Lưu trữ Blog

21 tháng 5, 2009

Đọc lại chín câu chuyện nhỏ của GS Bùi Trọng Liễu.



HOCMOINGAY. Báo Tuần Việt Nam đã đăng bài viết của Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp) "Chín câu chuyện nhỏ và những bức xúc lớn của ngành giáo dục" gồm: Cắm hoa giả làm cây, Chuyện mua kính và đại học đẳng cấp; Đẽo cày giữa đường và cải cách giáo dục; Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích; Gian lận thi cử - xưa và nay; Học trò nghèo và cơ hội học hành; Bệnh xã hội và phong trào "nói không"; Đọc chữ người và quyết sách; Dạy khỉ và mục tiêu đại học Top 200. Lời văn nhẹ nhàng, hài hước nhưng sâu sắc, thâm trầm. Nhiều ẩn dụ có thể là lời khuyên chân thành nhưng cũng có thể là lời chỉ trích bóng gió tùy theo mối quan hệ và ngữ cảnh ... Tôi chép bài viết về trang hocmoingay để đọc lại và suy ngẫm. Tôi dừng lại lâu nhất ở câu: "Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão." (ảnh đèn dầu từ internet)

CHÍN CÂU CHUYỆN NHỎ VÀ NHỮNG BỨC XÚC LỚN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Bùi Trọng Liễu
(Nguyên giáo sư đại học, Paris, Pháp)

TUANVIETNAM. Có chuyện có thật, có những chuyện là giai thoại, mang tính ngụ ngôn, GS. Bùi Trọng Liễu (Nguyên GS đại học, Paris, Pháp) tập hợp lại thành một khối nhất quán để minh họa cho những bức xúc đang tồn tại trong ngành giáo dục.


Câu chuyện thứ nhất: Cành hoa cắm giả làm cây

Năm 1960, Hồ Chủ Tịch phát động phong trào "trồng cây", cụ lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của câu "trồng người".

Cũng năm 1960, cụ về thăm quê. Về đến nhà khách tỉnh ủy Nghệ An, cụ phát hiện ra ngoài vườn có những cành hoa cắm xuống đất, giả như cây trồng, để đón cụ. Cụ đã nghiêm khắc phê phán coi đó là một căn bệnh phô trương hình thức.

Hiện nay, đọc thông tin về kế hoạch và đề án đào tạo nhân lực, nhiều người trong và ngoài nước không khỏi hoang mang, hoài nghi về sự khả thi của một số đề án này, với những số liệu và mốc thời gian. E rằng những con người mà những đề án này giả định là sẽ đào tạo ra, cũng như những cành cây không rễ, cắm xuống đất cho có số lượng, chứ không phải là thực sự trồng cây, trồng người.

Câu chuyện thứ hai: Chuyện mua kính và ĐH đẳng cấp
Thuở nhỏ, tôi có học trong một cuốn Giáo khoa thư, câu chuyện sau đây: Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính của hiệu mà vẫn không vừa lòng.

Chủ hiệu đâm nghi hỏi: "Thế bác đã biết đọc chưa đã?". Bác ta nổi giận gắt lên: "Nếu tôi biết đọc rồi, thì tôi đi mua kính làm gì!". Té ra bác ấy thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính, nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.

Ngày nay, có một số người Việt Nam, "cưỡi ngựa xem hoa" nước ngoài, quáng mắt ngỡ rằng cứ có vài chục héc-ta đất, xây campus với những tòa nhà hoành tráng, trang bị bàn ghế cho bảnh, thư viện đầy ắp sách, phòng làm việc đầy ắp máy tính, phòng thí nghiệm có máy móc tối tân, v..v. mà chẳng cần chú ý giảng viên có trình độ tương xứng hay không, sinh viên học hành thế nào, để rồi vào khoảng năm 2020 Việt Nam cũng sẽ có những đại học đẳng cấp, lọt vào top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới chẳng hạn. Dễ vậy sao?

Câu chuyện thứ ba: Đẽo cày giữa đường và cải cách Giáo dục

Trong kho truyện cổ Việt Nam, có chuyện "Đẽo cày giữa đường": Có anh nông dân kiếm được thanh gỗ, muốn đẽo cái cày. Thay vì nhờ sự cố vấn của những người thợ lành nghề, anh mang gỗ ra ngồi giữa đường để "đẽo cày". Kẻ qua người lại, mỗi người góp một ý, người thì nói phải đẽo thế này, người thì nói phải đục thế kia. Đẽo một lúc thì thanh gỗ teo lại. Kẻ qua người lại, hỏi, thì anh đành nói là anh đang "đẽo cái chìa vôi" (chìa vôi là cái que nhỏ như chiếc đũa, một đầu để quệt vôi, một đầu nhọn, dùng để têm trầu). Lại mỗi người góp một ý, người thì nói phải vót thế này, người thì nói phải gọt thế kia. Một lúc sau, người qua lại hỏi anh đang làm gì, thì anh gắt lên: "Tôi đang vót cái tăm xỉa răng".

Có hiện tượng là quá nhiều người được hỏi ý và góp ý về Giáo dục Đào tạo, trong đó có cả những người không có kinh nghiệm gì trong vấn đề. Tôi mong rằng các quan chức có trách nhiệm, biết phân biệt được đâu là lời trung thực và hợp lý, đâu là lời bàn hão. Tuy nhiên, còn có vấn đề biết đấy, nhưng có nghe hay không nghe. Thi hào Nguyễn Khuyến có bài thơ "Anh giả điếc":

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày"…

Còn tại sao lại giả điếc thì lại là một vấn đề khác!

Câu chuyện thứ tư: Con khỉ mặc lễ phục và bệnh thành tích

Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên: Khoảng năm 206 trước Công nguyên, Hạng Vũ (người đất Sở, sau là Tây Sở Bá vương) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán Cao tổ) khởi binh để diệt nhà Tần, hai phía tiến vào đất Quan Trung (nơi có kinh đô Hàm Dương của nhà Tần).

Lưu Bang vào trước, lấy được đất Quan Trung và kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, nhưng ít quân hơn Hạng Vũ, nên phải chịu lép vế tạm nhường cho Hạng Vũ. Sau khi đã đem binh vào thành Hàm Dương, giết vua Tần Tam Thế (đã đầu hàng), đốt cung A Phòng, thu của cải châu báu, gái đẹp, Hạng Vũ muốn đem quân về phía đông.

Có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ rằng: "Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá". Hạng Vũ không nghe. Hàn Sinh thất vọng, trở ra, nói lén: "Người ta nói rằng người nước Sở giống như con khỉ đội mũ người; quả thực là đúng". Hạng Vũ biết được, sai bắt Hàn Sinh bỏ vào vạc dầu mà nấu cho chết. (Theo người xưa, lời khuyên của Hàn Sinh là hợp lý. Tại Hạng Vũ không nghe, cho nên đó là một trong những nguyên nhân Hạng Vũ bị thua trong vụ Hán Sở tranh hùng, rốt cục phải tự tử chết).

Có nguồn cho rằng Hàn Sinh ngụ ý nói con khỉ bắt chước hình thức, đội mũ (mặc "lễ phục") như người, nhưng chỉ chốc lát thì bản chất của nó cũng sẽ lộ ra, về tri thức khỉ vẫn chỉ là khỉ. Câu nói đó rất là nặng. Người Pháp có câu "Bộ áo thày tu chẳng có thể biến người mặc thành tu sĩ được" cũng na ná ý nghĩa như câu nói của Hàn Sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn về cách phát biểu.

Hy vọng rằng trong xã hội ta, công luận cũng thấy rõ rằng bằng cấp rởm, danh hiệu tiếm xưng, ngồi nhầm ghế, phô trương kỷ lục, vv. thì dù có mặc "lễ phục" cũng không che đậy được.

Câu chuyện thứ năm: Gian lận thi cử - xưa và nay

Trong cuốn "Vũ Trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, ông kể: Thời Lê mạt, người ta đồn là ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng (nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến.

Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên.

Sau, ông Nguyễn Hoãn lần lượt được giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, làm tới Thái phó, tước quận công.

Ngày xưa người ta cũng biết ngượng, nên gian lận thi cử cũng còn giấu giếm làm lén. Ngày nay là thời kinh tế thị trường, đại trà ồ ạt, tôi ở xa không biết tình hình số liệu thực sự như thế nào?

Câu chuyện thứ sáu: Học trò nghèo và cơ hội học hành

Trong cuốn "Quốc văn giáo khoa thư" lớp sở đẳng, có chuyện ông Châu Trí: thuở trẻ ông học giỏi, nhưng nhà nghèo, phải đến ở nhờ chùa Long Tuyền; không có tiền mua dầu thắp đèn, phải đi quét lá đa, tối đốt lửa mà học. Đến khi đỗ giải nguyên, thiên hạ mừng tặng ông bài thơ:

Một anh trò kiết chùa Long Tuyền,
Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên.
Ở đời không có việc gì khó,
Người ta lập chí phải nên kiên.

Đó là ngày xưa, bên cạnh những chuyện lem nhem như chuyện ông Nguyễn Hoãn vừa kể trên, xã hội rất trọng những người nhà nghèo, có ý chí vươn lên.

Còn ngày nay, thì sao? Có những học sinh, sinh viên nghèo, sống trong cảnh rất khó khăn, nhưng vẫn cố gắng học hành nghiêm chỉnh; khi ra trường, vào đời, có được sử dụng "ngang tầm" với con cháu các "đại gia" không?

Câu chuyện thứ bảy: Bệnh xã hội và phong trào "nói không"

Cuốn "Cổ học tinh hoa" của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, dẫn Liệt nữ truyện: Tương truyền Mạnh Tử, thuở nhỏ mồ côi cha sớm, mẹ nuôi dạy rất nghiêm túc. Nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào chôn lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc; bà mẹ thấy thế, nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được"; rồi dọn nhà ra gần chợ.

Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước đùa buôn bán điên đảo: bà mẹ lại nói: "Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được"; bèn dọn nhà đến ở gần trường học. Mạnh Tử ở gần trường, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở; bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".

Sau Mạnh Tử trở thành nhà hiền triết lớn. Đấy là chuyện Tàu. Còn người xưa nước ta thì có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", cũng để nói ảnh hưởng rất lớn của môi trường xã hội đối với giáo dục đạo đức con người.

Ngày nay, ngoài xã hội có nhiều chuyện đảo điên, mà trong trường học cũng có chuyện đảo điên. Vậy thì "nói không" với những gì và áp dụng "nói không" với biện pháp nào, để cho có hiệu quả?

Câu chuyện thứ tám: Đọc chữ người và quyết sách

Trong cuốn "Lều chõng", tác giả Ngô Tất Tố có viết trong chương 5, câu chuyện này (tôi tóm tắt): Cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc danh sĩ đời Lê, văn hay, học rất uẩn súc, nhưng thi mãi không đỗ. Ông Nguyễn Công Lân là con, sức học tuy còn kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát, ngoài hai mươi tuổi đã đỗ hương cống, rồi lại đỗ luôn tiến sĩ. Có một khoa, ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Hoàn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước.

Thế rồi đến khi việc trường đã xong, ông Lân về nhà thăm cha. Đầu tiên, cụ hỏi ngay: "Khoa này có được quyển nào khá không?". Ông con ngay thật thưa rằng: "Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm, không thể lấy đỗ". Cụ Nguyễn liền gặng: "Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?". Ông con thưa rằng có nhớ và đọc như vầy: "Lưu hành chi hóa tự tây đông, nam bắc vô tư bất phụ/ Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".

Rồi thì ông ấy lại tiếc ngậm ngùi mà rằng: "Nếu như câu dưới, họ đảo hai chữ "Cảo Mân" ra làm "Mân Cảo", cho đúng niêm luật, thì hai câu ấy hay biết chừng nào". Cụ Hoàn không đợi cho con hết lời, vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy. Và cụ nghiến răng nghiến lợi, chửi mắng tàn nhẫn. Cụ bảo ông con dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người.... Thì ra hai câu tứ lục ấy chính ủa cụ, ý cụ đặt như thế này: "Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục/ Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".

Chữ Nho vốn không có dấu phẩy. Trong hai câu đó, câu trên tất phải ngắt đến chữ "Tây", câu dưới tất phải ngắt đến chữ "Cảo". Chứ nếu ngắt như kiểu ông Lân, một đằng ngắt đến chứ "Đông", một đằng ngắt đến chữ "Mân" thì không có nghĩa gì cả.

Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục. Cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kỳ Phong đều cũng dấy theo".

Chứ ai lại nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây phương Đông... cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân?". Nhưng vì bốn chữ Tây Đông Nam Bắc và bốn chữ Cảo Mân Kỳ Phong đặt liền với nhau, nếu câu trên ngắt đến chữ Đông, thì câu dưới cũng lại ngắt đến chữ Mân, như thế, chẳng những thất niêm mà còn vô nghĩa nữa!

Ngày nay, phải chăng cũng có những người, tuy đã được học hành tương đối nghiêm túc, nhưng đọc văn bản, tài liệu của người khác, của nơi khác, của nước khác, rồi dễ dàng ngỡ là mình hiểu mà kỳ thật ra không hiểu; và từ đó có thể có những quyết định mang lại tai hại khôn lường?

Câu chuyện cuối cùng: Dạy khỉ và mục tiêu ĐH Top 200

Có câu chuyện cổ tích: Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y, để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Lẽ ra nhà vua phải biết mục tiêu có khả thi hay không.


Kết luận có thể rút ra là những tác giả các đề án hoành tráng ngày nay, định mốc "đến năm 2020, đến năm hai nghìn bao nhiêu đó thì sẽ có thế này thế nọ", và những vị hạ bút ký chấp nhận và cho giải ngân, liệu đến thời gian đó còn ngồi đó để nhận trách nhiệm của mình không, hay các vị cùng thân nhân sẽ đang phơi phới ngao du nơi Bồng Lai tiên đảo nào đó, kệ cho nhóm hậu sinh "sống chết mặc bay"?

Hiện nay, trong Giáo dục Đào tạo có nhiều bất cập, một số giải pháp đưa ra lại cũng bất cập, càng gây ra sự hoang mang. Vậy mà trong giới quan chức hay trong quần chúng, vẫn có người chấp nhận, bảo vệ. Chấp nhận vì ngây thơ không biết, hay là biết nhưng giả bộ ngây thơ?


Nguồn: Tuần Việt Nam.Net
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5628/index.aspx

Từ tháng 2 - 2010, đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới

HOCMOINGAY. Báo Nhân dân Điện tử (NDĐT) ngày 19 tháng 5 năm 2009 đăng bài "Từ tháng 2-2010, đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới": Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế các quyết định trước đây về tuyển sinh và đào tạo sau đại học. Từ kỳ tuyển sinh tháng 2- 2010, các cơ sở đào tạo tiến sĩ sẽ thực hiện theo Quy chế này.

Theo đó, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục; đối với người có bằng tốt nghiệp đại học là 4 năm tập trung liên tục. Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được cơ sở đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải bảo đảm có tổng thời gian học và nghiên cứu như trên, trong đó, có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu.

Thời gian tuyển sinh: mỗi năm, tùy theo nhu cầu và chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở đào tạo tổ chức từ một đến hai kỳ tuyển nghiên cứu sinh vào tháng 2 và tháng 8 theo hình thức xét tuyển.

Quy chế quy định người dự tuyển phải có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án. Cụ thể, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định môn ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển trên cơ sở yêu cầu của chuyên ngành và chương trình đào tạo và khả năng đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án.

Về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau đây: a) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh; b) Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở trong nước mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Anh không qua phiên dịch; c) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh; d) Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 61 điểm hoặc TOEFL ITP (nội bộ) 500 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương. Trình độ ngoại ngữ tương đương được xác định theo chuẩn B1, B2 của Khung Châu Âu Chung. Nếu không, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ của những trung tâm khảo thí ngoại ngữ trong nước có uy tín, có kết quả đánh giá năng lực người học tương đương với kết quả đánh giá của các trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nghiên cứu sinh viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh; khuyến khích nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Trong quá trình học tập và thực hiện đề tài luận án, nghiên cứu sinh phải viết báo cáo khoa học; viết ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập, theo danh mục tạp chí do đơn vị chuyên môn quy định. Đồng thời, nghiên cứu sinh phải dành thời gian tham gia vào các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo theo sự phân công của đơn vị chuyên môn.

Nghiên cứu sinh không được tìm hiểu hoặc tiếp xúc với phản biện độc lập, không được liên hệ hoặc gặp gỡ với các thành viên Hội đồng cấp trường hoặc viện trước khi bảo vệ luận án; không được tham gia vào quá trình chuẩn bị tổ chức bảo vệ luận án như đưa hồ sơ luận án đến các thành viên Hội đồng; không được tiếp xúc để lấy các bản nhận xét luận án của các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học.

Quy chế mới quy định luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, có đóng góp về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải quyết sáng tạo các vấn đề đang đặt ra với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội. Luận án phải có những đóng góp mới về mặt học thuật, được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, vận dụng những lý luận cơ bản của ngành khoa học để phân tích, bình luận các luận điểm và kết quả đã đạt được trong các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến đề tài luận án, trên cơ sở đó đặt ra vấn đề mới, giả thuyết mới có ý nghĩa hoặc các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận án và chứng minh được bằng những tư liệu mới. Tác giả luận án phải có cam đoan danh dự về công trình khoa học của mình.

Luận án tiến sĩ có khối lượng khoảng 100 trang A4, trong đó trên 50% là trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh.

Về việc bảo vệ luận án, nếu luận án không được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện thông qua thì nghiên cứu sinh được phép sửa chữa luận án và đề nghị bảo vệ lần thứ hai muộn nhất trước 24 tháng kể từ ngày bảo vệ lần thứ nhất; không tổ chức bảo vệ luận án lần thứ ba.

Từ kỳ tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tháng 2- 2010, các cơ sở đào tạo sẽ bắt đầu thực hiện theo Quy chế mới.

Ngọc Trác
Nguồn: http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?to...article=147885

17 tháng 5, 2009

Đọc lại và suy ngẫm về ý kiến của nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ


HOCMOINGAY. Huy Đức. Blog Osin. Lê Huy Ngọ trong vai nông dân. Chúng ta hãy quan sát những người nông dân phải lên thành phố ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thu nhập của những người đó dù có đạt 2 triệu cũng khó mà đủ sống. trong khi nếu cũng những người đó vẫn ở nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ, thì mức lương khoảng một triệu là đã rất ổn rồi. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, có công nghiệp, có dịch vụ. Phải đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân. Làm sao giữ chân được thanh niên, làm sao trí thức có thể về nông thôn nếu như ở đấy không có nước sạch, không có điện… Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để cho những nông dân phải vật vã trên những góc phố đô thị để lây lất kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên nguồn cội. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của cha anh mình trước khi ban hành một chính sách nào đó. Không nhà nước nào có thể lo hết mọi thứ. Tích tụ ruộng đất chỉ là một vấn đề cụ thể. Cái lớn hơn trong phương pháp tiếp cận theo tôi là, mọi chính sách đều phải đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ (Hình tư liệu của Hoàng Kim: Bộ trưởng Lê Huy Ngọ thăm Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc năm 2001).

LÊ HUY NGỌ TRONG VAI NÔNG DÂN

Ông Lê Huy Ngọ thường được gọi là “Bộ trưởng nông dân”. Có lẽ vì ông đã có hơn 10 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1997-2007). Và có lẽ vì ông đã từng lăn lộn rất nhiều từ khi còn làm Bí thư hai tỉnh Vĩnh Phú và Thanh Hóa. Có không ít điều, về nông nghiệp và nông thôn, ông Ngọ tích lũy được từ khi đang tại chức. Nhưng cũng có những điều ông chỉ có thể thực sự nói ra khi không còn giữ một chức vụ gì.


Thưa ông, ông nghĩ gì về “tam nông”, một vấn đề đang được bàn luận?


Chính sách “tam nông” bắt đầu từ Trung Quốc. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, tuy nhiên tôi cũng muốn lưu ý rằng, bài học “cải cách ruộng đất” cho thấy, trong các vấn đề về nông dân, không phải thành công nào của Trung Quốc đem áp dụng vào Việt Nam cũng được.


Thưa ông, dường như “kinh nghiệm Trung Quốc” không được đề cập trong các thảo luận gần đây, nhưng vì sao ông lại có vẻ như không hài lòng với “tam nông”?


Tam nông là nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của 3 vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là “hậu phương”, là nên tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết.


Đồng ý với ông rằng nông dân phải là vấn đề trung tâm, tuy nhiên, có thể “tam nông” cũng là một cách tiếp cận?


Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy. Cải cách ruộng đất, chia ruộng cho dân nghèo là một chính sách nhắm vào nông dân. Khi người dân yên tâm có ruộng, hàng vạn thanh niên nông thôn mới sẵn sàng lên đường. Hòa bình lập lại, ruộng đất được tập trung vào các tập đoàn, hợp tác xã cho các tham vọng nông nghiệp, nông thôn lớn, thì người nông dân “ra rìa”. Đến khi “khoán sản phẩm”, giao ruộng lại để cho nông dân tự làm thì không những giải quyết được vấn đề lương thực cho cả nước mà chính nông dân còn đi đầu “đổi mới tư duy”.


Theo ông thì như thế nào để xác định một chính sách đã coi nông dân là trung tâm?


Hãy quan sát từ những hiện tượng: bên cạnh ầm ầm thủy điện chỉ là những nông dân đứng nhìn; rồi chính những người dân đã hiến đất để làm nhà máy điện lại là những người cuối cùng sống trong những vùng không có điện. Tương tự, khi lấy đất làm khu công nghiệp (KCN), nông dân cũng bị đặt ra bên lề. Nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình ấy. Họ chưa được hỏi đầy đủ và chưa được tham gia các quá trình đàm phán như là một chủ thể của quá trình này.


Thưa ông, nông dân chưa được coi là chủ thể tham gia các quá trình đàm phán phải chăng là bởi các bên vẫn quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải là của nông dân?


Vâng, đó là mấu chốt. Từ bao đời nay, đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Đất đai là cuộc sống và cũng là văn hóa. Thái độ của chúng ta đối với đất đai đã biến nông dân, từ vị trí lẽ ra là người làm chủ lại trở thành những người đóng vai trò mờ nhạt trong những tiến trình thay đổi đó.


Thưa ông, tại sao đất đai cứ nhất định phải là “sở hữu toàn dân”?


Khi tôi còn làm, trong lãnh đạo có những người sợ rằng, mai đây, nhu cầu công nghiệp hóa đất nước sẽ cần đất đai nhiều, giao sở hữu cho dân rồi làm sao thu hồi. Cái gốc của vấn đề là, chúng ta vẫn coi tập thể, kinh tế nhà nước đóng vai trò “định hướng”. Khi nhà nước đã là định hướng thì làm sao đất đai có thể được giao sở hữu cho người dân. Giờ đây thì chúng ta đã có những bài học để thấy, “vô chủ” như tình trạng quản lý đất đai hiện này làm sao trở thành “nền tảng”; hiệu quả kinh tế thấp như khối kinh tế quốc doanh thì sẽ “định hướng” đất nước tới nơi nào.


Thưa ông, đất đai nói là thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực ra lại đang nằm trong tay của chính quyền cơ sở. Sự lạm quyền trong việc thu hồi đất của nông dân để giao cho các nhà kinh doanh đang khiến cho 85% khiếu kiện của nhân dân hiện có liên quan đến vấn đề ruộng đất, vì sao nhà nước không nhận thấy để tháo sớm “ngòi nổ” này?


Có lẽ phải bắt đầu từ các hiện tựơng xảy ra trong nông dân. Có thời kỳ ở nông thôn, nông dân nhận khoán chui; giờ đây, nông dân đang phải bán ruộng chui với bao nhiêu tiêu cực. Các doanh nghiệp đang mua đất của nông dân để làm sân golf, KCN bằng cách ép giá. Bởi vì đất của nông dân mà họ đâu có được thảo luận giá với người mua. Các doanh nghiệp chủ yếu làm ăn với chính quyền địa phương, chính quyền bằng nhiều cách khác nhau đã gây áp lực để người dân nhận một khoản “đền bù” không hợp lý. Nếu người nông dân bán ruộng dựa trên quyền sở hữu của họ, tôi tin là họ sẽ cân nhắc hơn, không chỉ về giá.


Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?


Cho dù đất đai, về danh nghĩa, thuộc sở hữu của ai thì quyền sử dụng đất của nông dân vẫn là tài sản, việc định giá tài sản đó vẫn phải áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết. Tuy nhiên, “sở hữu toàn dân” trên thực tế đã bộ lộ rằng, không những những “ưu việt” mà ta mong không đạt được, quyền lực thực tế về đất đai đã rơi vào tay của một số cá nhân nắm quyền ở các địa phương. Những tiêu cực trong vấn đề quản lý thu hồi và giao đất không những đã tác động tới tiến trình sử dụng hiệu quả đất đai mà còn khiến cho mâu thuẫn giữa nhà nước và nông dân trở thành một vấn đề chính trị. Chính vì thế, theo tôi chúng ta cũng không nên ngần ngại sửa một vài điều trong Hiến Pháp. Cái gì cũng vậy, có danh chính ngôn thuận thì mới có minh bạch vừa tránh được tiêu cực vừa tạo ra nền tảng ổn định cho cả chính trị và xã hội.


Một quy định khác trong Luật Đất đai có liên quan đến nông dân là “hạn điền”, thưa ông, hạn chế tích tụ ruộng đất cũng đang là một nguyên nhân khiến cho nông nghiệp không thể nào phát triển?


Bình quân ruộng đất của cả nước hiện nay chỉ có 1000m2/nông dân; một hộ ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 3600m2 và một hộ ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 5000m2. Muốn cho nông dân thoát nghèo thì chính sách đất đai phải làm sao để chuyển nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp hiện đại tạo ra giá trị cao. Với quy mô đất đai như vậy thì không thể nào thực hiện được. Tất nhiên, muốn có những vùng sản xuất hàng hóa lớn cũng có thể thực hiện bằng cách “dồn điền đổi thửa”; các hộ nông dân có thể liên kết lại để áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng không đơn giản để thực hiện điều này, theo tôi, tích tụ ruộng đất là một quy luật không thể cưỡng lại.


Thưa ông, những người không ủng hộ tích tụ ruộng đất biện minh rằng, tích tụ sẽ khiến cho một số nông dân bán ruộng trở thành thất nghiệp. Trong khi đó, nhà nước lại đang ủng hộ nhiều doanh nghiệp “thu hồi” hàng ngàn hecta ruộng của nông dân để làm sân golf hoặc KCN. Hai quá trình này đâu có gì khác nhau và lý lẽ này liệu có còn đủ sức thuyết phục?


Như tôi đã nói, làm sân golf, KCN hay tích tụ ruộng đất để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đều có tính hai mặt. Tuy nhiên, nếu như quá trình này diễn ra minh bạch, nông dân là chủ thể đàm phán và có thể tham gia ngay từ đầu thì họ sẽ không bị đặt ra bên lề. Đừng nghĩ, cho tích tụ, nông dân sẽ ồ ạt bán ruộng. Ruộng đất là cuộc sống của cả gia đình họ, nhà nước không thể nào lo lắng cho họ hơn chính họ được đâu.


Thưa ông, công nghiệp hóa không chỉ theo một hướng áp đặt như nhà nước vẫn làm, mang nhà máy về xây dựng trên đất ruộng, mà công nghiệp hóa còn có thể xuất hiện tự nhiên bắt đầu từ việc tích tụ ruộng đất, làm nảy sinh nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa, nhu cầu phát triển đa dịch vụ tại nông thôn, tại sao nhà nước lại không cho tích tụ để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tự nhiên đó?


Chúng ta hãy quan sát những người nông dân phải lên thành phố ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thu nhập của những người đó dù có đạt 2 triệu cũng khó mà đủ sống. trong khi nếu cũng những người đó vẫn ở nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ, thì mức lương khoảng một triệu là đã rất ổn rồi. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang đa dạng hơn, có công nghiệp, có dịch vụ. Phải đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân. Làm sao giữ chân được thanh niên, làm sao trí thức có thể về nông thôn nếu như ở đấy không có nước sạch, không có điện… Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để cho những nông dân phải vật vã trên những góc phố đô thị để lây lất kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên nguồn cội. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của cha anh mình trước khi ban hành một chính sách nào đó. Không nhà nước nào có thể lo hết mọi thứ. Tích tụ ruộng đất chỉ là một vấn đề cụ thể. Cái lớn hơn trong phương pháp tiếp cận theo tôi là, mọi chính sách đều phải đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ.


Huy Đức thực hiện
(Nguồn: http://www.blogosin.org/?p=480)

Hội nghị Bộ Trưởng Giáo Dục các quốc gia Âu Á lần thứ hai ( ASEMME 2 ) năm 2009 được tổ chức tại Hà Nội


HOCMOINGAY. Bộ trưởng giáo dục và đào tạo của 39 quốc gia Á - Âu đã đến Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 2, gọi tắt là ASEM, tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 14 và 15-05-2009. Các chủ đề chính của hội nghị là bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục, công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước Á - Âu, song song với việc phát triển nhân lực đối với các quốc gia thành viên.

Bảo đảm chất lượng trong lãnh vực giáo dục

Theo các quan chức giáo dục Việt Nam thì đây là cơ hội thu hút trí thức từ các nước Á - Âu hầu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chương trình giảng dạy, đồng thời phát triển và đáp ứng nhu cầu về lãnh vực nhân lực của hai châu lục này trong tương lai.

Ngoài ra, hội nghị ASEM cũng giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Ban Việt Ngữ , từ Hà Nội , Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển, đánh giá đây là một hội nghị có tầm quan trọng hết sức đặc biệt :

"Có một cuộc hội nghị như thế chắc chắn là sẽ có những trao đổi của các vị bộ trưởng với nhau về tình hình giáo dục, tình hình đào tạo nhân lực, nên hội nghị này hết sức quan trọng.

Tôi nghĩ có một hội nghị như thế mà Việt Nam tổ chức, nếu mà tổ chức tốt thì Việt Nam cũng có thể học hỏi được nhiều nước khác".

Giáo dục Việt Nam cần được cải cách sâu rộng

Khi đề cập tới nền giáo dục Việt Nam hiện tại thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho là nhà nước nên sớm có những cuộc cải cách sâu rộng :

"Nền giáo dục của Việt Nam thì đang gặp rất là nhiều vấn đề nan giải, thực sự cần một cuộc cải cách rất triệt để. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đặt vấn đề cải cách giáo dục nhiều lần, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nền giáo dục của Việt Nam cũng chưa tiến triển được mấy.

Và tôi cũng nghĩ rằng qua cuộc hội nghị này mình có thể học được cái gì đó, nhưng mà để có một sự biến chuyển lớn thì tôi nghĩ rằng chưa có thể có cái chuyển biến gì lớn chừng nào mà không có một quyết tâm rất là lớn để cải tổ toàn bộ cái hệ thống này."

Trong khi đó, với trên 30 năm giảng dạy bậc đại học trong và ngoài nước, từ Paris (Pháp) Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quốc Thúc, quốc vụ khanh đặc trách tái thiết và phát triển trước tháng 4 năm 1975 , đón nhận tin họp hội nghị ASEM trong sự phấn khởi và tin tưởng :

"Tôi là một giáo sư đại học suốt từ năm 1951 cho tới năm 1975, và sau khi di cư sang Pháp thì tôi lại còn dạy học ở Đại Học Paris XII trong thời gian từ năm 1978 cho đến 1988 mới về hưu.

Như vậy suốt đời tôi thì tôi đã coi như cái hoạt động chính, cái nguyện vọng chính của tôi là góp phần nào vào công cuộc giáo dục. Và cũng chính vì thế cho nên tôi thấy cái tin 39 bộ trưởng giáo dục các nước Âu - Á họp ở nước ta, đó là một sự cố rất quan trọng để các vị có trách nhiệm điều hành nền giáo dục của nước ta nhận thấy là cái tương lai của dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào nền giáo dục nói chung và đặc biệt là nền giáo dục đại học.

Chúng ta mà muốn theo kịp các nước tiền tiến trên thế giới thì cần phải có một đội ngũ trí thức xứng danh với cái tên gọi là trí thức đó, là phải theo kịp các nước tiền tiến mới được.

Nếu mà chúng ta cứ tiếp tục khép kín, chỉ nhìn thấy cái ưu điểm của mình và ngay cả những khuyết điểm nữa, mà không chịu nhìn toàn thế giới, thì chúng ta có nguy cơ sẽ bị bỏ lại trong hàng ngũ những nước chậm tiến."

Trí tuệ vẫn là tài nguyên quý báu nhất

Cũng qua câu chuyện , Giáo sư Vũ Quốc Thúc trình bày nguyện vọng của mình đối với một nền giáo dục tân tiến tại Việt Nam :

"Cái tương lai của Việt Nam tùy thuộc như thế nào vào công cuộc giáo dục ? Thì mong rằng các nhà lãnh đạo nước ta sẽ ý thức được điều đó và sẽ có những biện pháp kịp thời, tại vì muốn phát triển không phải chỉ có đầu tư vào kinh tế mà thôi.

Mặc dù tôi cũng là một nhà kinh tế học nhưng tôi cho đầu tiên phải là huấn luyện con người đã, vì cái tài nguyên quý báu nhất tựu trung vẫn là con người. Với trí óc con người chúng ta có thể khắc phục được mọi khó khăn, mọi trở lực.

Chớ còn nếu trí óc mà thua kém thì dù có bao nhiêu tiền của, bao nhiêu máy móc tối tân thì rút cục lại cũng sẽ đi vào cái chỗ lạc hậu nếu mà cái trí thức không có mở mang, đặc biệt là khiến cho các cấp có trách nhiệm chú ý đên vấn đề này."

Ban tổ chức hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của 150 đại biểu cùng quan khách đến từ các nước Á - Âu.

Báo chí cũng cho hay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ tham dự hội nghị ASEM kỳ này, nhóm họp tại Hà Nội trong những ngày tới.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II

Sáng ngày 14-05-2009, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II. Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo của 39 nền giáo dục Á - Âu.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ II ( ASEMME 2 ) có chủ đề : “Đảm bảo chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và “Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á - Âu.

Thủ tướng khẳng định : Việt Nam coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là nhân tố quan trọng để thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Thủ tướng cũng nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, thu hút quan tâm vốn đầu tư và các nhà giáo, nhà khoa học giỏi từ nước ngoài đến đầu tư, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời đưa nhiều hơn nữa các sinh viên, nghiên cứu sinh đến học đại học và sau đại học ở các nước có trình độ giáo dục tiên tiến.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam trong thời gian tới là rất nặng nề. Cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước thành viên ASEM và cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng hy vọng, Hội nghị lần này, các vị Bộ trưởng, các chuyên gia trong ngành giáo dục của các nước đến từ châu lục Á và Âu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những cách thức hợp tác hiệu quả nhằm đẩy nhanh phát triển giáo dục của các nước châu Á và đẩy mạnh hợp tác giáo dục Á - Âu, góp phần tích cực giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để thúc đẩy hợp tác Á - Âu và hợp tác song phương với các thành viên ASEM vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 khu vực này và trên thế giới.

Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 14 và ngày 15-05-2009. Chủ trì Hội nghị là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bành Tiến Long.

Trong 2 ngày, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về những vấn đề liên quan đến mở rộng không gian giáo dục đại học Á - Âu trên cơ sở những tiềm năng, đối thoại cơ chế hợp tác và những bài học kinh nghiệm hợp tác giáo dục giữa các quốc gia tham gia ASEMME 2 như công nhận Tín chỉ và Chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng và khung trình độ cũng như đổi mới chương trình đào tạo.

Được biết, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ nhất được tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Đức.

Hồng Hạnh

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu : Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu lần thứ 2 kết thúc với nhiều thoả thuận hợp tác giữa các nước thành viên. Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa.

Trong 2 ngày 14 và 15-05-2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì các cuộc họp song phương với một số quốc gia như : Trung Quốc, Phần Lan, Thái Lan, Đan Mạch, Singapore, CHLB Đức và Latvia. Tại các buổi làm việc trên, các quốc gia thành viên ASEM khẳng định mối quan tâm và mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực liên quan đến Giáo dục và đào tạo .

Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như các dự án hợp tác giáo dục giữa hai khu vực Á – Âu và giữa các nước thành viên, bàn bạc những công việc sẽ tiến hành trong 2 năm tới, những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học, đào tạo nghề, kinh doanh, giúp tăng cường giáo dục cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia thành viên.

Hội nghị đã đồng ý với các giải pháp để tăng cường hợp tác về giáo dục đại học để bảo đảm chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM, phát triển bền vững nguồn nhân lực cho tương lai của ASEM thông qua các chương trình học tập suốt đời … trước mắt, trong năm nay, sẽ có một hội nghị Đảm bảo chất lượng giáo dục diễn ra tại Nha Trang ( Việt Nam ).

Kết thúc Hội nghị, Việt Nam đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác có ý nghĩa với một số quốc gia thành viên ASEM trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo như : Tuyên bố chung giữa Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2 và Dự án Trường Đại học Việt Đức, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; thoả thuận hợp tác với Cam-pu-chia về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ với CHDCND Lào về việc hợp tác trong quản lý chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề, trao đổi giảng viên và sinh viên cũng như trên cơ sở kết quả Hội nghị ASEMME 2, xem xét việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và đào tạo , Bộ Y tế và Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc : Thúc đẩy và hỗ trợ việc đào tạo nhân lực cho ngành dược học của Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành công của ASEMME 2 lần này cũng chính là thành công của mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa các nước trong ASEM. Những thỏa thuận, ký kết, ghi nhớ của các trưởng đoàn lần này sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển Giáo dục và đào tạo của những thành viên ASEM. ASEMME 2 bế mạc cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội to lớn đối với những nước đang phát triển, đặc biệt là với một số quốc gia châu Á.

150 khách quốc tế, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục đến từ 39 quốc gia Á – Âu và 6 tổ chức quốc tế đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam khi đăng cai thành công ASEMME 2, khẳng định những nỗ lực hòa nhập và rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Việt Nam với các quốc gia phát triển trong khu vực Á - Âu.

Đan Mạch sẽ là quốc gia đăng cai ASEMME 3 vào năm 2011.

Thương Huyền

(Nguồn: http://niemtin.free.fr/giaoducaau.htm)

12 tháng 5, 2009

Đọc lại và suy ngẫm


HỌC MỖI NGÀY. TS. Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyên với Lương thị Bích Ngọc, báo VietNamNet: "Cha tôi đã từng tâm sự với các con: “Cả đời ba vui, cuối đời lại buồn”. Tôi hiểu ông nói cả đời vui là cả những lúc bị tù đày đánh đâp tàn khốc nhất. Còn nỗi buồn lại xuất hiện khi một trong những mong ước của đời ông đã thành hiện thực là giang sơn thu về một mối... Nhưng không phải bây giờ và cũng không thể là tôi có thể nói ra điều đó...". "Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc một số biên bản cuộc họp Bộ chính trị thời đó có thể công bố để lịch sử có thể sáng rõ hơn; và con cháu có thể thấu hiểu những điều mà cha ông họ từng trải qua để có được như bây giờ. Và có thể, đó cũng là bài học cho hậu thế...".Tôi chép lại nguồn tư liệu chọn lọc này để đọc lại và suy ngẩm về sự minh triết, giỏi dùng người của chủ tịch Hồ Chí Minh; sự cẩn trọng và tài điều binh khiển tướng của đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự chỉ đạo quyết liệt sát thực tiễn cũa Tổng Bí thư Lê Duẫn ...Nếu thiếu một trong những nhân tố đó thì lịch sử Việt Nam hiện đại sẽ có thể khác...

TRÒ CHUYỆN VỚI CON TRAI CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẪN
00:21' 07/04/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra khi Lê Kiên Thành vừa đọc lại khoảng 500 ý kiến phản hồi của độc giả VietNamNet sau bàn tròn trực tuyến Những kỳ vọng về Đại hội Đảng mà anh là một trong ba khách mời.

Trước đó, anh cũng đã có cuộc trò chuyện trên báo An ninh thế giới về những chặng đường để anh - con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người từng nghĩ "mình hoặc là chết, hoặc thành anh hùng" trở thành một doanh nhân được coi là thành đạt; về những gì "Còn mãi về sau" mà thế hệ cha mẹ anh đã dày công vun đắp... Ngay chiều hôm đó, lại vừa có một đoàn nhà báo Cuba do báo Nhân dân giới thiệu đến thăm xưởng sản xuất của công ty và để nghe "ông chủ" Lê Kiên Thành nói chuyện về Đảng viên làm kinh tế tư nhân. Anh nói: "Một người có xuất thân như tôi trở thành một doanh nhân đã khiến mọi người chú ý..."

Quý từng đồng lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền

Bình thường như bao doanh nhân khác, anh bắt đầu câu chuyện về những gói mì tôm - sản phẩm chính của công ty Thiên Minh hiện nay, về những gì mà mình đã từng có như Công ty Công nghệ vật liệu - Thiên Minh ngày nay, TechcomBank, Khách sạn Galaxy, Cát Tiên Sa...

Hiện tại, công việc kinh doanh cụ thể của anh là gì?

- Sản xuất mỳ ăn liền, kinh doanh máy văn phòng, ngoài ra còn có một công ty làm về khách sạn ở Hà Nội (Galaxy Hotel), một công ty về bất động sản ở TP.HCM. Ở các công ty đó đều có người điều hành, tôi chỉ là Chủ tịch HĐQT, riêng công ty Thiên Minh là kiêm chức luôn chức giám đốc vì sự nghiệp kinh doanh của tôi đã đi lên từ đó. Tôi cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Techcombank nhưng đã rút hết cổ phần ra trong năm vừa rồi.

Có người nói, anh dám bỏ Nhà nước ra làm ngoài năm 1990 vì mình là con ông Duẩn?

- Không, vì lúc đó ba tôi không còn nữa. Trong công việc, tôi chưa bao giờ sử dụng một mối quan hệ nào ngoài nỗ lực của chính mình. Thời điểm đó, tôi thành lập công ty chỉ có mỗi con dấu thôi, không có gì cả.

Với cương vị là Tổng Bí thư lâu dài như vậy, ba anh hẳn phải để lại nhiều mối quan hệ tình nghĩa và trong số đó...?

- Và ngược lại nữa chứ!

Và tôi tin rằng, những người giàu nhất VN hiện nay không phải là con cái những ông lớn. Nhiều người trong số họ thành công hơn chúng tôi không phải do họ thông minh hơn mà là do vận hội, may mắn nhiều hơn, giống như trúng xổ số vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu có sự công bằng về cơ hội, thì người giàu chắc chắn phải giỏi.

Tất nhiên, nói một cách công bằng hơn, tôi cũng được thừa hưởng ở gia đình những điều mà người khác không có được, đó là danh tiếng. Khi ba tôi gần mất, ông nói: Khi chết, có lẽ ba không để được lại một đồng xu nào, có chăng, chỉ là cái tiếng. Bước vào kinh doanh, tôi nghiệm thấy: sao ông nói chính xác như vậy. Cùng điều kiện "dự thầu" như nhau, với nhiều đối tác nước ngoài, nếu tình cờ biết xuất thân, họ sẽ chọn tôi.

Nhưng về một mặt nào đó, cũng phải nghĩ rằng, trong kinh doanh - mình chỉ ỷ vào sự thừa kế danh tiếng là điều không tốt.

Tôi đã từng làm chung quán cà phê với nhạc sĩ Phú Quang. Nhiều người nghĩ khách hàng đến đây vì danh tiếng của ông Phú Quang, nhưng thực tế rất nhiều người đến đây không vì danh nghĩa ông Phú Quang. Nếu chúng tôi làm cà phê ngon thì mới thu hút được khách, chứ nếu chỉ dùng danh tiếng ông Phú Quang để "câu" mọi người đến thì về lâu dài là sai.

Để có được cơ ngơi như bây giờ, anh có... va chạm nhiều tệ nhũng nhiễu không?

- Hồi mới thành lập, công ty của chúng tôi có tên là Công ty Công nghệ vật liệu, nằm trong khuôn viên của Viện Khoa học Việt Nam nên chẳng liên quan gì đến thuế má. Hồi đó tôi còn chẳng hề có khái niệm là phải nộp thuế. Rất ấu trĩ.

Va chạm đầu tiên của tôi trong chuyện làm ăn là với báo chí - khoảng năm 1990, lúc đó Liên Xô chưa sụp đổ. Chúng tôi tiên liệu là sắp tới thì sẽ không có chuyện đi du học theo đường Nhà nước nữa nên tìm cách móc nối với một số trường ĐH của Nga để "kinh doanh" du học, khoảng 500 đô la/một học sinh. Sau khi quảng cáo được đăng trên báo, đến cơ quan tôi thấy số lượng người đến tìm hiểu, đăng ký đông như biểu tình. Có lẽ là vì bọn tôi lờ đi chữ "du học Liên xô" đi mà chỉ ghi là đi "du học nước ngoài" nên người ta kéo đến đông như vậy. Lập tức, một PV đến hỏi: Các anh có chức năng làm việc này không? (Vì thời điểm đó, ai có chức năng tổ chức du học chưa được đề cập đến. Bọn tôi chỉ dựa vào một văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ghi điều kiện của thành phần được đi du học mà không nói rõ những cơ quan nào được tổ chức đưa học sinh đi). Chúng tôi bị phóng viên đó "xoay" là làm trái chức năng.

Tôi "cãi": "Nếu bây giờ chúng tôi mở một quán phở ngay ngoài đường kia và cán bộ nhân viên đi bán phở thì chẳng ai hỏi chức năng cả. Chúng tôi làm một việc rất gần với nghề nghiệp của mình thì tại sao lại phải hỏi "chức năng". Cậu ấy hỏi: Tại sao anh lại tổ chức đi du học tại Liên xô? Tôi bảo: Bây giờ nếu đi du học tại Singapore, Thái Lan... là bình thường, nhưng hỏi tên của 3 nhà bác học người Sing thì tôi e là anh không nói được nhưng nếu anh hỏi tôi các nhà bác học Liên xô thì tôi có thể chỉ cho anh ngay lập tức 100 vị.

Đó gần như là va vấp đầu tiên.

Trong một cuốn sách, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn có nói rằng cơ chế của mình đã "đẻ" ra chuyện phong bì. Khi làm doanh nghiệp, anh có phải "đi đêm", phải dùng phong bì để giải quyết những mối quan hệ, để khỏa lấp những điều không thuận lợi do cơ chế?

- Bắt buộc phải dùng phong bì thôi. Bạn hỏi vì sao ư? Vì tôi không thể loại mình ra khỏi xã hội được. Vì cơ chế xã hội mình đang sai, vì bản thân những người nhận phong bì đó không thể sống bằng lương được. Cho nên, về nguyên lý, hiện nay một số người buộc phải tham nhũng để tồn tại, để nuôi nổi mình và doanh nghiệp phải coi đó là những chi phí bình thường, chi phí cho nền tảng xã hội này, khi nền tảng xã hội chưa ở mức bình thường, mà trong đó sự vô lý của đồng lương là một ví dụ điển hình.

Và bài học anh để lại cho các con mình sau một thời gian kinh doanh?

- Tôi vẫn thường dạy cho các con: Khi nào con thấy quý vô cùng một đồng tiền và đồng thời cảm nhận được rằng hàng vạn đồng tiền chẳng có ý nghĩa gì, thì lúc đó mới có thể thành công được. "Có những cái tôi học được rõ nhất ở cha tôi thì về mặt bản chất nó không phải là tố chất người kinh doanh, mà lại dễ tôi dẫn đến thất bại - đó là lòng thương người".

Có những người khi làm ăn, được một đồng thì nâng niu, quý hóa nhưng khi có một vạn đồng tiền thì thay đổi, đánh mất bạn bè, anh em và những giá trị khác.

Nhưng có những người thì ngược lại, không biết nâng niu một đồng tiền, không biết tiết kiệm một đồng tiền vì đồng tiền đó không phải do mồ hôi nước mắt mà có. Người mà có thể đánh bạc hàng triệu đô thì không thể là người biết nâng niu, quý trọng một đồng tiền.

Biết nâng niu quý trọng từng đồng tiền lẻ và sẵn sàng bỏ qua hàng núi tiền vì những giá trị cao quý - nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn nhau ghê gớm, nhưng nếu nó qui tụ lại được ở một con người thì rất quý.

Anh từng trải qua cảnh nghèo không?

- Tôi vẫn nhớ hồi ở bộ đội, mỗi lần được phát một bộ đồ mới thì tôi thường ngắm nghía bộ đồ cũ, đắn đo mãi xem là mình có thể mặc bộ đồ này thêm 1 năm nữa không để bán bộ đồ mới đi gửi tiền về mua sữa cho con. Hồi đó, vợ chồng tôi vẫn sống chung với với ba mẹ.

Trong những tố chất làm nên một doanh nhân, có điều gì anh học được từ cha mình một cách rõ rệt?

- Có những cái tôi học được rõ nhất ở cha tôi thì về mặt bản chất nó không phải là tố chất người kinh doanh, mà lại dễ tôi dẫn đến thất bại - đó là lòng thương người. Có lẽ tôi không thể rất giàu được cũng vì tố chất đó. Hiện nay, ở Việt Nam, thương trường rất khốc liệt, để có thể thành công trong kinh doanh, đôi khi phải chấp nhận sự tráo trở. Nếu làm được một điều gì đó mà để người khác "chết" thì mình không làm được. Như việc đi ra khỏi Techcombank trong thời điểm đang làm ăn thuận lợi nhất, nhiều người thấy khó hiểu nhưng tôi thanh thản. Cũng có thể, tôi vốn sinh ra không phải để làm kinh doanh mà là nhờ một sự ngẫu nhiên do xã hội đưa đẩy.

Lương Bích Ngọc - Nguyễn Thu Thuỷ (thực hiện)

ÔNG CÓ HIỂU CHA MÌNH KHÔNG?
10:05' 28/04/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc một số biên bản cuộc họp Bộ chính trị thời đó có thể công bố để lịch sử có thể sáng rõ hơn; và con cháu có thể thấu hiểu những điều mà cha ông họ từng trải qua để có được như bây giờ. Và có thể, đó cũng là bài học cho hậu thế..."

Tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Lê Kiên Thành về vị trí của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong các sự kiện lịch sử quan trọng như 1968,1975... Vì chưa có dịp kiểm chứng nên tòa soạn và phóng viên không khẳng định những vấn đề liên quan đến tư liệu lịch sử trong phần trả lời của nhân vật là quan điểm của mình. Nếu thấy chưa thỏa đáng, độc giả có thể tranh luận lại với nhân vật đối thoại và chúng tôi sẽ lựa chọn để đăng tải.

- Điều gì ở cha mình khiến ông ngưỡng mộ nhất?

- Đó là phương pháp tư duy, và cách phân tích sự việc. Ông từng nhắc với tôi câu nói của Lênin: Phân tích sự việc bằng trí óc, nhưng hành động bằng trái tim. Ông cho rằng: Khi trái tim mình đập đúng, thì mình phải hiểu được nó. Ví dụ, khi yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, người ta lại có những quyết định khác thường, những quyết định xuất phát từ những suy luận khác thường và không theo quy luật bình thường…

Một người bạn Mỹ nói với tôi: trong chiến tranh, suy cho cùng thì vật chất lớn hơn thắng vật chất nhỏ hơn, không chứa đựng yếu tố tinh thần. Anh ta dẫn lời Napoleon nói: Chúa chỉ đứng về kẻ mạnh. Tôi nói rằng, cha tôi đã nhìn thấy trong quy luật của sức mạnh đó có những điều lạ kỳ: Trong chiến tranh có những lúc A lớn hơn B, nhưng 2A lại chỉ bằng 2B và 3A lại nhỏ hơn 3B. Yếu tố tinh thần đã tạo ra một sức mạnh vật chất chống lại quy luật của sức mạnh vật chất vẫn tồn tại trên thế giới bình thường. Bình thường, sức mạnh tinh thần đó chưa đủ làm nên sức mạnh vật chất cụ thể, nhưng khi được khơi dậy và tổ chức lại một cách khoa học thì sức mạnh tinh thần đó có thể biến thành một sức mạnh vật chất phi thường. Vì thế mà duy nhất người Việt Nam hạ được B52 của Mỹ trong chiến tranh vừa qua.

Khi sang Mỹ, chứng kiến sự hùng mạnh của họ, tôi rất tự hào mình là người Việt Nam; và tôi hiểu rằng mình phải mạnh như thế nào thì mới thắng được Mỹ.

- …Và vì những suy luận không theo quy luật bình thường đó mà trong suốt hai mươi năm, cha ông đã từng có những hành động quyết đoán vì mục đích thống nhất đất nước?

- Sau này, cha tôi có kể lại cho chúng tôi nghe kỷ niệm về một lần ông dám… nói dối TƯ, nhưng là nói dối vì toàn cục, vì mục đích thống nhất đất nước. Đó là năm 1959, ông sang Trung Quốc và Liên Xô xin ý kiến về việc đánh Mỹ nhưng bị cản rất dữ dội. Họ có lý của họ vì cho rằng Mỹ rất mạnh, không chừng nếu đánh thì không những không giải phóng được miền Nam mà còn mất cả miền Bắc, thậm chí có thể gây ra thế chiến thứ III, còn việc thống nhất đất nước thì cần phải có thời gian lâu dài hơn nữa.

Thế nhưng, là người nắm vững quy luật của Cách mạng Việt Nam, càng để lâu, máu xương của đồng bào càng đổ nhiều, ông quyết định thưa với Bác và TƯ: “Các đồng chí ấy ủng hộ…”

Và sau này, việc ông nói trong một cuộc họp: “Chúng ta không được sợ Trung Quốc, Liên Xô, không sợ Mỹ” cũng đã khiến TƯ lúc đó bị sốc. Trong một cuộc họp khác, ông Hoàng Văn Hoan đã đứng lên chất vấn: “Thưa Bác tôi muốn anh Ba giải thích lại là tại sao trong cuộc họp trước, anh Ba lại nói là không được sợ TQ, không được sợ LX – có nghĩa là gì?” Nghe thế, ông Nguyễn Chí Thanh vụt đứng dậy nói: “Thưa Bác, điều anh Ba nói là rất đúng và cực kỳ cần thiết”. Tất cả mọi người đều vỗ tay.

Khi đã vượt qua sự khó khăn ban đầu bằng tinh thần độc lập tự chủ và thái độ kiên quyết, về sau, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ toàn diện và mạnh mẽ của Liên Xô và Trung Quốc.

Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc một số biên bản cuộc họp Bộ Chính trị thời đó có thể công bố để lịch sử có thể sáng rõ hơn và con cháu có thể thấu hiểu những điều mà cha ông họ từng trải qua để có được như bây giờ. Và có thể, đó cũng là bài học cho hậu thế.

Năm 1972, khi Trung Quốc đón Nich-xơn thì Chu Ân Lai sang gặp cha tôi ở Gia Lâm. Ban đầu, câu chuyện của hai người khá căng thẳng. Chu Ân Lai nói là chúng tôi sẽ “bàn về vấn đề VN với Ních xơn”, cha tôi rất gay gắt, ý là: Mỹ muốn nói về VN thì sang Hà Nội nói chuyện. Người Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình và không ai có thể làm điều đó thay chúng tôi…

Theo tôi được biết, lúc đó Thủ tướng Chu Ân Lai đã xin lỗi. Sau khi gặp Nich-xơn, thủ tướng Chu Ân Lai lại sang Việt Nam và thông báo tình hình sẽ thế này, thế kia. Nghe xong, cha tôi nói: “Tôi chỉ biết trước một điều là sau khi Nich-xơn gặp các đồng chí, Mỹ sẽ đánh chúng tôi gấp 10 lần".

Dự đoán đó đã đúng. Sau đó, Mỹ đã rải bom khắp các thành phố lớn và làng mạc miền Bắc.

Người ta vẫn nói rằng, vì cha tôi mà quan hệ Việt Nam và Trung Quốc xấu đi. Thế nhưng, họ không biết rằng, năm 1961, tại Đại hội 81 Đảng cộng sản tổ chức tại Mátxcơva, Kholosop đưa ra những ý kiến trong đó phê bình gay gắt Đảng cộng sản Trung Quốc. Tại cuộc họp đó, duy nhất Đảng Lao động Việt Nam mà cha tôi là trưởng đoàn, đứng lên phản đối. Sau đó, đại diện Đảng cộng sản Pháp có đến gặp và nói: “Các đồng chí Việt Nam chỉ biết có quyền lợi dân tộc mà xao nhãng tinh thần quốc tế vô sản”. Cha tôi trả lời: “Tinh thần quốc tế vô sản lớn nhất bây giờ là chống Mỹ, các đồng chí hãy để chúng tôi làm việc đó”.

- Anh đánh giá thế nào về chiến dịch Mậu Thân năm 1968? Sự kiện đó có mang một phần tính cách của cha anh không?

- Bản chất sự kiện năm1968 tự nó đã nói lên một phần tính cách đó rồi. Cha tôi nói rằng đó là một quyết định khó khăn nhất nhưng được tính toán kỹ lưỡng và mang tính quyết liệt nhất. Ông nhận định đó là thời điểm mà nước Mỹ đứng trước 2 sự lựa chọn, một là Oét-mô-len đề nghị tăng gấp đôi số quân lên, chiến tranh không dừng lại ở miền Nam, mà đánh ra một vài điểm miền Bắc; thứ 2 là người Mỹ cho rằng không thể thắng được nữa và phải ra đi.

Và chúng ta đã quyết định đánh một trận lớn đến mức mà người Mỹ không thể tưởng tượng được. Những chiến binh của mặt trận giải phóng đã có mặt tại đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Chính người Mỹ sau này cũng nói rằng đó là trận đánh không phải vào Sài Gòn mà vào tận Washington. Để làm được điều đó, chúng ta phải chấp nhận những hi sinh, mất mát to lớn.

Sau này ông Trần Bạch Đằng có nhắc lại một câu của cha tôi là: "Đó là một trận đánh làm tung tóe những yếu tố chính trị mới". Đó là trận đánh mà theo tôi nên đưa vào kinh điển lịch sử nghệ thuật chiến tranh. Rõ ràng là sau đó dẫn đến việc nước Mỹ đã rút quân. Cha tôi từng nói trong Thư vào Nam rằng chúng ta không bao giờ thắng được Mỹ ở nấc thang đỉnh cao của chiến tranh, nghệ thuật của mình là kéo Mỹ xuống thang và thắng ở nấc thang cuối cùng. Không làm nhục nước Mỹ thì chúng ta mới thắng được và Mỹ mới chấp nhận cái thắng đó. Chiến dịch 1968 là trận đánh kéo Mỹ xuống nấc thang cuối cùng để dẫn tới sự kiện 1975.

- Cha anh có phải là người quyết định đánh vào Buôn Mê Thuột trong chiến dịch 1975?

- Chuyện này bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng theo tài liệu của tướng Dũng thì đó là quyết định của cha tôi. Và ban đầu, khi Đại tướng Văn Tiến Dũng đưa chỉ thị đó vào miền Nam, nhiều tướng lĩnh ở đó đã phản đối. Họ nói rằng các ông ngoài Bắc không hiểu được hoàn cảnh thực tế ở trong này, chúng ta từng dùng một sư đoàn chỉ đánh một quả đồi thôi còn không nổi, làm sao đánh được vào thị xã lớn? Thậm chí có người còn định xin một chiếc trực thăng ra báo cáo TƯ rằng đây là quyết định sai. Nhưng tướng Dũng bảo: Đây là quyết định của anh Ba và Bộ chính trị, chúng ta phải làm cho bằng được.

Ông Trần Quỳnh từng nói: Anh Ba là người sáng có thể nói khác, chiều có thể quyết định khác, ý nói ông rất biện chứng và nắm bắt được thời cuộc. Ông Trần Quỳnh nói: Tôi gần anh Ba tôi biết, khi ăn cũng nói đến miền Nam, ngủ nghĩ đến miền Nam. Khi con người say mê với chuyện gì, họ luôn có những ý tưởng hết sức sáng tạo về nó.

- Có thể vì những chuyện như thế mà có lời đồn rằng, cha anh đã từng nắm hết quyền lực trong Đảng sau năm 1959? Anh có nghe những lời đồn như thế và cha anh khi sinh thời có biết những lời xì xào như thế không?

- Sau ngày miền Bắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ đã kiên quyết gọi cha tôi ra để giao trọng trách Tổng Bí thư. Và cha tôi đã từng ngạc nhiên bởi khi đó chỉ có mình ông là ủy viên TƯ ở miền Nam và không phải là người gần Bác nhiều. Không những thế, Bác còn đề nghị cha tôi giữ thêm nhiều trọng trách nhưng ông không nhận.

Tôi nghĩ rằng trong cán bộ, Đảng viên chẳng có ai đồn như bạn hỏi.

Nếu có thì sau này, người ta cũng chỉ phân tích lại quá trình để chúng ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ mà trong đó ý kiến của cha tôi có sự tác động nhất định đến sự thay đổi cục diện.

Bây giờ cuộc kháng chiến đã thành công, mọi chuyện có vẻ dễ hiểu. Thế nhưng ở thời điểm bắt đầu, thì không phải mọi người đều thống nhất với con đường đi đó mặc dầu ai cũng muốn thống nhất đất nước. Lý do là vì ở thời điểm bắt đầu, Liên Xô và Trung Quốc đã cản rất dữ dội, vì sợ rằng sức mình không thể làm được điều đó.

Nhưng điều quan trọng là với khả năng của mình, ông đã thuyết phục được và cả quyết đoán nữa để có kết quả của cuộc kháng chiến như năm 1975. Nếu nói rằng “tiếm quyền” thì hóa ra là toàn bộ cuộc kháng chiến này do cha tôi lãnh đạo hết à? Như thế thì không phải là phê phán ông nữa mà là đã đánh giá công lao của cha tôi lớn quá.

Những học giả phương Tây thì đánh giá thời điểm đó, Bộ Chính trị có quan điểm khác với Tổng bí thư Lê Duẩn và những đường lối quyết định nhất của cuộc chiến là do cha tôi vạch ra.

Còn tôi hiểu rằng cha tôi là người có khả năng thuyết phục số đông.

- Quan hệ của cha anh với Tướng Giáp thế nào?

- Tôi chỉ dẫn một câu mà mà Tướng Giáp hay nói với cha tôi: Đời tôi đi làm cách mạng là nhờ anh Ba. Cha tôi thì nói lại là: Những gì mà tôi giúp anh là vì tôi nhớ đến người vợ đầu của anh.

Chuyện là thế này, trong lúc cha tôi bị tù, có một người tù khác đã ném cho ông mẩu giấy nói rằng ở ngoài sắp sửa làm bạo động Nam kỳ; mảnh giấy đó bị rơi ra ngoài và một sĩ quan Pháp nhặt được. Ông hiểu rằng người Pháp sẽ xử bắn bất kỳ người nào dính đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Lúc đó ông nhờ bà Thái (Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - NV) nói chuyện với viên sĩ quan kia để lấy lại mẩu giấy đó. Nhờ sự khéo léo và vốn tiếng Pháp của mình, bà Thái đã lấy lại được cái thư, tức là đã cứu sống ông.

- Sau khi Bác Hồ mất thì mối quan hệ của cha anh với ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng như thế nào?

- Tuyệt đối tốt.

- Và họ coi ông là lãnh tụ?

- Họ coi cha tôi là một trong những lãnh tụ từ ĐH III, năm 1960.

- Những yếu tố để họ coi ông là lãnh tụ?

- Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố lắm, như hồi trong Nam thì người ta gọi ông là “ông 200 ngọn nến” vì những ý kiến của ông rất sáng láng.

Cha tôi thường nói: Trong quá trình ba làm việc chưa bao giờ ba thấy ai cao hơn ba và chưa bao giờ ba thấy ai thấp hơn ba. Tôi nghĩ, có lẽ, đó là nguyên nhân khiến ông để lại dấu ấn trong lịch sử. Kể cả Mao Trạch Đông, Khrushop, những người mà tất cả những người sống thời đó đều cảm thấy sức nặng của họ. Thế nhưng, khi gặp, cha tôi cảm thấy không hề bị ngợp. Và rồi, khi nói chuyện với những người như bọn tôi chẳng hạn, chưa bao giờ ông đối xử theo kiểu cha - con mà theo cách của những người bạn với nhau.

Ông kể, một lần vào một lớp học ở miền Nam sau ngày giải phóng, có một cô bé hỏi ông một vấn đề gì đó về xã hội, ông lớn tiếng nói lại với cô bé. Cả hiệu trưởng lẫn những người có mặt ở đó đều sợ run lên, tưởng ông đang nóng giận. Nhưng sau đó, ông nói với cô bé: “Bác nói với cháu như vậy, là bác coi cháu như đồng chí của bác”. Mọi người vỗ tay hết.

Nếu như người khác, sẽ nói: Cháu ngồi xuống đi, chuyện này cháu chưa biết được đâu", thì đó là mức độ thấp. Nhưng với như cương vị là một Tổng Bí thư mà tranh luận gay gắt với một cô bé học sinh, thì đó là sự tôn trọng. Qua đó cha tôi muốn nói với các con một điều: Đừng bao giờ thấy người nào cao hơn mình, nhưng cũng đừng bao giờ thấy ai thấp hơn.

Người ta ghi nhận công lao rất lớn của cha anh trong công cuộc giải phóng miền Nam. Nhưng cũng có dư luận nói rằng: Những ý tưởng về kinh tế của ông bị ảnh hưởng từ Liên Xô đã biến cả nước thành một đại công trường, đại nông trường; Chính điều đó làm cho đất nước lẽ ra có thể phát triển hơn sau 1975. Ý kiến của anh về chuyện này?

CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN VÀ "ĐÊM TRƯỚC ĐỔI MỚI
10:09' 14/06/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cuộc trò chuyện giữa nhà báo Lương Thị Bích Ngọc và ông Lê Kiên Thành được tiếp tục, lần này là về vai trò của cố TBT Lê Duẩn trong thời kỳ trước đổi mới...
1. Trò chuyện với con trai cố TBT Lê Duẩn
2. Ông có hiểu cha mình không?

Tôi đã chuyển cho anh nhiều mail phản hồi của độc giả sau khi đăng hai kỳ của cuộc trò chuyện này. Trong đó không ít lời tri âm, và cũng quá nhiều sự thoá mạ. Cảm giác của anh thế nào?

- Điều tôi quan tâm là những điều mình nói có gì sai lệch với sự thật không? Còn những lời thoá mạ qua mail với những địa chỉ ảo...? Theo tôi, với cách đó, họ không muốn đối thoại một cách công khai và đàng hoàng.

Mặt khác, cha tôi, người đứng đầu đất nước trong một giai đoạn dài - và giai đoạn đó nối từ thời chiến đến 10 năm đầu của hậu chiến, còn kèm theo với quá nhiều biến cố lịch sử - cha tôi lại là người có cá tính mạnh mẽ, tôi nghĩ rằng ông có người yêu kẻ ghét cũng là điều bình thường.

Sinh thời, cha anh có biết những lời đàm tiếu về mình không? Nhất là vào những thời điểm khốn khó của đất nước sau năm 1975?

- Tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện này: Vào những năm sau 1975, có lần, một cán bộ cấp cao thân cận đã đột ngột gõ cửa phòng ông và rồi nói rất lâu về những gì mà bên ngoài người ta đang phàn nàn. Nói suốt cả buổi chiều, sang cả buổi tối. Còn đọc luôn cả vè. Đến lúc nhìn đồng hồ, ông ta hoảng quá, nhưng không ngờ cha tôi bảo: "Về ngủ đi, mai đến nói cho tôi nghe tiếp nhé!". Ông không bất ngờ về điều gì.

Ngày 30/4/1975, ở giây phút hàng vạn người ngộp thở vì chiến thắng, cha tôi lặng lẽ xin một điếu thuốc của người bảo vệ, điếu thuốc ông hút lại sau 30 năm. Hơn ai hết, ông không hề bất ngờ vì chiến thắng này, vì ông luôn tin những gì mà mình đã theo đuổi.

Cũng trong ngày đầu tiên đoàn tụ cùng đồng chí, anh em ở Sài Gòn, ông nói: Đừng vui quá, sắp tới sẽ vô cùng khó khăn, chúng ta phải tuyên chiến với giặc đói.

"Bố mày có biết chuyện là nhiều người không có gạo ăn không?" - khi tôi nói với ba tôi là bạn tôi đã nói như vậy, ông rất bình thản: Những khó khăn lớn nhất của dân tộc đã đi qua rồi...

Có người nói cách nhìn của cha tôi là chạy trốn thực tế và lý tưởng hoá cuộc sống.

Còn tôi nghĩ rằng, ông là một người biện chứng.

Một số người từng ghi nhận công lao đặc biệt của cha anh trong công cuộc thống nhất đất nước thì cũng nói rằng cố tổng bí thư Lê Duẩn đã không thực tế trong điều hành kinh tế đất nước sau năm 1975, rằng ông phải chịu trách nhiệm chính về những khó khăn mà người dân Việt Nam phải trải qua sau năm 1975?

- Tôi cũng đã nghe nhiều lời bàn tán đại loại như vậy. Nhưng tôi cũng tin rằng mình rất hiểu cha. Bây giờ, nếu tôi nói khó khăn sau một cuộc chiến kéo dài 30 năm là điều không thể tránh khỏi thì cả bạn cũng có thể nói là tôi biện hộ.

Cha tôi giữ trách nhiệm Tổng Bí thư mười năm sau hòa bình. - Giờ đây, khi tôi đã trên 50 tuổi, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, và trở thành một doanh nhân, tôi càng hiểu rằng - 10 năm là khoảng thời gian quá ít ỏi để một dân tộc bỏ được nhiều thói quen theo quán tính của thời chiến. Sau này, khi nói về "đêm trước đổi mới", người ta thường coi đó như một đêm tối mà trong đó những người lãnh đạo thời kỳ đó gần như chỉ là con số không; và câu chuyện "giá - lương - tiền" như là một nỗi nhục về điều hành kinh tế.

Nhìn lại 30 năm sau cuộc chiến, tôi có thể tự hào rằng mình đã có một người cha có tư duy ở tầm cỡ như vậy. Đất nước khác, kể cả như Liên Xô chỉ dám ra khỏi bao cấp khi chế độ đó bị sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại. Việt Nam nghĩ tới chuyện ra khỏi bao cấp chỉ sau khi hết chiến tranh khoảng 5 năm.

Bây giờ người ta phê phán nhất "Giá - Lương - Tiền, nhưng đó là cú đột phá mãnh liệt vào ý chí khủng khiếp nhất của toàn Đảng toàn dân lúc đó; bởi thực hiện "Giá - Lương - Tiền" tức là "anh" phải từ bỏ chế độ bao cấp đã nuôi dưỡng "anh" trong vòng mấy chục năm. Đó là cuộc chuyển đổi có tính sinh tử với một nền kinh tế. Bạn thử hình dung xem, cả một đám đông bao nhiêu năm quen với tem phiếu, sổ gạo, họ từng nghĩ rằng lấy cái đó đi của họ là tội ác. Nhiều người trong bộ phận lãnh đạo cũng nghĩ như vậy…

Nhưng điều mà bây giờ người ta vẫn còn ám ảnh về GIÁ - LƯƠNG - TIỀN là giá bị đẩy lên tới hàng chục lần sau khi bỏ bao cấp?

- Bạn có hình dung ra Liên xô khi chuyển đổi nó đẩy giá lên tới hàng vạn lần chứ không phải là chục lần trong khi đó sở vật chất của họ ở tầm cao hơn mình rất nhiều!

Người ta vẫn nói rằng, cha anh đã hoàn toàn đi theo mô hình kinh tế của Liên xô, biến cả đất nước thành một đại công trường…

- Tôi không cho là như vậy. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, khi sang Liên xô, trong một bữa cơm, một người trong Bộ Chính trị của ĐCS Liên Xô chất vấn cha tôi rằng: Tại sao các đồng chí lại có thể cho phép một xí nghiệp tự định giá sản phẩm của mình. Ông ôn tồn giải thích: Các đồng chí không biết chứ chúng tôi có điều kiện khác các đồng chí nên Nhà nước không thể cung cấp nguyên vật liệu cho tất cả các nhà máy, xí nghiệp được. Những xí nghiệp mà Nhà nước cung cấp nguyên vật liệu thì Nhà nước có thể định giá sản phẩm, còn nếu xí nghiệp, nhà máy tự đi kiếm nguyên vật liệu từ bên ngoài về sản xuất thì họ tự định giá.

NƠI SẢN XUẤT TỰ ĐỊNH GIÁ SẢN PHẨM - một việc bây giờ như quá đơn giản thì hồi đó đã là vi phạm vào quy tắc của hệ thống. Bây giờ, rất nhiều người không thể hình dung nổi là có chuyện đó.

Lúc đó, ảnh hưởng của Liên xô đối với mình vẫn rất lớn. Còn vì sao thì những người của thời đó cũng tự biết; và bây giờ, những người biết phân tích một chút cũng tự hiểu: Cha tôi, một người từng phát biểu trong một cuộc họp của Bộ Chính trị rằng: "Chúng ta phải đánh Mỹ, không được sợ Liên Xô, Trung Quốc" lại có thể chủ động nghe theo mô hình kinh tế Liên Xô trong thời bình sao.

Chúng ta dám nghĩ, chúng ta vươn ra khỏi tầm ảnh hưởng đó để làm GIÁ - LƯƠNG - TIỀN, làm tiền đề cho đổi mới, trăn trở về khoán 10 cũng từ thời điểm đó mà ra nhưng sau này người ta không hiểu hoặc không nhắc đến.

Vào thời điểm đó, đại đa số của người Việt Nam, đặc biệt là bộ phận lãnh đạo, họ không quen và không hình dung nổi về thị trường. Có một lãnh đạo một địa phương lúc đó đã từng "lên bờ xuống ruộng" chỉ vì những ý tưởng cải cách kinh tế của ông quá táo bạo, tuy rằng được cha tôi ủng hộ gần như tuyệt đối. Vào thời điểm đó, người đi đầu đổi mới có thể bị hệ thống cho là "trở cờ...", mà hiển nhiên, cha tôi không thể làm thay đổi ý chí của đa số.

Tôi nghe một số câu chuyện đại loại nói rằng cha anh rất ấu trĩ về tư duy kinh tế...?

Ông Lê Kiên Thành: "Một người đàn ông có thể diễn kịch với cuộc đời nhưng chân dung họ hiện lên trong mắt con cái là chân thực nhất..." Ảnh:LAD

- Ông không phải là người toàn bích nhưng trong thời bình, nhiều người cấp tiến, những người mà sau này người ta vẫn đánh giá là có tư duy bài bản về kinh tế thị trường tương đối sớm vẫn gọi những ý tưởng của cha tôi là: "Ý tưởng từ cái đầu 200 ngọn nến".

Còn những lời đồn… Tôi đã đối diện với những lời đồn về cha mình trên dưới 50 năm nay. Nhưng tôi tự hào về ông vô cùng vì tôi hiểu rằng, một người đàn ông có thể diễn kịch với cuộc đời nhưng chân dung họ hiện lên trong mắt con cái là chân thực nhất.

Tôi tin rằng những câu chuyện như thế này, bạn chưa nghe, và nhiều người chưa biết nhưng những người trong cuộc thì họ vẫn còn sống, và và tôi tin là họ thầm nghĩ trong đầu: "Đúng, những chuyện về anh Ba như vậy là có…". Vâng, tôi chỉ cần như vậy.

… Có lần, cha tôi cử một cán bộ ngoại giao sang Mỹ tìm hiểu để sau đó bàn chuyện bình thường hóa quan hệ, người đó đi thấy ngợp quá nhưng về lại sợ "anh Ba cho là ăn phải bã tư bản" nên chỉ toàn kể chuyến xấu. Cha tôi nghe xong, cười bảo: "Mỹ nó xấu thế mình quan hệ làm gì…". Sau đó, ông ta đành phải nói những gì mắt thấy tai nghe.

Đi thăm một địa phương tương đối là năng động lúc đó, tại HTX chăn nuôi, nhìn thấy hàng chục người ngồi thái rau nuôi mấy con lợn còi, cha tôi nói với người đứng đầu: "Cậu hiểu thế nào là làm ăn lớn. Làm ăn lớn là mỗi người nông dân có thể nuôi hàng ngàn con gà, hàng trăm con lợn chứ không phải tập trung nhiều người lại để làm". "Nhưng TƯ chỉ đạo khác…", ông ta thành thật. Cha tôi nói: Tỉnh cậu có điều kiện để làm mô hình đổi mới, cậu lại có tư duy kinh tế sáng tạo, sao cậu cứ chần chừ. Mỗi nơi một đặc thù. Các địa phương phải chủ động rồi báo cáo, đôi khi từ mô hình này tốt mà làm điểm cho cả nước. TƯ chỉ đạo thay được các địa phương từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì cần gì các cậu nữa…".

Một lần, về Hải Phòng, đến thăm một HTX làm hàng xuất khẩu, cha tôi hỏi một cô công nhân: "Cháu có biết đồng đô la là gì không?". Cô ta lắc đầu. Cha tôi đã nói với Chủ tịch Hải Phòng lúc đó: "Người làm xuất khẩu mà không biết đồng đô la là gì thì họ sẽ không có động lực…".

Rất nhiều câu chuyện như vậy về cha tôi mà không nhiều người biết. Những người biết, họ từng biết tính cha tôi, rằng không cần lắm việc người ta phải ghi công trạng của mình hoặc hiểu mình, miễn rằng chúng tôi - những người con của ông đã tin, yêu, tự hào về ông.

- Thế thì theo anh, trong thời bình, ảnh hưởng của Tổng bí thư Lê Duẩn có còn tuyệt đối nữa không?

- Cũng như thời bắt đầu của cuộc kháng chiên, trong giai đoạn mới, ông cũng phải chờ đợi người ta hiểu ý tưởng của mình. Nhưng lúc đó, những người có thể chia sẻ với cha tôi như đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã không còn nhiều nữa. Và có thể, lực cản để chúng ta bứt phá lúc đó nằm ở tiềm thức của đại đa số lãnh đạo, công chức, người dân và có thể ở cả chính ông nữa.

- Có một số người nói rằng, khi về già cha anh rất cô đơn?

- Có thể. Chúng tôi, những người con của ông cũng cảm nhận đươc sự cô đơn của cha tôi về cuối đời, khi mà những ý tưởng của ông không còn cơ hội được thực hiện như trong chiến tranh…

- Anh có nghĩ sự cô đơn đó của cha anh về cuối đời xuất phát từ việc thiếu những người tri âm, thân cận không…?

- Có những người đã từng chia sẻ với ông những ý tưởng lớn trong suốt hai cuộc kháng chiến thì lại có những tính toán riêng…

- Anh có thể nói rõ hơn được không?

- Cha tôi đã từng tâm sự với các con: “Cả đời ba vui, cuối đời lại buồn”.

Tôi hiểu ông nói cả đời vui là cả những lúc bị tù đày đánh đâp tàn khốc nhất. Còn nỗi buồn lại xuất hiện khi một trong những mong ước của đời ông đã thành hiện thực là giang sơn thu về một mối...

Nhưng không phải bây giờ và cũng không thể là tôi có thể nói ra điều đó...

11 tháng 5, 2009

Nửa đêm tỉnh thức đi cày đồng Văn



HOCMOINGAY. Tôi vùng dậy lúc nửa đêm Mother's Day để đọc lại bài Chi tiết nhỏ của Đinh Hà Triều và đọc kỹ lại hai bài: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân dung một huyền thoại (của Cù Huy Hà Vũ), Tướng Giáp (của Huy Đức) để đắm mình vào việc so sánh, đối chiếu các tư liệu. Một ít thông tin đã được chép lại tại DANHNHANVIET. Đúng rồi! Làm việc muốn đạt hiệu suất cao cần phải...in tất cả trong đầu và trở thành một phần trong con người (1). Sự chú tâm cao độ đến mức "lóe sáng"(2). Cẩn trọng, không xem thường việc nhỏ bởi lỗ thủng đắm thuyền, chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn (3). Đào Duy Từ chỉ xuất hiện trong chín năm đủ để lại một sự nghiệp (4). Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quang Khải là những kinh nghiệm quý và bài học lớn (5). Những chi tiết, tài liệu của các ông Trần Thái Bình (6), Bùi Diễm, Huy Đức, Cù Huy Hà Vũ ...luận về tướng Giáp thật hay! Nhưng riêng tôi thì sâu sắc hơn cả, giá trị hơn cả, hay hơn cả, đó là bài học thực tiễn và Tổng tập Võ Nguyên Giáp(7).

Thông tin tư liệu:

1)HUY ĐỨC. Một trong những học trò của Tướng Giáp, ông Bùi Diễm, một người đã từng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1965, nhớ lại: Khi tôi vào trường Thăng Long, nơi đây đã sôi sục ý chí chống Pháp và những cuộc tranh luận về tương lai cho xã hội Việt Nam. Ban giáo sư gồm những người như ông Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giam, Trần Văn tuyên… Nhưng trong tất cả những nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người tôi khó quên: đó là ông Võ Nguyên Giáp, người dạy tôi về môn Sử. Dáng người nhỏ nhắn song nhìn vào ông thì thấy cả một bầu nhiệt huyết. Những gì về ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân (Napoléon) rất ly kỳ. Ông trình bày tường tận chiến thuật và chiến lược của Nã Phá Luân bằng cách tả rõ từng trận đánh nhỏ một. Hình như ông đã in tất cả trong đầu và Sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó. Trong giờ ông giảng, học sinh thường im lặng như tờ… (Bùi Diễm- Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai, 2000,tr. 21,22,23).

2)CÙ HUY HÀ VŨ: Tuy vậy, trước khi đi đến quyết dịnh cuối cùng, Đại tướng bảo tôi bày lại tất cả những bức trước đó đã đựợc cất bớt theo phương pháp loại trừ dần. Võ Nguyên Giáp đứng đó, trước các bức họa như thể đứng trước sa bàn chiến dịch. Bấy nhiêu bức là bấy nhiêu giải pháp khác nhau. Đã quyết định rồi nhưng để chắc không sai lầm, ông lại xem lại tất cả. Đại tướng ơi! đến bây giờ tôi mới cảm nhận được thế nào là giây phút đi đến quyết định “kéo pháo ra” ở mặt trận Điện Biên. Quả là khối óc vĩ đại vì đã hoạt động liên tục không chỉ trước, trong mà cả sau khi đã quyết định. Như thể “trao giải”, ông bèn kí vào các bức họa. Nhanh như chớp, đầy đủ cả họ lẫn tên. Thảo nào nhà sử học Pháp Jules Roy đã dùng từ “lòe sáng”(fulgurante) để mô tả chữ kí của ông. Sau khi hoàn tất công việc của một vị “chủ khảo tình thế”, Võ Nguyên Giáp hỏi tôi: “Mình có khó tính lắm không?” “Thưa Đại tướng – tôi đáp – dễ dãi không làm nên nghiệp lớn!”.

3)ĐINH HÀ TRIỀU. Tôi không nhớ thật chính xác nhà văn nào đã nói câu “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chỉ biết người nói câu đó là một nhà văn lớn. Thật thế, những “tác phẩm đi cùng năm tháng” trong văn học Việt Nam thời kì từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975 cũng có khá nhiều chi tiết nhỏ của các nhà văn lớn khiến những người dạy văn, học văn phải “đau đầu” hoặc vì lí do này khác đành “lướt qua”. Mà sự lướt qua ấy không ít thì nhiều ảnh hưởng xấu đến việc dạy – học. Người đọc văn, dạy văn học văn như vậy là đã xem nhẹ ý nghĩa cụ thể,tính hợp lí của các chi tiết, các tín hiệu nghệ thuật dẫn đến cách giảng bình lướt nhẹ trên văn bản! Xin nêu ra đây mấy trường hợp “hóc búa” của chi tiết.

“Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ”

Bài thơ “Tiếng hát con tàu”của nhà thơ Chế Lan Viên được chọn giảng trong chương trình văn học 12 khá dài (15 khổ thơ 4 câu ). Tài liệu chỉ đạo chuyên môn yêu cầu giảng kĩ 9 khổ đầu. Trên thực tế, hầu hết các bài giảng và đề kiểm tra, thi đều xoáy sâu vào năm khổ 5,6,7,8 và 9. Đây là đoạn thơ rất đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và năng lực khái quát suy tưởng trong từng hình ảnh thơ, rất tiêu biểu cho những điểm sáng trong phong cách thơ Chế Lan Viên. Trong đoạn, các hình ảnh thơ như bừng nở dựa trên sức liên tưởng tuyệt vời của tác giả. Riêng tôi, rất tâm đắc với câu thơ thứ hai trong khổ thứ 7: “Con nhớ em con, thằng em liên lạc/ Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ/ Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc/ Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư”

Bằng hồi ức và cảm xúc sâu sắc, nhà thơ đã dựng lên một cách sống động hình ảnh em bé liên lạc ở Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ ngợi ca tinh thần trách nhiệm, ngợi ca tinh thần khẩn trương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên, một nhiệm vụ đòi hỏi nghiêm ngặt sự nhanh chóng, kịp thời, an toàn, bí mật. Trong khổ, câu thơ hay nhất, giàu chất sống trực tiếp nhất là câu thơ thứ hai “Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ”.

Không có sự từng trải, khó cảm nhận thấm thía cái hay của câu thơ. Bởi vì, hành quân ở rừng núi thời chiến tranh nói chung phải rất khẩn trương và an toàn. Muốn vậy phải đi nhanh, phải đi từng người một không đựơc tụm năm tụm bảy; người cách người phải xa để tránh tổn thất lớn khi bị nổ mìn hoặc bị phục kích. Mặt khác, qua quãng rừng thưa hay trảng cỏ phải giãn đội hình ra thật thưa; phải vận động thật nhanh để tránh thế bất lợi. Vả lại, ở quãng rừng thưa người đi sau dễ dõi theo người đi trước, không sợ lạc. “Rừng thưa em băng” là vì thế. Nó nói lên tính chất khẩn trương của công tác giao liên, hô ứng chặt chẽ với câu thơ thứ ba “Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc” (câu thơ sử dụng hai vần lưng : Na – qua; khiến nhịp thơ ngắn lại diễn tả được bước chân thoăn thoắt như thoi của em bé). Còn vế “Rừng rậm em chờ” thể hiện sự chu đáo của em bé liên lạc vì giữa rừng rậm người đi sau rất dễ bị mất dấu người đi trước, rất dễ lạc. mà lạc giữa rừng rậm thì vô cùng bất lợi. Đủ thấy em bé ở đây thật dày dạn kinh nghiệm giao liên; chu đáo trách nhiệm biết bao nhiêu. Không trải thực tế không thể viết nổi câu thơ tưởng chừng đơn giản ấy... Những câu thơ bằng chi tiết thực và sự chiêm nghiệm như thế đã góp thêm kinh nghiệm sống cho người đọc.

“Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam

Khổ thơ thứ 6 trong bài “Sóng” của nhà thơ nữ Xuân Quỳnh: Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương” bao gồm nhưng câu được kiến tạo theo quan hệ tăng tiến – nhượng bộ thể hiện “sự kiên định trên lập trường tình yêu và đề cao tuyệt đối lòng chung thuỷ” Nhiều tác giả các bài phân tích, bình giảng bài thơ đã phát hiện: Bình thường người ta nói ngược về phương Bắc, xuôi về phương Nam nhưng Xuân Quỳnh đã nói ngược lại. Xin được dẫn ra đây mấy ý kiến tiêu biểu:

- “Đối với nhà thơ nữ này, dù có xáo trộn một tí thì điều đó cũng chẳng có gì là quan trọng. Quan trọng nhất chỉ là “phương anh” dù ở đâu em cũng hướng về. Nếu nói đến sự quyết liệt của tình yêu Xuân Quỳnh thì khổ thơ này là dẫn chứng tiêu biểu nhất”.

- “Người ta thường nói xuôi về Nam, ngược về Bắc là bởi vì nói chung địa thế phương Bắc nước ta cao hơn miền Nam. Xuân Quỳnh là người miền Bắc, người yêu tác giả là người miền Nam, phải chăng vì thế mà xuôi ngược đã thay đổi phương vị”.

Từ cách lí giải khác nhau, cách hiểu ý nghĩa biểu hiện của khổ thơ cũng khác nhau. Người thì cho khổ thơ “chứa đựng thật nhiều thách thức – thách thức với hoàn cảnh và thách thức với cả tình anh nữa”. Người lại cho rằng “Không gian tình yêu có phương vị riêng của nó. Không phải Đông, Tây, Nam, Bắc mà là phương anh, phương em. Cái la bàn trái tim chỉ có một hướng ấy”. Ý kiến khác thì hiểu rằng: “Hai chữ xuôi ngược thấp thỏm một tai hoạ trước cuộc đời bất trắc”.

Theo chúng tôi, cách nói của nữ sĩ chỉ ngược với thói quen xác định phương hướng theo bản đồ địa lí. Vẫn có cách nhìn không thấy ngược. Thật vậy, tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968) là kết quả của những chuyến đi lặn lội và các vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình và đường 559". Sóng là bài thơ tình duy nhất trong tập thơ ấy, viết tại Diêm Điền (Thái Bình ) cuối năm 1967. Ai cũng biết, ở thời điểm này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra quyết liệt. Miền Nam khẩn trương chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân(1968. Tính đến lúc bây giờ, hàng chục vạn thanh niên miền Bắc “Xẻ dọc Trường Sơn” vào chiến trường Miền Nam. Miền Nam là tiến tuyến lớn, Miền Bắc, dù phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ, là hậu phương lớn của Tổ quốc. Hậu phương chẳng phải là nơi dành cho đôi lứa hay sao! Vậy cách nói “Dẫu xuôi về phương Bắc” (dễ dàng, thuận lợi như xuôi dòng nước) là xuôi về hậu phương để gần nhau, có nhau hay dù phải ngược ra tiền tuyến (ngược về phương Nam) đầy thử thách khốc liệt thì em cũng không chùn bước, nản lòng.

Hiểu như thế, ta đã lồng ghép được bối cảnh ra đời của bài thơ để hiểu thơ; để thêm hiểu ý nghĩa điển hình của khát vọng thuỷ chung. Khát vọng ấy đâu chỉ riêng Xuân Quỳnh mà còn là của hết bao người yêu, người vợ trên miền Bắc hậu phương ngày đêm hướng về người yêu, người chồng đang chiến đấu trên tiền tuyến lớn Miền Nam. Do đó, “Sóng” đã nói hộ nỗi lòng bao thiếu nữ, phụ nữ tạo ra sức “đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” như những áng văn chương giá trị xưa nay.

4)Đào Duy Từ (xem DANHNHANVIET chuyên mục Đào Duy Từ)

5)Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quang Khải (DANHNHANVIET, Wikipedia tiếng Việt, thành_viên: dayvahoc các chuyên mục đang thực hiện)

6)Trần Thái Bình 2007. Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn, 819 trang.

7) Tổng tập Võ Nguyên Giáp.

8 tháng 5, 2009

Quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng

HOCMOINGAY. "Hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho đồng chí y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt. Về sau, Đại tướng có kể lại việc này trong cuốn "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" ở chương "Quyết định khó khăn". Và tôi biết, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông." Trung tướng Phạm Hồng Cư kể về quyết định có tính chất bước ngoặt của chiến dịch Điện Biên. Bài đăng trên trang VnExpress

Trong căn phòng làm việc rộng chưa tới 6m2, Trung tướng Phạm Hồng Cư say sưa kể, vẽ sơ đồ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chốc chốc, vị tướng đã ngoài 80 phải ngừng lại lấy sức.

- Thực dân Pháp đã có sự chuẩn bị và tổ chức rất kỹ lưỡng với mục tiêu lôi kéo quân chủ lực của ta vào trận địa Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Tại sao nắm rõ ý đồ của địch mà quân ta vẫn quyết đánh, thưa trung tướng?



Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

- Việc xây dựng "tập đoàn cứ điểm" ở Điện Biên Phủ là hình thức cuối cùng của Pháp nhằm chống lại quân Việt Minh sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường. Có 2 lý do khiến quân ta quyết tâm đánh và tiêu diệt cứ điểm Điện Biên. Thứ nhất, với kế hoạch này, thực dân Pháp đặt ta vào thế buộc phải đánh. Nếu không, địch sẽ dần chiếm lại những địa bàn mà ta hi sinh bao nhiêu xương máu giành giật được trước đó. Thứ hai, toàn Đảng, toàn quân ta lúc đó xác định, muốn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thì chỉ bằng cách tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm, tạo cán cân có lợi trên bàn đàm phán Geneva.

Tuy được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá bất khả xâm phạm nhưng việc Pháp xây dựng cứ điểm ở Tây Bắc lại chính là thời cơ cho ta. Với đặc điểm là một lòng chảo nằm biệt lập trên vùng núi cao Tây Bắc, nếu bao vây và cắt được đường tiếp tế hàng không, Điện Biên Phủ sẽ bị cô lập. Lúc đó, quân ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt cứ điểm này. Thực ra, nếu có một Điện Biên Phủ ở đồng bằng, tình thế sẽ khó khăn hơn cho quân ta nhiều. Sau khi nhận định rõ tình hình, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã hạ quyết tâm phải đánh.

- Suốt nhiều tháng trời chúng ta xây dựng phương án "đánh nhanh thắng nhanh". Vậy tại sao đến thời điểm quyết định, 50.000 quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng chỉ chờ hiệu lệnh tấn công, ta lại chuyển sang "đánh chắc thắng chắc"?

- Ban đầu chúng ta vạch ra kế hoạch "đánh nhanh", nghĩa là lợi dụng lúc quân địch đứng chân chưa vững ập vào tấn công cả 4 mặt và có một mũi thọc sâu. Đây là gọi là "oa tâm chiến thuật", đánh thẳng vào trung tâm - sở chỉ huy của tướng De Castries. Vào thời điểm thay đổi phương án, kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy nhiên, sau khi thị sát nắm rõ tình hình thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi. Lý do là đánh nhanh không chắc thắng. Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã tăng cường không phải là lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm kiên cố. Trong khi đó, trình độ thực tế của bộ đội Việt Nam lúc bấy giờ chưa thể áp dụng được cách đánh nhanh thắng nhanh.


Hàng chục khẩu pháo vượt đèo lôi suối sẵn sàng nhả đạn đã được rút trở ra sau khi phương án tấn công thay đổi. Ảnh tư liệu.

Hơn nữa, lực lượng của ta xây dựng trong những năm kháng chiến, lúc đó bước vào năm thứ 8 mới có sáu đại đoàn, trừ Đại đoàn 320 ở đồng bằng và Đại đoàn 325 ở Trung bộ, còn lại bốn đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 tập trung hết ở Điện Biên Phủ và một Đại đoàn công pháo mới thành lập, lúc này ta được chi viện 24 khẩu pháo 105 và 24 khẩu cao xạ. Toàn bộ chủ lực xây dựng trong 8 năm kháng chiến đều dồn hết vào trận đánh này. Nếu trận này ta thua thì coi như hết vốn.

- Khi thay đổi cách đánh vào thời khắc cuối cùng đó, chắc hẳn áp lực sẽ là rất lớn đối với người ra quyết định?

- Đây là một quyết định dũng cảm và sáng suốt. Đại tướng gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Ông dám nghĩ, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.

Theo tôi, đưa ra quyết định này trước hết bắt nguồn từ lời dặn, cũng là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường ra mặt trận, Bác dặn Đại tướng: "Trận này rất quan trọng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh". Các nhà sử học sau này bình luận, lời dặn của Bác rất có ý nghĩa bởi thời điểm lúc đó sắp họp hội nghị Geneva, nếu thắng trận này sẽ tác động lớn đến tình hình và hội nghị.

Tôi biết, hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho đồng chí y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt. Về sau, Đại tướng có kể lại việc này trong cuốn "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" ở chương "Quyết định khó khăn". Và tôi biết, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông.

- Với thay đổi như vậy, các vấn đề khác như lương thực, vận chuyển vũ khí... được xử lý như thế nào?

- Đây là điểm thể hiện rõ nhất tính chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một cuộc chiến tranh nhân dân. Toàn bộ sức dân gần như đã được huy động vào thời điểm đó. Vùng tự do Thanh Hóa, Thái Bình... hay bà con ở Tây Bắc đã vét sạch gạo, ngô cho bộ đội, đến nỗi trong nhà không còn một hạt. Hàng vạn người dân đi dân công hỏa tuyến, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội ta...

Quả thực, nếu không có sức dân, chiến dịch không thể nào tiến hành chứ chưa nói đến việc giành thắng lợi.



Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Theo ông, nếu lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thuyết phục được cố vấn, Đảng ủy và kế hoạch "đánh nhanh" vẫn được thực hiện thì liệu kết quả trận đó như thế nào?

- (cười) Nói một cách dễ hiểu, nếu vẫn theo phương án ban đầu, thế hệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến ngày hôm nay. Với hỏa lực mạnh và thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu cố đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái "cối xay thịt" thực sự với quân ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa biết lúc nào mới kết thúc.

Sau này, nhân dịp 10 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số tư lệnh đại đoàn mới dám bày tỏ với với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói rằng, nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Còn đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ bộc bạch: "Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể phải kéo dài thêm 10 năm".

- Vậy theo ông, điểm mấu chốt làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?

- Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến thắng lợi lịch sử này như sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế... Nhưng tất cả đều đồng ý với nhau ở một điểm, yếu tố quyết định chính là cách đánh, là phương án "đánh chắc thắng chắc" mà ta kịp thời áp dụng. Nói một cách chính xác thì điểm mấu chốt nằm ở quyết định thay đổi khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Là một trong không nhiều những nhân chứng còn lại của chiến dịch Điện Biên Phủ, điều gì khiến ông cảm nhận rõ nhất cho đến ngày hôm nay?

- Bất cứ người cựu chiến binh nào đến dịp kỷ niệm như thế này đều trào dâng niềm vui, phấn khởi và cả nỗi nhớ. Như tôi, những ngày này, tôi nhớ người anh trai hi sinh ngay trước khi ta bắt sống tướng De Castries chỉ vài giờ, nhớ những gương mặt đồng đội đã không còn... Một niềm vui chiến thắng đi liền với nỗi đau mất mát. Chiến tranh là thế...

Sinh năm 1926, lúc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung tướng Phạm Hồng Cư là Phó chính ủy Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên. Ông cũng vinh dự được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 với tư cách Cục trưởng Cục Văn hoá, Phái viên Tổng cục Chính trị.

Nguyễn Hưng

Người theo dõi