Lưu trữ Blog
13 tháng 12, 2008
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc:"Chống gậy" đi tìm ánh sáng thảm án "Lệ Chi Viên"
Mai Thục (Báo Người Hà Nội trực tuyến 12.12.2008)
Đền Côn Sơn, nơi thờ Nguyễn Trãi
NHN - Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bảo: “Những ai cầm đuốc soi vào quá khứ, xây đền thờ, dựng tượng, tôn vinh Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ- thiếp yêu của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là “Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ”. Đúng vậy. Chúng tôi đã yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ. Song chưa ai dám so với tình yêu của Hoàng Đạo Chúc. Ông yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ đớn đau, khắc khoải, chân thành, hồn hậu tình ruột thịt, và hành động hết mình cho tình yêu cao cả đó.
Hàng chục năm qua, ông âm thầm, lăn lộn, tìm tòi, nắm tay các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ, học giả và các doanh nhân tài năng, tâm đức… cùng nhau “xé màn đêm lịch sử”, tìm ra ánh sáng bị vùi lấp quanh “Thảm án Lệ Chi Viên” gần sáu trăm năm trước, và xây đền, đúc tượng thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Cả dân tộc xót đau. Không bao giờ quên. Ngày 17-8 năm Nhâm Tuất (1442). Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và ba họ đã bị xử trảm. Tiếng oan dậy đất trời. Xao xác Thăng Long. Truyền cả địa cầu. Không năm tháng.
Nửa đêm về sáng ngày 4-8 năm Nhâm Tuất, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà tại Lệ Chi Viên (vườn vải thuộc xã Đại Lai, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Lê Thái Tông đi tuần miền Đông và ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, cùng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ về Thăng Long, nghỉ lại Lệ Chi Viên cái đêm định mệnh ấy. Lê Thái Tông chết. Nguyễn Thị Lộ ở bên. Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi bị vu tội giết vua.
Thảm án Lệ Chi Viên kinh hoàng. Lệ Chi Viên - nỗi đau tinh thần của dân tộc, đời này sang đời khác. Hai mươi năm sau. Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, khẳng định Nguyến Thị Lộ không có tội. Nhưng số đông quan lại xu nịnh và nhà Nho hủ lậu không dám nhìn thẳng vào sự thật. Không ai dám lên tiếng tố cáo Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ đã bị giết bởi “lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội do chính Nguyễn Trãi đã chiến đấu hơn mười năm gian khổ để góp phần xây dựng nên” (Trần Huy Liệu). Họ nhìn Nguyễn Thị Lộ bằng con mắt tầm thường, khinh rẻ phụ nữ. Họ không biết nhìn vào tâm hồn, trí tuệ, tình yêu thương lớn của người đàn bà ấy, mà chỉ nghĩ về tính dục, thân thể, sắc đẹp của nàng… cho rằng vua say tửu sắc với Nguyễn Thị Lộ mà chết. (Nếu đúng thế thì đáng đời kẻ làm vua chơi bời vô độ! Tại sao lại kết tội Nguyễn Thị Lộ giết vua?).
Bọn bồi bút phủ lên vụ án Lệ Chi Viên câu chuyện “Rắn báo oán”, đổ lỗi cho Nguyễn Thị Lộ theo lối hoang đường, nhằm xoa dịu, trấn an. Nhưng lòng dân đau đớn. Những ông quan thanh liêm và kẻ sĩ, uất hận- biết rõ vì sao Nguyễn Trãi phải chết?
Bởi ông vạch tội “bọn bầy tôi hèn mọn trong cung đình, lạchuyên việc xếp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao? Bởi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ dám can thiệp vào sự tranh giành quyền lực nơi hậu cung giữa Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao, cứu Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh căm thù vợ chồng Nguyễn Trãi. Bởi Lê Thái Tông rất tin dùng Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ, thường xuyên đàm đạo với nàng.Cái chết do hàng ngàn nguyên cớ của vua Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên, có mặt Nguyễn Thị Lộ, là dịp tốt để Nguyễn Thị Anh diệt vợ chồng Nguyễn Trãi và nhiếp chính thay con trai hai tuổi (vua Lê Nhân Tông). Thảm án Lệ Chi Viên là vụ đảo chính cung đình, do Nguyễn Thị Anh và bè lũ chủ mưu. Nguyễn Thị Anh đã ra lệnh bắt Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ và chu di tam tộc. Sử gia Ngô Sĩ Liên ngậm ngùi ghi vào quốc sử: “Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua”.
Không có bất cứ một bằng chứng nào chứng tỏ Nguyễn Thị Lộ giết vua. Sự thật sáng như trăng Thu, bị quyền lực đen tối đè sâu. Nỗi oan vùi lấp thành ẩn ức, truyền đời nọ, kiếp kia.
Dân làng Khuyến Lương- Thanh Trì- Hà Nội dựng ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ cùng nỗi đau không hóa giải được, cúng lễ tuần rằm và ngày giỗ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ (16-8 âm lịch).
Hơn năm trăm năm sau. Chẳng biết có linh ứng gì mà nhà giáo Hoàng Đạo Chúc “chống gậy” đi vận động các nhà sử học, nhà văn hóa, nghệ thuật… mở hội thảo “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với Thảm án Lệ Chi Viên”. Hàng trăm tiếng nói vang lên tôn vinh Nguyễn Thị Lộ “Một nữ sĩ tài hoa, một nhà giáo nữ sớm nhất được biết tên, văn chương phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Hơn nữa, chính bà đã cùng chồng cứu sống mẹ con hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng tử Tư Thành, bảo vệ cho đất nước một minh quân lỗi lạc của văn hóa Đại Việt: Hoàng đế Lê Thánh Tông”.( Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Thảm án Lệ Chi Viên- tr.13 (NXB Văn hóa Thông Tin- 2004).
Hội thảo gây tiếng vang. Dân tộc ta tự hào về Nguyễn Thị Lộ- người đàn bà đầu tiên được phong nhà giáo cung đình. Đức Bà xứng đáng được tôn vinh. Nhưng giáo sư Vũ Khiêu đốt nén hương trước bàn thờ Đức Bà ở Khuyến Lương đã “Ngậm ngùi thấy rằng trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn một ngôi đền tàn tạ này dành cho việc thờ cúng Bà. Phải chăng nỗi oan ức làm tối đen cả trời đất cách đây gần sáu trăm năm, vẫn chưa được xóa sạch đối với con người trong sáng này”. Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình của thương binh Hà Nội kịp thời công đức hàng trăm triệu tu sửa lại ngôi đền cổ linh thiêng thờ Đức Bà tại Khuyến Lương đã hoang phế. Ngôi đền duy nhất dân ta thờ Nguyễn Thị Lộ ở làng Cổ Mai Đàm, chính là “góc thành Nam”- nơi Nguyễn Trãi dạy dân học và viết Bình Ngô sách, ông đổi tên thành Khuyến Lương, mang ý nghĩa khuyến học, khuyến thiện.
Tiếng nói của kẻ sĩ Hà Thành tiếp sức cho nhà giáo Hoàng Đạo Chúc. Ông lại “khăn gói lên đường”, cùng tiến sĩ Đinh Công Vĩ tìm về làng Tân Lễ huyện Hưng Hà- Thái Bình (nơi sinh Nguyễn Thị Lộ) và về Lệ Chi Viên vận động xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ ở hai địa danh linh thiêng này. Khó khăn chồng chất khó khăn. Ít người biết Nguyễn Thị Lộ. Nhiều người thành kiến, nghĩ sai về Bà.
Nói chi đến xây đền, dựng tượng? Bền bỉ, kiên định, bỏ qua những lời xầm xì, dị nghị, Hoàng Đạo Chúc nhẫn nại đi khắp nẻo đường, tìm Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ. Và tình yêu dào dạt, chân thành trong ông giáo tuổi bảy mươi đạt đạo làm người, đã truyền sang cộng đồng. Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ tụ quanh ông. Người góp trí tuệ, người góp công, người góp tiền của, chính quyền và dân hai vùng đất trên giành đất, xây đền… Tổng giám đốc Công nghệ và Thương mại T&T Đỗ Quang Hiển, doanh nhân quê Thái Bình, công đức gần tỷ đồng, xây hai ngôi đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên và Tân Lễ.
Hai ngôi đền thơm hương khói ở hai vùng đất oan khiên, như chở hồn Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ bay lên, mỉm cười bao dung. Tha thứ cho bọn người mù quáng, tham quyền lực, bạc vàng, mà sinh tàn ác, bạo liệt, giết nhân tài. Lịch sử gần sáu trăm năm im hơi lặng tiếng. Nay hình tượng “trong ngọc, trắng ngà” của Nguyễn Thị Lộ hiển hiện qua bức tượng đồng Nguyễn Thị Lộ do doanh nhân Nguyễn Hữu Đường công đức. Pho tượng Đức Bà cao 2,71m, nặng 1,4 tấn sừng sững màu đồng, khuôn mặt phúc hậu, đoan trang, dáng đĩnh đạc, tay cầm bút, tay cầm sách, thanh thản uy nghi, tỏa Tình Mẹ vĩnh hằng, được đặt trong khuôn viên đền thờ, trên cái ao hình bán nguyệt ở làng chiếu Hới- Tân Lễ, tỏa sáng tình yêu của người đàn bà trí thức Đại Việt- gọi muôn đời, muôn người tỉnh thức.
Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu, trên tuổi chín mươi, vẫn nhanh nhẹn, minh triết, uyên thâm, về thắp hương cung kính trước hai ngôi đền thờ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ và viết mười hai câu đối. Đền Lệ Chi Viên đề “Lệ Chi Viên Thần Nữ” và “Trung trinh tiết liệt”. Giáo sư bảo “Trung trinh tiết liệt” là câu cụ Nguyễn Trãi tặng cụ bà Nguyễn Thị Lộ trong cuộc gọi hồn ở đền thờ Bà tại Khuyến Lương do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng linh ứng.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc trào nước mắt. Niềm ao ước tâm linh bấy lâu chìm ẩn, nay hiển hiện thành hai ngôi đền và bức tượng đồng gội nắng mưa xứ sở, tôn vinh, thờ phụng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Du khách trong ngoài nước đến thăm, chiêm ngưỡng pho tượng Đức Bà Nguyễn Thị Lộ. Mỗi người thắp một nén nhang thơm, dâng một bông hoa trắng, trồng một cây hoa trong thơ Nguyễn Trãi, nhắc nhau sống có ích, trong kiếp sống hữu hạn, nhọc nhằn.
Cái chết của Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ là sự hy sinh cho nòi giống. Vì chống lại cái xấu, cái ác, sự bất công trong xã hội mà hai cụ phải chết trước lưỡi gươm quyền lực tăm tối. Hồn thiêng hai cụ thăng hoa, bất tử, tràn sức mạnh tâm linh. Nguyễn Thị Anh và đồng bọn đã nhầm, khi chém đầu kẻ sĩ.
Một kỳ tích. Một nhiệm màu gần sáu trăm năm mới có. Những người yêu Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ cảm tạ nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, đã cùng các doanh nhân tiếp hồn cha ông, sáng tạo văn hóa, truyền sức mạnh tâm linh tới con người thời @, tỏa sáng danh thơm Thăng Long- Hà Nội và đất Việt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét