Lưu trữ Blog

10 tháng 1, 2009

Nông thôn và cái "sinh khí mạnh mẽ lắm"


GS Tương Lai

Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, những hàng rởm, hàng giả độc hại, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc?


Đừng quên rằng, sức sống của làng quê cổ truyền hun đúc nên nền văn hóa làng tuy bị kìm hãm bởi những tập tục hủ bại và tiêu cực của lối sống tiểu nông, nhưng không vì thế mà không thấy được rằng “không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”.[1[

“Cái sinh khí mạnh mẽ lắm” ấy đã bừng phát, trào dâng như nước vỡ bờ làm nên Cách mạng Tháng 8, tiến hành các cuộc kháng chiến chông xâm lược đến từ nhiều phía để hôm nay dấn bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Rồi ngay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chỉ tính trong vòng hơn hai thập kỷ sau 1975, hai lần nông thôn và nông dân đã cứu nguy cho nền kinh tế đất nước khỏi sụp đổ. Một là, vào cuối năm 1980 với sự sụp đổ của Liên Xô và khối XNCN Đông Âu, và hai là, cuối 1990 với khủng hoảng ở các nước Đông Nam Á.

Cả hai lần, sản xuất công nghiệp, có lần cả dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm, chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại trên mặt trận sản xuất, nông nghiệp phát triển, mới cứu được cho cả nền kinh tế đã đứng bên bờ vực.

Nông dân, với “văn hóa nông thôn” của mình chính là tác giả của Đổi Mới với “khoán chui” dẫn đến chỉ thị 100 của Ban Bí thư và 8 năm sau có nghị quyết của Bộ Chính trị về “khoán hộ’, trả lại quyền tự chủ cho hộ kinh tế gia đình nông dân, đem lại động lực cho sản xuất. Từ nông nghiệp và nông thôn mà đưa đến những khởi sắc cho đô thị và công nghiệp.

Thế là “cái truyền thống-nông thôn, nông nghiệp, nông dân” đã cứu cho “cái hiện đại - đô thị, công nghiệp” những “bàn thua trông thấy”, nhưng rồi sau đó, những thành quả của Đổi Mới thì dường như nông thôn chỉ được tí chút còn đô thị hưởng trọn!

Có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, phô ra cái thị hiếu hạ cấp, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, những hàng rởm, hàng giả độc hại, đổi lấy những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc?

Chẳng nhẻ lại vô ơn đến thế với người nông dân sao? Những người “Mười cái nhất”: Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất.[2]

Cuối cùng, để đi tìm nguyên nhân của sự kiện “lễ hội phố hoa Hà Nội”, cần trả lời được câu hỏi nữa: Liệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn?

Thế là từ câu chuyện lễ hội phố hoa mở đầu cho năm 2009 với nhiều thách thức nghiệt ngã mà suy tư từ nỗi đau của hoa, hoa của Hà Nội ngàn năm văn vật. Xin được thưa rằng, ở đây chỉ là những hạt cát tạo thành phù sa của con sông cuộc sống, với ý thức rằng ức triệu hạt cát mới tạo thành phù sa, và chính từ phù sa ấy mà những tư tưởng nẩy mầm.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi