Nguyễn Văn Khoan
Lao Động số 213 Ngày 14/09/2007
(LĐ) - Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tròn 80 năm tuổi. Ngày 12.9.2007, Bộ VHTT-DL đã tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin lược trích và biên tập lại bài viết của ông Nguyễn Văn Khoan tham gia hội thảo này.
Theo nhà báo - học giả Quang Đạm, hai chữ "cách mệnh" từ Trung Quốc "vào" Việt Nam ta có thể là vào những năm xã hội Việt Nam tiếp nhận "Tân thư" của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu - trước, sau vài năm cùng với các tác phẩm từ nước Pháp của R.Descartes, Montesquieu - BT). Chữ "cách mệnh" theo tinh thần của Nho giáo Trung Quốc là "đổi cái mệnh Trời giao cho con Trời (thiên tử) - là vua nếu vua không làm tròn nhiệm vụ, giữ cái mệnh ấy, vì vậy phải giao "sứ mệnh" này cho con Trời khác".
"Nhập cảng" từ Châu Âu với từ gốc Latinh là "Révolution" - có nghĩa ban đầu là "quay lại" - được "vào" Pháp với "Révolution", Anh: "Revolution", Tây Ban Nha: "Revolucion"... Nhiều từ điển phương Tây đều định nghĩa theo từ gốc Latinh: "Vòng quay, sự quay vòng, chu kỳ quay vòng". Nghĩa thứ hai được chú thích thêm là: Biến đổi bất ngờ táo bạo trong cơ cấu kinh tế, xã hội", "bước ngoặt cơ bản, bất ngờ", "thay đổi từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác", "biểu hiện biện chứng của sự phát triển vật chất, xã hội, tư tưởng".
"Sổ tay từ Hán Việt" (NXB Giáo dục VN, 1989) viết: "Cách mạng(1) là một biến đổi và căn bản lớn trong quan hệ xã hội, chính trị, thực hiện thông qua đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoặc biến đổi về căn bản. Quá trình thay đổi lớn về căn bản theo hướng tiến bộ". "Từ điển chính trị bỏ túi" (bản tiếng Việt) của NXB Novoxti, Liên Xô, 1983, tr.6, định nghĩa: "Cách mạng":
1. Biến chuyển sâu sắc về mặt xã hội, giải quyết những mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã lớn mạnh và quan hệ sản xuất lỗi thời, làm thay đổi tận gốc rễ chế độ xã hội và được giai cấp xã hội mới tiến lên nắm chính quyền.
2. Việc chuyển từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng khác, những biến đổi sâu sắc trong lĩnh vực, phạm vi nào đó".
Những định nghĩa trên, tuy ý tứ có đôi chút chưa "nhập" vào nhau chặt chẽ, đều có mặt "thay đổi, tiến bộ" nhưng ít nhiều mang màu sắc giai cấp đấu tranh của chủ nghĩa Mác ở Châu Âu (mà Châu Âu chưa phải toàn thế giới) - Nguyễn Ái Quốc viết vào năm 1924 - chứ không phải ở Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ thực tiễn Việt Nam đã đi đến một định nghĩa (một lý luận) về "cách mạng", để từ lý luận đó trở thành lý luận cách mạng cho cách mạng Việt Nam; "không có lý luận cách mạng Việt Nam thì không có vận động cách mạng Việt Nam".
Vậy Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa như thế nào về "cách mệnh"?
Trước hết, xin lưu ý rằng, những định nghĩa của Châu Âu - kể cả của Châu Á về "cách mệnh" đã "định sẵn" từ lâu trước khi có định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về từ này. Những định nghĩa "bác học" ấy mặc nhiên được coi như "thước ngọc", "kinh điển", "bất di bất dịch". Về một góc nào đó mà xét, việc người nào đó thay đổi định nghĩa ấy - làm cho rõ hơn, sát với thực tiễn của dân tộc mình, đất nước mình để làm lợi cho cách mạng, cũng đã là một hành động cách mạng rồi.
Thứ hai, trước Nguyễn Ái Quốc đã có bao nhiêu bậc lý luận Mácxít nổi tiếng, chủ yếu ở Châu Âu, đã "lăn lộn" với cách mạng, làm nên những cuộc cách mạng ở nhiều nước... thế mà họ không "chịu" thay đổi định nghĩa này. Vậy mà, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc với văn hoá Việt, với truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng mới từ năm 1908, rời nước ra đi năm 1911, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, năm 1927 nhận định "chủ nghĩa Mác chỉ phù hợp với Châu Âu... (về đấu tranh giai cấp...) năm 1927, chưa đầy 20 năm thâm niên hoạt động, chưa đủ 10 năm là đảng viên mà đã (cả gan) đưa ra một định nghĩa mới rất Mácxít, rất Việt Nam. (Tiếc thay suốt một chặng đường dài của phong trào cộng sản công nhân thế giới và ngay cả ở Việt Nam - định nghĩa này - "lý luận" này, "tư tưởng" này chưa được quan tâm đầy đủ!).
Ngay từ trang đầu, chương đầu của "Đường cách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đưa ra một định nghĩa mới - chưa hề có trong các từ điển bách khoa: "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt: Thí dụ ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh..., ông Stephenxoong (1800) làm ra xe lửa là cơ khí cách mệnh... ông Đácuyn (1859) là cách mệnh... ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh". Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh, năm 1952 nhắc lại lần nữa (trước đó cũng đã nhắc nhiều) rằng: "Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn có những người... có công với cách mạng, song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng, hại đến tổ quốc, nhân dân(2)".
Như vậy, rõ ràng là không phải ở một con người, một đảng, một nhà nước... chỉ làm cách mạng một lần là thôi, là đủ. Vì cách mạng có vận động, làm, tìm được, xây dựng nên cái "mới" rồi, cái "tốt" rồi, nhưng do nhiều nguyên nhân cái mới đang có, cái tốt hiện hành, đã trở thành cũ, xấu, đòi hỏi một cuộc cách mạng "phá cái xấu, đổi ra cái tốt, phá cái cũ đổi ra cái mới"...
Có quá nhiều bài học xác minh vững chắc định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về "cách mạng". Cách mạng không phải chỉ làm một lần đánh đổ đế quốc, phong kiến là xong, mà cách mạng là phải luôn luôn đổi mới, ngay trên cái mới đã cũ, cái tốt cũ đang dần dần xấu đi...
Định nghĩa "cách mệnh" trong "Đường cách mệnh" 80 năm trước đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận cũng như về thực tiễn.
Mỗi người dân Việt Nam, dù là cán bộ cấp cao đến dân bình thường đều có thể suy ngẫm định nghĩa "cách mệnh" này của Bác để "xoá bỏ cái xấu, cái cũ" trong con người mình - nhất là trong con người cách mạng, tạo nên cái tốt, cái mới, bớt đi cỏ dại, để cho vườn hoa dân tộc - đất nước, mãi mãi đẹp tươi.
----------------------------
1/ Trên các số báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo không thấy từ "cách mệnh", mà là "cách mạng", như "cách mạng Tàu" (số 64, 10.10.1925), "Nước Nga cách mạng"; "chủ nghĩa cách mạng"; "người cách mạng"; "phong trào cách mạng bên Mỹ"; "cách mạng Pháp" (số 65, 17.10.1926). 2/ Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 6, tr.490
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét