đường mờ xa

Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi

Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu


Kim Oanh, người không hay làm thơ, thấy vậy cũng tham gia viết một bài Tháng Ba theo cách riêng của mình:



Tháng ba
Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn

Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không

Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he...he...


Cái nắng nóng kinh người được nhà thơ nữ Lâm Cúc tả chân độc đáo một cách nghiệt ngã "Núi vã mồ hôi, hổn hà hổn hển cõng trời oằn lưng" nhưng lại khoáng đạt rất nam nhi "Gió nóng như bầy ngựa rừng", để rồi cuối cùng vẫn quay trở lại làm người phụ nữ chua xót nhận thức một thực tế tàn nhẫn: người nghèo chỉ có tài sản duy nhất là giấc mơ mà tài sản đó cũng đã bị cái nắng kia làm cho khô cong đi. Tả nắng nóng đến như thế thì thật là tài!

Bài thơ Tháng Ba cũng như nhiều bài thơ khác của Lâm Cúc thường dẫn người đọc đến cực trị của cảm xúc, những biên độ lớn của hình ảnh và sự bất mãn. Đọc xong ta thấy choáng váng, đau đớn, day dứt không nguôi (trích cảm nhận của Hoài Vân).

Như tự mình đã viết: "Xin phép nhà thơ Lâm Cúc cho tôi viết một bài Tháng Ba, lấy cái lạnh đối với cái nóng, cái buồn cụ thể đối với cái buồn mông lung..." Phan Chí Thắng lấy giấc mơ yêu thương bất tận để cố quên đi giấc mơ nghèo vô vọng trong thơ Lâm Cúc.

Tháng ba lạnh, sương giăng đầy làm cho con đường trở thành mờ xa giống như hình ảnh người yêu xa vời vợi. Đối nghịch với cái nóng ngoại cảnh có bầy ngựa rừng tung vó là cái lạnh nội tâm thầm kín:

Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi

Ta lạnh không hẳn vì trời lạnh, mà còn vì ta cô đơn, nhưng ta cô đơn kiêu hãnh:

Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu

Ta chấp nhận sự cô đơn, ta sung sướng vì ta được buồn, vì trong cái lạnh cắt da cắt thịt kia ta có được hơi ấm từ bên trong - sự nồng nàn của tình yêu, của hy vọng. Yêu được gọi là một niềm, giống như niềm tin, niềm hy vọng.

Bài thơ Tháng Ba của Phan Chí Thắng như một sự chia sẻ với Lâm Cúc - bạn mình và cũng như một lời nhắn với bạn hãy cố thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng dai dẳng.

Rất hiểu điều này, Kim Oanh làm một bài thơ Tháng Ba nữa để tham gia vào cuộc chơi đối thoại giữa hai nhà thơ với giọng tinh nghịch xưa nay của mình. Tháng Ba của Kim Oanh đầy nhựa sống:

Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười

Khi nắng đã lên môi cười thì hai vợ chồng tất nhiên trở nên tình tứ hơn:

Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn

Và thật bất ngờ, tác giả mạnh dạn dẫn người đọc đến một "sự kiện" thú vị không thể khác được trong cái tháng ba mùa con ong đi lấy mật đó:

Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không

Diễn tả cái chuyện vợ chồng như thế thật là tài hoa, thật là khéo? Nửa đêm hổn hển, sáng ra cái áo tội nghiệp kia vẫn còn bị bỏ quên đâu đó. Chuyện khó nói đã được nói ra một cách tinh tế và thơ mộng, một vài hình ảnh đủ cho người đọc hình dung ra một đêm tháng ba ân ái của cặp vợ chồng trẻ. Cái hổn hển của đất trời trong thơ Lâm Cúc được Kim Oanh dùng lại trong một bối cảnh khác và tuy bị dùng lại, hai từ đó vẫn đắt giá như thường.

Kim Oanh khẳng định hạnh phúc cao quý, ước mơ to lớn nhất của người đàn bà là:

Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he...he...

Bài thơ kết thúc bằng một tiếng cười đùa "he... he..." như muốn làm vui vẻ hoá cuộc đối đáp giữa hai bạn thơ Lâm Cúc - Phan Chí Thắng, tác giả đã cố tình nghịch ngợm một cách thông minh hóm hỉnh.

Ba người làm thơ đều nói về thời tiết. Nắng mưa không còn là chuyện của trời, nắng mưa chính là chuyện của thời tiết nội tâm con người.

Ở bài thơ thứ nhất, bạn đọc không tìm thấy nhân vật "tôi", nhân vật đó xuất hiện ảo, nó là nỗi lòng của tác giả. Ở bài thứ hai, "Tôi" được xưng là "Ta". Là chúng ta chứ không phải một người. Tác giả cho phép mình đại diện cho cảm xúc không của riêng ai. Riêng bài thơ thứ ba, tác giả không tham gia vào câu chuyện, mà để câu chuyện tự đến với bạn đọc. Ba bài thơ, ba cách nói khác nhau.

Từ một bài thơ dữ dội, trĩu nặng đau buồn của Lâm Cúc, chúng ta có thêm bài thơ sâu lắng dịu dàng yêu thương của Phan Chí Thắng và cả bài thơ cũng rất tài hoa của Kim Oanh khi chị khẳng định rằng hạnh phúc vĩnh hằng của người đàn bà là được yêu, được làm mẹ.

Có thể nói chùm ba bài thơ Tháng Ba rất hay này là một sự lạ và vui trong thơ văn blog.


MỘT SỐ CẢM NHẬN

Cảm nhận của Hoài Vân

Một bài bình rất tuyệt, Trọng Toàn đã làm chùm thơ tháng 3 này sáng lên lấp lánh!



Cảm nhận của Thành Chung

Đọc ba bài là thấy rõ đặc điểm tính cách của từng tác giả.

Lâm Cúc lúc nào cũng trăn trở, vật lộn với từng con chữ và dù có nói đến thiên nhiên, đến thời tiết thì vẫn quay về với sự nghiệt ngã của đời thường: "nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông". Cần phải nói thêm, lời bình của Hoài Vân cũng làm cho bài thơ của Lâm Cúc lấp lánh hẳn lên.

Lão Hâm lại là người luôn đắm đuối với "YÊU". Trong cái se lạnh của rét Nàng Bân, Lão thấy như mình bị bỏ lại. Lão tự nhận mình "là con cá mắc hoài niềm yêu". Nếu có đem quẳng Lão vào giữa vùng "Gió nóng như bầy ngựa rừng" của Tánh Linh, chắc hẳn thơ của Lão cũng vẫn có những "con đường mờ xa" với những "mảnh lưới ngang trời".

Kim Oanh vốn được biết đến là một cây bút tinh nghịch, hóm hỉnh và thông minh với những "chán nhau thì cưới"; "đánh rơi một ông chồng"...Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta gặp trong bài thơ Tháng Ba một Kim Oanh rất nồng nàn, đam mê, một Kim Oanh muốn đi đến tận cùng của "làm chồng làm vợ" mà vẫn rất "chân quê": "Thầy em tủm tỉm" và "U em lúng liếng". Chắc hẳn nhiều người sẽ muốn gặp Kim Oanh "Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không" và để nghe giọng cười "he he" của chị.

Tôi từng nói với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi anh ở thăm New York: Lâm Cúc, Hoài Vân, Kim Oanh là "bộ ba XE-PHÁO-MÃ".



(Bốn người bạn từ trái sang phải: Lâm Cúc, Kim Oanh, Hoài Vân, Bích Nga)

Cảm nhận của Nguyễn Quang Vinh

Hình như là đọc hơn năm lần. Vì cách đây một năm, Bọ chưa biết Blog là gì. Thế mà khi ấy, các chị Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và anh Phan Chí Thắng đã mần tháng Ba.

Thơ- theo Bọ vốn là người rất thèm làm thơ mà không biết làm - Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được.Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc.
Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài.

Không ai có thể tuyên bố rằng, tớ đang chuẩn bị làm thơ hay đây như có người mới vào Blog đã vội tuyên bố rằng, các bác chuẩn bị cảm nhận nhé, cảm nhận từ từ thôi để em còn kịp trả lời. He he

Hoa Lục Bình, Lâm Cúc Phan Chí Thắng làm Tháng Ba là vì nghĩa bạn bè, là vì tiếp cho nhau một niềm an ủi, một sự sẻ chia, người xứ ấm thì gửi cho bạn ở xứ lạnh mấy câu thơ sưởi ấm. Người đang vui thì gửi cho bạn đang đau đời mấy câu thơ an ủi, cười xòa với nhau để cùng nhẹ lòng.Ba bài thơ lúc đầu chỉ đơn giản thế thôi, lấy cái nghĩa bạn, tình đời làm bệ phóng cho cảm xúc.Ba bài thơ khi ấy chỉ là riêng tư với nhau, quây quần chữ nghĩa với nhau, đốt chữ thành lửa, kéo người xa lại gần bên nhau mà tâm sự.

Nhưng ba bài thơ đã thành tài sản thơ của mọi người. Vì ngay cả người thù ghét, người đố kị, người nóng mặt nóng mũi với ba tác giả này thì trong thẳm sâu lương tri của họ, ý thức của họ, chút trí tuệ cuối cùng của họ vẫn phải thừa nhận là thơ hay.

Thơ hay không cần phiên dịch.Lâm Cúc làm thơ hay vì biết vận đời mình vào từng dấu phẩu. Thơ chị là cao đời, chắt ra từ cảm nhận, từ mồ hôi nước mắt của mình, từ cái áo đẹp chần chừ không dám mặc, đến cái chốt cửa buồng riêng hàng đêm mà vẫn khao khát thương yêu. Tháng ba của chị với chữ thơ hao gầy như đời chị, sắc nhọn, lấm lem bụi đời đã viết nên những câu thơ ép ngực người đọc.

Phan Chí Thắng bị tháng Ba của Lâm Cúc đôt cháy cảm xúc, thương bạn và nghĩ đến mình, làm thơ về tháng Ba nơi mình ở nhưng cũng là thông điệp gửi đến bạn, nếu khao khát sống, khát yêu nơi bạn bị cháy như tro than, như lửa ngút thì tôi ở ngoài nay, ôm mãi một niềm yêu nhớ, như dao cắt thịt xẻo da, như ai đã bỏ ta đi rồi. Chia sẻ thế để nói với bạn rằng, dù ở đâu, nắng hạ hay đông giá, niềm đau giống nhau, nỗi nhớ giống nhau, niềm yêu thương giống nhau và tình thương mến giống nhau. Thông điệp ấy là một thông điệp lớn.

Hai bài thơ như gửi nhau, chia sẻ nhau trên tình bạn thương mến ấy sẽ không có sự lấp lánh nếu không xuất hiện Tháng Ba của Hoa Lục Bình. Trong khi Phan Chí Thắng và Lâm Cúc vịn vào tháng Ba nơi mình đang sống để làm bật lên nỗi niềm của mình thì Hoa Lục Bình lại hồn nhiên miêu tả tháng Ba trong náo nhiệt của hạnh phúc với những câu thơ hóm hỉnh, tươi tắn và vô cùng thông minh. Những câu thơ rất hay.

Và nhờ tháng Ba của Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và Phan Chí Thắng như có cái cầu vui để bước qua lại bên nhau, cầm lấy tay nhau trong cái tình người, tình bạn đáng quí trọng. Hoa Lục Bình dùng những câu thơ hóm hỉnh, sắc sảo và chan chứa hạnh phúc giăng ra thành một vầng sáng tươi, ấm áp, mát mẻ cho hai người bạn của mình.

Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

19 tháng 2, 2009

Câu chuyện của người tự học


Vương Trí Nhàn

HOCMOINGAY. Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh

1. Lời khuyên đầu tiên

Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ... mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.

Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói - nếu như được yêu cầu có một lời khuyên - đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2. Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)

Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài..., chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới... thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.

Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính... mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.

3. Tinh thần lập nghiệp.

Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước... Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.

4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :

1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.

2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử... Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.

3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì...càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.

5. Bản lĩnh và may mắn

Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh - oái oăm là ở chỗ đó!

Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.

Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.

Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.

Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

Nguồn: viet-studies.info

8 tháng 2, 2009

"Ba Xuân - Hai Chung": 30 năm, một mô hình


HOCMOINGAY. Hai người có ảnh hưởng lớn đến hạt gạo ở đồng bằng sông Cửu Long là ông Ba Xuân và ông Hai Chung đã gặp lại nhau ở vùng lúa An Giang trong một ngày hết sức ý nghĩa... (GS Võ Tòng Xuân và ông Hai Chung - Ảnh: Phượng Trúc)Ông Ba Xuân là nhà khoa học cả đời gắn với cây lúa - người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường gọi tên thân mật là chú Ba, chính là Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH An Giang từ năm 2000 - 2008. Ông Võ Văn Chung (Hai Chung) năm nay 79 tuổi là một nông dân giỏi của tỉnh Tiền Giang gắn bó với nhà nông học thua mình 10 tuổi từ 30 năm trước, đặc biệt là trong thời điểm dịch rầy nâu đốt rụi các đồng lúa của ĐBSCL .

Đóng cửa trường, đi cứu lúa

Tôi mong có sự kết hợp mạnh mẽ hơn nữa của "4 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) để nhà nông VN giàu có hơn nữa, xứng đáng với công sức mà họ đã đổ ra trên đồng ruộng. GS-TS Võ Tòng Xuân

Ông Ba Xuân nhắc lại thời điểm 1977 - 1978. Lúc đó, chính ông đã đề nghị với lãnh đạo trường ĐH Cần Thơ cho đóng cửa trường để huy động sinh viên (SV) ra đồng cứu lúa. Không chỉ SV khoa Nông nghiệp, mà hơn 2.000 SV các khoa khác đều tham gia các buổi tập huấn cách làm nương mạ, chuẩn bị đất cấy lúa... để tỏa đi khắp ĐBSCL, chỗ nào có rầy nâu là "nhảy" vào. Những SV tham gia chiến dịch lúc đó kể lại: "Mới ban đầu, nhiều nông dân quen cấy lúa cả nhúm còn dè bỉu khi thấy chúng tôi cấy từng gié. Nhưng, sau 1 tuần thì lúa thí nghiệm của SV bắt đầu xanh, 2 tuần thì nở bụi, nông dân mới tin". Kết quả này sau đó được nhân lên nhanh chóng, sau 1 vụ thì lúa giống mới kín hết ĐBSCL, không còn rầy nâu nữa. Nhiều chuyên gia trồng lúa trên thế giới khi biết chuyện này rất nể tinh thần của các bạn trẻ VN!

Vựa lúa miền Tây của Tổ quốc thời điểm đó đã xuất hiện hàng loạt nông dân rất giỏi về trồng lúa như: ông Hai Hữu ở Long An; "Ngũ vương" Tiền Giang: Hai Lạc, Bảy Nhỏ, Tư Tải, Lý Hòa Chương, Hai Chung; các ông Hai Triểm, Hai Cũng (An Giang)... Trong từng giai đoạn, chính các ông cùng các nhà khoa học nông nghiệp đã kết hợp tốt để đưa ra nhiều biện pháp cứu nông dân thoát khỏi cảnh mất mùa, ổn định cuộc sống.


Giảng đường gắn với đồng ruộng

Ông Hai Chung (trái) vui mừng với giống lúa kháng rầy MTL 500 thí nghiệm thành công

Đến nay, vì lớn tuổi hoặc do hoàn cảnh riêng, hầu hết những nông dân giỏi nêu trên đều phải rời bỏ công việc mình đam mê. Sau 30 năm, có thể nói hai người vẫn còn gắn bó mật thiết với ruộng đồng chính là ông Ba Xuân và ông Hai Chung.

Chiến dịch chống rầy nâu năm 1978 đạt hiệu quả cao có sự đóng góp lớn của đội ngũ nông dân giỏi ở nhiều địa phương, thuyết phục được bà con nông dân ủng hộ trồng lúa giống mới kháng rầy, chặn đứng ngay tai họa sắp đổ sụp xuống họ. Ông Hai Chung nhớ lại: "Sau một buổi sinh hoạt với SV ở trường ĐH Cần Thơ, tôi có ngỏ ý xin nhà trường một ít lúa giống IR.36 kháng rầy để trồng thí nghiệm. Do trường đã phân phát hết cho các tỉnh nên tôi chỉ nhận được một bao thư, trong đó có 8 hạt lúa giống. Tôi gieo những hạt quý giá ấy trong chậu ngay trước nhà, cẩn thận đậy giỏ tre để phòng gà bươi móc. Sau gần 20 ngày, 7 cây lúa lên tốt (vì có 1 hạt bị lép). Cứ thế nhân ra, sau 3 năm, tôi có đến 60 tấn lúa giống kháng rầy để hỗ trợ nông dân".

Cũng từ đề nghị của Giáo sư Võ Tòng Xuân, từ năm học 1981 -1982, trường ĐH Cần Thơ đã mời ông Hai Chung và ông Lý Hòa Chương (ở Cái Bè, Tiền Giang) về truyền đạt kinh nghiệm thực tế cho SV về kỹ thuật trồng lúa. Giáo sư Xuân ví von: "Ông thầy bói đọc nhiều sách về chỉ tay, nhưng cụ thể trên bàn tay thế nào thì phải "coi" nhiều, tiếp tục liên hệ lại với sách vở mới dễ đoán trúng". Vì vậy, ông thực hiện song song hai hình thức học: bên cạnh việc đưa nông dân giỏi về giảng đường ĐH để trình bày kinh nghiệm, trường chú trọng việc đưa SV đến nơi nông dân đang sản xuất để cùng làm việc, lấy kinh nghiệm thực tế.

Trang trại của ông Hai Chung là một điểm ưu tiên được chọn lựa vì ông Hai là một người rất thích thí nghiệm các giống mới. Những kỹ sư nông nghiệp tương lai đến thực tập tại đây (từ 4 đến 5 tháng) được ông Hai dựng nhà cho ở, được nuôi ăn, được chỉ bảo những kỹ thuật cơ bản và cả mánh lới trong nghề.

Từng đến thực tập ở nơi này thời còn là SV, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang tâm đắc: "Chúng tôi học lý thuyết nhiều nhưng ít thực hành, được chú Hai chỉ vẽ từng li từng tí, thật là quý. Tôi nhớ có lần thực tập cấy thí nghiệm, chú Hai tước mạ rất nhanh và cấy biểu diễn, ai cũng bái phục!".


Nông dân An Giang hướng dẫn sinh viên cách trồng cây quýt tiều - Ảnh: P.D.T

Mô hình "Ba Xuân - Hai Chung" tiếp tục lan tỏa qua các trường khác. Cách đây 5 năm, việc thu hoạch lúa ở An Giang bị thất thoát nhiều, thạc sĩ Nguyễn Văn Minh (Trưởng bộ môn Trồng trọt, khoa Nông nghiệp trường ĐH An Giang) liền đưa hơn 100 SV năm thứ 2 đến thẳng xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) để khảo sát. Bằng tinh thần "làm mọi việc như một nông dân thực sự, với cái nhìn khoa học" của các SV, nông dân được hướng dẫn và sau đó thích sử dụng máy sấy, dần dần chung vốn sắm được máy gặt đập liên hợp. Việc thất thoát lúa nặng nề trước đây không còn!

Tài nguyên lớn, nông dân phải được giàu

Trong dịp về thăm trang trại của ông Hai Chung ở xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang) mới đây, tôi mới cảm nhận được niềm đam mê đi tìm những giống mới năng suất cao của ông. Trước tình hình rầy nâu mới xuất hiện gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa, ông vẫn liên hệ thường xuyên với trường ĐH Cần Thơ xin các loại giống mới để trồng thí nghiệm. Ông dẫn tôi ra đồng và giới thiệu giống lúa MTL 500 đã được nhiều nông dân tham gia trồng thí nghiệm đạt kết quả rất tốt, không bị rầy phá hoại.

Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa kháng rầy cho sinh viên

Không chỉ với lúa giống, heo giống..., ông còn dành thời gian để ươm cây dừa kem lấy giống từ Trà Vinh. Ông Hai nói: "Đây là giống dừa rất quý vì ăn như kem, hiện đang được bán ra với giá 100.000 đồng/trái, khác với dừa thường chỉ 5.000 đồng/trái. Từ đầu năm 2009, tôi sẽ trồng thử nghiệm giống dừa đó trên vùng đất này". Nhiều sáng kiến và kinh nghiệm như thế nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi các nhà khoa học. "Nông dân có những kinh nghiệm cũ, cứ theo đó mà làm thì thế nào cũng trật. Cứ làm tự phát, không nghe theo lời khuyên của các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông để né rầy và các dịch bệnh thì sẽ rất nguy hiểm", ông khẳng định.

Ông Hai Chung chăm sóc cây giống dừa kem - Ảnh: N.Q

Còn với Anh hùng lao động, GS-TS Võ Tòng Xuân, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục giảng dạy và đảm nhiệm công việc cố vấn cho Ban giám hiệu trường ĐH An Giang. Ông cũng được mời làm Chủ tịch Hội đồng xét tuyển học bổng tài năng của Quỹ Đào tạo Nhân tài nước Việt mà nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự. Không chỉ đóng góp cho nước nhà, ông còn là nhà nông học có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cuối tháng 11.2008, chính ông là người đầu tiên được Ban tổ chức giải thưởng UMALI chọn trao giải thưởng dành cho cá nhân điển hình đã đóng góp vào sự tiến bộ của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp.

Đi nhiều nơi, ông luôn trăn trở về nông dân nước mình: "Nhật Bản, Singapore ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng chủ những tài nguyên này là chủ giàu. Tại sao chúng ta có nhiều tài nguyên mà chủ những tài nguyên này là nông dân thì vẫn chưa giàu? Tôi mong có sự kết hợp mạnh mẽ hơn nữa của "4 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) để nhà nông VN giàu có hơn nữa, xứng đáng với công sức mà họ đã đổ ra trên đồng ruộng".

Còn những người hết lòng với cây lúa như ông Ba Xuân và ông Hai Chung, nông dân VN vẫn còn hy vọng!

Diễn đàn của hội liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (07/02/2009)
Giống Cây trồng - Võ Quang Sáu đã đăng lại và gửi tin.

Người theo dõi