Lưu trữ Blog

28 tháng 8, 2014

Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng khoa học danh giá

Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá TR35 (Ảnh: Facebook nhân vật)

HỌC MỖI NGÀY. Theo Dân trí,  Lê Viết Quốc, hiện đang làm việc tại Google, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, do tạp chí công nghệ danh tiếng Technology Review trao tặng. (Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá TR35, Ảnh: Facebook nhân vật)

Mới đây, tạp chí công nghệ danh tiếng và lâu đời của Mỹ Technology Review (thuộc Học viện công nghệ Massachusetts MIT) vừa công bố danh sách những người được vinh danh trao giải thưởng TR35 năm 2014, dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ có cống hiến xuất sắc nhất trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, y tế... đáng chú ý, trong đó có Lê Viết Quốc, hiện đang làm nhà khoa học làm việc tại Google.

Sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), khu vực mà Lê Viết Quốc sinh ra không có điện, tuy nhiên Lê Viết Quốc thường xuyên đến thư viện gần nhà để nghiên cứu kỹ càng về những phát minh thông qua những trang sách và mơ ước một ngày nào đó sẽ có những phát minh của riêng mình.

Đến năm 14 tuổi, Lê Viết Quốc cho rằng nhân loại sẽ được giúp đỡ bởi cỗ máy đủ thông minh để có khả năng tự sáng chế. Chính suy nghĩ này đã quyết định đến tương lai của Lê Viết Quốc khi anh định hướng theo con đường nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, Lê Viết Quốc tiếp tục theo học tại Trường Đại học Quốc gia Australia (Úc) và sau đó thực hiện nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo. Trong quá trình theo học tại Úc, Lê Viết Quốc nhận thấy rằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo thường phải có sự giúp đỡ và can thiệp của con người, buộc người dùng phải nhập trước dữ liệu để chúng tập trung xử lý. Kiểu công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này không thu hút Quốc.

Trong khi đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford, Lê Viết Quốc đã vạch ra một chiến lược để làm cho phần mềm tự động học hỏi. Thực tế trước đó giới nghiên cứu đã có những kết quả khả năng, nhưng rất chậm, về việc phát minh phương pháp tự học cho máy tính, gọi là “deep learning”, trong đó sử dụng các hệ thống máy tính mô phỏng tế bào thần kinh con người.

Lê Viết Quốc đã tìm ra cách để tăng tốc nghiên cứu này, bằng cách thiết lập các mạng lưới máy tính mô phỏng tế bào thần kinh với quy mô lớn gấp 100 lần thông thường, cho phép truy xuất dữ liệu lớn hơn gấp hàng ngàn lần. Đây là một giải pháp đủ sức thu hút để “gã khổng lồ” Google quyết định tuyển dụng Lê Viết Quốc vào làm việc. 

Tại Google, Lê Viết Quốc tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình dưới sự hướng dẫn của Andrew Ng, một giáo sư nổi tiếng chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại đại học Stanford.

Khi kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2012, Google đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua về đầu tư nghiên cứu công nghệ “deep learning” giữa các “ông lớn” như Facebook, Microsoft... 

Công nghệ này sau đó đã được áp dụng thử nghiệm bằng cách xây dựng hệ thống có thể tự động nhận diện mèo, con người và hơn 3.000 đối tượng khác nhau chỉ bằng cách xử lý 10 triệu hình ảnh từ các đoạn video được đăng tải trên Youtube mà không cần có sự hướng dẫn của con người. Công nghệ của Lê Viết Quốc đã cho thấy rằng máy móc vẫn có thể tự học hỏi mà không cần có sự trợ giúp từ con người và có thể đạt một mức độ cao về sự chính xác.

Hiện tại công nghệ của Lê Viết Quốc đang được sử dụng trong hệ thống phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận diện giọng nói của Google. 


Được thành lập từ năm 1999 bởi tạp chí công nghệ Technology Review (thuộc quyền quản lý của Học việc công nghệ MIT), giải thưởng thường niên TR35 được trao cho những nhà phát minh có tuổi đời dưới 35, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm y sinh học, điện toán, viễn thông, năng lượng, vật liệu, thiết kế web và giao thông vận tải.


Những người được trao giải là các cá nhân có công trình nghiên cứu được giới khoa học đánh giá cao và hứa hẹn sẽ được áp dụng trong tương lai.

Nhiều tên tuổi lớn của giới công nghệ đã từng được trao giải thưởng TR35, bao gồm Larry Page và Sergey Brin (2 nhà đồng sáng lập của Google), Jonathan Ive (thiết kế huyền thoại của Apple, Linus Torvalds (cha đẻ của hệ điều hành Linux)...

Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.


Phạm Thế Quang Huy
 
Giọng Huế ở Stanford

HỌC MỖI NGÀY. Theo Sài Gòn Tiếp thị. Ấn tượng của Hy Hưng về chuyến thăm ngắn ngày tại trường đại học Stanford, Mỹ là… giọng Huế! Stanford là trường đại học danh tiếng ở Mỹ, nằm cạnh thung lũng Silicon nổi tiếng và trường hợp này thường được dùng để minh chứng cho nhận định “các cụm công nghệ cao hiện đại thường quây tụ quanh các trường đại học nổi tiếng có các công trình nghiên cứu liên quan”. Còn giọng Huế ở Stanford thuộc về một người mới quen, một tiến sĩ thế hệ 8X: TS Lê Viết Quốc.
Stanford, Lê Viết Quốc, Google

Ảnh Chụp tại lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford ngày 16.6.2013. Từ trái sang: GS Andrew Ng, TS Lê Viết Quốc, ông Lê Viết Ái và bà Tôn Nữ Thị Huệ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

I. Khi biết tôi sẽ đến thăm đại học Stanford,
ở Việt Nam, nhiều người- nhất là dân IT nhắn nhủ, nếu có điều kiện thì nên tìm cách đến thăm các công ty, tập đoàn lớn quanh vùng như Google, Facebook, Intel, VMware… để "cho biết với người ta"!
Vừa sang đến Stanford, nhờ người quen giới thiệu, tôi được TS Lê Viết Quốc nhận lời đưa đi thăm công ty Google.
Bản lý lịch tóm tắt của Quốc rất ấn tượng: cựu học sinh Quốc học Huế, du học đại học ở Úc, từng làm nghiên cứu ở Đức; vừa hoàn thành luận án tiến sỹ ở Stanford; đã có 2 năm làm việc ở Google và mới trở thành giáo sư của trường đại học Carnegie Mellon University (CMU), một ngôi trường danh tiếng khác của Mỹ về công nghệ thông tin.
Đúng hẹn, một chiếc Toyota Corolla nhìn đã cũ tiến vào sân khách sạn và một thanh niên nhỏ bé, giản dị quần jean áo pull bước xuống. Câu chào giọng Huế đặc sệt.
Xuống xe, biết đoàn có 5 người mà xe chỉ được chở tối đa là 4 nên Quốc quyết ngay: “chừ phải đi làm hai chuyến, từ đây qua đó cũng nhanh thôi!”
Lên xe, thắc mắc đầu tiên của chúng tôi là với dáng người nhỏ bé, trẻ như vậy, khi giảng trên lớp liệu giáo sư có... run không? Vừa đánh vô lăng Quốc vừa giải thích: “Khi trước chưa quen, nói trước 10 người, 20 người cũng run. Chừ quen rồi, nói trước 1.000 người, 2.000 người cũng bình thường”. Anh giải thích thêm về chức danh giáo sư ở các trường đại học tại Mỹ.

Theo đó, sẽ có các cấp với tên gọi assistant professor, associate professor và full professor. Tại CMU (Carnegie Mellon University), anh sẽ bắt đầu công việc giảng dạy của mình là assistant professor.
Quốc ít nói về mình. Trên đoạn đường từ khách sạn đến trụ sở Google ở Mountain View, anh chỉ kể chuyện ở Stanford, người ta dạy sinh viên cái gì, như thế nào.
Còn về quá trình học tập của Quốc, sau buổi gặp đó, vừa hỏi thêm, vừa kết hợp với thông tin từ trang web của đại học Stanford tôi mới tóm tắt được nét chính: tốt nghiệp Quốc học Huế năm 2000, Quốc vào đại học Bách khoa TP.HCM học 1 học kỳ thì nhận được học bổng phát triển của Úc (AusAID). Quốc ra Hà Nội học tiếng Anh 6 tháng thì sang Úc học khoa học máy tính ở ANU (Australian National University) vào năm 2001 để bắt đầu 4 năm đại học. Đến cuối năm thứ nhất đầu năm thứ hai đại học, Quốc tham dự chương trình Distinguished Scholar làm công trình nghiên cứu của ANU liên kết với NICTA (National ICT Australia). Từ giữa năm 2004, Quốc làm việc về machine learning (một chuyên ngành của bộ môn trí tuệ nhân tạo) với GS Alex Smola. Giai đoạn này Quốc cũng đã có một số bài báo được đăng trong các kỷ yếu hội thảo và một số tạp chí chuyên ngành. Đầu năm 2006, Quốc có sang Mỹ cộng tác với một nhóm nghiên cứu ở Microsoft. Năm 2007 Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Biological Cybernetics.
Cùng thời gian đó, Quốc nộp hồ sơ làm tiến sĩ ở Stanford và được chấp nhận. Quốc đến Stanford làm việc về machine learning dưới sự hướng dẫn của GS Andrew Ng. Trong thời gian nghiên cứu ở Stanfrod, từ hai năm nay, Google có lời mời cộng tác nên Quốc đến làm việc ở đây cùng nhóm với GS Andrew Ng.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào đầu năm 2013, Quốc bắt đầu nộp đơn làm giáo sư ở các trường đại học của Mỹ để theo đuổi các nghiên cứu của mình. Cuối cùng, Quốc được chấp nhận và chọn CMU là nơi làm việc sắp tới.
Theo Quốc thì các trường đại học sẽ duyệt hồ sơ cá nhân kèm theo thư giới thiệu, ý tưởng nghiên cứu, ý tưởng dạy học. Sau khi duyệt là phỏng vấn. Trong các buổi phỏng vấn, ứng viên phải trình bày hướng nghiên cứu và trả lời các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu và dạy học.
Quốc kết luận, “đó là một quá trình vất vả”!
Đến Google, trong lúc vừa đi dạo tham quan văn phòng, cảnh quan... Quốc vừa giới thiệu về Google. Tôi trình bày rằng nói đến Google, tôi chỉ nghĩ đến… chức năng tìm kiếm trong khi quan sát thực tế, tôi không rõ cảm nhận của về Google là một trường học, một viện nghiên cứu hay là một doanh nghiệp, một tập đoàn? Quốc nói ngắn gọn: “Google không chỉ là tìm kiếm. Ở Google, người ta luôn muốn tập hợp những người hàng đầu”.
Về công trình của nhóm các GS và nghiên cứu sinh thuộc đại học Stanford làm việc ở Google mà Quốc đang tham gia, anh giới thiệu đơn giản là “mô phỏng não người”. Đó là nghiên cứu về mạng neuron, tìm cách dùng nhiều máy tính chạy cùng một lúc, tạo ra bộ não để có thể nhận biết các vật thể.
Nghiên cứu này được giới thiệu trên New York Times trong bài “Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo? 16.000” (tạm dịch từ nguyên văn "How many computers to identify a cat? 16,000") xuất bản ngày 25.6.2012. Theo đó, trong công trình này, “các nhà khoa học của Google đã tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng một tỉ kết nối. Sau đó, bộ não nhân tạo này được cung cấp 10 triệu ảnh thumbnail chọn ngẫu nhiên trên youtube. Tiếp theo, bộ não được giới thiệu 20.000 vật thể khác nhau và nó bắt đầu nhận ra hình ảnh con mèo bằng cách sử dụng những thuật toán chuyên sâu. Những bộ vi xử lý này kết nối lỏng trên internet để tự học và sau đó tự nhận ra đâu là hình ảnh một con mèo cho dù không hề được “dạy” rằng một con mèo trông như thế nào. Thuật toán này có thể nhận diện những vật thể phổ biến trên youtube như người, vật nuôi, xe cộ… với độ chính xác cao. Trong khi nhiều công nghệ tự nhận thức khác đều có con người đứng sau giám sát quá trình tự học và phải giúp máy tính xác định trước các vật thể thì công nghệ mà Google thí nghiệm không có sự giúp đỡ này”.
Theo TS Lê Viết Quốc, đây là một bước tiến trong trí tuệ nhân tạo vì nhận dạng vật thể trong những bức hình từ lâu đã được coi là một vấn đề rất khó khăn.
Bài báo trên New York Times nhận định nghiên cứu này dẫn đến sự phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo những chiếc máy có khả năng nhận thức, quan sát, máy hiểu tiếng nói, hay các bộ máy chuyển ngữ, dịch thuật.
II. Hai ngày sau buổi thăm Google,  chúng tôi được Quốc mời tham dự bữa cơm với ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ là ba mẹ của Quốc vừa từ Việt Nam sang dự buổi lễ tốt nghiệp năm 2013 ở Stanford. Quốc chọn một quán ăn nhỏ trên đường California gần đại học Stanford.
Gặp nhau, khi một người trong đoàn tự giới thiệu là đồng hương ở Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế, ông Lê Viết Ái ngạc nhiên làm quen bằng chất giọng đặc Huế: “Nhà tôi cũng ở Hương Thủy, ngay phường Thủy Dương".
Ông kể, suốt những năm học phổ thông cấp 3, Quốc vẫn hàng ngày đạp xe từ Thủy Dương đến Huế. Rồi Quốc ra nước ngoài du học, thỉnh thoảng vài ba năm cũng có lần về thăm nhà chừng mươi ngày lại đi. Thấm thoắt 13 năm trôi qua, chàng trai sinh năm 1982 nay đã là tiến sĩ, giáo sư của một trường đại học ở Mỹ. Nhưng đây mới là lần đầu tiên ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ biết đến môi trường học tập sinh sống của con ở nước ngoài.
Câu chuyện nhắc nhiều đến việc học hành, hội nhập của cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ. Quốc kể về lần đến một trường đại học giảng dạy, tập thể sinh viên Việt Nam ngạc nhiên với vị giáo sư thế hệ 8X người Việt. Sau buổi giảng, họ tập hợp lại, nấu một bữa ăn thuần túy Việt Nam mời giáo sư. “Những lần đi dạy như vậy thật vui”, Quốc nói.
Quốc cho biết, sau hè năm 2013, anh sẽ có buổi lên lớp đầu tiên ở CMU trong môn trí tuệ nhân tạo.
Trở lại câu chuyện lên lớp giảng bài, mọi người cười đùa là vị giáo sư trẻ bước vào lớp, có khi sinh viên lại không nghĩ anh là giáo sư. Có lẽ Lê Viết Quốc đã từng gặp những tình huống như vậy. Vị tiến sĩ 31 tuổi hóm hỉnh trào lộng như tự phê bình: "Người làm nghiên cứu nghĩ thân hình của mình chỉ có nhiệm vụ là mang cái đầu từ chỗ này sang chỗ khác để nói ra cho người ta nghe cái mà mình đang nghĩ", rồi nói tiếp: "Ở đây người ta tôn trọng mình lắm. Người mình to hay nhỏ, già hay trẻ đâu có sao. Quan trọng là mình nói cái chi, giảng cái chi. Người làm nghiên cứu thường coi cái đầu là đáng kể nhất chứ chi nữa!"
 

May mà... đọc Bulukhin và Lê Đình Cánh

HỌC MỖI NGÀY. May mà... đọc Bulukhin và Lê Đình Cánh!  (Hoàng Kim)


MAY MÀ...










Thái miếu (Lam Kinh)






Ngọ môn (Lam Kinh)








Sông Ngọc (Lam Kinh)





May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
Tháp xưa còn tiếng chuông lành
Tường rêu còn nhuộm sứ sành sắc lam.

May mà Huế ở trời Nam
Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
Nhà vườn còn gác trăng treo
Còn diều khuê các bơi chèo gió xanh.

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát, Cổ thành gạch tan
Hán Nôm nghìn tuổi thành than
Nền xưa dấu cũ hoang tàn nắng mưa.



Lê Đình Cánh



Lời bình của Bulukhin:


Lê Đình Cánh là một trong những nhà thơ mà tôi yêu thich. Trong khi lục bát Đồng Đức Bốn xuất thần, bạo liệt, có lúc bụi bặm... Lục bát Nguyễn Duy tài hoa, hóm hỉnh, thì lục bát Lê Đình Cánh cứ rỉ rả mà thâm trầm sâu cay. Xứ Thanh là quê ông,"May mà" là bài thơ ông nói về quê mình. Ở đó có Lam Kinh, một khu di tích rộng khoảng 30 ha ở xã Xuân Lam. Lam Kinh có đến 14 công trình di tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện Lam Kinh, Khu thái miếu triều Lê sơ, Lăng mộ các vua và hoàng hậu , Bia Vĩnh Lăng, Hựu Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Kinh Lăng, Khu đền thờ Lê Lợi, Khu đền thờ Lê Lai, Đền thờ Bố Vệ…

Nhà nước đã bỏ ra vô số công sức và tiền của để tôn tạo phục chế lại Lam Kinh nhưng rồi không hiểu sao vong linh các vua chúa cứ hỏi nhau nơi đây là đâu nhỉ? Có phải là Lam Kinh vàng son trên đất Thọ Xuân Thanh Hóa không? Lê Đình Cánh làm thơ chứ không làm vua nên ông không hỏi thế. Mà hỏi ai? và ai trả lời? ông thảng thốt kêu lên "may mà" nghe sao mà ai oán.
May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành


Nhà thơ vẫn rỉ rả nói về Huế, thì Huế vẫn còn đó nguyên vẹn, cho nên Unesco mới phong tặng danh hiệu Di sản Văn hoá của nhân loại chứ sao.


May mà Huế ở trời Nam

Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
...

Thế rồi đột ngột như cầu thủ nhà nghề phạt trực tiếp 11 mét. Tác giả cho bóng vào gôn đối phương

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan

Lê Đình Cánh tuyệt nhiên không nói đến Lam Kinh, vì sao vậy? Đấy là kiểu chơi trốn tìm, buộc người đọc phải tò mò tìm kiếm, sau đó mới “ngộ” ra. A, đúng rồi đấy là Lam Kinh, Thọ Xuân Thanh Hóa. Ai mà chẳng biết  xứ Thanh là phát tích nhiều triều đại vua chúa từ Lê sơ, hậu Lê, cho đến nhà Nguyễn. Vong linh các vị không còn lăng tẩm xưa cũ mà về, vì hậu duệ thời a còng (@) đang làm cái việc được dán nhãn “duy tu và tôn tạo” các di tích lịch sử và văn hoá nước nhà !!


Nguồn: Bulukhin

Video yêu thích
 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính
 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con  

20 tháng 8, 2014

Thư của Bà Trưng gửi lão Hâm


HỌC MỖI NGÀY. Sáng nay thăm anh  Phan Chi Thắng, tôi gặp thư của Bà Trưng gửi lão Hâm.


Cháu Hâm thân mến!


Bà ngại lắm, nhưng vẫn cố viết thư này gửi cháu.

Ngại thứ nhất là bà hơn cháu đúng 100 thế hệ, nếu tính 20 năm là một thế hệ. Chả nhẽ xưng cụ mấy chục lần cụ gửi cháu mấy chục lần cháu thì nghe lạ tai và buồn cười quá?

Ngại thứ nhì là bà không biết chữ Việt hiện đại, phải nhờ một nhà ngoại cảm ghi lại rồi vào Google Translate dịch ra cho cháu hiểu.

Ngại nhưng vẫn phải viết.

À, bà cần giải thích thêm là vì sao bà lại gửi thư cho cháu mà không gửi cho ai khác? Vì bà nghĩ bây giờ người hâm nói ra có khi người ta còn tin hơn là người normal cháu ạ. (Ghi chú: Chỗ này Google dùng từ normal)

Sự việc là vừa rồi bà nghe tin Thành phố Hà Nội định tổ chức kỷ niệm long trọng 2000 năm ngày sinh của bà. Bà vừa mừng vừa lo. Mừng và lo đến nỗi suýt nữa thì bà đội mồ sống lại.

Mừng vì đàn cháu chắt chút chít chụt chịt 100 đời của bà vẫn nhớ đến bà. Thật là thơm thảo!

Lo là chính bà đây cũng không có cách nào biết ngày sinh của mình. Đã có lần bà hỏi thân mẫu thì thân mẫu, nghĩa là mẹ của bà bảo rằng cụ chỉ nhớ sinh ra bà vào cái đận lụt lớn, ngay sau vụ một đàn voi rừng về phá nát ruộng nương. Vậy thì ngày nào, năm nào, tháng nào, bà chả làm sao tra lịch Vạn niên ra được.

Đã mang thân là anh hùng dân tộc, chả nhẽ bà nhận xằng, mà nhận xằng khác gì nói dối?

Hôm nay, nỗi lo của bà đã vợi đi quá nửa, khi nghe tin Lãnh đạo Hà Nội quyết định tạm hoãn tổ chức lể kỷ niệm ngày sinh của bà. Thế là OK, sẽ OK hơn nữa là đừng có bao giờ làm việc đó (Ghi chú: văn phong của Google)

Nhân đây bà muốn nhờ cháu một việc. Cháu có quen ai trên Thành phố không? À quên , bà hỏi hơi bị thừa, thời này làm quen dễ lắm, miễn là có money. (Ghi chú: Google dịch dở ẹc!)

Nhờ cháu nhắn giúp bà tới các vị lãnh đạo thành phố:

1. Bỏ cái trò tạ sự lễ hội mí lại kỷ niệm ngày sinh ngày sọt. Ai anh hùng là anh hùng trong lòng dân. Hai ngàn năm nay không kỷ niệm ngày sinh của Bà Trưng thì Bà Trưng có biến thành Bà Tưng đâu mà sợ?

Làm tốn tiền dân, mà dân bây giờ chả vừa, hơi tý lại bảo các quan vẽ chuyện để xơi.

2. Dùng số tiền đáng ra tổ chức lễ hội để lo cho việc cấp và thoát nước của thành phố. Ai đời thành phố to nằm trong Top Ten của thế giới mà lúc thì mấy ngàn hộ dân không có nước sinh hoạt, lúc thì mới mưa sơ sơ phố đã thành sông?

3. Mục thứ ba này là xuất xứ từ mục số 2 nói trên.

Nếu cực chẳng đã phải tổ chức sinh nhật cho ai đó, tốt nhất là làm cho ông Sơn Tinh. Ông này sẽ giúp chống lại Thủy Tinh một cách có hiệu quả. Sẽ không sợ thiếu nước sạch và thừa nước thải.

Dưng cơ mà đành phải bịa ra ngày sinh của ông ấy. Vì ngay ông ấy, khác bà, là chả biết mẹ mình là ai để hỏi cho biết ngày ông ấy ra đời. Mặc dù bà có mẹ cũng coi như không, tất nhiên là về phương diện xác định ngày sinh.

Nhiều khi bịa đặt mà được việc thì cũng nên bịa cháu ạ.

Đấy bà có mấy ý kiến thế thôi, giấy vắn tình dài.

Cuối cùng bà muốn nói là bà yêu cháu!

Nguồn: Lão Hâm (Phan Chí Thắng * )

(*) Đọc "Mụ Thìn" truyện Phan Chí Thắng


Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

17 tháng 8, 2014

Nguyễn Ánh và Nguyễn Du, đọc và ngẫm


HỌC MỖI NGÀY. Phạm Dũng giới thiệu  "Nguyễn Ánh và Nguyễn Du" trích KỊCH NGUYỄN ÁNH trên trang Nguyễn Trọng Tạo. Tôi bật cười nhớ đến bức ảnh "bù nhìn canh ruộng" của TM và lời thoại đáng suy ngẫm:  "NGUYỄN ÁNH: Trẫm đùa thôi. Những kẻ ngông bên ngoài cũng chỉ là phường bù nhìn canh ruộng. Trẫm biết ông ngông. Ông ngông ở trong tác phẩm kìa. Không ngông làm sao dám ngợi ca một kỹ nữ Thúy Kiều, một loạn thần Từ Hải. Không ngông làm sao mà trong tác phẩm của mình chỉ có một mệnh quan duy nhất, một tổng đốc đại thần lại tráo trở, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến?. NGUYỄN DU: Dạ… thưa bệ hạ… hôm nay bệ hạ triệu thần đến đây chắc không phải chỉ để bàn về mấy cái chuyện cỏn con đó?. NGUYỄN ÁNH: Mấy chuyện đó sao có thể là chuyện cỏn con… Nó là văn hóa, là nguồn cội của một dân tộc...". Tôi vẫn còn nợ bài Nguyễn Du nửa đêm đọc lại



NGUYỄN ÁNH VÀ NGUYỄN DU



Gia Long - Nguyễn Ánh
(Trích KỊCH NGUYỄN ÁNH)
PHẠM DŨNG
Vở kịch này đã được giải của Hội sân khấu Việt Nam. Một thành viên Ban Giám Khảo nhận xét: “nói lên được một số vấn đề của thời đại một cách sâu sắc!”. Đây là đoạn đối thoại giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Du.
Nội dung:
Nguyễn Ánh phẩy tay. Lê Văn Duyệt vào rồi ra cùng Nguyễn Du. Nguyễn Du chào theo nghi lễ. Nguyễn Ánh tiếp chân tình.
NGUYỄN ÁNH: Ồ! Mời ngồi… người đâu, mời rượu.
NGUYỄN DU: Bẩm Hoàng thượng… hôm nay long thể của người…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm không uống không có nghĩa là khách của trẫm không uống.
Người hầu bưng rượu ra. Nguyễn Ánh rót ra cho Nguyễn Du.
NGUYỄN ÁNH: Mời!
NGUYỄN DU: Dạ, thần… xin đạ tạ… nhưng…
NGUYỄN ÁNH: (cười) Trẫm có nghe nói người ta bảo uống rượu dở nhất là uống với vua. Uống ngon là uống với cố tri… nhưng đặc biệt, một hôm nào đó về làng, trai thanh gái tú, dưới ánh trăng mờ ảo… vừa uống vừa… ca hát và tý toáy được với một cô gái làng…
NGUYỄN DU: Thưa bệ hạ, đó là chuyện tầm phào của bọn người đường chợ, bệ hạ nghe làm chi cho rác tai rồng.
NGUYỄN ÁNH: Nào, tả tướng khanh cạn chén với quan Đông các đại học sĩ cho có bạn.
LÊ VĂN DUYỆT: Dạ, bệ hạ cho thần không phải phạm quân lệnh ạ.
NGUYỄN DU: Dạ, bệ hạ đã nói thế thần xin không dám khước từ. (Nguyễn Du uống cạn) Dạ… rượu ngon lắm ạ.
NGUYỄN ÁNH: Ha! Ha! Ha! Cứ bảo nhà thơ là ngông… nhưng sao trẫm thấy khanh rất… khoan hòa…
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm đùa thôi. Những kẻ ngông bên ngoài cũng chỉ là phường bù nhìn canh ruộng. Trẫm biết ông ngông. Ông ngông ở trong tác phẩm kìa. Không ngông làm sao dám ngợi ca một kỹ nữ Thúy Kiều, một loạn thần Từ Hải. Không ngông làm sao mà trong tác phẩm của mình chỉ có một mệnh quan duy nhất, một tổng đốc đại thần lại tráo trở, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến?
NGUYỄN DU: Dạ… thưa bệ hạ… hôm nay bệ hạ triệu thần đến đây chắc không phải chỉ để bàn về mấy cái chuyện cỏn con đó?
NGUYỄN ÁNH: Mấy chuyện đó sao có thể là chuyện cỏn con… Nó là văn hóa, là nguồn cội của một dân tộc. Còn nhớ nhà Nguyên xâm lược Trung Quốc, rồi sau đó vì nền văn hóa Trung Quốc lớn hơn, sâu sắc hơn mà nhà Nguyên bị nhà Minh đồng hóa. Người dân sống theo cách sống của nhà Minh đã đành mà quan lại cũng sống theo cách sống của nhà Minh. Và rốt cuộc hóa ra lại là nhà Nguyên bị nhà Minh xâm lược.
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Dạ, sao quan Đông các đại học sĩ có gì muốn nói?
NGUYỄN DU: Dạ… thần nghĩ đó là những ý nghĩ sâu sắc và thấu đáo hiếm có của một bậc quân vương.
NGUYỄN ÁNH: Chà! Trẫm ngồi trên ngai vàng mà suốt ngày nghe nào là sâu sắc, nào là thấu đáo, thậm chí minh ý nữa…  Cứ thế thì dẫu vua Nghiêu vua Thuấn cũng khó mà không ngộ nhận về bản thân.
NGUYỄN DU: Nhà vua đã chấp nhận mình… làm vua thì phải chấp nhận những thứ theo cùng với nó. Ví như một người nghèo thì khó mà không bị khinh rẻ. Một người thành đạt khó mà không được nể vì. Người bại trận khó mà không bị người đời gọi là ngụy tặc.
NGUYỄN ÁNH: Đúng thế! Và đó là điều trẫm lo lắng.
NGUYỄN DU: Dạ… Hoàng thượng đã biết lo lắng tất Hoàng thượng đã có chủ ý không để những điều tầm thường, sai trái làm mình lầm lạc.
NGUYỄN ÁNH: Nhưng còn con, còn cháu trẫm… (Nguyễn Du im lặng) Thôi được rồi, Nguyễn Du… Nhiều lúc ta… ta cô đơn lắm khanh biết không?
NGUYỄN DU: Dạ… thần trộm nghĩ không chỉ riêng bệ hạ…
NGUYỄN ÁNH: Cả khanh cũng thế ư? (im lặng) Có lẽ bất kể ai tự mở con đường riêng của mình… cũng đều sẽ có cảm giác này. Họ không có người chia sẻ… (im lặng hồi lâu) Khanh?
NGUYỄN DU: Dạ, có thần…
NGUYỄN ÁNH: Bây giờ trẫm phải làm gì?
NGUYỄN DU: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Trẫm phải làm gì?
NGUYỄN DU: Dạ, thần không hiểu… ý của bệ hạ?
NGUYỄN ÁNH: Trẫm… Ta… ta muốn nói về những sai lầm của ta trong quá khứ. Ta đã cầu viện ngoại bang, ta đã đào mồ Nguyễn Huệ. Ta đã giết hại công thần… ta phải làm sao để xóa đi những vết ố trong quá khứ của mình… Ta đã bắt giam quan ngự sử khi hắn không chịu viết theo ý ta… Ta có thể sai các văn thần tô vẽ lên lịch sử đời mình với những trang chói lọi… Nhưng như thế đâu phải là ta…
NGUYỄN DU: Bệ hạ… bệ hạ còn day dứt vì điều đó… còn hiểu bệ hạ  cũng chỉ là một quân cờ của đấng cao xanh thì chính là bệ hạ đã lĩnh được ý thiêng của thánh thần rồi ạ.
NGUYỄN ÁNH: Khanh nói nữa đi… những lời từ gan ruột…
NGUYỄN DU: Bệ hạ… bệ hạ không thể sửa chữa những sai lầm nhưng nếu bệ hạ… trong phần đời còn lại… biết sống cho bá tánh… và hậu duệ của bệ hạ cũng biết sống như vậy, thì nhân dân sẽ tri ân với bệ hạ hơn là hờn trách những sai lầm của bệ hạ.
NGUYỄN ÁNH: Không! Khanh an ủi ta…  Mà thôi ta và khanh là đạo quân thần… Ta phải chấp nhận thôi… Chấp nhận đã ngồi trên ngai vàng thì không thể nào có một người tri kỷ… Khanh về đi.
NGUYỄN DU: Dạ… hạ thần xin cáo lui ạ…
Nguyễn Du vào. Nguyễn Ánh ho rũ rượi. Thái tử Đảm vào.
THÁI TỬ ĐẢM: Cha! Cha ho nhiều quá. Thái y đâu?
THÁI Y: Dạ! Thuốc của bệ hạ đây ạ.
Thái y mang thuốc vào. Thái tử cho Nguyễn Ánh uống. Nguyễn Ánh uống xong.
NGUYỄN ÁNH: Con…
THÁI TỬ ĐẢM: Gì, thưa cha!
NGUYỄN ÁNH: Tuy con có những điểm không bằng các anh con nhưng con lại được gần cha nhiều hơn. Con thông minh, có ý chí và lòng bao dung, đó là ba phẩm chất để tạo ra một vị vua sáng. Con cần biết điều này. Khi con đã chấp nhận làm vua là con phải chấp nhận sống không theo nhưng thế tục thông thường… Thí dụ cha cố tình bức hại Nguyễn Văn Thành…
THÁI TỬ ĐẢM: Cố tình?
NGUYỄN ÁNH: Phải… Chính là vì cha sợ cho con sau này. Ông ta chẳng những là một vị tướng lỗi lạc mà còn là một người có uy tín trong triều. Con sẽ không đấu lại ông ta khi cha mất. Cái họa thái sư Bùi Đắc Tuyên đối với vua Quang Toản con trai Nguyễn Huệ là nhỡn tiền. Lê văn Duyệt cũng là một kẻ gian hùm, cha có thể ra tay trừ khử nhưng… Sau khi cha chết con hãy dùng ông ta làm vật tế để bọn quan thần kinh sợ.
THÁI TỬ ĐẢM: Ôi cha?
NGUYỄN ÁNH: Với bọn nước ngoài con nên gắng học hỏi nhưng đừng để cho họ gần mình. Khi để họ gần con sẽ lu mờ và uy danh thiên tử sẽ dần dần sẽ mất thiêng đi. Còn với những nước gần ta thì với nước lớn ta phải khôn khéo đừng bao giờ để chúng mất thể diện. Với nước nhỏ thì phải luôn khiến chúng cảm thấy cái uy của mình mà thực tâm nể phục.
THÁI TỬ ĐẢM: Con thấy cha rất tôn trọng Nguyễn Du?
NGUYỄN ÁNH: Cũng là bề ngoài thôi. Có lần ta bảo ông ta so sánh ta với Nguyễn Huệ. Ông ta nói Nguyễn Huệ là một nông dân không có thiên mệnh làm thiên tử, nên dù đánh thắng 20 vạn quân Thanh vẫn không được làm vua. Ta hơn ông ấy vì, cuối cùng ta đã đã thắng ông ta. Nhưng, con phải biết là một quan đương triều mà xây dựng nên một hình tượng quan lại phản trắc, vô sỉ như Hồ Tôn Hiến… thì chắc chắn vị quan đó có rất nhiều uẩn ức và không hết lòng với triều đình mà ông ta đương phải nương nhờ.
THÁI TỬ ĐẢM: Thế thì con phải làm sao?
NGUYỄN ÁNH: Không riêng gì Nguyễn Du, những quan lại từng theo Lê – Trịnh giờ làm quan cho ta đều có chung nỗi niềm: một thân phải thờ hai chủ. Bọn danh sĩ Bắc Hà còn tức tối vì chuyện triều đình thường o bế, tâng tiu những quan lại phía đàng trong do đám quan lại này có công phò tá ta những năm gian khổ. Danh sĩ Bắc Hà thường là những kẻ có tài… rất hữu dụng cho ta khi xây dựng vương triều. Con phải biết tùy người, tùy việc mà ứng phó.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ, con xin nghe lời cha…
NGUYỄN ÁNH: Còn nữa, cái bọn văn nhân hèn kém ấy, chúng luôn xúc xiểm bá tánh làm loạn. Bá tánh như trâu bò ngựa dê, mình khéo chăn dắt thì sẽ vào khuôn khổ. Không có cái lũ văn nhân rót vào tai chúng những điều xằng bậy thì lũ trâu bò kia có bao giờ biết ngẩng lên mà nói tiếng người.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ…
NGUYỄN ÁNH: Với bọn văn nhân con cư xử với chúng nhất định phải khôn khéo. Luôn an ủi vỗ về chúng, và cho chúng thỏa mãn cái ngông kẻ sĩ. Lôi kéo được thì tốt, bằng không được thì cũng đừng bao giờ làm chúng nổi điên.
THÁI TỬ ĐẢM: Dạ… con xin khắc cốt ghi tâm.
NGUYỄN ÁNH: Tuy nhiên đôi khi trong những tác phẩm của chúng cũng có những điều ta cần phải học. Nguyễn Du từng khuyên cha muốn giữ vững ngai vàng phải chăm lo đến bá tánh. Con hãy nhớ những ông vua khai quốc bao giờ cũng chú ý đến bá tánh, những đời vua sau thường chỉ lo hưởng lạc. Đó là họa mất nước. Ông ta cũng nói rằng những sai lầm của cha sẽ được người đời quên đi nếu đời con biết chăm lo đến bá tánh… sửa những sai lầm cha đã mắc. (ho rũ rượi)
THÁI TỬ ĐẢM: Con sẽ khắc cốt ghi tâm điều này. Cha mệt rồi… cha đi nghỉ đi.
NGUYỄN ÁNH: Còn điều này nữa, sau khi cha chết… con hãy thả Nguyễn Trung Nghĩa ra và cho phục lại chức cũ…
THÁI TỬ ĐẢM: Nhưng hắn…
NGUYỄN ÁNH: (khoát tay) Lịch sử… Cuối cùng thì cha cũng nhận ra không một ông vua nào có thể viết lại lịch sử theo ý của mình… con hãy nhớ điều đó để luôn tự sửa mình.

16 tháng 8, 2014

Đọc và cảm nhận "Về miền Tây, thương..."


HỌC MỖI NGÀY. "Về miền Tây,  thương ..." là tản văn hay của Nguyễn Thị Hậu (Hậu Khảo Cổ trên Facebook). "Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được …" Chữ thương càng đằm thắm hơn khi bạn đã trãi nghiệm giấc mơ hạnh phúc, đã hiểu được sức nặng của yêu thương, nhớ nhung và đầy đặn nghĩa tình ... để thấm thía được ý nghĩa sâu xa của đời người: năm tháng sẽ đi qua chỉ tình yêu ở lại ... (Hoàng Kim đọc và cảm nhận)



VỀ MIỀN TÂY, THƯƠNG…

Nguyễn Thị Hậu

Quê tôi ở miền Tây. Còn tôi sống ở Sài Gòn.

Quê ngoại tôi chỉ cách quê nội một nhánh Tiền Giang nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp, xưa ghe chèo nay là chiếc phà có thể chở xe tải nhẹ hay xe hơi 16 chỗ. Mỗi ngày hàng chục lượt phà qua lại nối liền Cù Lao Giêng với thành phố Cao Lãnh, dân cù lao buôn bán quanh năm hay chợ búa hàng ngày từ lâu đã quen thuộc với thị tứ bên này. Nhiều gia đình kết sui gia với nhau, ngày rước dâu chiếc phà rực rỡ sắc màu chạy trên sông, lẫn trong tiếng máy nổ đều đều là tiếng nhạc rộn rã và tiếng con nít chỉ trỏ í ới...

Những đám rước dâu, đưa dâu trên sông gợi nhớ bài hát “Ngẫu hứng Lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội đã cảm nhận được sự bình dị và lời ăn tiếng nói của người miền Tây để chuyển thành những câu ca nghe chạm vào tận đáy lòng “bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Đóa hoa tím trôi líu riu, dòng sông nước chảy líu ríu… anh thấy em nhỏ xíu anh thương… Những đêm ngắm sông nhớ em buồn muốn khóc…”. Có một thời tôi đã thầm nghĩ, nếu có ai đó chỉ cần nói với mình một câu giản dị “anh thương em” thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo. Lúc đó tôi còn chưa hiểu vì sao chữ “thương” của người miền Tây lại làm mình nao lòng đến thế. Sau này, mỗi lần về quê hay đi công tác miền Tây là đi qua vô số những cây cầu dọc theo quốc lộ, nhìn những con sông, dòng kinh, con rạch… xanh mướt hai bờ, ghe xuồng xuôi ngược, chợ búa ở đầu cầu tấp nập, trái cây rau cải tôm cá tươi chong… Bỗng thấy thương quê mình gì đâu! Mới hiểu, chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi vì thương không chỉ là thương yêu cha mẹ anh em, mà còn là thương nhớ người dưng, thương xót thân phận ghe xuồng trên sông, thương những gì gắn bó cả đời như thương chính mình.… Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được …
Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa mới, mang cá tôm về làm mắm làm khô nuôi sống dân miền Tây trong những tháng mùa khô sau đó; thương những mái nhà lá lô nhô trong nước, thương đồng lúa chín gặt vội chạy cho kịp mùa nước nổi, thương bầy trâu lặn lội mùa “len”, thương đàn vịt đồng ốm nhom mùa nắng tới…

Về miền Tây thương con nước ngày hai lần nước lớn cho ghe xuồng đi xuống miệt ruộng vùng sông Hậu, nước ròng cho ghe xuồng đi lên miệt vườn trên những cù lao sông Tiền. Mùa nước nổi có xuồng “năm quăng” giúp bà con sinh sống. Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… khuất vào đám dừa nước rậm rạp rồi chợt hiện ra nhỏ nhoi đơn côi trong tiếng “bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”. Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược “buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…

Về miền Tây thương những xóm làng nghèo khó mà ấm áp tình người. Trưa vắng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, cầu dừa chông chênh cô thiếu nữ thoát thoắt bước qua. Chiều xuống những bến nước ven con rạch ồn ào trẻ nhỏ, đờn bà giặt đồ trên chiếc cầu tre, đờn ông chạy ào xe máy trên đường mòn, bất chợt nghe tiếng ai kêu dừng lại gạt chân chống để đó ghé vô, có khi tới khuya mới quay ra, xiêu xiêu lên xe chạy tiếp về nhà…

Về miền Tây thương những con đường giữa bóng xoài bóng dừa mát rượi, thương hàng rào bông bụt nhà ai đỏ vàng rực rỡ, thương dàn bông giấy màu trắng tím đỏ ngời lên trong nắng hạn làm lóa ánh mắt người qua… Về miền Tây thương nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, thương bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe, thương lò trấu trong gian bếp gọn gàng như những người đờn bà miền Tây vén khéo.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố.

Về miền Tây thương những chành gạo ven sông, xà lan ghe lớn ghe nhỏ vào mùa gặt tụ họp về đêm ngày trên bến, những băng chuyền thay sức người tải gạo lên kho xuống ghe không dứt. Thương những lò gạch tròn như tổ tò vò khổng lồ in bóng xuống dòng sông. Những con sông dòng kinh như những mạch máu nuôi sống miền Tây.

Về miền Tây thương rừng tràm rừng đước xanh bạt ngàn miệt U Minh nước đỏ. Đêm Năm Căn câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Thương những Bãi, Bàu, Bắc, Bến, Bưng, Cái, Cầu, Cồn, Cù lao, Cửa, Đầm, Đồng, Gành, Hòn, Hố, Láng, Lung, Mũi, Mương, Rạch, Tắc, Vàm, Vũng, Xẻo… nghe giản dị mà gợi hình gợi cảnh.

Về miền Tây thương đám lục bình bông tím mong manh trôi xuôi ngược trên sông. Lúc nước ròng thì tấp vô như tìm chút hơi ấm của bờ đất mẹ, khi nước lên lại bơ vơ dập dờn trên mặt nước. Bông lục bình đẹp như em gái miền Tây, chơn chất, hiền lành, biết lo toan cho gia đình cha mẹ, khi em phải lấy chồng xa xứ khác nào số phận lục bình trôi… Chỉ mong mỗi ngôi nhà và những người đờn ông miền Tây sẽ là những bè tầm vông chắn sóng chắn nước cho giề lục bình bông tím mong manh đừng trôi xa, bình yên ở lại bờ bến quê nhà.

Về miền Tây thương những gian bếp có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Sân nhỏ trước nhà lác đác lá khô của cây mận hồng đào. Thương từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành vào mùa Tết, thương mỗi đêm gió chướng nghe trái cây ngoài kia rơi lộp bộp, thương bầy trẻ con tranh nhau lượm những trái mận chín rụng, giòn và ngọt như đường phèn.

Về miền Tây thương những giọng hò ơ lai láng trên sông, thương câu vọng cổ thổn thức đêm đêm, thương bài đờn ca tài tử những ngày giỗ chạp, thương những “hẹn, hò”, “giỗ, quảy”… Về miền Tây thương người dưng buông câu “anh thương em” để trái tim lỗi nhịp, thương em gái nghẹn ngào “em thương ảnh, chị ơi…” nặng đến thắt lòng… Chỉ một tiếng “thương” thôi mà miền Tây đã níu giữ bao người ở lại, bao người đã đi rồi còn quay trở lại.

Về miền Tây thương những cửa sông rộng mênh mông, từng là con đường dẫn ông cha đi tìm đất khẩn hoang lập ấp. Thương vùng biển bồi bùn nâu nước lợ, mắm trước đước sau lấn biển, cả ngàn năm mũi Cà Mau dày thêm từng thước đất.

Về miền Tây thương những con người bao đời khó nhọc, nói “làm chơi ăn thiệt” vì không hay than thở, nói “làm đại đi” vì can đảm dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Thời thế nào cũng có những người “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, dù sau đó có phải chịu nhiều oan khuất…

Về miền Tây…

Thương quá, miền Tây ơi!

Sài Gòn, tháng 11. 2013
http://plo.vn/que-minh/ve-mien-tay-thuong-445626.html

Người theo dõi