Lưu trữ Blog

10 tháng 12, 2012

Những góc nhìn thơ hậu hiện đại


HỌC MỖI NGÀY.
Ý đẹp lời hay nhớ mãi. Nguyễn Trãi: Chữ học ngày xưa quên hết dạng. Chẳng quên có một chữ cương thường. Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại, chỉ có thơ hay và thơ không hay. Thơ đích thực không cầu kỳ cao siêu và không bao giờ tục tĩu, vô văn hóa cả. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng.Ngôn từ không sáng, không đẹp và không mang lại cảm xúc nhân văn và thẩm mĩ cho người đọc thì không thể gọi là văn chương. (Giếng Ngọc Tao Đàn , ảnh HTN)



Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng
trong bài Vili bay cao nữa đi ! đã viết: "Đêm 1-12-2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra một hiện tượng chưa từng có: một buổi trình diễn thơ văn của nhà thơ nữ trẻ Vi Thùy Linh với tên gọi là Bay cùng ViLi. Nói là chưa từng có vì chưa lần nào việc giới thiệu sách mà lại có sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ tài danh cùng sự có mặt của hàng trăm những người yêu mến văn thơ. GS Vũ Khiêu 97 tuổi cũng chống gậy đến dự cùng không ít quan chức ở trung ương và thủ đô. Một số khách quốc tế , trong đó có Đại sứ Italia cũng tham dự (vì sách in song ngữ).Các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh cùng thần tượng của mình và hai tập sách do NXB Hội nhà văn mới phát hành (Vili & Paris, Vili tùy bút) không có đủ để bán và tác giả đã mỏi tay để đề tặng."  Xung quanh những góc nhìn thơ hậu hiện đại mà "Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. Ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam" nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét (1). Thủy Tím (2), Chữ Thu Hằng (3), Hà Trọng Đàm (4), Huy Việt (5) ... đã chia sẽ nhiều ý kiến thú vị. Tôi lưu lại một số trích đoạn và  góc nhìn để cùng bạn đọc suy ngẫm (tiêu đề các mục dưới đây là do Hoàng Kim đặt, ảnh trên là trong blog GS. Nguyễn Lân Dũng). Góc diễn đàn về chuyên mục này tại đây


NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP:
 

Nguyễn Huy Thiệp  (1)

"Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã. Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức). Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học. Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. Ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam" (Nguyễn Huy Thiệp)


Thúy Tím (2)
"Khi người ta làm thơ tự do. Người ta đi theo cảm xúc của mình. Không phải người làm thơ tự do không biết gì về tất cả các loại thơ niêm luật. Nếu anh ko biết gì, hiểu gì về vần điệu và niêm luật của các thể thơ cổ điển thì bài thơ tự do của anh đọc lên sẽ trúc trắc không vần điệu. Rất khó chịu. tôi lại cho rằng người viết thơ tự do hay là người đã bay qua cánh đồng thơ cổ điển và hòa nhập được với cánh đồng thơ mới đang ăm ắp bội thu trên thế giới. Họ là người chịu đọc, đọc rộng và đọc đa chiều hơn những người khác.
Làm thơ cũng giống như hành xử đạo đức. Không phải ông cứ mũ cao, áo dài, quần là phẳng, cười tươi tắn thì ĐẠO ĐỨC hơn những kẻ trông nhếch nhác lam lũ đâu. Không phải ông lên sân khấu tổ chức trao học bổng 5 triệu thì ông vĩ đại và đáng kính hơn một người quét rác bỏ 500 đồng vào ống bơ của thương binh cụt tay đâu.
Theo tôi: Khi điều người ta muốn diễn tả rộng lớn thì tạo ra một trường ngôn ngữ rộng lớn. Khi cảm xúc nhỏ bé, riêng tư thì diễn tả bằng vài dòng, thậm chí vài chữ. Thể loại thơ xét cho cùng chỉ là hình thức để bộc lộ cảm xúc đó. Giống như đứa con sinh ra: Nó là thế: Đẹp, xấu, lành, sứt ...vô thường.Đối với mẹ nó thì nó hoàn hảo, nhưng cái khiến người ta nhớ đến nó chính là thứ cảm xúc mà nó tạo ra cho người tiếp xúc với nó kia. Thơ tự do có chỗ đứng chính bởi thứ cảm xúc đó.
Không thể nói bất cẩn rằng cứ viết lục bát hay thơ niêm luật thì mới là nhà thơ chân chính, sâu sắc, có học. Còn nếu ra khỏi trường phái đó thì toàn là bọn ngu ngốc nông nổi. Vậy sao ông NHT đưa CỨT vào văn của mình? Xưa nay có ai làm thế đâu? Đã bao đời nay ta nấu cơm bằng lá khô, rơm rạ, củi, than. Rồi bây giờ toàn là nồi cơm điện. Vậy người nấu bằng nồi cơm điện ngu hơn người nấu nồi cơm vần tro bếp hay sao? Những người đang gõ vi tính đều ngu ngốc, nông cạn hơn những người viết trên thẻ tre hay sao???

Lại còn nữa. Hiện nay hầu hết các câu lạc bộ thơ sản xuất loại mà NHT gọi là thơ bình dân (!) lại có đến 90% là thơ lục bát, thơ tứ tuyệt và các thể thơ niêm luật khác. Ô, hô, hô.. hóa ra điều chứng minh của ông này lại chính là phản biện của ông ta ư???. Xin lỗi được nói như NHT một câu nhé: "CỨT THẬT!"
Tôi thực sự thất vọng lớn khi đọc nhận xét trên đây của NHT. Hóa ra đầu ông này cũng..."
(Thúy Tím

 

TRAO ĐỔI CỦA NỮ SĨ CHỮ THU HẰNG:

Chữ Thu Hằng (3)

Chữ Thu Hằng không thủ cựu, và cũng luôn cố gắng trau dồi kiến thức của mình để không lạc hậu với những đổi mới của thơ ca. Tuy nhiên, với một số cái được gọi là "thơ hậu hiện đại", Chữ Thu Hằng cũng chịu không thể tìm ra nó hay, nó đẹp, nó thâm thúy ở chỗ nào. Hai bài viết của tác giả Triệu Lam Châu phần nào lí giải được những điều Chữ Thu Hằng trăn trở. Sau rất nhiều đắn đo, Chữ Thu Hằng quyết định chỉ mang đường link về trang để chia sẻ cùng bạn bè, vì không muốn ngôi nhà của mình bị vẩn đục bởi những cái gọi là "thơ hậu hiện đại" đó.

Xin cảm ơn các bạn cùng chia sẻ mối quan tâm của Chữ Thu Hằng.

http://vannghecuocsong.com/home/vi/news/Nghe-thuat/Phai-chang-tho-hau-hien-dai-Viet-Nam-chap-nhan-vo-van-hoa-512/
http://vanthoviet.com/news/n/493/6612/them-mot-bang-chung-ve-su-vo-van-hoa-cua-tho-hau-hien-dai-viet-nam.html?l=vn


Ý KIẾN CỦA ÔNG HÀ TRỌNG ĐÀM

Hà Trọng Đàm
(4)

 
Cảm ơn chị Chữ Thu Hằng đã mang bài viết của Triệu Lam Châu về cho bạn đọc tham khảo .

Tôi đã đọc những bài của NHHM sáng tác mấy chục năm về trước phát tán bằng tờ in vì chưa phát triển intenet như bây giờ . Tôi đã theo dõi những cuộc diễn đàn từ tập KHÁT của Vi Thùy linh , đã được đọc các bài thơ gọi là hậu hiện đại .

Nhiều người dùng những mĩ từ khen hết lời : Dòng thơ bác học , thơ cần giải mã , thơ chọn người đọc , thơ có tầng ngôn ngữ ..v..v

Ông Trần Mạnh Hảo đã tranh luận trên Văn Nghệ Trẻ , khẳng định là phương tây một thời phá cách rồi cũng vào ngõ cụt ...Kêu gọi hãy giữ gìn bản sắc thơ Việt , đừng như đàn voi hít hà bã mía .

Ai cũng biết , chưa một tập sách nào anh Gia Dũng tuyển chọn có bài thơ kiểu hậu hiện đại . Anh Nguyễn Trọng Tạo chưa viết bài nào theo lối hậu hiện đại mặc dù đã từng khen thơ Vi Thùy Linh .

Tự do sáng tác . Đặc tính của văn chương là vậy , vì thế mới có nhiều cách viết , nhiều cách thể hiện ...Nhưng ca dao tồn tại qua thời gian vì nó là thơ của vạn nhà .

Với những giờ phút thăng hoa với những câu thơ hay thì ai cũng xứng danh là thi sĩ . Ta nhận ra người quen qua dáng đi từ xa , qua mấy câu nói chuyện qua điện thoại ...Là ai trong văn chương còn quan thiết hơn nhiều . Văn của ai , thơ của ai ...Định hình phong cách riêng không dễ , cả đời làm thơ chắc gì đã có bài thơ hay hoặc câu thơ dễ nhớ...

Thời chiến tranh tôi gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ được cụ tâm sự : Cả đời viết về thôn trang vẫn thấy chưa hết những điều cần viết , viết cho ai , ai sẽ đọc .

Với tôi không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại , chỉ có thơ hay và thơ không hay . Thơ hay là thơ nói được tiếng lòng tôi , đọc thơ bạn tôi tìm thấy chút tôi trong đó , đọc xong rồi phải đọc lại thêm lần .

Lan man vài dòng vậy , Cảm ơn và chúc chị Chữ Thu Hằng cùng gia đình luôn bình an, nhiều niềm vui, nhiều thành công trên văn đàn . (Hà Trọng Đàm)


 

HUY VIỆT: THỬ LÝ GIẢI VỀ THƠ HẬU HIỆN ĐẠI Huy Việt (5)
Nhân đọc bài “Phải chăng thơ hậu hiện đại Việt Nam chấp nhận sự vô văn hóa ?” trong nhà Chử Thu Hằng, tôi định comment, nhưng xem chừng không đủ “giấy” nên dành cho nó một entry. Tôi cũng muốn quý vị hãy theo đường link trong nhà CTH mà đọc, trước khi đọc bài viết này. Tình thực tôi “không dám” trích dẫn những bài thơ ấy về để trong nhà mình. Thank.

Từ lâu tôi đã nghe tiếng Bùi Chát và Lý Đợi cũng như một số nhân vật nữa, nhưng không quan tâm, chỉ khi đọc bài viết trên thì tôi “để mắt” tới. Tôi có thói quen xem kỹ rồi thoát ra, đứng ngoài suy ngẫm, như vậy sẽ có cách nhìn khách quan hơn. Tôi không chung suy nghĩ như nhiều bạn khác.

“Cân bằng động” là quy luật tất yếu của bất kỳ quá trình nào, chính nó tạo ra sự ổn định và phát triển, chẳng khác nào âm dương đắp đổi. Cái này trong lý thuyết trường gọi là nguyên lý ảnh, khi bên này xuất hiện một điện tích dương thì bên kia lập tức xuất hiện điện tích âm. Trong giao tiếp của con người nếu như xuất hiện một thái cực nào đó (tựa như trạng thái cực đoan) thì lập tức xuất hiện thái cực đối lập để cân bằng. Kể cả đôi bạn “tri âm, tri kỷ” khi tâm sự với nhau, nếu bạn mình bốc đồng nóng quá, thì phải “dội gáo nước lạnh”, ngược lại nếu bạn mình tủi quá, lạnh quá thì mình phải “đốt lửa” lên. Đó cũng là lẽ thường tình, có như vậy mới tạo ra sự cân bằng. Trong một tập hợp xã hội nào đó, nếu có kẻ nào đó sắm vai “nguỵ quân tử”, mang danh tập hợp nhưng lại “bốc thơm” thiếu lành mạnh để mang lại lợi ích cá nhân hay phe nhóm; thì lập tức sẽ xuất hiện những kẻ “chân tiểu nhân” với ngụ ý “hãy xấu như tôi còn hơn”, hãy hiểu nó như là “thông điệp của kẻ phá đám”.

Ta thử hình dung một câu chuyện không có thật như sau:

“Có một cuộc họp nhóm đang diễn ra, vợ của kẻ chủ trì đến. Anh ôm hôn vợ rồi theo đà làm những động tác không thể chấp nhận được để đến lúc cô ta không mảnh vải che thân. Bao kẻ khó chịu nhưng dường như chủ trì không chú ý hay là coi thường mọi người thì không rõ. Một người trong đám đó như vô ý đã lấy tờ báo trải ra cạnh rồi tụt quần làm một bãi. Đến lúc đó đôi kia mới dừng tay”.


Trong câu chuyện trên, đôi kia là tình yêu (tất nhiên không đúng chỗ), còn kẻ bĩnh ra nào phải tình yêu, chỉ là phá đám (nhưng phá đám đúng chỗ). Nếu tôi phê phán người phá đám một thì phải phê phán kẻ kia hai vì nó đẻ ra kẻ phá đám.

Trong thời gian qua “văn học nghệ thuật chính hiệu” của chúng ta nói chung và “thơ chính hiệu” của chúng ta nói riêng có những “hành xử”, những “thiên hướng” khó chấp nhận. Cái này đã tốn rất nhiều “giấy mực” của các nhà phê bình, đặc biệt là Trần Mạnh Hảo. Trong bối cảnh đó “THƠ HẬU HIỆN ĐẠI” xuất hiện như một thực tế khách quan.

Tóm lại:
1) Cái gọi là “THƠ HẬU HIỆN ĐẠI” thực ra là thơ phá đám thơ.
2) Cần phải phê phán một số cách “hành xử”, những “thiên hướng” khó chấp nhận trong “thơ chính hiệu” (lưu ý tôi đặt thơ chính hiệu trong dấu “…”). Cái này đáng phê phán gấp đôi thơ phá đám. (Huy Việt)



Ý ĐẸP LỜI HAY NHỚ MÃI

- Nguyễn Trãi: Chữ học ngày xưa quên hết dạng. Chẳng quên có một chữ cương thường

- Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.

- Không có thơ hiện đại và thơ không hiện đại, chỉ có thơ hay và thơ không hay.

- Thơ đích thực không cầu kỳ cao siêu và không bao giờ tục tĩu, vô văn hóa cả.

- Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng.Ngôn từ không sáng, không đẹp và không mang lại cảm xúc nhân văn và thẩm mĩ cho người đọc thì không thể gọi là văn chương.

Trở về trang chính
Hoàng Kim

HỌC MỖI NGÀY
DẠY VÀ HỌC
DANH NHÂN VIỆT

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi