HOCMOINGAY Nhà sử học Dương Trung Quốc trên báo Lao Động Cuối tuần số 26 ngày 28/06/2009. đã suy ngẫm về quy trình triển khai chính sách đối với người có công mà chúng ta đang làm. Ông nói lẽ ra Nhà nước nên chủ động đi tìm người có công để khen thưởng, đãi ngộ thì ta lại làm cái chuyện mọi người báo công để cấp trên xét thưởng. Chính vì thế đã làm phiền những người có công thực và tạo ra những kẻ cơ hội "chạy công giả" làm tốn kém tiền của và mất lòng tin của dân. ...
(LĐCT) - Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tôi có một điều muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mà không được vì đăng ký vừa đến lượt mình thì hết giờ chất vấn.
Nội dung này tôi cũng đã trao đổi bên hành lang với bà bộ trưởng. Đó là việc cho đến ngày hôm nay, cố Tổng Bí thư của Đảng là Nguyễn Văn Cừ vẫn chưa được cấp bằng truy tặng liệt sĩ. Cho dù, trong sách giáo khoa và nhiều sách báo đều nói đến việc ông bị thực dân Pháp giải ra pháp trường xử bắn cùng với nhiều vị lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Đông Dương sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại cách đây đã ngót... bảy chục năm rồi. Hỏi vì sao, thì câu trả lời thật đơn giản, chỉ có điều nghe ra thì hơi lạ, là "chưa có ai đứng ra đăng ký báo tử (!)".
Trên diễn đàn chất vấn của Quốc hội, khi có người đề cập đến những trường hợp tương tự thì câu trả lời cũng vẫn như vậy. Điều đó có nghĩa thủ tục ấy là một điều kiện tiên quyết. Đến ngày đi tiếp xúc cử tri, cũng như mọi chuyến đi lần trước, thế nào cũng lại gặp những cụ ông, cụ bà số đông là những cựu chiến binh của mấy cuộc chiến tranh với những tập hồ sơ dày cộp và nhàu nát đến than phiền rằng mấy chục năm nay làm không xong cái thủ tục "xin chính sách".
Có cụ tâm sự rằng tốn kém không ít tiền của và thời gian, lặn lội gõ không biết bao nhiêu cửa mà vẫn không xong. Đặt lên cân thì có khi các khoản chính sách cho không bằng cái mình đã bỏ ra, nhưng các cụ e sợ nhất là sau này cháu chắt nó không tin rằng mình đã đi "làm cách mạng". Có đứa cháu có lẽ vì thương ông, bà mà bảo "thôi chúng cháu không cần ông bà đi làm việc đó nữa, cứ để chúng cháu nuôi", nghe thế các cụ lại càng tủi.
Trong câu chuyện các cụ bảo rằng các cô cậu công chức trẻ có trách nhiệm thụ lý các hồ sơ thường chẳng mấy thông hiểu để thông cảm về cái thời của các cụ nên cứ đòi hỏi cả những cái mà không thể nào có, nhất là thời chiến, rồi bom đạn, nhà cháy, lụt bão, anh em đồng đội phát tán khắp nơi, lưu trữ chưa quen nền nếp, khó lòng mà đủ đầy các loại giấy tờ theo yêu cầu, đó là chưa kể có những lúc hồ sơ trên đường đi qua các cửa lại biến mất, phải làm đi làm lại...
Thật ra, nghiên cứu hệ thống pháp luật chính sách đã có thì không phải là không chu đáo. Với một cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, với những cuộc kháng chiến "toàn dân vi binh", lại kéo dài vài, ba, bốn thập kỷ, thì đối tượng những người có công thật là đông đảo, đa dạng và đương nhiên vì thế làm chính sách là vô cùng phức tạp. Không biết bao nhiêu văn bản điều chỉnh, bổ sung với lòng thành muốn ai có công cũng được thưởng.
Cụ Hồ đã từng khái quát khi bàn về khen thưởng là làm sao cho đúng và kịp thời. Nếu bàn về sự đúng và sự kịp thời trong chính sách đối với người có công ta mới thấy nhiều điều phải nói.
Người nước ta vẫn biết đến nhiều điển tích và theo tập quán của người Trung Hoa, nên còn nhớ cái tích truyện gắn với sự tích Tết Hàn thực. Thời Xuân Thu Chiến Quốc loạn lạc, tại một quốc gia không lớn là nước Tấn, tình hình rối ren, các thế lực tranh giành quyền lực, Công tử Trùng Nhĩ cũng đang bươn chải trong cuộc tranh cạnh giành quyền lực đương thời. kéo dài tới 17 năm.
Xung quanh Công tử Trùng Nhĩ có nhiều người thân tín theo chủ để mong kiếm bổng lộc, lợi quyền khi chủ thành đạt. Trong số đó, có một người ở chức nhỏ là Giới Tử Thôi vốn người tận tuỵ nhưng khiêm nhường. Đến một lần gặp bước đường cùng, bầu đoàn đang đói khát thì Công tử Trùng Nhĩ được Giới Tử Thôi dâng lên một bát thịt đầy, cho chủ nhân qua được cơn bĩ cực. Bát thịt ấy theo tích truyện là cắt từ đùi của kẻ công bộc xả thân vì chủ.
Rồi cuối cùng Công tử Trùng Nhĩ thành đạt, giành được ngôi báu, trở thành Tấn Văn Công nổi danh trong chính sử. Lúc đó những người thân tín đều giành được những bổng lộc cho mình. Riêng Giới Tử Thôi hoặc không màng hoặc bị quên lãng nên ông trở về cùng mẹ sống bình dị nơi quê nhà.
Đến lúc Tấn Văn Công nhớ ra ân nhân đã cứu sống mình bèn vội tìm đến nhà để ban thưởng. Không rõ vì lòng tự ái hay tự trọng mà câu chuyện kể rằng hai mẹ con họ Giới đã bỏ nhà, trốn vào rừng sâu khiến nhà vua sốt ruột bèn nghĩ kế đem lửa đốt ba phía để mong ân nhân của mình ra khỏi rừng sâu để nhà vua có cơ đáp trả ơn xưa.
Nhưng kết quả là mẹ con họ Giới chết thiêu trong rừng, sự việc xảy ra vào ngày 3 tháng 3 năm ấy vì thế nhà vua ban lệnh hàng năm đến ngày này mọi người không đốt lửa để tưởng nhớ đến người xưa và chuyện cũ...
Tích truyện Tết Hàn thực có thể hiểu theo nhiều cách. Nhưng ứng vào cái việc đang nghĩ ngợi thì thấy rằng phải chăng quy trình triển khai chính sách đối với người có công ngược với quy trình lẽ ra phải làm.
Thay vì Nhà nước chủ động đi tìm người có công để khen thưởng, đãi ngộ thì ta lại làm cái chuyện mọi người báo công để cấp trên xét thưởng. Vì thế mà không chỉ tạo ra những phiền toái cho những người thực có công lại còn tạo ra cái nghịch lý giúp những kẻ cơ hội thay vì báo công thực lại đi "chạy công giả".
Chính trong trả lời chất vấn, bà bộ trưởng cũng phải nói đến hiện tượng "thương binh giả", "lão thành cách mạng giả". Điều ấy không chỉ ngốn của Nhà nước những khoản chi không nhỏ mà tệ hại hơn nó còn làm mất lòng tin của dân và chạm đến lòng tự trọng của nhiều người có công thực sự.
Hồi mới giành độc lập chúng ta nhớ đến hai lần Chủ tịch Chí Minh viết bài cho đăng trên báo như lời bố cáo yêu cầu các địa phương phát hiện nhân tài tiến cử cho quốc gia và nhận lỗi về mình vì đã chưa biết tới những người có tài được mời ra gánh việc nước. Đó cũng là cách ông cha ta đã làm khi nhiều triều đại đã ban "chiếu cầu hiền". Mà đã cầu hiền thì khi sự nghiệp thành công thì việc tìm người có công để ban thưởng cũng là lẽ đương nhiên.
Mới đây, nhân theo dõi đề tài nghiên cứu lịch sử kháng chiến vùng Nam Bộ, tôi được biết đến một nhân vật nay năm nay đã bước vào tuổi lục tuần. Ở độ tuổi đôi mươi, cô gái vùng Đất mũi Cà Mau ấy đã từng tham gia nhiều hoạt động vũ trang ở địa phương và trực tiếp lập chiến công lớn khi mưu trí và dũng cảm đánh đắm một hạm tàu lớn của Mỹ, cách đây đúng 40 năm (10.1969).
Chị kể rằng đánh thắng xong thì cũng là lúc chị trở về quê rồi sinh con, lo việc nhà, rồi thấy chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất hoà bình chị cũng chẳng có dịp liên hệ với đơn vị cũ. Vả lại nhớ đến nguyên tắc giữ gìn bí mật cho trận đánh, chị cũng chẳng bao giờ kể lại trận đánh với ai cả và đương nhiên cũng chẳng viết đơn báo công hay xin chính sách.
Mãi tới gần đây, phải nhờ một vị lão thành có uy tín, những người viết sử mới gặp được chị để lấy tư liệu và phải khó khăn lắm chị mới chịu "vi phạm nguyên tắc" kể lại chiến công xưa...
Tuy đã đứng tuổi, nhưng chị rất hồn nhiên xem những chiến công mà nhiều người đánh giá là "hiển hách" ấy như một cái gì rất bình thường mà hoàn cảnh đất nước khi đó khiến chị hành động như một lẽ thường tình. Hỏi lúc này chị ao ước gì nhất, thì câu trả lời cũng rất thật và hồn nhiên là được ra Hà Nội thăm Lăng Bác.
Cách đây đã lâu, trên mục "Nghĩ ngợi cuối tuần" tôi đã viết bài "Những tấm huân chương bị bỏ quên", thì mới đây, sau sáu thập kỷ kể từ ngày Bác Hồ ký sắc lệnh, những tấm huân chương ấy đã được trao.
Còn có biết bao nhiêu người có công mà chưa được ai biết tới thì chắc chắn là không ít, phải chăng một phần vì chúng ta làm theo quy trình ngược?
Dương Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét